21/10/10

Ký ức thời sơ tán (6)

Huỳnh Dũng Nhi
(Kỳ cuối - Tiếp theo kỳ trước (5))

Cuộc sống sơ tán là cuộc sống thời bình quá độ sang thời chiến. Miền bắc là hậu phương lớn của tiền tuyến lớn - miền Nam. Ở tiền tuyến lớn, chiến tranh ở khắp mọi nơi. Ở hậu phương lớn, chiến tranh đến từ bầu trời. Bọn trẻ chúng tôi tiếp cận chiến tranh bằng cuộc sống xa cha mẹ, cuộc sống tập thể nơi sơ tán, bằng mũ rơm, bằng những lớp học bàn ghế kê ngang giao thông hào và những chuyện tai nghe mắt thấy về không lực Hoa Kỳ, về những chiến công của quân và dân ta. Ở Tuy Lai, một lần tận mắt thấy máy bay Mỹ cháy rơi xuống làng, hai tiếng đồng hồ sau, khi hai chiếc máy bay khác tới lượn đảo trên trời thì hết cháy. Tối lại cháy tiếp. Bọn trẻ chúng tôi mò tới hôi của, lấy đạn ca-nông-vanh về làm cán dao, các- tút vẫn còn nguyên kíp nổ, bị người lớn la cho một trận. Đạn ca-nông-vanh là đạn súng ca nông 20 ly, người lớn bảo thế. Cái dù thằng phi công nhảy xuống nửa đỏ, nửa trắng, là dù của phi công người Úc. Người lớn bảo thế, không biết có đúng hay không, nhưng đó cũng là một hiểu biết mới. Chiếc máy bay rơi là chiếc AD-6 của hải quân Mỹ, lần đầu tiên tôi biết là hải quân cũng có máy bay, chứ không phải chỉ có không quân. Rồi qua sách báo, tranh ảnh, chúng tôi dễ dàng nhận dạng được những F105 (Thần Sấm sét), F4(Con ma)… bay trên bầu trời Hà Tây, Hà Nội. Còn máy bay ta thì chúng tôi nhanh chóng thân quen với hình ảnh những con én bạc MIG 17, MIG19, MIG21. Một lần nào đó trên đường đi Chúc Sơn, chúng tôi gặp một trung đội pháo cao xạ 12 ly 7, được các anh pháo thủ cho leo lên ngắm nghía, và học được bắn đón mấy thân ở độ cao nào, và điểm xạ là 1, bắn loạt dài là 1.2.v.v.. Lần khác gặp một xe điều khiển tên lửa, không được leo lên nhưng được nhìn vào trong và được nghe các anh bộ đội tên lửa kể nhiều chuyện về binh chủng mới này. Lại gặp cả chuyên gia Liên Xô, tha hồ mà sờ-tô ê-tơ với xờ-pa-xi-pơ. Một dịp, ở làng có bộ đội đặc công về huấn luyện, chúng tôi mon men tới chơi và được các anh dạy cho cách đi không tiếng mà sau đó chúng tôi áp dụng trong cuộc đột nhập lấy trộm sách ở nhà “bọn con gái”. Chiến tranh thật sự chưa trực tiếp đến với những vùng sơ tán này (đó cũng là lý do vì sao chúng tôi phải rời Hà Nội đi sơ tán), nhưng không khí sẵn sàng chiến đấu thì hừng hực khắp nơi. Những ngọn đồi quanh xã thả đầy bóng phòng không, những quả bóng nylon khổng lồ bơm căng khí nhẹ nối đất bằng sợi dây cáp dài vài trăm mét, mỗi khi sờ tay vào có cảm giác như điện giật. Mỗi quả bóng có một cái lều đơn sơ cho người gác bóng, các anh chị dân quân. Khi bọn trẻ chúng tôi tìm hiểu về tác dụng của những quả bóng này thì được nghe giải thích mỗi người một kiểu. Người thì nói rằng bóng để bẫy những chiếc máy bay tránh tên lửa nhào xuống thấp, đụng dàn bóng này thì phải vọt lên, làm mồi cho tên lửa và đại cao. Người thì giải thích rằng nếu máy bay đụng vào bóng thì bóng nổ, không khí loãng làm máy bay “rơi tự do” cả trăm mét, không lấy đà ngóc lên được, chúi luôn. Người thì bảo máy bay bay thấp, tốc độ lớn, quẹt cánh vào sợi dây cáp, đứt cánh, rơi. Chẳng biết đúng sai như thế nào, nhưng chí ít thì chúng tôi cũng đã tự trang bị cho mình ba cách giải thích mà khi kết hợp với nhau thì có vẻ có lý. Sợ đụng bóng, vọt lên cao, bị tên lửa bắn; đâm vào bóng,bóng nổ, không khí loãng, rơi; bay thấp nữa, dây cáp cứa đứt cánh, rơi. Đằng nào thì nó cũng rơi cả. Vậy thì bóng phòng không quả là tuyệt vời. Máy bay Mỹ đừng có mà lảng vảng đến những nơi giăng đầy bóng phòng không. Nếu nơi nào trên đất nước Việt Nam này cũng giăng đầy bóng phòng không thì máy bay Mỹ cứ việc nằm yên trên hạm đội 7, hay đảo Gu-am, hay sân bay gì đó ở Thái Lan nghỉ chơi cho sướng. Nghĩ vậy thôi, chứ chúng tôi đều biết lưới lửa phòng không của ta là tuyệt vời, từ tầm cao đến tầm thấp, đến cả súng trường còn bắn rơi được máy bay thì bóng phòng không chắc chắn phải có tác dụng nhất định nào đó mới tham gia mặt trận.

Chưa có trận oanh tạc nào của máy bay Mỹ ở nơi chúng tôi sơ tán, nhưng máy bay qua lại trên trời thì ngày càng một dày hơn. Những ngày đầu đi sơ tán, nghe tiếng máy bay còn sợ, còn cuống quýt chạy ra hầm trú ẩn, nhưng sau quen dần, máy bay thì mặc máy bay, đã không chui xuống hầm mà còn kéo nhau ra vệ làng xem. Có buổi tối, xem trận đánh đêm, thấy lưới lửa phòng không của ta bắn lên tuyệt đẹp. Từng tràng đạn 4 cột nối nhau bay lên trời, uốn cong theo nhịp rê của súng, trông rất ngoạn mục. Đạn của súng trọng liên cao xạ 4 nòng, 14 ly 5 đó. Còn tên lửa thì bay như sao băng, chỉ khác là chậm hơn và bay lên chứ không bay xuống. Ngoài chiếc AD6 rơi ở Tuy Lai, tôi không có lần nào thấy máy bay Mỹ cháy nữa, mặc dù số máy bay Mỹ bị bắn rơi trên miền Bắc lúc đó đã là 2, 3 ngàn chiếc. Nhưng có một lần, trên đường đi học về thì gặp máy bay đến. Rất nhanh, rất bất ngờ. Khi chúng tôi đứng nép vào tường một cái nhà kho bên đường, ngẩng lên nhìn thì thấy hai máy bay F4 của Mỹ, bay thấp đến mức nhìn thấy cả đầu phi công trong buồng lái (không biết có thật không hay chỉ là ảo giác), nhưng tóm lại là rất thấp. Nhìn ra phía trước thì thấy hai chiếc MIG17 đang lấy độ cao vọt lên. Sự việc xảy ra sau đó chỉ vài giây. Một “Con ma” bắn mấy chùm ca- nông-vanh trúng chiếc MIG bay trước. Chiếc MIG cháy bùng lên và rơi xeo xéo về phía một làng xa xa. Chiếc MIG thứ hai bị thằng “Con ma” kia chích cho một quả tên lửa “không đối không”. Chúng tôi nhìn thấy rõ quả tên lửa bay đến và chích vào chiếc MIG. Chiếc này cũng cháy bùng lên và rơi xuống đâu đó ở một hướng khác. Đây là trận không chiến đầu tiên mà chúng tôi tận mắt chứng kiến, và quả là một kỷ niệm buồn. Vẫn còn nhớ trong lòng chiến công đầu của không quân Việt Nam trong trận cầu Hàm Rồng ngày 3-3-1965, và sau đó còn nghe nhiều chuyện rất hay về chiến công của các chú Trần Hanh, Lâm Văn Lích, Nguyễn Văn Bảy… vậy mà hôm nay lại chứng kiến sự hy sinh này. Đã đành rằng trong chiến đấu không tránh khỏi sự hy sinh, nhưng chắc chắn sẽ rất vui nếu hôm ấy xảy điều ngược lại. Trong vụ hai chiếc MIG bị rơi này, nghe người ta kể lại, có một anh phi công không kịp nhảy dù vì cố lèo lái cho chiếc máy bay đừng rơi trúng làng. Còn chiếc máy bay kia thì rơi ngoài đồng, anh phi công nhảy dù tiếp đất an toàn.

***

Chiến tranh chỉ lướt qua bọn trẻ sơ tán chúng tôi như vậy. Không đủ sự việc, không đủ tư duy, không đủ tư cách để kể về “ký ức thời chiến tranh”. Tôi viết “ký ức thời sơ tán”, trong bụng cũng không biết mình đang viết bằng thể loại nào nữa. Chẳng phải hồi ký, chẳng phải tự sự, chẳng phải tạp văn, chẳng phải là cái gì cả. Đơn giản là kể chuyện, ôn lại những kỷ niệm thời sơ tán, có kèm theo những suy nghĩ, liên tưởng của cậu bé Hà Nội đeo khăn quàng đỏ, lần đầu tiên tiếp xúc với cuộc sống tập thể, lần đầu tiên sống ở nông thôn, lớn lên với những bài học ở trường và những kiến thức, những hiểu biết, những kinh nghiệm dù nhỏ, vụn vặt mà cuộc sống đem lại. Sáu năm sơ tán, trong đó có bốn năm sơ tán ở ba trại của báo Nhân Dân là một quãng đời niên thiếu không thể nào quên của tôi. Viết “ký ức thời sơ tán” cho ai? Cho tôi, cho các bạn, cho những trại viên của trại trẻ sơ tán báo Nhân Dân. Vừa mổ cò trên máy vi tính, tôi vừa mường tượng như mình đang kể chuyện cùng các bạn. Hình ảnh của các bạn trong tôi là những cậu bé, cô bé loắt choắt cách đây 40 năm về trước, trừ hình ảnh của Trần Minh, Thanh Bình, Hiếu Dân, Khánh “bẹt”, Sơn… mà tôi có được gặp một hoặc nhiều lần ở Vũng Tàu hoặc ở Sài Gòn. Có được danh sách trại viên, tôi thử gọi điện cho một vài bạn… và nhận ra rằng chẳng có gì nhiều để nói. Ai cũng có riêng một cuộc sống về trưa, về chiều. Thôi thì cứ kể lại chuyện xưa, của riêng mình và các bạn trong trại, ai thích đọc thì đọc, để biết Huỳnh Dũng Nhi hồi đó làm gì, nghĩ gì, và qua những chuyện chung của trại mà làm sống lại những kỷ niệm của riêng mình, kỷ niệm thời thơ ấu, kỷ niệm thời sơ tán.

Trang Web “traisotan.blogspot.com” thật là tuyệt vời. Đáng tuyên dương những người thành lập ra Ban Liên lạc và trang Web này. Mới truy cập trang này gần đây thôi, tôi đã đọc hầu hết các bài đã đăng trước đó. Tôi thích xem trang ảnh, đơn giản chỉ muốn xem các bạn bây giờ như thế nào thôi. Trong trại, có những người tôi quên, có lẽ vì hồi đó các bạn đó còn nhỏ quá, có người thì thật sự là tôi không biết, như bạn gì làm “Phó tổng biên tập một tờ báo”, hay bạn gì “Ốm nằm nhà, lướt web của trại, thấy chẳng có gì mới”, viết mấy dòng trêu bạn nào đó ít tóc chẳng hạn (*). Nếu quả thật chưa quen, thì vẫn có thể làm quen. Người ta không quen nhau, cùng quê thì vẫn là hội viên hội đồng hương. Còn chúng ta là hội viên hội cựu trại viên sơ tán báo Nhân Dân. Nên chăng và có thể không, có một trang giới thiệu “Lý lịch trích ngang”, “thân thế và sự nghiệp”, kèm theo chân dung của từng trại viên (hình tuổi nhí và hình “tuổi tiền chống gậy”).

VŨNG TÀU, 4-9-2010
HDN

21/10/2010 - Ghi thêm: (*) Hôm viết đoạn này HDN chưa đọc kỹ hết các thông tin trên blog. Bây giờ thì đã biết hai bạn mà HDN nhắc đến ở đây là Thanh Hà (em của Huy Giao), người có nhiều tản văn thú vị trên blog ttst bnd và Hải Đường (em của Khánh Bẹt), đã "hát" tặng một bài cho Vị Hoàng (con chú Phan Quang) vì quá kén vợ, tặng cả Quang Ngọng vì "tội" tham lam.

Bạn cũ tụ họp tại nhà Việt Phương, ảnh vừa chụp buổi trưa 21/10/2010
Từ trái sang phải: Phương Liên (áo sẫm màu), Khánh, Dân, Kiều Tuấn (ở Sec về),
Thanh Hà, Hạnh Phúc, Việt Phương, Thanh Nga (ở Đức về, áo nâu), Oanh.
Trong ảnh còn thiếu Tuyết đang bấm máy (Tuyết là vợ Tương Lai) và Chi, Yến,
Thúy đã phải về trước vì bận việc - Từ an-bom Việt Phương

Xem lại: Trại sơ tán (Ký ức thời sơ tán - kỳ 1) / Ký ức thời sơ tán (2) / Ký ức thời sơ tán (3) / Ký ức thời sơ tán (4) / Ký ức thời sơ tán (5)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét