23/3/08

Hải Đường với sự nghiệp công nghệ thông tin ngành thuế

Như trong một gia đình, các bạn thành viên TTST BND chắc sẽ cảm thấy phần nào tự hào pha lẫn những chia sẻ vui mừng khi thấy ai đó trong chúng ta được mọi người biết đến tài năng thông qua các phương tiện thông tin đại chúng. Điều này xuất phát từ một lẽ rất giản dị. Chúng ta biết, để nhận được sự đánh giá như vậy, bạn của chúng ta đã phải trải qua những năm tháng lao động và phấn đấu không ngừng. Mà lao động và phấn đấu hết lòng chính là những phẩm chất tốt đẹp nhất chúng ta đã tiếp nhận được từ thế hệ trước, cha mẹ mình, từ những năm tháng thơ ấu gian khó của mình.

Chị Hải Đường là một người đã gắn bó với sự nghiệp công nghệ thông tin của ngành thuế từ hàng chục năm nay, hiện đang giữ cương vị Cục trưởng Cục Công nghệ Thông tin thuộc Tổng cục Thuế. Trông cái cách giải quyết công việc hàng ngày bây giờ của chị khó ai có thể tưởng tượng được cô bé mắc tật mút tay ngày nào cách đây …40 năm lại có thể năng động và tháo vát đến như vậy. Năm 2006, chị vinh dự được tôn vinh là một trong bảy lãnh đạo công nghệ thông tin xuất sắc nhất khu vực Đông Dương và nhận giải thưởng của PC World. Không giống với nhiều ngành nghề khác của Việt Nam, ở Bộ Tài chính, việc tin học hóa các hoạt động nghiệp vụ tài chính có liên quan đến sự sống còn của ngành quản lý tài chính nói chung và ngành thuế nói riêng. Mặc dù là đơn vị có chuyên môn thuộc về một lĩnh vực mang tính dịch vụ, song Cục Công nghệ Thông tin có vai trò cực kỳ quan trọng đối với các hoạt động của Tổng cục Thuế. Tin học chính là công cụ đắc lực giúp cho Nhà nước thu được ngân sách quốc gia. Nói đến Hải Đường, người trong cơ quan nghĩ ngay đó là một công chức luôn sâu sát công việc, nắm chắc các vấn đề chuyên môn nghiệp vụ, quan tâm đến đời sống anh chị em làm CNTT. Đối với cấp trên thì đó là một cán bộ luôn nhạy bén kịp thời trước yêu cầu của các đơn vị chuyên môn liên quan, chủ động đề xuất những giải pháp mang tính tự động hóa cao, vừa giảm thiểu những tiêu cực luôn là mối bức xúc của các doanh nghiệp đối với cơ quan thuế, vừa giảm công sức của cán bộ công nhân viên trong ngành. Còn riêng đối với những người làm công nghệ thông tin, trong cũng như ngoài ngành tài chính, nói đến Hải Đường là nói đến một trong số không nhiều người có khả năng cập nhật và tổng hợp thông tin ở tầm vĩ mô.

Các nhà khoa học của Viện Công nghệ Thông tin còn nhớ mãi câu chuyện với chị cách đây gần hai chục năm, khi máy tính vẫn còn là phương tiện chưa gần gũi ở Việt Nam, ngay cả đối với các nhà khoa học chứ không riêng gì với ngành thuế. Hồi đó, khi nhận xét một phần mềm quản lý tài chính do Viện Tin học phát triển, chị đã thẳng thắn kết luận nó không có giá trị sử dụng. Thực tế ngày ấy, trước các quan chức cấp cao của Bộ và các nhà khoa học máy tính hàng đầu Việt Nam thì chỉ có những người táo tợn lắm mới dám phát biểu như vậy. Lý lẽ của chị thật giản dị: chương trình này đem áp dụng ở bộ nào cũng được, ngành nào cũng được thì chứng tỏ nó đã không được viết dựa trên những đặc tính riêng của ngành Tài chính, và như vậy, rõ ràng tính ứng dụng chuyên ngành không cao. Vấn đề chị nêu ra ngày đó đến hôm nay không còn là điều tranh cãi nữa. Nó đã được những hãng phát triển phần mềm lớn trên thế giới như Microsoft, IBM, HP…đúc kết thành lý luận và người ta đã gọi đó là một trong những triết lý công nghệ quan trọng. Nhớ lại khi đó, thế giới công nghệ chia làm hai phe. Một phe thường được gọi là “vị công nghệ” luôn cho rằng xử lý thông tin là ngành hoàn toàn mới với nhân loại, nên nghiệp vụ của nó phải mang tính dẫn dắt, nghĩa là sản phẩm do các nhà phát triển viết ra luôn được xem như mẫu mực về quy trình nghiệp vụ, người dùng phải thay đổi lại toàn bộ tư duy. Suy nghĩ này bất chấp những điều kiện mang tính riêng biệt trong xã hội và kết luận đó khiến cả thế giới lo lắng về một sự tàn phá của “ngành công nghiệp chất xám”. Nhưng phe còn lại thì cho rằng công nghệ thông tin chỉ là công cụ của “tư duy hoàn hảo” và quy trình nghiệp vụ luôn là một khái niệm thay đổi không ngừng theo sự lớn mạnh của công nghệ, vì vậy tư duy đó luôn được xem như hoàn hảo. Các chương trình phần mềm nhất thiết phải phản ánh được quy trình nghiệp vụ vốn có. Và lẽ đương nhiên, khi một quy trình nghiệp vụ còn lạc hậu, nó phải được thay đổi để phù hợp với công nghệ. Cùng với sự lớn mạnh của công nghệ thông tin trong nước, kết hợp với học hỏi tích lũy kinh nghiệm, chị Hải Đường kiên trì đi theo quan niệm đó và thành công đã đến với chị khi những ứng dụng cho ngành thuế hôm nay được người dùng, là các cơ quan nghiệp vụ chuyên môn từ trung ương đến địa phương, là những doanh nghiệp, doanh nhân… đánh giá cao về tính hữu dụng. Với đối tác là các doanh nghiệp công nghệ thông tin được tham gia vào phát triển sản phẩm cho ngành thuế, bên cạnh sự giúp đỡ, tạo điều kiện để họ thực hiện được hợp đồng, chị Hải Đường luôn giữ đúng nguyên tắc bắt buộc họ phải thấu hiểu nghiệp vụ ngành thuế như hiểu chính công việc lập trình của họ. Có người trong số họ khi xong hợp đồng với Tổng cục Thuế đã nói vui: mình giờ có thể đi thuyết trình về bất cứ loại thuế nào của nước Việt Nam. Không những thấu hiểu chuyên môn để theo dõi kiểm tra chất lượng sản phẩm, chị Hải Đường còn trực tiếp tham gia xây dựng quy trình triển khai, giúp đối tác hoàn thành hợp đồng đúng thời hạn. Đối với chị, thực hiện dự án đúng tiến độ là tiêu chí để lựa chọn đối tác, bởi đó chính là thước đo phản ánh trình độ chuyên nghiệp của các doanh nghiệp.

Ngoài công việc chuyên môn, Hải Đường còn rất nhân văn và có duyên với nghệ thuật. Trong chúng ta, ai đã đọc tản văn của chị trên trang blog
này của TTST BND đều công nhận khả năng quan sát tinh tế, cách viết dí dỏm mà sâu sắc. Chị tâm sự với bạn bè là trước kia cũng định đi theo nghề viết... Dự định ấp ủ trong chị là cố gắng ghi chép để khi rảnh rỗi sẽ sửa, viết lại, nhằm chia sẻ cùng người đọc những suy nghĩ trăn trở ngày của hôm nay.

Mặc dù có thể gọi Hải Đường là người nổi tiếng ngoài xã hội, nhưng với TTST BND, chị vẫn là một thành viên tích cực. Chị luôn nhiệt tình tham dự những buổi gặp mặt do bạn bè, Ban Liên lạc tổ chức. Vừa là một trong những cây bút tích cực của blog TTST BND, Hải Đường còn là người góp những ý kiến hay để blog hoàn thiện hơn.

Mong sao chúng ta ngày càng có thêm nhiều Hải Đường nữa.

Lưu Phương Bình

11/3/08

Tứ Đức thời nay

Nếu có con Gái, bạn dạy dỗ con gái các đức tính gì? Tiêu chuẩn của phụ nữ xưa đã lạc hậu chưa?

Cùng với sự phát triển của xã hội, thân phận người phụ nữ Việt Nam thời phong kiến, từ chỗ chỉ là cái bóng của nam giới, chịu sự ràng buộc khắt khe bởi đạo Tam Tòng và Tứ Đức, nay đã tiến tới được quyền bình đẳng hầu trên mọi mặt của xã hội.
Ngày nay, không còn phải theo đạo Tam Tòng (tại gia tòng phụ, xuất giá tòng phu, phu tử tòng tử), nhưng Tứ Đức, bốn tiêu chuẩn đạo đức của người phụ nữ (Công, Dung, Ngôn, Hạnh) vẫn còn nguyên giá trị.

Ngày xưa, nói về Công là về đức tính thể hiện chức năng số một của người phụ nữ trong gia đình (Nữ Công Gia Chính), bao gồm tài khéo đảm đang nội trợ, nuôi dạy con cái... Còn ngày nay, đức tính ấy được nâng lên tầm xã hội, đó là tài năng trong công việc nói chung, bao gồm cả công việc trong gia đình và công việc ngoài xã hội.

Với đức thứ hai là Dung, quan niệm xưa và nay không hề thay đổi, người phụ nữ dĩ nhiên cần phải đẹp, trong cái đẹp của người phụ nữ, đứng hàng đầu là vẻ đẹp toát ra từ tâm hồn, từ nết na, đúng như câu thành ngữ "cái nết đánh chết cái đẹp" đã truyền từ đời này sang đời khác của dân tộc Việt Nam.

Ngôn là đức thứ ba của người phụ nữ, tất nhiên lời lẽ phải đặc biệt nữ tính, khác xa cánh nam giới. Lời nói phải thuyết phục được người nghe - nhưng nếu chỉ là tài hùng biện thì có lẽ mới thể hiện được phần trí tuệ, phụ nữ ngoài trí tuệ thông minh còn cần phải nói năng lễ độ đúng mức, ngọt ngào êm ái, ngay cả thanh âm cũng phải toát lên cái đẹp của tâm hồn. Tiêu chuẩn này nay vẫn đúng như xưa.

Đức Hạnh là tính cách cuối cùng, quan trọng nhất của người phụ nữ. Đó là đức tính thủy chung son sắt, kính trên nhường dưới, yêu thương gia đình, đồng loại, giữ trọn nền nếp gia phong, yêu cái tốt, ghét cái xấu v.v... thời nào cũng cần phải có.

Như vậy, Tứ Đức ngày xưa là khuôn vàng thước ngọc, là cái chuẩn để người phụ nữ suốt đời rèn luyện phấn đấu, giữ gìn. Ngày nay, đó vẫn là chuẩn mực ước mơ của người phụ nữ, có khác chăng, giờ đây, một người phụ nữ giỏi, đẹp, đoan trang và hấp dẫn còn tài năng hơn Tứ Đức ngày xưa ở chỗ họ giỏi cả công việc ngoài xã hội không thua kém gì nam giới!

Xem thêm: Lịch sử của ngày Quốc Tế Phụ nữ

Bắt đầu từ ngày 8/3/1857, công nhân ngành dệt chống lại luật làm việc 12 giờ một ngày và những điều kiện làm việc khó khăn, tồi tàn của họ tại New York.
Năm mươi năm sau, ngày 8 tháng 3 năm 1908, 15.000 phụ nữ diễu hành trên các đường phố New York để đòi được tăng lương, giảm giờ làm việc và hủy bỏ việc bắt lao động trẻ con làm việc. Khẩu hiệu của họ Bánh Mì và Hoa Hồng. Bánh mì tượng trưng cho bảo đảm kinh tế gia đình, Hoa hồng tượng trưng cho đời sống tốt đẹp hơn.
Trong một thế kỷ qua, người phụ nữ đã giành được sự bình đẳng trước pháp luật trong hầu hết các nước trên thế giới. Tuy thế, hiện nay phụ nữ vẫn còn tiếp tục đấu tranh ở nhiều nơi. Ngày Quốc tế Phụ nữ, được Liên Hiệp Quốc chính thức công nhận vào ngày 8 tháng 3 năm 1977. Ngày này cho ta nhớ lại những thành quả đó và cũng để ta suy ngẫm về hoàn cảnh của người phụ nữ trên toàn thế giới.
Việt Nam luôn xem đấu tranh vì quyền phụ nữ, vì bình đẳng giới là góp phần đẩy nhanh tiến bộ xã hội, phát triển kinh tế.

Xem thêm: Công, Dung, Ngôn, Hạnh của người phụ nữ
(bài của Nhật Khánh - báo Gia Đình & Xã Hội, theo khampha24h.com)

Theo quan niệm của Khổng Tử, tứ đức của phụ nữ là: Công – Dung – Ngôn – Hạnh. Tuy đã qua hơn 2.000 năm, nhưng quan điểm này vẫn còn nguyên giá trị, hơn thế càng đặc biệt quan trọng trong thời đại ngày nay.

CÔNG là nữ công gia chánh. Đây là chức năng số một của người phụ nữ trong gia đình. Đây cũng là thế mạnh của phụ nữ so với đàn ông. Phụ nữ không thể đua với đàn ông về sức vóc, về tài trí, về việc tranh đoạt trong thiên hạ và đàn ông cũng không thể tranh đua với phụ nữ về nữ công gia chánh.
Một người đàn ông có một người vợ giỏi nữ công gia chánh là một niềm hạnh phúc lớn. Họ và con cái sẽ được ăn ngon, mặc ấm, gia đình sẽ ngăn nắp, nề nếp. Đặc biệt là việc giáo dục con cái. Nếu người mẹ không giỏi nữ công gia chánh thì con cái, nhất là con gái sẽ rất thiệt thòi, không biết làm những công việc gia đình.
Đáng tiếc là phụ nữ thời nay nhiều người không giỏi chữ CÔNG, không biết hát ru, không biết kể truyện cổ tích cho con nghe, không biết nấu những món ăn dân tộc... Trong các gia đình hiện đại, những món ăn độc đáo như búp khoai kho tương, cá rô đồng đốt muối, cà dầm tương... giờ con cái họ chỉ được đọc trong sách vở như đọc truyện cổ tích.
Hội Liên hiệp Phụ nữ Thành phố Hồ Chí Minh đã có sáng kiến mở lớp dạy làm vợ, trong đó chủ yếu là dạy làm các món ăn, dạy hát ru, kể truyện cổ tích, dạy kế hoạch chi tiêu gia đình... Đó là một sáng kiến hay, nhưng đó cũng là một điều xấu hổ của phụ nữ thời nay. Phụ nữ ngày xưa, chưa xuất giá đã thuộc lòng những kỹ năng đó rồi. Cuộc sống hiện đại rất sẵn các món ăn liền: mì ăn liền, phở ăn liền, cháo gà ăn liền, cơm hộp, thực phẩm chín... Nhưng nếu phụ nữ ỷ lại vào những thứ đó thì vai trò người mẹ, người vợ trong gia đình để làm gì?
Một lần, tôi đến thăm Nghệ sĩ nhiếp ảnh Võ An Ninh, vợ ông bảo: “Mời anh ở lại dùng cơm với nhà tôi. Hôm nay có món búp khoai kho tương đấy”. Bây giờ thì bói không ra một người phụ nữ nào có một lời mời hấp dẫn như thế. Mỗi khi thèm ăn món này, tôi lại phải tự đi chợ và tự làm lấy.

DUNG là dung nhan. Phụ nữ là phái đẹp. Napoleon gọi phụ nữ là những bông hoa có linh hồn. Vì thế, chữ dung đối với phụ nữ rất quan trọng. Suốt cuộc đời, phụ nữ phải luôn chăm lo đến dung nhan của mình, không ăn mặc cẩu thả, không đầu bù tóc rối.
Không có người phụ nữ xấu, chỉ có người phụ nữ không biết làm đẹp mình. Cũng không phải cứ chân dài, lưng ong, da trứng gà bóc mới là phụ nữ đẹp. Cái đẹp từ tâm hồn còn hơn nhiều lần cái đẹp hình thức bên ngoài. Vợ Khổng Minh hình thức không đẹp, nhưng ông rất yêu vợ vì tâm hồn của bà rất thanh cao.
Nhiều phụ nữ ngày nay, cao ráo nhờ guốc dép, trắng trẻo nhờ kem dưỡng da, hồng hào nhờ mỹ phẩm, lộng lẫy nhờ thời trang... Những thứ đó cứ có tiền là mua được, song vẻ đẹp trong tâm hồn thì không tiền nào mua được. Một số phụ nữ rất chăm chú đầu tư về “bao bì”, “vôi ve” nhưng họ không biết rằng, đàn ông thích mộc mạc, “tốt gỗ hơn tốt nước sơn”.
Bằng chứng là trong cuộc thi người đẹp, khi thí sinh trả lời phần phỏng vấn một cách ngớ ngẩn, thì đàn ông cười ồ lên mặc dù trên sân khấu là một người đẹp. Tuy nhiên, để có cái đẹp bề ngoài dễ hơn tu dưỡng để có cái đẹp bên trong nhưng phụ nữ thời nay thích cái dễ, vì họ đang sống trong thời đại “mì ăn liền”.

NGÔN là lời nói. Nhiều người thắc mắc tại sao Khổng Tử lại để chữ Ngôn trước chữ Hạnh? Nhưng để như thế mới đúng. Lời nói không bao giờ chỉ đơn thuần là lời nói. Nó biểu hiện tâm hồn con người. Người nhân đức tiếng nói trong sáng, ấm áp. Người cay nghiệt, tiếng nói rin rít qua kẽ răng. Người đanh đá, tiếng nói the thé.
Ở trường Đại học Sân khấu - Điện ảnh, sinh viên được rèn luyện rất công phu để có thể nói được nhiều loại giọng khác nhau, phù hợp với tính cách của các nhân vật khác nhau, đây gọi là Khoa Đài từ. Lời nói còn biểu hiện văn hoá của mỗi người.
Người hay văng tục chứng tỏ rất ít được giáo dục từ bé. Người nói năng lễ độ, đúng mực chứng tỏ đấy là con nhà gia giáo. Phụ nữ nói oang oang như lệnh vỡ là người bộc tuệch, ruột để ngoài da...
Trong các doanh nghiệp nước ngoài, ta thường thấy lời khuyên dán dọc hành lang: “Đi nhẹ, nói khẽ, cười duyên”. Trong Binh pháp Tôn Tử có Ngôn thuật (thuật dùng lời nói để chinh phục lòng người). Qua đó, ta thấy chữ Ngôn quan trọng như thế nào.
Phụ nữ ngày nay, ít chú ý rèn luyện ngôn ngữ, nói năng rất tuỳ tiện. Hay nói to, cười to, kể cả trước người lớn tuổi. Ngày xưa, nếu con gái nói to là bị mẹ mắng ngay. Bây giờ thì ít gia đình dạy con được kỹ như thế. Đó là một thiệt thòi của con gái ngày nay. Vì khi ra ngoài đời, mọi lời thủ thỉ, nhỏ nhẹ đều hiệu quả hơn cách nói oang oang.
Khi yêu nhau người ta nói rất nhỏ, trong đàm phán thương mại và ngoại giao, người ta cũng nói nhỏ. Phàm là việc càng quan trọng thì người ta càng cần biết phải nói nhỏ. Vợ nói to là chồng nổi cáu ngay. Câu: “Em yêu anh!” mà hét lên thì không chàng trai nào tin cả. Vì thế, các bạn gái nên rèn luyện kỹ năng nói.

HẠNH là hạnh kiểm, đức hạnh. 100 đàn ông thì cả 100 người mong muốn mình cưới được vợ hiền. Ông cha ta có một câu ngạn ngữ rất nặng nề để cảnh cáo những người vợ kém đức hạnh: “Chó dữ mất láng giềng, vợ dữ mất chị em”. Đức hạnh là điều rất căn bản của người phụ nữ. Đời một người đàn bà chỉ sống với bố mẹ đẻ của mình có 1/3 thời gian thôi, còn lại là sống với chồng và họ hàng nhà chồng.
Đây là mối quan hệ không hề dính dáng đến máu mủ ruột rà. Do đó mọi buồn vui, sướng khổ, thành bại đều do cái đức của người phụ nữ quyết định. Xinh đẹp mà không có đức hạnh thì khó được nhà chồng yêu quý. Không xinh đẹp nhưng có đức hạnh thì cả nhà chồng sẽ quý mến, tôn trọng.
Tứ đức của người phụ nữ không thời nào có thể xem nhẹ được. Trong các gia đình ở Hàn Quốc, Nhật Bản tứ đức của người phụ nữ đang ngày càng được đề cao, mặc dù hai quốc gia này nền kinh tế đang rất phát triển.

Việt Nam ta gần đây, do mải chăm lo đến đời sống kinh tế mà các gia đình xem nhẹ việc giáo dục tứ đức cho con cái. Vì thế, xu hướng nam tính trong phụ nữ nước ta gần đây đã tăng lên. Nhiều bạn gái, sống như con trai và nếu như thế thì không còn là phụ nữ nữa.

10/3/08

Đang còn tháng ba

(Thanh Hà sau một thời gian rất lâu ngừng gửi bài cho TSTBND, với thiện ý muốn nhường sân cho các bạn khác cùng tham gia. Hôm nay chị lại trở lại với hai tản văn rất hay nhân ngày 8/3. Trân trọng giới thiệu cùng bạn đọc)

Sau 8-3, quả thật mùa xuân đã cạn ngày. Chúng em đến cơ quan với tâm trạng chẳng còn gì mà mong đợi. Những lời chúc mừng đã hết, hoa trong bình đã tàn. Mùa này chỉ rác là đẹp! Đấy là cách nói chán nản nhất nhưng chẳng có gì sai. Chúng em là những người đi đổ rác hàng ngày, trong mỗi thùng xe rác, hoa tàn và giấy gói hoa long lánh trang kim nhầu nát ngập tràn. May mà thời nay chỉ còn rất ít người nghĩ đến chuyện ví đàn bà với hoa, nếu không ắt là chúng em sẽ khóc nức nở khi nhìn vào thùng rác.

Nói chuyện ví von, ngày 8-3 là ngày mà các câu ví von, các dạng thơ và vè về phụ nữ được đưa ra tràn lan, chắc chắn là để làm cân bằng tâm trạng tặng hoa bắt buộc của anh em. Từ cái thuở “hôm nay 8-3, chị em phấn khởi đi ra đi vào, hai tay hai củ su hào, chị em phấn khởi đi vào đi ra…”, loại hình thơ ca này đến nay đã phát triển ầm ầm. Trình độ ca thán của anh em cũng tăng lên tỷ lệ thuận với hoa và quà tặng. Thỉnh thoảng trong những cơn cười rũ vì nhũng bài thơ quá hóm hỉnh, có khi chợt lặng người vì một ý nghĩ độc địa rằng thực lòng những trò vè 8-3 chẳng qua chỉ là hình thức.

Chúng em có cần hình thức không? Có lẽ không cần, nhưng nghĩ cho cùng, vẫn là may nếu có người vì hình thức mà chúc mừng mình nhân ngày dành cho phụ nữ. Bởi có những phụ nữ chẳng bao giờ được gì, kể cả hình thức. Chiều 8-3, những người đàn bà bán hàng rong ế hàng lầm lũi về nhà, hoa là thứ dễ ế nhất, rồi quà bánh, vì ngày ấy nhiều đám liên hoan… Có những người chẳng hề biết trên đời mình có thể đòi một chút gì đó cho bản thân. Và không may là những phụ nữ như thế rất nhiều.

Một nhà nghiên cứu xã hội gần đây có nói sẽ công bố nghiên cứu về việc lượng hoá công việc của người phụ nữ trong gia đình, để người ta biết được rằng làm việc nhà thật ra rất tốn năng lượng. Em cũng đã đọc đâu đó một nghiên cứu kiểu ấy, rằng nhà bếp chính là một nơi nguy hiểm mà hàng ngày phụ nữ phải thường xuyên có mặt. Tuy nhiên, khi em nói ra điều này, một anh cùng phòng đã nổi cáu, các cô nói phụ nữ nào ấy chứ, ở nhà tôi tôi là người nấu bếp, vợ tôi chỉ giỏi đi mua đồ ăn nhanh, không nuốt được - anh ấy bảo vậy. Thì cũng nhiều kiểu đàn bà, em đồng ý. Một số người may mắn lấy được chồng biết nấu ăn, biết sử dụng máy giặt và biết đón con ở trường. Một số khác được phép bận rộn việc cơ quan mà không phải làm nội trợ hoặc một số khác trong gia đình có người giúp việc. Nhưng những chị em thế chỉ chiếm tỷ lệ ít ỏi trong số chúng em thôi. Phần lớn vẫn lao động quần quật từ sáng đến tối để hoàn thành cả việc công lẫn việc tư.

Và vẫn mong mỗi năm có một đôi ngày được tặng hoa, được nghe những lời ngọt ngào, dù là hình thức…

Phạm Thanh Hà

9/3/08

Nghĩ mình được yêu

TTST BND: Còn ai đồng cảm với nhân vật trong câu chuyện này? Xin mời xem...

Trong số những danh ngôn nhan nhản em vấp phải mỗi ngày, trên các cuốn lịch treo tường, trên sách báo, trên internet, hoặc nghe ai đó nói…Sáng nay em nhặt được một câu thich hợp, của Víc-to Hu- gô. Ông ấy bảo “Hạnh phúc nhất trên đời là nghĩ rằng mình được yêu”.

Câu này thật ra chẳng xuất sắc lắm, nếu mà so với Vic- to Hu- gô, nhưng vào thời điểm này, sắp đến tháng Ba ngày Tám, nó có một ý nghĩa quan trọng trong việc tạo ra vô số ngộ nhận về hạnh phúc. Nếu không đòi hỏi gì nhiều quá, chỉ một bông hoa, một cái hôn hay một cái nắm tay, ối chị em sẽ thấy mình lâng lâng bềnh bồng trong cảm giác được yêu. Nghĩ rằng được yêu, tưởng rằng được yêu cũng thế thôi, hạnh phúc! Mà gì chứ, hoa, nắm tay hoặc hôn, thêm cả khen tặng và chiều chuộng, ngày 8-3 , anh em tiếc gì đâu mà không hoang phí xa xỉ hơn ngày thường một chút. Tất nhiên là có than vãn, năm nào cũng thế, rằng tháng Mười vừa qua, tháng Ba đã đến, lại còn ngày Valentin rất đáng ngờ len vào giữa tháng Hai. Nhưng trong thời kinh tế lạm phát, giá hoa hồng rất may không tăng nhiều so với giá thực phẩm , nên sự xa xỉ nếu có hơi quá mức ngày Tám tháng Ba sẽ chỉ làm lao đao với mấy chú sinh viên sống trong ký túc, chứ không gây tổn thất nặng nề về mặt tài chính cho cánh đàn ông. Nhờ vậy, nghĩ rằng được yêu xét trên góc độ phân tích thị trường, sẽ là việc không quá khó đối với chị em vào ngày ấy. Việc của chúng em là chờ đợi và tin tưởng.

Tuy nhiên, nghĩ, hay tưởng, mình được yêu vào những ngày không mồng Tám tháng Ba, những ngày việc tặng hoa không bị xem là bắt buộc, là nghi thức, mà đơn giản chỉ là một cử chỉ âu yếm ân cần, với chúng em mới là việc khó, khó chờ, khó tin…Đã mất công mơ ước thì cứ mơ thật nhiều, ai đánh thuế đâu. Chúng em mạnh dạn mơ một bông hoa bất thường vào một ngày bình thường, dù trong lòng biết như thế là hơi quá. Mới tuần trước thôi, một cô bé ở phòng em, vào buổi chiều lá rụng tơi bời trên phố phường Hà Nội, bỗng nảy ra một nhu cầu là rủ chồng đi lang thang. Khổ, chẳng biết thân gì cả! Đi đâu cũng hai cái mũ bảo hiểm xùm xụp trên đầu, nhìn ngắm gì? Ra đến ruộng hoa cải vàng ngoại thành rồi về, lại còn nấn ná đòi ăn bát phở trên phố, làm chồng nhỡ mất trận bóng đá, không khí gia đình đã chẳng êm đẹp gì sau chuyến đi cứu vớt sự lãng mạn của cuộc hôn nhân ấy, còn bị chồng mắng thêm vì tội đi loanh quanh chẳng đâu vào đâu làm hết cả bình xăng mới mua, xăng thì tăng giá bất ngờ ngay hôm sau. Thiệt hại hoá ra không tính đếm được! Em biết là 8-3 anh ấy sẽ tặng hoa, nhưng em chẳng thiết nữa- cô bé nói bằng giọng có pha chút nước mắt, giọng đã hết nghĩ rằng mình được yêu.

Hạnh phúc mong manh lắm Chỉ mong trời ấm lên, hoa hồng không tăng giá vào ngày 8-3 này, và không ai bỗng dưng nghĩ đến hoa ngày thường, là chúng em hạnh phúc, thế thôi!

Phạm Thanh Hà

8/3/08

Phụ nữ thành đạt và Tứ Đức

Nhân kỷ niệm 100 năm ngày thế giới tôn vinh Phụ Nữ, 8-3, bởi vì một nửa thế giới này là phụ nữ, một thành viên của TTST BND cũng hứng lên xem và tham gia thảo luận về vấn đề nóng sốt này trên mạng Yahoo! Hỏi & Đáp. Cuộc thảo luận rất thú vị và đặc biệt sôi nổi với nhiều ý kiến trái chiều nhau. Mời các bạn cùng theo dõi và thảo luận nếu có thể:

1. Câu hỏi của Hà Kin, một cô gái trẻ có lẽ là con một người ngành ngoại giao, đang nổi tiếng trên mạng vì Chuyện tình NewYork: Xã hội có cần nhiều phụ nữ thành đạt không nếu đa phần họ được cho là có ít thời gian dành cho gia đình? (hiện đã có hơn 70 người tham gia thảo luận)

2. Câu hỏi của POM: Quan điểm của bạn về tứ đức: công, dung, ngôn, hạnh của người phụ nữ?

Thú vị là, với danh tính là Ad_V, câu trả lời cho Hà Kin của mình được vài người đánh giá hay, cũng có người đánh giá là dở ẹc, xin mạo muội chuyển câu trả lời đó ra đây để bạn đánh giá nhé:

Ý kiến của Ad_V:

Câu hỏi của bạn và việc nhiều người tham gia thảo luận đã chứng tỏ vấn đề này đang là một bức xúc trong giới trẻ (cộng đồng Yahoo! Việt Nam).
Chỉ đọc lướt qua một số ý kiến cũng thấy rằng hầu hết các bạn đều có lý riêng của mình.
Nhưng tôi muốn đưa ra cái nhìn tổng quát hơn.
Ở câu hỏi này có 2 ý liên quan đến nhau:

1/ Xã hội có cần nhiều phụ nữ thành đạt không?
Trả lời: Không những có cần, mà còn rất cần, không thể không cần để xã hội phát triển. Đây là một điều hiển nhiên, bởi ngày nay, lực lượng nữ đóng vai trò cực kỳ quan trọng trong xã hội.
Thành đạt ở đây được hiểu chính xác là đạt được thành quả tốt (cả ở ngoài xã hội và ở trong gia đình).
Một điều thường thấy, người ta hay nhầm lẫn một "phụ nữ thành đạt" là có chức vụ hoặc được công nhận là giỏi, thành công ở mặt công việc ngoài xã hội, mà quên không nghĩ đến người "phụ nữ thành đạt" là giỏi cả ở gia đình, việc nhà. Không ai nói một người phụ nữ là thành đạt nhưng lại bất hạnh trong quan hệ gia đình - có chăng chỉ là người không hiểu chính xác về sự thành đạt mới nói nhầm, hiểu nhầm như vậy.

2/ Đa phần họ (những người phụ nữ thành đạt) được cho là có ít thời gian dành cho gia đình?
Đây chỉ là một giả định của người đặt câu hỏi, khi thảo luận bạn có thể có cùng hoặc không cùng nhận định "họ có ít thời gian dành cho gia đình".
Chính từ đây mà mỗi người đưa ra một ý, mạnh ai nấy hiểu (cũng thật thú vị!), đồng thời, điều đó thể hiện có nhiều cách hiểu biết về việc giải phóng phụ nữ, một trào lưu ngày càng dữ dội ở Việt Nam.
Tuy rằng có những người phụ nữ giỏi chỉ cần dành thời gian vừa phải cho công việc xã hội, còn lại là quan tâm đảm việc nhà, nhưng họ thành đạt cả ở gia đình và xã hội.
Ngược lại, có những phụ nữ phải dành tâm sức, thời gian rất nhiều để khẳng định mình trong xã hội, rút cuộc thời gian, sức lực còn lại dành cho gia đình không được bao nhiêu. Nếu may mắn, sắp xếp ổn thỏa công việc nhà và lại có người chồng tuyệt vời gánh vác tốt hết những khó khăn còn lại trong gia đình, thì người phụ nữ đó được kể là có gia đình êm ấm, hạnh phúc, có nghĩa là thành đạt cả trong việc nhà.
Như vậy, việc người phụ nữ thành đạt có ít hay có nhiều thời gian dành cho gia đình là có thể khác nhau, tùy theo cách mà người phụ nữ thành đạt đó sử dụng, đầu tư quỹ thời gian của mình như thế nào mà vẫn giỏi việc xã hội, đảm việc nhà.

Và cuối cùng, câu hỏi của bạn liên quan đến, hoặc kích thích đến việc thảo luận về bình đẳng giới nam và nữ.
Tại sao? Bởi vì đặc điểm, điều kiện của hai giới rất khác nhau, nói cách khác là không bao giờ và cũng mãi mãi không giống nhau, luôn có sự cách biệt cho dù xã hội phát triển văn minh đến đâu chăng nữa.
Việc có những ý tưởng cải cách không phù hợp với đặc điểm giới chỉ đem đến kết quả xấu cho sự phát triển của xã hội, gia đình và bản thân. Nói cho vui: mong sao cho mỗi năm loài người có một nửa năm là ngày Quốc tế phụ nữ để không còn cuộc đấu tranh bình đẳng giới!

Nếu có điều kiện, TTST BND sẽ giới thiệu cuộc thảo luận về Tứ Đức trong bài sau.

Kính chúc và Chúc tất cả Phụ Nữ Hạnh Phúc!