8/10/10

LOẠI MỘT VÀ LOẠI TÁM

TTST BND: 10/10 - ngày Giải phóng Thủ đô năm nay trùng với dịp đại lễ Kỷ niệm 1000 năm Thăng Long. Nhớ về Hà Nội một thời xa xưa trong kỷ niệm, xin giới thiệu bài tản văn đã đăng đâu đó trước đây của anh Dũng Nhân, tinh tế, hóm hỉnh mà đầy tình người.


Hà Nội luôn tồn tại song song những hình ảnh trái ngược nhau. Những chiếc xích lô già nua, những người gồng gánh răng đen, những người hành khất chân không… luôn xuất hiện bên cạnh những nhà lầu, xe hơi, các trung tâm vi tính, ngoại ngữ.

Họ là những người ở ngoại thành kéo về Hà Nội. Họ vào Hà Nội từ đêm, đi bộ, qua các cây cầu, qua năm cửa ô. Đến khuya, đàn ông tìm chỗ ngả lưng cho qua cơn buồn ngủ. Đàn bà, con gái lại lặn lội về nhà, sau khi bán được vài mớ rau, cân gạo, con cá.

Một cách vô tình, họ làm phố phường thêm nhếch nhác, ngôn ngữ pha tạp, văn minh thủ đô tiến lên một cách ì ạch.

Nhiều người Hà Thành tự cho mình là “người Hà Nội một, hai”. Còn những người kia là “dân Hà Nội bảy, tám”.

Nhếch nhác xe thồ (ảnh: Vietbao.vn)
Một buổi chiều, chúng tôi đang đi trên một quãng đường chật chội thì một anh lực điền – “công dân loại 8” - đang đẩy xe đạp chở theo mấy khúc tre lớn chen vào. Bao nhiêu sự mắng nhiếc với những lời lẽ khó nghe nhất lập tức trút lên đầu anh ta. Bạn tôi cũng nóng máu, định lao vào “mắng cho hắn mấy mắng” vì cái tội làm tắc nghẽn giao thông. Nhưng anh bỗng im bặt, đờ đẫn quay ra nói : “Tôi thấy hắn quen quen. Nhớ ra thì hắn là con bà chủ nhà hồi mình đi sơ tán ngoại thành. Hồi ấy nhà hắn tử tế với dân sơ mít (sơ tán) lắm, nhường cả phản, bàn ghế, cho dùng nước mưa, dọn cả kho thóc lấy chỗ ở, phá vườn cây làm hầm tránh bom. Ngay cả hắn thấy bọn mình đói quá cũng đào trộm sắn cho ăn… Bây giờ bọn mình đã khá rồi, còn hắn vẫn cực thế kia…”

Chúng tôi đều thở dài, cố không nhìn vào cái áo ướt đẫm mồ hôi và mấy khúc tre đơn độc giữa dòng xe đang ngược xuôi giữa phố xá lung linh ánh đèn màu kia.

Hồi ấy, không có các “công dân loại tám” cưu mang, bao bọc thì “công dân loại một” chạy bom chỗ nào?.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét