14/10/10

Berlin, mùa hè muộn màng

TTST BND: Thống nhất nước Đức (tiếng Đức: Deutsche Wiedervereinigung) đã xảy ra hai lần sau năm 1945: lần đầu vào năm 1957, Saarland được phép gia nhập Cộng hoà Liên bang Đức, và lần hai vào ngày 3 tháng 10 năm 1990, khi 5 bang được tái lập của Cộng hoà Dân chủ Đức (GDR / Đông Đức) đã gia nhập Cộng hoà Liên bang Đức (FRG / Tây Đức), và thành phố Berlin được thống nhất thành một bang-thành phố đơn nhất. Xin giới thiệu bài viết mới đây Tuấn Vũ gửi đến ttst bnd:

Berlin, mùa hè muộn màng
hay, Một nước Đức - Hai lối sống

Những đợt nóng dữ dội trên hầu khắp lãnh thổ Châu Âu hồi tháng tám vừa qua như được “đền bù” lại bởi một mùa hè muộn (Indian summer) êm ả thùy mị nhưng cũng không kém phần lộng lẫy. Thời gian tuyệt vời này không dài, chỉ duy nhất một tuần trong năm, nhưng cũng đủ để lại dấu ấn trong thi ca cũng như nhiều bài hát nổi tiếng. Dù mức sống, ngôn ngữ và phong tục khác nhau nhưng Mùa hè muộn ở Kiev và Berlin lại tương đồng như nhau: không gian trong vắt, bầu trời xanh thẳm và lòng người ngây ngất say, say cái bảng lảng của một vạt nắng vàng hắt qua cửa kính của lâu đài Schloss Bellevue, tòa lâu đài được xây dựng từ thế kỷ 18 của gia đình vua Phổ Friđrik II mà nay là dinh Tổng thống Đức, say những ánh mắt thiếu nữ đa tình trên quảng trường Gendarmenmarkt, một trong những quảng trường đẹp nhất nước Đức được xây dựng từ thế kỷ 17, say cái vẻ u tịch cổ kính đồng thời uy nghiêm của Berliner Dom – nhà thờ lớn nhất Berlin đã hơn 100 tuổi. Đây là trung tâm của giáo phái Evangelia tại Đức.

Thủ đô Berlin là nơi tập trung nhiều nhất nhà thờ của tôn giáo này chứ không phải đạo Catolic như trên khắp đất nước Đức. Nhà thờ lớn nhất của đạo Catolic lại nằm ẩn sau nhà hát Ô-pê-ra, trên một góc của quảng trường Bebel nơi Hitle đã tiến hành chiến dịch đốt sách khi lên nắm chính quyền. Tại đây có một đài kỷ niệm hết sức độc đáo giành cho… những cuốn sách đã bị thiêu hủy. Thật khó mà phát hiện ra nó nếu như không có người thông thổ mách bảo: Tượng đài là một ô cửa sổ ngay sát dưới chân người qua lại, qua ô cửa sổ này có thể nhìn thấy một thư viện trống vắng với những giá sách quạnh hưu. Khung cảnh này gây ấn tượng nhất vào lúc sẩm tối khi hệ thống đèn chiếu được bật lên.

Tòa nhà Reichstag nhìn từ phía tây, 15 tháng 11 2009
(Matthew Field, http://www.photography.mattfield.com)
Reichstag – Tòa nhà Quốc hội Đức, đây là vị trí cuối cùng mà hồng quân Liên Xô đã cắm lá cờ chiến thắng vào tháng 5 năm 1945. Vòm cuốn bằng kính của tòa nhà khiến tôi liên tưởng tới những khối Kim tự tháp bằng kính tại cung điện Luvr – Nó là một mảng hiện đại đính thêm vào khối kiến trúc cổ điển để tạo nên một nghịch âm thẩm mỹ và nhắc nhở ta đang sống trong thời kỳ hậu hiện đại, thời kỳ mà mỗi người đi tìm những ý nghĩa mới trong khuôn khổ xưa cũ. Vòm cuốn nguyên thủy của Tòa nhà Quốc hội đã bị phá hủy cùng với chế độ Phát xít. Người Đức không có ý muốn phục chế lại như cũ để lảng tránh những gì có liên quan tới Hitle, bởi vậy đã ra đời vòm cuốn bằng kính như hiện nay và được vây quanh bởi bốn cái tháp. Dưới ngay vòm kính là phòng họp quốc hội, người tham quan có thể nhìn từ trên xuống phòng họp, thậm chí trong lúc đang diễn ra hội nghị.

Bundeskanzleramt – Dinh thự của Thủ tướng Đức, theo như nhận xét của chính người dân Đức, giống như… cái máy giặt. Bởi vì tòa nhà là một khối bê tông vuông chằn chặn với những ô cửa kính hình tròn ở giữa. Khác với Nhà Quốc hội, Dinh Thủ tướng không mở cửa cho khách tham quan. Tuy vậy, nếu bạn đi ca-nô dọc theo con sông Shpre chạy sát vào gần tòa nhà thì có thể quan sát được rất nhiều điều lý thú. Các hướng dẫn viên trên tàu kể lại rằng, vào những ngày nghỉ có thể nhìn thấy thành viên của gia đình thủ tướng ăn sáng ngoài ban công, thậm chí họ còn giơ tay lên vẫy chào.

Nhà Ga Trung tâm Berlin mới xây dựng lại, mở cửa từ 26/5/2006 (Jorge Láscar, từ wikimedia)
Kể từ sau khi nước Đức thống nhất thì công trình đáng được ghi nhớ và quy mô hoành tráng nhất là nhà ga tàu hỏa Berlin. Dự án vĩ đại này được nảy sinh giữa cao trào của những tình cảm yêu nước sôi sục sau khi phá bỏ bức tường Berlin. Nghị Viện Berlin và Bộ Giao thông Đường sắt Đức mong muốn đây không chỉ là một nhà ga khổng lồ, cực kỳ hiện đại mà còn phải trở thành một biểu tượng của nước Đức thống nhất. Đây là công trình đường sắt lớn nhất Châu Âu do công ty cổ phần Deutsche Bahn của nhà nước thực hiện. Nó ngốn hơn 10 tỷ Euro, gấp hai lần dự kiến. Cả hệ thống đường sắt của Berlin được chấn chỉnh lại, đặt mới hơn 80km đường ray, đường hầm dưới lòng đất dài hơn 3km và nhiều bến tàu. Nhà ga Hauptbahnhof trong một ngày, cứ cách nhau một phút rưỡi, lại tiếp nhận hoặc xuất phát các đoàn tàu ngoại ô, tàu liên vận hoặc tàu chạy bằng điện… cả thảy hơn 1100 chuyến, tương đương với lượng khách phục vụ là 300 ngàn. Đến cuối năm 2010, nhà ga Berlin sẽ phục vụ khoảng 19 triệu lượt người trong một năm. Mặc dù kích thước đồ sộ song toàn bộ nhà ga lại toát lên vẻ nhẹ nhõm, trong suốt. Nửa hình cầu nổi trên mặt đất có chiều dài 320 mét bao trùm lên các tuyến đường, bên trên là hai tòa nhà bằng kính cao 10 tầng được neo giữ bởi những khung sắt mỏng. Công nghệ hiện đại không chỉ được sử dụng trong việc xây dựng tòa nhà chính mà trên mái thủy tinh của hai bên gian phụ được lắp đặt những môđul quang học trong suốt để sản ra một lượng điện 160 nghìn Kilowat, đỡ được 2% lượng điện sử dung trong cả năm.

Một góc Nhà ga Berlin (wikimedia)
Nhà ga Berlin không chỉ vươn lên trời cao mà còn lặn sâu xuống dưới lòng đất. Đây là một trong những điểm độc đáo cơ bản của công trình có một không hai này. Nhà ga được chia làm năm tầng: Các tuyến đường đi về hướng Đông –Tây ở tầng trên cùng, cao hơn mặt đất 10 mét. Các tuyến đường đi Bắc –Nam nằm sâu dưới mặt đất 15 mét. Nhờ có kiến trúc đặc biệt nên ánh sáng mặt trời vẫn xuyên qua đến tận tầng dưới cùng. Giống như nhân của một chiếc bánh gatô, các tầng giữa của nhà ga là các quán ăn, quầy bán lưu niệm, cửa hàng quần áo thời trang và hàng thực phẩm… Tất cả đều làm việc từ 8 giờ sáng đến tận 10 giờ tối.

Trên đỉnh của Nhà ga, xuyên qua những bức tường bằng kính, mở ra một khung cảnh bao la tuyệt đẹp của Nhà Quốc hội, Dinh Thủ tướng và tháp truyền hình. Từ đây, chỉ bằng một cái với tay cũng đến được Khải hoàn môn Brandenburg (tiếng Đức: Brandenburger Tor). Anh Nguyễn Văn Khánh, kỹ sư vô tuyến điện, sang Đông Đức lao động từ năm 1986, chỉ tay xuống hàng đá lát ngay dưới cổng khải hoàn môn và nói với giọng không dấu vẻ tự hào: “Tôi là một trong những người đầu tiên chạy qua ranh giới giữa Đông và Tây Beclin này trong cái đêm khó quên đó. Cả thành phố không ngủ, cả thành phố kéo ra đây tụ tập đông nghìn nghịt, tiếng cười hòa với tiếng khóc, rượu sâm banh tung bọt trắng xóa, ca hát nhảy múa đến tận sáng, mấy ngày hôm sau cũng chưa dứt. Chỉ trong vòng 2 ngày từ 10-12 tháng 11 đã có khoảng gần 2 triệu người sang tham quan Tây Berlin. Mọi người xông vào bức tường đập phá và lấy về những mảnh gạch đá vụn để làm kỷ niệm. Và anh thấy đấy, bây giờ người ta đã bán những mẩu gạch đá cho khách du lịch … Mình là người Việt nhưng cũng vui lây niềm vui của người Đức, họ thống nhất đất nước không đổ máu… Mới đấy mà cũng đã 21 năm rồi, nhanh thật”

Bức tường huyền thoại (Vũ Tuấn Hoàng)
Tôi xúc động đứng nhìn bức tường đã trở thành huyền thoại với những hình vẽ bằng sơn sặc sỡ đủ các hình thù từ trìu tượng đến vô nghĩa, nhìn những du khách từ khắp nơi trên thế giới đang vui vẻ chụp hình kỷ niệm dưới chân bức tường đã thấm trong mình bao sự kiện lịch sử cận đại khốc liệt, và ở một chừng mực nào đó, nó còn vượt xa cả một bức tường khác dài rộng hơn, một huyền thoại khác ở bên kia bán cầu là Vạn Lý Trường Thành. Bức tường Berlin 28 năm liền chia cắt Châu Âu thành hai khối Đông và Tây. Năm 1961, cũng chính vì xây bức tường này mà cả thế giới đứng trên bờ của cuộc đại chiến thứ III. Sau hơn 20 năm xảy ra sự kiện làm thay đổi bộ mặt thế giới, rất nhiều hồ sơ tài liệu được phơi bày ra ánh sáng, để có một cái nhìn gần với sự thật lịch sư hơn.

Từ năm 1958 đến năm 1961 Berlin là điểm nóng nhất của thế giới. Sự căng thẳng này đặc biệt nóng bỏng vào tháng bảy năm 1961 khi hàng ngày có khoảng một nghìn người dân Đông Đức chạy sang Tây Berlin. Ngay từ tháng 08 năm 1958 Bộ phận đối ngoại của BCHTW Đảng Cộng sản Liên Xô, theo yêu cầu của Đảng Cộng sản Đức, đã trình lên Khơrutshop một báo cáo hết sức khẩn cấp về tình trạng giới trí thức Đông Đức bỏ trốn sang Tây Đức rất nhiều và yêu cầu có những biện pháp khẩn cấp. Giám đốc tương lai của KGB lúc đó là Anđrôpov đã nói chuyện trực tiếp với Thủ lĩnh Đảng là Vanter Unbrich. Tuy vậy, tình trạng để ngỏ biên giới vẫn kéo dài thêm 3 năm nữa. Chỉ đến năm 1961, Bí thư thứ nhất của Đảng Công nhân Xã hội Chủ nghĩa Ulbrich quyết định gọi điện trực tiếp nói chuyện với Nhikitin Khơrutshov về việc ngăn cách Berlin và nhận được sự đồng ý của Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Liên Xô. Trong suốt thời gian tồn tại lâu dài của mình, bức tường đã trải qua hai lần được tái cấu trúc để cuối cùng trở thành một thành lũy phòng thủ kiên cố với hàng chục boongke, hàng trăm trạm gác có súng đại liên… Chiều dài của bức tường là 106 kilomet, cao 3,6 mét. Mặc cho những biện pháp canh phòng nghiêm ngặt, trong thời gian 28 năm đã có hơn 100 ngàn người vượt qua bức tường và số người bị bắn chết theo con số của chính phủ CHDC Đức là 125 còn phía Tây Đức cho biết con số lên đến 1245 người.

Cách đây không lâu, chính Thủ tướng Đức Angela Markel kể lại rằng vào cái buổi chiều lịch sử ngày 09 tháng 11 năm 1989 bà đang ở trong phòng… tắm hơi. Người phụ nữ 35 tuổi đó chỉ biết có hoạt động khoa học và mãi sau bà mới biết tin bức tường bị phá bỏ. Việc phá bỏ chính thức bức tường Berlin diễn ra vào tháng giêng năm 1990, người ta chỉ để lại một đoạn tường để làm tượng đài kỷ niệm. Mùa hè năm 1990, hàng trăm họa sĩ từ khắp các nước trên thế giới đã hội tụ tại đây để vẽ lên bức tường và biến nó thành một bảo tàng tranh hiện đại độc đáo.

Mặc dù đã hơn 20 năm sau khi đất nước thống nhất nhưng sự khác biệt giữa Đông Đức và Tây Đức vẫn còn rất lớn. Trên lãnh thổ của Đông Đức cũ, mọi thứ đều rẻ hơn như: bất động sản, các chi phí công cộng… nhưng kiếm công ăn việc làm vẫn còn là vấn đề nan giải. Sau khi bức tường Berlin sụp đổ, các chuyên gia và công nhân lành nghề đã đi sang Tây Đức, những xí nghiệp, nhà máy cũ không chịu đựng nổi sức ép cạnh tranh phải đóng cửa. Sự bùng nổ về kinh tế như hứa hẹn trước khi thống nhất, đã không xảy ra. Nói chung, không có sự sụp đổ hay tan vỡ gì tại Đông Đức. ở làng quê cũng như các thành phố nhỏ, chỗ nào cũng sạch sẽ, gọn gàng ngăn nắp, quy củ hơn rất nhiều so với các nước Đông Âu và Liên Xô cũ. Những người thất nghiệp (trong đó có rất nhiều người Việt Nam và nước ngoài) được nhận 360 Euro mỗi tháng và nhà cửa được nhà nước bao cấp. Lương hưu của các cụ già Đông Đức cũng ngang bằng Tây Đức từ 1000- 1200 Euro mỗi tháng. Đại bộ phận dân Đông Đức không muốn quay trở lại thời CHDCĐ tuy nhiên sự phản kháng cũng xuất hiện trong một số giai tầng xã hội của nước Đức thống nhất.

Cổng Brandenburg (Djmutex, wikimedia)
Lễ kỷ niệm 20 năm nhân ngày Bức tường sụp đổ đã biến thành một ngày lễ hội lớn của cả dân tộc Đức. Nguyên thủ và các chính khách của nhiều quốc gia trên thế giới đã có mặt tại chân bức tường. Tất cả họ đều đồng thanh tuyên bố rằng Thời kỳ Bức Màn Sắt đã vĩnh viễn qua rồi, thế hệ trẻ ngày hôm nay cần phải học cách sống của một xã hội không có sự chia cắt cả về địa lý cũng như ý thức xã hội. Tuy vậy, một số nhà phân tích người Đức cho rằng bức tường Berlin ngăn cách hai nước Đức đã sụp đổ 21 năm trước đây, song còn một bức tường nữa, không phải bằng bê tông cốt thép mà vẫn đứng trơ trơ mặc cho mưa gió, bão tuyết… Bức tường ngăn cách lòng người, không biết đến bao giờ mới bị sụp đổ? Hai thập kỷ là khoảng thời gian cần thiết để chứng minh một chân lý: những toan tính nhằm bảo vệ quyền lợi của một số dân tộc này nhưng lại làm tổn hại đến an ninh của các dân tộc khác là mầm mống tạo nên các mâu thuẫn đối kháng dẫn đến phân chia thế giới thành các phe, các khối, dẫn đến việc tạo nên các bức tường khác trong tương lai. Sự sụp đổ của bức tường Berlin cho thấy: Lịch sử là không thể đoán trước được, không nắm bắt được mạch đập của quần chúng – tức là không cảm nhận được bước đi của lịch sử.

Kiev-Berlin
Vũ Tuấn Hoàng

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét