22/4/10

Những kỷ niệm khó quên

Ngô Phương Hồng

Chúng tôi, 17 cô gái học ở trường trung cấp hóa Slaviansk, một thành phố nhỏ gần Đonesk. Cô giáo chủ nhiệm của chúng tôi là cô Doia Petrovna. Ngày ấy, chúng tôi còn rất trẻ, mới 18 – 19 tuổi, hồn nhiên, trong sáng nhưng cũng rất bồng bột. Cô Doia chăm sóc chúng tôi chu đáo như một người mẹ, người chị. Cô đưa chúng tôi đi mua quần áo ấm, cô lo bữa ăn chúng tôi ăn không hết suất. Ngày tết, biết chúng tôi buồn vì nhớ nhà, cô mời cả lớp đến nhà cô chơi. Thầy trò cùng xắn tay vào bếp, vừa làm vừa trò chuyện vui vẻ. Chúng tôi như tìm thấy được hơi ấm gia đình.

Gặp lại cô giáo cũ sau 35 năm.
Hồng và cô giáo Doia Petrovna
trong chuyến đi thăm Vịnh Hạ Long vừa qua

Những ngày Mỹ leo thang mang bom sang bắn phá Hà Nội, hôm sau đến lớp gặp chúng tôi, câu đầu tiên cô hỏi: “Có ai nhà ở Khâm Thiên không? Gia đình các em có ai làm sao không?”. Không riêng gì cô giáo của chúng tôi mà những người dân Nga sống quanh chúng tôi cũng rất tình cảm. Khi biết chúng tôi là người Việt Nam là họ ôm lấy chúng tôi hỏi han, chia sẻ. Họ nói đất nước họ cũng từng trải qua chiến tranh chống phát xít Đức nên họ rất hiểu và đồng cảm với chúng tôi. Những năm học trôi qua nhanh chóng, chứng kiến cho những cố gắng, nỗ lực, niềm vui và nỗi buồn của thầy trò chúng tôi. Và kết quả là kỳ thi tốt nghiệp cuối cùng, 15 người đạt điểm giỏi và 2 người đạt điểm khá. Kết quả thật mỹ mãn. Bà giáo già dạy môn hóa phân tích chạy ào từ trên bục của hội đồng thi xuống, giang rộng tay ôm lấy chúng tôi, nước mắt bà chảy tràn hai má: “Ôi! Các con, các con của tôi!”.

Tiếp đến là những ngày bận rộn, chúng tôi gói ghém đồ đạc, sách vở chuẩn bị về nước. Hầu như chẳng còn thời gian để theo dõi tình hình chiến sự trong nước. Một buổi sáng tinh mơ, bà trực nhật chạy lên đập cửa phòng chúng tôi: “Các cô gái, các cô gái! Dậy mau, có điện của sứ quán gửi xuống”. Chúng tôi bật dậy và tất cả như vỡ òa trong niềm vui khôn tả: Đất nước đã hoàn toàn giải phóng. Chúng tôi ôm lấy nhau mà nhảy, vừa la hét, vừa cười, vừa khóc. Không sao tả hết được nỗi mừng vui lúc đó. Chúng tôi đã đánh thức cả ký túc xá dậy vì nỗi mừng vui của mình.

Hôm đấy là ngày 1/5/1975.

Sau đấy, nhà trường tổ chức một buổi liên hoan, vừa để tiễn chúng tôi lên đường về nước, vừa để chúc mừng đất nước Việt Nam đã được thống nhất trên toàn vẹn lãnh thổ. Tất cả các thầy cô đã từng dạy chúng tôi đều đến để chia tay và chúc mừng chúng tôi.

Ngày hôm sau, cô giáo chủ nhiệm mời chúng tôi về nhà cô. Thầy trò cùng ngồi bên nhau chuyện trò, cô căn dặn chúng tôi rất nhiều điều. Chồng cô bật cho chúng tôi nghe cuốn băng ghi lời chào tạm biệt của cô mà khó khăn lắm cô mới ghi lại được. Ông kể, cô đã ngồi suốt buổi sáng mà không sao ghi nổi vì cứ nói được vài câu cô lại khóc, lại xóa đi ghi lại. Cứ như vậy cho đến chiều, khi đã bình tâm trở lại cô mới ghi âm được. Tuy vậy, giọng cô trong băng vẫn run run, nghẹn ngào, kìm nén. Cô nhắc lại những kỷ niệm với từng người trong chúng tôi, cô chúc chúng tôi khỏe mạnh, hạnh phúc và trở thành những công dân tốt của đất nước Việt Nam. Sau những lời chào tạm biệt của cô là bản nhạc do cô con gái – Vita, 8 tuổi của cô chơi tặng chúng tôi trên đàn piano. Nghe xong cuốn băng, tất cả chúng tôi đều bật khóc, thầy trò ôm lấy nhau, nước mắt dàn dụa.

Gần 40 năm trôi qua, giờ chúng tôi đã trở thành những người mẹ, những người bà và đều đã nghỉ hưu nhưng những kỷ niệm về những năm tháng sống và học tập trên đất nước Liên xô cũ vẫn còn sau đậm trong tâm trí mỗi người. Chúng tôi sẽ mãi chẳng bao giờ quên được những tấm lòng người Nga bao dung, nhân hậu đã mở lòng ra tiếp đón, dạy dỗ chúng tôi trở thành những người như hôm nay.

Biết cảm ơn làm sao cho đủ bấy nhiêu nghĩa tình...

18/4/10

Gặp lại bạn cũ sau 40 năm

Từ: Hoai Nam
Ngày: 16/04/2010, 15:38

Thân gửi các bạn,
Tuy có hơi "giảm bớt nóng sốt" nhưng không sao.
Mình xin gửi thêm "mấy" cảm nghĩ sau lần găp mặt này.

Hoài Nam

Sáng 7/4 tôi nhận được tin nhắn của anh Dân về cuộc gặp mặt ở nhà Hàm Cá Mập. Lần này chúng tôi sẽ gặp Huỳnh Dũng Nhân. Đã nhiều lần Ban Liên lạc tổ chức các cuộc giao lưu như thế, nhưng với Nhân tôi chỉ gặp trên các trang báo chứ chưa bao giờ gặp mặt. Dễ cũng đến 40 năm rồi còn gì, sau cái thời sơ tán không thể nào quên ấy. Tôi cũng muốn gặp Nhân, để xem nhà báo nổi tiếng này ngoài đời có bình dị không đây, tôi nhắn tin cho anh Dân là tôi sẽ đến.

Khoảng 5 giờ chiều ngày 9/4 tôi lên tầng hai của Hàm Cá Mập. Anh Dân, anh Chính, Hiếu Nam và Phương đã ở đó. Hóa ra tôi cũng là một trong số những người đến sớm nhất. Khoảng mười phút sau, Nhân tới. Tôi nhìn thấy ông bạn từ xa, tươi cười, nhỏ nhắn nhưng không gầy, trông có phần trẻ hơn so với tuổi 55. Vui vẻ bắt tay từng người, Nhân vẫn nhận ra tôi và nhận ra hầu hết mọi người. Anh Dân nhắc "mấy bạn cùng lớp ngồi gần nhau đi", Nhân ngồi xuống cạnh tôi. Kia rồi, Hùng đã tới, Nhân hướng về phía Hùng, hai người tay bắt mặt mừng rồi Hùng rồi ngồi xuống bên chúng tôi. Nhân điểm tên xem lớp chúng tôi còn vắng những ai.
Mọi người đến đã khá đông, thức ăn lần lượt bầy kín mặt bàn, bia đen, bia vàng, rượu vodka được nâng lên hạ xuống chúc tụng không ngớt. Anh Chính, anh Nguyên, Kiều Tuấn, Hoàn, Phương Bé (nhưng nay lại to lớn nhất), chị Hạnh (Phúc), Khánh, Lan Bình, Oanh, Yến, Thúy, Hà, Ngọc Diệp... tới cụng ly với Nhân, chúc mừng cho cuộc hội ngộ bất ngờ này.

Lớp tôi hồi đó gồm những đứa tuổi con dê, con khỉ. Về "thứ bậc", chúng tôi ở quãng giữa, phía trên là các anh, chị lớp 6, lớp 7 lớp 8. Dưới chúng tôi là các em từ lớp 4 cho đến em còn khóc nhè như Bình Thao (cháu của Mẹ An). Những "con dê" và "con khỉ" trong lớp có: Khánh Châu, Dũng Nhân, Vũ Hùng, Chí Cường, Đoàn Nhân Hồng, Huy Bắc, Thành (Quảng Bình), Ninh Hà, Hoài Ân, chị Hạnh Phúc và tôi. Khánh Châu còn được gọi là Châu Te, học giỏi nhất, tôi còn nhớ Châu thường xếp thứ nhất tất cả các môn tự nhiên và xã hội, đặc biêt là văn và toán. Tính Châu tuyềnh toàng, không để ý, trong lớp, ai muốn trêu gì cũng mặc, chỉ cười, cùng lắm là nhăn mặt. Sau đó tới Ninh Hà, Ninh Hà học khá giỏi, chữ viết rất đẹp nhưng hơi kiêu và hơi khó gần, thỉnh thoảng lại thân với người này rồi chuyển sang thân với người kia. Nhân thì nghịch ngợm, dí dỏm, hay bày trò, chơi bóng bàn thì giỏi nhất Trại và trên đầu thường có chiếc mũ nồi đen. Hùng cũng nghịch, học vào loại khá trong lớp. Cường hiền lành và có phần nhu mì. Chị Hạnh Phúc mộc mạc, tốt tính (chị tuổi rắn, hơn chúng tôi đến hai tuổi), chị Hạnh ra dáng chị cả, thường nhường nhịn và làm những việc khó trong lớp, nhất là khi chúng tôi phải quét dọn giao thông hào quanh lớp hay đắp thêm đất và cỏ xanh cho hầm chữ A. Tôi thường chơi với Hoài Ân, vì thời gian đầu tôi ở cùng bà nội, còn Ân thì ở với bà ngoại chỗ Khu Gia đình (Khu Gia đình là khu các cháu có bà nội, bà ngoại đi cùng, khu này có các cụ: cụ Đức Thi, bà nội tôi là cụ Bích Hà, cụ Lãm, cụ Ngô Thi, bác Lê Điền gái và cụ Hữu Thọ). Sau khi bà nội về Hà Bắc với chú tôi, mấy chị em tôi mới vào Trại trẻ ở hẳn cho đến khi Trại giải tán, về Hà Nội.

Nhân ngồi cạnh tôi, bình dị, chẳng cầu kỳ, rất tự nhiên, vừa ăn vừa hỏi thăm những người trong gia đình tôi, Nhân nhớ nhất chị Diệp vì những năm chiến tranh, nhà tôi và nhà Nhân ở chung tầng 2 của dãy nhà phía sau trong khu số 9 ngõ Lý Thường Kiệt. Không ồn ào, Nhân lần lượt hỏi thăm tôi về những người bạn ngồi ở dãy ghế phía bên kia:
- Oanh thế nào? Oanh chưa...... Bố mẹ Oanh, Yến còn khỏe không?
- Hiếu Nam làm gì, bây giờ chắc cũng phải lên đến cấp gì rồi?
- Sao, mọi người vừa nói gì? Anh Dân... sao lại chưa... ?
- Con Đặng Nam còn nhỏ?
- Chị Nghĩa vẫn thế à?
- Người ngồi phia bên kia là ai? sao tôi vẫn không nhớ ra, trông quen lắm - Nhân nhìn về phía Kiều Tuấn hỏi tôi.
v..v..
Trong tất cả những lời thăm hỏi đó của Nhân, tôi nhận thấy có sự đồng cảm xen lẫn cảm xúc của nghề nghiệp. Với mỗi hoàn cảnh chưa trọn vẹn, Nhân như động lòng trắc ẩn và rất lấy làm tiếc cho các bạn của mình.

Tôi hỏi thăm cô chú Hùng Lý, anh Nhi, Ngọc Thụy, Hoa Lê và gia đình nhỏ của Nhân. Nhân trả lời chân thành và cũng rất tự nhiên:
- Tôi có 2 tập và 3 con. Con lớn đang học ở Pháp. Đứa sau cùng còn rất nhỏ.
- Anh Nhi bị bệnh nặng, trông ốm và già lắm. Vào nhà người ta chào ba tôi là ông còn chào ông Nhi là cụ.
- Ngọc Thụy khá thành đạt, đi tu nghiệp ở Anh, bây giờ là giáo sư trường đại học Dược.
- Hoa Lê làm ăn cũng khá...

Giữa chừng, điện thoại reo. Nhân nói chuyện với đứa con nhỏ, xem ra rất chiều đứa bé:
- Ba đang ở Hà Nội, ngày mai ba về. Ừ, tối mai ba sẽ đọc truyện cho con, con ở nhà ngoan nhé.
Tiếp xúc với Nhân, tôi thấy dễ chịu. Bạn bè bao giờ cũng vẫn là bạn bè. Tôi chúa ghét một số người (nói chung ở đâu đó) có nổi tiếng, có chức vụ hay học hành cao hơn chút ít, khi gặp lại bạn cũ lại tỏ ra quan trọng, xa vời.

Dưới ánh sáng đỏ vàng ấm cúng của nhà hàng Legend Beer, chúng tôi từng nhóm râm ran trò chuyện, thỉnh thoảng đâu đó rộ lên những tiếng cười vui vẻ.

Mới đấy mà đã 9 giờ tối. Chúng tôi nhao nhao chụp ảnh để ghi nhớ cuộc hội ngộ. Thật vui với những kỷ niệm ấu thơ mà chúng tôi vừa ôn lại trên cái Hàm Cá Mập này. Cũng đã đến lúc phải chia tay. Chúng tôi tạm biệt và hẹn gặp nhau trong dịp kỷ niệm 60 năm ngày ra số đầu tiên của Báo.

Hà Nội, tháng 4/2010

16/4/10

Một lần gặp lại ấu thơ

Gửi từ: HDN
Ngày: 12/4/2010, 6:39 PM

dự họp mặt với các bạn Trại trẻ Sơ tán báo Nhân Dân xong, tôi nghĩ mình phải viết một chút gì đấy, và thế là tôi viết bài này gửi các bạn, nó hơi dài. Mong các bạn cùng chia sẻ...

Thân mến

MỘT LẦN GẶP LẠI ẤU THƠ

Huỳnh Dũng Nhân

5 GIỜ CHIỀU NGÀY 9-4-2010: Hắn nhìn đồng hồ đã thấy đến giờ hẹn với nhóm trại trẻ sơ tán báo Nhân Dân. Làm một cuốc taxi lòng vòng vì nhiều con đường đã thành 1 chiều. Phần khác có lẽ vì tay tài xế nghĩ rằng thằng cha nửa Nam nửa Bắc này không thuộc đường Hà Nội. Cha tài xế đâu biết hắn đã có 20 năm oanh liệt ở Hà Nội này với những thành tích không thể kể tên. Hắn xuống xe đứng trước Bờ Hồ thì vừa lúc nghe điện thoại anh Hiếu Dân gọi. Nhà hàng Hàm Cá Mập đây rồi. Cái tên Hàm Cá mập thật ấn tượng và xứng đáng với câu chuyện xây dựng cái nhà phá vỡ cảnh quan thơ mộng của Bờ Hồ đầy tranh cãi một thời này. Hắn đứng nấn ná một lúc. Hồi xưa ở đây là bến tàu điện. Là kem Hồng Vân Long Vân, là cái cửa hàng bách hóa mà hắn có lần bị bà mậu dịch viên theo dõi vì “trông nó giống thằng ăn cắp lắm”. Bước lên cầu thang. Từng bước một. Những người bạn hồi lớp 2-3-4 giờ đây thế nào nhỉ? Những đứa bạn thời đánh xèng, chơi bi, chơi nhảy ngựa và xếp hàng mua bánh mì, đổ rác ngoài đầu ngõ Lý Thường Kiệt dạo này thế nào nhỉ?

Hắn bước vào, tim đập thình thịch như đang bước ra hội đồng giám khảo. Một bàn tiệc khoảng 20 người đang quây quần. Tất cả ồ lên, Reo lên, ùa lên, la lên. Và cười vang. Và sung sướng. Và ôm lấy nhau. Và ướt mắt. Ôi những người bạn một thời 1960-1970. Trên dưới 40 năm rồi... “Thời gian tựa cánh chim bay, qua rồi những tháng cùng ngày, còn đâu mùa cũ yên vui, nhớ nhau suốt đời mà thôi”... Lời bài hát Hoài Cảm của Cung Tiến chợt ùa đến, âm thầm vang lên trong ký ức của hắn... Ôi các bạn. Ôi những hoa râm khóe mắt môi cười chân chim...

Hiếu Dân lành lành, cần cù nhỏ nhẹ. Phương ồn ã tất tả lo toan tay hòm chìa khóa. Khánh (bẹt) nhu mì ý nhị, ít uống mà chia sẻ. Ba chị em Oanh, Yến, Thúy vẫn nhỏ bé như ngày nào (mà mập và xinh hơn) ở cùng số 9 Lý Thường Kiệt. Chị Hạnh Phúc vẫn thế. Hoàn (phề) và Phương (Bé) vẫn to khỏe trẻ trung. Vị Hoàng hay tủm tỉm như triết gia. Đặng Nam sống Tây mà vẫn gầy và theo như mọi người nói thì đó là vì con mọn. Thêm một anh chàng nhìn mãi chẳng nhận ra, phải xưng tên mới nhận ra Kiều Tuấn. Tương Lai hầu như chẳng nói một câu nếu như không ai hỏi. Anh Chính đàn anh nhất ỏ đây. Hiếu Nam có vẻ say trước mọi người, không biết say vì rựợu hay vì bạn. Hồ Nguyên đến sau, trông thật phúc hậu. Thanh Hà đã ra dáng “mợ” rất quý phái nhưng sắc sảo trong từng trang sách mà Hà chỉ có thể dành tặng cho một vài người. “Út” Diệp con cô Ngọc Hân nói là nhỏ nhất cũng đã là Phó TBT một tờ báo. Hoài Nam đầm ấm tâm tình chuyện lớp hồi xưa. Lan Bình vội vàng đến và vội vàng đi song cũng không quên siết tay bạn bè anh chị mấy lần. Vũ Quốc Hùng (Hùng Lìu) nói chuyện nhiều hơn hồi nhỏ và cũng thân thiện hơn cái tính hay nổi nóng hồi xưa...

Rượu, Bia... bay lên cùng ký ức. Vân Đình, Tuy Lai, Thống Nhất... hiện về. Những rặng tre ven làng mộc mạc, những hầm chữ A in dấu chân trần. Những chiếc mũ rơm dính đầy mực tím. Những bữa cơm độn sắn, những lần lên đồi cùng chị Lê, bạn Tảo, bạn Lâu... Những người nông dân răng đen áo nâu sờn rách nhường hẳn mấy gian nhà cho bọn trẻ “sơ mít”. Rồi những tiếng máy bay gầm rú. Những câu chuyện thời chiến nao lòng. Những cái đêm giá rét díu mắt lại ngồi quanh cái radio nghe đài đọc chuyện đêm khuya mà trông về phương trời Hà Nội. Sân đình, mái chùa họ Phùng chứng kiến những đứa trai bắt đầu biết thương nhớ và những cô con gái lén lút điệu đàng. Rồi những buổi trưa ngủ dậy từng đứa xếp hàng nhận phần kẹo bánh được các mẹ cất rất ngăn nắp trong tủ chia nhau. Đôi khi có những tiếng nấc buồn khi có đứa không có chút gì trong tủ bánh.... Rồi những buổi chiều thứ bảy hoặc sáng chủ nhật cả bọn dắt díu nhau ra ngồi đầu làng chờ bố mẹ từ Hà Nội lên thăm, vừa ngồi ngóng vừa đoán xem ai sẽ có quà. Ôi những năm tháng dằng dặc xa thành phố. Một chiếc kẹo thôi cũng đủ dịu ngọt suốt cả những tháng ngày mấy anh em ôm ấp đùm bọc nhau khi cha mẹ trực chiến hay công tác chiến trường...

Bạn bè họp mặt hôm nay ngồi từng nhóm theo lớp học, theo khu tập thể hồi xưa và tranh cãi ai học giỏi nhất, ai nghịch nhất... Thật đáng buồn, hắn rơi vào nhóm đề tài thứ hai. Hùng Lìu bảo hắn đầu têu trong các trận trốn học đi chơi bóng đá bóng bàn. Hiếu Nam (bây giờ là một sĩ quan cấp tá, cao gần 1m8) tố cáo hắn hồi xưa ăn hiếp Nam, đến nỗi Nam phải hô to “chính nghĩa không bao giờ thất bại”. Một ai đó nhắc một lần tất cả bị cấm không cho đi xem phim ở sân hợp tác xã , hắn là kẻ cầm đầu với lời tuyên bố “cơ hội ngàn năm có một, không thể ngồi nhà” và cầm đầu bọn trẻ chống lại lệnh cấm. Đặng Nam nhắc lại kỷ niệm một lần đi học về trên bờ đê bị bọn trẻ địa phương chặn đầu gây sự. Hắn mưu trí nói với Nam: Đưa tao con dao đây để tao chơi tụi nó. Tụi kia sợ quá chạy mất. Thật ra lúc ấy trong túi làm gì có con dao nào??? Kiều Tuấn thì chào hắn bằng câu: Chào đại úy! Và nhắc lại chuyện hồi đó cả bọn chơi trò phong quân hàm cho từng đứa, đứa nào trêu bạn gái là bị cách chức, quét nhà thì được thăng vượt cấp. Cũng chính hắn dẫn một bọn nhóc đi xuyên qua cánh đồng ở Quốc Oai “xem núi xa hay gần”? Chính hắn chứ không ai khác chở Hoài Ân đi lên nơi sơ tán ở Phượng Cách bị té xe làm vỡ tan chai nước mắm lúc đó thuộc loại quý hiếm như vàng, làm Hoài Ân tiếc ngẩn ngơ và buồn đến mấy ngày sau chưa hết... Ôi tội lỗi của hắn ngập tràn kỷ niệm. Đó là chưa kể có lần hắn can tội “cố tình gây thương tích” cho ai đó và bị đuổi về Hà Nội. Hắn đã phải đi bộ từ nơi sơ tán ra tới tận Mai Lĩnh hay Trúc Sơn gì đó mới có xe khách đi về. Hà Nội lúc ấy cúp điện tối om, và vắng tanh vắng ngắt đón chào bàn chân gày guộc đi đôi dép cao su ba quai (vì mất cái rút dép) của thằng bé tội lỗi sau những ngày sơ tán... Chao ôi tuổi ấu thơ của hắn. À mà chưa hết. Lại có lần hắn và Tuấn (con cô Bình Định) cởi hết quần áo (sex 100%) lội xuống Hồ Gươm giá rét lấy đất sét làm thủ công, chẳng may bị mấy ông bảo vệ lạnh lùng ra tay thu sạch quần áo làm hai đứa trẻ cực kỳ dễ thương này không làm sao dám lên bờ. Có lẽ đời hắn không bao giờ quên được kỷ niệm đau thương và đáng đời như thế...

Hắn ngồi ngắm các bạn. Phải công nhận trí nhớ các bạn thật là tốt. Thảo nào các bạn lúc ấy đều học giỏi và ngoan ngoãn, sau này hầu hết tốt nghiệp đại học, đi làm ăn ở nước ngoài, thành đạt... Cảm ơn các bạn đã vẽ giúp lại bức chân dung hắn, cái thằng ít khi rời chiếc mũ nồi (mũ bê rê) và luôn sáng tác ra một trò đùa gì đó khác người. Cái thằng mà các bạn nhớ, đến hơn 40 năm còn nhớ từng trò chơi khăng chơi xèng, đến mấy đứa trai làng hồi ăn khoai sắn không đủ no giờ còn nhắc...

Sau khi ở trại sơ tán mấy năm, sau mấy lần chuyển chỗ ở quanh quanh Hà Tây, hắn cũng đã chuyển đi Hà Bắc học trường nghệ thuật môn hội họa. Rồi hắn trở về cái ngõ Lý Thường Kiệt và tra tấn cả ngõ bằng một chiếc sáo tre te tua hai đầu. Hắn xuyên tạc lời bài hát về vua bóng đá Pê lê, hắn dập dìu bạn gái đuôi sam khi lỡ nghe xúi dại đi học múa. Theo như Hoàn (phề) thì hồi đó hắn và Hoàn Phề còn ra chợ ăn cắp hai con cá vụn để về nuôi một con mèo mù một mắt lang thang lạnh cóng đi lạc vào khu tập thể Lý Thường Kiệt. Tất cả những mái nhà rêu phong, cái ban công đầy hoa sen đá, cái toilet độc nhất vô nhị trong cái khu tập thể 40 người và cái bếp đen kịt khói mùn cưa... ở khu nhà số 9 ngõ Lý Thường Kiệt đều hằn sâu và đầy ắp kỷ niệm của hắn. Khi vào Nam, với một quá khứ khó tự hào như thế, hắn lao vào học văn, rồi ra Hà Nội học tiếp báo chí quyết tâm theo nghề cha mẹ và tiếp nối truyền thống cha ông báo Nhân Dân 71 Hàng Trống (Mong các cô các chú các bác bỏ qua cho nó những thành tích thường xuyên lặp lại, như thường xuyên gây chiến với con khỉ ở cây đa, ném bể bóng đèn và làm bể cửa kính cơ quan khi nhà nó còn ở trong đó).

Hôm nay đây gặp lại bạn bè, hắn gặm nhấm mớ kỷ niệm ngổn ngang lẫn tươi rói và thấy như gặp lại chính mình thuở ấu thơ. Hắn ngồi uống rượu và cố tình “mảng vui quên hết lời em dặn dò”. Hơn 40 năm gặp lại bạn bè sao lại có thể uống trà đá nước ngọt hay nước lọc kia chứ? Cảm ơn xúc xích Đức, bia vàng với bia đen, rựơu vodka Thụy Sĩ. Cảm ơn các bạn trại trẻ báo Nhân Dân đã cùng chia bùi sẻ ngọt với một câu hỏi cháy lòng trong buổi gặp mặt hôm nay: Sao hồi đó khó khăn vất vả là thế mà các bậc phụ huynh báo Nhân Dân ai cũng nuôi con cái khôn lớn thành người? Những thước phim quá khứ chiếu chậm trong ký ức. Những tấm ảnh đen trắng với những kiểu tóc kiểu áo thập niên 60 của thế kỷ 20 được truyền tay nhau xem... Ai cũng trẻ, ai cũng đẹp, nhất là những cô bác đã trực tiếp dìu dắt nuôi dạy bọn trẻ ở những nơi đầy ruộng sâu đỉa lội... Cái đa đoan cảm xúc trong con người hắn trào dâng. Một thời để yêu một thời để nhớ. Ngồi từ nhà hàng có cái tên Hàm Cá Mập rất không lãng mạn này tất cả mọi người cũng nhìn thấy nóc nhà báo Nhân Dân có hàng chữ màu đỏ nhấp nháy. Nay mai có ra Hà Nội, thế nào hắn sẽ cùng các bạn đến đây. Sẽ ngồi đây bàn ngày kỷ niệm 60 năm thành lập báo Nhân Dân, tất cả “bọn trẻ” (nay đã U 60 - U 50) phải có mặt đông đủ ở Hà Nội. Ngồi đây để mơ ước một lần họp mặt tất cả ở Sài Gòn. Và ngồi đây để cùng hát: Thời gian tựa cánh chim bay. Xa rồi những tháng cùng ngày. Còn đâu mùa cũ yên vui. Nhớ nhau suốt đời mà thôi...

Hãy bấm vào để xem tên từng nhân vật trong bức ảnh chụp lũ trẻ ở sân nhà bác Lê

vn.hanoi: Bài này được anh Nhân gửi đến blog ngay từ hôm 12/4, nhưng tới nay mới sắp xếp đăng được. Hơi bị muộn nên giảm mất cả nóng sốt. Mong các bạn thông cảm!

11/4/10

Một chút mùa đông

Chào các bạn của tôi
Tôi ra HN họp vào ngày 4-4. Trước khi đi đã hứa với lòng thế nào cũng phải có cuộc tái ngộ với các bạn trại trẻ báo Nhân Dân thời "khi xưa ta bé". Họp hành xong là bắt đầu bấm số máy anh Hiếu Dân đăng ký một cuộc hẹn. Và cuộc hẹn ấy đã diễn ra 5 giờ chiều ngày 9-4 ( thứ 6 ) - một ngày trước khi tôi vào lại TP HCM. Trong suốt 55 năm tồn tại trên đời này, tôi đã có hàng ngàn cuộc hẹn hò từ nghiêm túc đến âm mưu, từ lãng mạn đến nguy hiểm... thế nhưng cuộc hẹn hò này vẫn làm tôi hồi hộp lạ thường, vì đây là cuộc hẹn với bạn bè cũ thời cấp 1, ở nơi sơ tán, với những người cùng cảnh ngộ thời chiến có cha mẹ làm cùng báo Nhân Dân, ở cùng một khu tập thể Lý Thường Kiệt mà đã hàng chục năm không gặp lại. Tôi có cảm giác như tôi hò hẹn với ... chính tôi, hò hẹn với tuổi thơ ấu của tôi năm xưa. Nhờ các bạn tất cả kỷ niệm xưa ập về. Mọi người ào ào kể lại kỷ niệm xưa, và hình như ai cũng có chuyện để "kể tội tôi". Và tôi thú thật không ngờ hồi đó tôi nhiều thói hư tật xấu đến thế. Tôi cảm động vô cùng khi gặp lại các bạn. Và tôi sẽ viết một bài riêng về những kỷ niệm này. Cảm ơn các bạn nhiều lắm. Cảm ơn những người đã tổ chức cho chúng ta gặp lại dù trong những buổi họp mặt hay trên trang web. Hẹn gặp lại nhé .

Gửi các bạn xem và cùng nhớ lại thời khi xưa ta bé

MỘT CHÚT MÙA ĐÔNG
Huỳnh Dũng Nhân

Anh góp nhặt gửi cho em chút đông
Nhành hoa gãy trong bàn tay nóng bỏng
Em xa quá mà đất trời thì rộng
Trăng muộn rồi nỗi nhớ vẫn trinh nguyên

Anh lang thang trong thành phố không em
Hà Nội giăng giăng mưa Sài Gòn ào ạt gió
Anh nhớ em nỗi nhớ như ngọn lửa
Không nơi sinh ra và không chốn bắt đầu

Sỏi đá còn có lúc cần nhau
Anh cũng thế, thèm một câu nũng nịu
Một đôi mắt biết cười làm tim anh nhíu lại
Nhớ mùa hè mà thương cả mùa đông

Cây sấu chưa hoa, hoa sữa chưa hương
Thời gian thì một chiều, rồi hết
Phía trước em, phía trước anh cách biệt
Chẳng có gì ngoài một chút mùa đông.

------
Từ trái sang: Vũ Hùng, Lan Bình, Dũng Nhân – xưa cùng ở ngõ Lý Thường Kiệt

(Ảnh trích từ cuộc gặp hôm 09/4/2010 ở nhà Hàm Cá Mập - Bờ Hồ)

4/4/10

Văn hoá ẩm thực Việt Nam

Hà Huy Hiệp

Không chỉ là một trong những nhà nghiên cứu âm nhạc dân tộc nổi tiếng trên thế giới, Giáo sư Trần Văn Khê còn là một thực khách “sành ăn” và đã dành khá nhiều thời gian để tâm nghiên cứu về vấn đề này. Trong những lần nói chuyện với bạn bè trong nước và quốc tế, ông đã làm thính giả ngạc nhiên và thích thú về những kiến thức sâu sắc và đầy thú vị về Văn hoá ẩm thực Việt Nam.

GS Trần Văn Khê
Theo Giáo sư Trần Văn Khê, trong nhiều năm sống ở nước ngoài, ông được biết nhiều người vẫn thường lầm tưởng món ăn Việt Nam cũng na ná như món ăn Tàu. Thực ra thì rất khác và khác ở những điểm cơ bản như: Món ăn của Trung Quốc thường dùng bằng bột mì, còn ở ta thì thường dùng bằng bột gạo. Ví dụ như: người Hoa thường ăn mì sợi, bánh bao, bánh tiêu, cháo quẩy... còn người Việt ta thường ăn phở, bánh đúc, bánh bèo, bún, bánh cuốn. Nước chấm của người Hoa thường dùng nước tương hay còn gọi là xì dầu được chế biến từ đậu nành, còn nước chấm của ta thường là nước mắm, được tinh chế từ cá. Người Trung Quốc khi nêm thức ăn thường chuộng vị ngọt và chua, còn ở Việt Nam ta thường nêm vị mặn và ngọt...

Khi chế biến món ăn từ thuỷ hải sản, người Việt có nhiềm món mắm “riêng có”: mắm thái, mắm tôm, mắm tép, mắm linh, mắm lóc, mắm nêm... Một số nước Đông Nam Á khác cũng có những món mắm, nhưng món mắm của người Việt có nhiều loại hơn cả. Người Việt có thể được coi là có nhiều sáng tạo trong cách chế biến các thứ cá thành mắm. Riêng đối với thịt lợn, người Việt lại có những món ăn sống: nem chua, ché... thứ nem bằng thịt sống trộn với nhiều loại gia vị, gói trong lá vông và tự chín là món ăn khoái khẩu và độc đáo của người Việt. Các món giò chả, chả lụa, chả quế, chả đùm, người Trung Quốc cũng ít có. Với các loại rau, người Việt – nhất là những người miền Nam thường ăn nhiều rau sống hơn người Trung Quốc.

Trong văn hoá ẩm thực, người Việt Nam cũng có ba cách ăn. Ăn toàn diện: tức ăn bằng ngũ quan. Trước hết là ăn bằng con mắt. Thức ăn được trình bày đẹp, được chế biến từ các loại nguyên liệu giàu màu sắc, bắt mắt người ăn. Rồi đến ăn bằng mũi: có mùi thơm bốc lên từ mỗi loại thức ăn, từ mỗi loại nước chấm, từ từng loại rau thơm. Sau đó răng chạm vào thức ăn mềm như bún, dai như thịt luộc, dòn như giá sống, có khi nhai những món dòn như lạc, bánh phồng tôm, bánh đa nướng tai nghe lốp cốp. Sau khi thấy, ngửi, nhai, nghe, mới bắt đầu nếm và thưởng thức bằng lưỡi vị của món ăn. Các món ăn thường đa vị, dường như chẳng có món ăn nào đơn thuần một vị cả. Chất mặn pha với chất ngọt, chất chua, pha trộn nhuần nhuyễn. Ví như món cuốn bánh tráng như nem nướng, ngoài giá dòn, rau xà lách, rau thơm, còn có chuối chát, khế chua, chấm nước mắm pha giấm, đường, tỏi, ớt hay mắm nêm cũng pha chút đường, hay tương ngọt trộn với nếp xay. Như vậy một cuốn nem nướng, cá nướng hay thịt nướng đều đem đến cho người ăn năm, sáu vị khác nhau, mà tất cả đều hài hoà không vị nào lấn vị nào.

Ăn khoa học: Người Việt Nam nấu ăn theo luật âm dương, cân bằng, hàn nhiệt điều hoà. Khi kho món cá có nước mắm mặn (+) thì thêm đường ngọt (-), khi ăn món dưa hấu ngọt (-) thì thêm chút muối (+), xoài tượng chua (-) thì chấm nước mắm (+)... cho vừa miệng mà cũng tạo nên một sự quân bình âm dương. Món cá trê, cua đinh hay thịt vịt luộc thuộc về hàn nên ăn với nước chấm có pha gừng (nhiệt).

Ăn dân chủ: Không giống với người Âu, khi dự bữa tiệc cứ phải dọn lên từng món, ăn hết món này mới bưng lên món khác. Đối với người Việt, các món ăn cứ được dọn cả lên bàn, ai thích món nào gắp món ấy; ăn ít, ăn nhiều thoải mãi, tuỳ khẩu vị và sức ăn của mỗi người, không ai bị ép phải ăn những món mình không thích.

Nước Việt Nam trải dài, nhiều dân tộc sinh sống, có nhiều loại thức ăn phong phú, có nhiều cách nấu đa dạng, mỗi vùng đều có những món ăn đặc biệt.. Nhưng cách ăn uống, cách nấu nướng vẫn mang đậm sắc thái dân tộc Việt, vừa độc đáo, vừa hấp dẫn, cuốn hút thực khách.

Giáo sư Trần Văn Khê nhận định: Thủ đô Hà Nội với ngàn năm văn hiến, Huế - miền đất cố đô, và Nam bộ - vùng đất mới, đều có những món ăn đặc sắc riêng. Do thời tiết lạnh, ngày Tết ở miền Bắc có món thịt đông, miền Nam không có món này nhưng lại có món thịt kho nước dừa Xiêm, ăn với dưa giá là món ăn đặc biệt trong ngày Tết. Nhiều người không biết gọi đó là thịt kho Tàu, nhưng thực ra đó là món thịt kho thuần Việt.

Bánh cuốn
Miền Bắc có xôi gấc, miền Nam có nếp thang, xôi đậu trắng... Người miền Bắc gọi con lợn, người miền Nam gọi con heo, nhưng dường như bánh da lợn lại do người miền Nam sáng chế ra. Mặt khác, do giao lưu với nhiều nền văn hoá, ẩm thực Nam bộ khá phong phú, đa dạng do đã sử dụng nhiều món ăn của người nước ngoài chế biến lại sao cho thích nghi với khẩu vị người Việt. Chẳng hạn với món bò bíptết, người Việt thường ướp thêm nước tương, tỏi, tiêu, đường, trước khi chế biến làm món ăn đậm đà hơn; món cà ri Ấn Độ được thêm nước cốt dừa; món gà rô ti, gà nướng được ướp thêm ngũ vị hương nên hương vị có khác.

Giáo sư Trần Văn Khê cho biết thêm: Những năm trước ở nước ngoài, ông vẫn nhớ chả cá Lã Vọng, những loại nước chấm miền Trung, nem chua Thủ Đức và ngày nay, đất nước thống nhất, người Việt gặp nhiều dân tộc khác nhau, nhưng cách ăn, uống, nấu nướng vẫn còn giữ sắc thái dân tộc và nhiều du khách nước ngoài đến Việt Nam cũng nhìn nhận rằng người Việt có cách nấu ăn độc đáo, dễ làm vừa khẩu vị ngay cả những người khó tính...

Hà Huy Hiệp – (viết cho tờ Thể thao và Văn hoá của TTXVN)
Nguồn ảnh: sưu tầm trên mạng