8/5/14

Chuyện về cụ bà Hồ Học Lãm trong ký ức Lê Khánh Hoài

Anh Hoài mới gửi về blog TTST BND một bài anh đăng trên Chuyên đề An Ninh Thế giới và Văn nghệ Công An, bút danh Trương Nguyên Việt, trong đó câu chuyện xoay quanh gia đình một người mà hầu hết thành viên TTST BND còn ghi nhớ: bà cụ Lãm.
Xin giới thiệu cùng các bạn bài viết.

Dì tôi, Hồ Mộ La

3:31, 29/04/2014 (nguồn: "CAND.com.vn")

Cho đến mùa xuân vừa rồi, khi ra Hà Nội làm giỗ cho mẹ tôi - NSƯT Tân Nhân, tôi mới được gặp lại dì, Nhà giáo ưu tú Hồ Mộ La, khi này cũng đã 85 tuổi. Tôi đã cùng các em tôi là Lê Khánh Như, Đặng Gia Phú… đến đón dì và thực hiện điều dì luôn mong mỏi: Đưa dì và con gái của dì là Hồ Lam Hồng đến nơi mẹ tôi yên nghỉ để thắp hương và hóa vàng cho mẹ tôi.

Nhìn dì lặng lẽ ngồi bên mộ mẹ tôi, mái tóc bạc trắng, những dòng nước mắt nhớ bạn lặng lẽ nuốt vào bên trong… thú thực tôi không cầm được nước mắt.

Tình bạn giữa dì và mẹ tôi đã đi suốt cuộc đời của hai người, là một tình bạn, tình nghệ sỹ hết sức cao quý và xúc động, để rồi khi mẹ tôi mất đi, dì thốt lên đã mất một người bạn quý nhất trong đời…

Dì là con gái của nhà chí sỹ cách mạng nổi tiếng Hồ Học Lãm. Dì thân thiết với mẹ tôi suốt từ những năm tháng tuổi thanh xuân đến lúc bạc đầu, và có thể chia sẻ với nhau tất cả. Cụ Hồ Học Lãm, thân sinh của dì, tôi chưa được gặp, vì cụ mất từ khi tôi chưa chào đời. Nhưng người vợ yêu quý của cụ mà chúng tôi thường gọi là bà Lãm, thì với tôi lại xiết bao gần gũi. Từ khi tôi còn tuổi ấu thơ, biết hoàn cảnh éo le của mẹ tôi, bà đã nói với mẹ tôi là cho bà đón tôi về nuôi nấng. Nhưng khi mẹ tôi thưa lại đã gửi tôi cho người cậu, thì bà mới cầm lòng thôi ý định nhân từ ấy…

Lớn lên đôi chút, tôi lại hay được gặp bà khi mỗi khi đến báo Nhân Dân là cơ quan của bố tôi chơi. Bà là cán bộ ở đây, và mỗi lần gặp bà với tôi là điều hết sức sung sướng, không phải vì những đồng quà tấm bánh bà cho, mà cái chính là ngọn lửa ấm áp trong tấm lòng bà dành cho tôi, cùng những lời nói vô cùng yêu thương mà tuổi thơ côi cút của tôi lúc nào cũng thèm khát…

Dì Mộ La là con gái họ Hồ, là một dòng họ nổi tiếng ở Quỳnh Đôi - Nghệ An. Sử sách còn ghi: ông Hồ Bá Ôn là Án sát Nam Định, bị thương nặng và hy sinh trong một cuộc chiến đấu chống giặc Pháp giữ thành. Ông có em trai là Hồ Bá Trị kết duyên với bà Trần Thị Trâm, thường được gọi là bà Lụa. Cụ Hồ Bá Trị hy sinh trong một trận chống cự bọn phản loạn. Khi đó bà Trâm mới 25 tuổi, một nách hai người con trai, con lớn là Hồ Xuân Kiêm và con thứ hai là Hồ Xuân Lan, tức Hồ Học Lãm mới đầy 2 tuổi. Năm 1906, khi chia tay con tại vùng đất địa cầu của Tổ quốc, bà Lụa xé chiếc khăn, bảo con là Hồ Học Lãm, khi này 22 tuổi và quyết ra đi tìm đường cứu nước: “Cái khăn này được dệt ra là để rửa mặt cho con người. Con sinh ra là để rửa nhục đất nước. Con ra đi chuyến này sẽ gặp khó khăn, nhưng không được bỏ việc giữa chừng...”.

Đến Trung Quốc, ông Lãm được cụ Phan Bội Châu cử đi cùng một số học sinh khác sang học Trường võ bị “Chấn Vũ” tại Tô-ki-ô (Nhật Bản). Trong lớp học này, có cả Tưởng Giới Thạch, và Tưởng đã làm quen với anh thanh niên Hồ Hinh Sơn, tên bí mật của Hồ Học Lãm. Lãm học rất giỏi và thường giúp Tưởng học hành. Khi Chính phủ Nhật Bản trục xuất tất cả học sinh Việt Nam, Hồ Học Lãm trở lại trường quân sự Trung Quốc. Tưởng Giới Thạch cũng tiếp tục vào học trong trường cùng Hồ Học Lãm…

 Nhà giáo ưu tú Hồ Mộ La.

Hồ Học Lãm tốt nghiệp năm 1911, là năm Cách mạng Tân Hợi thành công, cũng là lúc cụ Phan Bội Châu và các nhà yêu nước Việt Nam thành lập Việt Nam Quang phục Hội tại Quảng Châu. Xem xét nhiều bề, cụ Phan Bội Châu mới đồng ý để ông Hồ Học Lãm vẫn ở trong quân đội, chuẩn bị lực lượng, chờ đón thời cơ. Ông Hồ Học Lãm trở thành một sỹ quan cao cấp của quân đội Tưởng. Khi ông Hồ Tùng Mậu và các đồng chí thành lập An Nam Cộng sản Đảng tại Hồng Kông, ông Hồ Học Lãm được mời tham gia, nhưng ông đã từ chối với suy nghĩ: “Cứ để tôi ngoài Đảng, có thể giúp đỡ, phục vụ Đảng được nhiều hơn…”. Ông thường tâm sự: “Hình hài, thể xác tôi lúc này là Quốc dân đảng Trung Quốc, nhưng trái tim, tâm hồn tôi thuộc về cách mạng, về Tổ quốc Việt Nam”. Và sẵn sàng làm mọi việc khi đồng chí Nguyễn Ái Quốc hay cách mạng VN yêu cầu.

Vào năm 1936, Đại hội thành lập “Việt Nam Độc lập Đồng minh Hội” do ông Hồ Học Lãm chủ trương. Sau này, khi hay tin Quốc dân Đảng Trung Hoa có âm mưu thành lập tổ chức “Hoa quân nhập Việt”, Đảng ta nhanh nhạy thành lập một tổ chức của Hội Đồng minh là “Biện sự xứ” của “Việt Nam Độc lập Đồng minh hải ngoại” do ông Hồ Học Lãm làm chủ nhiệm và ông Lâm Bá Kiệt (Phạm Văn Đồng) làm phó chủ nhiệm. Tiếp đó, một Hội văn hóa Việt - Trung có tên “Trung Việt văn hóa công tác đồng chí Hội” được thành lập, cũng do ông Hồ Học Lãm làm Chủ nhiệm.

Cuối năm 1942, nhận được tin báo “lão đồng chí Hồ Chí Minh bị mất tích ở biên giới”, chính bà Khôn Duy, tức bà Lãm đã cùng chồng đi vận động các nhà chức trách thả lão đồng chí Hồ Chí Minh. Vào những ngày đầu năm 1943, khi được tin đã tìm được Nguyễn Ái Quốc, ông Hồ Học Lãm rất đỗi vui mừng, nhất quyết đi thăm ông Nguyễn Ái Quốc. Nhưng sức khỏe ông Lãm đã quá xấu, mong ước này không thể thực hiện. Ông mất ngày 8 tháng 3 năm Quý Mùi, tức ngày 12 tháng 4 năm 1943, hưởng thọ 60 tuổi. Có nguồn tin nói rằng, Thiếu tướng Lê Thiết Hùng (Sau này là đại sứ VN tại Triều Tiên) từng có lần kể: “Bác Hồ đã có ý định khi cách mạng thành công sẽ mời ông Hồ Học Lãm về làm Chủ tịch nước”. Điều này nói lên sự khiêm tốn của Bác, Bác không màng chức tước địa vị, đồng thời cũng là sự đánh giá cao của Bác về ông Hồ Học Lãm. Tháng 8 năm 1945, Hồ Chủ tịch cử người đi đón bà Khôn Duy và hai con gái đưa về nước. Khi về đến Tổ quốc, bà Khôn Duy tham gia công tác ở địa phương cùng con gái Diệc Lan, sau này cô Diệc Lan mất, bà ra Hà Nội công tác ở Báo Nhân Dân, và ở với dì Hồ Mộ La. Dì nguyên là diễn viên hát rất hay của Đoàn ca múa quân đội, cho đến nay mọi người vẫn chưa quên giọng lĩnh xướng của dì trong bản hợp xướng Sóng Cửa Tùng nổi tiếng, và sau đó dì được đưa đi tu nghiệp ở nước ngoài để trở về là giảng viên thanh nhạc của trường nghệ thuật quân đội và của Nhạc viện Hà Nội. Năm 1980, bà Hồ Học Lãm từ trần…

Ngày bà Lãm mất, tôi lại ở miền Nam, không ra được để đưa tiễn bà. Cho đến bây giờ, tôi vẫn ân hận vì điều này. Với tôi, bà không chỉ cùng ông là những người yêu nước cao quý, những chí sỹ từng đóng góp rất nhiều cho sự nghiệp cách mạng đất nước, nuôi dưỡng nhiều đồng chí lãnh đạo của Đảng những lúc gặp khó khăn nơi đất khách quê người, mà còn là một người bà vị tha, giàu lòng nhân ái, hay xót xa với những cảnh ngộ côi cút khổ đau như chúng tôi.. Nếu không thế, sao những ngày xa xưa ấy, bà đã từng ý định đưa tôi về nhà nuôi dưỡng, chăm sóc? Ơn này, tình nghĩa này của bà suốt một đời làm sao tôi dám quên?

Bà mất đi, nhà chỉ còn dì La với hai con, vì sau đó, chồng dì là họa sỹ Đặng Đức Sinh cũng ra đi. Tôi biết ngày đó, cũng như mẹ tôi, dì nghèo lắm, rất nghèo giống như rất nhiều nghệ sĩ cách mạng khác. Nhà cửa chật chội, bàn ghế tiếp khách cũng chẳng có… Chú Sinh chồng dì là họa sỹ, mà cũng chẳng mấy khi có tiền mua toan, mua màu để vẽ. Mẹ tôi kể khi đi học nước ngoài, thương chồng, dì phải nhịn ăn nhịn mặc để mua sơn, mua màu gửi về cho chú vẽ. Rồi đến lúc chú lại bị tai biến mạch máu não, bị liệt mấy năm rồi qua đời (cũng giống như bố tôi)… Đã tưởng dì gục ngã. Nhưng ý chí con người thật phi thường, đúng trong dì có dòng máu họ Hồ, có chất kiên cường của bà Khôn Duy (bà Lãm), bởi vậy mà dì mới có thể đứng vững, tiếp tục những tâm nguyện nghệ thuật của mình, đó là đào tạo cho đất nước những lớp nghệ sỹ mới có tài năng, có đạo đức, và vươn lên nắm bắt những kỹ thuật thanh nhạc hiện đại của thế giới. Tôi không thể quên những lúc mẹ tôi và dì gặp nhau, hai người nghệ sỹ già áo còn vá vai, chân đôi dép nhựa cũng có lúc đứt quai, vậy mà như quên hết sự đời, chỉ thấy say sưa tranh luận phải lấy hơi thế nào, nhả chữ làm sao, làm sao cho giọng hát vang xa và rõ chữ rõ nghĩa… Tình yêu nghệ thuật của dì và mẹ tôi quả là vô bờ bến, ý thức trách nhiệm nghệ thuật của họ phải nói đúng là khôn cùng…

Cho đến nay, dì đã 85 tuổi. Đôi mắt của dì thậm chí còn không đọc sách được nữa, thế mà ngày nào dì cũng có học trò đến nhà riêng để xin học và học thanh nhạc. (Tôi càng kinh ngạc với thành quả giảng dạy của dì, khi một học sinh của dì mới đây lại được giải nhất một cuộc thi hát toàn quốc). Vẫn như ngày nào, dì vẫn dáng vẻ ấy, nghiêm ngắn, từ tốn, ấm áp. Trải qua rất nhiều biến cố trong đời, lại cũng từng con nhà quan đi theo cách mạng, nhưng dì luôn giản dị, khiêm tốn, chan hòa với tập thể, với đồng nghiệp, và rất ấm áp với các thế hệ học sinh như Rơ Chăm Pheng, Hà Thủy, Anh Thơ… Họ chính là những mầm măng mà dì đã vun đắp để thành những ngọn tre cao vút giữa trời. Đó là những học sinh đã thành tên tuổi, còn biết bao những học sinh khác là những nghệ sỹ thầm lặng cống hiến cho nghệ thuật…

…Họ Hồ có rất nhiều người làm quan, nhưng có một người làm nghệ thuật và là nghệ sỹ như dì, cũng thật đáng hiển vinh…

Trương Nguyên Việt