27/10/08

Ngày đầu tiên đi học

Chào các anh trong Ban biên tập!

Em là Thụy, lâu quá em không ghé trang web của trại trẻ, hôm nay mới thấy quá nhiều tin buồn mà mình không kịp chia buồn, thật áy náy trong lòng... nhưng cũng vui khi nhận ra rằng đã có nhiều người hơn, nhiều bài viết hơn góp mặt trong web. Nhân tiện em cũng xin gửi một chút kỉ niệm nhỏ mà em còn nhớ, gọi là có, vì lúc sơ tán em còn nhỏ quá, chẳng có nhiều kỉ niệm như các anh chị được.

Em hy vọng chuyện họp mặt sắp tới sẽ thực hiện được, em cũng có ý mong là nếu được, các anh cho khoảng 2-3 thời điểm, nếu thời điểm nào có nhiều người thu xếp tham dự được đông nhất sẽ chọn thời điểm đó (hy vọng em sẽ có mặt). Thế nhé. Em gửi lời chúc sức khỏe cả nhà mình!

Huỳnh Ngọc Thụy
Ngày đầu tiên đi học

Ngày đầu tiên đi học của các bé thơ bây giờ sao mà nhẹ nhàng, mà sung sướng. Nhìn các bé được ba mẹ dắt tay vào tận lớp, xúng xính trong bộ đồng phục thật đẹp, thật dễ thương, hay có bé còn nước mắt lưng tròng, mè nheo không chịu vô lớp mà sao thương thế, tôi chợt tự hỏi ngày đầu tiên đến lớp của mình là ngày nào, đã diễn ra như thế nào? ... và rồi kí ức bỗng từ từ hiện về…

Ngày đó là ngày tôi ở trại trẻ sơ tán của Báo Nhân Dân tại xã Thống Nhất, huyện Chương Mỹ, tỉnh Hà tây. Chiến tranh leo thang, máy bay Mỹ ném bom miền Bắc nên lũ trẻ chúng tôi phải đi sơ tán xa Thủ đô Hà nội, xa ba mẹ, đến vùng nông thôn an toàn hơn để tiếp tục học tập. Khi vào trại trẻ, tôi còn chưa đủ tuổi đi học, thấy các anh chị lớn được đi học chúng tôi thèm lắm, nên đến tháng 9 năm đó, tôi và các bạn cùng lứa 6 tuổi sung sướng vô cùng, khi được các cô trông trẻ thông báo là ngày Khai trường sắp tới, chúng tôi sẽ đi học lớp 1... Lời thông báo này làm cả bọn chúng tôi náo nức chờ đợi, lăng xăng tự chuẩn bị bút chì, ngòi bút lá tre, lọ mực tím, sách vở. Chẳng có sách viết sẵn chữ để tô đâu, chẳng có dụng cụ hỗ trợ học, mà cũng chẳng học thêm trước chữ nào như bây giờ để chuẩn bị cho con vào lớp 1, các bậc phụ huynh đã phải cho con học chữ trước từ lớp lá. Cũng chẳng có cặp sách, chỉ có cuốn tập đánh vần và một cuốn tập viết cứ thế cầm tay mà đến lớp, bập bẹ từng chữ một theo cô giáo, với niềm háo hức rằng sắp tới mình sẽ tự đọc truyện được một mình, sẽ không phải nhờ ai đọc dùm, để rồi họ có thể ngưng đọc đi làm việc khác, đúng vào đoạn hồi hộp nhất hay là đoạn khiến mình tò mò nhất. “Từ nay mình sẽ tự đọc chữ được một mình”, điệp khúc đó khiến tôi học đánh vần rất nhanh và luôn háo hức đi học. Chẳng bao lâu sau, tôi đã đánh vần được hết cuốn truyện tranh “Maruska đi học” và cứ ao ước có cái nơ thật to cài trên tóc, đi vớ trắng cùng đôi giầy xinh xinh, cũng như có bộ váy đồng phục màu xanh thật đẹp như Maruska.

Tôi cũng còn nhớ không khí học tập trong trại trẻ rất có kỷ luật, tối nào dưới ngọn đèn dầu cũng có từng nhóm tự học với nhau theo từng cấp lớp, các anh chị lớp trên cùng học văn, học toán, chúng tôi thì học đánh vần, học thuộc lòng. Tôi còn nhớ khi đã lên lớp lớn hơn, học bản cửu chương mãi không thuộc, khi vào trả bài cho mẹ An chỉ cần vấp một số là bị bắt học lại. Đến khi học thuộc rồi, các anh chị truy bài lại còn bắt đọc ngược từ dưới lên, ấn tượng quá mãi đến giờ còn nhớ. Mà lạ nhất là do nghe các anh chị học bài lớp trên, nên những năm sau tôi học thuộc lòng khá dễ dàng các bài thơ văn ấy, bài “Gửi lời chào lớp 1” đến giờ tôi vẫn thuộc lòng, nhớ là cứ đọc đến câu “chào bảng đen, cửa sổ, chào chỗ ngồi thân yêu, tất cả chào ở lại...” là tôi lại thấy rưng rưng trong lòng. Bài “Việt Bắc” tôi còn đọc ngược được một đoạn (cũng nhờ học lỏm của các anh tôi), các con tôi rất “thán phục” tôi vì điều này, chúng nó có biết đâu là tôi chẳng tài giỏi gì, chỉ nhờ nghe các anh chị lớn học bài nên được học đi học lại biết bao lần. Đặc biệt hơn là còn đọc bài Việt Bắc không có câu kết theo kiểu “ta về mình có nhớ ta, mười lăm năm ấy thiết tha mặn nồng, ta về mình có nhớ không, mười lăm năm ấy mặn nồng thiết tha, ta về mình có nhớ ta...”, làm sau này con tôi kể khi thi hết cấp, gặp bài này nó suýt không làm được vì không tìm được câu tiếp theo để thoát ra khỏi cái vòng luẩn quẩn “ta, mình” ấy. Tôi còn nhớ là mẹ An, bác Viên tổ chức cho các lớp lớn kèm lớp nhỏ, nhóm của chúng tôi được anh Tĩnh, anh Chân và anh Lộc (học trên chúng tôi 1 lớp) kèm cặp. Các anh ấy tuy không lớn hơn chúng tôi nhiều, nhưng thỉnh thoảng cũng dùng “quyền lực” dọa nạt đàn em khi chúng tôi không học bài. Sau này, tôi nhớ mình hay hỏi bài anh Trần Minh, tôi vẫn nhớ là hồi đó, do “nghe đồn” anh Minh rất giỏi toán nên chúng tôi thích hỏi bài, anh Minh giảng dễ hiểu. Cũng thật tình cờ, năm tôi học lớp 11 trường Lê Quý Đôn TP.HCM thì anh Minh đang là lính đóng tại TP, nên tôi lại có dịp được anh Minh giảng bài lần nữa, lần này là một bài lượng giác, chỉ có điều lần này là trong khung cảnh đất nước đã hòa bình.

Như vậy đấy, mùa khai trường đầu tiên của tôi là như thế, chẳng có mẹ dắt tay đến trường, chỉ có bạn bè, các anh chị cùng trại trẻ. Con đường đến trường năm xưa ấy cũng chẳng bằng phẳng như bây giờ, ngày nắng thì không sao, ngày mưa là tụt dép cầm tay, những ngón chân nhỏ xíu quắp chặt xuống con đường trơn tuột, chỉ sợ truợt té ngã... Ngôi trường bé nhỏ của chúng tôi ngày ấy được bao quanh bằng những giao thông hào dẫn tới hầm trú ẩn, mũ rơm tự đan đội trên đầu… Thế nhưng tới giờ tôi vẫn còn nhớ niềm háo hức khi được đi học hồi ấy. Cái ngày đầu tiên ấy thật chẳng thể nào quên...

Một chút kí ức xôn xao nhân mùa khai trường, gợi lại để gửi ai cùng tâm trạng chia xẻ chuyện xưa... để cùng trân trọng giữ gìn và nhớ mãi!

Xin chép câu hát thay cho lời kết: “Ngày xưa ơi, mãi xa thật xa, xa cánh diều chở bao ước mơ...”
__________________
Ảnh 1: Nhà hầm này thật kiên cố vì nó ở tuyến lửa Quảng Bình, còn lớp học của mình đơn sơ hơn.
Ảnh 2: Nhanh nhanh ra hầm tránh máy bay (nguồn: ttvnol, diễn đàn giáo dục quốc phòng).
Ảnh 3: Những chiếc mũ rơm bện từ những sợi rơm vàng óng thơm nồng, với nhiều kiểu dáng khác nhau đã trở thành một vẻ đẹp khó quên của người miền Bắc, một hình tượng tiêu biểu của Việt Nam, một trong những phát kiến trong những năm tháng kháng chiến của Việt Nam chống Mỹ.

26/10/08

"Thắc mắc" chút vẫn cứ "xinh"

13:41 Ngày 25 tháng 10 năm 2008
Kiều Trung Thành vừa gửi chút "thắc mắc" thay lời bình bức ảnh của Hải Đường chụp hôm 18/10 tại nhà hàng "ngon" trên đường Nghi Tàm:

Trông chị H.Đường thật vui, anh nhà hiểu niềm vui của Hội trại trẻ Báo Nhân Dân phải không chị?

10:49 AM Ngày 26/10/08
Hải Đường hồi âm:

Kiều Thành ơi, nhìn ảnh trên blog đúng là Hải Đường vui thật. Mà không vui sao được khi trở về với tuổi ấu thơ cùng với các anh chị, bạn bè thời sơ tán. Đúng là dù đã gần 40 năm trôi qua, nhưng chúng ta vẫn tìm thấy trong nhau hình bóng của mình thủa xa xưa, không hề thay đổi, vẫn nghịch ngợm, tếu táo và rất ...rất tình cảm.

Tiếc là cho đến giờ, chúng ta vẫn còn bị quá bận với công việc, chưa thể dành nhiều thời gian để chia xẻ kỷ niệm với nhau. Chắc phải đến khi nghỉ hưu, đầu bạc, răng long mọi người sẽ tìm đến nhau nhiều hơn.

À Kiều Thành lại lo ông xã chị nhìn ảnh chị khoác vai anh Quang trên blog mà bực mình phải không?. Vô tư đi! Ở tuổi này mà thấy vợ mình còn có anh nào ôm thì anh ấy thấy quá là hạnh phúc vì vợ mình tuy "dừ" nhưng vẫn còn "xinh", vẫn còn "tán" được một anh "cao, to và đầu trọc". Hic.

20/10/08

Lời cảm ơn

Từ: ĐOÀN HỒNG QUÂN
Gửi đến: TTST BND
Ngày: 20/10/2008

Chị em chúng tôi, Đoàn Thanh Bình, Nhân Hồng, Hồng Quân, xin chânthành cảm ơn các anh, chị, em bạn bè gần xa, thành viên Trại trẻ Sơ tán Báo Nhân Dân đã quan tâm đến phúng viếng tiễn đưa, gửi lời chia buồn về việc mẹ chúng tôi là cụ Phạm Ngọc Thịnh (cán bộ của báo, đã về hưu), mất ngày10-10-2008 tại nhà riêng, số 6 phố Bảo Khánh, Hoàn Kiếm, Hà Nội.

18/10/08

Nguyện vọng của anh Ngọc

Mọi người chụp ảnh làm kỷ niệm

Chiều 18 tháng 10, nhân một chuyến công tác ra Hà Nội, anh Ngọc có nhã ý mời tất cả anh chị em TSTBND ở Hà Nội tới dự một buổi gặp mặt thân mật tại "nhà hàng ăn ngon" trên đường Nghi Tàm.

Biết bao câu chuyện của 40 năm trước lại được ôn lại trong không khí vui vẻ đầm ấm như gia đình.

Trong cuộc vui lần này nảy sinh thật nhiều ý tưởng mới. Với kinh nghiệm làm ăn trên nhiều "chiến thương trường" như đông tây âu, trong nam ngoài bắc, anh Ngọc chia sẻ suy nghĩ muốn cùng mọi người làm giầu. Anh nói: "chúng mình biết và tin nhau từ thủa ấu thơ thì tại sao hôm nay chúng mình không thể cùng nhau làm ăn". Anh còn sốt sắng bày tỏ ý muốn được tài trợ một cuộc gặp mặt TSTBND, bao gồm các thế hệ từ phụ huynh đến các thành viên, thậm chí cả con cháu.

Mọi người nhất trí đóng góp thêm tùy tâm để phụ với anh Khánh tiền "chè thuốc".
Hải Đường hát tặng Quang "ngọng"

Với tác phong quen "chỉ đạo" từ xa, anh Ngọc đã bấm điện thoại trao đổi với anh Bắc ở tận Sài Gòn về những vấn đề có liên quan đến các hoạt động của hội TSTBND.

Mọi người chia tay với lời hẹn về những cơ hội hợp tác cùng nhau và một ngày tái ngộ mới.

và họ nâng cốc

15/10/08

Thời gian trôi và cuộc đời...

Từ: Hải Đường
Gửi đến: vn.hanoi
Ngày: 14/10/2008

Lâu rồi chưa gửi gì cho Blog. Thấy dạo này nhiều anh chị mail trò chuyện, nên xin gửi một mẩu văn góp vui

Trương Hải Đường
________________

Ngày còn nhỏ, mặc dù được ba mẹ và thày cô giải nghĩa nhiều lần câu thành ngữ “Cuộc đời như bóng câu qua cửa sổ”, nhưng tôi vẫn không thể hiểu nổi ý nghĩa của nó. Cái cửa sổ thì quá nhỏ mà vó ngựa thì quá nhanh, nếu nhìn qua cửa chỉ một thoáng, một chớp mắt là đã khuất dạng, vậy thì làm sao mà ví được với thời gian quá dài của cả một đời người? Hồi đó, thời gian đối với tôi sao mà dài thế, mãi mới tới Tết, rồi mãi mới tới Hè. Tôi đã từng ngóng trông sao cho ngày tháng trôi đi thật nhanh để lại đến những ngày nghỉ thật vui tươi, lung linh hạnh phúc đó. Nhưng thời gian lại không chiều theo mong ước của trẻ thơ. Tôi vẫn hay cằn nhằn với mẹ tôi là “Các cụ ví von thật vớ vẩn!”. Mẹ tôi chỉ cười mà rằng “Khi nào bằng tuổi mẹ, con sẽ không thấy “vớ vẩn” nữa, con yêu à”.

Đến nay, khi tôi đã ngấp nghé tuổi 50 – cái tuổi mà ở làng quê Việt Nam, đàn ông thường làm lễ lên LÃO (*) để được ngồi chiếu trên, tham gia vào các việc đại sự của làng, tôi mới thấy câu thành ngữ ngày xưa thật đúng, quá đúng! Ngoảnh đi, ngoảnh lại, từ cái ngày đầu tiên đi làm, một cô gái ngây thơ với hai cái bím tóc lắc lẻo, khoác chiếu áo len chui màu xanh ngọc với một bông cúc trắng thêu trước ngực, rụt rè, e ngại bước vào cơ quan, thế mà … nhoằng một cái, tôi đã trở thành một bà, một bác hay một cô (tùy theo cách gọi của từng người) đạo mạo, khuôn mặt đã đầy những dấu tích của thời gian. THỜI GIAN, bây giờ chỉ muốn kéo dài hơn, thật dài, dài như ngày bé đứng dòm người ta kéo kẹo mạch nha, kẹo dồi (thèm rỏ dãi mà chẳng có tiền mua. Có lần xui cả lũ cắt mớ tóc dài của một bạn để “tóc rối đổi kẹo”, về bị mẹ đánh đỏ cả mông). Nhưng ông trời lại một lần nữa chẳng chiều lòng người. Cứ vèo vèo hết ngày, hết tuần, hết tháng, rồi hết năm, Tết này vừa qua đã lại thấy Tết đến – nhanh khủng khiếp. Muốn níu, muốn kéo, muốn dãn thời gian nhưng chẳng thể được. Cỗ máy thời gian cứ cuồn cuộn trôi, mặc cho ai đó có tiếc nuối, van vỉ “thời gian hỡi, xin ngừng trôi”.

Quá nửa đời nhìn lại, cuộc đời có lúc thăng, lúc trầm, lúc vui, lúc buồn, nhưng sao tôi thấy những gì mình làm được cho đời, cho người thân sao vẫn còn quá ít:

Về Công việc: mười năm làm Bản tin Thuế, 4 cái kế hoạch tin học hoá 5 năm - chẳng nhiều nhặn gì.

Về Gia đình: lấy chồng và sinh một con – rất hạnh phúc, nhưng chưa hoàn thành kế hoạch.

Về Quan hệ họ hàng: quý trọng, thương yêu - nhưng chưa giúp đỡ được nhiều như mong muốn.

Về Bạn bè: đằm thắm, chung thuỷ, hết lòng vì nhau – nhưng chẳng có nhiều thời gian để gặp gỡ.

Về Đồng nghiệp: thân ái, đoàn kết, tránh hiềm tị, không coi ai là thù, kể cả khi người ta gây khó khăn, thiếu hợp tác với mình (!?).

Về Bản thân: luôn cố gắng, chủ động làm tốt nhất công việc được giao theo sức của mình cho dù công việc đó quan trọng hay không không quan trọng, có suy nghĩ hướng tới lợi ích cho cộng đồng (dù là tập thể nhỏ hay cho xã hội).

Toàn bộ cuộc đời có thể tóm tắt trong ngót nghét chục dòng như vậy thì “cuộc đời như bóng câu qua cửa sổ” thật là quá đúng, muốn viết thêm nhiều dòng nữa, nhưng quỹ thời gian đâu có nhiều. Bài hát xưa mà thời sinh viên chúng tôi cứ nghêu ngao hát, nay sao mà thấm thía thế:

Đời ta, chỉ sống có một lần thôi

Cho nên cuộc sống quý giá vô ngần

Phải sống sao cho ra sống

Để chết đi không còn áy náy gì.

Tôi muốn có một vài tâm sự để các anh, các chị và các bạn rằng cuộc đời chỉ có một, thời gian không thể lặp lại, tuổi trẻ không thể kéo dài mãi, sức lực sẽ giảm dần, cho nên hãy sống, hãy chiêm nghiệm từng ngày những việc mình đang làm, hãy hạnh phúc với những gì mình đang có để sao cho cuối đời nhìn lại, bản thân cảm thấy thanh thản với những gì mình đã làm, đã xây đắp cho dù có nhỏ nhoi nhưng đã đem lại hạnh phúc, niềm vui và ích lợi cho ít nhất một người khác.

-------------------------------------------------------
TTST BND: Nhân ngày Phụ nữ Việt Nam, 20/10, email của Hải Đường đến thật đúng dịp!
Chúng tôi xin mời các bạn chia sẻ một "mẩu" tự sự của chị Hải Đường, như cách người viết gọi bài viết của mình!

(*) Lên lão: một tập tục phân chia ngôi thứ ở nông thôn người Việt trước Cách mạng tháng Tám 1945. Theo tập tục đó, những người đàn ông đã trải qua hạng dân đinh (từ 13 đến 49 tuổi) chuyển lên lão hạng (từ 50 đến 55 tuổi trở lên).

13/10/08

Gửi lời chia buồn

Từ: Nguyen Van Ngoc
Chủ đề: Chia buon voi chi Binh, Hong, Quan
Ngày: 13/10/2008, 02:00

QUA VAN PHONG HA NOI , CHO NGOC ( CON CHU LUU , CO MAO ) GUI LOI CHIA BUON TOI CHI BINH , HONG , QUAN . VAN NHO NHUNG NAM THANG NGOC O PHO HANG CONG ( PHO NHO , NGAN NHAT HA NOI , NAM TRONG TOA SOAN BAO NHAN DAN ) HAY SANG NHA CHOI VOI HONG , QUAN VA LUON DUOC BAC THINH DON TIEP CHU DAO NHU CON CHAU TRONG NHA . CAC BAC PHU HUYNH LAN LUOT RA DI , DE LAI CHO CHUNG TA MOT NOI NHO THUONG VO BO BEN , VA MOI NGUOI CHUNG TA DEU TU HOI MINH DA VA SE LAM DUOC GI DE DEN DAP CONG ON TROI BIEN CUA BO ME MINH .

NGUYEN VAN NGOC , MOSCOW

--------------
Từ: Hieu_Dan
Gửi tới: Doan Hong Quan
Ngày: 12/10/2008

Anh Quan than men,

Cho toi thay mat me toi, gia dinh ba Pham Loi, gui loi chia buon den cac anh chi va toan the gia dinh!

Than ai,
Hieu_Dan

11/10/08

Chia buồn

Tin buồn:
Cụ bà Phạm Ngọc Thịnh (tức cụ bà Ngô Dư), sinh năm 1920, nguyên công tác tại Tòa soạn Báo Nhân Dân về nghỉ hưu, đã từ trần hồi 08 giờ 29 phút ngày 10/10/2008.
Lễ viếng được bắt đầu lúc 09 giờ 30 ngày 13/10/2008 tại Nhà Tang lễ Quốc gia, số 5 Trần Thánh Tông, Hà Nội, tang lễ sẽ cử hành lúc 11 giờ 30 phút cùng ngày, an táng tại Nghĩa trang Thanh Tước, Hà Nội.

Chúng tôi xin chân thành gửi đến các anh Đoàn Nhân Hồng, Đoàn Hồng Quân và chị Đoàn Thanh Bình cùng toàn thể gia đình lời chia buồn sâu sắc nhất!

Thay mặt Trại trẻ sơ tán Báo Nhân Dân

9/10/08

dù chỉ là vài dòng thôi...

"Rất vui thấy ngày càng có nhiều bạn bè cũ được tìm đến. Mong sao sớm có ngày họp mặt đông đủ mọi người ở cả hai miền"

..."bạn bè gửi thư đến, dù chỉ là vài dòng thôi, cũng thấy vui lắm !"

"Rồi tranh thủ vào blog xem, dù chỉ vài phút thôi, thấy cả người thư giãn lắm, tình người của anh em bạn bè chúng ta lênh láng lắm !"

(Thư của anh Hồ Nguyên)


Sau đây là mấy dòng thư đầu tháng 10/2008 tiêu biểu:
------------------------------------
Từ: Nguyễn Dự Hương
Gửi tới: vn.hanoi
Ngày : 05/10

Chào các anh chị, Em là Dự Hương, con bố Hữu Thọ, có đi sơ tán về Tuy Lai nhưng theo gia đình chứ không được ở trại (chắc vì còn bé quá), rất vui vì được làm quen với các anh chị !

Dự Hương
----------------
Từ: Hiếu Dân
Gửi tới: Dự Hương
Ngày: 06/10

Chào Hương,

Nghe anh Trương Việt Khánh (TTST BND) nói Miên có địa chỉ email.Vậy Hương có thể hỏi giúp để gửi về Ban Liên lạc địa chỉ email của Miên được không?

Ngày sơ tán, một số gia đình cũng không cho con ở cùng trong trại trẻ nhưng có ở cùng nơi trại trẻ đã ở, như các gia đình bác Lê Điền, Ngô Thi, Đức Thi, v.v... Các anh chị đi sơ tán như thế đều có trong danh sách và cũng cùng chung nhiều kỷ niệm.

Mong Hương, Miên tham dự nhiều vào blog và các sinh hoạt khác của TTST BND nhé!
Hiếu Dân
-------------
Từ: Dự Hương
Gửi tới: Hiếu Dân
Ngày: 06/10

Chào Anh Dân,

Đây là địa chỉ của Miên Ạ.
Các anh chị có hoạt động gì cho bọn em theo với !

Cảm ơn các anh chị !
Dự Hương
--------------
Từ: Hiếu Dân
Gửi tới: Dự Hương
Ngày: 06/10

Thế là danh sách emails đã 58 !

Ngoài các hoạt động do BLL sẽ tổ chức, việc các bạn tham gia đọc và trao đổi email, gửi bài viết về blog, chia sẻ hoặc đề xuất mọi thứ với TTST BND đã là sự cổ vũ vui vẻ cho mọi người rồi!

Cám ơn Hương đã chuyển giúp emai của Miên!
Thân ái!
--------------------------------------------------------------------
Từ: Nguyễn Hồ Nguyên
Gửi tới: vn.hanoi
Ngày: 06/10

Thân gửi TTST BND,

Rất vui thấy ngày càng có nhiều bạn bè cũ được tìm đến. Mong sao sớm có ngày họp mặt đông đủ mọi người ở cả hai miền.

Đề nghị TTST BND gửi tôi bản danh sách mới cùng địa chỉ email này.
Cảm ơn nhiều !

Thân ái,Nguyễn Hồ Nguyên
------------
Từ: Hiếu Dân
Gửi tới: Nguyễn Hồ Nguyên
Ngày 06/10

Nguyên thân,

Anh vẫn còn "lỡ hẹn" với blog đấy nhé!

Nếu Nguyên tích cực vào blog xem và tham gia các chuyên mục thì cũng "xí xoá" nhiều đấy!
Vui thôi mà...

Hôm nay danh sách emails đã tăng lên 58. Thêm của Nguyễn Hoàng Miên (con chú Hữu Thọ).

Chúc anh sức khoẻ và >>blog!

Hiếu Dân
-------------
Từ: Nguyễn Hồ Nguyên
Gửi tới: Hiếu Dân
Ngày: 06/10

Thân gửi Dân,

Thực tình tôi rất thích blog của TTST BND và cũng rất muốn đóng góp vào đấy. Blog ta chuyên nghiệp mà lại rất thiết thân.

Chúng mình tuổi đã lớn, trải nhiều chuyện đời, nên rất quý những ngày còn trẻ, hồn nhiên trong thời gian khó của đất nước.

Tuy nhiên, Dân hiểu cho, tôi hầu như không có nhiều thời gian như những ngày đầu tham gia, công việc hiện ngập đầu, nhiều đêm phải làm tới 2 -3 giờ sáng cho xong việc.
Những phút anh em, bạn bè gửi thư đến, dù chỉ là vài dòng thôi, cũng thấy vui lắm !
Rồi tranh thủ vào blog xem, dù chỉ vài phút thôi, thấy cả người thư giãn lắm, tình người của anh em bạn bè chúng ta lênh láng lắm !

Vậy nhé, biết là lỡ hẹn, nhưng sẽ không bỏ hẹn đâu. Ráng chờ nhé !
Thân ái,

Nguyễn Hồ Nguyên
-------------
Từ: Hiếu Dân
Gửi tới: Nguyễn Hồ Nguyên
Ngày: 07/10

Mình nghĩ mọi người rất trân trọng sự quan tâm của Nguyên với TTST BND.
Chúc mọi việc thuận lợi nhé!

---------------------------------------------------------------------
Từ: Lê Hương Chi
Gửi tới: vn.hanoi
Ngày : 06/10

Mình nhận được danh sách rồi. Đã lưu lại để "update" cho mình rồi. Cám ơn các bạn nhé !

Chúc các bạn luôn khỏe, vui và luôn đầy cảm hứng để làm những việc như thế này, bù lại cho những đứa rất lười như mình

Lê Hương Chi

-------------
Từ: vn.hanoi
Gửi tới: Le, Chi H
Ngày: 06/10

Mình còn nhớ Chi là người đầu tiên đã gửi cho blog TTST BND cái email với những tấm ảnh kỷ niệm quý giá… nên Chi vẫn là người "có công lao" trong hoạt động của TTST BND đấy!

Phát huy lên và gắng dành thêm thời gian cho bạn bè nhé!
Chúc vui, khỏe!

2/10/08

Chùa Hòe Nhai

TTST BND: Nhân sáng thứ bảy này, 04/9/2008, gia đình tổ chức đưa anh Lê Việt Trung lên chùa Hoè Nhai và có mời các bạn của anh đến dự, chúng tôi sưu tầm vài thông tin về ngôi chùa.

Chùa Hoè Nhai cũng gọi Chùa Hòe Giai, tên chữ là Hồng Phúc Tự, ở số 19 phố Hàng Than, Hà Nội. Đây là ngôi chùa cổ, tương truyền có từ đời Lý (1009 - 1225). Đã trải qua nhiều lần sửa chữa lớn vào các năm 1687, 1899 và 1952. Phạm vi chùa trước kia khá lớn, sang thời Pháp thuộc bị thu lại như hiện nay.
Xưa, chùa thuộc phường Hòe Nhai, phía tây bắc thành Thăng Long. Thời Lý quy định mỗi quan trong triều phải trồng 1 cây Hòe tại đây nên thành tên đường (trồng từ Hoàng thành ra tới bến Đông Bộ Đầu). Đường thôn như vậy nên thôn và chùa đều được gọi là Hòe Nhai.

Chùa đã từng là trung tâm in ấn kinh Phật. Hiện nay trong chùa còn giữ được mấy chục bộ ván kinh. Đến tháng 6 năm Bính Ngọ (1786), các thế lực họ Trịnh, họ Lê tranh giành quyền bính, kinh đô Thăng Long bị binh hỏa thiêu cháy, chùa Hồng Phúc cũng không tránh khỏi tai họa. Tấm bia ghi việc trùng tu chùa năm Gia Long thứ 10 (1811) đã ghi rõ việc đó, cho thấy cảnh chùa cổ kính thời xưa đến lúc đó chỉ còn đống tro tàn, may nhờ có nhà sư Khoan Nhân đứng ra lo liệu tu sửa lại, nên cảnh chùa mới được khôi phục.

Chùa được xây dựng theo kiểu chữ công. Phía trước là chính điện, phía sau là nhà tổ và tăng phòng, xung quanh là hành lang. Thượng điện còn giữ được nhiều bức chạm hình tứ linh và các cửa võng sơn son thếp vàng. Chùa có nhiều tượng Phật được bày làm 6 lớp. Tổng số tượng ở chùa Hòe Nhai gồm 68 pho, được làm bằng nhiều chất liệu khác nhau như đồng hun, gỗ quý, đất nện, được sơn son thếp vàng. Chùa có một quả chuông mang niên hiệu Long Đức 3 (1734). Sân chùa có hai ngọn tháp cao 3 tầng. Trong chùa còn có đến 28 tấm bia, cổ hơn cả là bia dựng năm Chính Hoà 24 (1703) ghi rõ vị trí chùa ở phường Hoè Nhai, tại Đông Bộ Đầu tức Bến Đông. Chính nhờ bia này mà giới sử học ngày nay xác định được vị trí trận chiến thắng ngày 29 tháng 1 năm 1258 của quân nhà Trần mà sử chép là chiến thắng Đông Bộ Đầu, đuổi quân Nguyên, giải phóng kinh thành có vị trí ở khu vực gần chùa Hoè Nhai ngày nay. Trong chùa có nhiều tượng cổ, cổ nhất là tượng Cửu Long (Thích Ca sơ sinh) và đặc sắc nhất là tượng một vị Phật ngồi trên lưng một ông vua nằm phục xuống (có tên là "Dĩ thân vi thăng sàng"). Có lẽ đây tạc theo điển Vua Đế Thích tình nguyện làm giường cho phật Thích Ca ngồi truyền pháp.
Chùa Hòe Nhai là “chốn tổ” của phái Tào Động, một trong hai phái lớn của Phật giáo ở miền Bắc Việt Nam.

Về pho tượng cổ độc đáo: Mang tên “Dĩ thân vi thăng sàng”, còn được gọi là tượng Vua sám hối Phật, tạc nhà vua mặc triều phục đang quỳ, hai bàn tay vua cung kính mở rộng để trên mặt phẳng, tương xứng với thân vua đang trong tư thế cúi lạy và mang trên lưng một pho tượng Phật cao lớn ngồi trên tòa sen. Pho tượng bằng gỗ cao 1,52m (trong đó tượng vua quỳ cao 0,40m, chiều rộng hai chân vua 0,54m), đặt trên một bệ rộng 0,84m.
Pho tượng cổ trong chùa đã phản ánh một mặt của đời sống của xã hội xưa, lại vừa là di sản nghệ thuật tượng của Việt Nam .

Tượng phật trong những ngôi chùa ở miền Bắc phong phú và đa dạng, nhưng chưa ngôi chùa nào có được pho tượng lạ này, pho tượng đôi, một quỳ, một tọa trên lưng người quỳ. Pho tượng đặt bên trái chính điện, đăng đối với tượng quan âm tống tử. Bộ tượng cao 1,78m được tạc bề thế cân đối giữa chiều cao với bề rộng, giữa pho tượng ngồi trên với pho tượng quỳ dưới và với cả vị trí đặt tượng hiện thời. Nét chạm đơn giản, mạch lạc thể hiện được thần thái của tượng. Nếu tượng dưới có nét mặt là nam tính, ra chiều thành kính, thì tượng phía trên có nét mặt nữ tính, nghiêm trang, đầy đặn. Các nếp áo chảy dài mạnh, nhuần nhuyễn, chứng tỏ trình độ điêu luyện của người chạm. Toàn bộ tượng phủ sơn son thiếp vàng có vài ba điểm đã bong tróc, cốt gỗ cũng bị nứt nẻ đôi chỗ, tuy nhiên nước sơn trải qua thời gian dài vẫn giữ được màu khá đẹp, cổ kính. Tượng mang đậm phong cách thời gian khoảng cuối thế kỷ 17, đầu thế kỷ 18.

Mỗi pho tượng trong chùa Việt đều gắn với một tích để lý giải về nguồn gốc xuất hiện. Pho tượng đôi nói trên cũng còn được lý giải bằng
một cách rất lạ. Theo sư cụ trụ trì tại chùa và theo tài liệu của Ban quản lý Di tích – Danh thắng Hà Nội, tương truyền pho tượng gắn với vua Lê Hy Tông, niên hiệu Vĩnh Trị (1676 – 1680), thể hiện sự sám hối của ông sau khi đã có những chính sách hạn chế Phật giáo, ”Phế bỏ tăng lữ”, được hòa thượng Châu Dung (tổ thứ nhì của chùa đồng thời là tổ thứ 37 của phái Tào Động) dâng biểu nói lẽ phải trái. Từ đó, vị vua này đã thay đổi thái độ với Phật giáo.