18/11/07

Tản mạn

Thanh Hà tuy rất bận bịu với công việc, nhưng có lẽ vừa là thú vui, vừa là nghề nên có rất nhiều trang viết tích lũy lại. Mời các bạn ghé thăm Trang của Hà Phạm đang lưu lạc trên mạng, cùng chia sẻ một chùm tản mạn các suy ngẫm, cách nhìn là lạ, thú vị và đậm chất nhân văn của chị.
Tự giới thiệu: Em là em anh Giao. Sinh 1961. Có 2 con trai, đứa đầu 17, đứa nhỏ 10. Hiện đang công tác ở Báo Nhân Dân (em là dân du mục, sau khi từ Đài PTTH Hà Nội về Báo ND năm 1989, đã đi từ ND hang ngay đến ND tuan và bây giờ là ND thang, ly do: it than thien voi sep :)).Các anh có ảnh của em thì cứ đưa lên, em xấu nên ngại chụp ảnh.
Kỷ niệm sâu sắc khi ở Trại trẻ em sẽ kể dần dần được không? Em là đứa hay nói ngược, nhưng chăm lao động, nói chung là người tử tế :).

Tèo ơi!

Cái ngõ dưới gầm cầu trước kia vốn nổi tiếng vì thịt chó, ngon hay rẻ thì không biết- một trong hai thứ chứ không phải cả hai. Nhưng chỉ một trong hai thứ ấy, cộng với chút tiếng tăm xưa cũ, là đủ chiều đến, nhất là chiều mùa hè, ở đây đông đặc những người. Đông như chợ vỡ, theo đúng nghĩa đen. Bia tràn như suối, náo nhiệt những riềng cùng mẻ trong khói chả chó, xô bồ những lòng những dồi, lạc rang bánh tráng, bún xáo rựa mận… Mỗi mét vuông là một bàn nhậu. Mỗi bàn nhậu là một đám người. Đàn ông dễ thường không ghé qua những chỗ thế này là chiều đến không thể nào yên lòng về nhà. Tiếng người – không tả được vì không thể nghe được - cứ ào ào, cứ the thé đến nỗi chẳng ra tiếng người nữa. Muốn gọi được món nhậu hay bia, muốn trả lời điện thoại, muốn tâm tình với nhau nữa cũng thế, duy nhất chỉ có cách là gào lên, gào to tướng lên, mới hy vọng được nghe thấy.
Và họ đang gào lên, cái mâm nhậu ở giữa ngõ, sáu người đàn ông đã ngồi từ lúc nào, bia chắc đã nhiều, mặt ai nấy đỏ gay đỏ gắt. Họ chúc nhau cái gì đó, quan trọng, như là ai đó mới lên chức, mới thắng được quả gì đậm. Hôm nay mới là bữa nháp thôi, một trong những bữa nháp thôi, có quyết định hẳn hoi thì ít ra cũng phải ba ba hoặc cá chình…Mà hôm ấy không bia đâu, dứt khoát không bia bọt gì hết, phải có mấy chai xanh…Phải mấy chai xanh, mấy chai whisky blue hẳn hoi, đen không được, đen dạo này toàn dỏm…, bốn chai là đủ đấy. Em thì chỉ xin chầu hát, hát có tay vịn, tất nhiên…Mình ăn thua gì. Muỗi, so với mấy con bạc triệu đô. Đọc báo sáng nay chưa? Khiếp không? Cứ lan man, câu được câu mất, trong cái đám chợ vỡ, làm sao nghe cho đầy đủ một câu chuyện được, dù có ngồi ngay cạnh cũng không nghe được. Người này nói, người kia chen, chắc chỉ có trời mới làm cho họ bé cái mồm lại được.

Vậy mà, giữa lúc ấy, giữa lúc ai cũng gào lên đến thất thanh để nói những chuyện hoàn toàn tầm phào vô bổ như thế, ngay bàn nhậu ấy, một giọng khe khẽ, khan khan, một giọng vo ve như tiếng muỗi chợt vang lên, ấp úng, ngập ngừng, và chẳng hiểu sao cái tiếng vo ve ấy lại nghe rất rõ: "…Tèo ơi, chú đây, nhận ra chú không? Cho chú mấy đồng về quê…." Ông lão ăn mày ngửa cái mũ rách. "Chú, chú thật à?", một trong sáu người kêu lên thảng thốt. "Ừ, chú, đói quá…". "Anh Quang, đúng là chú anh à?". "Chú tao đấy, chú ruột tao đấy, thì sao?"
Lại quát, lại ầm ầm. Trong tiếng quát có gì như tiếng khóc.

Giá trị

Anh vẫn biết giá trị căn nhà mình ở, nhà hai mặt phố cổ, ngay gần Hồ Gươm, mỗi xăng-ti-mét vuông đều có thể quy ra tiền. Biết, để ở cho sướng, chứ không phải để bán.
Nhưng để ở cho sướng, thì người ta đã không làm cư dân phố cổ. Nhà nát, vôi vữa lở lói xậm xệ. Tiện nghi trong những nhà ống xưa cũ thì không nói ai cũng biết, chuyện vệ sinh luôn luôn là một nỗi kinh hoàng.
Mọi người, bao gồm tất cả anh em trong nhà, tính chuyện ra đi, để ở cho sướng. Căn nhà bán rất dễ (nếu bán), người ta đã có một dự định biến nó thành khách sạn, khách sạn hiện đại xây kiểu giả cổ trong phố cổ. Giá trị của nó tất nhiên khỏi phải bàn. Bán đi sẽ được không ít tiền, những chung cư vào loại sang trọng nhất thành phố không đến nỗi không với tới, thậm chí còn dư tiền để gửi tiết kiệm ăn tiêu lâu dài nữa. Mọi người quyết tâm đi, và có thể đã đi ngay, nếu không vướng anh. Anh chỉ có một căn phòng nhỏ trong cả ngôi nhà ấy thôi, nhưng căn phòng nhỏ của anh kiên cố như một pháo đài, anh cố thủ trong pháo đài ấy. Lý do để anh không đi, ngoài chuyện căn nhà là do tổ tiên bố mẹ để lại, ở vị trí đẹp thế, trung tâm thế (thì mới có giá ấy chứ, mọi người bảo anh), còn thêm một lý do nữa làm ai cũng ngán, là mỗi chỗ nứt vỡ trên cánh cửa gỗ đối với anh đều là kỷ niệm. Than ôi, kỷ niệm chồng chất, vì cánh cửa đã nứt vỡ quá nhiều. Và không ai làm anh lay chuyển được. Bàn bạc hàng trăm cuộc, có thảo luận, có khóc lóc, có van xin, có cả doạ dẫm nữa, vẫn không đi. Anh bảo tồn căn phòng của anh trong ngôi nhà như bảo tồn sự ngang chướng của chính mình. Không thể bán ngôi nhà nếu anh vẫn giữ căn phòng ấy, căn phòng được chia trong di chúc của cha là thuộc về phần anh. Cả nhà bất lực. Kỷ niệm tất nhiên là quý. Mọi người bảo anh, nhưng môi trường sống tiện nghi cũng quý, các cháu lớn rồi, phải có phòng riêng, phải sống đàng hoàng hơn, không chui rúc trong ngôi nhà cũ với những kỷ niệm được. Dần dà, mọi người căm thù những kỷ niệm của anh, Trời biết là những kỷ niệm gì, chỉ biết anh cản trở con đường hướng tới tương lai tươi sáng của cả nhà.
Cánh cửa vẫn ngày càng nứt vỡ. Một ngày kia dân phố thấy cánh cửa vỡ hẳn, rồi nửa năm sau, như có phép tiên, ngôi nhà cổ biến thành khách sạn mi-ni. Anh đã đi đâu với những kỷ niệm của anh, không ai biết, chỉ biết anh không về căn hộ dành cho anh trong một chung cư cao tầng mà cả nhà đã cùng dọn về. Có người bảo anh đã thành con nghiện, công nợ ngập đầu- vì nợ nên phải đồng ý bán nhà. Có người bảo không phải thế, anh đã về nông thôn sinh sống. Cũng có người bảo anh vẫn loanh quanh cạnh Hồ Gươm, không đi đâu cả…dân phố không như xưa nữa, ngày càng thờ ơ với những chuyện của nhau. Những giá trị mất đi là mất hẳn, những cánh cửa nứt vỡ đã đóng chặt.
Mấy năm sau người ta cũng quên hẳn anh như quên ngôi nhà cũ. Khách sạn thì ngày càng ăn nên làm ra.

Xin chữ

Kể từ ngày các thầy đồ hiện đại quyết tâm xã hội hoá môn thư pháp học, nhằm nhắc nhở dân ta đừng quên một thú vui tao nhã là đầu năm xin chữ, vào ba ngày Tết, phố Giám bỗng hoá ra phố Hàng Chữ, các bức tường quanh Văn Miếu bỗng dưng thành nơi phơi đầy giấy đỏ, vỉa hè thành nơi bày đầy nghiên bút và dân đi chơi quanh đó đều là những người tha thiết vốn văn hoá truyền thống của cha ông.
Trong số những người ấy, trẻ cũng đông mà già cũng đông, có một đôi trung niên luôn đi sát bên nhau. Người đàn bà má phấn môi son, áo giả lông thú mặc ra ngoài áo dài, người đàn ông tóc đã hoa râm, áo da đen đánh xi cẩn thận, miệng ngậm tẩu lệch một bên ra dáng tay chơi một thuở. Nhìn qua cứ nghĩ đến một vẻ đẹp sắp mai một của người Hà Nội cũ. Nghĩ đến thôi, chứ nhìn kỹ thì không. Họ thiếu đi cái độ lắng cần thiết. Lẽ ra họ cũng chẳng có gì nổi bật nếu người đàn bà đừng nhí nhảnh quá. Tuổi như thế rồi mà nhí nhảnh dễ bị lộ, ngay cả giữa đám đông. Kéo tay người đàn ông thoăn thoắt từ chố này sang chỗ khác, khen chữ người này đẹp, chữ người kia thường, bà ta nói nhận xét của mình một cách khá ồn ào. đi khá nhiều, khen chê khá nhiều rồi, vẫn một câu hỏi lặp đi lặp lại, rằng không biết xin chữ nào cho hợp, Phúc, Lộc, Thọ, An, Khang…, người ta xin nhiều quá, mình chẳng biết nên chọn chữ nào. Năm ngoái xin chữ Đức rồi, hay năm nay em xin chữ Tâm, chữ Tâm hoặc chữ Nhẫn được không - bà ta hỏi người đàn ông. Ông ta từ nãy lẳng lặng đi theo, không nói gì- Tâm treo ở nhà, Nhẫn treo ở cơ quan, hoặc là ngược lại, lấy cả một chữ hay hai chữ cứ hỏi to giọng, rồi cứ băn khoăn đi lại, một mình người đàn bà làm thành một cái chợ trên cả một khúc đường cũng đang lúc rất giống chợ.
Điều bất ngờ với tôi, người đã chú ý đến họ từ nãy, là câu trả lời của người đàn ông. Giới hạn của sự kiên nhẫn có vẻ như đã tới cùng. Bỏ cái tẩu trong miệng ra, ông ta bảo, giọng khá trầm, và không hiểu sao lại mang vẻ độc địa đến thế: “Em thích thì cứ lấy cả hai chữ đi, treo cùng một chỗ, chữ Nhẫn treo trước, chữ Tâm treo sau…”,“Sao lại thế ?” Người bà hỏi lại, dường như nhận ra ngay thái độ của người đàn ông, và choáng: “ Ah nói thế nghĩa là gì? Nhẫn rồi đến Tâm, anh bảo em Nhẫn Tâm à?”
Và rồi nổ bùng, như một cơn điên dại kìm nén rất lâu , bà ta nói như gào lên, như quanh mình không có ai, giọng đấy nước mắt: “Anh bảo em nhẫn tâm ? Ai nuôi con anh mà anh bảo em nhẫn tâm? Đến mẹ đẻ ra nó còn bỏ nó, anh trách em được sao? Nó nghiện thì phải vào trại, anh muốn để nó ở ngày Tết, anh có nghĩ đế em bao năm rồi không được ăn một cái Tết yên lành không…? Anh có nghĩ không?”
Bi kịch bất ngờ phát lộ ngoài đường quá lớn, tránh đi cho họ khỏi ngượng là cách hay nhất tôi có thể làm lúc ấy.
Một vòng quanh phố Giám, tôi lại trông thấy họ, vẫn bên nhau, với một chữ trên tay người đàn ông, một chữ thôi, và đó là chữ Nhẫn. Chữ Nhẫn nổi bật trên nền giấy hồng điều, màu mực thắm chưa khô, ướt như loáng nước mắt của cả hai người .

9/11/07

"Best-Selling Book" - Sách bán chạy nhất?

Từ: vuquocloc
Ngày: 24/10/2007 8:50 PM
Tiêu đề: bài viết

Hi anh HD!
Mấy hôm rồi em đi Bạc Liêu có việc, lu bu quá không vào mạng, bữa nay về ghé Blog thấy bài mình trên đó rồi. Cám ơn anh đã insert những hình ảnh minh hoạ cho bài viết của em, ảnh thật đẹp và ý nghĩa, nhất là cái ảnh cuối, em thích lắm. Em định viết một chuyện nữa về anh Trần Dũng ...

À em thấy nên khuyến khích mọi người viết, viết một chuyện nào đó của mình ở trại trẻ và sau đó lập ra một ban, biên tập lại những câu chuyện ấy, chắc chắn mình sẽ có một tuyển tập rất hay và thú vị, thành phần của Ban Biên Tập thì nên mời mấy người có kinh nghiệm viết, đảm bảo mình sẽ có một Best-selling book, và một cuốn sách như thế sẽ không bao giờ có đoạn kết vì ai cũng muốn biết số phận của những nhân vật trong truyện hồi nhỏ bây giờ ra sao. Thậm chí em còn nghĩ có thể giành cho mỗi người vài trang, có cả ảnh, vài nét giới thiệu tiêu biểu và truyện của họ, mình sẽ in và xuất bản nội bộ để làm kỷ niệm cũng được. Kinh phí in thì không khó, sẽ có ngay, chắc nhiều người muốn tài trợ, riêng em thì sẵn sàng, anh thấy thế nào, hay chứ nhỉ? Mình là con cháu nhà báo, không theo được nghiệp các cụ thì cũng phải làm được "Báo nhà" chứ.

Anh thử bàn với mọi người coi sao nha!
-------------------------------------------------
Từ: hieu_dan
Ngày: 24/10/2007 10:37 PM

Ảnh trong bài là do Lưu Bình tìm và post lên đấy! Hiện chỉ có 2 người trong Ban Biên tập (gọi là "Ban" cho oai!). Lần sau Lộc gửi mail nhớ CC. cả về vn.hanoi@gmail.com (hộp thư của blog) nữa nhé!

Ý tưởng của Lộc rất hay, thu lợi được về nhiều mặt (đúng là "Nhà buôn"!), nhưng còn mọi người của Trại trẻ tham gia được đến đâu thì chưa biết, cứ cố gắng nếu cuối cùng làm thành tập sách được thì tốt (tất nhiên phải gia công sửa bài nhiều)!.
Việc viết bài, cứ chuyện gì dễ thì viết trước, còn nếu đang muốn viết gì thì cứ viết, chẳng ngại đâu.

Bọn mình đang chỉnh cỡ chữ trên Blog cho to ra, dễ đọc hơn, Lộc thấy thế nào?
-------------------------------------------------
Từ: hieu_dan

Lộc thân mến,
Bận việc quá nên quên bẵng đi mất, mình muốn tiếp tục đề tài viết hôm trước Lộc nói đến.

Bản thân mỗi người trong chúng mình đã có nhiều câu chuyện để kể, mỗi một kỷ niệm dù nhỏ cũng có thể biến thành một truyện thú vị nếu khéo viết, cộng với khả năng hiểu biết của người viết bây giờ khác với nhân vật trong truyện, sẽ thêm thắt được nhiều đánh giá bao quát hơn.

Mỗi người có những ghi nhớ khác nhau, nhưng giống nhau ở chỗ nếu duyệt lại cả chuỗi kỷ niệm như Ngọc Thụy, Hải Đường v.v... thì cứ thấy hồi ức cuộn cuộn đổ về (đôi khi mất cả ngủ!). Mình thấy đó cũng là một cách hay.

Nhưng mặt khác, nếu cứ viết như thế thì chẳng mấy chốc cạn nguồn, thay vì thế, có thể chỉ viết dần dần, mỗi hoặc vài sự kiện nhớ lại biến thành một câu chuyện được viết sao cho thú vị, như thế mới làm nên tuyển tập như Lộc nói.
Tất nhiên, anh chị em của Trại trẻ chẳng phải ai cũng có khả năng viết hay, nhưng cái cần trước tiên là kể ra được hồi ức của mình, sau này biên tập - sửa chữa lại - thậm chí hư cấu thêm tý chút, nó như nguyên liệu mộc để làm nên bộ sách.
-------------------------------------------------
Từ: vuquocloc

Anh Dân thân mến,
Thật là có lỗi lớn vì hôm trước em đã dự định viết thêm bài rồi mà công việc ở đâu nó cứ kéo đến nên chưa làm được, ngay cả việc dự định ra Hà Nội cũng phải hoãn lại, trong vài ngày tới em sẽ cố gắng dành ra thời gian rảnh để làm một cái gì đó cho "khuây khoả" với cái Blog của chúng mình.

Coi ảnh hôm rồi anh em ngoài đó tổ chức sinh nhật vui quá nhỉ, chắc sắp tới em cũng bàn vói mọi người trong này nên thỉnh thoảng tổ chức gặp nhau không thì cái sự "mưu sinh" nó làm cho mọi người quên nhau mất.
Chắc khoảng cuối tuần em sẽ ra, gặp nhau anh em mình sẽ có thời gian bàn thêm chuyện anh nhỉ?

Công việc của em vẫn vậy , cuối năm nên hơi bận hơn một chút, tranh thủ "Thư" anh vài dòng và mong anh khoẻ
-------------------------------------------------
Từ: hieu_dan

Mình nghĩ mọi người ai cũng thế, cuộc sống - làm việc - sinh hoạt hàng ngày thì không nên trì hoãn, phải cố gắng thôi. Tuy thế, tranh thủ dành được chút nào cho mình với quá khứ cũng tốt, vì nó phù hợp với tình cảm của mình. Cho nên, các bạn cũ trại trẻ mỗi người một hoàn cảnh, gặp gỡ nhau trong cuộc sống hay trên blog được bao nhiêu hay bấy nhiêu.

Khi nào bố trí được thời gian, cứ a-lô mình, Lưu Bình hoặc ai đó ngoài này nhé!

1/11/07

Loa...loa...loa! Xin bà con phát biểu cho!

Từ: huynh dungnhan
Ngày: 31 tháng mười 2007 6:45 CH
Tiêu đề: Ảnh cũ

Thân gửi các bạn,
Hôm nay lục tìm thấy một tấm hình rất thú vị, vì trong tấm hình có khá nhiều người trong trại trẻ. Chắc là tấm hình này chụp ở sân nhà bác Lê nơi sơ tán. Những chiếc áo bông lúc đó mới tội nghiệp làm sao! Có bạn không có dép nữa...
Gửi đến các bạn. ai nhớ tên từng người thì chú thích giúp nhé, tôi chỉ nhận ra mấy người thôi...Mấy chục năm rồi...
Chúc tất cả mạnh khỏe và thành đạt!

Huỳnh Dũng Nhân

Từ HuynhDungNhan

Như bạn thấy, không chỉ kỹ thuật, phương tiện chụp, điều kiện bảo quản ảnh, mà chính thời gian đã phủ một lớp dày lên hầu như tất cả, đến nỗi mình nhìn mình còn thấy ngỡ ngàng, thậm chí không nhận ra mình!

Sau đây là đoạn trao đổi e-mail giữa Hiếu Dân, Dũng Nhân và Lưu Bình:

Dân:
Hai bức ảnh tuyệt vời! Thật đáng công tìm!
Nhưng Nhân cứ đọc tên mấy đứa nhớ được ra, còn lại mọi người sẽ bổ sung!
Mình bắt đầu từ Nhất Phương cao nghều, bên dưới là Nhân thì hơi bé - chẳng nhẽ là Lộc cộc đuôi? Sang phải là: Nhi, Hoàn hoặc Bé, Đặng Nam.
Quay lại từ giữa, ở hàng đầu: giống Quang ngọng hơn là Châu, tiếp là Hùng, Ngọc, Khánh bẹt, Giao.
Hàng dưới, từ trái sang: chả phải Dân thì ai? Tiếp đến Không rõ mặt, rồi Nguyên, còn 2 đứa nữa chưa nhớ.

Bình:
Đấy chính là Nhân (ko phải Lộc). Hai lý do: 1- Ngày ấy N bé như vậy đấy, 2- Trong cách ăn mặc, dù là trẻ con, dù là ngày ấy khốn khổ, N đã có cái gì đó nghệ sỹ.
Châu đấy (không phải Quang), quần đặc thù mà, còn thủng đít nữa. Ít thằng đi đất, ngoài Châu.
Không phải Hoàn, không phải Bé, mà là Lâu (có thể Tảo) con bác Lê. Chúng ta không ai có áo nâu tứ thân (không cổ, túi dưới) như thế.
Khả năng em cũng đến vậy thôi, đang thắc mắc sao ko có mình trong đó!
Chỗ này nhìn sang vườn nhà người khác, đằng sau (về bên tay trái bức ảnh) là cái giếng.

Dân:
Đúng cạnh cái giếng có cây bưởi và cây hồng bì rồi. Quay lưng sát hàng rào có cây mây nhiều gai.
Mà Bình không nhìn thấy a Dân à?

Nhân:
Tấm hình này có mấy nhân vật nhận không ra được. Đó là người đứng hàng sau, cạnh anh Nhất Phương, hình như Tảo hay Lâu con bác Lê chủ nhà nơi sơ tán?
Cũng hàng sau, người thứ ba tính từ Hiếu Dân sang không biết là ai (có lẽ là Nguyên, anh em nhà Quang ngọng)? Bên cạnh người đó là Chính con cô Hà Hoa. Vũ Quốc Hùng con bác Oánh đứng cạnh Ngọc con chú Lưu, còn người mặc áo trắng duy nhất trong tấm ảnh là Nhân đứng cạnh anh Nhi.

Dân:
Mình với Lưu Bình cũng thống nhất người áo trắng là Dũng Nhân.
Nhưng người mà mình nghĩ là Quang ngọng thì Bình nói là Châu?
Như vậy Nhân phát hiện thêm được Minh Chính.

Nhân:
Mình nghĩ người đó là Châu chứ không phải Quang. Cứ đưa lên mạng mọi người sẽ biết. Thế nhé. À , gửi thêm cái hình Huỳnh Dũng Nhân bây giờ...

Dân:
Mình xem lại, cho rằng Châu bị lấp phần cằm đứng cạnh Nguyên.
Còn cạnh Đặng Nam là Bé thì đúng hơn là Hoàn, mình nhớ anh em nó ngày xưa có cái áo kiểu ấy.

Bây giờ, đến lượt bà con cho xin ý kiến?