16/4/10

Một lần gặp lại ấu thơ

Gửi từ: HDN
Ngày: 12/4/2010, 6:39 PM

dự họp mặt với các bạn Trại trẻ Sơ tán báo Nhân Dân xong, tôi nghĩ mình phải viết một chút gì đấy, và thế là tôi viết bài này gửi các bạn, nó hơi dài. Mong các bạn cùng chia sẻ...

Thân mến

MỘT LẦN GẶP LẠI ẤU THƠ

Huỳnh Dũng Nhân

5 GIỜ CHIỀU NGÀY 9-4-2010: Hắn nhìn đồng hồ đã thấy đến giờ hẹn với nhóm trại trẻ sơ tán báo Nhân Dân. Làm một cuốc taxi lòng vòng vì nhiều con đường đã thành 1 chiều. Phần khác có lẽ vì tay tài xế nghĩ rằng thằng cha nửa Nam nửa Bắc này không thuộc đường Hà Nội. Cha tài xế đâu biết hắn đã có 20 năm oanh liệt ở Hà Nội này với những thành tích không thể kể tên. Hắn xuống xe đứng trước Bờ Hồ thì vừa lúc nghe điện thoại anh Hiếu Dân gọi. Nhà hàng Hàm Cá Mập đây rồi. Cái tên Hàm Cá mập thật ấn tượng và xứng đáng với câu chuyện xây dựng cái nhà phá vỡ cảnh quan thơ mộng của Bờ Hồ đầy tranh cãi một thời này. Hắn đứng nấn ná một lúc. Hồi xưa ở đây là bến tàu điện. Là kem Hồng Vân Long Vân, là cái cửa hàng bách hóa mà hắn có lần bị bà mậu dịch viên theo dõi vì “trông nó giống thằng ăn cắp lắm”. Bước lên cầu thang. Từng bước một. Những người bạn hồi lớp 2-3-4 giờ đây thế nào nhỉ? Những đứa bạn thời đánh xèng, chơi bi, chơi nhảy ngựa và xếp hàng mua bánh mì, đổ rác ngoài đầu ngõ Lý Thường Kiệt dạo này thế nào nhỉ?

Hắn bước vào, tim đập thình thịch như đang bước ra hội đồng giám khảo. Một bàn tiệc khoảng 20 người đang quây quần. Tất cả ồ lên, Reo lên, ùa lên, la lên. Và cười vang. Và sung sướng. Và ôm lấy nhau. Và ướt mắt. Ôi những người bạn một thời 1960-1970. Trên dưới 40 năm rồi... “Thời gian tựa cánh chim bay, qua rồi những tháng cùng ngày, còn đâu mùa cũ yên vui, nhớ nhau suốt đời mà thôi”... Lời bài hát Hoài Cảm của Cung Tiến chợt ùa đến, âm thầm vang lên trong ký ức của hắn... Ôi các bạn. Ôi những hoa râm khóe mắt môi cười chân chim...

Hiếu Dân lành lành, cần cù nhỏ nhẹ. Phương ồn ã tất tả lo toan tay hòm chìa khóa. Khánh (bẹt) nhu mì ý nhị, ít uống mà chia sẻ. Ba chị em Oanh, Yến, Thúy vẫn nhỏ bé như ngày nào (mà mập và xinh hơn) ở cùng số 9 Lý Thường Kiệt. Chị Hạnh Phúc vẫn thế. Hoàn (phề) và Phương (Bé) vẫn to khỏe trẻ trung. Vị Hoàng hay tủm tỉm như triết gia. Đặng Nam sống Tây mà vẫn gầy và theo như mọi người nói thì đó là vì con mọn. Thêm một anh chàng nhìn mãi chẳng nhận ra, phải xưng tên mới nhận ra Kiều Tuấn. Tương Lai hầu như chẳng nói một câu nếu như không ai hỏi. Anh Chính đàn anh nhất ỏ đây. Hiếu Nam có vẻ say trước mọi người, không biết say vì rựợu hay vì bạn. Hồ Nguyên đến sau, trông thật phúc hậu. Thanh Hà đã ra dáng “mợ” rất quý phái nhưng sắc sảo trong từng trang sách mà Hà chỉ có thể dành tặng cho một vài người. “Út” Diệp con cô Ngọc Hân nói là nhỏ nhất cũng đã là Phó TBT một tờ báo. Hoài Nam đầm ấm tâm tình chuyện lớp hồi xưa. Lan Bình vội vàng đến và vội vàng đi song cũng không quên siết tay bạn bè anh chị mấy lần. Vũ Quốc Hùng (Hùng Lìu) nói chuyện nhiều hơn hồi nhỏ và cũng thân thiện hơn cái tính hay nổi nóng hồi xưa...

Rượu, Bia... bay lên cùng ký ức. Vân Đình, Tuy Lai, Thống Nhất... hiện về. Những rặng tre ven làng mộc mạc, những hầm chữ A in dấu chân trần. Những chiếc mũ rơm dính đầy mực tím. Những bữa cơm độn sắn, những lần lên đồi cùng chị Lê, bạn Tảo, bạn Lâu... Những người nông dân răng đen áo nâu sờn rách nhường hẳn mấy gian nhà cho bọn trẻ “sơ mít”. Rồi những tiếng máy bay gầm rú. Những câu chuyện thời chiến nao lòng. Những cái đêm giá rét díu mắt lại ngồi quanh cái radio nghe đài đọc chuyện đêm khuya mà trông về phương trời Hà Nội. Sân đình, mái chùa họ Phùng chứng kiến những đứa trai bắt đầu biết thương nhớ và những cô con gái lén lút điệu đàng. Rồi những buổi trưa ngủ dậy từng đứa xếp hàng nhận phần kẹo bánh được các mẹ cất rất ngăn nắp trong tủ chia nhau. Đôi khi có những tiếng nấc buồn khi có đứa không có chút gì trong tủ bánh.... Rồi những buổi chiều thứ bảy hoặc sáng chủ nhật cả bọn dắt díu nhau ra ngồi đầu làng chờ bố mẹ từ Hà Nội lên thăm, vừa ngồi ngóng vừa đoán xem ai sẽ có quà. Ôi những năm tháng dằng dặc xa thành phố. Một chiếc kẹo thôi cũng đủ dịu ngọt suốt cả những tháng ngày mấy anh em ôm ấp đùm bọc nhau khi cha mẹ trực chiến hay công tác chiến trường...

Bạn bè họp mặt hôm nay ngồi từng nhóm theo lớp học, theo khu tập thể hồi xưa và tranh cãi ai học giỏi nhất, ai nghịch nhất... Thật đáng buồn, hắn rơi vào nhóm đề tài thứ hai. Hùng Lìu bảo hắn đầu têu trong các trận trốn học đi chơi bóng đá bóng bàn. Hiếu Nam (bây giờ là một sĩ quan cấp tá, cao gần 1m8) tố cáo hắn hồi xưa ăn hiếp Nam, đến nỗi Nam phải hô to “chính nghĩa không bao giờ thất bại”. Một ai đó nhắc một lần tất cả bị cấm không cho đi xem phim ở sân hợp tác xã , hắn là kẻ cầm đầu với lời tuyên bố “cơ hội ngàn năm có một, không thể ngồi nhà” và cầm đầu bọn trẻ chống lại lệnh cấm. Đặng Nam nhắc lại kỷ niệm một lần đi học về trên bờ đê bị bọn trẻ địa phương chặn đầu gây sự. Hắn mưu trí nói với Nam: Đưa tao con dao đây để tao chơi tụi nó. Tụi kia sợ quá chạy mất. Thật ra lúc ấy trong túi làm gì có con dao nào??? Kiều Tuấn thì chào hắn bằng câu: Chào đại úy! Và nhắc lại chuyện hồi đó cả bọn chơi trò phong quân hàm cho từng đứa, đứa nào trêu bạn gái là bị cách chức, quét nhà thì được thăng vượt cấp. Cũng chính hắn dẫn một bọn nhóc đi xuyên qua cánh đồng ở Quốc Oai “xem núi xa hay gần”? Chính hắn chứ không ai khác chở Hoài Ân đi lên nơi sơ tán ở Phượng Cách bị té xe làm vỡ tan chai nước mắm lúc đó thuộc loại quý hiếm như vàng, làm Hoài Ân tiếc ngẩn ngơ và buồn đến mấy ngày sau chưa hết... Ôi tội lỗi của hắn ngập tràn kỷ niệm. Đó là chưa kể có lần hắn can tội “cố tình gây thương tích” cho ai đó và bị đuổi về Hà Nội. Hắn đã phải đi bộ từ nơi sơ tán ra tới tận Mai Lĩnh hay Trúc Sơn gì đó mới có xe khách đi về. Hà Nội lúc ấy cúp điện tối om, và vắng tanh vắng ngắt đón chào bàn chân gày guộc đi đôi dép cao su ba quai (vì mất cái rút dép) của thằng bé tội lỗi sau những ngày sơ tán... Chao ôi tuổi ấu thơ của hắn. À mà chưa hết. Lại có lần hắn và Tuấn (con cô Bình Định) cởi hết quần áo (sex 100%) lội xuống Hồ Gươm giá rét lấy đất sét làm thủ công, chẳng may bị mấy ông bảo vệ lạnh lùng ra tay thu sạch quần áo làm hai đứa trẻ cực kỳ dễ thương này không làm sao dám lên bờ. Có lẽ đời hắn không bao giờ quên được kỷ niệm đau thương và đáng đời như thế...

Hắn ngồi ngắm các bạn. Phải công nhận trí nhớ các bạn thật là tốt. Thảo nào các bạn lúc ấy đều học giỏi và ngoan ngoãn, sau này hầu hết tốt nghiệp đại học, đi làm ăn ở nước ngoài, thành đạt... Cảm ơn các bạn đã vẽ giúp lại bức chân dung hắn, cái thằng ít khi rời chiếc mũ nồi (mũ bê rê) và luôn sáng tác ra một trò đùa gì đó khác người. Cái thằng mà các bạn nhớ, đến hơn 40 năm còn nhớ từng trò chơi khăng chơi xèng, đến mấy đứa trai làng hồi ăn khoai sắn không đủ no giờ còn nhắc...

Sau khi ở trại sơ tán mấy năm, sau mấy lần chuyển chỗ ở quanh quanh Hà Tây, hắn cũng đã chuyển đi Hà Bắc học trường nghệ thuật môn hội họa. Rồi hắn trở về cái ngõ Lý Thường Kiệt và tra tấn cả ngõ bằng một chiếc sáo tre te tua hai đầu. Hắn xuyên tạc lời bài hát về vua bóng đá Pê lê, hắn dập dìu bạn gái đuôi sam khi lỡ nghe xúi dại đi học múa. Theo như Hoàn (phề) thì hồi đó hắn và Hoàn Phề còn ra chợ ăn cắp hai con cá vụn để về nuôi một con mèo mù một mắt lang thang lạnh cóng đi lạc vào khu tập thể Lý Thường Kiệt. Tất cả những mái nhà rêu phong, cái ban công đầy hoa sen đá, cái toilet độc nhất vô nhị trong cái khu tập thể 40 người và cái bếp đen kịt khói mùn cưa... ở khu nhà số 9 ngõ Lý Thường Kiệt đều hằn sâu và đầy ắp kỷ niệm của hắn. Khi vào Nam, với một quá khứ khó tự hào như thế, hắn lao vào học văn, rồi ra Hà Nội học tiếp báo chí quyết tâm theo nghề cha mẹ và tiếp nối truyền thống cha ông báo Nhân Dân 71 Hàng Trống (Mong các cô các chú các bác bỏ qua cho nó những thành tích thường xuyên lặp lại, như thường xuyên gây chiến với con khỉ ở cây đa, ném bể bóng đèn và làm bể cửa kính cơ quan khi nhà nó còn ở trong đó).

Hôm nay đây gặp lại bạn bè, hắn gặm nhấm mớ kỷ niệm ngổn ngang lẫn tươi rói và thấy như gặp lại chính mình thuở ấu thơ. Hắn ngồi uống rượu và cố tình “mảng vui quên hết lời em dặn dò”. Hơn 40 năm gặp lại bạn bè sao lại có thể uống trà đá nước ngọt hay nước lọc kia chứ? Cảm ơn xúc xích Đức, bia vàng với bia đen, rựơu vodka Thụy Sĩ. Cảm ơn các bạn trại trẻ báo Nhân Dân đã cùng chia bùi sẻ ngọt với một câu hỏi cháy lòng trong buổi gặp mặt hôm nay: Sao hồi đó khó khăn vất vả là thế mà các bậc phụ huynh báo Nhân Dân ai cũng nuôi con cái khôn lớn thành người? Những thước phim quá khứ chiếu chậm trong ký ức. Những tấm ảnh đen trắng với những kiểu tóc kiểu áo thập niên 60 của thế kỷ 20 được truyền tay nhau xem... Ai cũng trẻ, ai cũng đẹp, nhất là những cô bác đã trực tiếp dìu dắt nuôi dạy bọn trẻ ở những nơi đầy ruộng sâu đỉa lội... Cái đa đoan cảm xúc trong con người hắn trào dâng. Một thời để yêu một thời để nhớ. Ngồi từ nhà hàng có cái tên Hàm Cá Mập rất không lãng mạn này tất cả mọi người cũng nhìn thấy nóc nhà báo Nhân Dân có hàng chữ màu đỏ nhấp nháy. Nay mai có ra Hà Nội, thế nào hắn sẽ cùng các bạn đến đây. Sẽ ngồi đây bàn ngày kỷ niệm 60 năm thành lập báo Nhân Dân, tất cả “bọn trẻ” (nay đã U 60 - U 50) phải có mặt đông đủ ở Hà Nội. Ngồi đây để mơ ước một lần họp mặt tất cả ở Sài Gòn. Và ngồi đây để cùng hát: Thời gian tựa cánh chim bay. Xa rồi những tháng cùng ngày. Còn đâu mùa cũ yên vui. Nhớ nhau suốt đời mà thôi...

Hãy bấm vào để xem tên từng nhân vật trong bức ảnh chụp lũ trẻ ở sân nhà bác Lê

vn.hanoi: Bài này được anh Nhân gửi đến blog ngay từ hôm 12/4, nhưng tới nay mới sắp xếp đăng được. Hơi bị muộn nên giảm mất cả nóng sốt. Mong các bạn thông cảm!

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét