Cùng với sự phát triển của xã hội, thân phận người phụ nữ Việt Nam thời phong kiến, từ chỗ chỉ là cái bóng của nam giới, chịu sự ràng buộc khắt khe bởi đạo Tam Tòng và Tứ Đức, nay đã tiến tới được quyền bình đẳng hầu trên mọi mặt của xã hội.
Ngày nay, không còn phải theo đạo Tam Tòng (tại gia tòng phụ, xuất giá tòng phu, phu tử tòng tử), nhưng Tứ Đức, bốn tiêu chuẩn đạo đức của người phụ nữ (Công, Dung, Ngôn, Hạnh) vẫn còn nguyên giá trị.
Ngày xưa, nói về Công là về đức tính thể hiện chức năng số một của người phụ nữ trong gia đình (Nữ Công Gia Chính), bao gồm tài khéo đảm đang nội trợ, nuôi dạy con cái... Còn ngày nay, đức tính ấy được nâng lên tầm xã hội, đó là tài năng trong công việc nói chung, bao gồm cả công việc trong gia đình và công việc ngoài xã hội.
Với đức thứ hai là Dung, quan niệm xưa và nay không hề thay đổi, người phụ nữ dĩ nhiên cần phải đẹp, trong cái đẹp của người phụ nữ, đứng hàng đầu là vẻ đẹp toát ra từ tâm hồn, từ nết na, đúng như câu thành ngữ "cái nết đánh chết cái đẹp" đã truyền từ đời này sang đời khác của dân tộc Việt Nam.
Ngôn là đức thứ ba của người phụ nữ, tất nhiên lời lẽ phải đặc biệt nữ tính, khác xa cánh nam giới. Lời nói phải thuyết phục được người nghe - nhưng nếu chỉ là tài hùng biện thì có lẽ mới thể hiện được phần trí tuệ, phụ nữ ngoài trí tuệ thông minh còn cần phải nói năng lễ độ đúng mức, ngọt ngào êm ái, ngay cả thanh âm cũng phải toát lên cái đẹp của tâm hồn. Tiêu chuẩn này nay vẫn đúng như xưa.
Đức Hạnh là tính cách cuối cùng, quan trọng nhất của người phụ nữ. Đó là đức tính thủy chung son sắt, kính trên nhường dưới, yêu thương gia đình, đồng loại, giữ trọn nền nếp gia phong, yêu cái tốt, ghét cái xấu v.v... thời nào cũng cần phải có.
Như vậy, Tứ Đức ngày xưa là khuôn vàng thước ngọc, là cái chuẩn để người phụ nữ suốt đời rèn luyện phấn đấu, giữ gìn. Ngày nay, đó vẫn là chuẩn mực ước mơ của người phụ nữ, có khác chăng, giờ đây, một người phụ nữ giỏi, đẹp, đoan trang và hấp dẫn còn tài năng hơn Tứ Đức ngày xưa ở chỗ họ giỏi cả công việc ngoài xã hội không thua kém gì nam giới!
Xem thêm: Lịch sử của ngày Quốc Tế Phụ nữ
Bắt đầu từ ngày 8/3/1857, công nhân ngành dệt chống lại luật làm việc 12 giờ một ngày và những điều kiện làm việc khó khăn, tồi tàn của họ tại New York.
Năm mươi năm sau, ngày 8 tháng 3 năm 1908, 15.000 phụ nữ diễu hành trên các đường phố New York để đòi được tăng lương, giảm giờ làm việc và hủy bỏ việc bắt lao động trẻ con làm việc. Khẩu hiệu của họ Bánh Mì và Hoa Hồng. Bánh mì tượng trưng cho bảo đảm kinh tế gia đình, Hoa hồng tượng trưng cho đời sống tốt đẹp hơn.
Trong một thế kỷ qua, người phụ nữ đã giành được sự bình đẳng trước pháp luật trong hầu hết các nước trên thế giới. Tuy thế, hiện nay phụ nữ vẫn còn tiếp tục đấu tranh ở nhiều nơi. Ngày Quốc tế Phụ nữ, được Liên Hiệp Quốc chính thức công nhận vào ngày 8 tháng 3 năm 1977. Ngày này cho ta nhớ lại những thành quả đó và cũng để ta suy ngẫm về hoàn cảnh của người phụ nữ trên toàn thế giới.
Việt Nam luôn xem đấu tranh vì quyền phụ nữ, vì bình đẳng giới là góp phần đẩy nhanh tiến bộ xã hội, phát triển kinh tế.
Xem thêm: Công, Dung, Ngôn, Hạnh của người phụ nữ
(bài của Nhật Khánh - báo Gia Đình & Xã Hội, theo khampha24h.com)
Theo quan niệm của Khổng Tử, tứ đức của phụ nữ là: Công – Dung – Ngôn – Hạnh. Tuy đã qua hơn 2.000 năm, nhưng quan điểm này vẫn còn nguyên giá trị, hơn thế càng đặc biệt quan trọng trong thời đại ngày nay.
CÔNG là nữ công gia chánh. Đây là chức năng số một của người phụ nữ trong gia đình. Đây cũng là thế mạnh của phụ nữ so với đàn ông. Phụ nữ không thể đua với đàn ông về sức vóc, về tài trí, về việc tranh đoạt trong thiên hạ và đàn ông cũng không thể tranh đua với phụ nữ về nữ công gia chánh.
Một người đàn ông có một người vợ giỏi nữ công gia chánh là một niềm hạnh phúc lớn. Họ và con cái sẽ được ăn ngon, mặc ấm, gia đình sẽ ngăn nắp, nề nếp. Đặc biệt là việc giáo dục con cái. Nếu người mẹ không giỏi nữ công gia chánh thì con cái, nhất là con gái sẽ rất thiệt thòi, không biết làm những công việc gia đình.
Đáng tiếc là phụ nữ thời nay nhiều người không giỏi chữ CÔNG, không biết hát ru, không biết kể truyện cổ tích cho con nghe, không biết nấu những món ăn dân tộc... Trong các gia đình hiện đại, những món ăn độc đáo như búp khoai kho tương, cá rô đồng đốt muối, cà dầm tương... giờ con cái họ chỉ được đọc trong sách vở như đọc truyện cổ tích.
Hội Liên hiệp Phụ nữ Thành phố Hồ Chí Minh đã có sáng kiến mở lớp dạy làm vợ, trong đó chủ yếu là dạy làm các món ăn, dạy hát ru, kể truyện cổ tích, dạy kế hoạch chi tiêu gia đình... Đó là một sáng kiến hay, nhưng đó cũng là một điều xấu hổ của phụ nữ thời nay. Phụ nữ ngày xưa, chưa xuất giá đã thuộc lòng những kỹ năng đó rồi. Cuộc sống hiện đại rất sẵn các món ăn liền: mì ăn liền, phở ăn liền, cháo gà ăn liền, cơm hộp, thực phẩm chín... Nhưng nếu phụ nữ ỷ lại vào những thứ đó thì vai trò người mẹ, người vợ trong gia đình để làm gì?
Một lần, tôi đến thăm Nghệ sĩ nhiếp ảnh Võ An Ninh, vợ ông bảo: “Mời anh ở lại dùng cơm với nhà tôi. Hôm nay có món búp khoai kho tương đấy”. Bây giờ thì bói không ra một người phụ nữ nào có một lời mời hấp dẫn như thế. Mỗi khi thèm ăn món này, tôi lại phải tự đi chợ và tự làm lấy.
DUNG là dung nhan. Phụ nữ là phái đẹp. Napoleon gọi phụ nữ là những bông hoa có linh hồn. Vì thế, chữ dung đối với phụ nữ rất quan trọng. Suốt cuộc đời, phụ nữ phải luôn chăm lo đến dung nhan của mình, không ăn mặc cẩu thả, không đầu bù tóc rối.
Không có người phụ nữ xấu, chỉ có người phụ nữ không biết làm đẹp mình. Cũng không phải cứ chân dài, lưng ong, da trứng gà bóc mới là phụ nữ đẹp. Cái đẹp từ tâm hồn còn hơn nhiều lần cái đẹp hình thức bên ngoài. Vợ Khổng Minh hình thức không đẹp, nhưng ông rất yêu vợ vì tâm hồn của bà rất thanh cao.
Nhiều phụ nữ ngày nay, cao ráo nhờ guốc dép, trắng trẻo nhờ kem dưỡng da, hồng hào nhờ mỹ phẩm, lộng lẫy nhờ thời trang... Những thứ đó cứ có tiền là mua được, song vẻ đẹp trong tâm hồn thì không tiền nào mua được. Một số phụ nữ rất chăm chú đầu tư về “bao bì”, “vôi ve” nhưng họ không biết rằng, đàn ông thích mộc mạc, “tốt gỗ hơn tốt nước sơn”.
Bằng chứng là trong cuộc thi người đẹp, khi thí sinh trả lời phần phỏng vấn một cách ngớ ngẩn, thì đàn ông cười ồ lên mặc dù trên sân khấu là một người đẹp. Tuy nhiên, để có cái đẹp bề ngoài dễ hơn tu dưỡng để có cái đẹp bên trong nhưng phụ nữ thời nay thích cái dễ, vì họ đang sống trong thời đại “mì ăn liền”.
NGÔN là lời nói. Nhiều người thắc mắc tại sao Khổng Tử lại để chữ Ngôn trước chữ Hạnh? Nhưng để như thế mới đúng. Lời nói không bao giờ chỉ đơn thuần là lời nói. Nó biểu hiện tâm hồn con người. Người nhân đức tiếng nói trong sáng, ấm áp. Người cay nghiệt, tiếng nói rin rít qua kẽ răng. Người đanh đá, tiếng nói the thé.
Ở trường Đại học Sân khấu - Điện ảnh, sinh viên được rèn luyện rất công phu để có thể nói được nhiều loại giọng khác nhau, phù hợp với tính cách của các nhân vật khác nhau, đây gọi là Khoa Đài từ. Lời nói còn biểu hiện văn hoá của mỗi người.
Người hay văng tục chứng tỏ rất ít được giáo dục từ bé. Người nói năng lễ độ, đúng mực chứng tỏ đấy là con nhà gia giáo. Phụ nữ nói oang oang như lệnh vỡ là người bộc tuệch, ruột để ngoài da...
Trong các doanh nghiệp nước ngoài, ta thường thấy lời khuyên dán dọc hành lang: “Đi nhẹ, nói khẽ, cười duyên”. Trong Binh pháp Tôn Tử có Ngôn thuật (thuật dùng lời nói để chinh phục lòng người). Qua đó, ta thấy chữ Ngôn quan trọng như thế nào.
Phụ nữ ngày nay, ít chú ý rèn luyện ngôn ngữ, nói năng rất tuỳ tiện. Hay nói to, cười to, kể cả trước người lớn tuổi. Ngày xưa, nếu con gái nói to là bị mẹ mắng ngay. Bây giờ thì ít gia đình dạy con được kỹ như thế. Đó là một thiệt thòi của con gái ngày nay. Vì khi ra ngoài đời, mọi lời thủ thỉ, nhỏ nhẹ đều hiệu quả hơn cách nói oang oang.
Khi yêu nhau người ta nói rất nhỏ, trong đàm phán thương mại và ngoại giao, người ta cũng nói nhỏ. Phàm là việc càng quan trọng thì người ta càng cần biết phải nói nhỏ. Vợ nói to là chồng nổi cáu ngay. Câu: “Em yêu anh!” mà hét lên thì không chàng trai nào tin cả. Vì thế, các bạn gái nên rèn luyện kỹ năng nói.
HẠNH là hạnh kiểm, đức hạnh. 100 đàn ông thì cả 100 người mong muốn mình cưới được vợ hiền. Ông cha ta có một câu ngạn ngữ rất nặng nề để cảnh cáo những người vợ kém đức hạnh: “Chó dữ mất láng giềng, vợ dữ mất chị em”. Đức hạnh là điều rất căn bản của người phụ nữ. Đời một người đàn bà chỉ sống với bố mẹ đẻ của mình có 1/3 thời gian thôi, còn lại là sống với chồng và họ hàng nhà chồng.
Đây là mối quan hệ không hề dính dáng đến máu mủ ruột rà. Do đó mọi buồn vui, sướng khổ, thành bại đều do cái đức của người phụ nữ quyết định. Xinh đẹp mà không có đức hạnh thì khó được nhà chồng yêu quý. Không xinh đẹp nhưng có đức hạnh thì cả nhà chồng sẽ quý mến, tôn trọng.
Tứ đức của người phụ nữ không thời nào có thể xem nhẹ được. Trong các gia đình ở Hàn Quốc, Nhật Bản tứ đức của người phụ nữ đang ngày càng được đề cao, mặc dù hai quốc gia này nền kinh tế đang rất phát triển.
Việt Nam ta gần đây, do mải chăm lo đến đời sống kinh tế mà các gia đình xem nhẹ việc giáo dục tứ đức cho con cái. Vì thế, xu hướng nam tính trong phụ nữ nước ta gần đây đã tăng lên. Nhiều bạn gái, sống như con trai và nếu như thế thì không còn là phụ nữ nữa.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét