18/4/10

Gặp lại bạn cũ sau 40 năm

Từ: Hoai Nam
Ngày: 16/04/2010, 15:38

Thân gửi các bạn,
Tuy có hơi "giảm bớt nóng sốt" nhưng không sao.
Mình xin gửi thêm "mấy" cảm nghĩ sau lần găp mặt này.

Hoài Nam

Sáng 7/4 tôi nhận được tin nhắn của anh Dân về cuộc gặp mặt ở nhà Hàm Cá Mập. Lần này chúng tôi sẽ gặp Huỳnh Dũng Nhân. Đã nhiều lần Ban Liên lạc tổ chức các cuộc giao lưu như thế, nhưng với Nhân tôi chỉ gặp trên các trang báo chứ chưa bao giờ gặp mặt. Dễ cũng đến 40 năm rồi còn gì, sau cái thời sơ tán không thể nào quên ấy. Tôi cũng muốn gặp Nhân, để xem nhà báo nổi tiếng này ngoài đời có bình dị không đây, tôi nhắn tin cho anh Dân là tôi sẽ đến.

Khoảng 5 giờ chiều ngày 9/4 tôi lên tầng hai của Hàm Cá Mập. Anh Dân, anh Chính, Hiếu Nam và Phương đã ở đó. Hóa ra tôi cũng là một trong số những người đến sớm nhất. Khoảng mười phút sau, Nhân tới. Tôi nhìn thấy ông bạn từ xa, tươi cười, nhỏ nhắn nhưng không gầy, trông có phần trẻ hơn so với tuổi 55. Vui vẻ bắt tay từng người, Nhân vẫn nhận ra tôi và nhận ra hầu hết mọi người. Anh Dân nhắc "mấy bạn cùng lớp ngồi gần nhau đi", Nhân ngồi xuống cạnh tôi. Kia rồi, Hùng đã tới, Nhân hướng về phía Hùng, hai người tay bắt mặt mừng rồi Hùng rồi ngồi xuống bên chúng tôi. Nhân điểm tên xem lớp chúng tôi còn vắng những ai.
Mọi người đến đã khá đông, thức ăn lần lượt bầy kín mặt bàn, bia đen, bia vàng, rượu vodka được nâng lên hạ xuống chúc tụng không ngớt. Anh Chính, anh Nguyên, Kiều Tuấn, Hoàn, Phương Bé (nhưng nay lại to lớn nhất), chị Hạnh (Phúc), Khánh, Lan Bình, Oanh, Yến, Thúy, Hà, Ngọc Diệp... tới cụng ly với Nhân, chúc mừng cho cuộc hội ngộ bất ngờ này.

Lớp tôi hồi đó gồm những đứa tuổi con dê, con khỉ. Về "thứ bậc", chúng tôi ở quãng giữa, phía trên là các anh, chị lớp 6, lớp 7 lớp 8. Dưới chúng tôi là các em từ lớp 4 cho đến em còn khóc nhè như Bình Thao (cháu của Mẹ An). Những "con dê" và "con khỉ" trong lớp có: Khánh Châu, Dũng Nhân, Vũ Hùng, Chí Cường, Đoàn Nhân Hồng, Huy Bắc, Thành (Quảng Bình), Ninh Hà, Hoài Ân, chị Hạnh Phúc và tôi. Khánh Châu còn được gọi là Châu Te, học giỏi nhất, tôi còn nhớ Châu thường xếp thứ nhất tất cả các môn tự nhiên và xã hội, đặc biêt là văn và toán. Tính Châu tuyềnh toàng, không để ý, trong lớp, ai muốn trêu gì cũng mặc, chỉ cười, cùng lắm là nhăn mặt. Sau đó tới Ninh Hà, Ninh Hà học khá giỏi, chữ viết rất đẹp nhưng hơi kiêu và hơi khó gần, thỉnh thoảng lại thân với người này rồi chuyển sang thân với người kia. Nhân thì nghịch ngợm, dí dỏm, hay bày trò, chơi bóng bàn thì giỏi nhất Trại và trên đầu thường có chiếc mũ nồi đen. Hùng cũng nghịch, học vào loại khá trong lớp. Cường hiền lành và có phần nhu mì. Chị Hạnh Phúc mộc mạc, tốt tính (chị tuổi rắn, hơn chúng tôi đến hai tuổi), chị Hạnh ra dáng chị cả, thường nhường nhịn và làm những việc khó trong lớp, nhất là khi chúng tôi phải quét dọn giao thông hào quanh lớp hay đắp thêm đất và cỏ xanh cho hầm chữ A. Tôi thường chơi với Hoài Ân, vì thời gian đầu tôi ở cùng bà nội, còn Ân thì ở với bà ngoại chỗ Khu Gia đình (Khu Gia đình là khu các cháu có bà nội, bà ngoại đi cùng, khu này có các cụ: cụ Đức Thi, bà nội tôi là cụ Bích Hà, cụ Lãm, cụ Ngô Thi, bác Lê Điền gái và cụ Hữu Thọ). Sau khi bà nội về Hà Bắc với chú tôi, mấy chị em tôi mới vào Trại trẻ ở hẳn cho đến khi Trại giải tán, về Hà Nội.

Nhân ngồi cạnh tôi, bình dị, chẳng cầu kỳ, rất tự nhiên, vừa ăn vừa hỏi thăm những người trong gia đình tôi, Nhân nhớ nhất chị Diệp vì những năm chiến tranh, nhà tôi và nhà Nhân ở chung tầng 2 của dãy nhà phía sau trong khu số 9 ngõ Lý Thường Kiệt. Không ồn ào, Nhân lần lượt hỏi thăm tôi về những người bạn ngồi ở dãy ghế phía bên kia:
- Oanh thế nào? Oanh chưa...... Bố mẹ Oanh, Yến còn khỏe không?
- Hiếu Nam làm gì, bây giờ chắc cũng phải lên đến cấp gì rồi?
- Sao, mọi người vừa nói gì? Anh Dân... sao lại chưa... ?
- Con Đặng Nam còn nhỏ?
- Chị Nghĩa vẫn thế à?
- Người ngồi phia bên kia là ai? sao tôi vẫn không nhớ ra, trông quen lắm - Nhân nhìn về phía Kiều Tuấn hỏi tôi.
v..v..
Trong tất cả những lời thăm hỏi đó của Nhân, tôi nhận thấy có sự đồng cảm xen lẫn cảm xúc của nghề nghiệp. Với mỗi hoàn cảnh chưa trọn vẹn, Nhân như động lòng trắc ẩn và rất lấy làm tiếc cho các bạn của mình.

Tôi hỏi thăm cô chú Hùng Lý, anh Nhi, Ngọc Thụy, Hoa Lê và gia đình nhỏ của Nhân. Nhân trả lời chân thành và cũng rất tự nhiên:
- Tôi có 2 tập và 3 con. Con lớn đang học ở Pháp. Đứa sau cùng còn rất nhỏ.
- Anh Nhi bị bệnh nặng, trông ốm và già lắm. Vào nhà người ta chào ba tôi là ông còn chào ông Nhi là cụ.
- Ngọc Thụy khá thành đạt, đi tu nghiệp ở Anh, bây giờ là giáo sư trường đại học Dược.
- Hoa Lê làm ăn cũng khá...

Giữa chừng, điện thoại reo. Nhân nói chuyện với đứa con nhỏ, xem ra rất chiều đứa bé:
- Ba đang ở Hà Nội, ngày mai ba về. Ừ, tối mai ba sẽ đọc truyện cho con, con ở nhà ngoan nhé.
Tiếp xúc với Nhân, tôi thấy dễ chịu. Bạn bè bao giờ cũng vẫn là bạn bè. Tôi chúa ghét một số người (nói chung ở đâu đó) có nổi tiếng, có chức vụ hay học hành cao hơn chút ít, khi gặp lại bạn cũ lại tỏ ra quan trọng, xa vời.

Dưới ánh sáng đỏ vàng ấm cúng của nhà hàng Legend Beer, chúng tôi từng nhóm râm ran trò chuyện, thỉnh thoảng đâu đó rộ lên những tiếng cười vui vẻ.

Mới đấy mà đã 9 giờ tối. Chúng tôi nhao nhao chụp ảnh để ghi nhớ cuộc hội ngộ. Thật vui với những kỷ niệm ấu thơ mà chúng tôi vừa ôn lại trên cái Hàm Cá Mập này. Cũng đã đến lúc phải chia tay. Chúng tôi tạm biệt và hẹn gặp nhau trong dịp kỷ niệm 60 năm ngày ra số đầu tiên của Báo.

Hà Nội, tháng 4/2010

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét