23/9/10

Ký ức thời sơ tán (3)

Huỳnh Dũng Nhi
(Tiếp theo kỳ trước (2))

Nhà thờ họ Phùng 2-2010, xã Thống Nhất (nay là Hữu Văn)
Tụy An là địa điểm thứ ba trại sơ tán báo Nhân Dân đóng quân. Đây là nơi có nhiều kỷ niệm nhất, có lẽ vì là nơi hạ trại lâu nhất, và là nơi chúng tôi ít nhiều trưởng thành sau hai năm sơ tán tập sự. Ở đây, nhiều sự việc, nhiều gương mặt bè bạn in nét rõ nhất trong ký ức của tôi. Khó mà có thể tập họp, sắp xếp bằng cách nào đó để kể cho hết được. Thôi thì nhớ đến việc gì, nhớ tới ai thì kể về việc đó, kể về người đó vậy. Trong việc có người, trong người có việc.

Tổng Hành dinh của trại là nhà thờ họ Phùng mà hình như bác Lê là trưởng họ. Khu nhà thờ họ này khá rộng. Ngoài dãy nhà chính là nơi thờ phụng, còn hai dãy nhà phụ, đâu lại thành hình chữ U, ở giữa là sân (hình như có mái che). Các cô phụ trách, các trại viên bé, “phòng hành chính”, bếp ăn của trại ở đây. Bọn con trai chúng tôi ở nhà bác Lê, cách nhà thờ họ khoảng 50 mét, đi qua một bụi nứa rậm rạp và một vườn có xoan, có bưởi. Tôi nhớ bụi nứa vì dưới bụi nứa này, ngoài nhiều trò khác, chúng tôi thường chơi cái trò không biết gọi là gì: một tay chĩa xuống đất, tay kia luồn dưới tay này nắm lấy tai bên ngược lại, rồi xoay tròn, đếm vòng. Không biết kỷ lục được lập ra là bao nhiêu vòng, nhưng đứa nào làm xong khi dừng lại đều không đi thẳng được, mà cứ lệch về một hướng, có khi đâm thẳng vào bụi nứa, có đứa đi được một hai bước là té cái rụi. Còn tôi nhớ có xoan vì đây là nơi Trần Dũng (con cô Bình Định) leo cây, gãy cành, rơi từ độ cao khoảng trên dưới 2 mét xuống đất. Chúng tôi xúm lại, định đỡ Dũng lên thì Khánh Hoài(con chú Khánh Căn) trong nhà chạy ra ngăn lại. Hoài bảo là người ta nói, người bị ngã cây phải cho nằm một lúc cho có hơi đất, không được đỡ dậy ngay. Không nhớ là chúng tôi có làm theo không, nhưng nói chung là Dũng chẳng bị làm sao cả. Tôi nhớ có bưởi là vì tôi, một xạ thủ súng cao su hạng bét, chưa bao giờ bắn trúng một con chim nào cả, hôm đó đi qua vườn, thấy trên cây có duy nhất một trái bưởi (hình như bác Lê để làm giống), bèn giương súng lên bắn một phát trúng cuống, rớt một cái bịch. Hoảng hồn bỏ chạy, bỏ cả chiến lợi phẩm. Nhân nói chuyện súng cao su, nhớ có một lần, Tảo ngồi học bên cửa sổ, loại cửa khi mở chống lên bằng một cái que, tôi đi ngang, giơ súng cao su nhắm cái que bắn một phát. Cánh cửa rơi sập xuống, đè gãy cây bút máy của Tảo. Không nhớ rồi sau đó có phải đền không.

Phương Hồng (áo sẫm)
Bọn con gái lớn thì ở một nhà xa hơn, hình như phải đi qua con đường giữa làng thì phải. Bọn con trai chúng tôi ít khi qua bên ấy, và cũng chẳng có lý do gì để mà qua bên ấy, nhất là có một dạo chia phe nam nữ, nghinh với nhau. Chẳng vì lý do gì cả. Báo tường do cánh con trai làm “chủ xị” đăng một bài kiểu xã luận, tựa đề “Vì sa cô”, nói xấu, phê phán bọn con gái. “Vì sa cô” thực ra là hai chữ “vì sao” mà chữ o được thay bằng chữ cô, theo cách xưng hô của người Nghệ An, Hà Tĩnh. Nếu như bây giờ mà viết “Visaco”, dám người ta hiểu là một công ty gì đó lắm. Trở lại chuyện phe phái. Đi chơi thì con gái một tốp, con trai một tốp, đi cùng đường nhưng cách xa nhau không quá xa, mà cũng không khá gần. Tủ sách của trại được giao cho bọn con gái phụ trách, chẳng có đứa con trai nào qua mượn. Một bữa, mấy thằng bàn nhau đột nhập nhà bọn con gái, lấy trộm sách. Cũng diễn tập kỹ càng. Đi theo kiểu bộ đội đặc công mới học lóm được. Tính đến cả cách vô hiệu hóa con chó hiền lành của chủ nhà. Cuộc đột nhập thành công. Bọn con gái la oai oái, thừa biết rằng chỉ có bọn con trai là thủ phạm. Cũng trong cái đoạn phe phái nay, có lần nghe Ngô Phương Hồng (chị của Ngô Phương Mai) kéo Violon, mặc dù nghe rất hay đấy, trong bụng rất phục đấy, nhưng tôi vẫn có ba câu truyền miệng cho các bạn: “Còn như cái Hồng-Đánh Violon-Như là gãi ghẻ”. Xin lỗi Hồng nhé, hồi đó còn con nít mà. Lời xin lỗi muộn màng, cũng như lời cám ơn muộn màng đối với Mai vậy.

Ngõ vào nhà bác Lê (nay mới xây tường
bên cạnh). Phải đi qua lối này để sang
nhà bọn con gái (nhà Phương Hồng ở)
Chuyện phe phái chỉ là chuyện nhất thời, còn nhìn chung, con trai con gái trong trại chơi với nhau rất thân mật. Có một dạo, bọn trẻ trong trại thành lập quân đội, phong quân hàm cho nhau. Con gái cũng tham gia, có đứa được phong quân hàm tới cấp thiếu úy, trung úy…Con gái cũng được phân công nhiệm vụ như cứu thương, giao liên, chị nuôi v.v… nhưng thường chẳng có việc gì làm. Bọn con trai thì thường có việc. Đó là đi ném nhau với bọn trẻ địa phương. Chỉ cần “trinh sát” chạy về thông báo là có bọn nào đó thách ném nhau, lập tức lệnh báo động được ban ra, và ào ào, mỗi đứa mỗi cái mũ rơm, kéo nhau lao ra chiến trường. Chiến trường là một khu đất rộng, giống như sân hợp tác hoặc tương tự như vậy, bên cạnh đó có một vùng đất cao, không biết nên gọi là đồi hay là gò. Quân sơ mít thường chiếm căn cứ trên cao này, ném nhau rất hào hứng. Thường là những cuộc ném nhau đều bất phân thắng bại. Quân đối phương khi xong trận, ai về nhà nấy, còn cánh sơ mít thì về trại, ngồi tụ lại, tha hồ khoe thành tích, nào là ném trúng tay thằng này, trúng chân thằng nọ, nào là tránh được một lúc ba cục đất liền... Những thành tích không được kiểm chứng, nhưng là những niềm tự hào không thể dấu được. Không ai nhớ được đã xảy ra bao nhiêu trận ném nhau, nhưng có điều chắc chắn là chẳng ai bị thương cả. Cũng ở cái “sân hợp tác” này, chúng tôi thường chơi trò bắn hoặc ném dơi. Chạng vạng tối, dơi bay ra rất nhiều, bay loạn xạ trên trời. Không bao giờ ném hay bắn trúng nó cả. Nó né rất tài. Đó cũng là một kiểm nghiệm thực tế cho kiến thức “dơi dùng sóng siêu âm để tránh chướng ngại vật” mà chúng tôi được biết qua sách báo.

24-10-2009 - Một lần giao lưu ở nhà Việt Phương

Ở trại, phong trào văn nghệ cũng xôm lắm. Bọn trẻ, đứa nào cũng biết hát, không biết có hay hay không, nhưng đúng giọng, đúng điệu. Có lẽ đó cũng là một trong những thế mạnh của dân thành phố. Chiều chủ nhật, nhiều đứa trai có, gái có, xúm quanh chiếc radio độc nhất của trại, học hát theo đài. Có lần, cô Tân Nhân (mẹ của Khánh Hoài, Khánh Châu, Khánh Như) về trại, có dạy cho bọn trẻ con chúng tôi một bài hát mới cứng, chưa nghe trên đài lần nào. Đó là bài “Tên lửa sông Đà”: “Đêm nay ta về bên sông Đà, rừng bát ngát nở hoa, suối róc rách reo vui…chiến sĩ…” Tôi chỉ nhớ được có hai câu đó, nhưng nhớ mãi cái cảm xúc được biết một bài hát mới, chưa nhiều người biết, và lại do một ca sĩ nổi tiếng như cô Tân Nhân dạy. Học hát trên đài, nghe hát trên đài, chúng tôi cũng lập ra đội đồng ca, dàn dựng một số bài hát, trong đó nhớ nhất là bài “Quảng Bình quê ta ơi”. Có chia bè, có lĩnh xướng đàng hoàng. Khánh Châu lĩnh xướng giọng nam, Oanh (con cô Liên, chú Nghĩa) lĩnh xướng giọng nữ. Chẳng đi biểu diễn ở đâu cả, chỉ hát cho nhau nghe thôi. Hình như cũng có lần biểu diễn phục vụ các bậc phụ huynh vào thăm trại, dịp Phương Hồng đàn violon đó thì phải. Hồi đó phục Phương Hồng, vì cả trại, ngoài Phương Hồng ra, chẳng có ai được học nhạc một cách bài bản cả. Trong bọn con trai, có mấy đứa biết thổi sáo, cũng là do tự mò, tự học, thổi cho kêu, cho đúng bài là hay lắm rồi. Cả trại chỉ có một ống sáo, chuyền tay nhau thổi. Nhớ Khánh Hoài, không hiểu vì sao một dạo bị các bạn “te lô” (nghỉ chơi), có tật liếm vào lỗ thổi của sáo trước khi thổi. Cả bọn bàn nhau lấy ớt bôi vào sáo. Thấy sáo bỏ không, Hoài cầm lấy thổi, nhăn mặt, phun phèo phèo. Cả bọn được một trận cười. Cái ống sáo ngày ấy là vật bất ly thân của cả bọn. Trong một bài nào đó, Hiếu Dân có nhắc chuyện Trần Dũng bị rắn cắn trên đồng, buộc ga-rô bằng chiếc khăn quàng đỏ. Hồi đó, không biết đi ngủ có đeo khăn quàng đỏ không, chứ đi đâu, đứa nào cũng đeo khăn quàng. Lấy khăn quàng đỏ buộc ga-rô, xong dùng cái ống sáo bất ly thân đó xỏ vào, vặn cho chặt. Đưa về nhân viên y tế (tôi nhớ là chú chứ không phải là cô), đồng chí này dùng dao băm bèo rạch vết thương, nặn máu. Chi tiết này tôi chỉ nghe kể lại, không biết có đúng hay không. Đêm đó, chúng tôi đi ngủ trong niềm xúc động thật sự. Ai cũng lo, nhưng không nói ra. Sáng hôm sau thức dậy, nhìn Trần Dũng vui vẻ, mạnh khỏe, cả bọn cười ha ha. (Đang nói chuyện văn nghệ với ống sáo lại nhảy qua chuyện rắn cắn…Thì tôi nói rồi mà, nhớ gì kể nấy. Trong việc có người, trong người có việc, kể việc này lại nhớ đến việc kia, kể luôn kẻo phải tìm cơ hội khác để kể).

Hoài Nam bế con Mốc ở trung tâm bức ảnh. Chụp ở nhà thờ họ Phùng, có lẽ là năm 1966-1967
Trong ảnh, từ trái qua phải:
Hàng trước: Cường, Khánh, Phương Hà, Phương Liên, Thanh Tú, Khánh Như, Hoa Thiều;
Hàng giữa: Quang (em Thiều), Thanh Bình, Ninh Hà, Hoài Nam bế Mốc, Thúy Oanh, không rõ tên lấp sau Như, Hằng con cô Hảo, Lam Hồng;
Hàng 3: Ngọc (lấp sau Thanh Bình), Kiều Tuấn (lấp sau Ninh Hà), không biết là ai lấp sau Hoài Nam, tiếp đến đứng sau Oanh được đoán là Trần Tuấn, rồi đến Hạnh Phúc, Phương Mai và Bích Liên;
Cuối cùng, cắm mặt vào quyển sách có thể là Đặng Nam và Tuấn Phong (?)
(Còn tiếp)
Xem lại: Trại sơ tán (Ký ức thời sơ tán - kỳ 1) / Ký ức thời sơ tán (2)

11 nhận xét:

  1. Cô bé ngồi ở giữa có tóc đuôi sam 2 bím lắc lẻo, mặt sáng như trăng rằm là ai các bạn có nhận ra không?
    Cô bé Phương Hồng năm 1966-1967 đấy!

    (Trích từ ảnh Phần thưởng, cô chị cùng với cả trại ngồi xem cô em Phương Mai và mấy em học sinh giỏi khác được quà thưởng)

    Trả lờiXóa
  2. Nhà thờ họ Phùng mà Trại trẻ đóng quân là ở xã Thống Nhất (bác Lê chỉ là ông thủ đền chứ không phải trưởng tộc).

    Địa danh Tụy An là của nơi có trường cấp 2 mình học (xã Tụy An, sau này, khoảng năm 68 khi mình đi khỏi Trại trẻ rồi thì xã đổi tên thành Tốt Động, tên trường cấp 2 Tụy An cũng đổi theo thành cấp 2 Tốt Động. Tốt Động nổi tiếng trong lịch sử là do trận chiến thắng của nghĩa quân Lam Sơn chống giặc Minh).

    Hàng ngày bọn mình đi bộ từ xã Thống Nhất sang học ở Tụy An, qua sông Bùi trên cái cầu khỉ bằng tre. Gặp hôm trời mưa bùn trơn nhẫy thì phải bám tay vịn của cầu bằng thanh tre cho chắc, bước lò dò trên cái mặt cầu bằng 2 hoặc 3 cây tre buộc lại, cẩn thận kẻo trượt ngã xuống sông. Ban đầu phải trả tiền cầu, mỗi lần vài xu, sau các cô phụ trách đóng tiền tháng qua cầu, bọn mình đỡ phải cầm tiền đi trả, nên cũng không nhớ là mấy xu một lượt.

    Dân Chính Nhi Thanh học lớp 6 và 7 đều do thầy Ngọn làm chủ nhiệm. Mình còn nhớ dáng thầy cao, còm mảnh khảnh, khuôn mặt và cái răng vàng chóe của thầy (thế mà có lúc nghĩ mãi không ra tên của thầy, hôm về Hữu Văn gặp thằng Tảo, nhớ chính xác tên thầy do hỏi lại nó - nó còn cho biết hiện thầy Ngọn vẫn khỏe mạnh). Thầy Ngọn tốt tính nhưng có vẻ ít tiếp xúc với mấy thằng học sinh sơ mít cá biệt (cá biệt vì cả lớp chỉ có 4 thằng). Mình nhớ là thầy Ngọn rất quý mấy đứa học sinh dân địa phương, to lớn nhất lớp như thằng Thụ, thằng Thẩm... (chắc bọn nó ngoan mà lại được việc – chẳng thế mà khi liên hoan ra trường năm 67, thằng Thụ là đầu bếp chính nấu món thịt lợn kho tàu cho cả lớp xơi). Còn người thầy mà mình không bao giờ quên là thầy Tuấn Hiệu trưởng, giờ mình vẫn áy náy nghĩ tại sao mình không quay về đó gặp lại thầy Tuấn lần nào, không biết nay thầy còn khỏe hay đã sao rồi...?

    Trả lờiXóa
  3. Thân gửi Hiếu Dân và các bạn,

    Cám ơn bạn về lời chúc mừng. Đám cưới của các cháu hôm qua rất đông vui và tình cảm. Đối với mình, không chỉ vui vì hai cháu thành vợ thành chồng mà còn vui vì tình cảm của anh em bè bạn, đồng chí, đồng nghiệp, từ các anh lãnh đạo tỉnh đến các anh thợ xếp chữ, các anh chị phóng viên, quay phim, nhiếp ảnh. các cô phát thanh viên, các cô tạp vụ, các anh tài xế…Anh Bảy Thuận, cựu Giám đốc đài PTTH tỉnh (80 tuổi, nhưng vì công tác cùng cơ quan cách đây 20 năm nên mình gọi là anh) một mình đi xe tốc hành từ Sài Gòn về Vũng Tàu dự lễ vu quy của cháu rồi để về ngay vì sợ tối dự xong đám cưới không còn xe. Bạn Phương học cùng lớp 8B sơ tán ở Tốt Động, gần TTST của mình đó, đánh xe của Cty TNHH về cũng chỉ để dự lễ vu quy, vì sợ đám cưới “dây thun” như ở SG, mời khách từ 18 giờ mà đến 21 giờ mới khai tiệc. Mình “gán ghép” ngay cô Phó Giám đốc hết tập một, chưa có tập hai này với anh cựu Giám đốc già để hai người cùng ở lại dự đám cưới. Đám cưới ở Vũng Tàu, vì không sợ nạn kẹt xe nên không đến nỗi dây thun như ở SG, mời 17h30 thì đúng 18h30 là “dzô, dzô, dzô” rồi.

    Chiếc cầu tre trên sông Bùi mình vẫn nhớ, nhưng chưa có dịp kể tới. Trên chiếc cầu này, mình đã một đôi lần kẹp chiếc xe đạp đi qua. Hồi đó sao mà tài thế, chỉ thua nghệ sĩ xiếc cầm ngang cây gậy dài đi trên dây một tý. Được tập luyện ngay từ lúc đó nên 10 năm sau, về quê xứ dừa, mình đi cầu khỉ ngon lành. Tên sông là sông Bùi thì bây giờ đọc thư Dân, mình mới nhớ (hoặc mới biết). Trên con sông này mình còn có một kỷ niệm chưa có dịp kể. Hồi đó, bọn sơ mít học lớp 7 trọ nhà dân gần trường để ôn thi hay luyện thi gì đó. Một lần đi tắm sông, chỉ có thể là con sông Bùi này, đang ở giữa dòng thì có tàu bay Mỹ. Một chiếc thả ra một “vật thể bay”. Chưa thấy bom bao giờ, mình tưởng đó là bom, bơi vội vào bờ, núp sau một đụn rơm. Cái “vật thể bay” đó lúng liếng rơi, tiếp đất im re. Sau này mới biết đó là thùng dầu phụ. Trên đường về trại, thấy nó nằm chình ình dưới ao, hiền lành, dễ thương, hiền lành như một trái cà dái dê khổng lồ bằng nhôm màu trắng.

    Tên thầy chủ nhiệm lớp 7 mình cũng không nhớ, qua thư Dân biết đúng là thầy Ngọn. Hình ảnh của thầy Dân nhớ khá chính xác, mình hình dung ra ngay. Kỷ niệm về thầy không nhiều, chỉ nhớ nhất là hình ảnh “khi thầy viết bảng”. Đó là kỳ thi tốt nghiệp cấp II, phòng thi là lớp khác, trong làng. Thầy Ngọn, một trong những giáo viên khui phong bì đề thi toán. Thầy đi nhanh qua lớp, nơi thi, im lặng viết lên bảng một dòng công thức rồi xóa ngay và đi ngay, không nói một tiếng nào với học sinh của mình. Thật là may cho những đứa nào hiểu được ý thầy, như Tôn Ngộ Không hiểu được ý của ba cái cán quạt sư phụ đập vào đầu gợi ý, chép ngay cái công thức viết vội đó và giải bài toán khó nhất trong đề thi một cách ngon lành.

    Vậy đấy, mỗi người mỗi chuyện, mỗi người mỗi ý, gom góp lại, chọn lọc ra, xâu chuỗi lại, chúng ta sẽ xây dựng được một bản “trường ca thời sơ tán”, đúng không?

    Thân mến,
    Huỳnh Dũng Nhi

    Trả lờiXóa
  4. Đúng rồi, kỳ thi tốt nghiệp lớp 7, thầy Ngọn có gợi ý cho phòng thi như Nhi kể - thầy vào lớp chẳng nói lời nào, viết ở góc rồi lại xóa (ngày ấy đã "tiêu cực" rồi, có lẽ do thầy vừa mong thành tích, vừa thương học sinh!).

    Nhớ nhất thầy Tuấn, biết vì sao không? Ngày ấy mấy thằng mình nghịch ngợm bẻ trộm mía bị dân làng bắt. Sau đó, thầy Tuấn chẳng phê bình gì cả, từ tốn nhẹ nhàng hẹn bọn mình chủ nhật đến trường. Mấy thằng Thanh Chính Nhi Dân mừng vì không bị kỷ luật mắng mỏ, chỉ hơi lo không biết thầy hẹn đến làm gì. Sáng chủ nhật đến trường, thầy kéo cả 4 đứa ra cùng đắp cái nóc hầm chữ A, ở góc ngoài cổng trường, vừa làm thầy vừa hỏi han, trò chuyện vui vẻ, chưa hết buổi sáng đã xong việc, được về. Mình cảm nhận được tình thương của thầy đối với những đứa trẻ thành phố xa gia đình. Nhưng phải cái tội nghịch ngợm khó sửa, sau mấy thằng mình đến ở nhờ cạnh trường để ôn thi lớp 7, lại rủ nhau đêm mưa rào tầm tã đi ăn trộm hom cá... Lúc đầu là đem đèn pin đi soi ếch (sao hồi đó mình có đèn pin? Cũng giàu đấy chứ!), sau không bắt được ếch (vì dân thành phố làm gì có đủ kinh nghiệm mà bắt ếch) thì bắt trộm hom của người ta đặt ở đầu bờ ruộng. Vui nhât là khi mình giũ hom chẳng thấy cá đâu, bất thần một con rắn dài loằng ngoằng rơi ra quằn quại, hoảng quá, hồn vía lên mây, cả lũ cong đít chạy, trượt ngã bì bõm, vừa chạy vừa cười sặc sụa trong đêm mưa.

    Lần Trần Dũng ngã từ trên cây xoan trong vườn (bên cạnh chỗ sau này bác Lê cho Trại trẻ đào hố, làm cái nhà cầu bằng phên nứa) thì mình đứng gần đấy. Đầu tiên nghe tiếng rắc, nhìn lên thấy cành xoan rất to gãy đang bay xuống, Dũng ôm chặt cành cây rơi theo, bịch xuống đất nằm lịm. Mình chạy vội đến hỏi có sao không định đỡ dậy, Dũng lắc đầu nói "không", rồi gục xuống một lúc trước khi nhăn nhó bò dậy. Còn chuyện Hoài nói nằm một lúc "cho có hơi đất" thì chắc là nói sau này (tính Hoài vẫn hay tỏ thông thái hơn bạn bè đồng lứa mà).

    Không có nhiều thời gian để "chuyện cũ nhớ lại" nhân đọc hồi ký của Nhi, nhưng chắc chắn là cứ từ từ sẽ nhớ ra nhiều lắm, nhất là nếu có gì gợi lại, hoặc có thời gian chỉ để nói, ôn chuyện cũ...

    Chẳng hạn như mấy chuyện này chắc Nhi còn nhớ:

    - Dịp sang ở Tụy An để ôn thi bọn mình phải tự nấu cơm, gánh nước. Hàng ngày ra sông Bùi bơi, lặn. Đúng dịp ấy có hôm nhật thực, nhìn thấy mặt trời tròn vạnh bị nuốt dần tối sầm, dân làng gõ chiêng trống xoong nồi um cả lên?
    - Khánh Hoài bị cả bọn (Nhất Phương, Trần Dũng, Chính, Nhi, Dân) không ưa vì sao? Đúng là trẻ con, Nhất Phương nghĩ ra trò ra đồng hái quả ké đầu ngựa về, chờ Hoài ngủ say thì trùm chăn xoa vò đầu, để ké đầu ngựa dính lên đầu như kiểu "cảnh cáo"? Khổ thân Khánh Châu bị mọi người có phần phớt lờ đi vì là em của Hoài (nhưng hồi đó Châu vô tư nên không biết chuyện)?
    - Ngõ từ nhà bác Lê ra, đến ngõ nhà bọn con gái (mấy chị em Phương Hồng ở) chi chít những chữ khắc lên cây xương rồng để trêu chọc, gán ghép nhau: "Dũng Hồng", "Nhi Liên", "Chính Mai" v.v...? Riêng Hiêu chẳng bị (hay được) ghép với đứa nào cả!
    - Trò chơi quân đội, phong chức cho nhau và đeo quân hàm, tước quân hàm, hạ chức, đầu têu là Nhất Phương, song Trần Dũng, Chính, Nhi, Dân cũng ủng hộ nhiệt liệt. Chơi một thời gian, các em trong trại cứ răm rắp như quân đội thật, ở báo Nhân Dân nghe tin, sợ bọn trẻ con chơi trò này sẽ có tính xấu ham chức tước, địa vị từ bé, bèn cử Đoàn Thanh niên cơ quan vào nằm vùng để cải huấn, cho đến khi chắc chắn trò chơi bị dẹp bỏ hoàn toàn. Các chú vào ở trong Trại trẻ phải đến nửa tháng, mang rất nhiều đồ chơi vào: bóng bàn, bàn bóng đá, thư viện, tú lwo khơ, cá ngựa... và phát động thi đua diễn văn nghệ, viết báo tường... Trong số các chú vào dịp đó, mình nhớ nhất chú Bào hói, vì chú ấy thích đi bơi sông Bùi, cho mấy thằng lớn bọn mình đi cùng.

    V.v... Nhiều chuyện lắm. Có lẽ đành nhờ Nhi kể lại thôi, mình luôn thiếu thời gian...
    :-))

    Trả lờiXóa
  5. Về chuyện lập quân đội ở trại trẻ, tôi nhớ có lần đã kể chuyện này trên blog, bây giờ thêm một số chuyện:

    1. Hồi đó các anh lớn như Phương, Dũng, Nhi...tập hợp mấy đứa trẻ chúng tôi lại họp thành đại đội theo như kiểu quân đội du kích Cu Ba. Hình như các anh ấy tôn thờ ông Fidel Castro lắm. Ban chỉ huy đại đội lập tổng hành dinh trên cái gác xép ở cái buồng bên trái nhà bác Lê, trong đó hình như chứa các dụng cụ sản xuất thì phải. Cái thang trèo lên gác xép đó ở ngay cạnh cửa ra vào buồng đó. Các anh chỉ huy đại đội hay hội họp trên đó, có vẻ bí mật và nghiêm trang lắm. Bọn trẻ chúng tôi đâu có được phép vào buồng đó đâu. Đứa nào được các anh kêu vào buồng đó để nghe chỉ thị thì thấy mình có vẻ oai lắm.

    2. Anh Hoài vì tính tình anh ấy như con gái thường bị bạn bè cùng lứa tuổi hay trêu trọc. Chứ anh ấy được làm chính ủy đại đội, cũng oai lắm đấy chứ!

    3. Sân nhà bác Lê thường làm nơi tập trung đại đội để nghe huấn thị và tập "đi đều bước". Mỗi khi đại đội được tập hợp, bọn trẻ ít tuổi đứng ngoài sân tỏ vẻ thán phuc và ao ước lắm.
    Đám con gái lớn cũng rất thích, nài nỉ các anh chỉ huy cho tham gia quân đội. Nhưng các anh chỉ huy lớn rất nghiêm và nguyên tắc lắm, nói rằng bộ đội chỉ tuyển lấy nam thôi. Đúng quá chứ sao! Thế là các cô rủ nhau mách Mẹ An, khóc lóc và ỉ eo quá. Mẹ An thân hành đến tận bộ chỉ huy quân sự tại gác xép nhà bác Lê và nói năng sao đó, thế là các anh chỉ huy đó đồng ý, nhưng chỉ nhận một số người mà thôi, chứ không phải tất cả. Các bạn thấy không, các anh chỉ huy cũng đáng kính nể đấy chứ, ngang hàng cả người lớn!

    4. Các anh chỉ huy hồi đó dạy quân sĩ của mình cũng khá nhiều và bài bản. Ngoài tập đi đều bước, còn được học cách nhận dạng ký hiệu trên đường đi, định hướng hành quân, học các ký hiệu mooc xơ tạch tè tạch tạch tè tè...(học hiểu nhau qua cách nói tạch tè ấy, hoặc giơ tay phất ngang qua lại như các chiến sĩ hải quân trên tàu chiến đánh tín hiệu)... Tôi cũng không hiểu các anh ấy học ở đâu mà thấy lắm tài thế.

    5. Phải thừa nhận các anh chỉ huy rất nghiêm khắc trong việc giữ kỷ luật quân đội. Tôi một lần trót dại trèo lên cây mơ ở vườn nhà trước cái đền thờ họ Phùng (nay bây giờ là nơi tưởng niệm liệt sĩ họ Phùng), hái vài quả mơ thôi bị chủ nhà vườn đó bắt được, báo lên các cô phụ trách trại trẻ biết. Thế là anh Phương tôi, lúc đó là Đại Úy, đại đội trưởng ra quyết định cách chức tôi xuống 2 bậc từ thiếu úy xuống thượng sĩ. Xấu hổ với đàn em ít tuổi hơn trong quân đội, tôi tự ái đào ngũ ra ngoài. Mặc dầu vậy, tôi vẫn cứ nhớ đại đội lắm. Thỉnh thoảng, buổi tối, tôi ra chỗ giã gạo ở sân nhà bác Lê lấy cớ giúp bác Lê làm việc nhà, thực ra để lén xem anh em trong đại đội tập tành trên sân, và lại thấy tiếc mình đã bỏ ngũ vội quá!

    (còn tiếp)
    Nguyên

    Trả lờiXóa
  6. (tiếp theo)

    6. Sau này, không biết có phải vì sợ mấy đưa trẻ ham chức tước như Dũng Nhi nói không, nhưng Báo Nhân Dân đã cử các anh chị trong Đoàn TN xuống tổ chức thành lập đội TNTP. Tôi nhớ tối hôm đó, tại sân nhà bác Lê, toàn bộ các anh trong ban chỉ huy đại đội cùng một số em lớn tuổi khác, trong đó có tôi họp tự kiểm điểm từng người. Phải nói rằng các anh ấy rất hồn nhiên trong sáng, chân thành kể ra hết những khuyết điểm của bản thân mình, nhưng lại nói rất nhiều về mặt tốt của bạn mình. Tôi chỉ nhớ rằng đến lượt tôi, tôi không biết nói gì cả. Nhưng các anh ấy nói rằng tôi có khuyết điểm hay tự ái, nghịch ngợm..., tôi nhớ là tôi không hề có cảm giác mình bị phê phán, vì không khí buổi góp ý anh em rất chân thành với nhau. Đến phần nói ưu điểm của tôi, mọi người ớ ra không biết nên nói thế nào. Sau có anh nào đó, tôi không nhớ tên, nói rằng tôi rất chăm chỉ lao động, cần cù, chịu khó (vì hồi đó tôi rất hay giúp bác Lê làm các việc giã gao, xay lúa, băm bèo....) Mọi người ồ lên nói đúng đấy và điều ấy được các anh chị Đoàn TN ghi chép vào trong sổ tay rất cẩn thận, ai cũng có khuyết điểm và ưu điểm cả. Tôi nhớ buổi họp đó dù tôi không nghe được nhiều các anh ấy đã nói những gì, nhưng tôi vẫn cảm thấy đó là buổi họp kiểm điểm "phê và tự phê" đúng nghĩa nhất mà tôi chưa từng gặp bào giờ trong các cuộc họp Đoàn TNCS HCM và Đảng CS VN của tôi sau này.

    Tiếc thay, Đội TNTP được thành lập đã không còn sức hấp dẫn như thời đại đội quân đội thân thương ấy. Có thể do các anh lớn, linh hồn của tập thể ấy, sau này đã đi học ở các trường xa, không còn ở trại trẻ nữa. Nhưng cái chính là do các anh chị phụ trách đội chưa phải "người của chúng mình". Tổ chức do chính mình lập ra phù hợp với ao ước của bọn trẻ tạo nên sự hấp dẫn đích thực. Bọn trẻ con chúng ta hồi đó nhạy cảm lắm. Chị gì phụ trách đội bị nhiều người lớn trong trại trẻ kêu quá! Tiêm cho các em không hiểu thế nào, đứa nào cũng đều bị sưng áp xe hết, chỗ sưng ấy nổi to thành cục thịt trên cánh tay.

    Hồi đó, tôi cũng hay viết nhật ký, đến tối khuya, thắp đèn dầu lên để viết nhật ký. Và viết được chừng 3 quyển sổ đâu có ít! Má tôi đôi lần đọc nhật ký của tôi cũng phải phì cười. Nhưng không hiểu vì sao, trước khi rời trại trẻ đi học cấp 3 ở nơi khác, tôi lại đem đốt những quyển số nhật ký đó. Nghĩ lại, thấy tiếc vô cùng.

    Cám ơn Dũng Nhi nhiều nhé! Mong Dũng Nhi, cùng Dũng Nhân, và nhiều Dũng ... khác nữa viết được nhiều câu chuyện hay.

    Thân,
    Nguyên

    Trả lờiXóa
  7. Đọc những dòng các bạn góp thêm những kỷ niệm về thời sơ tán, tôi cũng nhớ thêm, hoặc muốn kể thêm một vài chi tiết mà có nhớ, nhưng chưa kể. Như chuyện “quân đội” của đội quân sơ mít chẳng hạn. Đúng là có bị giải tán sau đợt “chỉnh huấn” như Hồ Nguyên kể, nhưng sau đó được tái thành lập bằng cách rút vào bí mật. Phong quân hàm cho nhau bằng cách rỉ tai, đứa này là đại úy, đứa kia là thượng sĩ, trung sĩ v..v…Quân đội bí mật này tồn tại không được bao lâu, vì chẳng còn tý hấp dẫn nào cả. Trước đó công khai đeo quân hiệu làm bằng bìa vở cắt thành hình quả trám, đến lúc này thì hoàn toàn không thể. Bài “Tiến bước dưới quân kỳ” không có dịp trở thành bài hát chính thức của đội quân này. Mọi hoạt động vẫn diễn ra như là không có quân đội. Thế là đội quân chìm vào quên lãng.

    Năm 1967, năm tôi và Dân, Chính Thanh học lớp 7, là năm Phương, Dũng, Hoài học lớp 8, không còn ở trại nữa. Trần Dũng lúc này hình như được đi học nghề ở Liên Xô. Việc Trần Dũng học nghề ở Liên Xô tôi nhớ chính xác, chỉ không chắc chắn là có phải năm đó hay không. Sau này, khi tôi học ở Hung, tôi có nhận được thư của Dũng, có kể về cô bạn gái tên là Vera (Bepa)-Niềm tin. Lá thư đó hiện nay tôi vẫn còn giữ, trong chiếc va ly chứa đầy những kỷ niệm về “thời sơ tán” ở Hungary cất trong tủ nhà Ngọc Thụy.

    Chuyện đi trọ học ở nhà dân, đêm mưa bão soi đèn pin đi bắt ếch, tôi cũng nhớ. Có cái là không bắt được ếch thì đi gỡ trộm ống trúm lươn của người ta, đổ ra thấy rắn, hoảng hồn quăng chạy. Tôi nhớ là ống trúm lươn, vì các anh chị ếch không dại gì mà rúc đầu vô trúm trong một đêm mưa gió lãng mạn như thế này. Còn chuyện này nữa: một buổi chiều, bác chủ nhà bảo nhà có mấy con gà choai bị rù tiệt, mấy chú khỏe chân khỏe tay đuổi bắt hộ, ta làm thịt, chén. Gì chứ rượt bắt gà là một trò thú vị, lại được thực hiện một cách hợp pháp, cả bọn ngay lập tức nhiệt tình hưởng ứng. Năm bảy chú gà tội nghiệp nhanh chóng bị tóm gọn. Bác chủ cho vặt lông, làm lòng, rồi bằm nát cả xương lẫn thịt, cả chân đầu cổ cánh, rang muối với tỷ lệ 2 hỗn hợp thịt xương với 1 muối, để dành ăn dần. Tất nhiên là bữa cơm của đám học trò ở trọ cũng có thêm được chút ít thức mặn cho dễ lùa cơm, nhưng chắc là không thú vị bằng thịt gà (rù) luộc chấm muối tiêu chanh rồi.

    Những chiếc bảng xanh màu lá xương rồng khắc đầy những tên được các bạn “gán ghép” thành đôi đó, nghe Hiếu Dân nhắc lại, tôi mới nhớ, và có điều như mới biết. “Dũng Hồng”, “Chính Mai”, sao lại có “Nhi Liên” nữa? Mà tôi lại không nhớ gì về bạn Liên cả, thật là vô tình phải không?

    Tôi đã lầm khi nói là đã đọc hầu hết các bài viết của các bạn. Thực ra thì còn nhiều bài chưa đọc, nhất là những bài viết từ các năm trước. Nếu đọc kỹ hơn, tôi đã biết Thanh Hà làm nghề gì rồi. Có điều vẫn chưa hình dung được “dung nhan” của bạn. Có một tấm hình Thanh Hà song ca với chị Nhi, nhưng không chú thích rõ người bên trái hay người bên phải, cột khăn rằn hay không cột khăn rằn, tôi không dám mạo muội đoán. Vậy đấy, bạn cũ mà không nhận ra nhau… Hơn 40 năm rồi, còn gì. Có cái gì đó giống như là làm quen với bạn cũ. Vui và cảm động lắm. Nhờ có trang web-blog của TTST, nơi mà “những bạn cũ từ bốn phương trời, tụ họp về đây thành trại mới” để ôn kỷ niệm ngày xưa, hiểu nhau hơn trong cuộc sống hôm nay.

    Thân ái chào các bạn.
    Huỳnh Dũng Nhi

    Trả lờiXóa
  8. Người treo cái khăn rằn trên cổ, hát với chị Nhi ở đảo Cối Xay Gió chính là Hà. Ngày xưa Thanh Hà và ông anh Huy Giao ở Trại trẻ đều ghẻ kềnh ghẻ càng tay chân đầy nốt mưng mủ, mình nhớ là hồi ở ở nhà thờ họ Phùng, Huy Giao đã bé tý rồi, Thanh Hà còn tý tẹo hơn. Xem Thanh Hà tự giới thiệu, bấm vào đây, bài Gửi anh Bình.

    Còn Lã (Thị) Bích Liên là con gái lớn nhà cô Huỳnh, chị của Đạt và Cường. Liên học cùng lớp với Nguyên, (hồi ấy đã lớn và xinh lắm, nên gán với Nhi là có ý tốt cho bạn đấy!) Xem ảnh ở đây: Tình cảm không nghỉ hưu trí.

    Hồ Nguyên nói Khánh Hoài làm "Chính ủy" của "Quân đội" nhà trẻ thì chắc là nhớ nhầm. Vì hai chức to nhất của "Quân đội" nhà trẻ là Đại đội trưởng và Chính ủy đã do Nhất Phương và Trần Dũng tự nhận (mình nhớ Đại đội trưởng là Dũng thì phải). Khánh Hoài về trại sau mọi người nhưng lại học lớp 7 bằng Dũng, Phương - nên 2 "thủ lĩnh" sau khi bàn bạc, có bọn mình trong "Ban chỉ huy" dự, được thống nhất "phong" cho làm "Thượng úy" (tức là hơn "chức" của Dân, Chính, Nhi - khi đó đang là "Trung úy"). Lúc đó Dũng và Phương là "Đại úy", sau 2 "đồng chí" tự phong lên chức "Thiếu tá" thì trò chơi bị dẹp.

    Chuyện vui về Khánh Hoài còn nữa, để lần sau, khi nào có thêm thì giờ hơn mình sẽ kể - đó là Vụ Án Oan cho bọn mấy thằng mình và Nhất Phương, Trần Dũng, sau khi trùm chăn xoa quả Ké đầu ngựa vào tóc Hoài, nhưng lại bị mang tiếng là trùm chăn để đánh Hoài (tất cả mọi người lớn - các cô, chú, bác - đều nghĩ như vậy)!

    Trả lờiXóa
  9. He, bây giờ nhắc chuyện ghẻ kềnh ghẻ càng là em... giận đấy!
    Ha Pham

    Trả lờiXóa
  10. Chẳng thấy Lê Khánh Hoài tham gia cùng mọi người vào blog, nên mình muốn "xin lỗi Hoài" mà chưa có dịp (học theo như Nhi đã xin lỗi các bạn cũ trên blog)
    :-))
    ...Thôi thì cứ từ từ vậy.
    Hiêu

    Trả lờiXóa
  11. Ngày trước mình vẫn nhớ địa danh "Trúc Sơn", nay kiểm tra trên mạng thành ra biết chính xác là "Chúc Sơn". Đó cũng thêm một cái mới trong hiểu biết của mình. Giống như tên con sông Bùi vậy, ôn lại chuyện cũ mới nhớ hoặc biết.

    Bây giờ thì mình hoàn toàn tự tin là mình đã đoán đúng rằng ai là Thanh Hà, có lẽ một phần vì mình luôn có cảm tình với chiếc khăn rằn. Thanh Hà đừng giận anh Dân về cái vụ "kềnh càng" đó, ai cũng biết bây giờ dùng Dove thì chẳng ai nghĩ đến lá xoan đâu.

    Còn Liên thì mình biết là con bác Huỳnh. Nhìn ảnh Liên, và nhớ tới những cái lá xương rồng, mình cứ nghĩ giá như vẫn còn "những ngày xưa sơ tán"... Mình cũng nhớ Cường, đặc biệt là nét cười. Có lần xem TV, đọc báo, thấy có nói tới một nhạc sĩ tên Cường, họ Lã, lại nghĩ không biết có phải là Cường đồng trại không?

    Xem phần ý kiến nhận xét, mình ngạc nhiên là có một đồng chí nặc danh nào đó nói về bài thơ "Đời tôi yêu" và chùm truyện "Nghĩ mà cười" của mình. Hai "tác phẩm" này mình chỉ mới gửi cho một ông bạn hưu trí ở Vũng Tàu thôi. Cũng là để các bạn giải trí.

    Thân mến,
    Huỳnh Dũng Nhi

    Trả lờiXóa