30/4/09

Chùa Một Cột, biểu tượng Thủ đô đang hỏng

Vốn từ lâu muốn thay biểu tượng trên blog của TTST BND bằng bức ảnh Chùa Một Cột do chính mình mới chụp, nên tháng 3 vừa qua mình đã cất công đến tận chùa và phát hiện ra rằng so với trước đây, cảnh quanh chùa không còn hoang sơ mà đã được "dọn dẹp" đẹp hơn rất nhiều. Chẳng hạn như dãy nhà tạm mái ngói rất chướng mắt ngày xưa ở cạnh chùa đã bị dỡ bỏ:


Ảnh cũ (sưu tầm)



15/3/2009 - hieu_dan

Nhưng cũng giật mình khi thấy mái chùa đã bị hư hỏng nặng chưa được trùng tu, chợt nhớ đến lời ca thán trên báo, đài của các nhà sử học, văn hóa và dân chúng gần đây "xin đừng trùng tu" mà phá di tích lịch sử, bởi vì ở nhiều nơi, người ta đã phá tan những cái di tích cổ xưa, thay vào đấy cái mới làm rất vô lối, thậm chí có nơi, chỉ huy công trình trùng tu chỉ là người thợ có văn hóa chưa quá lớp 10.


Mái chùa đang cần sửa gấp,
15/3/2009 - hieu_dan

Trước khi xem tiếp mấy bức ảnh, mời các bạn cùng nhớ lại vài nét lịch sử và truyền thuyết Chùa Một Cột (Sưu tầm từ WikipediaThư viện Hoa sen):

Chùa Một Cột hay Chùa Mật, còn có tên khác là Diên Hựu hoặc Liên Hoa Đài (đài hoa sen), là một ngôi chùa nằm giữa lòng thủ đô Hà Nội. Đây là ngôi chùa có kiến trúc độc đáo nhất Việt Nam, được khởi công xây dựng vào mùa đông, tháng mười âm lịch năm 1049.

Chùa chỉ có một gian, nằm trên một cột đá ở giữa hồ nhỏ Linh Chiểu có trồng hoa sen. Truyền thuyết kể lại rằng, chùa được xây dựng theo giấc mơ của vua Lý Thái Tông (1028-1054), theo gợi ý thiết kế của nhà sư Thiền Tuệ. Vào năm 1049, vua đã mơ thấy được Phật bà Quan Âm ngồi trên tòa sen dắt vua lên toà. Khi tỉnh dậy, nhà vua kể chuyện đó lại với bày tôi và được nhà sư Thiền Tuệ khuyên dựng chùa, dựng cột đá như trong chiêm bao, làm toà sen của Phật bà Quan Âm đặt trên cột như đã thấy trong mộng và cho các nhà sư đi vòng xung quanh tụng kinh cầu kéo dài sự phù hộ, vì thế chùa mang tên Diên Hựu.

(Theo văn bia dựng năm Cảnh Trị 3 do Hoà Thượng Lê Tất Đạt ghi, Chùa được dựng từ thời thuộc Đường: “Năm đầu niên hiệu Hàm Thông thời Đường…”, dựng một cột đá ở giữa hồ, trên cột xây một tòa lầu ngọc, trong đó đặt tượng Phật Bà Quan Âm để thờ cúng. Khi đất Chùa anh linh, cầu gì được nấy, đến khi triều Lý xây dựng Kinh Đô ở đây, cũng noi theo dấu cũ, nên càng linh thiêng. Khi Lý Thái Tông chưa có hoàng tử, thường đến đó cầu nguyện. Một đêm nằm mộng thấy Phật Quan Âm mời lên trên lầu, ôm một đứa bé đặt vào lòng Vua. Tháng đó Hoàng Hậu có mang Hoàng Tử, vua bèn sửa thêm ngôi chùa Diên Hựu ở bên phải Chùa Một Cột để mở rộng việc thờ cúng)

Đến năm 1105, vua Lý Nhân Tông cho sửa ngôi chùa và cho dựng trước sân hai tháp lợp sứ trắng. Năm 1108, Nguyên phi Ỷ Lan sai bày tôi đúc một cái chuông rất to, nặng đến một vạn hai nghìn cân, đặt tên là "Giác thế chung" (Quả chuông thức tỉnh người đời). Đây được xem là một trong tứ đại khí - bốn công trình lớn của Việt Nam thời đó - là tháp Báo Thiên, chuông Quy Điền, vạc Phổ Minh và tượng Quỳnh Lâm. "Giác thế chung" đúc xong nặng quá không treo lên được, để dưới mặt đất thì đánh không kêu. Người ta đành bỏ chuông xuống một thửa ruộng sâu bên chùa Nhất Trụ, ruộng này có nhiều rùa, do đó có tên là Quy Điền chung (chuông ruộng rùa). Đến thế kỷ 15, giặc Minh xâm lược, chiếm thành Đông Quan (Hà Nội). Năm 1426 Lê Lợi đem nghĩa quân Lam Sơn ra đánh, vây thành rất gấp. Quân Minh thiếu thốn vũ khí đạn dược, tướng Minh là Vương Thông bèn sai người đem phá chuông Quy Điền lấy đồng. Quân Minh thua trận, nhưng chuông Quy Điền thì không còn nữa.

Văn bia tháp Sùng thiện diên linh (chùa Đọi, Hà Nam), năm 1121 viết: "Do lòng sùng kính đức Phật và dốc lòng mộ đạo nhân quả (đạo Phật) nên hướng về vườn Tây Cấm nổi danh (vườn ở phía tây cấm thành Thăng Long đời Lý) mà xây ngôi chùa sáng Diên Hựu theo dấu vết chế độ cũ, cùng với ý mưu mới của nhà vua (ý nói: theo dấu vết lề lối xây dựng chùa đời Lý Thánh Tông, có thêm ý mới của Lý Nhân Tông mà chữa lại chùa đẹp hơn trước)".

Qua văn bia miêu tả, rõ ràng Liên Hoa Đài thời Lý to hơn chùa ngày nay nhiều. Đến thời nhà Trần, chùa đã không phải là ngôi chùa nhà Lý nữa vì sách cũ đã ghi: Năm 1249, "...mùa xuân, tháng giêng, sửa lại chùa Diên Hựu, xuống chiếu vẫn làm ở nền cũ...", gần như phải làm lại toàn bộ. Thời Lê, triều đình nhiều lần cho tu sửa, thu nhỏ kích thước đài sen và cột đá...

Chùa Một Cột được trùng tu vào khoảng những năm 1840-1850 và vào năm 1922. Năm 1954, trước khi rút khỏi Hà Nội, quân Pháp đã đặt mìn phá sập chùa. Sau ngày tiếp quản thủ đô, Nhà nước đã cho tu sửa chùa Một Cột theo đúng kiểu mẫu cũ để lại từ thời Nguyễn. Đài Liên Hoa chúng ta thấy hiện nay được sửa chữa lại năm 1955, do kiến-trúc-sư Nguyễn Bá Lăng chủ trì.

Theo tài liệu lịch sử, lối kiến trúc một cột có từ trước đời nhà Lý. Ở Hoa Lư, Ninh Bình trong ngôi chùa con gái vua Đinh Tiên Hoàng, có một cây cột đá cao, sáu cạnh, khắc bài kinh Lăng Nghiêm, đề niên hiệu thời Lê Hoàn (981–1005). Phía trên cột là tòa sen chạm. Năm Long Thụy Thái Bình thứ năm đời Lý Thánh Tông (1058) có xây điện Linh Quang ở Thăng Long, phía trước điện dựng lầu chuông, một cột sáu cạnh hình bông sen. Như vậy, trước khi xây chùa Một Cột, lối kiến trúc đó đã là một thực tế nghệ thuật cổ truyền.

Ở đây có sự kết hợp táo bạo của trí tưởng tượng lãng mạn đầy thi vị qua hình tượng bông sen và những giải pháp hoàn hảo về kết cấu kiến trúc gỗ bằng hệ thống móng giằng, đặc biệt là xử dụng các hệ thống cột chống chéo lớn từ cột đến sàn, vừa tạo thế vững chắc, vừa mang lại hiệu quả thẩm mỹ, như đường lượn của cánh sen, thiết lập sự hài hòa giữa mái và sàn, rất đối xứng.

Chùa nằm giữa cái hồ nhỏ hình vuông, phía dưới có thể là biểu tượng cho đất (trời tròn, đất vuông), sự tích bánh dầy bánh chưng. Ngôi chùa như vươn lên cái ý niệm cao cả: ”Lòng nhân ái soi tỏ thế gian”. Khối kiến trúc gỗ đá được phù trợ bởi cảnh quan, có ao, có cây cối đã tạo nên sự gần gũi, tinh khiết mà vẫn thanh lịch. Cảm giác thanh cao của kiến trúc như chia sẻ, hòa đồng với trời nước, và mầu xanh của cây lá khiến con người giũ sạch ưu phiền, đạt tới sự trong sáng của tâm hồn như nhà sư Huyền Quang (1254-1334) dưới thời Trần đã viết:

Vạn duyên bất nhiễu thành dã tục
Bán điểm vô ưu nhãn phóng khoan.

Tạm dịch:

Muôn duyên chẳng vướng, xa trần tục
Một mảy không lo, rộng nhãn quan.


Cạnh Chùa Một Cột ngày nay còn có một ngôi chùa có cổng tam quan, với ba chữ "Diên Hựu Tự", là mới được xây dựng khoảng đầu thế kỷ 18, để phụ vào với Chùa Một Cột.

Chùa Một Cột đã được chọn làm một trong những biểu tượng của Thủ đô Hà Nội, ngoài ra, biểu tượng Chùa Một Cột còn được thấy ở mặt sau đồng tiền kim loại 5000 đồng của Việt Nam hiện đại./.


15/3/2009 - hieu_dan



15/3/2009 - hieu_dan



15/3/2009 - hieu_dan



Diên Hựu Tự, 15/3/2009 - hieu_dan



Hồ chưa có sen. Hẹn mùa sen nở sẽ đến chụp lại lần nữa!
15/3/2009 - hieu_dan

1 nhận xét: