29/10/10

Thủ thuật tìm kiếm

vn.hanoi: Đã bao giờ bạn thử gõ cụm từ vào ô tìm kiếm dưới dạng nằm trong dấu ngoặc kép chưa? Có lẽ khoảng 90% số người dùng internet không biết sự khác biệt trong kết quả tìm kiếm nếu đặt cụm từ tìm kiếm vào trong dấu ngoặc kép, kết quả sẽ hết sức chính xác, dễ thấy các thông tin cần tìm hơn nhiều. Chẳng hạn thử tìm bằng Google cụm từ "Trại trẻ Sơ tán báo Nhân Dân":
+ Không dùng dấu ngoặc kép: Trại trẻ Sơ tán báo Nhân Dân - sẽ được khoảng 142.000 kết quả, bạn thậm chí có thể cảm thấy rối mắt và chán nản vì quá nhiều kết quả tìm được.
+ Đặt cụm từ trong dấu ngoặc kép để tìm: "Trại trẻ Sơ tán báo Nhân Dân" - sẽ được khoảng từ 16 đến 296 kết quả, cực kỳ tinh giản, dễ xem và thấy toàn những thông tin có ý nghĩa gần nhất với mối quan tâm của bạn!

Dưới đây là một bài viết về thủ thuật tìm kiếm vừa được đăng trên Tạp chí Thế giới Vi tính:

PC World VN:

Thủ thuật tìm kiếm hiệu quả


Thứ Sáu, 29/10/2010 14:11 (GMT+7)
Minh Hoàng

Chỉ với vài thủ thuật đơn giản, công việc tìm kiếm với các search engine của bạn sẽ đạt được hiệu quả bất ngờ.
Thói quen tìm kiếm đơn giản
Thật khó hình dung thế giới mạng sẽ ra sao nếu không có Google search hay những công cụ tìm kiếm - Search Engine (SE). Hiện nay, khi cần một thông tin nào, tìm hiểu vấn đề gì, thậm chí tìm ý tưởng tham khảo cho các các hoạt động thường ngày thì Google là một trong những phương tiện được nghĩ đến đầu tiên. Với rất nhiều người, cứ tìm kiếm thông tin trên Internet là nghĩ đến Google.

“Tôi sử dụng Google gần như hàng ngày, thậm chí homepage đặt trên trình duyệt máy tính để bàn và laptop cũng là Google. Do đặc thù công việc thường xuyên phải tìm thông tin, kiểm tra các bài viết mới nhất về sản phẩm, dịch vụ của công ty nên Google luôn là ‘trợ lý’ đắc lực của tôi. Vì hay sử dụng Google nên tôi có được những kỹ năng tìm kiếm rất hiệu quả trong khi phần lớn bạn bè tôi chỉ biết gõ và tìm”, bà Cồ Minh Huyền, phụ trách truyền thông của eBay tại Việt Nam cho biết.
Có thể nhận thấy vai trò của Google hay các SE ngày càng quan trọng trong thế giới mạng. Tuy nhiên, như ý kiến của bà Minh Huyền, phần lớn người dùng chỉ tìm kiếm đơn giản bằng cách gõ từ khoá vào ô tìm kiếm và bấm tìm. Với cách làm này, có thể người dùng vẫn tìm thấy kết quả mình cần nhưng đó chưa phải là phương án tối ưu. Nếu nắm bắt được những mẹo/thủ thuật về tìm kiếm thì người dùng có thể tiết kiệm được rất nhiều thời gian và công sức.
“Trước mình chỉ biết gõ từ khoá và tìm, nếu tìm không ra sẽ đổi từ khoá. Nhiều lúc thay đổi liên tục mà không tìm được thông tin và tài liệu mong muốn. Sau một lần được cậu bạn hướng dẫn một số thủ thuật, tôi thấy sức mạnh của SE thật đáng nể, tìm kiếm dễ dàng hơn nhiều và rất hữu dụng trong công việc hàng ngày”, anh Minh Đức, cán bộ một công ty viễn thông chia sẻ.
Thực ra việc tìm kiếm thông tin cũng không quá phức tạp khi những cỗ máy tìm kiếm ngày càng thông minh hơn. Các SE nổi tiếng như Google search, Yahoo! search, Live search… của nước ngoài hay một số SE trong nước cũng liên tục được cải tiến. Chỉ cần nắm được một số thủ thuật và quy tắc, bất kỳ ai cũng có thể trở thành chuyên gia tìm kiếm, phục vụ hiệu quả cho công việc của mình.
Sau đây là một số thủ thuật giúp bạn tối ưu hiệu quả tìm kiếm.
Lựa chọn từ khoá phù hợp
Lựa chọn đúng từ khoá là yếu tố quan trọng nhất trong việc tìm đúng thông tin cần tìm. Hãy chọn từ khoá miêu tả chính xác nhất về thông tin bạn muốn tìm kiếm. Ví dụ, bạn cần tìm thông tin về đội bóng Thể Công, hãy gõ “bóng đá Thể Công” vào ô tìm kiếm. Tuy nhiên, đây vẫn là một từ khoá tương đối rộng về phạm vi giới hạn thông tin. Nếu bạn cần tìm thông tin cụ thể hơn, chẳng hạn thông tin về cổ động viên của đội bóng đá Thể Công, bạn có thể kết hợp các từ khoá với nhau để có kết quả như mong muốn.
Thông tin của từ khoá càng gần với thông tin thì kết quả càng chính xác hơn. Với cụm từ “hoa nhài” sẽ có kết quả tốt hơn so với cụm từ “hoa lá”.
Trong trường hợp bạn cần tìm kiếm nhưng chưa rõ thông tin cụ thể thì bạn có thể dùng từ khoá có phạm vi nội dung rộng. Ví dụ bạn muốn biết về Hà Nội mà chưa cụ thể về văn hoá, con người, lối sống, lịch sử… thì bạn chỉ cần gõ “Hà Nội” rồi từ những kết quả tìm kiếm bạn sẽ có hướng tìm thông tin sâu hơn. Tất nhiên từ khoá “1.000 năm Hà Nội” sẽ cho kết quả sát và phù hợp hơn rất nhiều.
Tuy nhiên, bạn cần lưu ý việc sử dụng các từ khóa chung chung sẽ khiến SE trả về rất nhiều kết quả khiến bạn khó tìm được thông tin cần thiết.
Ngược lại, các từ khóa quá chi tiết hay quá dài cũng khiến bạn bỏ qua một số trang hữu ích. Ví dụ, bạn muốn tìm hiểu về Vịnh Hạ Long, bạn có thể sử dụng “Vịnh Hạ Long tỉnh Quảng Ninh miền Bắc nước Việt Nam”. Nhưng thật ra chỉ cần từ khóa “Hạ Long” là bạn có thể tìm ra ngay website chính thức của Hạ Long tại halong.org.vn.
Một điều cũng rất quan trọng đối với từ khoá tìm kiếm là phải gõ đúng chính tả và chọn đúng font chữ. Bạn nên chọn font và bộ gõ Unicode vì hầu hết các tài liệu bằng tiếng Việt trên Internet hiện nay đều dùng loại font này.
Gõ tiếng Việt
Với những từ khoá bằng tiếng Việt, bạn có thể sử dụng bộ gõ tiếng Việt (Vietkey, Unikey, VietSpell…) hoặc sử dụng công cụ gõ tiếng Việt tích hợp có sẵn của SE trước ô tìm kiếm.
Với một số công cụ, chức năng gõ tiếng Việt được tích hợp và ưu tiên bật lên. Nếu bạn cần gõ từ khoá không dấu hoặc tiếng Anh, nhấn vào nút có chữ “V” để chuyển sang biểu tượng “E”.
Chữ viết hoa
Thường thì các SE không phân biệt chữ hoa và chữ thường. Mọi ký tự đều được coi là chữ thường. Ví dụ, "THỂ CÔNG", "Thể Công" hay "thể công" đều cho kết quả tìm kiếm như nhau.
Thứ tự các từ tìm kiếm
Mặc định, SE sắp xếp kết quả theo thứ tự ưu tiên của các từ mà bạn nhập vào. Do vậy, bạn nên đặt các từ quan trọng lên trước. Ví dụ, bạn cần tìm thông tin du lịch ở Hạ Long, hãy đặt “Du lịch” trước “Hạ Long”.
Tìm chính xác cụm từ
Trong trường hợp bạn muốn kết quả trả lại chứa chính xác cụm từ nào đó, bạn chỉ cần cho cụm từ vào trong dấu ngoặc kép (“ ”). Phương pháp này rất hiệu quả khi bạn tìm tên người hay địa danh “Hạ Long”, tìm tên tài liệu, tên một bài báo, những câu nói nổi tiếng…
Tuy nhiên, nếu bạn không nhớ chính xác cụm từ hay thứ tự đúng của cụm từ thì bạn không nên dùng dấu ngoặc kép. Lúc này, bạn nên sử dụng các biện pháp tìm kiếm kết hợp.
SE cho phép sử dụng các phương pháp và các từ tìm kiếm kết hợp (gọi là toán tử) để kết hợp các từ khóa lại với nhau.
Toán tử “and” hoặc “+”
Mặc định, SE tìm các tài liệu có tất cả các từ khóa mà bạn nhập. Tuy nhiên, bạn có thể sử dụng các toán tử "and" hoặc "+" để đảm bảo kết quả trả về có tất cả các cụm từ mà bạn muốn tìm. Ví dụ: "Hạ Long" and "Động Thiên Cung". Điều này có nghĩa tài liệu bạn tìm được sẽ có chứa cả cụm từ “Hạ Long” và “Động Thiên Cung”.

Toán tử “or”
Nếu bạn muốn tìm các tài liệu chứa một trong các từ hoặc cụm từ thì bạn có thể sử dụng toán tử "or" ngăn cách giữa các cụm từ. Ví dụ: "Hạ Long" hoặc "Đồ Sơn". Điều này có nghĩa tài liệu bạn tìm được sẽ có từ “Hạ Long” hoặc “Đồ Sơn” hoặc chứa cả 2 từ khoá.
Toán tử “not” hoặc “-”
Nếu bạn muốn một tài liệu không có một từ hoặc một cụm từ, bạn có thể thêm dấu " -" hay thêm "not" vào trước từ khóa. Ví dụ: -“khách sạn” hoặc not "khách sạn". Lưu ý cần phải có dấu cách trước dấu "-". Điều này có nghĩa tài liệu bạn tìm được về “Hạ Long” sẽ bỏ qua các thông tin có chứa từ khoá “khách sạn”.
Kết hợp các toán tử
Bạn có thể kết hợp các toán tử với nhau trong việc tìm kiếm. Ví dụ, nếu bạn muốn tìm tài liệu có từ "Hạ Long" hoặc tài liệu có từ "Đồ Sơn" và có cả từ “Khách sạn" thì SE sẽ tìm các tài liệu có chứa "Hạ Long" hoặc "Đồ Sơn" và phải có cả "Khách sạn".
Tìm kiếm với các toán tử nâng cao
Nếu bạn cần thông tin đòi hỏi phải thoả mãn nhiều điều kiện khác nhau, hãy sử dụng chức năng tìm kiếm nâng cao.
Sau đây là tóm tắt một số toán tử hay sử dụng:
Tận dụng chức năng Đã lưu trong bộ nhớ cache
Nhiều trường hợp bạn tìm thấy kết quả cần tìm nhưng khi mở liên kết đến trang chứa thông tin cần thiết thì không mở được hoặc mở rất chậm. Bạn hãy dùng chức năng xem bản lưu của các SE.
SE sử dụng hệ thống máy chủ riêng lưu trữ dữ liệu đảm bảo thông tin vẫn có thể được truy xuất ngay khi trang gốc chứa thông tin không còn tồn tại. Đặc biệt, tốc độ khi mở bằng chức năng này nhanh hơn so với mở trang gốc và những từ khoá bạn gõ sẽ được đánh dấu, rất dễ nhận ra.
Tìm kiếm thông tin ở một trang duy nhất
Trong trường hợp bạn có nhu cầu tìm thông tin chỉ ở một trang nào đó, bạn có thể áp dụng cú pháp với từ “site” theo thứ tự: từ khoá_site:têntrang. Ví dụ, bạn cần tìm thông tin về iPhone trong phạm vi trang http://www.pcworld.com.vn, bạn gõ: “iphone site:www.pcworld.com.vn”. Hãy nhớ có một khoảng trống giữa từ khoá và toán tử “site”.
Tìm kiếm ở một trang sẽ rất hữu ích khi bạn biết chắc thông tin mình cần ở trang nào, trong một diễn đàn hay một blog cụ thể.
Tìm kiếm thông tin theo thời gian hay kết quả mới nhất
Với nhiều người làm trong lĩnh vực truyền thông, cần liên tục tổng hợp tin, việc tìm tin theo thời gian hoặc tin tức mới nhất rất có ý nghĩa quan trọng. Khi có được kết quả tìm kiếm, bạn có thể lựa chọn các tính năng bổ sung (mới nhất, 24 giờ qua, tuần qua…).

Chuyển đổi tiền tệ theo tỷ giá với Google
Với nhiều người, việc chuyển đổi tiền tệ theo tỷ giá khác nhau là công việc thường ngày. Với Google, điều này thật đơn giản với toán tử (->). Ví dụ, để biết giá trị tính theo tiền Việt Nam của 265 USD, hãy gõ như hình:

Sử dụng Google làm máy tính
Google có thể giúp bạn tính toán, tìm kết quả các phép tính đơn giản như cộng, trừ, nhân, chia… Bạn chỉ cần gõ số liệu và các phép toán để thực hiện.
Kiểm tra thông tin thời tiết một thành phố
Để biết tình hình thời tiết, nhiệt độ… một thành phố nào đó, bạn chỉ việc gõ “thời tiết_ tên thành phố”. Ví dụ, để biết thời tiết ở khu vực TP.HCM, gõ thời tiết Hồ Chí Minh.
Chuyển đổi các loại đơn vị đo
Với Google, bạn có thể dễ dàng chuyển đổi các đơn vị đo. Ví dụ, bạn muốn biết 45 phút tương đương với bao nhiêu giây, hãy sử dụng dấu (=) và có dấu (?) trước đơn vị cần chuyển sang.
Trên đây là những thủ thuật đơn giản, thuận tiện cho bất kỳ ai có nhu cầu tìm kiếm. Bạn đừng quên mọi công cụ đều có phần tìm kiếm nâng cao rất hữu ích. Hãy đọc kỹ phần tìm kiếm nâng cao để biết thêm nhiều tiện ích phục vụ hiệu quả hơn nữa cho việc tìm kiếm thông tin của mình.

Dưới đây là một số đường link hữu ích cho việc tìm kiếm của bạn:

http://www.google.com.vn/intl/vi/help/features.html

http://blog.hubspot.com/blog/tabid/6307/bid/1264/12-Quick-Tips-To-Search-Google-Like-An-Expert.aspx

http://www.bnet.com/blog/businesstips/learn-google-search-tips-from-the-pros/2175

http://groups.google.com/group/tophill/browse_thread/thread/e0501ff3b5d4099d/2c9086611d52dc62?q=advanced+search+tip+google#2c9086611d52dc62

Tế nhà tiên tri

Huỳnh Dũng Nhi: Mấy hôm nay không thấy TTST đăng cái gì mới cả, ngày nào mình cũng chờ đọc. Gửi BBT bài "mì ăn liền" mới viết, có tính thời sự trong làng thể thao & giải trí, các bạn đọc chơi cho vui.

Khóc tiên tri Paul

Ôi thôi thôi, bạch tuộc ôi, bạch tuộc à, Paul ơi, Paul hỡi
Paul đã ra đi, xa mãi rồi, một quảng đời ngắn ngủi làm bậc tiên tri
Đức thắng, Đức thua, Hà Lan thứ nhì, Tây ban nha vô địch
Đã định trước bằng tám cái vòi vừa tròn tuổi rưỡi.
Làm tiên tri không hổ danh bạch tuộc họ nhà Nemo cùng Nautilus khốn nguy, kinh tế thế giới nổi chìm, làm những chuyện mang tầm thế giới.
Năm hai ngàn mười, từ Đức xa vời tung đến Nam Phi những phán quyết diệu kỳ
Chọn món ngon có dán quốc kỳ trở thành bậc tiên tri tiếng tăm vang dội.
Người thắng thì yêu, o bế nâng niu như thánh như thần,
Kẻ thua hậm hực, cả ngàn người ấm ức, coi hèn như loài mực, đòi nấu nướng chiên xào dầu olive nhiều tỏi.
Nay Paul đi rồi, hồ cạn nước vơi, công viên Sea Life rơi rụng lá vàng,
Kẻ thắng người thua, kẻ khóc người cười, tất tất cả đều mong Paul mãi mãi bình yên nơi chín suối.
Bóng đá tương lai khúc khủy đường dài, dẫu lắm chông gai, cầu thủ giỏi, trọng tài tài,
Không thể thiếu Paul – Người ta hứa sẽ tìm Paul mới.
Cũng làm tiên tri, nước bước đường đi cứ dựa vào toan tính chẳng sai,
Sẽ bảo vệ Paul tương lai, không để ai đòi bắt làm thực phẩm ăn liền hay phơi khô, xông khói
Hãy ngậm cười Paul ơi,
Bốn năm nữa mới tới mùa đá banh thế giới!

Sáng 29-10-2010
Huỳnh Dũng
-----
Xem thêm từ báo Người lao dộng online:
Thứ năm, 28/10/2010 | 14:29GMT+7

Đã tìm ra “truyền nhân” của bạch tuộc Paul

(NLĐO)- Viện hải dương học Oberhausen (Đức) cho biết đã tìm ra “truyền nhân” của “thầy” bạch tuộc Paul và sẽ chính thức ra mắt rộng rãi chú bạch tuộc mới này vào tuần sau.

Liệu Paul II có thừa hưởng những tố chất từ người tiền nhiệm?
Theo lời của phát ngôn viên Tanja Munzig, “truyền nhân” của Paul được đặt tên là Paul II. Chú bạch tuộc này sẽ được nuôi trong bể kính quen thuộc mà Paul đã từng sống.

Nếu như “thầy” Paul được sinh ra tại Weymouth (Anh) vào tháng 1-2010 và chỉ được chuyển về Đức nửa năm sau đó thì Paul II cũng là “người ngoại quốc” với nơi sinh ở thành phố Montpellier thuộc miền nam của nước Pháp.

Viện hải dương học Oberhausen còn cho biết thêm Paul II sẽ được trổ tài dự đoán của mình tại EURO 2012 để chứng tỏ năng lực tiên tri mà nó được thừa hưởng từ “sư phụ” Paul.

Trong một diễn biến khác, mới đây đạo diễn người Trung Quốc Jiang Xiao đã công bố một thông tin gây sốc khi cho rằng bạch tuộc Paul thực ra đã chết vào ngày 9-7 (2 ngày trước trận chung kết World Cup 2010 giữa Tây Ban Nha và Hà Lan) và trung tâm Oberhausen đã che giấu mọi người trong một thời gian dài.

Trước cáo buộc này, Viện hải dương học Oberhausen đã lên tiếng phủ nhận: “Những phát biểu của Jiang Xiao hoàn toàn không đúng sự thật. Chúng tôi xin khẳng định, bạch tuộc Paul chỉ mới qua đời vào hôm thứ hai vừa rồi”.
Hoàng Nam (Theo Daily Mail)

Xem thêm từ báo Tuổi trẻ online:
Thứ Năm, 28/10/2010, 08:00


TT - Câu chuyện qua đời của bạch tuộc Paul - nhà tiên tri đoán trúng phóc bảy trận đấu World Cup 2010, trong đó có sáu trận của tuyển Đức và trận chung kết Tây Ban Nha thắng Hà Lan - đã trở thành một sự kiện nghiêm chỉnh hẳn hoi. 

Các hãng thông tấn lớn như BBC, AFP, AP, Reuters... đều đưa tin này hôm 26-10. Stefan Porwoll - người quản lý công viên hải dương học Sea Life ở thành phố Oberhausen (Đức), nơi Paul sinh sống - nói với Hãng tin Reuters: “Chúng tôi cảm thấy được an ủi phần nào khi Paul đã sống một cuộc đời tốt đẹp. Tình cảm giữa chúng tôi và Paul ngày càng sâu đậm và mọi người sẽ rất nhớ anh bạn này”.

Một đài tưởng niệm nhỏ dự kiến được dựng bên cạnh bể nước mà Paul sinh sống ở khu công viên Sea Life, và người ta đang bàn bạc tổ chức “tang lễ” thế nào để đánh dấu sự qua đời của chú bạch tuộc nổi tiếng này.

Một anh bạn sau khi nghe xong những thông tin trên đã bình luận: “Suy cho cùng tài tiên đoán bóng đá của Paul chỉ là trò giải trí cho thiên hạ, nhưng ít ra Paul cũng phần nào giúp bóng đá thế giới đang đầy những câu chuyện buồn bớt nặng nề hơn...”.

Quả thật, giở những trang báo thể thao các tuần gần đây đều được xem nhiều sự kiện không vui: chuyện mua bán phiếu giành quyền đăng cai World Cup ở FIFA, chuyện ngôi sao hàng đầu thế giới Wayne Rooney “làm mình làm mẩy” với Manchester United vì tiền... Thế rồi, Paul qua đời trở thành một sự kiện mới của bóng đá thế giới. Ở World Cup 2010 cũng vậy, những trận đấu đầu tiên diễn ra nhàm chán vô cùng. Tuy nhiên, tài dự đoán của Paul đã phần nào giúp không khí World Cup tươi tắn hơn.

Tuổi đời hai năm rưỡi của Paul thật có giá trị vì khi sống và đến lúc chết, nó đều giúp mọi người nhẹ nhõm hơn.
K.B.
 -----------------------------

* Tin bài liên quan:

21/10/10

Ký ức thời sơ tán (6)

Huỳnh Dũng Nhi
(Kỳ cuối - Tiếp theo kỳ trước (5))

Cuộc sống sơ tán là cuộc sống thời bình quá độ sang thời chiến. Miền bắc là hậu phương lớn của tiền tuyến lớn - miền Nam. Ở tiền tuyến lớn, chiến tranh ở khắp mọi nơi. Ở hậu phương lớn, chiến tranh đến từ bầu trời. Bọn trẻ chúng tôi tiếp cận chiến tranh bằng cuộc sống xa cha mẹ, cuộc sống tập thể nơi sơ tán, bằng mũ rơm, bằng những lớp học bàn ghế kê ngang giao thông hào và những chuyện tai nghe mắt thấy về không lực Hoa Kỳ, về những chiến công của quân và dân ta. Ở Tuy Lai, một lần tận mắt thấy máy bay Mỹ cháy rơi xuống làng, hai tiếng đồng hồ sau, khi hai chiếc máy bay khác tới lượn đảo trên trời thì hết cháy. Tối lại cháy tiếp. Bọn trẻ chúng tôi mò tới hôi của, lấy đạn ca-nông-vanh về làm cán dao, các- tút vẫn còn nguyên kíp nổ, bị người lớn la cho một trận. Đạn ca-nông-vanh là đạn súng ca nông 20 ly, người lớn bảo thế. Cái dù thằng phi công nhảy xuống nửa đỏ, nửa trắng, là dù của phi công người Úc. Người lớn bảo thế, không biết có đúng hay không, nhưng đó cũng là một hiểu biết mới. Chiếc máy bay rơi là chiếc AD-6 của hải quân Mỹ, lần đầu tiên tôi biết là hải quân cũng có máy bay, chứ không phải chỉ có không quân. Rồi qua sách báo, tranh ảnh, chúng tôi dễ dàng nhận dạng được những F105 (Thần Sấm sét), F4(Con ma)… bay trên bầu trời Hà Tây, Hà Nội. Còn máy bay ta thì chúng tôi nhanh chóng thân quen với hình ảnh những con én bạc MIG 17, MIG19, MIG21. Một lần nào đó trên đường đi Chúc Sơn, chúng tôi gặp một trung đội pháo cao xạ 12 ly 7, được các anh pháo thủ cho leo lên ngắm nghía, và học được bắn đón mấy thân ở độ cao nào, và điểm xạ là 1, bắn loạt dài là 1.2.v.v.. Lần khác gặp một xe điều khiển tên lửa, không được leo lên nhưng được nhìn vào trong và được nghe các anh bộ đội tên lửa kể nhiều chuyện về binh chủng mới này. Lại gặp cả chuyên gia Liên Xô, tha hồ mà sờ-tô ê-tơ với xờ-pa-xi-pơ. Một dịp, ở làng có bộ đội đặc công về huấn luyện, chúng tôi mon men tới chơi và được các anh dạy cho cách đi không tiếng mà sau đó chúng tôi áp dụng trong cuộc đột nhập lấy trộm sách ở nhà “bọn con gái”. Chiến tranh thật sự chưa trực tiếp đến với những vùng sơ tán này (đó cũng là lý do vì sao chúng tôi phải rời Hà Nội đi sơ tán), nhưng không khí sẵn sàng chiến đấu thì hừng hực khắp nơi. Những ngọn đồi quanh xã thả đầy bóng phòng không, những quả bóng nylon khổng lồ bơm căng khí nhẹ nối đất bằng sợi dây cáp dài vài trăm mét, mỗi khi sờ tay vào có cảm giác như điện giật. Mỗi quả bóng có một cái lều đơn sơ cho người gác bóng, các anh chị dân quân. Khi bọn trẻ chúng tôi tìm hiểu về tác dụng của những quả bóng này thì được nghe giải thích mỗi người một kiểu. Người thì nói rằng bóng để bẫy những chiếc máy bay tránh tên lửa nhào xuống thấp, đụng dàn bóng này thì phải vọt lên, làm mồi cho tên lửa và đại cao. Người thì giải thích rằng nếu máy bay đụng vào bóng thì bóng nổ, không khí loãng làm máy bay “rơi tự do” cả trăm mét, không lấy đà ngóc lên được, chúi luôn. Người thì bảo máy bay bay thấp, tốc độ lớn, quẹt cánh vào sợi dây cáp, đứt cánh, rơi. Chẳng biết đúng sai như thế nào, nhưng chí ít thì chúng tôi cũng đã tự trang bị cho mình ba cách giải thích mà khi kết hợp với nhau thì có vẻ có lý. Sợ đụng bóng, vọt lên cao, bị tên lửa bắn; đâm vào bóng,bóng nổ, không khí loãng, rơi; bay thấp nữa, dây cáp cứa đứt cánh, rơi. Đằng nào thì nó cũng rơi cả. Vậy thì bóng phòng không quả là tuyệt vời. Máy bay Mỹ đừng có mà lảng vảng đến những nơi giăng đầy bóng phòng không. Nếu nơi nào trên đất nước Việt Nam này cũng giăng đầy bóng phòng không thì máy bay Mỹ cứ việc nằm yên trên hạm đội 7, hay đảo Gu-am, hay sân bay gì đó ở Thái Lan nghỉ chơi cho sướng. Nghĩ vậy thôi, chứ chúng tôi đều biết lưới lửa phòng không của ta là tuyệt vời, từ tầm cao đến tầm thấp, đến cả súng trường còn bắn rơi được máy bay thì bóng phòng không chắc chắn phải có tác dụng nhất định nào đó mới tham gia mặt trận.

Chưa có trận oanh tạc nào của máy bay Mỹ ở nơi chúng tôi sơ tán, nhưng máy bay qua lại trên trời thì ngày càng một dày hơn. Những ngày đầu đi sơ tán, nghe tiếng máy bay còn sợ, còn cuống quýt chạy ra hầm trú ẩn, nhưng sau quen dần, máy bay thì mặc máy bay, đã không chui xuống hầm mà còn kéo nhau ra vệ làng xem. Có buổi tối, xem trận đánh đêm, thấy lưới lửa phòng không của ta bắn lên tuyệt đẹp. Từng tràng đạn 4 cột nối nhau bay lên trời, uốn cong theo nhịp rê của súng, trông rất ngoạn mục. Đạn của súng trọng liên cao xạ 4 nòng, 14 ly 5 đó. Còn tên lửa thì bay như sao băng, chỉ khác là chậm hơn và bay lên chứ không bay xuống. Ngoài chiếc AD6 rơi ở Tuy Lai, tôi không có lần nào thấy máy bay Mỹ cháy nữa, mặc dù số máy bay Mỹ bị bắn rơi trên miền Bắc lúc đó đã là 2, 3 ngàn chiếc. Nhưng có một lần, trên đường đi học về thì gặp máy bay đến. Rất nhanh, rất bất ngờ. Khi chúng tôi đứng nép vào tường một cái nhà kho bên đường, ngẩng lên nhìn thì thấy hai máy bay F4 của Mỹ, bay thấp đến mức nhìn thấy cả đầu phi công trong buồng lái (không biết có thật không hay chỉ là ảo giác), nhưng tóm lại là rất thấp. Nhìn ra phía trước thì thấy hai chiếc MIG17 đang lấy độ cao vọt lên. Sự việc xảy ra sau đó chỉ vài giây. Một “Con ma” bắn mấy chùm ca- nông-vanh trúng chiếc MIG bay trước. Chiếc MIG cháy bùng lên và rơi xeo xéo về phía một làng xa xa. Chiếc MIG thứ hai bị thằng “Con ma” kia chích cho một quả tên lửa “không đối không”. Chúng tôi nhìn thấy rõ quả tên lửa bay đến và chích vào chiếc MIG. Chiếc này cũng cháy bùng lên và rơi xuống đâu đó ở một hướng khác. Đây là trận không chiến đầu tiên mà chúng tôi tận mắt chứng kiến, và quả là một kỷ niệm buồn. Vẫn còn nhớ trong lòng chiến công đầu của không quân Việt Nam trong trận cầu Hàm Rồng ngày 3-3-1965, và sau đó còn nghe nhiều chuyện rất hay về chiến công của các chú Trần Hanh, Lâm Văn Lích, Nguyễn Văn Bảy… vậy mà hôm nay lại chứng kiến sự hy sinh này. Đã đành rằng trong chiến đấu không tránh khỏi sự hy sinh, nhưng chắc chắn sẽ rất vui nếu hôm ấy xảy điều ngược lại. Trong vụ hai chiếc MIG bị rơi này, nghe người ta kể lại, có một anh phi công không kịp nhảy dù vì cố lèo lái cho chiếc máy bay đừng rơi trúng làng. Còn chiếc máy bay kia thì rơi ngoài đồng, anh phi công nhảy dù tiếp đất an toàn.

***

Chiến tranh chỉ lướt qua bọn trẻ sơ tán chúng tôi như vậy. Không đủ sự việc, không đủ tư duy, không đủ tư cách để kể về “ký ức thời chiến tranh”. Tôi viết “ký ức thời sơ tán”, trong bụng cũng không biết mình đang viết bằng thể loại nào nữa. Chẳng phải hồi ký, chẳng phải tự sự, chẳng phải tạp văn, chẳng phải là cái gì cả. Đơn giản là kể chuyện, ôn lại những kỷ niệm thời sơ tán, có kèm theo những suy nghĩ, liên tưởng của cậu bé Hà Nội đeo khăn quàng đỏ, lần đầu tiên tiếp xúc với cuộc sống tập thể, lần đầu tiên sống ở nông thôn, lớn lên với những bài học ở trường và những kiến thức, những hiểu biết, những kinh nghiệm dù nhỏ, vụn vặt mà cuộc sống đem lại. Sáu năm sơ tán, trong đó có bốn năm sơ tán ở ba trại của báo Nhân Dân là một quãng đời niên thiếu không thể nào quên của tôi. Viết “ký ức thời sơ tán” cho ai? Cho tôi, cho các bạn, cho những trại viên của trại trẻ sơ tán báo Nhân Dân. Vừa mổ cò trên máy vi tính, tôi vừa mường tượng như mình đang kể chuyện cùng các bạn. Hình ảnh của các bạn trong tôi là những cậu bé, cô bé loắt choắt cách đây 40 năm về trước, trừ hình ảnh của Trần Minh, Thanh Bình, Hiếu Dân, Khánh “bẹt”, Sơn… mà tôi có được gặp một hoặc nhiều lần ở Vũng Tàu hoặc ở Sài Gòn. Có được danh sách trại viên, tôi thử gọi điện cho một vài bạn… và nhận ra rằng chẳng có gì nhiều để nói. Ai cũng có riêng một cuộc sống về trưa, về chiều. Thôi thì cứ kể lại chuyện xưa, của riêng mình và các bạn trong trại, ai thích đọc thì đọc, để biết Huỳnh Dũng Nhi hồi đó làm gì, nghĩ gì, và qua những chuyện chung của trại mà làm sống lại những kỷ niệm của riêng mình, kỷ niệm thời thơ ấu, kỷ niệm thời sơ tán.

Trang Web “traisotan.blogspot.com” thật là tuyệt vời. Đáng tuyên dương những người thành lập ra Ban Liên lạc và trang Web này. Mới truy cập trang này gần đây thôi, tôi đã đọc hầu hết các bài đã đăng trước đó. Tôi thích xem trang ảnh, đơn giản chỉ muốn xem các bạn bây giờ như thế nào thôi. Trong trại, có những người tôi quên, có lẽ vì hồi đó các bạn đó còn nhỏ quá, có người thì thật sự là tôi không biết, như bạn gì làm “Phó tổng biên tập một tờ báo”, hay bạn gì “Ốm nằm nhà, lướt web của trại, thấy chẳng có gì mới”, viết mấy dòng trêu bạn nào đó ít tóc chẳng hạn (*). Nếu quả thật chưa quen, thì vẫn có thể làm quen. Người ta không quen nhau, cùng quê thì vẫn là hội viên hội đồng hương. Còn chúng ta là hội viên hội cựu trại viên sơ tán báo Nhân Dân. Nên chăng và có thể không, có một trang giới thiệu “Lý lịch trích ngang”, “thân thế và sự nghiệp”, kèm theo chân dung của từng trại viên (hình tuổi nhí và hình “tuổi tiền chống gậy”).

VŨNG TÀU, 4-9-2010
HDN

21/10/2010 - Ghi thêm: (*) Hôm viết đoạn này HDN chưa đọc kỹ hết các thông tin trên blog. Bây giờ thì đã biết hai bạn mà HDN nhắc đến ở đây là Thanh Hà (em của Huy Giao), người có nhiều tản văn thú vị trên blog ttst bnd và Hải Đường (em của Khánh Bẹt), đã "hát" tặng một bài cho Vị Hoàng (con chú Phan Quang) vì quá kén vợ, tặng cả Quang Ngọng vì "tội" tham lam.

Bạn cũ tụ họp tại nhà Việt Phương, ảnh vừa chụp buổi trưa 21/10/2010
Từ trái sang phải: Phương Liên (áo sẫm màu), Khánh, Dân, Kiều Tuấn (ở Sec về),
Thanh Hà, Hạnh Phúc, Việt Phương, Thanh Nga (ở Đức về, áo nâu), Oanh.
Trong ảnh còn thiếu Tuyết đang bấm máy (Tuyết là vợ Tương Lai) và Chi, Yến,
Thúy đã phải về trước vì bận việc - Từ an-bom Việt Phương

Xem lại: Trại sơ tán (Ký ức thời sơ tán - kỳ 1) / Ký ức thời sơ tán (2) / Ký ức thời sơ tán (3) / Ký ức thời sơ tán (4) / Ký ức thời sơ tán (5)

20/10/10

ĐẰNG SAU ĐẤY ...

Hoa lan Dendrobium (khoahoc.com.vn)
          Nhân ngày 20/10, tôi viết vội mấy dòng về Mẹ. Gửi các anh chị trại trẻ cùng chia sẻ.

Trương Hải Đường

          Ngày còn bé, mỗi bữa ăn, con làm vương vãi cơm ra bàn, mẹ lại vun vén từng hạt từng hạt rồi nhẹ nhàng nhắc: “Con ơi, đằng sau những hạt cơm này là mô hôi, nước mắt của bác nông dân đấy”. Mỗi lần như vậy, con lại cố há miệng xinh để đưa thìa cơm thật gọn ghẽ, gắng sao không để hạt rơi, hạt vãi ra ngoài.

          Ngày con bắt đầu đi học, con xé vở trắng làm nháp, mẹ dịu dàng nhắc nhở con: “ Con ơi, đằng sau đấy là công sức của các cô chú công nhân”. Thế là con lại chạy lon ton bắc ghế xé lịch để nháp vào mặt sau.

          Lớn thêm vài tuổi, con đi bơi cùng mẹ. Nhìn mẹ nhặt nhạnh những chiếc cặp tăm bé xíu các chị vứt vương vãi trên sàn, con đã cảm thấy xấu hổ, chỉ sợ mọi người nghĩ mẹ chắt chiu lẩm cẩm. Ra về, con cằn nhằn mong mẹ đừng làm vậy. Mẹ chỉ cười mà rằng: “Con ơi, đằng sau đấy là nhọc nhằn của những người thợ”.

          Thiếu nữ một chút, con bắt đầu làm việc nhà. Khi rửa bát, con xả nước thật lớn dù chỉ rửa vài cái bát. Mẹ lại đến bên con, xoay bớt vòi nước và khẽ khàng: “ Con ơi, đằng sau đấy là những dòng sông khô cạn”

          Đến tuổi ăn diện, con không chịu mặc quần áo lỗi mốt dù còn mới. Mẹ dịu dàng nhắn nhủ: “Con ơi, đằng sau đấy là trẻ em vùng quê còn đói rét”.

          Cứ thế theo năm tháng, con lớn khôn dần bên mẹ. Nay con đã trưởng thành, trở thành người có ích cho đời. Và mẹ ơi, con đã nhận ra rằng: đằng sau đấy chính là MẸ, mẹ muôn vàn kính yêu của con./.

17/10/10

Tình cảm với "ai": tặng thơ Em đi Bình Châu

Huỳnh Dũng: Gửi các bạn thêm bài thơ, viết xong sau khi Huyền Diệu lên đường 1 tiếng rưỡi. Các bạn xem chơi cho vui.
(Mời xem thêm bài "Ô-sin huyền diệu").

EM ĐI BÌNH CHÂU
Tặng Huỳnh Diệu

Hôm nay em đi Bình Châu,
Tinh mơ thức dậy chải đầu soi gương.
Chẳng như cô gái Chùa Hương,
Áo quần em mặc ngày thường cơ quan.
Tạm xa những nỗi lo toan,
Tạm quên tất bật đa đoan việc nhà.
Năm mươi ba vẫn chưa già,
Gặp ai em vẫn cứ là em thôi,
Một ngày rộn rã nói cười,
Một ngày bay bổng giữa đời bể dâu.

Hôm nay em đi Bình Châu,
Ngày mai em lại chải đầu soi gương,
Lo toan những nỗi đời thường,
Gia đình, bè bạn, tình thương, tình người…
7h30, 16-10-2010
(ngày Ô-sin Huyền Diệu đi Bình Châu)

HUỲNH DŨNG

Ảnh: Lan Coelogyne massangeana (Sưu tầm, khoahoc.com.vn)

Nhân ngày Phụ nữ Việt Nam 20/10/2010

Từ: Dũng Nhi

Gửi traisotan,

Gần đến 20 tháng 10, Dũng Nhi đã hoàn thành bài viết "Ô-sin huyền diệu" với cái tên tác giả là Huỳnh Dũng (một trong những bút danh thời làm báo của mình).
Xin gửi đến các bạn.


-----------------------------------

Từ: vn.hanoi: Danh sách Sinh nhật đầu tháng 10 của hội chúng ta có 5 anh chị (xem: Tiện ích lịch - Sinh nhật bạn), nhưng Hoa điện tửThiệp vi tính mừng Sinh nhật chỉ đến được hai địa chỉ e-mail.

Sau đây là những hồi đáp vui vẻ từ e-mail của các bạn:

Kính gửi Ban chủ nhiệm Blog TTST BND!

Tôi rất cảm kích khi nhận được những lời chúc mừng tốt đẹp của ban chủ nhiệm Blog TTST BND nhân ngày SN của tôi. Cám ơn các bạn!

Trân trọng,
Trần Minh


Xin gửi tới TTST BND lời cảm ơn sâu sắc vì thiệp chúc mừng sinh nhật!

Lưu Phương Bình



TTST BND: Nhân dịp Ngày Phụ nữ Việt Nam năm nay, 20-10-2010, TTST BND đặc biệt cảm ơn tác giả Huỳnh Dũng, anh đã thay mặt cho tất cả cánh mày râu của hội TTST BND bày tỏ lòng ngưỡng mộ và lòng-kính-biết-ơn đối với những người Mẹ, người Vợ, điển hình của Phụ nữ Việt, qua truyện ngắn tình cảm mà anh đã viết và gửi đến ttst bnd.

Ô-SIN HUYỀN DIỆU

Bà Dịu thức dậy, không cần nhìn đồng hồ cũng biết là đã 5 giờ sáng. Tiếng nhạc chào cờ vọng vào từ phòng khách. Từ tháng 9 đến nay, VTV1 chào cờ sớm hơn. Trước đó, phải đến 5 giờ 30 mới chào cờ. Nhưng dù có năm rưỡi hay năm giờ gì thì ông Du nhà bà cũng đã ngồi trước TV, chẳng ngày nào bỏ qua, mặc dù ông ấy không thích cái đoạn ông nhạc trưởng cầm gậy chỉ lên, chỉ xuống, lại còn liếc mắt nhìn ngang nữa. Ông ấy bảo cái đoạn đó hơi bị dài, chiếm tới gần hai câu, mà hình ảnh lá quốc kỳ tung bay thì hơi bị ít.

Bà Dịu bước ra phòng khách, như thường lệ, nói một câu thay cho “good morning” là “dậy sớm thế?”, nhưng hôm nay thì bà kịp không hỏi câu thứ hai là “áo đâu, không mặc vào?” vì hôm nay ông đã mặc chiếc áo thun xịn cô con gái vừa mua cho ở mãi bên Trung Quốc, ở một cái chợ cách Việt Nam có hơn 1 cây số. Vợ chồng nó vừa đi “honey moon” một tour Hà Nội, Hạ Long, Sa Pa về mà.

Lau qua một lượt cái phòng khách, rửa xong một đống chén đũa của tối hôm qua, quét sơ cái sân và lượm mấy trái nhàu rụng đem vô ngâm đường ép nước, hái ba cái tần dày lá để đâm với muối cho ông ngậm trị ho, gọi với lên lầu nhắc giờ đi học của cháu ngoại, xong xuôi bà mới đến gần bên ông, kể chuyện giá cá mắc như quỷ sứ vì người ta sợ thịt heo tai xanh, chuyện chồng chị kia làm ngành dầu khí, về hưu lãnh một cục mấy trăm triệu mới gửi ngân hàng thì vàng từ 29 lên 31, chuyện nhất định phải ngưng ăn thịt vì nhức mỏi quá… Rồi sực nhớ ra, bà nói: “Hôm qua em gọi điện cho ông bác sĩ rồi. Thứ tư này anh phải lên Sài Gòn tái khám. Em lại phải xin nghỉ một ngày. Anh gọi điện cho ông Bạn đi, thuê một chuyến xe đi về trong ngày. Anh không đi xe đò được đâu…”.

“Sáng nay ông ăn gì?” Bà hỏi. Hồi trước thì ông hay trả lời là “bà cho ăn gì thì ăn nấy”, nhưng bây giờ thì ông phải suy nghĩ. Ăn cháo mãi cũng ngán. Ăn bánh mì hay xôi thì ngại, vì dạo này hay bị nghẹn. Răng ông cả hai hàm đều là răng giả, làm mất gần 6 triệu nhưng ông chỉ dùng khi nào phải chụp hình, còn đeo răng thì khó chịu, ăn mất ngon. Vậy là chỉ còn món bột, dùng chung với thằng cu Sửu cháu ngoại gần 8 tháng tuổi. Và uống thêm một hộp sữa tươi có đường, ké với con bé Phính cháu ngoại, học lớp Chồi A (nó không chịu nói thiếu chữ A) trường mẫu giáo 20-10. Vậy là giải quyết xong cho ông bữa sáng hôm nay. Còn bà thì ăn gì cũng được. Vợ chồng con Thùy Chị thì tự lo. Trước đây con Thùy Em chưa về nhà chồng thì sáng vừa lo bữa sáng, vừa lo cơm canh cho nó dỡ theo đi làm. Còn bây giờ thì bà lo làm bột sắn dây cho ông. Người ta bảo bột sắn dây tốt lắm, bổ, mát, làm nhẹ đầu… Người ta bảo thứ gì tốt, có tác dụng bồi bổ hay ngừa bệnh, bà đều tìm về cho ông. Cây chó đẻ, Giảo cổ lam, trà láVằng, trà Artiso, Trà trinh nữ hoàng cung túi lọc… Trong nhà thì có mấy thứ: trái nhàu, lá Xa-kê (vườn nhà ông nội), lá Lược vàng, lá Đại tướng quân, tần dày lá, sống đời, lá đu đủ… Mọi thứ nước lá bà cho ông uống thay nước, ông uống vô tư. Ông bảo “Miễn không chết người là được. Khó như rượu mà còn uống tốt nữa là nước lá”. Cái khoản rượu thì bà kiên quyết phản đối, cho đó là nguyên nhân của đủ thứ bệnh trên đời, nhưng cũng nhân nhượng là cho ông một ngày 3 ly. Vậy nhưng ông vẫn có cách của ông. Ông ra đường mua rượu về dấu làm của riêng, vẫn dùng đủ 3 ly tiêu chuẩn và uống “dặm” thêm vài ly nữa. Ông mà đi ăn sáng ngoài đường thì chịu, không biết là một ly hay mấy ly nữa. Nhưng hơn một năm nay, ông bỏ hẳn rượu. Không phải sợ rượu vì những lời cảnh báo về ung thư gan và dạ dày, không có sự can thiệp nào từ bên ngoài, không “vung nắm tay thề” gì cả, tự nhiên bỏ, bỏ là bỏ cái một. Ông bảo, chính ông cũng ngạc nhiên về mình. Bây giờ thì ông hoàn toàn không uống rượu một mình như trước nữa. Nhà có sẵn rượu, đủ loại ta tây, từ hơn một năm nay vẫn còn nguyên nhãn mác. Nghe bà chị ngoài Long Khánh bảo có loại rượu ong vò vẽ trị đau nhức xương khớp hay lắm, bà cũng dặn mua một tổ ong 500 ngàn ngâm rượu, mỗi ngày cho ông ba ly hột mít. Bà quên, ông cũng quên luôn. Rồi chai rượu cao mèo bạn ông cho cũng vậy, còn hoài.

Bưng chén bột sắn dây lên cho ông, lúc này đã xem xong tiết mục “Chào buổi sáng” của VTV1, đang lên mạng tìm tuoitre online, bà vội vàng thay quần áo đi làm. Bảy giờ mới đến giờ làm việc, nhưng công việc văn thư buộc bà phải đến cơ quan trước 15 phút, phát báo, công văn giấy tờ, đóng dấu giấy giới thiệu… Xong xuôi, bà tranh thủ tạt qua chợ, mua đồ ăn cho cả ngày, (những hôm ông Du thích ăn bánh chưng thì chạy ra đường Lý Thường Kiệt, thích sandvich ngọt thì ra tận… mua). Về nhà, bà tranh thủ sơ chế mấy món cần thiết để cất vô tủ lạnh, bắt ông uống đủ 3 viên Hoàng Thống phong và 1 gói thực phẩm chức năng, vì không như hút thuốc, ông là chúa hay quên uống thuốc. Rồi bà lại tất tả sang cơ quan. Công việc tiếp theo của bà lưu hồ sơ dữ liệu vào vi tính. Được cái cơ quan cũng gần, chỉ từ ngã tư này đến ngã tư kia. Đi bộ cũng được, đi xe máy chỉ để tranh thủ chạy đây, chạy đó. Còn những hôm vợ chồng Thùy Chị cùng phải đi làm, để thằng cu Sửu ở nhà thì xe máy càng cần thiết để bà chạy đi chạy về. Những lúc như thế này, ông vịn cầu thang lê cái chân đau thần kinh tọa lên lầu đưa võng cho cháu, tranh thủ chơi game. Thằng Sửu thức dậy, khóc thì ông bấm số 3 quay số nhanh. Còn bà thì ngồi ở cơ quan, nghe điện thoại reo, thấy tên người gọi là ông Du, bấm máy nghe tiếng con nít khóc là tất tả về nhà liền. Về đến là xốc vào ôm ngay thằng cháu, hôn hít, nựng: “Cái thằng cu này, không để cho ngoại đi làm, người ta cắt a bờ cờ của ngoại đó, người ta đuổi việc ngoại đó”. Dỗ được thằng bé ngủ lại, bà lại tất tả chạy sang cơ quan. Có khi chưa kịp chạy sang cơ quan thì đã có điện thoại gọi. Có ai đó đang chờ đóng dấu.Vợ chồng Thùy Chị làm cùng một cơ quan ở bên Bà Rịa, công việc không đòi hỏi phải có mặt đúng giờ hành chính và bảo đảm tám giờ vàng ngọc, làm theo việc chứ không làm theo giờ. Vì khó tìm Ô-sin, mà người ta lại không nhận trẻ dưới 18 tháng vào nhà trẻ, nên chúng nó giải quyết bằng biện pháp tình thế: thay nhau nghỉ một ngày hoặc nửa ngày ở nhà trông cu Sửu, những hôm cả hai đứa vì công việc đều phải đi làm cả thì bà ngoại là “Ô-sin tình nguyện” kiểu chạy đi chạy về, mặc dù bà chỉ đăng ký làm “Ô-sin chính thức” vào ngày thứ bảy, chủ nhật, những ngày mà đôi khi chúng nó cũng phải đi làm. Những ngày đó, ở cơ quan, người ta thấy bà “thoắt ẩn, thoắt hiện”. Nhưng mọi người cũng thông cảm, chỉ thương bà quá đa đoan… Còn ông thì bảo “Trên tạp chí Gia đình & Tiếp thị, người ta nói những người phụ nữ như em là những người cho mình là siêu nhân, dành hết mọi việc của người khác”. Cho nên hai đứa con, đâu có đứa nào biết làm cá, làm gà. Còn bà thì biết làm nhiều thứ, làm cả bánh xèo, bánh khọt, bánh bông lan, bánh chưng, bánh tét… đủ cả. Biết là cực hơn đi chợ mua sẵn, nhưng bà thích vậy.

Trưa, 11 giờ bà về. Câu đầu tiên: “Ôi, thằng cháu “ngoái” chó con của ngoại đâu rồi? Thấy cái mặt mà ghét, con trai gì mà nhát hít, không chịu theo ông ngoại”. Rồi bà tất tả xuống bếp, chuẩn bị bữa trưa. Cá thịt thì đã làm rồi, bây giờ chỉ lặt rau và chế biến. Thật ra ông cũng sẵn sàng giúp bà cái đoạn lặt rau, nhưng ông lặt theo kiểu của ông, để cọng riêng, lá riêng để luộc riêng. Cọng thì luộc kỹ hơn cho thật mềm, là vì ông không ăn bằng răng giả. Nên bà dành luôn phần lặt rau. Hôm nay Thùy Chị nghỉ làm, cả buổi sáng ở trên lầu giữ con, giặt được một “máy” quần áo mà 2/3 là đồ con nít và sơn được 10 móng tay, 10 móng chân rất đẹp. Bà tranh thủ đi phơi mẻ quần áo đã giặt cho được nắng, rồi ra vườn hái mấy cái lá Lược vàng xay làm nước cho ông uống sau khi ăn súp xay. Bà nói với ông: “Hôm nay trả tiền điện hết triệu tám. Xài gì mà dữ vậy không biết. Mấy đứa nhỏ không biết tiết kiệm, ở dưới nhà mà trên lầu vẫn để TV, máy lạnh…” Ông bảo “Anh mới trả hai trăm hai internet. Con nhỏ thu ngân đâu bằng con Thùy Chị, kêu anh bằng anh ngọt sớt”. “Vậy thì càng mừng chứ sao. Để em đưa lại hai trăm hai cho anh. Lương có 300 thì chỉ còn 80, làm sao đủ cà phê cà pháo với mấy ông bạn già”. Bà nói lương 300 là phần lẻ lương hưu của ông đó, và bà cũng biết là ông chẳng cà phê cà pháo gì, nhưng cũng phải có tiền để dằn túi. Con cái nó cũng cho ba tiền, có khi hai ba tháng góp lại, sau khi xài lặt vặt, ông cũng có gần triệu rưỡi. Kỳ bà làm mất cái bóp đựng một triệu, ông không rầy la gì mà định mua lại cho bà một cái bóp loại xịn nhất, trong bụng chứa đúng một triệu như cái bóp cũ, nhưng bà không chịu. Bà đi mua cái bóp 10 ngàn, loại bé tý, xinh xinh và dễ mất.

Chiều, đúng 2 giờ thiếu 15, trước khi đi làm, đúng hơn là đi họp chi bộ, mà đi họp chi bộ nhất thiết phải đúng giờ, bà dặn ông: “Ly nước sinh tố trong tủ lạnh đó, khoảng ba giờ thì anh uống nghen”. Và nói với con gái: “Chiều nay thằng Phúc có về kịp đón con Phính không? Thôi, cứ để mẹ đi đón”. Rồi nói thêm: “Chủ nhật này cơ quan mẹ cho chị em phụ nữ đi 20-10 ở Bình Châu, tụi bay thu xếp công việc sao để cho mẹ đi được nghen, mẹ dẫn cả “phụ nữ” Phính theo nữa”. “Nhưng chủ nhật này tụi con phải làm chuyên đề cáp treo, cũng tính dẫn Phính đi theo cho nó biết cáp treo…” Bà ngần ngừ, nghĩ bụng: “Nếu thằng cu Sửu lớn hơn thì dù nó không là “phụ nữ”, mình cho nó theo đi Bình Châu…”.

Họp chi bộ xong sớm, mới bốn rưỡi bà đã đón Bích Phính về. Con cháu “ngoái” này tên thật là Bảo, Trần Huỳnh Lục Bảo, nói theo giọng Nam Bộ nghe rất có vẻ thiên tai, lụt bão. Tên “xấu háy” là Phính, ông ngoại thêm cho chữ Bích đằng trước cho có vẻ thơ mộng. Dẫn cháu vào nhà, nhắc cháu chào ông ngoại xong, bà lại quày quả quay ra, ra chợ cóc Xóm Lưới mua cá. Giờ này cá mới về, tươi xanh. Rồi lại đi mua gạo lức, mè đen về xay làm bột cho ông, mặc dù ông rất chán cái món này, bảo là chỉ có mỗi tác dụng làm giảm cân, mà cân nặng của ông tích góp gần 60 năm cuộc đời mới được tròm trèm 40 ký. Còn bà thì rất tin vào trường phái ăn chay dưỡng sinh Osawa, kiên quyết bắt ông ăn mỗi ngày ít nhất là một bữa, để giúp tiêu hóa và có lợi cho sức khỏe. Rồi lại tranh thủ ra Thúy Điệp mua cái đèn hồng ngoại, họ hẹn cả tuần rồi mà chưa có hàng. Ghé Tứ Hải mua 2 lít rượu đế loại xịn nữa. Lần này thì bà rất hăng hái với cái vụ mua rượu, vì để ngâm với thuốc xoa bóp trị đau nhức và chứng đau dây thần kinh tọa, con gái mới mua tận Yên Tử, Quảng Ninh mang về cho ba. Về đến nhà, bà lên lầu nấu nước nóng tắm cho con bé Phính, rồi lại xuống bếp lui cui làm mớ cá trích tươi xanh vừa mua được.

Buổi tối, cơm nước xong xuôi bà mới có thời gian rảnh rỗi đôi chút, định chiếm đoạt cái máy vi tính cà là tàng của ông chơi trò đào vàng mà bà mới phát hiện và đang tức anh ách vì lấy được vàng và kim cương thì ít, lấy được đá tảng trị giá 20 đô và heo mọi trị giá 2 đô thì nhiều, “chết” hoài mà chưa biết kết thúc trò chơi sẽ được cái gì. Nhưng con gái kêu oai oái, nhờ bà giữ cu Sửu và trông bé Phính để viết bài đã đến hạn nộp. Vừa trông cháu, bà vừa nghe điện thoại của cậu em 40 tuổi lần đầu cưới vợ, bàn việc tập trung ở Long Khánh cùng mẹ và các anh chị em đi đón dâu ở U Minh Thượng, Kiên Giang. Thế là mươi ngày nữa bà lại xin nghỉ làm để đi. Lần đám hỏi bà đã đi rồi, 24 tiếng đồng hồ, 6-7 trăm cây số cả đi lẫn về là xong xuôi mọi việc, thắm thiết tình chị em.

Chín giờ tối con rể mới đi làm về, bà giao thằng Sửu rồi đi hái lá lược vàng xay nước, pha một ly sữa Ensure cho ông, lúc này đang gõ nốt đoạn cuối bài viết nhân ngày 20-10, rồi đi ngủ trước, sau khi nhắc ông không được hút thêm một điếu thuốc nào nữa cho đến sáng mai.

*****

Đêm đó bà nằm mơ, một giấc mơ đẹp. Bà nằm mơ thấy mình và con bé Phính đi Bình Châu với các bà, các cô, các dì ở cơ quan. Ai cũng đẹp lộng lẫy. Ăn trứng gà luộc trong giếng nước nóng, ngâm chân trong suối nước nóng và dự buổi vinh danh Ô-sin. Các bà, các cô, các dì, ai cũng là Ô-sin cả. Khi đọc tên bà, người ta kêu là Diệu. Diệu đúng là tên của bà, chỉ do ông viết giấy khai sinh hồi đó viết như nói mới ghi là Dịu thôi. Mà người ta còn gọi bà là Huyền Diệu nữa chứ. Thực ra bà là Huỳnh Diệu. Nhưng cũng được, cũng hay. Bà Huỳnh Diệu – Ô-sin Huyền Diệu.

Vũng Tàu, 13-10-2010
HUỲNH DŨNG



Nguồn Ảnh: Sự quyễn rũ của Phong Lan | KhoaHoc.vn

14/10/10

Berlin, mùa hè muộn màng

TTST BND: Thống nhất nước Đức (tiếng Đức: Deutsche Wiedervereinigung) đã xảy ra hai lần sau năm 1945: lần đầu vào năm 1957, Saarland được phép gia nhập Cộng hoà Liên bang Đức, và lần hai vào ngày 3 tháng 10 năm 1990, khi 5 bang được tái lập của Cộng hoà Dân chủ Đức (GDR / Đông Đức) đã gia nhập Cộng hoà Liên bang Đức (FRG / Tây Đức), và thành phố Berlin được thống nhất thành một bang-thành phố đơn nhất. Xin giới thiệu bài viết mới đây Tuấn Vũ gửi đến ttst bnd:

Berlin, mùa hè muộn màng
hay, Một nước Đức - Hai lối sống

Những đợt nóng dữ dội trên hầu khắp lãnh thổ Châu Âu hồi tháng tám vừa qua như được “đền bù” lại bởi một mùa hè muộn (Indian summer) êm ả thùy mị nhưng cũng không kém phần lộng lẫy. Thời gian tuyệt vời này không dài, chỉ duy nhất một tuần trong năm, nhưng cũng đủ để lại dấu ấn trong thi ca cũng như nhiều bài hát nổi tiếng. Dù mức sống, ngôn ngữ và phong tục khác nhau nhưng Mùa hè muộn ở Kiev và Berlin lại tương đồng như nhau: không gian trong vắt, bầu trời xanh thẳm và lòng người ngây ngất say, say cái bảng lảng của một vạt nắng vàng hắt qua cửa kính của lâu đài Schloss Bellevue, tòa lâu đài được xây dựng từ thế kỷ 18 của gia đình vua Phổ Friđrik II mà nay là dinh Tổng thống Đức, say những ánh mắt thiếu nữ đa tình trên quảng trường Gendarmenmarkt, một trong những quảng trường đẹp nhất nước Đức được xây dựng từ thế kỷ 17, say cái vẻ u tịch cổ kính đồng thời uy nghiêm của Berliner Dom – nhà thờ lớn nhất Berlin đã hơn 100 tuổi. Đây là trung tâm của giáo phái Evangelia tại Đức.

Thủ đô Berlin là nơi tập trung nhiều nhất nhà thờ của tôn giáo này chứ không phải đạo Catolic như trên khắp đất nước Đức. Nhà thờ lớn nhất của đạo Catolic lại nằm ẩn sau nhà hát Ô-pê-ra, trên một góc của quảng trường Bebel nơi Hitle đã tiến hành chiến dịch đốt sách khi lên nắm chính quyền. Tại đây có một đài kỷ niệm hết sức độc đáo giành cho… những cuốn sách đã bị thiêu hủy. Thật khó mà phát hiện ra nó nếu như không có người thông thổ mách bảo: Tượng đài là một ô cửa sổ ngay sát dưới chân người qua lại, qua ô cửa sổ này có thể nhìn thấy một thư viện trống vắng với những giá sách quạnh hưu. Khung cảnh này gây ấn tượng nhất vào lúc sẩm tối khi hệ thống đèn chiếu được bật lên.

Tòa nhà Reichstag nhìn từ phía tây, 15 tháng 11 2009
(Matthew Field, http://www.photography.mattfield.com)
Reichstag – Tòa nhà Quốc hội Đức, đây là vị trí cuối cùng mà hồng quân Liên Xô đã cắm lá cờ chiến thắng vào tháng 5 năm 1945. Vòm cuốn bằng kính của tòa nhà khiến tôi liên tưởng tới những khối Kim tự tháp bằng kính tại cung điện Luvr – Nó là một mảng hiện đại đính thêm vào khối kiến trúc cổ điển để tạo nên một nghịch âm thẩm mỹ và nhắc nhở ta đang sống trong thời kỳ hậu hiện đại, thời kỳ mà mỗi người đi tìm những ý nghĩa mới trong khuôn khổ xưa cũ. Vòm cuốn nguyên thủy của Tòa nhà Quốc hội đã bị phá hủy cùng với chế độ Phát xít. Người Đức không có ý muốn phục chế lại như cũ để lảng tránh những gì có liên quan tới Hitle, bởi vậy đã ra đời vòm cuốn bằng kính như hiện nay và được vây quanh bởi bốn cái tháp. Dưới ngay vòm kính là phòng họp quốc hội, người tham quan có thể nhìn từ trên xuống phòng họp, thậm chí trong lúc đang diễn ra hội nghị.

Bundeskanzleramt – Dinh thự của Thủ tướng Đức, theo như nhận xét của chính người dân Đức, giống như… cái máy giặt. Bởi vì tòa nhà là một khối bê tông vuông chằn chặn với những ô cửa kính hình tròn ở giữa. Khác với Nhà Quốc hội, Dinh Thủ tướng không mở cửa cho khách tham quan. Tuy vậy, nếu bạn đi ca-nô dọc theo con sông Shpre chạy sát vào gần tòa nhà thì có thể quan sát được rất nhiều điều lý thú. Các hướng dẫn viên trên tàu kể lại rằng, vào những ngày nghỉ có thể nhìn thấy thành viên của gia đình thủ tướng ăn sáng ngoài ban công, thậm chí họ còn giơ tay lên vẫy chào.

Nhà Ga Trung tâm Berlin mới xây dựng lại, mở cửa từ 26/5/2006 (Jorge Láscar, từ wikimedia)
Kể từ sau khi nước Đức thống nhất thì công trình đáng được ghi nhớ và quy mô hoành tráng nhất là nhà ga tàu hỏa Berlin. Dự án vĩ đại này được nảy sinh giữa cao trào của những tình cảm yêu nước sôi sục sau khi phá bỏ bức tường Berlin. Nghị Viện Berlin và Bộ Giao thông Đường sắt Đức mong muốn đây không chỉ là một nhà ga khổng lồ, cực kỳ hiện đại mà còn phải trở thành một biểu tượng của nước Đức thống nhất. Đây là công trình đường sắt lớn nhất Châu Âu do công ty cổ phần Deutsche Bahn của nhà nước thực hiện. Nó ngốn hơn 10 tỷ Euro, gấp hai lần dự kiến. Cả hệ thống đường sắt của Berlin được chấn chỉnh lại, đặt mới hơn 80km đường ray, đường hầm dưới lòng đất dài hơn 3km và nhiều bến tàu. Nhà ga Hauptbahnhof trong một ngày, cứ cách nhau một phút rưỡi, lại tiếp nhận hoặc xuất phát các đoàn tàu ngoại ô, tàu liên vận hoặc tàu chạy bằng điện… cả thảy hơn 1100 chuyến, tương đương với lượng khách phục vụ là 300 ngàn. Đến cuối năm 2010, nhà ga Berlin sẽ phục vụ khoảng 19 triệu lượt người trong một năm. Mặc dù kích thước đồ sộ song toàn bộ nhà ga lại toát lên vẻ nhẹ nhõm, trong suốt. Nửa hình cầu nổi trên mặt đất có chiều dài 320 mét bao trùm lên các tuyến đường, bên trên là hai tòa nhà bằng kính cao 10 tầng được neo giữ bởi những khung sắt mỏng. Công nghệ hiện đại không chỉ được sử dụng trong việc xây dựng tòa nhà chính mà trên mái thủy tinh của hai bên gian phụ được lắp đặt những môđul quang học trong suốt để sản ra một lượng điện 160 nghìn Kilowat, đỡ được 2% lượng điện sử dung trong cả năm.

Một góc Nhà ga Berlin (wikimedia)
Nhà ga Berlin không chỉ vươn lên trời cao mà còn lặn sâu xuống dưới lòng đất. Đây là một trong những điểm độc đáo cơ bản của công trình có một không hai này. Nhà ga được chia làm năm tầng: Các tuyến đường đi về hướng Đông –Tây ở tầng trên cùng, cao hơn mặt đất 10 mét. Các tuyến đường đi Bắc –Nam nằm sâu dưới mặt đất 15 mét. Nhờ có kiến trúc đặc biệt nên ánh sáng mặt trời vẫn xuyên qua đến tận tầng dưới cùng. Giống như nhân của một chiếc bánh gatô, các tầng giữa của nhà ga là các quán ăn, quầy bán lưu niệm, cửa hàng quần áo thời trang và hàng thực phẩm… Tất cả đều làm việc từ 8 giờ sáng đến tận 10 giờ tối.

Trên đỉnh của Nhà ga, xuyên qua những bức tường bằng kính, mở ra một khung cảnh bao la tuyệt đẹp của Nhà Quốc hội, Dinh Thủ tướng và tháp truyền hình. Từ đây, chỉ bằng một cái với tay cũng đến được Khải hoàn môn Brandenburg (tiếng Đức: Brandenburger Tor). Anh Nguyễn Văn Khánh, kỹ sư vô tuyến điện, sang Đông Đức lao động từ năm 1986, chỉ tay xuống hàng đá lát ngay dưới cổng khải hoàn môn và nói với giọng không dấu vẻ tự hào: “Tôi là một trong những người đầu tiên chạy qua ranh giới giữa Đông và Tây Beclin này trong cái đêm khó quên đó. Cả thành phố không ngủ, cả thành phố kéo ra đây tụ tập đông nghìn nghịt, tiếng cười hòa với tiếng khóc, rượu sâm banh tung bọt trắng xóa, ca hát nhảy múa đến tận sáng, mấy ngày hôm sau cũng chưa dứt. Chỉ trong vòng 2 ngày từ 10-12 tháng 11 đã có khoảng gần 2 triệu người sang tham quan Tây Berlin. Mọi người xông vào bức tường đập phá và lấy về những mảnh gạch đá vụn để làm kỷ niệm. Và anh thấy đấy, bây giờ người ta đã bán những mẩu gạch đá cho khách du lịch … Mình là người Việt nhưng cũng vui lây niềm vui của người Đức, họ thống nhất đất nước không đổ máu… Mới đấy mà cũng đã 21 năm rồi, nhanh thật”

Bức tường huyền thoại (Vũ Tuấn Hoàng)
Tôi xúc động đứng nhìn bức tường đã trở thành huyền thoại với những hình vẽ bằng sơn sặc sỡ đủ các hình thù từ trìu tượng đến vô nghĩa, nhìn những du khách từ khắp nơi trên thế giới đang vui vẻ chụp hình kỷ niệm dưới chân bức tường đã thấm trong mình bao sự kiện lịch sử cận đại khốc liệt, và ở một chừng mực nào đó, nó còn vượt xa cả một bức tường khác dài rộng hơn, một huyền thoại khác ở bên kia bán cầu là Vạn Lý Trường Thành. Bức tường Berlin 28 năm liền chia cắt Châu Âu thành hai khối Đông và Tây. Năm 1961, cũng chính vì xây bức tường này mà cả thế giới đứng trên bờ của cuộc đại chiến thứ III. Sau hơn 20 năm xảy ra sự kiện làm thay đổi bộ mặt thế giới, rất nhiều hồ sơ tài liệu được phơi bày ra ánh sáng, để có một cái nhìn gần với sự thật lịch sư hơn.

Từ năm 1958 đến năm 1961 Berlin là điểm nóng nhất của thế giới. Sự căng thẳng này đặc biệt nóng bỏng vào tháng bảy năm 1961 khi hàng ngày có khoảng một nghìn người dân Đông Đức chạy sang Tây Berlin. Ngay từ tháng 08 năm 1958 Bộ phận đối ngoại của BCHTW Đảng Cộng sản Liên Xô, theo yêu cầu của Đảng Cộng sản Đức, đã trình lên Khơrutshop một báo cáo hết sức khẩn cấp về tình trạng giới trí thức Đông Đức bỏ trốn sang Tây Đức rất nhiều và yêu cầu có những biện pháp khẩn cấp. Giám đốc tương lai của KGB lúc đó là Anđrôpov đã nói chuyện trực tiếp với Thủ lĩnh Đảng là Vanter Unbrich. Tuy vậy, tình trạng để ngỏ biên giới vẫn kéo dài thêm 3 năm nữa. Chỉ đến năm 1961, Bí thư thứ nhất của Đảng Công nhân Xã hội Chủ nghĩa Ulbrich quyết định gọi điện trực tiếp nói chuyện với Nhikitin Khơrutshov về việc ngăn cách Berlin và nhận được sự đồng ý của Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Liên Xô. Trong suốt thời gian tồn tại lâu dài của mình, bức tường đã trải qua hai lần được tái cấu trúc để cuối cùng trở thành một thành lũy phòng thủ kiên cố với hàng chục boongke, hàng trăm trạm gác có súng đại liên… Chiều dài của bức tường là 106 kilomet, cao 3,6 mét. Mặc cho những biện pháp canh phòng nghiêm ngặt, trong thời gian 28 năm đã có hơn 100 ngàn người vượt qua bức tường và số người bị bắn chết theo con số của chính phủ CHDC Đức là 125 còn phía Tây Đức cho biết con số lên đến 1245 người.

Cách đây không lâu, chính Thủ tướng Đức Angela Markel kể lại rằng vào cái buổi chiều lịch sử ngày 09 tháng 11 năm 1989 bà đang ở trong phòng… tắm hơi. Người phụ nữ 35 tuổi đó chỉ biết có hoạt động khoa học và mãi sau bà mới biết tin bức tường bị phá bỏ. Việc phá bỏ chính thức bức tường Berlin diễn ra vào tháng giêng năm 1990, người ta chỉ để lại một đoạn tường để làm tượng đài kỷ niệm. Mùa hè năm 1990, hàng trăm họa sĩ từ khắp các nước trên thế giới đã hội tụ tại đây để vẽ lên bức tường và biến nó thành một bảo tàng tranh hiện đại độc đáo.

Mặc dù đã hơn 20 năm sau khi đất nước thống nhất nhưng sự khác biệt giữa Đông Đức và Tây Đức vẫn còn rất lớn. Trên lãnh thổ của Đông Đức cũ, mọi thứ đều rẻ hơn như: bất động sản, các chi phí công cộng… nhưng kiếm công ăn việc làm vẫn còn là vấn đề nan giải. Sau khi bức tường Berlin sụp đổ, các chuyên gia và công nhân lành nghề đã đi sang Tây Đức, những xí nghiệp, nhà máy cũ không chịu đựng nổi sức ép cạnh tranh phải đóng cửa. Sự bùng nổ về kinh tế như hứa hẹn trước khi thống nhất, đã không xảy ra. Nói chung, không có sự sụp đổ hay tan vỡ gì tại Đông Đức. ở làng quê cũng như các thành phố nhỏ, chỗ nào cũng sạch sẽ, gọn gàng ngăn nắp, quy củ hơn rất nhiều so với các nước Đông Âu và Liên Xô cũ. Những người thất nghiệp (trong đó có rất nhiều người Việt Nam và nước ngoài) được nhận 360 Euro mỗi tháng và nhà cửa được nhà nước bao cấp. Lương hưu của các cụ già Đông Đức cũng ngang bằng Tây Đức từ 1000- 1200 Euro mỗi tháng. Đại bộ phận dân Đông Đức không muốn quay trở lại thời CHDCĐ tuy nhiên sự phản kháng cũng xuất hiện trong một số giai tầng xã hội của nước Đức thống nhất.

Cổng Brandenburg (Djmutex, wikimedia)
Lễ kỷ niệm 20 năm nhân ngày Bức tường sụp đổ đã biến thành một ngày lễ hội lớn của cả dân tộc Đức. Nguyên thủ và các chính khách của nhiều quốc gia trên thế giới đã có mặt tại chân bức tường. Tất cả họ đều đồng thanh tuyên bố rằng Thời kỳ Bức Màn Sắt đã vĩnh viễn qua rồi, thế hệ trẻ ngày hôm nay cần phải học cách sống của một xã hội không có sự chia cắt cả về địa lý cũng như ý thức xã hội. Tuy vậy, một số nhà phân tích người Đức cho rằng bức tường Berlin ngăn cách hai nước Đức đã sụp đổ 21 năm trước đây, song còn một bức tường nữa, không phải bằng bê tông cốt thép mà vẫn đứng trơ trơ mặc cho mưa gió, bão tuyết… Bức tường ngăn cách lòng người, không biết đến bao giờ mới bị sụp đổ? Hai thập kỷ là khoảng thời gian cần thiết để chứng minh một chân lý: những toan tính nhằm bảo vệ quyền lợi của một số dân tộc này nhưng lại làm tổn hại đến an ninh của các dân tộc khác là mầm mống tạo nên các mâu thuẫn đối kháng dẫn đến phân chia thế giới thành các phe, các khối, dẫn đến việc tạo nên các bức tường khác trong tương lai. Sự sụp đổ của bức tường Berlin cho thấy: Lịch sử là không thể đoán trước được, không nắm bắt được mạch đập của quần chúng – tức là không cảm nhận được bước đi của lịch sử.

Kiev-Berlin
Vũ Tuấn Hoàng

Ký ức thời sơ tán (5)

Huỳnh Dũng Nhi
(Tiếp theo kỳ trước (4))

Trường học cấp II ở Tốt Động, nơi có đền thờ các vị tướng đã làm nên chiến thắng có tầm cỡ chiến lược ở Tốt Động trong cuộc kháng chiến chống quân xâm lược nhà Minh. Theo sử sách, tham gia trận đanh có ba cánh quân, do Lý Triện, Đinh Lễ và Nguyễn Xí chỉ huy, không nhớ là ở đền thờ Tốt Động thờ vị tướng nào hay cả ba vị. Trước trường là một cái ao lớn, có thả sen. Đường từ trại đến trường khá xa, không nhớ là bao nhiêu cây số. Đó là một con đường gian khổ, nhất là vào mùa đông, mưa phùn, gió bấc. Đường đầy bùn đặc quánh nhưng lại cũng rất trơn. Mang dép cao su kể như thua vì không biết bao nhiêu lần phải dừng chân rút dép. Thật ra mang dép cũng chẳng để làm gì. Để ấm cũng không, để sạch cũng không, để cho đẹp, cho lịch sự lại càng không nốt. Vậy thì cởi quách, giấu trong bờ ruộng, đi học về lại lấy lên, đem về trại, chùi rửa cẩn thận, để rồi hôm sau đi học lại cởi ra, giấu trong bờ ruộng… Hình như có một quy định bất thành văn là đi học phải mang giày dép, quần áo sạch sẽ, gọn gàng. Dép thì như vậy rồi, còn quần áo thì không biết có gọn gàng không, chứ sạch sẽ thì chắc chắn là không rồi. Vồ ếch quần áo bẩn, khỏi phải nói làm gì, nếu không thì cũng khó mà không lấm một ít bùn đất. Mà hồi đó quần được quy định (bất thành văn) là màu xanh công nhân, còn áo thì chỉ hai màu nâu hoặc xanh, có dính chút bùn đất cũng vẫn cứ coi như là sạch. Áo trắng được coi là xa xỉ, đồng thời cũng là “mục tiêu quân thù”(ngày xưa áo trắng em yêu, bây giờ áo trắng mục tiêu quân thù). Cũng như cái đèn pin vậy. Phải lấy vải dù làm một cái túi, thắt miệng túi lại, chỉ chừa một lỗ bằng hột đậu để khi rọi, quân thù khỏi nhìn thấy. Chẳng biết có trường hợp nào máy bay địch lao xuống oanh kích một chiếc áo trắng, một ánh đèn pin nào chưa, nhưng rõ ràng là mọi người đều rất tin điều đó. Thực ra, áo trắng thời đó, nếu không phải là xa xỉ thì cũng khó giặt sạch cho “trắng sạch như mới” đến mức“ngạc nhiên chưa” bằng xà bông cục bảy mươi hai phần dầu, nên nếu không “để em yêu” thì cũng ít ai mặc. Còn đèn pin thì chỉ có một số vị chức sắc mới có. Đèn pin Trung Quốc, xà cột vải bạt, chiếc xe đạp quấn đầy len đủ loại màu ở ghi đông, có con bướm hoặc bông hoa sặc sỡ rung rinh trên hai sợi dây phanh kết lại đằng trước xe - là phương tiện làm việc, đồng thời cũng là một cái mốt của các chú, các bác…

Trở lại chuyện học hành. Bọn trẻ sơ tán hồi đó không có ai là học sinh kém, học sinh cá biệt cả. Học sinh giỏi toàn diện hình như cũng không có. Ham chơi, nghịch phá, nhưng không ai sao nhãng việc học hành. Học dưới ánh đèn dầu, tập vở giấy đen thui, thường là giấy khổ “năm hào hai” cắt ra làm đôi, kẹp miếng bìa, đóng lại thành hai cuốn vở. Bút ngòi lá tre, có được ngòi bút Trung Quốc, loại có cái chấm tròn ở mũi là thích lắm rồi. Học sinh các lớp lớn thì có bút máy Hồng Hà, vừa viết vừa rảy, có khi phải chà ngòi bút đến rách cả giấy cho ra mực. Xin mực nhau là chuyện thường. Khi một cây bút hết mực liền được “tiếp mực trên không”, mực xanh hòa mực tím thành mực chết cũng không sao. Học cứ lên lớp đều đều. Hồi đó chỉ tiếc cho Bích Diệp (con cô Bích Hà), bị đau chân từ nhỏ, ở Hà Nội thì đi học được chứ đi sơ tán thì phải ở nhà. Năm đó Diệp học lớp bảy. Không biết “sáng kiến hòa bình” của ai, mà theo đó, Diệp cứ việc ở nhà, còn tôi đi học về là “kể lại bài” đã học ở trường cho Diệp, đến lúc kiểm tra thì Diệp làm bài gửi tôi đi nộp. Việc này chỉ thực hiện được trong một thời gian ngắn. Diệp khá môn văn, tôi cũng vậy, nên chỉ có môn này là tôi “kể lại” khá đầy đủ, còn các môn khác thì cứ như chuồn chuồn đạp nước vậy. Tôi không có khiếu sư phạm, sờ tay ra sau đầu mấy lần mà chẳng thấy cái “bướu sư phạm”nào cả. Vả lại, tôi cũng có ít nhiều ngại sang nhà “bọn con gái”. Có lần tôi sang, Ninh Hà (con cô Tuệ Quỳnh), cô bé có đôi mắt đẹp và có chữ viết đẹp nhất trại, kêu Diệp: “Chị Diệp ơi, dậy, học. Người ta sang này”. Sao lại là người ta?

Năm lớp 7 ấy, tôi được đi thi học sinh giỏi văn cấp huyện. Nếu Bích Diệp được đi học, rất có thể Diệp cũng được đi thi học sinh giỏi. Tôi nhớ mãi ngày đi thi ấy. Dậy từ 3 giờ sáng (không nhớ có ai gọi không, nhưng chắc chắn là không có đồng hồ báo thức), tay ôm giấy bút, tay cầm cái gậy bằng cây sắn đã chuẩn bị từ chiều hôm trước cầm theo để đánh chó, lên đường. Đường đi qua một cánh đồng (nơi Trần Dũng bị rắn cắn ), gần đó có một bãi tha ma, nghe đồn có nhiều ma trơi lắm. Tôi cắm đầu cắm cổ bước, tâm niệm một điều được những người dày dạn kinh nghiệm đi đêm dạy: “Nghe tiếng bước chân ở đằng sau là tiếng dép của mình đó. Đừng có quay đầu lại, nếu không thì dễ nhìn gà hóa cuốc, thấy cây duối cũng thành con ma đấy”. Không quay đầu lại, cắm cúi đi, không gặp con ma nào, cũng không có con chó nào tấn công cả. Đến trường, cô bé học sinh lớp 7 đi thi học sinh giỏi toán, có cái tên dễ nhớ là Thanh Thanh, cũng là dân sơ mít, đã đợi sẵn cùng chiếc xe đạp mượn của cô giáo. Thi ở Chúc Sơn. Trên đường chở bạn đi Chúc Sơn không gặp anh thanh niên nào “tránh trái, tránh phải”, đến kịp giờ. Đề thi năm ấy là “Em hãy phân tích (hay chứng minh gì đó) bài thơ “Chào Xuân 67” của nhà thơ Tố Hữu”. Sau đó là chép tay toàn văn bài thơ và bắt đầu làm bài. Đây là lần đầu tiên tôi được đọc bài thơ này và cũng thuộc luôn sau buổi thi hôm ấy. Bỏ ra nửa thời gian để làm giàn bài và viết nháp, tôi nộp bài đúng giờ, tự hài lòng với mình là đã viết một cách “xuất thần”. Về trường, đưa bản nháp cho thầy cô xem, các thầy cô khen và tỏ ra hy vọng. Nhưng kết quả là chẳng được gì cả, vì bài của tôi sai thể loại, không phải là chứng minh mà là phân tích (hay ngược lại gì đó). Đúng là một trong hai thể loại này, trường tôi chưa dạy. Thế là thất bại. Bù lại là kiểm nghiệm được bài học tránh gặp ma và quen thêm cô bạn giỏi toán, có cái tên dễ nhớ.

Đi sơ tán, những điều học được không phải chỉ ở nhà trường, hay nói cách khác, môi trường sơ tán cũng tạo ra một trường học. Ở môi trường đó, ở trường học đó, chúng tôi học được rất nhiều điều. Cuộc sống ở nông thôn, ở ruộng đồng đem lại những hiểu biết, những kỹ năng mà ở thành phố không thể nào có được. Đi sơ tán, tôi biết thêm bao nhiêu thứ. Biết giã gạo, tất nhiên chỉ “gạo giã chày chân” thôi, là giã gạo bằng chày theo nguyên tắc đòn bẩy, nắm sợi dây treo trên xà, nhún chân đạp trên phần cuối của thân chày, cho cái chày rơi xuống cối gạo. Khỏe thì làm hai đứa, yếu hơn thì làm ba đứa, bốn đứa. Biết đập lúa. Xoắn cái “cù nèo” vào bó lúa cho chặt, rồi đập xuống một cái cối đá úp ngược. Cái khó nhất là bung “kèo nèo” cho bó lúa văng ra phía trước chừng năm, bảy thước, rơi vào đúng đống bó lúa đã đập xong. Trong làng, nơi trại sơ tán đóng quân, có một cái sân đập lúa như thế. Bọn tôi thường ra đó chơi, chạy nhảy, đuổi bắt. Trần Minh (con cô Bình Định), trong một lần đuổi nhau, chạy nhảy thế nào trượt té, đập tay vào cối đá, gãy tay phải bó bột, tất nhiên là nhẹ hơn tôi hồi bị gãy chân nên không bị (hay được) đưa về Hà Nội. Rồi biết đi nhổ sắn. Nhổ sắn giúp dân chứ không phải là nhổ sắn trộm. Nếu là nhổ trộm thì cứ nhổ đại, được củ nào thì được củ nấy. Còn nhổ sắn đây là phải nhổ thế nào cho được nguyên bụi, không sót củ nào, không gãy củ nào. Đi nhổ sắn còn có một thú vui là ăn sắn sống ngay trên đồi. Chỉ cần lấy dao khứa một đường dọc củ sắn, tách vỏ ra, thế là một khúc sắn trắng nõn nà trở thành một món ăn vừa giòn, vừa ngọt, vừa mát phục vụ ngay cho người vừa giải phóng nó ra khỏi lòng đất. Người ta nói ăn sắn sống bị say, nhưng chúng tôi được biết chỉ sắn chạy chỉ vàng, nếu sắn ăn sống mới say thôi, nên cứ ăn vô tư. Còn đi bẻ ngô thì không được ăn ngoài đồng, vì chẳng mấy ai ăn ngô sống, nhưng đi giúp bà con bẻ ngô về, thế nào cũng được chiêu đãi một bữa ngô luộc no nê. Giúp bà con tẻ ngô thì được đãi ngô rang, thứ ngô vừa mềm, vừa ngọt, không như thứ ngô răng ngựa xay ra nấu độn cơm, nhai sái cả quai hàm. Có mấy việc muốn làm nhưng tập mãi mà không làm được. Đó là sàng, xảy. Làm mãi mà thóc, gạo, trấu cứ đoàn kết xoắn xuýt lấy nhau, chẳng chịu chia thành phe phái riêng biệt gì cả. Còn đi gặt thì tôi biết làm từ năm lớp 8, cũng là chuyện trong thời sơ tán nên kể luôn. Buổi đi gặt đầu tiên là một buổi sáng, bác chủ nhà thân mật mời chúng tôi, bốn thằng học sinh háu đói, một bữa cơm gà. Không biết vì đâu mà có sự trịnh trọng đến thế, nhưng trong tình cảnh thường xuyên nhịn bữa sáng, cơm của bếp ăn tập thể do lớp tự quản lý chỉ được 2 bát lưng một bữa, mà còn có khi phải cắt cơm, 2 thằng ăn một xuất để lấy gạo bán, lấy tiền trả nợ bánh khoai, chúng tôi vui vẻ nhận lời mời chân thành ấy. Ăn xong, bác chủ nhà khề khà nói: “Hôm nay chủ nhật, các chú được nghỉ học. Nhà thì có mấy sào ruộng, lúa chín rồi. Nhà lại neo người, nhờ mỗi chú một tay gặt giúp”. Thì ra vậy. Ăn cơm gà rồi, bây giờ tính sao đây? “Nhưng chúng cháu không biết gặt…” “Ôi, dễ lắm mà. Gặt bằng liềm, không khó như gặt bằng hái đâu. Dễ lắm”. Thế là từ đó tôi biết gặt, tất nhiên chỉ gặt bằng liềm, và gặt bằng hai tay, chứ không phải là một.

Cuộc sống nông thôn còn giúp thêm chúng tôi biết thêm nhiều thứ khác nữa, từ cái lớn đến cái nhỏ. Nếu như ở thành phố, chúng tôi biết nấu tuýp thuốc đánh răng ra thành chì, đổ vào trôn cái bát sành làm đồng cái đánh xèng, biết lợi dụng đường ray tàu điện cán dẹp những nắp bia thành xèng thì ở nông thôn, chúng tôi biết chọn cành ổi làm giàn súng cao su, biết lấy vỏ ốc nhồi khoét lỗ xoáy đá vôi thành những hòn bi, biết lấy tóc rối chà lên da cho hút sạch lông sâu róm. Mà tóc rụng, tóc rối thì nhà nào cũng có. Các bà, các mẹ, các chị thường hay quấn lại thành từng nùi, nhét vào khe kẽ nào đó ở chái nhà, ai cần cứ lấy mà dùng. Còn sâu róm thì khá nhiều.

(Còn tiếp)

Xem lại: Trại sơ tán (Ký ức thời sơ tán - kỳ 1) / Ký ức thời sơ tán (2) / Ký ức thời sơ tán (3) / Ký ức thời sơ tán (4)

8/10/10

LOẠI MỘT VÀ LOẠI TÁM

TTST BND: 10/10 - ngày Giải phóng Thủ đô năm nay trùng với dịp đại lễ Kỷ niệm 1000 năm Thăng Long. Nhớ về Hà Nội một thời xa xưa trong kỷ niệm, xin giới thiệu bài tản văn đã đăng đâu đó trước đây của anh Dũng Nhân, tinh tế, hóm hỉnh mà đầy tình người.


Hà Nội luôn tồn tại song song những hình ảnh trái ngược nhau. Những chiếc xích lô già nua, những người gồng gánh răng đen, những người hành khất chân không… luôn xuất hiện bên cạnh những nhà lầu, xe hơi, các trung tâm vi tính, ngoại ngữ.

Họ là những người ở ngoại thành kéo về Hà Nội. Họ vào Hà Nội từ đêm, đi bộ, qua các cây cầu, qua năm cửa ô. Đến khuya, đàn ông tìm chỗ ngả lưng cho qua cơn buồn ngủ. Đàn bà, con gái lại lặn lội về nhà, sau khi bán được vài mớ rau, cân gạo, con cá.

Một cách vô tình, họ làm phố phường thêm nhếch nhác, ngôn ngữ pha tạp, văn minh thủ đô tiến lên một cách ì ạch.

Nhiều người Hà Thành tự cho mình là “người Hà Nội một, hai”. Còn những người kia là “dân Hà Nội bảy, tám”.

Nhếch nhác xe thồ (ảnh: Vietbao.vn)
Một buổi chiều, chúng tôi đang đi trên một quãng đường chật chội thì một anh lực điền – “công dân loại 8” - đang đẩy xe đạp chở theo mấy khúc tre lớn chen vào. Bao nhiêu sự mắng nhiếc với những lời lẽ khó nghe nhất lập tức trút lên đầu anh ta. Bạn tôi cũng nóng máu, định lao vào “mắng cho hắn mấy mắng” vì cái tội làm tắc nghẽn giao thông. Nhưng anh bỗng im bặt, đờ đẫn quay ra nói : “Tôi thấy hắn quen quen. Nhớ ra thì hắn là con bà chủ nhà hồi mình đi sơ tán ngoại thành. Hồi ấy nhà hắn tử tế với dân sơ mít (sơ tán) lắm, nhường cả phản, bàn ghế, cho dùng nước mưa, dọn cả kho thóc lấy chỗ ở, phá vườn cây làm hầm tránh bom. Ngay cả hắn thấy bọn mình đói quá cũng đào trộm sắn cho ăn… Bây giờ bọn mình đã khá rồi, còn hắn vẫn cực thế kia…”

Chúng tôi đều thở dài, cố không nhìn vào cái áo ướt đẫm mồ hôi và mấy khúc tre đơn độc giữa dòng xe đang ngược xuôi giữa phố xá lung linh ánh đèn màu kia.

Hồi ấy, không có các “công dân loại tám” cưu mang, bao bọc thì “công dân loại một” chạy bom chỗ nào?.

7/10/10

Bạn cũ từ bốn phương trời, tụ họp về đây thành trại mới

vn.hanoi Thông báo:

Kỳ này blog xin tạm dừng đăng (01 kỳ) "Ký ức thời sơ tán" của anh Dũng Nhi. Tính đến nay, chúng tôi đã đăng 04 kỳ liên tiếp câu chuyện dài của anh Nhi và được nhiều người góp chuyện, góp thêm những kỷ niệm thú vị và nhớ mãi của cá nhân vào, thành ra câu chuyện càng dài thêm. Mời các bạn theo dõi các câu chuyện góp thêm vào ở dưới đây (bấm vào tiêu đề bài):

Ký ức thời sơ tán (1)
Ký ức thời sơ tán (2)
Ký ức thời sơ tán (3)
Ký ức thời sơ tán (4)

Ký ức thời sơ tán (5): Sẽ tiếp tục đăng vào 15:30, thứ Năm, 14/10/2010.

Nhân 1000 năm Thăng Long - Hà Nội, blog rất cám ơn anh Huỳnh Dũng Nhân gần như ngay lập tức sau khi từ Hà Nội về đến TP. HCM, đã gửi chia sẻ một bài thơ rất tinh tế, sâu nặng nghĩa tình của một người con Hà Nội:

Gửi Hà Nội ngàn năm của tôi

---------------

Từ: Dũng Nhi
Ngày: 7/10/10, 16:15
Chủ đề: Góp thêm vào "ký ức thời sơ tán (3)"

Chào các bạn,
Qua ý kiến của các bạn, mình gửi thêm một vài chi tiết, thêm râu thêm ria cho những kỉ niệm.


Đọc những dòng các bạn góp thêm những kỷ niệm về thời sơ tán, tôi cũng nhớ thêm, hoặc muốn kể thêm một vài chi tiết mà có nhớ, nhưng chưa kể. Như chuyện “quân đội” của đội quân sơ mít chẳng hạn. Đúng là có bị giải tán sau đợt “chỉnh huấn” như Hồ Nguyên kể, nhưng sau đó được tái thành lập bằng cách rút vào bí mật. Phong quân hàm cho nhau bằng cách rỉ tai, đứa này là đại úy, đứa kia là thượng sĩ, trung sĩ v..v…Quân đội bí mật này tồn tại không được bao lâu, vì chẳng còn tý hấp dẫn nào cả. Trước đó công khai đeo quân hiệu làm bằng bìa vở cắt thành hình quả trám, đến lúc này thì hoàn toàn không thể. Bài “Tiến bước dưới quân kỳ” không có dịp trở thành bài hát chính thức của đội quân này. Mọi hoạt động vẫn diễn ra như là không có quân đội. Thế là đội quân chìm vào quên lãng.

Năm 1967, năm tôi và Dân, Chính, Thanh học lớp 7, là năm Phương, Dũng, Hoài học lớp 8, không còn ở trại nữa. Trần Dũng lúc này hình như được đi học nghề ở Liên Xô. Việc Trần Dũng học nghề ở Liên Xô tôi nhớ chính xác, chỉ không chắc chắn là có phải năm đó hay không. Sau này, khi tôi học ở Hung, tôi có nhận được thư của Dũng, có kể về cô bạn gái tên là Vera (Bepa)-Niềm tin. Lá thư đó hiện nay tôi vẫn còn giữ, trong chiếc va ly chứa đầy những kỷ niệm về “thời sơ tán” ở Hungary cất trong tủ nhà Ngọc Thụy.

Chuyện đi trọ học ở nhà dân, đêm mưa bão soi đèn pin đi bắt ếch, tôi cũng nhớ. Có cái là không bắt được ếch thì đi gỡ trộm ống trúm lươn của người ta, đổ ra thấy rắn, hoảng hồn quăng chạy. Tôi nhớ là ống trúm lươn, vì các anh chị ếch không dại gì mà rúc đầu vô trúm trong một đêm mưa gió lãng mạn như thế này. Còn chuyện này nữa: một buổi chiều, bác chủ nhà bảo nhà có mấy con gà choai bị rù tiệt, mấy chú khỏe chân khỏe tay đuổi bắt hộ, ta làm thịt, chén. Gì chứ rượt bắt gà là một trò thú vị, lại được thực hiện một cách hợp pháp, cả bọn ngay lập tức nhiệt tình hưởng ứng. Năm bảy chú gà tội nghiệp nhanh chóng bị tóm gọn. Bác chủ cho vặt lông, làm lòng, rồi bằm nát cả xương lẫn thịt, cả chân đầu cổ cánh, rang muối với tỷ lệ 2 hỗn hợp thịt xương với 1 muối, để dành ăn dần. Tất nhiên là bữa cơm của đám học trò ở trọ cũng có thêm được chút ít thức mặn cho dễ lùa cơm, nhưng chắc là không thú vị bằng thịt gà (rù) luộc chấm muối tiêu chanh rồi.

Những chiếc bảng xanh màu lá xương rồng khắc đầy những tên được các bạn “gán ghép” thành đôi đó, nghe Hiếu Dân nhắc lại, tôi mới nhớ, và có điều như mới biết. “Dũng Hồng”, “Chính Mai”, sao lại có “Nhi Liên” nữa? Mà tôi lại không nhớ gì về bạn Liên cả, thật là vô tình phải không?

Tôi đã lầm khi nói là đã đọc hầu hết các bài viết của các bạn. Thực ra thì còn nhiều bài chưa đọc, nhất là những bài viết từ các năm trước. Nếu đọc kỹ hơn, tôi đã biết Thanh Hà làm nghề gì rồi. Có điều vẫn chưa hình dung được “dung nhan” của bạn. Có một tấm hình Thanh Hà song ca với chị Nhi, nhưng không chú thích rõ người bên trái hay người bên phải, cột khăn rằn hay không cột khăn rằn, tôi không dám mạo muội đoán. Vậy đấy, bạn cũ mà không nhận ra nhau… Hơn 40 năm rồi, còn gì. Có cái gì đó giống như là làm quen với bạn cũ. Vui và cảm động lắm. Nhờ có trang web-blog của TTST, nơi mà “những bạn cũ từ bốn phương trời, tụ họp về đây thành trại mới” để ôn kỷ niệm ngày xưa, hiểu nhau hơn trong cuộc sống hôm nay.

Thân ái,
Huỳnh Dũng Nhi

6/10/10

Gửi Hà Nội ngàn năm của tôi

Huỳnh Dũng Nhân vừa đi Hà Nội về. Gửi các bạn bài thơ làm vội khi về tới Sài Gòn.
06/10/2010 11:26 SA


Quang cảnh quảng trường Ba Đình 02/10/2010 - Từ HuynhDungNhan

Gửi Hà Nội ngàn năm của tôi

Thế là tôi cũng có lúc lang thang vào cái ngày Hà Nội ngàn năm tuổi,
Không nắng, không mưa, không kỷ niệm đong đầy,
Tôi chỉ có tôi những ngày ngơ ngác cũ,
Cứ thương mình sao đơn chiếc nơi đây.

Tìm mãi Hà Nội mà chỉ thấy đèn hoa,
Cụ Rùa suy tư gì dưới đáy hồ chói lòa đèn giữa mùa mưa mà thiếu điện.
Thương miền Trung những ngày lại gầm gào bão đến,
Một cây đèn cầy cũng chẳng có để thắp giữa đêm đen,
Lại quần quật chống che cơm áo túi tiền…

Thương miền Trung mùa này trắng xóa dưới cánh bay,
Lật đò, chìm ghe, tắc đường, mất tích,
Em vẫn vọng nhìn thủ đô với yêu thương tha thiết,
Hà Nội mùa này đẹp lắm phải không?


Tôi đi tìm Hà Nội ngày xưa thập kỷ bảy mươi,
Hà Nội của cây sấu, cây me, cây bàng, cơm nguội,
Của lãng đãng Hồ Gươm, Hồ Tây, Hồ Thiền Quang sớm tối,
Gác nhỏ ngõ nhỏ lối quen vang tiếng rao quê…

Tuổi thơ tôi đâu? Còn đâu những lối xưa,
Nhà nhà vút cao bê tông, lạnh lùng chữ tây tàu xa lạ.
Cô gái phố cổ xinh như hoa nhưng lạnh ngắt nụ cười,
Hay Hà Nội chỉ còn đẹp hoài niệm thôi…

Con đường dép cao su nay đã khác lắm rồi,
Đôi lứa bây giờ tuổi con cháu mình bay như mơ qua vòm trời Hà Nội.
Những lưng thon chân trần đẹp không thể nào tả nổi.
Đâu rồi thời quần xanh áo trắng tóc đuôi sam?

Đêm lai rai với những người bạn đuôi mắt đã đầy vết chân chim,
Ông ông tôi tôi nhớ thời mày tao nhắng nhít,
Thằng nào còn, thằng nào đã gửi thân nơi phương nam xa tít,
Phấn son thịt da cô gái bán bia chẳng thể khiến xao lòng.

Hà Nội chuyển mình, phải rồi Hà Nội của ngàn năm,
Đâu phải của khu tập thể nhà tôi và những tiếng loa công cộng.
Năm lăm tuổi của tôi rơi tõm trong một ngàn năm dài rộng,
Giống như một vết mờ bé tí - vụn vỡ - trầy xước - những thước phim.

Em đừng buồn vì tôi không thể có em,
Đưa em đi thăm Hà Nội ngàn năm đèn hoa Bờ Hồ và bờ đê gốm sứ.
Tôi thú nhận chân thành rằng mình vô cùng ích kỷ,
Pháo hoa hôm nay cũng khác ấu thơ rồi.

Tôi thật lòng không muốn chia sẻ với em một Hà Nội của tôi,
Khi Phủ Tây Hồ giờ bán buôn cũng theo quy hoạch,
Ông đồ chữ nho ngồi chìm sau những hàng bún ốc,
Những tờ bạc vẫn phải trả cho sự ngơ ngẩn thập phương.
Người ta lo lắng cho cụ rùa đáy nước Hồ Gươm,
Và vẫn căm hờn diệt bọn rùa tai đỏ,
Các cô gái lưng cong đêm vào quán Bar ngày ra chùa cúng viếng.

Thành tâm cũng ngả nghiêng cùng giá trị đồng tiền.
Chạnh lòng nhớ một Ca sĩ Y Moan vừa chia tay Tây Nguyên và đất nước,
Cả một đời anh ca sĩ tóc xoăn đã yêu thương và hát,
Câu cuối cuộc đời vẫn muốn hát đấy em.

Thì em ơi mình hãy hát lên,
Và kỷ niệm ơi hãy cháy lên,
Cùng Hà Nội xưa, Hà Nội nay và Hà Nội mai sau, 2000 năm Hà Nội.
Lịch sử là thế thôi, như cơn gió đa đoan không bao giờ ngừng thổi,
Cho dù tôi héo úa cũ xưa, hay em trẻ nõn bây giờ.

Thì em ơi, hãy để cái ngõ nhỏ ngày xưa sinh ra tôi có một cuộc đời mới lạ,
Hãy cho ngôi trường tôi học xưa kia thêm mảnh áo thiên thần,
Hãy để con đường vụng về nụ hôn xưa đầy ắp tiếng xe và tiếng còi cảnh sát,
Cho rạp múa rối dân gian lúc nào cũng chỉ toàn khách phương Tây.

Hãy cứ ngắm nhìn người già tập thể dục ven hồ khi cuộc chạy việt dã qua đây,
Những bài hát Hà Nội hôm nay hình như chẳng thể nào hay hơn bài hát hồi xưa được nữa.
Bài hát cũ của những người xa xứ,
Bài thơ cũ của những người xưa cũ,
Đặng Thái Sơn, Ngô Bảo Châu hai quốc tịch vẫn nồng nàn.
Tôi xa Hà Nội 35 năm và sẽ hơn thế nữa,
Tôi sẽ chẳng buồn khi ngu ngơ tìm con phố cổ,
Bắt gặp cái nhìn khinh khỉnh khó gọi tên.
Có lẽ vì tôi đánh mất mùi quen,
Của con thú cuối đời trở về rừng cũ.
Nhìn những cánh rừng vừa khai phá hôm nay,
Điện đóm rất nhiều và kiến trúc rất tây,
Vài chục năm sau có ai còn nhận ra Hà Nội…

Hà Nội được gì sau lễ hội ngàn năm?
Những kỷ lục, những tư duy, và lòng dân ấm lại…
Tôi yêu lá cờ Việt Nam trên những gương mặt xinh tươi,
Hà Nội tự hào dù mới ngập lụt đấy thôi,
Anh xe ôm thích thú khen Hà Nội ngàn năm làm mới được cái vỉa hè,
Tôi khoái chí nhìn phố Tràng Tiền hàng trăm người ăn kem đứng…

Giá giữ xe 50 ngàn một đêm nghe mà choáng.
Nhưng người ta gật đầu thông cảm cho nhau,
Chỉ có một Hồ Gươm thôi, hàng triệu người chia nhau,
Bản xướng ca thủ đô với hòa âm cả nước.

Có những lúc tôi cũng tính toan được mất,
Con số nỗi lòng hạnh phúc riêng chung,
Biết mình nhỏ nhoi mà không thể hòa cùng.
Hà Nội luôn vượt trên mọi túi cơm giá áo,
Nép góc phố tôi đi cùng thực ảo…

Tôi cứ hàm hồ chê trách và yêu thương đến trách mình giả tạo,
Hà Nội ngàn năm vẫn còn miền ký ức giao thoa,
Hà Nội bao giờ cũng trăm điều rất thực, hiền hòa,
Bạn tôi vẫn đi dép lê, đội mũ cối nghe giao hưởng…

Hôm nay tôi ở Hồ Gươm thầm trò chuyện với những người bạn phương xa,
Những người ấy đã một thời làm nên Hà Nội.
Hôm nay họ ở đâu?
Ở người lính lái Mig ở làng phi công Sài Gòn, Hà Nội?
Ở những công trường giữa biển khơi hay vùng kinh tế mới,
Ở đó đây, chỉ có thể nhận ra bởi chất giọng Hà thành nhẹ nhàng mát rượi.
Trời Mỹ, trời Âu, hay cực Bắc, cực Nam,
Họ thế nào nhỉ, chân chất hay huy hoàng,
Hay họ đang ở đây, trong Hà Nội của suy tư hoài niệm
Trong Hà Nội của công nghệ tin học, thời đại thông tin…
Tôi biết chắc một điều tất cả đêm nay họ đều quây quần bên Hà Nội,
Và tôi nữa và gia đình tôi nữa,
Hà Nội tháng Mười, năm Hai Ngàn Không Trăm Mười,
Sẽ không còn nhiều tháng năm để yêu thương giận hờn Hà Nội.
Muốn nói cùng em một điều gì mà không thể nào nói nổi.
Người ta có thể nói gì trước thành phố ngàn năm?

Hà Nội 10-2010
Huỳnh Dũng Nhân

Hồ Thiền Quang dịp đại lễ Hà Nội 1000 năm