30/4/09

Chùa Một Cột, biểu tượng Thủ đô đang hỏng

Vốn từ lâu muốn thay biểu tượng trên blog của TTST BND bằng bức ảnh Chùa Một Cột do chính mình mới chụp, nên tháng 3 vừa qua mình đã cất công đến tận chùa và phát hiện ra rằng so với trước đây, cảnh quanh chùa không còn hoang sơ mà đã được "dọn dẹp" đẹp hơn rất nhiều. Chẳng hạn như dãy nhà tạm mái ngói rất chướng mắt ngày xưa ở cạnh chùa đã bị dỡ bỏ:


Ảnh cũ (sưu tầm)



15/3/2009 - hieu_dan

Nhưng cũng giật mình khi thấy mái chùa đã bị hư hỏng nặng chưa được trùng tu, chợt nhớ đến lời ca thán trên báo, đài của các nhà sử học, văn hóa và dân chúng gần đây "xin đừng trùng tu" mà phá di tích lịch sử, bởi vì ở nhiều nơi, người ta đã phá tan những cái di tích cổ xưa, thay vào đấy cái mới làm rất vô lối, thậm chí có nơi, chỉ huy công trình trùng tu chỉ là người thợ có văn hóa chưa quá lớp 10.


Mái chùa đang cần sửa gấp,
15/3/2009 - hieu_dan

Trước khi xem tiếp mấy bức ảnh, mời các bạn cùng nhớ lại vài nét lịch sử và truyền thuyết Chùa Một Cột (Sưu tầm từ WikipediaThư viện Hoa sen):

Chùa Một Cột hay Chùa Mật, còn có tên khác là Diên Hựu hoặc Liên Hoa Đài (đài hoa sen), là một ngôi chùa nằm giữa lòng thủ đô Hà Nội. Đây là ngôi chùa có kiến trúc độc đáo nhất Việt Nam, được khởi công xây dựng vào mùa đông, tháng mười âm lịch năm 1049.

Chùa chỉ có một gian, nằm trên một cột đá ở giữa hồ nhỏ Linh Chiểu có trồng hoa sen. Truyền thuyết kể lại rằng, chùa được xây dựng theo giấc mơ của vua Lý Thái Tông (1028-1054), theo gợi ý thiết kế của nhà sư Thiền Tuệ. Vào năm 1049, vua đã mơ thấy được Phật bà Quan Âm ngồi trên tòa sen dắt vua lên toà. Khi tỉnh dậy, nhà vua kể chuyện đó lại với bày tôi và được nhà sư Thiền Tuệ khuyên dựng chùa, dựng cột đá như trong chiêm bao, làm toà sen của Phật bà Quan Âm đặt trên cột như đã thấy trong mộng và cho các nhà sư đi vòng xung quanh tụng kinh cầu kéo dài sự phù hộ, vì thế chùa mang tên Diên Hựu.

(Theo văn bia dựng năm Cảnh Trị 3 do Hoà Thượng Lê Tất Đạt ghi, Chùa được dựng từ thời thuộc Đường: “Năm đầu niên hiệu Hàm Thông thời Đường…”, dựng một cột đá ở giữa hồ, trên cột xây một tòa lầu ngọc, trong đó đặt tượng Phật Bà Quan Âm để thờ cúng. Khi đất Chùa anh linh, cầu gì được nấy, đến khi triều Lý xây dựng Kinh Đô ở đây, cũng noi theo dấu cũ, nên càng linh thiêng. Khi Lý Thái Tông chưa có hoàng tử, thường đến đó cầu nguyện. Một đêm nằm mộng thấy Phật Quan Âm mời lên trên lầu, ôm một đứa bé đặt vào lòng Vua. Tháng đó Hoàng Hậu có mang Hoàng Tử, vua bèn sửa thêm ngôi chùa Diên Hựu ở bên phải Chùa Một Cột để mở rộng việc thờ cúng)

Đến năm 1105, vua Lý Nhân Tông cho sửa ngôi chùa và cho dựng trước sân hai tháp lợp sứ trắng. Năm 1108, Nguyên phi Ỷ Lan sai bày tôi đúc một cái chuông rất to, nặng đến một vạn hai nghìn cân, đặt tên là "Giác thế chung" (Quả chuông thức tỉnh người đời). Đây được xem là một trong tứ đại khí - bốn công trình lớn của Việt Nam thời đó - là tháp Báo Thiên, chuông Quy Điền, vạc Phổ Minh và tượng Quỳnh Lâm. "Giác thế chung" đúc xong nặng quá không treo lên được, để dưới mặt đất thì đánh không kêu. Người ta đành bỏ chuông xuống một thửa ruộng sâu bên chùa Nhất Trụ, ruộng này có nhiều rùa, do đó có tên là Quy Điền chung (chuông ruộng rùa). Đến thế kỷ 15, giặc Minh xâm lược, chiếm thành Đông Quan (Hà Nội). Năm 1426 Lê Lợi đem nghĩa quân Lam Sơn ra đánh, vây thành rất gấp. Quân Minh thiếu thốn vũ khí đạn dược, tướng Minh là Vương Thông bèn sai người đem phá chuông Quy Điền lấy đồng. Quân Minh thua trận, nhưng chuông Quy Điền thì không còn nữa.

Văn bia tháp Sùng thiện diên linh (chùa Đọi, Hà Nam), năm 1121 viết: "Do lòng sùng kính đức Phật và dốc lòng mộ đạo nhân quả (đạo Phật) nên hướng về vườn Tây Cấm nổi danh (vườn ở phía tây cấm thành Thăng Long đời Lý) mà xây ngôi chùa sáng Diên Hựu theo dấu vết chế độ cũ, cùng với ý mưu mới của nhà vua (ý nói: theo dấu vết lề lối xây dựng chùa đời Lý Thánh Tông, có thêm ý mới của Lý Nhân Tông mà chữa lại chùa đẹp hơn trước)".

Qua văn bia miêu tả, rõ ràng Liên Hoa Đài thời Lý to hơn chùa ngày nay nhiều. Đến thời nhà Trần, chùa đã không phải là ngôi chùa nhà Lý nữa vì sách cũ đã ghi: Năm 1249, "...mùa xuân, tháng giêng, sửa lại chùa Diên Hựu, xuống chiếu vẫn làm ở nền cũ...", gần như phải làm lại toàn bộ. Thời Lê, triều đình nhiều lần cho tu sửa, thu nhỏ kích thước đài sen và cột đá...

Chùa Một Cột được trùng tu vào khoảng những năm 1840-1850 và vào năm 1922. Năm 1954, trước khi rút khỏi Hà Nội, quân Pháp đã đặt mìn phá sập chùa. Sau ngày tiếp quản thủ đô, Nhà nước đã cho tu sửa chùa Một Cột theo đúng kiểu mẫu cũ để lại từ thời Nguyễn. Đài Liên Hoa chúng ta thấy hiện nay được sửa chữa lại năm 1955, do kiến-trúc-sư Nguyễn Bá Lăng chủ trì.

Theo tài liệu lịch sử, lối kiến trúc một cột có từ trước đời nhà Lý. Ở Hoa Lư, Ninh Bình trong ngôi chùa con gái vua Đinh Tiên Hoàng, có một cây cột đá cao, sáu cạnh, khắc bài kinh Lăng Nghiêm, đề niên hiệu thời Lê Hoàn (981–1005). Phía trên cột là tòa sen chạm. Năm Long Thụy Thái Bình thứ năm đời Lý Thánh Tông (1058) có xây điện Linh Quang ở Thăng Long, phía trước điện dựng lầu chuông, một cột sáu cạnh hình bông sen. Như vậy, trước khi xây chùa Một Cột, lối kiến trúc đó đã là một thực tế nghệ thuật cổ truyền.

Ở đây có sự kết hợp táo bạo của trí tưởng tượng lãng mạn đầy thi vị qua hình tượng bông sen và những giải pháp hoàn hảo về kết cấu kiến trúc gỗ bằng hệ thống móng giằng, đặc biệt là xử dụng các hệ thống cột chống chéo lớn từ cột đến sàn, vừa tạo thế vững chắc, vừa mang lại hiệu quả thẩm mỹ, như đường lượn của cánh sen, thiết lập sự hài hòa giữa mái và sàn, rất đối xứng.

Chùa nằm giữa cái hồ nhỏ hình vuông, phía dưới có thể là biểu tượng cho đất (trời tròn, đất vuông), sự tích bánh dầy bánh chưng. Ngôi chùa như vươn lên cái ý niệm cao cả: ”Lòng nhân ái soi tỏ thế gian”. Khối kiến trúc gỗ đá được phù trợ bởi cảnh quan, có ao, có cây cối đã tạo nên sự gần gũi, tinh khiết mà vẫn thanh lịch. Cảm giác thanh cao của kiến trúc như chia sẻ, hòa đồng với trời nước, và mầu xanh của cây lá khiến con người giũ sạch ưu phiền, đạt tới sự trong sáng của tâm hồn như nhà sư Huyền Quang (1254-1334) dưới thời Trần đã viết:

Vạn duyên bất nhiễu thành dã tục
Bán điểm vô ưu nhãn phóng khoan.

Tạm dịch:

Muôn duyên chẳng vướng, xa trần tục
Một mảy không lo, rộng nhãn quan.


Cạnh Chùa Một Cột ngày nay còn có một ngôi chùa có cổng tam quan, với ba chữ "Diên Hựu Tự", là mới được xây dựng khoảng đầu thế kỷ 18, để phụ vào với Chùa Một Cột.

Chùa Một Cột đã được chọn làm một trong những biểu tượng của Thủ đô Hà Nội, ngoài ra, biểu tượng Chùa Một Cột còn được thấy ở mặt sau đồng tiền kim loại 5000 đồng của Việt Nam hiện đại./.


15/3/2009 - hieu_dan



15/3/2009 - hieu_dan



15/3/2009 - hieu_dan



Diên Hựu Tự, 15/3/2009 - hieu_dan



Hồ chưa có sen. Hẹn mùa sen nở sẽ đến chụp lại lần nữa!
15/3/2009 - hieu_dan

24/4/09

Làm blog của Google không cần có Gmail

Để tham gia viết bài hoặc làm chủ một trang blog trên dịch vụ của Google thật dễ, chỉ sau vài bước thao tác trong thời gian chưa đầy 5 phút, là bạn đã là một blogger, có tên và tài khoản riêng.

Nếu bạn chưa có tài khoản Google, đầu tiên bạn vào trang web http://www.blogger.com - rồi tạo một tài khoản blogger bằng chính địa chỉ e-mail hiện có (không nhất thiết phải là Gmail). Sau khi thành công, bạn tiếp tục lập mới một Blog với tên và địa chỉ web riêng, đồng thời có thể mời tối đa đến 100 người tham gia viết bài hoặc cùng làm chủ Blog đó của mình.

Trường hợp có một chủ trang blog mời bạn tham gia viết bài, trước tiên bạn sẽ nhận được một e-mail "thư mời đóng góp cho blog". Sau khi bấm vào đường dẫn trong thư mời (hoặc copy địa chỉ đường dẫn và dán lên ô địa chỉ của trình duyệt internet, gõ tiếp Enter), một cửa sổ giống như sau sẽ hiện ra, với người chưa có tài khoản Google *, hãy bấm vào "Tạo tài khoản ngay bây giờ":

* Nếu trước đây bạn đã có tài khoản Google: chỉ việc điền ngay các dữ liệu tương ứng của bạn vào các ô "Tên người dùng (Email)" và ô "Mật khẩu", rồi bấm "Chấp nhận lời mời".

Dưới đây là các hướng dẫn tiếp cho người chưa có tài khoản Google:

Trình duyệt sẽ chuyển sang cửa sổ "Tạo tài khoản Google". Hãy điền chính xác địa chỉ e-mail của mình vào ô tương ứng, sau đó gõ mật khẩu mong muốn của mình dành cho blog vào (để ý dòng chữ bên dưới ô nhập mật khẩu, đó là Google hướng dẫn cho bạn độ mạnh của mật khẩu, mật khẩu dài và rắc rối thì càng mạnh). Tại ô "Tên hiển thị", hãy gõ tên của mình vào (tên này sẽ hiển thị tại các các bài viết của bạn sau này). Tiếp theo, gõ những chữ màu in nghiêng xiên xẹo bạn nhìn thấy vào ô "Xác minh từ" (ở trong hình dưới là các chữ: taltab ), rồi đánh dấu vào ô "Tôi chấp thuận các điều khoản dịch vụ" và bấm vào ô "Tiếp tục" có màu da cam:

(Trong trường hợp bạn gõ sai hoặc thiếu gì đó, sau khi bấm "Tiếp tục", Google sẽ có các chỉ dẫn để bạn làm lại ngay).

Bây giờ, ở cửa sổ này, bạn chỉ cần điền lại địa chỉ e-mail của mình và mật khẩu vừa được tạo ở trên, bấm vào "Chấp nhận lời mời" là xong. Bạn đã là một blogger chính hiệu để có thể viết bài cùng với chủ blog, hoặc lập cho mình vài blog mới:

Chúc các bạn nhiệt tình san sẻ với cộng đồng và vui vẻ với blog!

10/4/09

Vài góp ý chuyến đi ngày nghỉ

Sau đây là một số ý góp, để hưởng ứng lời kêu gọi tổ chức một chuyến đi chơi nhân dịp nghỉ lễ 4 ngày.

Nhà nghỉ Cối xay gió ở Thung Nai, lòng hồ sông Đà - Ảnh: aFamily

Ban LL mong các bạn khẩn trương góp thêm để TTST BND tập hợp quyết định, nhằm tổ chức chuyến đi kịp thời, hợp lý - nếu không nhanh có khả năng khó tìm thuê xe (do dịp lễ này rất đông khách du lịch):

Từ TTST BND:
Kỳ nghỉ lễ này bạn đi đâu
Năm nay, hai ngày lễ 30/4 và 1/5 rơi vào thứ năm, thứ sáu. Vậy là chúng ta có dịp hiếm hoi để được xả hơi liền 4 ngày (từ thứ năm đến Chủ nhật)...
Chị Thanh Hà đã đề xuất một cuộc đi du lịch hoang dã ở lòng hồ sông Đà...

Từ Kiều Thành:
Anh chị em ơi, năm 67-68 mình sơ tán ở đâu nhỉ?
Xã Thống Nhất - huyện Chương Mỹ thì phải!
Ở đó nhớ gì nhỉ!.. Có giờ ăn, giờ ngủ, tất thảy giờ giấc đều như quân đội,..cả đàn vịt con của các anh lớn cũng đánh số.
Đang học bài trên gường lại có ai đó đói bụng hô to: Nhất cơm, ..nhì cháy,..
Buổi trưa không ngủ được, cứ hình dung thấy cái tủ gỗ có nhiều bánh kẹo bên trong sao mà thèm thế.Cái khoá sắt thật vô tình và lạnh lùng với những đứa đói ăn như em.
Ban tổ chức nên tổ chức đi một ngày về hai nơi sơ tán cũ đi, vừa gần, mọi người dễ cùng tham gia hưởng ứng.
Năm 1972 trại sơ tán về xã Phượng Cách - huyện Quốc Oai, gần chùa Thầy,mặc dù khi đó ở cùng trong các nhà dân, nhưng bà con thật tốt bụng và làng quê ở đó cũng cổ kính và thanh bình đấy chứ. Cây đa, giếng nước, ao làng, ..
Mọi người cùng hưởng ứng vào ngày 30/4 thì vui biết mấy.

Đỗ Động ngày sơ tán - Ảnh từ Trịnh Sơn

Từ Hiếu_Dân:
Phượng Cách - huyện Quốc Oai, gần chùa Thầy, có phải là Đỗ Động ở bức ảnh của Trịnh Sơn không? (Khi ấy mình đã rời trại lâu rồi nên không biết)

Nếu đi về thăm xã Thống Nhất và Phượng Cách thì chỉ đi trong 1 ngày là đủ. Nhưng nếu đông người, kể cả có TP.HCM ra nữa thì mới vui, có ý nghĩa. Mình cũng đã gửi email cho các bạn TP.HCM nhưng chưa chắc đã có ai ra được.

Lứa những người ở Đỗ Động, chưa thấy ai kể kỷ niệm nào, thông tin về đợt sơ tán ấy các anh chị lớn hơn hầu như không nắm được vì đã đi khỏi Trại.

Từ Việt Khánh:
Đi về xã Thống Nhất và Đỗ Động cũng hay đấy, nhưng nếu có đông người mới vui, mới có ý nghĩa TTST BND về thăm nơi cũ.

Từ Thanh Yến:
Em với chị Việt Phương thống nhất nhau rồi, đi đâu cũng tham gia. Nếu về thăm nơi sơ tán cũ cũng được, ngày hôm sau lại đi tiếp lên lòng hồ chơi...
Có dịp nghỉ dài ngày tội gì không đi!

Từ Hồng Quân:
Tiếc là ngày lễ vẫn phải ra báo, vẫn phải làm việc nên tôi không đi được rồi...

Từ Phương Hồng:
Đi hai ngày à? Có bao nhiêu người đi rồi cho mình biết với? Bây giờ đã đỡ bận cháu nội, mình có thể đi được đấy!

Nhà thờ họ Phùng ở Thống Nhất - Ảnh từ Việt Khánh

Từ Lưu Bình:
Vâng, tôi xin đăng ký đi bất cứ đâu do TSTBND tổ chức.

Chân thành cám ơn và sẵn sàng nghe theo chỉ dẫn của các anh /chị (đem theo cái gì, được kèm theo ai, đóng bao nhiêu tiền…)

Từ Hiếu_Dân:
Đang chờ Thanh Hà tập hợp ý kiến mọi người.
Nếu đã đi thì được kèm theo gia đình thoải mái, cho vui mà.

Từ Lan Bình:
Tôi nhất trí ý kiến của Hà: đi du lịch lòng hồ, sau đó ăn nghỉ ở trang trại và đề xuất thêm: sau đó về suối nước nóng Kim Bôi nghỉ đêm, sáng hôm sau tắm nước khoáng nóng rồi về HN.

Từ Dự Hương:
Rất tiếc em đã có kế hoạch đi theo cơ quan dịp 1/5 nên không tham gia được cùng hội. Xin hẹn gặp lại các anh chị một dịp khác ạ.

3/4/09

Sông Đà, một khúc thượng nguồn

Thanh Hà

Thượng nguồn sông Đà, với ai đã từng đọc bút ký của Nguyễn Tuân, chắc sẽ không quên cảm giác bí ẩn huyền hoặc đầy mời gọi của những chữ ấy. Nơi đá xô sóng, sóng xô gió, gió xô mây..., nơi bờ bãi hoang sơ như bờ tiền sử, như nỗi niềm cổ tích, nơi thuyền độc mộc đuôi én đi hun hút giữa hai bờ vách đá, ngửa mặt lên trời chỉ thấy tối sầm.

Từ Thanh Ha

Thế nên, vào cái buổi trưa huyện Bắc Yên, tít trên phía bắc Sơn La xa xôi, nghe lời “rủ rê” của Kỳ, cán bộ văn phòng huyện, về một chuyến đi theo Kỳ về họp HĐND dân xã Chiềng Sại, bằng thuyền, rồi sau đó – nếu muốn về Hà Nội, các anh các chị cứ việc sáng sớm theo thuyền ngô, đi một ngày là đến Hoà Bình, từ Hoà Bình về Hà Nội xe thiếu gì...Quả thật chúng tôi không cầm lòng được. Mấy khi được đi trên sông Đà từ thượng nguồn. Bỏ vội bữa ăn, đi xe ôm xuống bến đò- chỗ miền núi này, nghe chữ đi nhẹ tênh, nhưng mỗi điểm cần đến cũng phải vòng vèo mấy chục quả đồi, cách nhau cả mươi cây số. Vội cho kịp chuyến thuyền đi lúc 2 gìơ chiều, chuyến duy nhất trong ngày.

Sông Đà khúc từ Bắc Yên, là đoạn nối với Lai Châu, nhưng có lẽ không hung dữ như khúc sông trên. Nơi con sông Đà chảy vào đất Việt, Mường Tè, Lai Châu, nghe nói toàn thác ghềnh dữ dội lắm. Về đây sông rộng, bờ bãi hiền hòa hơn, vẫn là núi đá, nhưng không dốc ngược hiểm trở...và thuyền, cũng không độc mộc đuôi én, một ca nô sắt to tường sơn màu nâu đỏ, chứa được khoảng dăm chục người. Lúc chúng tôi đến, dưới khoang đã lác đác mươi khách, người nằm ngủ, người loay hoay giở gánh hàng xén ra kiểm lại. Chỉ dăm ba đôi tất, vài bao thuốc, bao diêm, mấy cỗ quân bài... Đã từng nghe đến những thuyền nan “đại siêu thị” trên sông Đà, cung ứng tất tần tật mọi nhu cầu sinh hoạt của dân sống trên quanh năm trên mặt nước, những nhu cầu giản đơn nghèo nàn, muối dầu mỳ tôm, thuốc đánh răng, khăn mặt...đại loại thế. Cái thúng nhỏ của chị buôn hàng xén trên ca nô chỉ một lúc sau đã bán được vài món, cũng là bình thường.

Từ Thanh Ha

Vội vàng thế, mà phải chờ những gần 2 tiếng sau, đã đầy chật người, thuyền vẫn chưa thấy khởi hành. Chiều mùa đông, chưa đến 4 giờ đã sẫm trời, người ngồi câu trên thuyền nhỏ trong bến đã loay hoay kéo dần vàng lưới để ra về. Thế này về đến Chiềng Sại chắc phải 9,10 giờ tối. Kỳ sốt ruột lẩm bẩm. Từ bến về đến trụ sở xã còn mươi cây số nữa. Đường trơn, trời tối, mưa nhão đất, khó đi lắm. Giục giã mãi thuyền mới rời bến, mà ra khi quá bến đến vài cây số lại quay lại để đón một người, một thanh niên mảnh khảnh trắng trẻo, măng tô dạ đen dài đến tận mắt cá chân, tay ôm khư khư một cái cặp da. Chắc là sinh viên về thăm nhà, con cái Vip nào đó ở xã hay ở huyện. “Không phải, chú thanh niên cầm lái tóc hai màu đỏ quạch làu bàu trả lời, chủ thuyền đấy. Anh ấy có việc nhỡ nên bây giờ mới về”. Ra thế! Vươn người nhảy phóc xuống thuyền, một lúc sau đã bỏ măng-tô đen, chạy thoăn thoắt từ lái đến mũi, đúng là chủ thuyền thật. Cụ Nguyễn Tuân có cái tội là làm cho ai hình dung ra người lái đò sông Đà thì đều “tay lêu nghêu, chân khuỳnh khuỳnh như đang kẹp một bánh lái tưởng tượng’, “thân mình như sừng và gỗ mun quánh lại”...Chẳng thể nào hình dung được chủ thuyền kiêm lái đò trên sông Đà lại mảnh mai thư sinh thế. Cộng thêm chú cầm lái tóc nhuộm hoe hoe, mặt rầu rầu như đang thất tình, thỉnh thoảng lại rền rĩ vài câu sến trong bài Vầng trăng khuyết... Ấn tượng thượng nguồn sông Đà quả thật có nhạt phai đôi chút so với niềm hăm hở lúc đầu.

Từ Thanh Ha

Nhưng chẳng nên kết luận sớm điều gì. Trước hết là với dòng sông. Sau đấy là với con người. Sông Đà khúc này nhìn hiền lành, không thác dữ, nhưng nhiều sóng chìm và xoáy. Còn người lái đò, không gân guốc cơ bắp nhưng ân cần nhiệt tình. Vẫn những bờ bến nhìn như hoang sơ, những lều ngô, nhà sàn cũ nát, mỗi bãi đất dốc ngược lên đều có thể là chỗ dừng thuyền đưa đón. Hóa ra chuyến đò này là phương tiện đi lại của nhiều cư dân hai bên bến, những cư dân có thể đi một đoạn đường dài trên sông với giá vé 10 ngàn hoặc 20 ngàn, rẻ và tiện hơn nhiều so với đoạn đường trên bộ. Mỗi khúc dừng là một lần đón đưa, dắt xe máy lên, đỡ người già trẻ em xuống. Chỉ là đi lại công chuyện, hầu như không buôn bán hàng hóa, chỉ những gương mặt hiền lành, những bộ áo dân tộc hoặc Tày, Thái, hoặc Kinh... Dòng sông Đà đã thành màu đen như tên gọi của nó, bến nào cũng tăm tối, le lói chút đèn xa xa trong các thôn xóm hòa lẫn màu đêm. Qua đến mươi lần đỗ, vẫn đưa và đón, những người đi thuyền về bến cuối, bản Na Ròn, Chiềng Sại. Hành trình khúc thượng nguồn hầu như êm ả. Một con thuyền sắt nối bao nhiêu bến bãi, bao nhiêu con người và đời sống một cách bình yên như thế...

Từ Thanh Ha

Khúc cuối hành trình rất đẹp. Vì trời quá tối, chúng tôi được mời vào nghỉ tạm đêm tại nhà chàng chủ thuyền kiêm lái đò trắng trẻo mảnh khảnh, người Thái. Đinh Văn Nâng, tên người lái đò sông Đà thời hiện đại, hóa ra quen biết Kỳ nên chuộc lỗi đi muộn bằng cách mời khách một bữa cơm gà thật ngon. Nâng sinh năm 1980, là bí thư chi đoàn xã. Vợ là Muộn, cũng người Thái, là giáo viên tiểu học, mới sinh con gái thứ 2, cũng mới luân chuyển đến dạy ở bản Tăng, cách bản Na Ròn này 10 km, mỗi buổi đi dạy theo thuyền của chồng đi mất 30 phút. Nhà Nâng mới xây, chưa hoàn thiện, thành quả của mấy năm đi thuyền, đã trả xong 12 triệu đầu tư mua thuyền ban đầu. Ngôi nhà khang trang, sông Đà ở ngay say lưng nhà, nhà có máy vi tính, Nâng đang in giấy mời cho cuộc họp chi đoàn xã. Chưa có internet, “em nghe nhạc từ máy tính”, Nâng bảo, vừa đổi đĩa nghe nhạc, vừa thoăn thoắt làm bếp, nhanh nhẹn hệt như lúc trên thuyền. Bữa cơm ngon và đầm ấm, cha Nâng, ông Đinh văn Ơn, nguyên trạm trưởng y tế bản, sinh 12 người con và đọc được liên tục tên của 12 con trong bữa như một thành tích đáng hãnh diện. Mẹ Nâng mặc váy áo Thái, cười hiền lành khi nghe chồng vừa uống rượu vừa tiếp khách, bà sinh 12 con, đứa nào cũng do chồng đỡ, có chồng làm cán bộ y tế cũng có cái lợi.

Từ Thanh Ha

Sáng hôm sau, Nâng đưa chúng tôi ra bến thuyền lúc trời còn chưa sáng, bóng áo xanh tình nguyện nhìn mờ mờ trong sương. Cũng là thuyền nhà Nâng, chú em họ cầm lái, một chú em rể, tên Bích, cũng giáo viên tiểu học, mặc bộ thể thao rất đẹp đi làm thêm ngày chủ nhật, chạy đi chạy lại như sóc từ mũi đến lái, đỡ và đón khách, dắt xe máy, bê gồng gánh từ bao nhiêu bến bãi hoang sơ dọc sông Đà lên thuyền. Từ đây về đến Thác Bờ còn phải đi 12 tiếng nữa. Khúc sông Đà qua Sơn La chúng tôi đi, đến lúc ấy, vẫn là đoạn thượng nguồn, vẫn bí ẩn hoang sơ mời gọi, thật thế! Vẫn những người lái đò, nhắc lại cụ Nguyễn Tuân thêm lần nữa, là linh hồn muôn thuở của sông nước. Để một lần đi, với chúng tôi, đủ trở thành một nỗi nhớ mà tôi tin là rất khó phai mờ.