23/10/07

SẮN XÃ LUẬN

Xin thắp một nén hương cho bạn tôi
và chia sẻ với bạn
một chuyện vui lúc nhỏ nơi trần thế


Số phận đã may mắn cho tôi biết đến món ăn này từ khi tôi còn làm việc như một liên lạc viên cho "Bộ chỉ huy" nghĩa là do việc được tiếp xúc thường xuyên với các "ông Tướng" hoặc chí ít cũng là các sỹ quan cao cấp trong Bộ. Cái bộ chỉ huy ấy được thành lập không biết do sáng kiến của ai nhưng nó là trò chơi con trẻ " hoành tráng" nhất và thu hút nhiều người tham gia nhất ( tất nhiên chỉ là con trai thôi ) ở Trại lúc bấy giờ và hoàn toàn phù hợp với không khí kháng chiến ( vào thời điểm ấy ) của toàn dân tộc. Ngoài những việc như tổ chức chia phe đánh trận giả, "Bộ chỉ huy" thường có các hoạt động không mang tính chất "Quân sự " lắm như phân công cán bộ chiến sỹ quét sân nhà ông Lê (địa điểm trú đóng thường xuyên của " Bộ chỉ huy" ) hoặc múc nước giếng lên đổ đầy chum hay đảo rơm phơi trên sân hộ nhà chủ …v.v.
Đứng đầu " Bộ chỉ huy " lúc ấy là hai ông tướng mà nay quy luật khắc nghiệt của cuộc đời đã cướp đi cuộc sống của họ rồi, có bao nhiêu sỹ quan còn lại trong cái Bộ ấy thì tôi không còn thể nhớ nổi nữa vì do việc phong chức cho các sỹ quan dưới quyền của Bộ chỉ huy lúc đó cũng tương đối tuỳ tiện và đặc biệt là không có văn bản.
Do nguồn lương thực hạn hẹp lúc thời chiến nên ngoài những bữa cơm chính của trại trẻ thỉnh thoảng " Bộ " cũng có liên hoan nhưng thức ăn của các buổi liên hoan ấy tối đa chỉ là hai món và chủ yếu là dưới dạng củ, quả như mít, ổi xanh, sắn thuyền hay khoai, sắn nướng,và chính nhờ những buổi liên hoan với các sỹ quan cao cấp trong " Bộ" tôi mới biết được cách chế biến đơn giản nhưng tuyệt vời của các món ăn này. Món sắn nướng giấy báo là món tôi khoái khẩu nhất hay cũng có thể là vì định lượng khẩu phần quân nhân lúc ấy không thể làm "ấm lòng chiến sỹ" được nên hương vị của nó càng trở nên ngon với tôi một cách lạ kỳ
Tôi và một ông làm công tác Hậu cần của Bộ (Ông Hà Tĩnh - Thật tội nghiệp vì bạn tôi nay đã mất ) thường chỉ được giao làm nhiệm vụ sơ chế như rửa sạch, bóc lột vỏ sắn phần chế biến còn lại do một sỹ quan nào đó của Bộ đảm nhiệm, thế nhưng tôi nhớ rất rõ sắn được rửa sạch ra sao, giấy báo được nhúng nước ướt và gói bọc bên ngoài như thế nào rồi vùi xuống tro rơm nóng sau đó khi sắn chín đem lột hết giấy báo ra và nướng hơ lại trên than hồng để khi ăn miếng sắn dòn, vàng ruộm và thơm phức, chỉ có điều một số chữ in trên báo bị dính vào miếng sắn, nhưng thực ra vấn đề này cũng không quan trọng lắm vì những chữ này bị ngược rất khó đọc và chúng tôi ( kể cả những lãnh đạo cao cấp nhất trong Bộ chỉ huy ) cũng không kịp đọc nó trước khi đưa lên miệng.

Vào một dịp " Cải thiện " như thế, tôi được phân công cùng ông Hà Tĩnh đi sơ chế cái món sắn nướng giấy báo nổi tiếng này. Toàn bộ số sắn chỉ có bốn củ, nó nhỏ lắm , chỉ như cườm tay của trẻ con và không biết được cung cấp bởi nguồn nào, hình như là do đi mót được, do xin hay đổi bánh kẹo gì đó với con nhà chủ cũng không biết nữa. Vì có sự nhòm ngó của quá nhiều cán bộ chiến sỹ khác cũng như không được để lộ công việc cho các cô, bác bảo mẫu của trại, tôi và Hà Tĩnh nhận được chỉ thị phải lột vỏ sắn tại vườn mít nhà Bà Hoàn, một địa điểm giáp ranh với khu vực trú đóng của Bộ chỉ huy. Thực ra nó chỉ cách căn nhà của Bộ chỉ huy một khoảng sân hẹp sau đó tới giếng nước và hàng rào cây Găng nên chúng tôi cũng không phải đi lại vất vả gì và công tác sơ chế cũng rất thuận tiện vì gần giếng.
Vườn mít mát mẻ và rậm rạp, chẳng ai thấy chúng tôi cả, vườn lại nằm sau lưng nhà bà chủ, phía trước sân nhà bà phơi sắn lát, công việc thì không đến nỗi khó khăn vả lại bốn củ sắn nhỏ được bóc trong khí thế ẩm thực hừng hực nên không mất mấy thời gian. Trước khi đem về giếng rửa, không biết xui khiến thế nào tôi lại nhìn thấy trên sân qua khoảng hẹp đầu hồi nhà bà Hoàn một củ sắn lớn. Những thiếu thốn về lương thực thường niên tại các bữa ăn của trại trẻ cộng với kinh nghiệm hiểu biết thực tế về cách chế biến món sắn nướng hội tụ thành một quyết tâm sôi sục trong người tôi. Gần như đồng thời ông bạn tôi cũng phát hiện ra củ sắn mà lúc đó chúng tôi cho là vô chủ. Cho đến giờ tôi vẫn nhớ như in về chi tiết của cuộc trao đổi ngắn giữa chúng tôi lúc đó:
- Mày thấy củ sắn không ?
- Có
- Lấy chứ ?
- Nhưng nướng ở đâu ?
- Đừng lo
Và thế là chúng tôi hành động.
Khi bạn rơi vào những hoàn cảnh khó khăn đặc biệt, chính cuộc sống sẽ dạy cho bạn những kỹ năng để tồn tại. Dĩ nhiên là trong trường hợp này sắn của Bộ chỉ huy phải được nướng ở một chỗ khác rồi, nó được giao lại cho một "Sỹ quan" nào đó chế biến tiếp, còn chúng tôi thì bận bịu với công việc riêng của mình. Do tính chất không hợp pháp lắm của củ sắn nên chúng tôi tính toán chỉ sử dụng bếp sau khi bốn củ sắn của Bộ chỉ huy được chế biến hoàn tất. Loay hoay thế nào không biết nữa chúng tôi cũng kiếm được báo và nhúng ướt để bọc nó thế nhưng việc giấu củ sắn đã bọc báo ướt thật không đơn giản chút nào. Củ sắn quá to, kích thước của nó chí ít cũng phải gấp đôi hay gấp ba so với củ sắn của" Bộ". Cuối cùng chúng tôi cũng tìm được chỗ giấu thích hợp – vùi nó vào cây rơm cạnh bếp.
Hồi trẻ, khi còn ít tuổi, khi sự hồn nhiên còn đầy ắp trong tâm hồn, bạn thật khó giấu giếm điều gì trong lòng, mọi biểu hiện để muốn giấu giếm một điều gì đó nó cứ lồ lộ ra ngoài, không cầm được. Chúng tôi cũng vậy, thay vì phải lảng đi thì lại cố gắng giữ một khoảng cách gần nhất với cây rơm, làm vu vơ một chuyện gì đó và thậm chí là bắt đầu hát, hát lộn xộn, không ra bài, thỉnh thoảng lại nhìn về nơi chôn giấu củ sắn hoặc nhìn nhau mỗi khi có người tới gần. Nhịp tim thì khỏi phải nói, nó giống như một cái trống đình được treo trên cuống phổi tiếng của nó như muốn vỡ ra trong lồng ngực và nghẹt thở.
Rồi sắn của "Bộ" cũng chín nó được đem lên chia phần tại gian nhà trên, nơi các sỹ quan cao cấp của Bộ chỉ huy đang chờ đợi, mọi người chẳng ai chú ý tới chúng tôi nữa, chúng tôi hành động nhanh, lấy sắn ra khỏi cây rơm, đem vào bếp vùi ngay nó xuống lớp tro rơm còn nóng hực, quyết định sáng suốt nhất của chúng tôi lúc đó là không đem nướng lại trên than sau khi sắn chín nữa vì sợ bị lộ. Cũng chẳng vất vả gì khi mang củ sắn đã nướng chín ra khỏi bếp, chỉ việc lấy que kều rơm xiên nó vào một đầu và chui lại qua vườn mít bà Hoàn. Do không được nướng lại nên củ sắn chín sau khi được bóc giấy báo ra trông trắng ngà, chín nứt và bốc khói, nhưng trên thân nó có nhiều chữ ở tờ báo dính qua.
- Chữ gì nhỉ ?
Bạn tôi hỏi khi chúng tôi cùng lột lớp giấy báo cuối cùng trên thân củ sắn, nó cố gắng xoay người len qua vai tôi trong căn hầm chữ A (nơi chúng tôi quyết định lấy làm địa điểm tổ chức tiệc) để hướng thuận chiều chữ trên củ sắn cho dễ đọc
- Tao không biết, chữ ngược khó đọc quá – tôi lầu bầu trong hồi hộp
- Xa.. ã…lu.. ân – Nó nheo mắt và cố đọc thì thào
- Xã luận , đúng rồi, sắn xã luận - cuối cùng nó khẳng định
Và chúng tôi cùng cười
Bữa sắn hôm đó ngon tuyệt.
Cho tới giờ, khi đầu đã hai thứ tóc, sau khi lặn lội đây đó đã nhiều, đã nếm không biết bao nhiêu món ăn ngon, lạ cả ở xứ ta lẫn xứ người, chẳng bao giờ tôi có lại được cảm giác ngon một cách mỹ mãn như thế nữa khi chúng tôi "chén" củ "sắn xã luận'' hôm ấy. Nó ngon một cách kỳ lạ, thơm phức và chín bùi.
Năm ngoái, khi có chút công việc nhỏ, tôi cùng hai anh bạn đồng niên ( trước đây trong kháng chiến chống Mỹ cũng từng đi sơ tán nhưng khác trại trẻ) phải tới lãnh sự quán Zimbabwe ở Kualalumpur để xin cấp thị thực, buổi trưa chúng tôi vào một nhà hàng Tàu ăn uống, do có thời gian chờ duyệt hồ sơ ở lãnh sự nên cao hứng chúng tôi gọi món ăn đầy bàn và ăn uống ngân nga. Sau khi chén đủ "Sơn sản " " Hải sản " bất giác tôi nhìn thấy bàn của mấy người Ấn Độ ngồi bên cạnh kêu bánh Nann, thứ bánh này nó tựa giống cái bánh "nắp hầm" bằng bột mỳ của nhà mình lúc chiến tranh, tự nhiên tôi lại nhớ tới cái món " sắn xã luận " và đem chuyện ra kể với mọi người, chúng tôi được một trận cười vui vẻ, cười sảng khoái, ngặt nghẽo hồn nhiên như con trẻ trong nỗi nhớ da diết về một thời lúc còn thơ trẻ ở quê nhà .

Saigon, tháng 10/ 2007, Vũ Quốc Lộc

1 nhận xét:

  1. Truyện hay!
    Tôi nhớ lúc mới nhận được bài viết này, khi đọc lần đầu tiên, cứ thấy mùi sắn nướng thoảng đâu đây!
    Sau tôi mới nghĩ lại rằng, chắc chẳng có củ sắn nào gần đấy, mà đó là mùi sắn nướng bay ra từ hồi ức của mình!
    Mà sao vừa đọc đến Hà Tĩnh, khuôn mặt và cái đầu cắt ngắn dài như quả xoan, với vẻ dí dỏm của Tĩnh đã hiện ra!
    Thế mà từ bao lâu nay không ai nhớ ra Hà Tĩnh con chú Hà Văn Hạp(tức chú Diệu Bình)! Sau hỏi lại mới được Lộc cho biết Tĩnh đã không may ra đi vĩnh viễn ở xứ tây!
    Trí nhớ của Lộc luôn đưa đến sự bất ngờ!

    Trả lờiXóa