7/10/10

Bạn cũ từ bốn phương trời, tụ họp về đây thành trại mới

vn.hanoi Thông báo:

Kỳ này blog xin tạm dừng đăng (01 kỳ) "Ký ức thời sơ tán" của anh Dũng Nhi. Tính đến nay, chúng tôi đã đăng 04 kỳ liên tiếp câu chuyện dài của anh Nhi và được nhiều người góp chuyện, góp thêm những kỷ niệm thú vị và nhớ mãi của cá nhân vào, thành ra câu chuyện càng dài thêm. Mời các bạn theo dõi các câu chuyện góp thêm vào ở dưới đây (bấm vào tiêu đề bài):

Ký ức thời sơ tán (1)
Ký ức thời sơ tán (2)
Ký ức thời sơ tán (3)
Ký ức thời sơ tán (4)

Ký ức thời sơ tán (5): Sẽ tiếp tục đăng vào 15:30, thứ Năm, 14/10/2010.

Nhân 1000 năm Thăng Long - Hà Nội, blog rất cám ơn anh Huỳnh Dũng Nhân gần như ngay lập tức sau khi từ Hà Nội về đến TP. HCM, đã gửi chia sẻ một bài thơ rất tinh tế, sâu nặng nghĩa tình của một người con Hà Nội:

Gửi Hà Nội ngàn năm của tôi

---------------

Từ: Dũng Nhi
Ngày: 7/10/10, 16:15
Chủ đề: Góp thêm vào "ký ức thời sơ tán (3)"

Chào các bạn,
Qua ý kiến của các bạn, mình gửi thêm một vài chi tiết, thêm râu thêm ria cho những kỉ niệm.


Đọc những dòng các bạn góp thêm những kỷ niệm về thời sơ tán, tôi cũng nhớ thêm, hoặc muốn kể thêm một vài chi tiết mà có nhớ, nhưng chưa kể. Như chuyện “quân đội” của đội quân sơ mít chẳng hạn. Đúng là có bị giải tán sau đợt “chỉnh huấn” như Hồ Nguyên kể, nhưng sau đó được tái thành lập bằng cách rút vào bí mật. Phong quân hàm cho nhau bằng cách rỉ tai, đứa này là đại úy, đứa kia là thượng sĩ, trung sĩ v..v…Quân đội bí mật này tồn tại không được bao lâu, vì chẳng còn tý hấp dẫn nào cả. Trước đó công khai đeo quân hiệu làm bằng bìa vở cắt thành hình quả trám, đến lúc này thì hoàn toàn không thể. Bài “Tiến bước dưới quân kỳ” không có dịp trở thành bài hát chính thức của đội quân này. Mọi hoạt động vẫn diễn ra như là không có quân đội. Thế là đội quân chìm vào quên lãng.

Năm 1967, năm tôi và Dân, Chính, Thanh học lớp 7, là năm Phương, Dũng, Hoài học lớp 8, không còn ở trại nữa. Trần Dũng lúc này hình như được đi học nghề ở Liên Xô. Việc Trần Dũng học nghề ở Liên Xô tôi nhớ chính xác, chỉ không chắc chắn là có phải năm đó hay không. Sau này, khi tôi học ở Hung, tôi có nhận được thư của Dũng, có kể về cô bạn gái tên là Vera (Bepa)-Niềm tin. Lá thư đó hiện nay tôi vẫn còn giữ, trong chiếc va ly chứa đầy những kỷ niệm về “thời sơ tán” ở Hungary cất trong tủ nhà Ngọc Thụy.

Chuyện đi trọ học ở nhà dân, đêm mưa bão soi đèn pin đi bắt ếch, tôi cũng nhớ. Có cái là không bắt được ếch thì đi gỡ trộm ống trúm lươn của người ta, đổ ra thấy rắn, hoảng hồn quăng chạy. Tôi nhớ là ống trúm lươn, vì các anh chị ếch không dại gì mà rúc đầu vô trúm trong một đêm mưa gió lãng mạn như thế này. Còn chuyện này nữa: một buổi chiều, bác chủ nhà bảo nhà có mấy con gà choai bị rù tiệt, mấy chú khỏe chân khỏe tay đuổi bắt hộ, ta làm thịt, chén. Gì chứ rượt bắt gà là một trò thú vị, lại được thực hiện một cách hợp pháp, cả bọn ngay lập tức nhiệt tình hưởng ứng. Năm bảy chú gà tội nghiệp nhanh chóng bị tóm gọn. Bác chủ cho vặt lông, làm lòng, rồi bằm nát cả xương lẫn thịt, cả chân đầu cổ cánh, rang muối với tỷ lệ 2 hỗn hợp thịt xương với 1 muối, để dành ăn dần. Tất nhiên là bữa cơm của đám học trò ở trọ cũng có thêm được chút ít thức mặn cho dễ lùa cơm, nhưng chắc là không thú vị bằng thịt gà (rù) luộc chấm muối tiêu chanh rồi.

Những chiếc bảng xanh màu lá xương rồng khắc đầy những tên được các bạn “gán ghép” thành đôi đó, nghe Hiếu Dân nhắc lại, tôi mới nhớ, và có điều như mới biết. “Dũng Hồng”, “Chính Mai”, sao lại có “Nhi Liên” nữa? Mà tôi lại không nhớ gì về bạn Liên cả, thật là vô tình phải không?

Tôi đã lầm khi nói là đã đọc hầu hết các bài viết của các bạn. Thực ra thì còn nhiều bài chưa đọc, nhất là những bài viết từ các năm trước. Nếu đọc kỹ hơn, tôi đã biết Thanh Hà làm nghề gì rồi. Có điều vẫn chưa hình dung được “dung nhan” của bạn. Có một tấm hình Thanh Hà song ca với chị Nhi, nhưng không chú thích rõ người bên trái hay người bên phải, cột khăn rằn hay không cột khăn rằn, tôi không dám mạo muội đoán. Vậy đấy, bạn cũ mà không nhận ra nhau… Hơn 40 năm rồi, còn gì. Có cái gì đó giống như là làm quen với bạn cũ. Vui và cảm động lắm. Nhờ có trang web-blog của TTST, nơi mà “những bạn cũ từ bốn phương trời, tụ họp về đây thành trại mới” để ôn kỷ niệm ngày xưa, hiểu nhau hơn trong cuộc sống hôm nay.

Thân ái,
Huỳnh Dũng Nhi

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét