30/1/08

Dạy trẻ

Ở Tòa soạn báo mọi người vẫn gọi tên cô theo bút danh, bọn trẻ con cháu của các cụ ngày xưa ở báo Nhân Dân cũng gọi theo là "cô Hồ Vân”.

Hồi bé, trước khi Mỹ ném bom đánh phá miền Bắc, ngày nào tôi cũng lên cơ quan BND chơi, nghịch ngợm có tiếng, lại thêm cái biệt danh là “Hiêu” ngộ nghĩnh nên các cô chú ở Tòa soạn không lạ gì tôi. Có lần nhân dịp ngày 1/6, tôi còn được cô Hồ Vân cho một vé vào Câu lạc bộ Thống Nhất gặp Bác Hồ và cũng được Bác chia phần kẹo của thiếu nhi miền Nam - chắc hẳn đấy là suất của Hiếu Nam, con út của cô, khi ấy còn quá nhỏ nên không được đi cùng các anh để nhận kẹo!.

Còn nhớ ngày ở Trại trẻ Tuy Lai năm 1965, cô đưa bốn con trai (Phương, Nguyên, Quang và Nam) đi sơ tán theo trại. Cùng với cô Hòa, cô Định…(lâu ngày quá chưa nhớ được hết tên các cô!), cô Hồ Vân cũng là một người Mẹ của trại trẻ. Hàng ngày các cô chăm lo ăn ngủ, tắm giặt, học hành và quan trọng nhất là, mỗi khi máy bay Mỹ ù ù đến, phải đảm bảo an toàn cho lũ trẻ, từ đứa có thể còn nhốt được trong cũi, đến đám đông lắt nhắt 5 – 10 tuổi như bầy vịt con ngơ ngác, có cả vài nhóc mười mấy tuổi (Dũng, Phương, Dân, Chính, Nhi…), các nhóc đàn anh này rất hay lỉnh đi “ăn mảnh”, không theo bầy đàn để thoát khỏi bị các cô giám sát.

Có hôm, hình như sau vài trận máy bay Mỹ ầm ầm, trại trẻ chưa có hầm trú ẩn, các cô sợ nó ném bom vào làng nên xua lũ trẻ đi hết ra đồng (có lẽ mấy hôm sau các cô mới nghĩ ra cách đưa bọn trẻ sơ tán vào hang núi Chầy).

Bọn trẻ con lúc nào chả nhốn nháo, đâu biết vì sao được đi, cứ ra cánh đồng rộng thơm nức mùi lúa mới và mùi cây dại, lại mới gặt xong rất thoáng, thì chơi nghịch vô tư, ồn ào như cái chợ. Tôi nhớ hồi đó còn đúng là dịp không có gạo tẻ nấu cơm, chỉ có cơm nếp, các cô chia cho đám trẻ ăn ở ngay ngoài đồng. Xơi cơm nếp liền cả tháng, thấy cũng hơi ngấy nhưng tôi vẫn ăn được, còn đứa nào trong đám trẻ không chịu được của nếp lâu như thế, chắc hẳn đến bữa ăn là buồn rượi.

Ngày ấy tôi 12 tuổi, thuộc loại trèo sấu trèo phượng, sô-vê, đá bóng vỉa hè Hà Nội có hạng, dĩ nhiên cũng “tiêm nhiễm” trò hư khác của lũ trẻ ở phố. Có một trò rất vớ vẩn, là khi hết mọi trò chơi, thì trêu nhau. Nhưng mà trêu kiểu hư như thế này: sờ tay vào “của quý” hoặc cái mông của mình, rồi dứ dứ về phía mặt thằng nào mình muốn gây chuyện, ra điều “cho mày ăn” cái ấy và cười nham nhở (bây giờ nhớ lại thấy b
t lịch sự quá!).

Hôm đó, chơi một lúc ngoài ruộng thì chán (vì sân chơi bọn đàn anh phải ở chỗ khác kia: trên đồi đầy quả mâm xôi, lạc tiên, sim… chín mọng, bể Tuy Lai trong veo rộng mênh mông kề bên dãy núi rừng rậm xanh ngút, hoặc hòn núi đá lởm chởm có hang Chầy ngóc ngách bí hiểm!) nên tôi nảy ra trò trêu Minh Quang kiểu “cho mày ăn” như nói trên. Quang lúc ấy bé tý lại ngọng, không trả đũa được nhưng tức lắm, chỉ còn cách mách mẹ. Trong lúc chọc ghẹo Quang, tôi biết là cô Hồ Vân đã nhìn thấy rồi, nhưng không sợ vì nghĩ trò chơi này bình thường vô hại, đối tượng trêu của mình có phải “ăn” cái của ấy thật đâu.

Rồi có một chuyện xảy ra tiếp theo rất đặc biệt. Đó là nghe Quang líu lô mách, cô Hồ Vân lập tức quay sang (có lẽ khi nhìn tôi trêu Quang cô đã nghĩ cách xử lý rồi), với vẻ mặt nghiêm nghị lạ lùng: “Hiêu! Cô không đồng ý cháu làm thế! Cô nói cháu biết, nếu Quang bị bệnh hay bị làm sao, cháu phải hoàn toàn chịu trách nhiệm đấy!”. Sự việc có vẻ rất trầm trọng, đến mức tôi cứ ngớ người ra, định cãi “cháu có làm gì đâu” nhưng cô nghiêm giọng nhắc lại một lần nữa: “Nếu nó bị làm sao thì cháu phải hoàn toàn chịu trách nhiệm đấy!”. Tôi đành đánh bài chuồn, mà trong lòng vẫn quanh quẩn nghĩ, mình có động vào người nó đâu mà truyền bệnh, chỉ dứ dứ từ cách xa mà cô bảo “nếu nó bị bệnh hay bị làm sao…”.

Thật sự lúc đó tôi đã cảm nhận được sự nghiêm nghị khác thường của cô mặc dù chưa tự hiểu vì sao (mọi khi cô hiền lắm!), thêm nữa, với lòng tự trọng của một thằng con trai (nửa nhóc nửa người lớn), nên từ đó trở đi không bao giờ tôi còn chơi kiểu trêu chọc như thế với bất kỳ ai.

Đã qua biết bao sự kiện, bao trò chơi diễn ra thời thơ ấu, nay đã quên hầu hết, thế mà câu chuyện này sau hơn 40 năm tôi còn nhớ như in. Kể cũng lạ!

Mãi sau này, khi đã khôn hơn, nhất là đến khi tự mình phải nuôi dạy con, tôi mới lý giải được và áp dụng bài học từ cô Hồ Vân: hãy làm bộ thật nghiêm nghị (chứ không phải là quát mắng), và tỏ ra thật quan trọng nếu cần, sẽ dạy được cho đứa con khó bảo bài học thấm thía, nhớ lâu!

27/1/08

Ký ức như biển hồ lai láng

TTST BND: Chúng ta đều biết, cô Hồ Vân, là mẹ của các anh Nhất Phương, Hồ Nguyên, Minh Quang, Hiếu Nam, cũng là một người Mẹ của Trại trẻ ST BND. Sau đây là bài viết hé lộ bí mật về tình yêu của Cô, chúng tôi trích đăng đúng với tiêu đề bài gốc, chỉ lược bỏ vài đoạn ngắn để bài viết liền mạch hơn.
(Nguồn: Như Bình CAND.com.vn)

Căn nhà thì đã quá cũ, mọi thứ thì đã quá xa xăm, người tri âm thì một đi không trở lại. Còn lại một bóng người xưa trong thấp thoáng thời gian. Bóng người xưa ấy như thể vừa bước ra từ một câu chuyện cổ. Nghiêng xuống chiều thu muộn một vẻ đẹp sóng sánh của giai nhân.

Bà đã xa quê cha đất tổ mải miết theo chồng, đã ở đây, và sẽ nằm xuống nơi này dẫu Hà Nội không phải là mảnh đất sinh thành. Hà Nội cũng chính là nơi trở về của cuộc đời bà. Căn nhà cũ thân thương 20 mét vuông đủ chất chứa ký ức trong trái tim bà một biển hồ lai láng.

Bà không thể xa nơi này bởi làm sao bà nỡ dời xa ký ức, dù các con cháu luôn mong đón bà về. Căn nhà nhỏ mình bà với những cái ban thờ ấm khói hương thờ Phật, thờ chồng, vợ con của chồng và con trai cả. Chừng ấy linh hồn những người đã khuất đã làm nên sóng nơi đáy sông của cuộc đời bình dị của bà.

Bà là nhà báo Hồ Thị Vân, vợ của nhà văn Nguyễn Văn Bổng. Bà sinh ra trong một gia đình quan lại, cha bà làm quan cho triều đình Huế, luôn đổi nhiệm sở dọc theo các tỉnh miền Trung. Theo chân cha mẹ, bà có một tuổi thơ hạnh phúc, sung sướng và nhiều di chuyển bên người cha học rộng và người mẹ hiền thảo yêu chồng, giỏi nữ công gia chánh.

Năm 1943, bà ra Huế học ở trường Đồng Khánh, bà chính là một trong những nữ sinh đẹp nhất trường. Năm 1945, Cách mạng Tháng Tám nổ ra, các anh trai của bà đều xếp bút nghiên tham gia kháng chiến.

Năm 1948, bà theo chân anh trai vào làm phóng viên của Báo Cứu quốc ở Khu V. Tại đây bà đã gặp, cảm thương và đem lòng yêu một nhà văn, sau này là một nhà văn quan trọng của nền văn học Việt Nam Nguyễn Văn Bổng, người được Giải thưởng Hồ Chí Minh trong đợt đầu tiên.

Nhà văn Nguyễn Văn Bổng lúc bấy giờ làm việc ở Hội Văn nghệ Khu V, bạn của anh trai bà, hơn bà 8 tuổi, vừa trải qua một mất mát lớn. Ông mất người vợ trẻ và đứa con gái bé bỏng trong một lần địch ném bom ở thị trấn Tân An nơi hai mẹ con đi sơ tán.

Ông từng kể lại giây phút ấy: "Tôi đạp xe ra bến đò, vác xe lên, dắt xe khỏi mặt dốc mới ngồi lên đạp. Tôi đạp xe qua khỏi xóm nhà ở đầu dốc, nước mắt bỗng trào ra. Không còn đạp được nữa, tôi dừng xe lại, lùi đến sau mấy cây rừng bên đường ngồi sụp xuống khóc.

Tôi khóc, nước mắt xối trào, khóc mãi, ướt đầm cả khăn tay, chảy tràn qua khăn. Tôi vào đến nơi, mẹ vợ tôi ôm tôi khóc. Tôi dìu mẹ ra mộ vợ con. Tôi ngồi xuống rờ rẫm trên mặt cát. Đây là vợ tôi. Đây là con gái tôi. Tôi tẩn mẩn khỏa mặt cát ở những chỗ đắp chưa bằng phẳng, lượm những gốc cỏ, cọng phi lao, lá phi lao lẫn vào trong cát".

Nỗi đau ấy đã được một trái tim thiếu nữ trong trắng thiết tha chia sẻ. Ông gặp bà Hồ Thị Vân. Người nữ sinh Đồng Khánh mang vẻ đẹp cao sang thuần khiết đã gợi lại biết bao ký ức của Nguyễn Văn Bổng những ngày ở Huế.

Sau này, trong tùy bút "Cuộc đời và sáng tác", ông tự bạch rằng: "Người con gái mà tôi gặp đã gợi lại cả Huế, sông Hương, núi Ngự, cầu Tràng Tiền, chợ Đông Ba... cả một quãng đời tôi".

Ba năm sau, họ mới nên vợ nên chồng. Trong nhật ký của bà Hồ Thị Vân ở tiểu thuyết cuối cùng của nhà văn Nguyễn Văn Bổng, bà tự sự: "Dùng dằng chần chừ ba năm chưa nhận lời anh vì không yên tâm về anh với một nỗi lo lắng, một linh cảm mơ hồ, lấy anh rồi sẽ khổ vì anh".

Từ đó, dòng sông nhỏ hiền hòa là bà đã theo ông trên dặm dài đất nước. Linh cảm mơ hồ của bà đã đúng, và bà cũng đã thốt ra nó sau hơn nửa thế kỷ là vợ ông, sống đời một người vợ thời chiến tranh có chồng tham gia trận tuyến.

Ông đi kháng chiến biền biệt. Nghề viết văn như một nghiệp đa mang nặng nợ. Cuộc sống của ông là một cuộc sống nhanh, một cuộc sống tốc độ với những chuyến đi, sự xê dịch với nhịp độ cao. Ít người như Nguyễn Văn Bổng, dấu chân "vạn dặm" mấy lần bươn chải vào ra dọc Trường Sơn từ khi chưa hình thành đường Hồ Chí Minh.

Lấy nhau sống với nhau được hơn năm, bà có với ông con trai đầu lòng rồi ông lại đi, lại gặp nhau, bà có thai và sinh đứa con thứ hai trong khi ông tập kết ra Bắc theo kháng chiến. Mong mỏi gần chồng, bà gánh hai con nhỏ lên vai ngược ra Bắc tập kết để đoàn tụ với ông.

Hai ông bà được phân 20m2 nhà trên tầng 2 ở tập thể số 10 Nguyễn Thượng Hiền. Ở với nhau chưa kịp hết thương nhớ, ông lại ra đi, lần này là đi B, là biền biệt 6 năm bà bặt tin ông trong khắc khoải từ năm 1962-1968. Những tháng ngày khó khăn đó bà vượt qua được bởi hy vọng.

Những người bạn thân nhất của chồng bà là Tế Hanh, Nguyễn Tuân đều nghe tin Nguyễn Văn Bổng đã hy sinh. Gia đình Tế Hanh qua lại động viên mấy mẹ con bà nhiều nhất. Tết nào gia đình bà Hồ Thị Vân cũng nhận được bưu thiếp chúc mừng năm mới của Bác Hồ gửi tặng động viên gia đình có người đi B.

Nhà thơ Tố Hữu xuân nào cũng có thơ gửi tặng gia đình bà. Đến giờ bà vẫn cất giữ những tấm bưu thiếp của Bác Hồ ố vàng kẹp cùng bài thơ có bút tích của nhà thơ Tố Hữu gửi Nguyễn Văn Bổng.

Năm 1968, Nguyễn Văn Bổng trở về. Tình yêu, hạnh phúc và sự chờ đợi thắt nghẹn. Bà chỉ biết ôm ông vừa cười vừa khóc. Từ đó trở đi, bà và ông sống bên nhau, vun đầy cho cái hạnh phúc viên mãn.

Nhưng rồi, một nỗi bất hạnh ập xuống đời ông và cũng là đời bà. Cũng giống như người bạn thân thiết, hàng xóm của Nguyễn Văn Bổng là Tế Hanh, ông bị bệnh về mắt. 7 lần bà Vân theo chồng đi hết các bệnh viện này đến bệnh viện khác để mổ mắt, nhưng bệnh nặng mắt ông chỉ ngày càng kém đi cho đến lúc chỉ còn lại 2/10.

Chính vào lúc này, người con trai cả của ông bà bệnh nặng đột ngột qua đời khi tuổi còn đang trẻ. Nguyễn Văn Bổng dường như qụy xuống sau cú sốc tinh thần ấy, ông đau đớn hơn, mỏi mệt và u sầu hơn.

Ông bị bệnh pakinson ngày một nặng, hầu như chỉ ngồi một chỗ. Một lần nữa bà giấu nỗi đau, chịu đựng mất mát làm điểm tựa tinh thần cho chồng, vực chồng dậy sau những cú sốc quá lớn. Ông nằm trên giường bệnh đọc cho bà viết cuốn "Tiểu thuyết cuộc đời".

Đây là cuốn tiểu thuyết sau cùng của một đời văn chinh chiến bôn ba của Nguyễn Văn Bổng, và cũng là cuốn sách thành công nhất, chứa đựng được hết những gì mà ông cất giấu trong bao nhiêu năm sống trên cõi đời. Nói một cách chính xác thì thành công của cuốn tiểu thuyết này một nửa là sự cống hiến của bà Hồ Thị Vân, người vợ yêu chồng và hy sinh hết mực.

Những trang cuối của cuốn tiểu thuyết, bà Hồ Thị Vân đã ghi lại nỗi lòng mình khi bắt tay vào chấp bút cho ông: "Anh bảo tôi giúp anh viết. Anh đọc, tôi ghi tiểu thuyết về cuộc đời anh. Tôi giật mình. Cuộc đời anh tức là có cuộc đời của tôi trong đó. Tôi nghĩ đó là chuyện riêng của chúng tôi, viết ra dẫu là tiểu thuyết thì người đọc vẫn nhận thấy.

Nhưng làm sao tôi có thể từ chối anh? Làm sao tôi có thể từ chối nhất là lúc này mắt anh đang bị bệnh... Rồi anh đọc, tôi ghi, ban ngày khi con dâu đi làm, các cháu đi nhà trẻ. Ban đêm khi cả nhà đã yên giấc. Tuy là tiểu thuyết nhưng các chương trên phần lớn dựa vào sự thật đời anh trong đó có tôi, vì tôi là người trong cuộc, lại chính là vợ anh...

Tôi thương cuộc đời anh vất vả. Thương anh khi đạp xe ra thăm mộ vợ con. Tôi đau đớn vừa thương anh, thương chị Hòa, thương bé Thu. Tôi thương tôi vì đã yêu và nhận lời anh sau những chuyện đó... Anh đã dành cả ba chương để nói về sự dùng dằng của tôi trong ba năm chưa nhận lời anh.

Thực ra tôi cứ linh tính rằng sẽ khổ vì anh. Tôi dùng dằng không yên tâm về anh vì điều khác nữa. Đó là do con người của anh, hay do công việc viết văn của anh khiến anh dễ xúc cảm, nhiều tưởng tượng, ước mơ. Em không lo anh phụ bạc em, hắt hủi em vì anh không phải hạng người như vậy.

Nhưng em vẫn không yên tâm về anh. Em cảm thấy điều đó trong những ngày đầu gặp anh. Anh đã kể tình yêu thơ mộng đẹp đẽ nhưng đành dứt áo ra đi vì cuộc đời bất định.

Vào Đà Nẵng, chỉ một sáng thức dậy nhìn thấy chị Hòa dậy sớm nấu xôi cho anh lên tàu, anh xúc động sợ mất chị nên gửi thư về hỏi xin cưới chị. Rồi anh gặp em, anh để ý đến em. Em yên tâm sao được với những điều như thế? Em thấy hay hay nhưng sợ nhiều hơn.

Quả vậy cưới nhau rồi anh đi mãi. Tất nhiên là vì kháng chiến, nhưng cái chính là vì công việc của anh. Em vui lòng để anh đi nhưng cũng buồn khổ vì anh đi. Dẫu anh ở nhà thì tâm trí anh cũng để tận đâu đâu, em vẫn xa anh, luôn xa anh".

Đó là những lời tự bạch của một người đàn bà thủy chung son sắt trong một tình yêu vô bờ với chồng, nhưng lời tự bạch ấy không phải không có dư vị đắng, mà có lẽ người đàn bà nào làm vợ của một nhà văn, nhà thơ cũng nhiều hy sinh, và sức chịu đựng vô bờ bến.

Trong cuốn "Tiểu thuyết cuộc đời", bà giúp ông chấp bút ấy, chương cuối cùng về mối tình của cô Như Nguyện trong 6 năm xa cách bà ở Sài Gòn của ông, dẫu ông nói rằng đó chỉ là hư cấu, là tiểu thuyết nhưng khi viết, đầu óc bà tê buốt, trái tim đau, ngòi bút chạy đều đều trên giấy một cách trơ lỳ, vô cảm.

Bà giấu để ông không nhận ra tâm trạng của bà, đau đớn và hoang mang. Sau này tiểu thuyết xuất bản, gây tiếng vang trong bạn đọc. Các bạn văn chương tìm đến ông để khen ngợi tiểu thuyết, và cũng để chiêm ngưỡng một người vợ nhan sắc và tuyệt vời với chồng con như bà.

Họ đùa: "Bà Vân giỏi quá, thay chồng viết lại những mối tình trong cuộc đời của chồng mà vẫn một lòng một dạ".

Bà cười. Đôi mắt đẹp xa vắng, đôi môi dày vẫn nguyên nét quyến rũ năm xưa, mái tóc mây cũng trở nên hư ảo. Đó là tình yêu lớn và duy nhất bà dành trao tặng ông. 10 năm ông nằm xuống, một tay bà chăm sóc như chăm một đứa trẻ. Khi yêu, người ta cho nhau nhiều hơn là nhận. Người ta hy sinh vì người khác nhiều hơn là đòi hỏi cho riêng mình.

22/1/08

Tản văn

Cũng là nhà báo như Thanh Hà (hiện công tác tại báo Nhân Dân), Huỳnh Dũng Nhân (hiện công tác tại báo Lao Động) lớn lên từ Trại trẻ sơ tán báo Nhân Dân viết rất nhiều. Anh là người có cách quan sát rất riêng trước các vấn đề đời thường. Sau tâp Ký sự nhân vật "Những người đi trong gió" năm 2005, Tản văn "Giọt lệ trên trời" là tâp sách mớí nhất của Huỳnh Dũng Nhân (theo "điều tra" của TTSTBND - không kể cuốn sách chuyên môn về giảng dạy "Phóng sự - Từ giảng đường đến trang viết").
Với niềm tin bạn đọc "người nhà" trên Blog TTSTBND sẽ đón chào và trân trọng chia sẻ các cảm xúc của anh, chúng tôi xin giới thiệu một số bài tản văn thu thập từ huynhdungnhan's blog

Viết cho con gái
Trước ngày con được sinh ra đời, cả nhà xúm lại đặt tên cho con tới mấy ngày mới quyết định được. Bà nội đã phải giở cả từ điển ra tìm cho con một cái tên đẹp... Ngày con chào đời, ba phải đi vay tiền mua sữa cho con, nhưng ba mua nhầm loại bột lúa mạch, vậy mà con vẫn ăn ngon lành... Khi con lên ba tuổi, con bị sốt xuất huyết tím bầm cả người. Ba đưa con đến bệnh viện, bác sĩ gắt ba sao đưa con đến muộn thế làm ba hết hồn. May mà con đã vượt qua nguy kịch và khi khỏe lại đã đòi ăn bắp... Khi con lên bốn tuổi, con đòi ăn kem. Lần ấy ba không có tiền. Ba đã chạy đi ứng trước tiền lương chỉ để khỏi phải nhìn thấy gương mặt thất vọng vì bị từ chối của con... Khi con lên năm tuổi, con lần đầu chứng kiến ba chạy về nhà lấy đồ nghề, máy ảnh để lao vào viết về một đám cháy lớn gần nhà. Và con đã khóc khi biết đấy là nghề báo... Khi con bắt đầu bước vào lớp 1, rồi đến khi con bắt đầu mặc áo dài và khi bắt đầu biết rằng thế giới này có những thứ vô cùng hấp dẫn là vi tính và điện thoại di động... ba vẫn nhớ những ngày đầu tiên con chập chững vào đời ngồi sau chiếc Honda suốt ngày phải đẩy của ba. Ba đã mơ ước một ngày được chở con đi thi đại học... Hôm nay ba dậy sớm sau một đêm trằn trọc như chính ba là người đi thi, để đưa con đến trường thi. Và ba lại dặn dò con đủ thứ phải cẩn thận, như bà nội dặn ba mấy chục năm về trước... Ba chẳng có gì để tặng con ngoài những hồi ức tản mạn này. Và chắc là hàng trăm phụ huynh đang chờ con mình từ phòng thi bước ra cũng thế.

Nhân vật chính
Trong cuộc sống mấy khi người ta được trở thành nhân vật chính. Bởi cái cơ hội ấy không dành và không chia đều cho mọi người. Ngay cả trong đám cưới hay sinh nhật, cũng sẽ có những người chia sẻ cái quyền của nhân vật chính. Hình như chỉ có một trường hợp, đó là khi người ta được sinh ra đời. Nhân vật chính của chúng ta khi ra đời là trong veo. Tội lỗi duy nhất là đái dầm và có thể là hay khóc nhè. Nhóc đích thực là nhân vật chính. Mọi người đều cưng chiều và chăm sóc nhóc. Tặng cho nhóc những từ ngữ đẹp nhất và dùng cả tên các loài vật như cún con, vịt con, nhím con đặt cho nhóc. Mọi người tự nhiên hoá thành trẻ thơ như nhóc. Mọi người bỗng thích nói ngọng khi nói chuyện với nhóc. Mọi người trở nên yêu thương nhau hơn khi có nhóc ra đời. Mọi mâu thuẫn bất hoà trong gia đình tạm gác sang một bên. Nhóc có thể không bụi bặm như ba và không dễ thương như mẹ, nhưng ai cũng cố tìm được những nét để khen giống hai người. Có lẽ không nơi nào có nhiều lời lẽ yêu thương độ lượng như ở bên cạnh chiếc nôi của nhóc. Rõ ràng nhóc là nhân vật chính và không bị ai ganh tị hay bon chen với tầm quan trọng ấy của nhóc. Bởi vì ngay từ lúc ấy người ta đã công nhận đứa con trai là một con người, là một công dân của trái đất rất cần được nâng niu. Lúc ấy nhóc hoàn toàn chưa biết gì về cuộc hành trình phức tạp của kiếp người. Nhưng tôi luôn muốn dành cho nhân vật chính - đứa con trai của tôi - một tâm niệm này: "Cuộc sống chỉ đúng nghĩa là khi con chào đời, riêng con khóc còn mọi người đều cười và khi con chia tay với cuộc đời này chỉ con cười còn mọi người đều khóc".

Đảo ngói
Hồi nhỏ cơ số quần của anh chỉ có hai cái. Dùng đến cũ nát mới vứt đi. Cái nào còn tốt thì đem nhuộm lại, có khi nhuộm đến hai ba lần. Nhuộm màu xanh công nhân hoặc màu đen, nhờ đó mà anh luôn luôn có quần "mới". Đó là khái niệm và kỷ niệm đầu tiên của anh liên quan đến động từ nhuộm.Kỷ niệm thứ hai thì không phải của anh mà của mấy người miền Nam tập kết ra Bắc kể. Một người đọc tấm bảng "Ruộm là hấp tẩy" thắc mắc suốt không biết cái món ruộm là cái gì, hỏi ra mới biết ruộm là nhuộm, nhuộm là làm cho mới.Và bây giờ quá nửa đời người, anh lần đầu đi nhuộm tóc. Lúc đầu anh phản đối quyết liệt. Phần thì vì nhớ tới mấy cái quần nhuộm đi nhuộm lại hồi xưa mà nổi da gà. Phần thì nghe ai đó tán rằng "Nhất muối tiêu nhì Việt kiều", nhuộm làm gì cho mất giá. Tóc bạc thì có sao, U.60 vẫn ngon lành như thường. Cái vẻ phong sương lãng tử của mái tóc "ánh kim" dứt khoát thi vị hơn cái mái tóc nhuộm đen đến khả nghi kia.Thế mà cuối cùng anh cũng phải mang cái mái tóc phong sương ấy cho mấy cô bé õng ẹo ngoài tiệm cào xới. Nhuộm tóc xong anh không nhận ra anh nữa. Về nhà con chó thấy anh sủa inh ỏi. Bà bán bia chỉ hơn anh chục tuổi gọi anh bằng con ngọt lịm. Cô nàng tiệm ảnh kêu anh bằng em,dù sau đó anh dò hỏi biết cô ta thua anh đến 4 tuổi. Đến cơ quan mấy đồng nghiệp gọi nhau ra xem anh "đảo ngói" và bưng miệng cười. Đám sinh viên của anh cứ kếu tiếc cái màu muối tiêu của thầy ngày xưa...Và anh nghiệm rằng : Người xưa bảo cái răng cái tóc là vóc con người đúng quá. Đến con chó cưng cũng không nhận ra chủ nữa thì sao chịu nổi ? Đảo ngói? Ừ, dùng cái từ ấy thay cho từ Nhuộm nghe có vẻ lịch sự hơn chăng?

Ảnh trong bài:
1
. Với cái mũ nồi ngày xưa, hình ảnh quen thuộc, Huỳnh Dũng Nhân chơi rất "mu" bóng đá và bóng bàn.
2. Huỳnh Dũng Nhân (đứng bên phải) là thành viên Ban giám khảo tại Lễ hội Blogger Việt 2007 (30/9/2007), chụp ảnh kỷ niệm với những Bloggers đoạt giải trong cuộc thi viết blog nhanh.