17/10/10

Nhân ngày Phụ nữ Việt Nam 20/10/2010

Từ: Dũng Nhi

Gửi traisotan,

Gần đến 20 tháng 10, Dũng Nhi đã hoàn thành bài viết "Ô-sin huyền diệu" với cái tên tác giả là Huỳnh Dũng (một trong những bút danh thời làm báo của mình).
Xin gửi đến các bạn.


-----------------------------------

Từ: vn.hanoi: Danh sách Sinh nhật đầu tháng 10 của hội chúng ta có 5 anh chị (xem: Tiện ích lịch - Sinh nhật bạn), nhưng Hoa điện tửThiệp vi tính mừng Sinh nhật chỉ đến được hai địa chỉ e-mail.

Sau đây là những hồi đáp vui vẻ từ e-mail của các bạn:

Kính gửi Ban chủ nhiệm Blog TTST BND!

Tôi rất cảm kích khi nhận được những lời chúc mừng tốt đẹp của ban chủ nhiệm Blog TTST BND nhân ngày SN của tôi. Cám ơn các bạn!

Trân trọng,
Trần Minh


Xin gửi tới TTST BND lời cảm ơn sâu sắc vì thiệp chúc mừng sinh nhật!

Lưu Phương Bình



TTST BND: Nhân dịp Ngày Phụ nữ Việt Nam năm nay, 20-10-2010, TTST BND đặc biệt cảm ơn tác giả Huỳnh Dũng, anh đã thay mặt cho tất cả cánh mày râu của hội TTST BND bày tỏ lòng ngưỡng mộ và lòng-kính-biết-ơn đối với những người Mẹ, người Vợ, điển hình của Phụ nữ Việt, qua truyện ngắn tình cảm mà anh đã viết và gửi đến ttst bnd.

Ô-SIN HUYỀN DIỆU

Bà Dịu thức dậy, không cần nhìn đồng hồ cũng biết là đã 5 giờ sáng. Tiếng nhạc chào cờ vọng vào từ phòng khách. Từ tháng 9 đến nay, VTV1 chào cờ sớm hơn. Trước đó, phải đến 5 giờ 30 mới chào cờ. Nhưng dù có năm rưỡi hay năm giờ gì thì ông Du nhà bà cũng đã ngồi trước TV, chẳng ngày nào bỏ qua, mặc dù ông ấy không thích cái đoạn ông nhạc trưởng cầm gậy chỉ lên, chỉ xuống, lại còn liếc mắt nhìn ngang nữa. Ông ấy bảo cái đoạn đó hơi bị dài, chiếm tới gần hai câu, mà hình ảnh lá quốc kỳ tung bay thì hơi bị ít.

Bà Dịu bước ra phòng khách, như thường lệ, nói một câu thay cho “good morning” là “dậy sớm thế?”, nhưng hôm nay thì bà kịp không hỏi câu thứ hai là “áo đâu, không mặc vào?” vì hôm nay ông đã mặc chiếc áo thun xịn cô con gái vừa mua cho ở mãi bên Trung Quốc, ở một cái chợ cách Việt Nam có hơn 1 cây số. Vợ chồng nó vừa đi “honey moon” một tour Hà Nội, Hạ Long, Sa Pa về mà.

Lau qua một lượt cái phòng khách, rửa xong một đống chén đũa của tối hôm qua, quét sơ cái sân và lượm mấy trái nhàu rụng đem vô ngâm đường ép nước, hái ba cái tần dày lá để đâm với muối cho ông ngậm trị ho, gọi với lên lầu nhắc giờ đi học của cháu ngoại, xong xuôi bà mới đến gần bên ông, kể chuyện giá cá mắc như quỷ sứ vì người ta sợ thịt heo tai xanh, chuyện chồng chị kia làm ngành dầu khí, về hưu lãnh một cục mấy trăm triệu mới gửi ngân hàng thì vàng từ 29 lên 31, chuyện nhất định phải ngưng ăn thịt vì nhức mỏi quá… Rồi sực nhớ ra, bà nói: “Hôm qua em gọi điện cho ông bác sĩ rồi. Thứ tư này anh phải lên Sài Gòn tái khám. Em lại phải xin nghỉ một ngày. Anh gọi điện cho ông Bạn đi, thuê một chuyến xe đi về trong ngày. Anh không đi xe đò được đâu…”.

“Sáng nay ông ăn gì?” Bà hỏi. Hồi trước thì ông hay trả lời là “bà cho ăn gì thì ăn nấy”, nhưng bây giờ thì ông phải suy nghĩ. Ăn cháo mãi cũng ngán. Ăn bánh mì hay xôi thì ngại, vì dạo này hay bị nghẹn. Răng ông cả hai hàm đều là răng giả, làm mất gần 6 triệu nhưng ông chỉ dùng khi nào phải chụp hình, còn đeo răng thì khó chịu, ăn mất ngon. Vậy là chỉ còn món bột, dùng chung với thằng cu Sửu cháu ngoại gần 8 tháng tuổi. Và uống thêm một hộp sữa tươi có đường, ké với con bé Phính cháu ngoại, học lớp Chồi A (nó không chịu nói thiếu chữ A) trường mẫu giáo 20-10. Vậy là giải quyết xong cho ông bữa sáng hôm nay. Còn bà thì ăn gì cũng được. Vợ chồng con Thùy Chị thì tự lo. Trước đây con Thùy Em chưa về nhà chồng thì sáng vừa lo bữa sáng, vừa lo cơm canh cho nó dỡ theo đi làm. Còn bây giờ thì bà lo làm bột sắn dây cho ông. Người ta bảo bột sắn dây tốt lắm, bổ, mát, làm nhẹ đầu… Người ta bảo thứ gì tốt, có tác dụng bồi bổ hay ngừa bệnh, bà đều tìm về cho ông. Cây chó đẻ, Giảo cổ lam, trà láVằng, trà Artiso, Trà trinh nữ hoàng cung túi lọc… Trong nhà thì có mấy thứ: trái nhàu, lá Xa-kê (vườn nhà ông nội), lá Lược vàng, lá Đại tướng quân, tần dày lá, sống đời, lá đu đủ… Mọi thứ nước lá bà cho ông uống thay nước, ông uống vô tư. Ông bảo “Miễn không chết người là được. Khó như rượu mà còn uống tốt nữa là nước lá”. Cái khoản rượu thì bà kiên quyết phản đối, cho đó là nguyên nhân của đủ thứ bệnh trên đời, nhưng cũng nhân nhượng là cho ông một ngày 3 ly. Vậy nhưng ông vẫn có cách của ông. Ông ra đường mua rượu về dấu làm của riêng, vẫn dùng đủ 3 ly tiêu chuẩn và uống “dặm” thêm vài ly nữa. Ông mà đi ăn sáng ngoài đường thì chịu, không biết là một ly hay mấy ly nữa. Nhưng hơn một năm nay, ông bỏ hẳn rượu. Không phải sợ rượu vì những lời cảnh báo về ung thư gan và dạ dày, không có sự can thiệp nào từ bên ngoài, không “vung nắm tay thề” gì cả, tự nhiên bỏ, bỏ là bỏ cái một. Ông bảo, chính ông cũng ngạc nhiên về mình. Bây giờ thì ông hoàn toàn không uống rượu một mình như trước nữa. Nhà có sẵn rượu, đủ loại ta tây, từ hơn một năm nay vẫn còn nguyên nhãn mác. Nghe bà chị ngoài Long Khánh bảo có loại rượu ong vò vẽ trị đau nhức xương khớp hay lắm, bà cũng dặn mua một tổ ong 500 ngàn ngâm rượu, mỗi ngày cho ông ba ly hột mít. Bà quên, ông cũng quên luôn. Rồi chai rượu cao mèo bạn ông cho cũng vậy, còn hoài.

Bưng chén bột sắn dây lên cho ông, lúc này đã xem xong tiết mục “Chào buổi sáng” của VTV1, đang lên mạng tìm tuoitre online, bà vội vàng thay quần áo đi làm. Bảy giờ mới đến giờ làm việc, nhưng công việc văn thư buộc bà phải đến cơ quan trước 15 phút, phát báo, công văn giấy tờ, đóng dấu giấy giới thiệu… Xong xuôi, bà tranh thủ tạt qua chợ, mua đồ ăn cho cả ngày, (những hôm ông Du thích ăn bánh chưng thì chạy ra đường Lý Thường Kiệt, thích sandvich ngọt thì ra tận… mua). Về nhà, bà tranh thủ sơ chế mấy món cần thiết để cất vô tủ lạnh, bắt ông uống đủ 3 viên Hoàng Thống phong và 1 gói thực phẩm chức năng, vì không như hút thuốc, ông là chúa hay quên uống thuốc. Rồi bà lại tất tả sang cơ quan. Công việc tiếp theo của bà lưu hồ sơ dữ liệu vào vi tính. Được cái cơ quan cũng gần, chỉ từ ngã tư này đến ngã tư kia. Đi bộ cũng được, đi xe máy chỉ để tranh thủ chạy đây, chạy đó. Còn những hôm vợ chồng Thùy Chị cùng phải đi làm, để thằng cu Sửu ở nhà thì xe máy càng cần thiết để bà chạy đi chạy về. Những lúc như thế này, ông vịn cầu thang lê cái chân đau thần kinh tọa lên lầu đưa võng cho cháu, tranh thủ chơi game. Thằng Sửu thức dậy, khóc thì ông bấm số 3 quay số nhanh. Còn bà thì ngồi ở cơ quan, nghe điện thoại reo, thấy tên người gọi là ông Du, bấm máy nghe tiếng con nít khóc là tất tả về nhà liền. Về đến là xốc vào ôm ngay thằng cháu, hôn hít, nựng: “Cái thằng cu này, không để cho ngoại đi làm, người ta cắt a bờ cờ của ngoại đó, người ta đuổi việc ngoại đó”. Dỗ được thằng bé ngủ lại, bà lại tất tả chạy sang cơ quan. Có khi chưa kịp chạy sang cơ quan thì đã có điện thoại gọi. Có ai đó đang chờ đóng dấu.Vợ chồng Thùy Chị làm cùng một cơ quan ở bên Bà Rịa, công việc không đòi hỏi phải có mặt đúng giờ hành chính và bảo đảm tám giờ vàng ngọc, làm theo việc chứ không làm theo giờ. Vì khó tìm Ô-sin, mà người ta lại không nhận trẻ dưới 18 tháng vào nhà trẻ, nên chúng nó giải quyết bằng biện pháp tình thế: thay nhau nghỉ một ngày hoặc nửa ngày ở nhà trông cu Sửu, những hôm cả hai đứa vì công việc đều phải đi làm cả thì bà ngoại là “Ô-sin tình nguyện” kiểu chạy đi chạy về, mặc dù bà chỉ đăng ký làm “Ô-sin chính thức” vào ngày thứ bảy, chủ nhật, những ngày mà đôi khi chúng nó cũng phải đi làm. Những ngày đó, ở cơ quan, người ta thấy bà “thoắt ẩn, thoắt hiện”. Nhưng mọi người cũng thông cảm, chỉ thương bà quá đa đoan… Còn ông thì bảo “Trên tạp chí Gia đình & Tiếp thị, người ta nói những người phụ nữ như em là những người cho mình là siêu nhân, dành hết mọi việc của người khác”. Cho nên hai đứa con, đâu có đứa nào biết làm cá, làm gà. Còn bà thì biết làm nhiều thứ, làm cả bánh xèo, bánh khọt, bánh bông lan, bánh chưng, bánh tét… đủ cả. Biết là cực hơn đi chợ mua sẵn, nhưng bà thích vậy.

Trưa, 11 giờ bà về. Câu đầu tiên: “Ôi, thằng cháu “ngoái” chó con của ngoại đâu rồi? Thấy cái mặt mà ghét, con trai gì mà nhát hít, không chịu theo ông ngoại”. Rồi bà tất tả xuống bếp, chuẩn bị bữa trưa. Cá thịt thì đã làm rồi, bây giờ chỉ lặt rau và chế biến. Thật ra ông cũng sẵn sàng giúp bà cái đoạn lặt rau, nhưng ông lặt theo kiểu của ông, để cọng riêng, lá riêng để luộc riêng. Cọng thì luộc kỹ hơn cho thật mềm, là vì ông không ăn bằng răng giả. Nên bà dành luôn phần lặt rau. Hôm nay Thùy Chị nghỉ làm, cả buổi sáng ở trên lầu giữ con, giặt được một “máy” quần áo mà 2/3 là đồ con nít và sơn được 10 móng tay, 10 móng chân rất đẹp. Bà tranh thủ đi phơi mẻ quần áo đã giặt cho được nắng, rồi ra vườn hái mấy cái lá Lược vàng xay làm nước cho ông uống sau khi ăn súp xay. Bà nói với ông: “Hôm nay trả tiền điện hết triệu tám. Xài gì mà dữ vậy không biết. Mấy đứa nhỏ không biết tiết kiệm, ở dưới nhà mà trên lầu vẫn để TV, máy lạnh…” Ông bảo “Anh mới trả hai trăm hai internet. Con nhỏ thu ngân đâu bằng con Thùy Chị, kêu anh bằng anh ngọt sớt”. “Vậy thì càng mừng chứ sao. Để em đưa lại hai trăm hai cho anh. Lương có 300 thì chỉ còn 80, làm sao đủ cà phê cà pháo với mấy ông bạn già”. Bà nói lương 300 là phần lẻ lương hưu của ông đó, và bà cũng biết là ông chẳng cà phê cà pháo gì, nhưng cũng phải có tiền để dằn túi. Con cái nó cũng cho ba tiền, có khi hai ba tháng góp lại, sau khi xài lặt vặt, ông cũng có gần triệu rưỡi. Kỳ bà làm mất cái bóp đựng một triệu, ông không rầy la gì mà định mua lại cho bà một cái bóp loại xịn nhất, trong bụng chứa đúng một triệu như cái bóp cũ, nhưng bà không chịu. Bà đi mua cái bóp 10 ngàn, loại bé tý, xinh xinh và dễ mất.

Chiều, đúng 2 giờ thiếu 15, trước khi đi làm, đúng hơn là đi họp chi bộ, mà đi họp chi bộ nhất thiết phải đúng giờ, bà dặn ông: “Ly nước sinh tố trong tủ lạnh đó, khoảng ba giờ thì anh uống nghen”. Và nói với con gái: “Chiều nay thằng Phúc có về kịp đón con Phính không? Thôi, cứ để mẹ đi đón”. Rồi nói thêm: “Chủ nhật này cơ quan mẹ cho chị em phụ nữ đi 20-10 ở Bình Châu, tụi bay thu xếp công việc sao để cho mẹ đi được nghen, mẹ dẫn cả “phụ nữ” Phính theo nữa”. “Nhưng chủ nhật này tụi con phải làm chuyên đề cáp treo, cũng tính dẫn Phính đi theo cho nó biết cáp treo…” Bà ngần ngừ, nghĩ bụng: “Nếu thằng cu Sửu lớn hơn thì dù nó không là “phụ nữ”, mình cho nó theo đi Bình Châu…”.

Họp chi bộ xong sớm, mới bốn rưỡi bà đã đón Bích Phính về. Con cháu “ngoái” này tên thật là Bảo, Trần Huỳnh Lục Bảo, nói theo giọng Nam Bộ nghe rất có vẻ thiên tai, lụt bão. Tên “xấu háy” là Phính, ông ngoại thêm cho chữ Bích đằng trước cho có vẻ thơ mộng. Dẫn cháu vào nhà, nhắc cháu chào ông ngoại xong, bà lại quày quả quay ra, ra chợ cóc Xóm Lưới mua cá. Giờ này cá mới về, tươi xanh. Rồi lại đi mua gạo lức, mè đen về xay làm bột cho ông, mặc dù ông rất chán cái món này, bảo là chỉ có mỗi tác dụng làm giảm cân, mà cân nặng của ông tích góp gần 60 năm cuộc đời mới được tròm trèm 40 ký. Còn bà thì rất tin vào trường phái ăn chay dưỡng sinh Osawa, kiên quyết bắt ông ăn mỗi ngày ít nhất là một bữa, để giúp tiêu hóa và có lợi cho sức khỏe. Rồi lại tranh thủ ra Thúy Điệp mua cái đèn hồng ngoại, họ hẹn cả tuần rồi mà chưa có hàng. Ghé Tứ Hải mua 2 lít rượu đế loại xịn nữa. Lần này thì bà rất hăng hái với cái vụ mua rượu, vì để ngâm với thuốc xoa bóp trị đau nhức và chứng đau dây thần kinh tọa, con gái mới mua tận Yên Tử, Quảng Ninh mang về cho ba. Về đến nhà, bà lên lầu nấu nước nóng tắm cho con bé Phính, rồi lại xuống bếp lui cui làm mớ cá trích tươi xanh vừa mua được.

Buổi tối, cơm nước xong xuôi bà mới có thời gian rảnh rỗi đôi chút, định chiếm đoạt cái máy vi tính cà là tàng của ông chơi trò đào vàng mà bà mới phát hiện và đang tức anh ách vì lấy được vàng và kim cương thì ít, lấy được đá tảng trị giá 20 đô và heo mọi trị giá 2 đô thì nhiều, “chết” hoài mà chưa biết kết thúc trò chơi sẽ được cái gì. Nhưng con gái kêu oai oái, nhờ bà giữ cu Sửu và trông bé Phính để viết bài đã đến hạn nộp. Vừa trông cháu, bà vừa nghe điện thoại của cậu em 40 tuổi lần đầu cưới vợ, bàn việc tập trung ở Long Khánh cùng mẹ và các anh chị em đi đón dâu ở U Minh Thượng, Kiên Giang. Thế là mươi ngày nữa bà lại xin nghỉ làm để đi. Lần đám hỏi bà đã đi rồi, 24 tiếng đồng hồ, 6-7 trăm cây số cả đi lẫn về là xong xuôi mọi việc, thắm thiết tình chị em.

Chín giờ tối con rể mới đi làm về, bà giao thằng Sửu rồi đi hái lá lược vàng xay nước, pha một ly sữa Ensure cho ông, lúc này đang gõ nốt đoạn cuối bài viết nhân ngày 20-10, rồi đi ngủ trước, sau khi nhắc ông không được hút thêm một điếu thuốc nào nữa cho đến sáng mai.

*****

Đêm đó bà nằm mơ, một giấc mơ đẹp. Bà nằm mơ thấy mình và con bé Phính đi Bình Châu với các bà, các cô, các dì ở cơ quan. Ai cũng đẹp lộng lẫy. Ăn trứng gà luộc trong giếng nước nóng, ngâm chân trong suối nước nóng và dự buổi vinh danh Ô-sin. Các bà, các cô, các dì, ai cũng là Ô-sin cả. Khi đọc tên bà, người ta kêu là Diệu. Diệu đúng là tên của bà, chỉ do ông viết giấy khai sinh hồi đó viết như nói mới ghi là Dịu thôi. Mà người ta còn gọi bà là Huyền Diệu nữa chứ. Thực ra bà là Huỳnh Diệu. Nhưng cũng được, cũng hay. Bà Huỳnh Diệu – Ô-sin Huyền Diệu.

Vũng Tàu, 13-10-2010
HUỲNH DŨNG



Nguồn Ảnh: Sự quyễn rũ của Phong Lan | KhoaHoc.vn

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét