14/10/10

Ký ức thời sơ tán (5)

Huỳnh Dũng Nhi
(Tiếp theo kỳ trước (4))

Trường học cấp II ở Tốt Động, nơi có đền thờ các vị tướng đã làm nên chiến thắng có tầm cỡ chiến lược ở Tốt Động trong cuộc kháng chiến chống quân xâm lược nhà Minh. Theo sử sách, tham gia trận đanh có ba cánh quân, do Lý Triện, Đinh Lễ và Nguyễn Xí chỉ huy, không nhớ là ở đền thờ Tốt Động thờ vị tướng nào hay cả ba vị. Trước trường là một cái ao lớn, có thả sen. Đường từ trại đến trường khá xa, không nhớ là bao nhiêu cây số. Đó là một con đường gian khổ, nhất là vào mùa đông, mưa phùn, gió bấc. Đường đầy bùn đặc quánh nhưng lại cũng rất trơn. Mang dép cao su kể như thua vì không biết bao nhiêu lần phải dừng chân rút dép. Thật ra mang dép cũng chẳng để làm gì. Để ấm cũng không, để sạch cũng không, để cho đẹp, cho lịch sự lại càng không nốt. Vậy thì cởi quách, giấu trong bờ ruộng, đi học về lại lấy lên, đem về trại, chùi rửa cẩn thận, để rồi hôm sau đi học lại cởi ra, giấu trong bờ ruộng… Hình như có một quy định bất thành văn là đi học phải mang giày dép, quần áo sạch sẽ, gọn gàng. Dép thì như vậy rồi, còn quần áo thì không biết có gọn gàng không, chứ sạch sẽ thì chắc chắn là không rồi. Vồ ếch quần áo bẩn, khỏi phải nói làm gì, nếu không thì cũng khó mà không lấm một ít bùn đất. Mà hồi đó quần được quy định (bất thành văn) là màu xanh công nhân, còn áo thì chỉ hai màu nâu hoặc xanh, có dính chút bùn đất cũng vẫn cứ coi như là sạch. Áo trắng được coi là xa xỉ, đồng thời cũng là “mục tiêu quân thù”(ngày xưa áo trắng em yêu, bây giờ áo trắng mục tiêu quân thù). Cũng như cái đèn pin vậy. Phải lấy vải dù làm một cái túi, thắt miệng túi lại, chỉ chừa một lỗ bằng hột đậu để khi rọi, quân thù khỏi nhìn thấy. Chẳng biết có trường hợp nào máy bay địch lao xuống oanh kích một chiếc áo trắng, một ánh đèn pin nào chưa, nhưng rõ ràng là mọi người đều rất tin điều đó. Thực ra, áo trắng thời đó, nếu không phải là xa xỉ thì cũng khó giặt sạch cho “trắng sạch như mới” đến mức“ngạc nhiên chưa” bằng xà bông cục bảy mươi hai phần dầu, nên nếu không “để em yêu” thì cũng ít ai mặc. Còn đèn pin thì chỉ có một số vị chức sắc mới có. Đèn pin Trung Quốc, xà cột vải bạt, chiếc xe đạp quấn đầy len đủ loại màu ở ghi đông, có con bướm hoặc bông hoa sặc sỡ rung rinh trên hai sợi dây phanh kết lại đằng trước xe - là phương tiện làm việc, đồng thời cũng là một cái mốt của các chú, các bác…

Trở lại chuyện học hành. Bọn trẻ sơ tán hồi đó không có ai là học sinh kém, học sinh cá biệt cả. Học sinh giỏi toàn diện hình như cũng không có. Ham chơi, nghịch phá, nhưng không ai sao nhãng việc học hành. Học dưới ánh đèn dầu, tập vở giấy đen thui, thường là giấy khổ “năm hào hai” cắt ra làm đôi, kẹp miếng bìa, đóng lại thành hai cuốn vở. Bút ngòi lá tre, có được ngòi bút Trung Quốc, loại có cái chấm tròn ở mũi là thích lắm rồi. Học sinh các lớp lớn thì có bút máy Hồng Hà, vừa viết vừa rảy, có khi phải chà ngòi bút đến rách cả giấy cho ra mực. Xin mực nhau là chuyện thường. Khi một cây bút hết mực liền được “tiếp mực trên không”, mực xanh hòa mực tím thành mực chết cũng không sao. Học cứ lên lớp đều đều. Hồi đó chỉ tiếc cho Bích Diệp (con cô Bích Hà), bị đau chân từ nhỏ, ở Hà Nội thì đi học được chứ đi sơ tán thì phải ở nhà. Năm đó Diệp học lớp bảy. Không biết “sáng kiến hòa bình” của ai, mà theo đó, Diệp cứ việc ở nhà, còn tôi đi học về là “kể lại bài” đã học ở trường cho Diệp, đến lúc kiểm tra thì Diệp làm bài gửi tôi đi nộp. Việc này chỉ thực hiện được trong một thời gian ngắn. Diệp khá môn văn, tôi cũng vậy, nên chỉ có môn này là tôi “kể lại” khá đầy đủ, còn các môn khác thì cứ như chuồn chuồn đạp nước vậy. Tôi không có khiếu sư phạm, sờ tay ra sau đầu mấy lần mà chẳng thấy cái “bướu sư phạm”nào cả. Vả lại, tôi cũng có ít nhiều ngại sang nhà “bọn con gái”. Có lần tôi sang, Ninh Hà (con cô Tuệ Quỳnh), cô bé có đôi mắt đẹp và có chữ viết đẹp nhất trại, kêu Diệp: “Chị Diệp ơi, dậy, học. Người ta sang này”. Sao lại là người ta?

Năm lớp 7 ấy, tôi được đi thi học sinh giỏi văn cấp huyện. Nếu Bích Diệp được đi học, rất có thể Diệp cũng được đi thi học sinh giỏi. Tôi nhớ mãi ngày đi thi ấy. Dậy từ 3 giờ sáng (không nhớ có ai gọi không, nhưng chắc chắn là không có đồng hồ báo thức), tay ôm giấy bút, tay cầm cái gậy bằng cây sắn đã chuẩn bị từ chiều hôm trước cầm theo để đánh chó, lên đường. Đường đi qua một cánh đồng (nơi Trần Dũng bị rắn cắn ), gần đó có một bãi tha ma, nghe đồn có nhiều ma trơi lắm. Tôi cắm đầu cắm cổ bước, tâm niệm một điều được những người dày dạn kinh nghiệm đi đêm dạy: “Nghe tiếng bước chân ở đằng sau là tiếng dép của mình đó. Đừng có quay đầu lại, nếu không thì dễ nhìn gà hóa cuốc, thấy cây duối cũng thành con ma đấy”. Không quay đầu lại, cắm cúi đi, không gặp con ma nào, cũng không có con chó nào tấn công cả. Đến trường, cô bé học sinh lớp 7 đi thi học sinh giỏi toán, có cái tên dễ nhớ là Thanh Thanh, cũng là dân sơ mít, đã đợi sẵn cùng chiếc xe đạp mượn của cô giáo. Thi ở Chúc Sơn. Trên đường chở bạn đi Chúc Sơn không gặp anh thanh niên nào “tránh trái, tránh phải”, đến kịp giờ. Đề thi năm ấy là “Em hãy phân tích (hay chứng minh gì đó) bài thơ “Chào Xuân 67” của nhà thơ Tố Hữu”. Sau đó là chép tay toàn văn bài thơ và bắt đầu làm bài. Đây là lần đầu tiên tôi được đọc bài thơ này và cũng thuộc luôn sau buổi thi hôm ấy. Bỏ ra nửa thời gian để làm giàn bài và viết nháp, tôi nộp bài đúng giờ, tự hài lòng với mình là đã viết một cách “xuất thần”. Về trường, đưa bản nháp cho thầy cô xem, các thầy cô khen và tỏ ra hy vọng. Nhưng kết quả là chẳng được gì cả, vì bài của tôi sai thể loại, không phải là chứng minh mà là phân tích (hay ngược lại gì đó). Đúng là một trong hai thể loại này, trường tôi chưa dạy. Thế là thất bại. Bù lại là kiểm nghiệm được bài học tránh gặp ma và quen thêm cô bạn giỏi toán, có cái tên dễ nhớ.

Đi sơ tán, những điều học được không phải chỉ ở nhà trường, hay nói cách khác, môi trường sơ tán cũng tạo ra một trường học. Ở môi trường đó, ở trường học đó, chúng tôi học được rất nhiều điều. Cuộc sống ở nông thôn, ở ruộng đồng đem lại những hiểu biết, những kỹ năng mà ở thành phố không thể nào có được. Đi sơ tán, tôi biết thêm bao nhiêu thứ. Biết giã gạo, tất nhiên chỉ “gạo giã chày chân” thôi, là giã gạo bằng chày theo nguyên tắc đòn bẩy, nắm sợi dây treo trên xà, nhún chân đạp trên phần cuối của thân chày, cho cái chày rơi xuống cối gạo. Khỏe thì làm hai đứa, yếu hơn thì làm ba đứa, bốn đứa. Biết đập lúa. Xoắn cái “cù nèo” vào bó lúa cho chặt, rồi đập xuống một cái cối đá úp ngược. Cái khó nhất là bung “kèo nèo” cho bó lúa văng ra phía trước chừng năm, bảy thước, rơi vào đúng đống bó lúa đã đập xong. Trong làng, nơi trại sơ tán đóng quân, có một cái sân đập lúa như thế. Bọn tôi thường ra đó chơi, chạy nhảy, đuổi bắt. Trần Minh (con cô Bình Định), trong một lần đuổi nhau, chạy nhảy thế nào trượt té, đập tay vào cối đá, gãy tay phải bó bột, tất nhiên là nhẹ hơn tôi hồi bị gãy chân nên không bị (hay được) đưa về Hà Nội. Rồi biết đi nhổ sắn. Nhổ sắn giúp dân chứ không phải là nhổ sắn trộm. Nếu là nhổ trộm thì cứ nhổ đại, được củ nào thì được củ nấy. Còn nhổ sắn đây là phải nhổ thế nào cho được nguyên bụi, không sót củ nào, không gãy củ nào. Đi nhổ sắn còn có một thú vui là ăn sắn sống ngay trên đồi. Chỉ cần lấy dao khứa một đường dọc củ sắn, tách vỏ ra, thế là một khúc sắn trắng nõn nà trở thành một món ăn vừa giòn, vừa ngọt, vừa mát phục vụ ngay cho người vừa giải phóng nó ra khỏi lòng đất. Người ta nói ăn sắn sống bị say, nhưng chúng tôi được biết chỉ sắn chạy chỉ vàng, nếu sắn ăn sống mới say thôi, nên cứ ăn vô tư. Còn đi bẻ ngô thì không được ăn ngoài đồng, vì chẳng mấy ai ăn ngô sống, nhưng đi giúp bà con bẻ ngô về, thế nào cũng được chiêu đãi một bữa ngô luộc no nê. Giúp bà con tẻ ngô thì được đãi ngô rang, thứ ngô vừa mềm, vừa ngọt, không như thứ ngô răng ngựa xay ra nấu độn cơm, nhai sái cả quai hàm. Có mấy việc muốn làm nhưng tập mãi mà không làm được. Đó là sàng, xảy. Làm mãi mà thóc, gạo, trấu cứ đoàn kết xoắn xuýt lấy nhau, chẳng chịu chia thành phe phái riêng biệt gì cả. Còn đi gặt thì tôi biết làm từ năm lớp 8, cũng là chuyện trong thời sơ tán nên kể luôn. Buổi đi gặt đầu tiên là một buổi sáng, bác chủ nhà thân mật mời chúng tôi, bốn thằng học sinh háu đói, một bữa cơm gà. Không biết vì đâu mà có sự trịnh trọng đến thế, nhưng trong tình cảnh thường xuyên nhịn bữa sáng, cơm của bếp ăn tập thể do lớp tự quản lý chỉ được 2 bát lưng một bữa, mà còn có khi phải cắt cơm, 2 thằng ăn một xuất để lấy gạo bán, lấy tiền trả nợ bánh khoai, chúng tôi vui vẻ nhận lời mời chân thành ấy. Ăn xong, bác chủ nhà khề khà nói: “Hôm nay chủ nhật, các chú được nghỉ học. Nhà thì có mấy sào ruộng, lúa chín rồi. Nhà lại neo người, nhờ mỗi chú một tay gặt giúp”. Thì ra vậy. Ăn cơm gà rồi, bây giờ tính sao đây? “Nhưng chúng cháu không biết gặt…” “Ôi, dễ lắm mà. Gặt bằng liềm, không khó như gặt bằng hái đâu. Dễ lắm”. Thế là từ đó tôi biết gặt, tất nhiên chỉ gặt bằng liềm, và gặt bằng hai tay, chứ không phải là một.

Cuộc sống nông thôn còn giúp thêm chúng tôi biết thêm nhiều thứ khác nữa, từ cái lớn đến cái nhỏ. Nếu như ở thành phố, chúng tôi biết nấu tuýp thuốc đánh răng ra thành chì, đổ vào trôn cái bát sành làm đồng cái đánh xèng, biết lợi dụng đường ray tàu điện cán dẹp những nắp bia thành xèng thì ở nông thôn, chúng tôi biết chọn cành ổi làm giàn súng cao su, biết lấy vỏ ốc nhồi khoét lỗ xoáy đá vôi thành những hòn bi, biết lấy tóc rối chà lên da cho hút sạch lông sâu róm. Mà tóc rụng, tóc rối thì nhà nào cũng có. Các bà, các mẹ, các chị thường hay quấn lại thành từng nùi, nhét vào khe kẽ nào đó ở chái nhà, ai cần cứ lấy mà dùng. Còn sâu róm thì khá nhiều.

(Còn tiếp)

Xem lại: Trại sơ tán (Ký ức thời sơ tán - kỳ 1) / Ký ức thời sơ tán (2) / Ký ức thời sơ tán (3) / Ký ức thời sơ tán (4)

1 nhận xét:

  1. Có nhiều chuyện Dũng Nhi nhớ và nói đúng!
    May là có đi sơ tán về nông thôn mới biết bao nhiêu điều mà ở Hà Nội có nói hoài cũng chẳng hình dung nổi. Tôi có nhớ ngày mới về Tuy Lai, viết thư cho má tôi nói rằng mọi người ở đây trồng nhiều cỏ xanh và lớn không biết để làm gì. Má tôi về nói tôi chỉ cho mà biết cỏ nào mà lớn lắm, hóa ra là lúa gạo đang thì con gái. Má tôi phải giải thích vì sao người ta phải trồng lúa, chứ không phải trồng "cỏ".
    Còn chuyện quần áo, Dũng Nhi hơi bị "văn chương " nhiều đấy, tôi thấy có mấy ai mặc áo trắng đâu. Áo quần mầu thì nhiều, nhất là mầu đậm.
    Còn đèn pin, tôi nhớ một số bạn trẻ chúng ta cũng cố gắng tự tạo cho mình cái đèn pin riêng của mình bằng cách xin bố mẹ mua hai cục pin đại, ghép với nhau: đứa ghép bằng mấy cái nẹp tre, đứa khá hơn kiếm bìa cứng cuộn tròn, lấy dây đồng bó lại. Sau đó, làm cách nào đó, gắn bóng đèn pin vào sát cái núm kim loại lồi ra phía trên cục pin (cực dương, hay cực ca-tốt),lây dây điện một đầu quấn vào đuôi đèn pin và đầu kia cho áp sát vào miếng kim loại đáy pin (cực âm/ cực a-nốt). Thế là có cái đèn pin để dùng đi đường buổi tối hay lúc phải đi ngủ, chùm chăn đọc sách.
    Chuyện vào mùa gặt, tôi thích nhất được ăn cơm gạo mới. Tôi nhớ hồi tôi học lớp 7 (năm 1968), tôi được trường làng cho theo lớp Toán chuyên ở trên huyện, được ở nhà dân. Đúng vào mùa gặt, ăn cơm gạo mới và tương thấy ngon quá, mới thưa bác chủ nhà được phép lục nồi cơm dưới bếp, múc tương trong chum ngoài sân nhà. Bởi vì ngày mùa, mọi người trong nhà dậy rất sớm ra ngoài đồng gặt lúa, còn mình dậy sau, đến 7 giờ sáng mới đi học.
    Cái đường đi học trường cấp II Tốt Động vào mùa mưa phùn mùa đông quả là gian nan. Đường trơn trượt. Đi chầm chậm từng bước, bàn chân co quắp như phải cố bấu chặt vào phần đất cứng để mà đi. Nhưng cũng có lúc bị ngã , quần áo bị lầm bùn đất. Hình như hồi đó mọi người chung quanh chẳng thấy ai nói gì, coi như là chuyện tự nhiên hay sao ấy!.
    Còn lớp học của chúng mình hồi đó như bao trường lớp trong chiến tranh phá hoại của giặc Mỹ, nửa lớp chìm trong đất, nửa trên bằng tre nứa đan nhau, trát bùn trộn rơm lên đó thật dày. Bốn góc lớp có hào thoát đến các hầm trú ẩn chữ A. Bàn ghế thật đơn sơ chỉ với các cọc tre làm chân, các tấm gỗ xẻ ra, không bào, cái để trên cao làm bàn, cái đặt dưới làm ghế ngồi. Giản dị vậy, mà đã biết bao anh em chúng ta cùng thế hệ lớn lên, học hành và trưởng thành từ đó, không một ai nghĩ đó là thời thơ ấu gian khó của mình. Tất cả đều hồn nhiên và phơi phới trong niềm tin mãnh liệt vào tương lai của đất nước.
    Cám ơn Dũng Nhi đã nhớ và cố gắng ghi lại nhiều kỷ niệm để mọi người chúng ta cùng nhau ôn lại. Thời đó rất đẹp!

    Trả lờiXóa