27/1/08

Ký ức như biển hồ lai láng

TTST BND: Chúng ta đều biết, cô Hồ Vân, là mẹ của các anh Nhất Phương, Hồ Nguyên, Minh Quang, Hiếu Nam, cũng là một người Mẹ của Trại trẻ ST BND. Sau đây là bài viết hé lộ bí mật về tình yêu của Cô, chúng tôi trích đăng đúng với tiêu đề bài gốc, chỉ lược bỏ vài đoạn ngắn để bài viết liền mạch hơn.
(Nguồn: Như Bình CAND.com.vn)

Căn nhà thì đã quá cũ, mọi thứ thì đã quá xa xăm, người tri âm thì một đi không trở lại. Còn lại một bóng người xưa trong thấp thoáng thời gian. Bóng người xưa ấy như thể vừa bước ra từ một câu chuyện cổ. Nghiêng xuống chiều thu muộn một vẻ đẹp sóng sánh của giai nhân.

Bà đã xa quê cha đất tổ mải miết theo chồng, đã ở đây, và sẽ nằm xuống nơi này dẫu Hà Nội không phải là mảnh đất sinh thành. Hà Nội cũng chính là nơi trở về của cuộc đời bà. Căn nhà cũ thân thương 20 mét vuông đủ chất chứa ký ức trong trái tim bà một biển hồ lai láng.

Bà không thể xa nơi này bởi làm sao bà nỡ dời xa ký ức, dù các con cháu luôn mong đón bà về. Căn nhà nhỏ mình bà với những cái ban thờ ấm khói hương thờ Phật, thờ chồng, vợ con của chồng và con trai cả. Chừng ấy linh hồn những người đã khuất đã làm nên sóng nơi đáy sông của cuộc đời bình dị của bà.

Bà là nhà báo Hồ Thị Vân, vợ của nhà văn Nguyễn Văn Bổng. Bà sinh ra trong một gia đình quan lại, cha bà làm quan cho triều đình Huế, luôn đổi nhiệm sở dọc theo các tỉnh miền Trung. Theo chân cha mẹ, bà có một tuổi thơ hạnh phúc, sung sướng và nhiều di chuyển bên người cha học rộng và người mẹ hiền thảo yêu chồng, giỏi nữ công gia chánh.

Năm 1943, bà ra Huế học ở trường Đồng Khánh, bà chính là một trong những nữ sinh đẹp nhất trường. Năm 1945, Cách mạng Tháng Tám nổ ra, các anh trai của bà đều xếp bút nghiên tham gia kháng chiến.

Năm 1948, bà theo chân anh trai vào làm phóng viên của Báo Cứu quốc ở Khu V. Tại đây bà đã gặp, cảm thương và đem lòng yêu một nhà văn, sau này là một nhà văn quan trọng của nền văn học Việt Nam Nguyễn Văn Bổng, người được Giải thưởng Hồ Chí Minh trong đợt đầu tiên.

Nhà văn Nguyễn Văn Bổng lúc bấy giờ làm việc ở Hội Văn nghệ Khu V, bạn của anh trai bà, hơn bà 8 tuổi, vừa trải qua một mất mát lớn. Ông mất người vợ trẻ và đứa con gái bé bỏng trong một lần địch ném bom ở thị trấn Tân An nơi hai mẹ con đi sơ tán.

Ông từng kể lại giây phút ấy: "Tôi đạp xe ra bến đò, vác xe lên, dắt xe khỏi mặt dốc mới ngồi lên đạp. Tôi đạp xe qua khỏi xóm nhà ở đầu dốc, nước mắt bỗng trào ra. Không còn đạp được nữa, tôi dừng xe lại, lùi đến sau mấy cây rừng bên đường ngồi sụp xuống khóc.

Tôi khóc, nước mắt xối trào, khóc mãi, ướt đầm cả khăn tay, chảy tràn qua khăn. Tôi vào đến nơi, mẹ vợ tôi ôm tôi khóc. Tôi dìu mẹ ra mộ vợ con. Tôi ngồi xuống rờ rẫm trên mặt cát. Đây là vợ tôi. Đây là con gái tôi. Tôi tẩn mẩn khỏa mặt cát ở những chỗ đắp chưa bằng phẳng, lượm những gốc cỏ, cọng phi lao, lá phi lao lẫn vào trong cát".

Nỗi đau ấy đã được một trái tim thiếu nữ trong trắng thiết tha chia sẻ. Ông gặp bà Hồ Thị Vân. Người nữ sinh Đồng Khánh mang vẻ đẹp cao sang thuần khiết đã gợi lại biết bao ký ức của Nguyễn Văn Bổng những ngày ở Huế.

Sau này, trong tùy bút "Cuộc đời và sáng tác", ông tự bạch rằng: "Người con gái mà tôi gặp đã gợi lại cả Huế, sông Hương, núi Ngự, cầu Tràng Tiền, chợ Đông Ba... cả một quãng đời tôi".

Ba năm sau, họ mới nên vợ nên chồng. Trong nhật ký của bà Hồ Thị Vân ở tiểu thuyết cuối cùng của nhà văn Nguyễn Văn Bổng, bà tự sự: "Dùng dằng chần chừ ba năm chưa nhận lời anh vì không yên tâm về anh với một nỗi lo lắng, một linh cảm mơ hồ, lấy anh rồi sẽ khổ vì anh".

Từ đó, dòng sông nhỏ hiền hòa là bà đã theo ông trên dặm dài đất nước. Linh cảm mơ hồ của bà đã đúng, và bà cũng đã thốt ra nó sau hơn nửa thế kỷ là vợ ông, sống đời một người vợ thời chiến tranh có chồng tham gia trận tuyến.

Ông đi kháng chiến biền biệt. Nghề viết văn như một nghiệp đa mang nặng nợ. Cuộc sống của ông là một cuộc sống nhanh, một cuộc sống tốc độ với những chuyến đi, sự xê dịch với nhịp độ cao. Ít người như Nguyễn Văn Bổng, dấu chân "vạn dặm" mấy lần bươn chải vào ra dọc Trường Sơn từ khi chưa hình thành đường Hồ Chí Minh.

Lấy nhau sống với nhau được hơn năm, bà có với ông con trai đầu lòng rồi ông lại đi, lại gặp nhau, bà có thai và sinh đứa con thứ hai trong khi ông tập kết ra Bắc theo kháng chiến. Mong mỏi gần chồng, bà gánh hai con nhỏ lên vai ngược ra Bắc tập kết để đoàn tụ với ông.

Hai ông bà được phân 20m2 nhà trên tầng 2 ở tập thể số 10 Nguyễn Thượng Hiền. Ở với nhau chưa kịp hết thương nhớ, ông lại ra đi, lần này là đi B, là biền biệt 6 năm bà bặt tin ông trong khắc khoải từ năm 1962-1968. Những tháng ngày khó khăn đó bà vượt qua được bởi hy vọng.

Những người bạn thân nhất của chồng bà là Tế Hanh, Nguyễn Tuân đều nghe tin Nguyễn Văn Bổng đã hy sinh. Gia đình Tế Hanh qua lại động viên mấy mẹ con bà nhiều nhất. Tết nào gia đình bà Hồ Thị Vân cũng nhận được bưu thiếp chúc mừng năm mới của Bác Hồ gửi tặng động viên gia đình có người đi B.

Nhà thơ Tố Hữu xuân nào cũng có thơ gửi tặng gia đình bà. Đến giờ bà vẫn cất giữ những tấm bưu thiếp của Bác Hồ ố vàng kẹp cùng bài thơ có bút tích của nhà thơ Tố Hữu gửi Nguyễn Văn Bổng.

Năm 1968, Nguyễn Văn Bổng trở về. Tình yêu, hạnh phúc và sự chờ đợi thắt nghẹn. Bà chỉ biết ôm ông vừa cười vừa khóc. Từ đó trở đi, bà và ông sống bên nhau, vun đầy cho cái hạnh phúc viên mãn.

Nhưng rồi, một nỗi bất hạnh ập xuống đời ông và cũng là đời bà. Cũng giống như người bạn thân thiết, hàng xóm của Nguyễn Văn Bổng là Tế Hanh, ông bị bệnh về mắt. 7 lần bà Vân theo chồng đi hết các bệnh viện này đến bệnh viện khác để mổ mắt, nhưng bệnh nặng mắt ông chỉ ngày càng kém đi cho đến lúc chỉ còn lại 2/10.

Chính vào lúc này, người con trai cả của ông bà bệnh nặng đột ngột qua đời khi tuổi còn đang trẻ. Nguyễn Văn Bổng dường như qụy xuống sau cú sốc tinh thần ấy, ông đau đớn hơn, mỏi mệt và u sầu hơn.

Ông bị bệnh pakinson ngày một nặng, hầu như chỉ ngồi một chỗ. Một lần nữa bà giấu nỗi đau, chịu đựng mất mát làm điểm tựa tinh thần cho chồng, vực chồng dậy sau những cú sốc quá lớn. Ông nằm trên giường bệnh đọc cho bà viết cuốn "Tiểu thuyết cuộc đời".

Đây là cuốn tiểu thuyết sau cùng của một đời văn chinh chiến bôn ba của Nguyễn Văn Bổng, và cũng là cuốn sách thành công nhất, chứa đựng được hết những gì mà ông cất giấu trong bao nhiêu năm sống trên cõi đời. Nói một cách chính xác thì thành công của cuốn tiểu thuyết này một nửa là sự cống hiến của bà Hồ Thị Vân, người vợ yêu chồng và hy sinh hết mực.

Những trang cuối của cuốn tiểu thuyết, bà Hồ Thị Vân đã ghi lại nỗi lòng mình khi bắt tay vào chấp bút cho ông: "Anh bảo tôi giúp anh viết. Anh đọc, tôi ghi tiểu thuyết về cuộc đời anh. Tôi giật mình. Cuộc đời anh tức là có cuộc đời của tôi trong đó. Tôi nghĩ đó là chuyện riêng của chúng tôi, viết ra dẫu là tiểu thuyết thì người đọc vẫn nhận thấy.

Nhưng làm sao tôi có thể từ chối anh? Làm sao tôi có thể từ chối nhất là lúc này mắt anh đang bị bệnh... Rồi anh đọc, tôi ghi, ban ngày khi con dâu đi làm, các cháu đi nhà trẻ. Ban đêm khi cả nhà đã yên giấc. Tuy là tiểu thuyết nhưng các chương trên phần lớn dựa vào sự thật đời anh trong đó có tôi, vì tôi là người trong cuộc, lại chính là vợ anh...

Tôi thương cuộc đời anh vất vả. Thương anh khi đạp xe ra thăm mộ vợ con. Tôi đau đớn vừa thương anh, thương chị Hòa, thương bé Thu. Tôi thương tôi vì đã yêu và nhận lời anh sau những chuyện đó... Anh đã dành cả ba chương để nói về sự dùng dằng của tôi trong ba năm chưa nhận lời anh.

Thực ra tôi cứ linh tính rằng sẽ khổ vì anh. Tôi dùng dằng không yên tâm về anh vì điều khác nữa. Đó là do con người của anh, hay do công việc viết văn của anh khiến anh dễ xúc cảm, nhiều tưởng tượng, ước mơ. Em không lo anh phụ bạc em, hắt hủi em vì anh không phải hạng người như vậy.

Nhưng em vẫn không yên tâm về anh. Em cảm thấy điều đó trong những ngày đầu gặp anh. Anh đã kể tình yêu thơ mộng đẹp đẽ nhưng đành dứt áo ra đi vì cuộc đời bất định.

Vào Đà Nẵng, chỉ một sáng thức dậy nhìn thấy chị Hòa dậy sớm nấu xôi cho anh lên tàu, anh xúc động sợ mất chị nên gửi thư về hỏi xin cưới chị. Rồi anh gặp em, anh để ý đến em. Em yên tâm sao được với những điều như thế? Em thấy hay hay nhưng sợ nhiều hơn.

Quả vậy cưới nhau rồi anh đi mãi. Tất nhiên là vì kháng chiến, nhưng cái chính là vì công việc của anh. Em vui lòng để anh đi nhưng cũng buồn khổ vì anh đi. Dẫu anh ở nhà thì tâm trí anh cũng để tận đâu đâu, em vẫn xa anh, luôn xa anh".

Đó là những lời tự bạch của một người đàn bà thủy chung son sắt trong một tình yêu vô bờ với chồng, nhưng lời tự bạch ấy không phải không có dư vị đắng, mà có lẽ người đàn bà nào làm vợ của một nhà văn, nhà thơ cũng nhiều hy sinh, và sức chịu đựng vô bờ bến.

Trong cuốn "Tiểu thuyết cuộc đời", bà giúp ông chấp bút ấy, chương cuối cùng về mối tình của cô Như Nguyện trong 6 năm xa cách bà ở Sài Gòn của ông, dẫu ông nói rằng đó chỉ là hư cấu, là tiểu thuyết nhưng khi viết, đầu óc bà tê buốt, trái tim đau, ngòi bút chạy đều đều trên giấy một cách trơ lỳ, vô cảm.

Bà giấu để ông không nhận ra tâm trạng của bà, đau đớn và hoang mang. Sau này tiểu thuyết xuất bản, gây tiếng vang trong bạn đọc. Các bạn văn chương tìm đến ông để khen ngợi tiểu thuyết, và cũng để chiêm ngưỡng một người vợ nhan sắc và tuyệt vời với chồng con như bà.

Họ đùa: "Bà Vân giỏi quá, thay chồng viết lại những mối tình trong cuộc đời của chồng mà vẫn một lòng một dạ".

Bà cười. Đôi mắt đẹp xa vắng, đôi môi dày vẫn nguyên nét quyến rũ năm xưa, mái tóc mây cũng trở nên hư ảo. Đó là tình yêu lớn và duy nhất bà dành trao tặng ông. 10 năm ông nằm xuống, một tay bà chăm sóc như chăm một đứa trẻ. Khi yêu, người ta cho nhau nhiều hơn là nhận. Người ta hy sinh vì người khác nhiều hơn là đòi hỏi cho riêng mình.

1 nhận xét:

  1. Nặc danh27/1/08 19:15

    Tôi, một thành viên trại trẻ, một đứa trẻ như bao đứa trẻ khác nhận được từ cô sự yêu thương chăm sóc những ngày còn trong trại, xin tỏ lòng tri ân sâu sắc đến cô Hồ Vân, người mẹ hiền của anh Nguyên và các bạn Quang, Nam.

    Lưu Phương Bình

    Trả lờiXóa