16/9/10

Ký ức thời sơ tán

Huỳnh Dũng Nhi

(Tiếp theo kỳ trước)

Núi Chày, một quả núi mồ côi nằm giữa đồng (từ an-bom ảnh Tuy Lai)
Thời gian trại sơ tán ở Thành Vật, nơi hạ trại đầu tiên, không lâu. Thành Vật, (tôi nhớ mang máng như thế) là xã (hay làng) có bệnh xá Vân Đình và trường cấp II Tân Phương đó. Tôi nhớ rằng, cũng trong năm đó, trại chuyển về xã Tuy Lai, huyện Mỹ Đức, Hà Tây. Tôi nhớ Tuy Lai, vì hồi đó có bài hát chèo “Gái Tuy Lai gửi trai Cồn Cỏ”. Tuy Lai, nơi có hồ nước nhân tạo được tạo ra bằng cách đắp đê bao quanh chân núi, tạo điều kiện để cải tạo đồng chiêm trũng. Một lần, máy bay Mỹ bị bắn bị thương bên Hòa Bình nhào sang, cắt bom cho nhẹ để chạy thoát thân. Xã phát động căm thù “giặc Mỹ phá hồ, hòng gây ngập lụt, phá hoại mùa màng”. Một tốp dân quân được lệnh lên núi, ém quân phục kích ngang thung lũng. Chỉ vài ngày sau, một máy bay AD 6 của hải quân Mỹ bị tốp các nam nữ dân quân này bắn hạ (từ đó mới có bài “Gái Tuy Lai gửi trai Cồn Cỏ”), rớt ngay tại một làng gần trường cấp II mà tôi, Hiếu Dân (Hươu- các bạn khác thì viết là Hiêu, có lẽ là chữ Hiếu không dấu, nhưng tôi thì vẫn nghĩ là Hươu) và các bạn khác học. Máy bay đâm xuống một cái ao sát đường giữa làng, cháy mất cái nhà bếp, chết một con heo (sau đó làm thịt chiêu đãi mừng công dân quân luôn). Phi công người Úc nhảy dù, bị bà già, cô gái và em gái bắt sống. Bà già cầm cái liềm cắt cỏ, cô gái cầm súng trường, em gái cầm sợi chạc (dây) mũi trâu. Bà và cô tôi không biết tên, còn bạn gái ấy tên là Kéo, học lớp 6 cùng trường. (Giá như bạn Kéo, nay là bà Kéo đọc được những dòng này nhỉ). Tại sao tốp dân quân kia với súng trường CKC, tiểu liên AK lại bắn rớt được máy bay Mỹ? Ngoài câu trả lời quen thuộc là lòng yêu nước, căm thù giặc Mỹ, còn phải nói tới sự sáng tạo trong cách đánh. Bên kia rặng núi là Hòa Bình, có nhiều mục tiêu cho địch bắn phá, ắt hẳn có mặt trận phòng không dày đặc. Còn bên này, như xã phát động căm thù, mục tiêu chỉ có thể là cái hồ nước rộng lớn. Máy bay địch bị bắn rát bên Hòa Bình nhào theo khe núi sang bên này tránh đạn, phải bay thấp vì sợ tên lửa. Vậy là tốp dân quân cứ việc cơm nắm muối vừng ngồi chờ trên lưng chừng núi, nó luồn sang thì cứ đưa súng ngang ra mà bắn, chẳng cần đón trước “một thân, hai thân, ba thân” gì cả. Đúng là kiểu “nắm thắt lưng địch mà đánh”. Tôi biết điều này là do các chú, các bác dạy cho. Một bài học cực kỳ dễ hiểu, dễ nhớ.

Chúng tôi chơi những gì mình thích...
(nguồn ảnh:
tuanvietnam.net, Lê Anh Dũng)
Ở Tuy Lai có núi Chày, một quả núi mồ côi nằm giữa đồng, gần sát dãy núi ngăn cách với Hòa Bình. Sau ngày máy bay Mỹ bị bắn rơi ở Tuy Lai, ngày nào bọn trẻ sơ tán chúng tôi cũng vào hang núi Chày sơ tán. Sơ tán của sơ tán. Sáng tinh mơ đi, chập choạng tối mới về. Đường vào hang phải băng qua một cánh đồng, trên đường đi có một rãnh nước cắt ngang, là một trở ngại lớn, nhất là đối với bọn con gái. Không phải vì nước sâu, mà vì nhiều đỉa. Cứ đặt chân xuống là hàng chục con lúc nhúc lao tới. Cố đi thật nhanh, cẩn thận đến cỡ nào thì chí ít cũng bị một con bám vào. Nhưng sợ vẫn phải lội. Bị đỉa bám thì đã có cách trị. Không có vôi thì cứ nhổ nước bọt ra tay mà “vuốt lấy xác nó”. Đó cũng là một bài học của thời sơ tán, như bài ngồi sụp xuống khi bị chó tấn công vậy.

Hồ Tuy Lai nay là một thắng cảnh du lịch nổi tiếng (an-bom Tuy Lai 06/4/2008)
Hang núi Chày khá rộng, có nhiều ngách. Hơn 10 ngày sơ tán vào hang, bọn con trai chúng tôi thám hiểm mọi ngóc ngách, phát hiện ra vỏ trấu trong một ngách, vỏ đạn ở một khe núi… Thời chiến tranh chống Pháp, hang Chày từng là căn cứ của dân quân, du kích. Mười ngày, nửa tháng sáng đi, tối về, chẳng thấy gì xảy ra cả. Đến một ngày chủ nhật, ngày có các ông bố, bà mẹ từ Hà Nội vào thăm con, gửi xe đạp ngoài làng, vào hang, thấy đất trời im ắng quá, đề nghị cho trại viên rút sớm để các cô, chú còn kịp đạp xe về Hà Nội. Mới lục tục khăn gói ra tới cửa hang thì ầm ầm, ào ào, rét rét, rít rít, đùng đùng…Không gian tóe lửa. Nắng chiều cũng như bị rách toạc ra. Từng đàn máy bay - như đàn chó dữ bên bờ sông Đáy hôm nào - bên Hòa Bình lao sang. Hình như chúng lao qua rồi lao lại, hết tốp này đến tốp khác, trên trời không lúc nào ngớt máy bay. Chúng bay rất thấp. Nhìn chiếc nào chiếc nấy đều to như chiếc thuyền nan cả. Mọi người lại rút vào hang, chỉ có bọn con trai chúng tôi đứng ngấp nghé ở cửa hang, xem máy bay Mỹ.

Sau đó ít lâu, trại lại dời địa điểm. Lúc trại dời đi, không biết tại sao tôi không có mặt tại trại. Nghe các bạn kể lại, trên đường dời trại, còn nghe tiếng bom đạn sau lưng. Thư từ Tuy Lai cho biết, máy bay Mỹ bắn phá điên cuồng, nhiều nhà bị trúng bom… Nhưng cái hồ nước vẫn còn.

Nhi và Hươu 1966
(trích từ ảnh của Nhân)
Hồi ở Tuy Lai, chúng tôi ở nhà ông Dem. Thực ra, Dem là tên của con ông, ở nông thôn người ta thường gọi cha theo tên con trai cả. Ông Dem hay kêu tôi cho ăn ốc luộc, lễ bằng gai bồ kết. Ông Dem hút thuốc lào bằng điếu bát. Có lần ông hút xong, tôi cầm xe điếu, hút sái, ho sặc sụa. Còn Dem là người có công dạy tôi cưỡi bò và bắt cua. Hồi đó tôi theo Dem đi bắt cua, bắt được bao nhiêu thì phần của ai, người đó bán. Một xâu cua mấy hào, đối với bọn nhóc chúng tôi cũng đã là nhiều. Một lần, Dem móc trong hang cua ra một con rắn. Dù chỉ là con rắn nước, nhưng tôi cũng hoảng hồn, từ đó bỏ nghề mò cua luôn.

Trước nhà Dem có một cái ao, không do ai đào cả, mà là một hố bom thời đánh Pháp. Ao nuôi cá rô phi và thả bèo. Giữa ao là một cây tre dài dùng để ngăn bèo. Cá rô phi rất dễ câu. Chỉ cần buộc vào sợi chỉ một đoạn ruột phanh xe đạp uốn thành lưỡi câu, móc hột cơm vào, thả xuống , chờ và giật lên. Cá lúc nhúc, giật đại cũng có con bị lưỡi câu móc vào mang, vào bụng. Còn ao bèo là một nơi tắm rất thú vị. (Bèo chỉ chiếm nửa ao do có cây tre ngăn lại, còn nửa ao thì tha hồ cho mọi người vẫy vùng, tắm giặt). Các cô ở trại thì cấm, còn bọn tôi lại rất thích tắm ao. Rủ nhau đi tắm ao thì gọi là “ùm bom”, nghĩa là nhảy một cái ùm xuống hố bom. Chính tại cái hố bom-ao bèo này mà tôi đã biết bơi. Không ai dạy, không bài bản, hoàn toàn là tự học. Đầu tiên là úp mặt xuống nước, nín hơi thả nổi. Sau đó là khua chân khua tay như con chó, gọi là bơi chó. Bơi chó thì không cần quan tâm lắm đến cách thở, vì đầu lúc nào cũng ngẩng cao trên mặt nước. Ráng bơi ra được đến cây tre rồi nghỉ một lúc, bơi về. Rồi bơi đến cây tre, không nghỉ, về ngay. Rồi tập bơi ếch. Bơi ếch mà đầu vẫn ngẩng cao. Rồi tập bơi ếch thở có bài bản. Cuối cùng là tập bơi sải. Tay bơi sải mà chân đạp ếch. Vẫn tốt như thường. Cốt là biết bơi, chứ có đi thi thố gì đâu. Chỉ trong một thời gian ngắn, “nghề bơi” của tôi tiến bộ trông thấy. Các bạn cùng trang lứa với tôi, người trước, người sau cũng đều biết bơi cả. Cái ao bèo trở nên chật chội đối với chúng tôi. Và hồ nước không tên dưới chân núi mới là bể bơi lý tưởng. Mặc dù hơi xa và phải đi trong trưa nắng nhưng đối với chúng tôi, điều đó chẳng hề hấn gì.

Hồ rất rộng và dài. Rộng chừng nửa cây số và dài chừng ba cây số. Không biết có đúng không, nhưng tóm lại là mênh mông. Không có chỗ cạn. Chỗ nào cũng sâu gần như nhau. Cứ hình dung như một cái bồn tắm khổng lồ vậy. Qua lại trên hồ chủ yếu là người đi củi. Cứ hễ chìm xuồng là chết đuối, có bám vào mấy bó củi cũng chìm. Người ta bảo dưới hồ có ma cà rồng. Có lần người ta thấy có người ôm bó củi chết chìm dưới đáy hồ. Đó là do ma bắt đấy. Chắc là hù dọa chúng tôi thôi, nhưng chẳng đứa nào sợ. Học trò mà, đứng thứ ba, chỉ thua ma (nếu ma có thật) một bậc.

Chỗ chúng tôi chọn để bơi là một góc sát chân núi. Ở đây có nhiều cây có cành xòa ra mặt nước, có cành cao dùng làm nơi “ùm” xuống rất tuyệt, có cành thấp làm nơi bám víu tạm nghỉ khi chưa muốn leo lên bờ. Nước hồ rất trong. Leo lên cây nhìn xuống thấy rõ từng bụi rong lớn dưới đáy. Chúng tôi bơi lội, lặn ngụp, đùa giỡn thoải mái chừng một tiếng đồng hồ thì về. Quần ướt, tóc ướt, nhưng trưa nắng chang chang, về đến nhà là khô, các cô không thể nào biết được là bọn chúng tôi trốn ngủ trưa đi tắm hồ.

Hươu và Dem (Ảnh về thăm Tuy Lai 06/4/2008)
Trò chơi thường xuyên của chúng tôi là đánh trận giả vào những buổi tối. Trận địa thường là… bãi tha ma cũ. Ở đó có nhiều ngôi mộ xây bằng đá ong. Núp sau những ngôi mộ ấy mà bắn bùm nhau thật là tuyệt. Chẳng có đứa nào sợ ma cả. Mà có sợ đôi chút thì cũng quên đi. Lúc này được chơi cùng bè bạn là trên hết.

Có những ngày chúng tôi kéo nhau lên đồi chơi, tìm hái trái mâm xôi, một thứ trái mà nếu không đi sơ tán, đố đứa nào biết. Sợ rắn, nhưng đi chơi thì cứ đi, bụi cây nào rậm rạp tới đâu cũng lủi vào để khám phá.

(Viết tới đây thì tôi tạm nghỉ. Cô con gái kiêm cô giáo vi tính của tôi “chích meo”, cho hay là tôi có thư chúc mừng sinh nhật của TTST gửi. Mừng quá, vui quá. Nhắn tin ngay cho Hiếu Dân để “thank you”, cho lời cám ơn có tính thời sự nóng hổi. Ngay sau đó lại có điện thoại của Khánh (Bẹt) chúc mừng. Nhân (đang chuẩn bị đi Hà Nội dự đại hội Hội Nhà báo), Thụy (đang công tác ở Austria), Lê - cũng là cựu trại viên TTST cả - đều gửi điện mừng. Tiện thể, tôi đọc luôn những bài cũ đăng trên trang Web của TTST. Có bài viết nói tới Tuy Lai, nhắc lại cho tôi một số địa danh mà tôi không nhớ, như thôn Giáp Bốn, tên hồ nước …, hay Dem học lớp mấy chẳng hạn. Nhưng tôi quyết định không sửa, không bổ sung vào những gì đã viết. Trong bài viết này, tôi chỉ muốn nói đến những gì mình thật sự nhớ, cho dù là nhớ sai, những gì thật sự là kỷ niệm của tôi, là ký ức của một thời sơ tán đó).

(Còn tiếp)
Xem lại: Trại sơ tán (Ký ức thời sơ tán - kỳ 1)

3 nhận xét:

  1. Vinh danh

    Cũng như nhiều thành viên của trại trẻ tôi rất xúc động khi đọc bài “Ký ức thời sơ tán” và hồi hộp chờ “Nhà Bloc” đăng tải kỳ tiếp theo.

    Nếu như mọi người đã biết đến một Hùynh Dũng Nhân đa tài, năng động, chuyên nghiệp và sắc sảo trong lối viết, một Huỳnh Ngọc Thụy đằm thắm, mặn mà khi kể lại chuyện xưa, một Huỳnh Hoa Lê nhẹ nhàng, tình cảm khi nói về thời gian ở trại tuy lúc đó còn quá nhỏ và không nhớ được nhiều. Thì nay mọi người lại có dịp được biết đến một Huỳnh Dũng Nhi ôn tồn, điềm đạm, dí dỏm một cách lịch lãm khi đọc “Ký ức thời sơ tán” của anh.

    Với lối dẫn chuyện nhẹ nhàng, tràn ngập các sự kiện về ký ức của một cuộc sống thiếu thốn, gian nan nhưng lại thật thú vị với “con nít thị thành“, câu chuyện của anh đưa người đọc về với một tuổi thơ gian khổ nhưng thi vị và ngọt ngào. Khổ vì phải đi sơ tán, xa Hà Nội nhưng lại Sướng vì không phải bếp núc, nấu cơm v.v... Phải nói là lâu lắm rồi tôi mới có lại được cái cảm giác giống lúc nhỏ, hồi hộp chờ để được đọc một câu chuyện mình thích được đăng tải nhiều kỳ trên báo.

    Cám ơn anh và Ban quản trị Bloc đã cho chúng tôi, những “trại viên” của trại trẻ cũ một lần nữa được sống lại những ngày tháng không thể nào quên của tuổi thơ. Đặc biệt cám ơn Ban quản trị Bloc đã không tiếc công sức, thời gian để duy trì một “điểm hẹn” mà tất cả chúng tôi, những thành viên trại trẻ đều rất biết ơn nhưng có thể cũng như anh Nhi nói: chưa có thói quen nói lời cám ơn!

    Trả lờiXóa
  2. Thời gian tôi ở Tuy Lai rất ngắn, hình như chỉ chừng độ 2 tháng, vì có lẽ sau khi khai giảng khoảng 1 tháng hay hơn thì trại mình đã chuyển về nhà thờ họ Phùng ở Chương Mỹ - chưa kịp biết tên thầy giáo và bạn cùng lớp, nhưng kỷ niệm thì đầy ắp. Có thể nói đó là quãng thời gian đẹp và sướng nhất đời, vì lần đầu "được" xa nhà không bị cha mẹ quản lý, tự do trốn đi chơi tùy ý thích, với đám bạn cũng nghịch không kém: Trần Dũng, Nhất Phương, Chính, Nhi, Thanh (các cô phụ trách trại không quản nổi lũ trẻ lớn). Mà cảnh đồng nước ở đó đẹp làm sao, bể Tuy Lai mênh mông, núi non hùng vĩ, hang đá ngóc ngách hấp dẫn... thám hiểm mãi không hết.

    Còn vụ cái máy bay trinh sát Mỹ bị dân quân bắn hạ, vào đúng buổi trưa mình đi học. Phi công nhảy dù rơi xuống đồi, mấy thằng lớn (gồm Thanh, Chính, Nhi, Dân - không nhớ có Dũng, Phương không) hò nhau chạy lên "bắt' phi công. Nhưng thú thực, hồi đó mình vừa chạy lên đồi vừa run, trống ngực đập dồn vì chờn chợn sợ (trong khi tìm bắt phi công, nếu gặp nó thì sao, chắc chắn là nó to lớn lắm lại có súng?!). Rồi cuối cùng thấy may là không gặp, có người khác đã bắt được phi công rồi! Cảm giác đó nay vẫn chưa quên. Nghe người lớn nói máy bay rơi là AD-4 (cổ hơn AD-6). Chiến lợi phẩm của bọn mình khi ấy là do mò sang cái ao mà máy bay rơi xuống, nước xanh lè do hóa chất đánh dấu trong máy bay tan ra, nhặt nhạnh mang về cả đống đầu đạn đum đum, cát -tút 20 ly, mảnh đuya-ra v.v... Ba chục năm sau mình vẫn còn giữ cát-tút và mảnh đuya-ra ở nhà, nay thì không biết nó nằm đâu nữa.

    Tên cúng cơm của mình Hươu hay Hiêu? Nhi nhớ khá kỹ đấy. Chắc hồi bé tý mình nói ngọng, phát âm "con Hươu" thành "con Hiêu", nên bố mẹ đặt tên là thằng Hiêu cho ngộ (nếu nói ngược Hiếu Dân cũng là Dấn Hiêu!). Nhưng một số người như Nhi thích phát âm "chuẩn" luôn gọi mình là Hươu (cô Hoàn nhà chú Thạch Sơn cũng gọi thế), thành ra Hươu hay Hiêu đều đúng cả!

    Bây giờ đầu tắt mặt tối, chẳng có thì giờ, tiếc là chưa có dịp ngồi cùng nhau ôn nhiều chuyện cũ. Chào nhé!

    Trả lờiXóa
  3. Đọc những dòng Dũng Nhi Viết, nhiều kỷ niệm xưa ùa về!. Cảm ơn Dũng Nhi nhiều nhé!
    1. Tôi nhớ là trên đường đi học phải đi trên cầu bắc qua một con mương. Không hiểu vì sao, đôi lúc tôi vẫn phải lội qua con mương đó. Mà lội qua thì, eo ôi! Đỉa nhiều ơi là đỉa. Cái cảm giác con đỉa bám vào bắp chân mình nhờn nhợt và ghê ghê đến bây giờ vẫn còn thấy ớn và sờ sợ thế nào ấy! Tôi được mọi người bày cho là gặp đỉa thỉ hãy nhổ nước bọt vào đó, con đỉa sẽ tách rời ra.
    2. Trên đương đến trường có những bài mía. Tan học, bạn bè rủ rê, tôi lẩn vào trong bãi mía bẻ cây mía ra ăn. Ngọt ơi là ngọt! Của vụng trộm bao giờ cũng ngon thật!
    3. Ngày giặc lái nhảy dù và bị bắt ở gần trường học, tôi nhớ là như vậy, vì khi đó tôi cũng theo mọi người cùng chạy về hướng đó. Đến nơi thì giặc lái bị giải đi rồi.
    4. Cái hang nơi trú ẩn đúng như Dũng Nhi đã viết có nhiều điều hấp đãn tụi trẻ con chúng mình thám hiểm phía sâu trong hang. Song tôi cứ nhớ mãi khi vào sâu trông hang chợt thấy có ô cửa sáng trên đầu (tôi quen gọi cái lỗ hổng trên hang có lỗ lớn thông ra ngoài phía trên, ánh sáng mặt trời rọi vào như là cửa sổ nhà mình ở Hà Nội)
    5. Cái ao hố bom nhiều bèo Dũng Nhi kể, hồi đó tôi cũng thích tắm ở đó, mặc dù không biết bơi. Mấy anh lớn trong trại và cả các bạn nông thôn có bày cách bơi, nhưng tôi vẫn không làm sao bơi được. Có lần, mấy bạn rủ tôi đi tắm cái ao đó, lừa tôi ra giữa cái ao và thả tôi ra. Tôi chới với, ngoi lên, ngụp xuống nhiều lần, uống nước no căng bụng và kêu cứu. Bọn bạn bè trên bờ cười nắc nẻ. Có người thương tình vất cho tôi cái sào tre để tôi vịn vào và bơi vào bờ.
    6. Lần nữa, đi ra cái hồ nhân tạo bên núi. Nước hồ trong veo và mát, tắm rất thích, nhưng chố đó sâu. Thấy mấy anh lớn từ trên núi đá nhảy xuống hồ ùm ùm, tôi thích quá, cũng lên núi nhả xuống hồ, nhưng cũng phải ngoi lên ngụp xuống nhiều lần, uống nước no bụng. Hoảng lắm!
    Nay bơi đã khá lắm rồi, nhưng vẫn chưa quên được những lần suýt chết đuối ấy!
    Lại một lần nữa, cám ơn Dũng Nhi đã kể lại những chuyện ngày xưa của trại trẻ chúng mình!

    Trả lờiXóa