9/9/10

Trại sơ tán

Huỳnh Dũng Nhi

Ký ức thời sơ tán

Nếu nói đến trại sơ tán báo Nhân Dân, thì có thể nói trại viên đầu tiên là tôi, Huỳnh Dũng Nhi, lúc đó 12 tuổi, học lớp 6. Trên chuyến xe đầu tiên của báo Nhân Dân chở những vật dụng ban đầu của trại về địa điểm sơ tán có khoảng bốn, năm người đi tiền trạm, trong đó có cô Bình Định, chú Ninh… Tôi được ba mẹ cho đi theo để trông coi số đồ đạc của gia đình. Tên làng, xã, huyện tôi không nhớ rõ lắm, còn tỉnh thì chắc chắn là Hà Tây. Ở gần đó là trường cấp II Tân Phương (tôi nhớ vì liên hệ tới tên chú Tân Phương, bố của Hạnh (Phúc), Hoàn và Bé). Còn có bệnh xá Vân Đình (tôi nhớ vì chỉ mấy tháng sau, tôi có dịp ghé thăm). Khu đất của nhà ông chủ (tôi không nhớ tên), nơi trại đóng quân, khá rộng, nhiều cây cối. Nhà có nhiều chó, khá dữ. Ông chủ có ba người vợ.

Không nhớ là bao lâu sau, năm, mười ngày hay nửa tháng gì đó, tốp trại viên đầu tiên nhập trại. Bắt đầu những ngày sơ tán đầy thú vị. Không biết các bạn khác thì sao, chứ đối với tôi, những ngày sơ tán đem lại biết bao điều mới mẻ, bổ ích mà ở Hà thành, ít đứa con nít nào có được. Tôi học cùng Trần Dũng, còn ai nữa hay không thì không nhớ. Thật ra thì thời gian tôi ở trại lúc này không dài, ở những trại sau thì nhớ tên các bạn nhiều hơn. Chúng tôi, cả 4 anh em đều ở trại cả: tôi, Dũng Nhân, Ngọc Thụy và Hoa Lê. Mẹ tôi, cô Lê Thị Lý, còn gọi là Hoa Lý, thời gian này cũng là một trong những “cô nuôi dạy trẻ” của trại. Đoạn cuối trong danh sách trại viên có đoạn nhắc tới các cô, trong đó không có tên mẹ tôi, chắc tại quên, vì thời gian mẹ ở trại cũng không lâu.

Chăn trâu chiều hè (Trung Kiên - Minh Yến, Vietnamnet)
Ở trại sơ tán thật là tuyệt. Đi học về là có cơm ăn ngay, không phải đụng tay vào việc bếp núc, khác với khi còn ở Hà Nội, cỡ tuổi như tôi, Nhân…đều phải lo nấu cơm, luộc rau để ba mẹ đi làm về là có cơm ăn liền. Ở trại, sáng đi học, chiều học bài, xong thì đi chơi. Không thiếu gì thứ để chơi. Đi bơi ư? Không cần đến Tăng Bạt Hổ mua vé, cứ việc ra sông Đáy, không biết bơi thì cũng là tắm sông. Đi dạo chơi? Cứ theo đường làng, rồi ra xóm dọc bờ sông. Trên đường ấy có nhà nuôi khá nhiều chó, dữ như cọp. Nhà có cổng bằng lưới thép, luôn đóng chặt, nhưng hễ thấy có người đi ngang qua là cả đàn chó xồ ra, chồm lên, sủa chát chúa. Một đứa trong bọn tôi, không biết nghe ai dạy, bảo chúng tôi: cứ ngồi thụp xuống là chúng nó sợ, tưởng mình lượm đá ném. Chúng tôi làm theo. Quả là như vậy thật. Thú vị, bọn tôi thử đi, thử lại nhiều lần. Trên đường đi lại có nhà trồng nhiều cây roi. Bọn tôi, không đứa nào không biết quả roi, nhưng hoa roi thì lần đầu tiên mới biết. Không rõ các bạn khác thì sao, chứ quả thật là có đi sơ tán, lần đầu tiên tôi biết được đâu là cái cày, đâu là cái bừa, cũng là hột thóc mà ra nhưng lúc nào thì gọi là mạ, lúc nào thì gọi là lúa…

Bọn trẻ trong làng nhanh chóng làm quen với chúng tôi, đám trẻ thị thành mà chúng nó gọi một cách hài hước là “dân sơ mít”. Bọn chúng hò reo, chạy theo từng đàn mỗi khi thấy ô tô của báo Nhân Dân về. Đầu tiên, bọn chúng không tin là nhóc con như chúng tôi mà biết đi xe đạp, phải chờ đến lúc mượn xe của các bậc phụ huynh về thăm con biểu diễn cho chúng nó xem, chúng nó mới phục lác mắt. Ngược lại, chúng tôi lắc đầu thán phục và ước làm được như chúng nó: leo lên lưng bò, cưỡi bò, đứng trên lưng bò, điều khiển bò đi nhanh, đi chậm, quẹo trái, quẹo phải, với những mệnh lệnh nghe rất lạ tai như: “vắt- diệt- họ”… Còn khi trong bọn tôi có mấy đứa có học tiếng Nga bập bẹ: sờ-tô ê-tơ, ê-tơ đôm… thì đúng là mấy ông tây con hiện hình trước mắt đám trẻ làng chưa hề có khái niệm gì về ngoại ngữ.

Kỷ niệm khó quên của tôi trong những ngày sơ tán đầu tiên là bị gãy chân. Hôm đó là chủ nhật, ở Hà Nội có ô tô về trại. Một chiếc Din hai hay ba cầu gì đó. Các chú thanh niên làm việc của các chú, hình như đào hầm thì phải, chiều sẽ trở về Hà Nội. Tôi và các bạn sang một nhà hàng xóm chơi, được chiêu đãi món khoai lang trần (trần nước sôi chứ không luộc). Tôi, tay cầm miệng nhai nhưng vẫn chơi trò vật nhau với một đứa bạn (quên tên rồi, trước đây có nhớ tên bố của bạn ấy, bây giờ cũng quên luôn). Té ngã, không hiểu bằng cách nào mà bạn ấy đè lên chân làm tôi gãy chân. Nói chung là rất đau. Đưa về Tổng hành dinh của trại, nằm đó, không sơ cấp cứu gì cả, chờ đến chiều theo xe ra bệnh xá Vân Đình. Chỗ chân gãy bỏng rát, bàn chân lật ngang (đố ai có thể làm cho bàn chân nằm ngang trên chiếu như tôi lúc đó được). Mai (Ngô Phương Mai – con bác Quỹ và cô Nghệ) ngồi quạt chân cho tôi. Lúc đó tôi rất biết ơn Mai, nhưng chưa có thói quen nói lời cám ơn. (Bây giờ, khi viết những dòng này, xin gửi lời cám ơn muộn màng đến Mai nhé. Ông già 58 tuổi bây giờ cám ơn thay cho cậu bé 12 tuổi lúc đó).

***

Phương Mai đứng ở giữa, trong lần
được nhận quà tặng do học giỏi (khoảng năm 67)
Khoảng 5 giờ chiều, mẹ gói cho tôi một bộ quần áo và 1 đồng trong chiếc khăn tay rồi đưa tôi lên xe. Phải ngồi ở ca-bin, mà leo lên, mặc dù có sự giúp đỡ của người lớn đối với tôi là một cực hình. Chiều chủ nhật, bệnh xá Vân Đình vắng hoe, chỉ có một cô y tá trực. Cô nẹp cố định cho tôi bằng hai thanh tre mới vót, cho ăn cơm với bắp cải xào, bảo tôi chờ đến tối có xe đưa đi bệnh viện Hà Đông cùng 2 bệnh nhân nữa. Xe đưa chúng tôi đi là một chiếc com-măng-ca đít vuông, tôi được ưu tiên chiếm một băng ghế dài trên xe. Một trong hai bệnh nhân cùng đi bị giun chui vào túi mật, rên rỉ, kêu la suốt dọc đường. Đến bệnh viện, cô y tá “hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao”, đi đâu mất. Tôi được vào một phòng bệnh rộng, có hàng chục giường, không phải giường nào cũng có người nằm. Chắc hồi đó dân chưa đông, người bệnh ít hơn bây giờ. Giường khá cao, rất may tôi chỉ phải leo xuống có một lần, tự thân vận động. Cái khổ lúc này không còn là vết gãy chân, mà chính là đầu hai cái que tre cọ xát vào mắt cá . Sáng hôm sau, bác sĩ cho đi chụp X-Quang. Chụp cẳng chân bằng máy chụp phổi, nghĩa là phải đứng một chân trên một cái ghế đẩu, hễ té thì gãy cổ chứ đừng nói gì đến gãy chân. Bác sĩ kết luận: vết gãy có đầu xương nằm gần mạch máu, phải chuyển về bệnh viện Việt Đức điều trị. Thế là được về Hà Nội. Cũng một xe Com-măng-ca, một chú lái xe và một cô y tá. Đến bệnh viện, xong việc, có lẽ cô y tá và anh lái xe tranh thủ đi dạo Hồ Gươm nên biến mất luôn. Bác sĩ ở phòng cấp cứu soi chân tôi bằng chiếc máy soi giống như một cái bảng có cắm điện, tôi nhìn thấy rõ khúc xương gãy màu trắng trên nền xanh của tấm bảng. “Gãy cả 2 xương cẳng chân, 1/3 dưới xương chày, 1/3 trên xương mác”. Thế là nhờ đi sơ tán, bị gãy chân, nhờ bác sĩ ở bệnh viện Việt-Đức mà tôi biết được cẳng chân có 2 xương: xương chày và xương mác - hóa ra trong lúc nào, ở hoàn cảnh nào cũng học được một cái gì đó. Rồi tôi được đưa lên phòng bó bột. Lúc nằm chờ, có một anh đang bị nắn xương, kêu la thảm thiết. Tôi hỏi bác sĩ: “chân cháu có phải nắn không?”. “Có chứ. Không nắn cho thẳng thì làm sao mà bó được.” Tôi hồi hộp, lo sợ, chờ đợi. Đến lúc bó bột, ông bác sĩ khác bảo: “Xương thẳng thế này đâu cần phải nắn”. Thế là bó luôn. Tôi mừng quá, và nghĩ “chắc tại lúc nằm dài cho xe Com-măng-ca đít vuông nhồi lắc, xương đã tự sắp xếp lại, chứ trước đó, bàn chân nằm ngang ra kia mà”. Bó bột xong, trở lại phòng cấp cứu. Bây giờ thì về đâu, báo cho ai bây giờ? Ba tôi lúc đó đang học ở trường Đảng Nguyễn Ái Quốc. Người đầu tiên tôi nghĩ đến là chú Ngô Lê Dân. Hồi gia đình tôi còn ở 71 Hàng Trống, tôi quý mến nhất chú Dân, người thường chở tôi đi dạo phố trên chiếc xe đạp sườn ngang, hay đưa tôi đi ăn kem ở Bờ Hồ, dạy tôi chèo thuyền trên hồ Hoàn Kiếm. Tôi hỏi mượn điện thoại và gọi về báo Nhân Dân. Số điện thoại của báo Nhân Dân thì tôi thuộc nằm lòng. Một lúc sau chú Dân đến, vẫn bằng chiếc xe sườn ngang đó. Chú gọi xe xích lô, đưa tôi về cơ quan. Chiều, ba tôi về. Tôi được ở một phòng trong dãy nhà phía sau, gần phòng bác Nhuệ lái xe, sau chuyển xuống dãy nhà ở “phố Hàng Cống”, gần bếp ăn tập thể của báo, ở cùng với bác Viên. “Xuống ở đây cho gần hầm hố, nhỡ có báo động…” Các chú, các bác bảo thế. Bố của bạn vật nhau với tôi thường lui tới, mua quà sáng cho tôi. Một đồng mẹ cho vẫn còn, khi chân đã lành, tôi đi bộ ra Bách hóa tổng hợp mua ngay một cái súng lục nhựa màu xanh lá cây. Chân tôi lành khá nhanh. Thời gian bó bột quy định là 1 tháng, nhưng mới 2 tuần tôi đã chống cái ghế đẩu đi khắp cơ quan, tuần sau nữa thì chống gậy. Từ lúc bị gãy chân đến lúc trở lại trại sơ tán là gần 2 tháng. Gần 2 tháng nghỉ học, tôi bị đúp lớp 6. Còn Nhân, cũng thời gian này phải đi mổ tai, đúp lớp 3.

***
(Còn tiếp kỳ sau 15:30 16/9/2010)

7 nhận xét:

  1. NH mới được đọc phần đầu tập "hồi ký" của anh Nhi, thấy thú vị lắm. Phần sau chắc còn hay hơn nữa. Anh Nhi nhớ tài thật đấy, viết lại dí dỏm, nhẹ nhàng mà tình cảm nên rất dễ đọc.

    Biết đâu trên cơ sở này chúng mình có thể cùng nhau viết lại hồi ký của TTSTBND. Đúng là một món quà ý nghĩa mừng sinh nhật 3 tuổi của blog.

    Trả lờiXóa
  2. Hay quá! Tôi rất thích bài viết này.
    Những chi tiết chưa chính xác mà Nhi nói đến, sau này các bạn khác đọc, nhớ ra điều gì khác thì sẽ góp chuyện vào cho đầy đủ.

    Đọc hồi ký của Nhi rất hấp dẫn, làm mình nhớ lại những cuốn truyện đọc ngày xưa, chẳng hạn như "Bí mật miếu Ba Cô" (của chú Văn Trọng thì phải). Đúng như tôi biết về Nhi ngày xưa, viết rất giỏi, mạch lạc - nay lại biết thêm sự hóm hỉnh trong văn của Nhi.

    Ngay phần đầu bài viết, thấy trí nhớ tuyệt vời của Nhi đã đem lại mấy điều mà lâu nay hội TTST BND gặp gỡ nhau vẫn bàn luận, nhưng không ai nhớ được nhiều về hồi đầu đi sơ tán Vân Đình như thế nào:

    1. Cô Hoa Lý cũng là một trong những người Mẹ trông nom trại trẻ! Có lẽ trong trại sơ tán những ngày đầu tiên, mọi "trại viên" đều quá bé không thể nhớ nổi, trừ anh Trần Dũng (đã mất) và anh Nhi ra, thì không ai biết cô Lý cũng tham gia quản lý trại.

    2. Địa điểm chính xác: nhờ có tên trường cấp 2 Tân Phương mà Nhi nhớ, tôi đã tra cứu ra chính xác địa điểm sơ tán đầu tiên của trại là làng Vân Đình, thuộc thị trấn Vân Đình giáp Quốc lộ 21B, phía Tây Nam giáp sông Đáy (bên kia sông là đất Phùng Xá, huyện Mỹ Đức). Vũ Quốc Lộc có lần bảo để Lộc về xem lại nhật ký của mình về tên làng này, nhưng tôi nghi ngờ ngày đó Lộc còn chưa biết viết làm sao ghi được nhật ký(!). Còn tôi (Hiếu Dân) thì không đi sơ tán Vân Đình nên không biết tý gì, mãi đến khi trại về Tuy Lai tôi mới đến, nghỉ hè khoảng mươi ngày thì vào học lớp 6 cùng Thanh, Chính, Nhi.
    (để dịp sau tôi sẽ đăng bản đồ làng Vân Đình, địa điểm sơ tán đầu tiên lên mọi người xem)

    Trả lờiXóa
  3. Mời các bạn xem bản đồ làng Vân Đình và sông Đáy đoạn thị trấn Vân Đình, bấm vào tên bài dưới đây (bài đăng trên trang chuyên ảnh):
    Bản đồ nơi sơ tán đầu tiên: làng Vân Đình

    Trả lờiXóa
  4. Về chi tiết mình học cùng Trần Dũng năm lớp 6, mình không nhầm đâu. Đó là năm lớp 6 học ở trường cấp II Tân Phương, Vân Đình. Năm đó mình bị đúp, như đã kể đó. Có cái là thật ra mình không nhớ gì về kỷ niệm với Trần Dũng thời gian này. Nói là học cùng Trần Dũng thì hơi nặng về suy diễn, vì cô Bình Định ở trại, không lẽ không có Trần Dũng.

    Hồi ở Tuy Lai, mình mới học lại lớp 6 cùng với Dân, Chính. Còn việc Lộc "cộc đuôi" nói là sẽ xem lại nhật ký, Dân nói là nghi ngờ, vì lúc đó Lộc chưa biết viết, làm sao mà ghi nhật ký. Mình thì cho rằng Lộc còn quá nhỏ để ghi nhật ký, chứ viết thì chắc biết rồi. Mình không biết Lộc bao nhiêu tuổi, nếu bằng Nhân thì cũng đã học lớp 3, nếu nhỏ hơn nữa thì cũng lớp 2, lớp 1. Mình nhớ hồi đó trại ở làng (hoặc thôn) Thành Vật, vì cái tên đó khá ấn tượng. Vân Đình có thể là xã, hồi đó chắc chắn chưa phải là thị trấn. Mình ngạc nhiên và cảm thấy thú vị khi ngay lập tức, Dân cung cấp cho bạn đọc bản đồ Vân Đình, cả ảnh chụp từ vệ tinh nữa chứ. Cũng như ảnh của Phương Mai. Nhìn ảnh là nhận ra ngay. Không biết nhìn người thật bây giờ có nhận ra không.

    Mình đã đọc nhận xét của Ninh Hà và Hiếu Dân về bài viết. Cám ơn các bạn. Là người viết, mình cũng nóng lòng chờ đến ngày thứ năm để đọc tiếp bài này trên blog của TTST.

    Chào thân ái.
    HD.Nhi

    Trả lờiXóa
  5. Hôm trước xem qua mấy dòng đầu bài viết thì mình nói có thể Nhi nhầm, sau xem tiếp mới biết Nhi "đúp" lớp 6, nên Nhi có lý khi nói học cùng với Trần Dũng; Mặt khác, Nhi cũng hơn mình 1 tuổi nên chắc ban đầu hơn mình 1 lớp.

    Nhưng chúng ta vẫn chưa biết Trại bắt đầu đi sơ tán từ bao giờ, vì 5/8/1964 mới bắt đầu cuộc chiến tranh phá hoại (sau khi bất ngờ Mỹ tạo sự kiện Vịnh Bắc Bộ), nếu nhớ được khoảng thời gian này thì để ghi vào lịch sử của trại.

    Lộc tuổi Tuất, sinh 7/5/1958, thì 1964 - 1965 mới 6 - 7 tuổi, xong vỡ lòng và đã lên học lớp 1, viết chưa thành thạo, nhưng mình nói hơi "quá" lên là chưa biết viết cho vui thôi!

    Nhi xem có nhớ đi học xa khoảng bao nhiêu? Nếu khoảng 2,5 - 3 Km thì rất đúng như mình ghi trong bài "Bản đồ nơi sơ tán đầu tiên...", là trại trẻ ở bên làng Thành Vật (xã Đồng Tiến), Nhi và Dũng đi học bên trường c2 xã Tân Phương?

    Thân
    Dân

    Trả lờiXóa
  6. Đường đến trường chắc khoảng đó, 2,5-3 km.

    "Bí mật miếu Ba Cô" chính xác là của chú Văn Trọng. Hồi nhỏ mình cũng rất thích cuốn truyện này. Nhớ nhất là câu: "Cao nhất cây chò, giỏi nhất chú Đảnh". Chú Văn Trọng hình như có một dạo cư ngụ tại 71 Hàng Trống.

    Trại sơ tán đầu tiên là đầu năm 1965, không nhớ ngày tháng, nhưng chắc chắn không phải là cuối năm 1964. Trại ở Vân Đình có thể là từ tháng 2 (sau tết Nguyên Đán) đến chậm nhất là tháng 8-1965 (Theo Hiếu Dân viết thì nghỉ nốt mấy ngày hè vào học lớp 6 ở Tuy Lai).

    Mình vẫn đang tiếp tục đọc những bài đăng trên blog của Trại trẻ sơ tán những năm trước. Xem ảnh Hoàn xay lúa mới nhớ ra là mình quên mất một nghề mà mình cũng đã biết. Kể đến giã gạo mà không nhắc tới xay lúa thì đúng là thiếu mất một công đoạn quan trọng. Còn "đi lúa" nữa. Đọc bài của Phương Hồng nói về thời gian học ở Liên Xô, mình nghĩ ngay đến chuyện kể cho các bạn nghe về cuộc làm quen với một gia đình người Hungary ở tại Vũng Tàu, trong dịp diễn ra Lễ hội ẩm thực thế giới vừa rồi. Có được không?

    Rất thích viết thư qua lại kiểu này... Chỉ tốn thời gian thôi. Mà thời gian thì mình có rất nhiều. Chỉ sợ mất thời gian của các bạn.

    Chào thân ái.
    Dũng Nhi

    Trả lờiXóa
  7. Ngày chưa đi sơ tán, nhớ mình & Nhi chơi với nhau ở khu nhà sau báo ND (nhà Nhi có dàn thiên lý ở góc cuối dãy nhà tạm gần sân bóng chuyền), hai đứa đều thích đọc truyện "BM miếu 3 cô" của chú Văn Trọng, tôn sùng chú, một tác giả rất độc đáo, yêu trẻ con, dân dã với bộ nâu sồng, rít điếu cày sòng sọc.

    Nếu Trại sơ tán bắt đầu sau Tết 1965 thì có thể phải sửa câu viết trên tiêu đề blog: "TRẠI TRẺ SƠ TÁN BÁO NHÂN DÂN - Ngày ấy chúng ta vẫn quen gọi là "TRẠI TRẺ", thành lập cuối năm 1964, từ khi Mỹ bắt đầu ném bom đánh phá miền Bắc..."

    Về việc viết... viết được gì đều rất quý - từ nội dung trao đổi email, đến tất cả các thể loại viết (tản văn, phóng - ký sự, hồi ký, kể chuyện tản mạn...) đều có thể gửi về blog chia sẻ với hội TTST BND cho vui ... bù cho những người khác ít viết vì bận.

    Về quỹ thời gian trao đổi email, mọi người sẽ tự cân đối - chỉ có tăng thêm vui vẻ thôi!
    Chúc vui khỏe,
    Hiếu Dân

    Trả lờiXóa