18/11/07

Tản mạn

Thanh Hà tuy rất bận bịu với công việc, nhưng có lẽ vừa là thú vui, vừa là nghề nên có rất nhiều trang viết tích lũy lại. Mời các bạn ghé thăm Trang của Hà Phạm đang lưu lạc trên mạng, cùng chia sẻ một chùm tản mạn các suy ngẫm, cách nhìn là lạ, thú vị và đậm chất nhân văn của chị.
Tự giới thiệu: Em là em anh Giao. Sinh 1961. Có 2 con trai, đứa đầu 17, đứa nhỏ 10. Hiện đang công tác ở Báo Nhân Dân (em là dân du mục, sau khi từ Đài PTTH Hà Nội về Báo ND năm 1989, đã đi từ ND hang ngay đến ND tuan và bây giờ là ND thang, ly do: it than thien voi sep :)).Các anh có ảnh của em thì cứ đưa lên, em xấu nên ngại chụp ảnh.
Kỷ niệm sâu sắc khi ở Trại trẻ em sẽ kể dần dần được không? Em là đứa hay nói ngược, nhưng chăm lao động, nói chung là người tử tế :).

Tèo ơi!

Cái ngõ dưới gầm cầu trước kia vốn nổi tiếng vì thịt chó, ngon hay rẻ thì không biết- một trong hai thứ chứ không phải cả hai. Nhưng chỉ một trong hai thứ ấy, cộng với chút tiếng tăm xưa cũ, là đủ chiều đến, nhất là chiều mùa hè, ở đây đông đặc những người. Đông như chợ vỡ, theo đúng nghĩa đen. Bia tràn như suối, náo nhiệt những riềng cùng mẻ trong khói chả chó, xô bồ những lòng những dồi, lạc rang bánh tráng, bún xáo rựa mận… Mỗi mét vuông là một bàn nhậu. Mỗi bàn nhậu là một đám người. Đàn ông dễ thường không ghé qua những chỗ thế này là chiều đến không thể nào yên lòng về nhà. Tiếng người – không tả được vì không thể nghe được - cứ ào ào, cứ the thé đến nỗi chẳng ra tiếng người nữa. Muốn gọi được món nhậu hay bia, muốn trả lời điện thoại, muốn tâm tình với nhau nữa cũng thế, duy nhất chỉ có cách là gào lên, gào to tướng lên, mới hy vọng được nghe thấy.
Và họ đang gào lên, cái mâm nhậu ở giữa ngõ, sáu người đàn ông đã ngồi từ lúc nào, bia chắc đã nhiều, mặt ai nấy đỏ gay đỏ gắt. Họ chúc nhau cái gì đó, quan trọng, như là ai đó mới lên chức, mới thắng được quả gì đậm. Hôm nay mới là bữa nháp thôi, một trong những bữa nháp thôi, có quyết định hẳn hoi thì ít ra cũng phải ba ba hoặc cá chình…Mà hôm ấy không bia đâu, dứt khoát không bia bọt gì hết, phải có mấy chai xanh…Phải mấy chai xanh, mấy chai whisky blue hẳn hoi, đen không được, đen dạo này toàn dỏm…, bốn chai là đủ đấy. Em thì chỉ xin chầu hát, hát có tay vịn, tất nhiên…Mình ăn thua gì. Muỗi, so với mấy con bạc triệu đô. Đọc báo sáng nay chưa? Khiếp không? Cứ lan man, câu được câu mất, trong cái đám chợ vỡ, làm sao nghe cho đầy đủ một câu chuyện được, dù có ngồi ngay cạnh cũng không nghe được. Người này nói, người kia chen, chắc chỉ có trời mới làm cho họ bé cái mồm lại được.

Vậy mà, giữa lúc ấy, giữa lúc ai cũng gào lên đến thất thanh để nói những chuyện hoàn toàn tầm phào vô bổ như thế, ngay bàn nhậu ấy, một giọng khe khẽ, khan khan, một giọng vo ve như tiếng muỗi chợt vang lên, ấp úng, ngập ngừng, và chẳng hiểu sao cái tiếng vo ve ấy lại nghe rất rõ: "…Tèo ơi, chú đây, nhận ra chú không? Cho chú mấy đồng về quê…." Ông lão ăn mày ngửa cái mũ rách. "Chú, chú thật à?", một trong sáu người kêu lên thảng thốt. "Ừ, chú, đói quá…". "Anh Quang, đúng là chú anh à?". "Chú tao đấy, chú ruột tao đấy, thì sao?"
Lại quát, lại ầm ầm. Trong tiếng quát có gì như tiếng khóc.

Giá trị

Anh vẫn biết giá trị căn nhà mình ở, nhà hai mặt phố cổ, ngay gần Hồ Gươm, mỗi xăng-ti-mét vuông đều có thể quy ra tiền. Biết, để ở cho sướng, chứ không phải để bán.
Nhưng để ở cho sướng, thì người ta đã không làm cư dân phố cổ. Nhà nát, vôi vữa lở lói xậm xệ. Tiện nghi trong những nhà ống xưa cũ thì không nói ai cũng biết, chuyện vệ sinh luôn luôn là một nỗi kinh hoàng.
Mọi người, bao gồm tất cả anh em trong nhà, tính chuyện ra đi, để ở cho sướng. Căn nhà bán rất dễ (nếu bán), người ta đã có một dự định biến nó thành khách sạn, khách sạn hiện đại xây kiểu giả cổ trong phố cổ. Giá trị của nó tất nhiên khỏi phải bàn. Bán đi sẽ được không ít tiền, những chung cư vào loại sang trọng nhất thành phố không đến nỗi không với tới, thậm chí còn dư tiền để gửi tiết kiệm ăn tiêu lâu dài nữa. Mọi người quyết tâm đi, và có thể đã đi ngay, nếu không vướng anh. Anh chỉ có một căn phòng nhỏ trong cả ngôi nhà ấy thôi, nhưng căn phòng nhỏ của anh kiên cố như một pháo đài, anh cố thủ trong pháo đài ấy. Lý do để anh không đi, ngoài chuyện căn nhà là do tổ tiên bố mẹ để lại, ở vị trí đẹp thế, trung tâm thế (thì mới có giá ấy chứ, mọi người bảo anh), còn thêm một lý do nữa làm ai cũng ngán, là mỗi chỗ nứt vỡ trên cánh cửa gỗ đối với anh đều là kỷ niệm. Than ôi, kỷ niệm chồng chất, vì cánh cửa đã nứt vỡ quá nhiều. Và không ai làm anh lay chuyển được. Bàn bạc hàng trăm cuộc, có thảo luận, có khóc lóc, có van xin, có cả doạ dẫm nữa, vẫn không đi. Anh bảo tồn căn phòng của anh trong ngôi nhà như bảo tồn sự ngang chướng của chính mình. Không thể bán ngôi nhà nếu anh vẫn giữ căn phòng ấy, căn phòng được chia trong di chúc của cha là thuộc về phần anh. Cả nhà bất lực. Kỷ niệm tất nhiên là quý. Mọi người bảo anh, nhưng môi trường sống tiện nghi cũng quý, các cháu lớn rồi, phải có phòng riêng, phải sống đàng hoàng hơn, không chui rúc trong ngôi nhà cũ với những kỷ niệm được. Dần dà, mọi người căm thù những kỷ niệm của anh, Trời biết là những kỷ niệm gì, chỉ biết anh cản trở con đường hướng tới tương lai tươi sáng của cả nhà.
Cánh cửa vẫn ngày càng nứt vỡ. Một ngày kia dân phố thấy cánh cửa vỡ hẳn, rồi nửa năm sau, như có phép tiên, ngôi nhà cổ biến thành khách sạn mi-ni. Anh đã đi đâu với những kỷ niệm của anh, không ai biết, chỉ biết anh không về căn hộ dành cho anh trong một chung cư cao tầng mà cả nhà đã cùng dọn về. Có người bảo anh đã thành con nghiện, công nợ ngập đầu- vì nợ nên phải đồng ý bán nhà. Có người bảo không phải thế, anh đã về nông thôn sinh sống. Cũng có người bảo anh vẫn loanh quanh cạnh Hồ Gươm, không đi đâu cả…dân phố không như xưa nữa, ngày càng thờ ơ với những chuyện của nhau. Những giá trị mất đi là mất hẳn, những cánh cửa nứt vỡ đã đóng chặt.
Mấy năm sau người ta cũng quên hẳn anh như quên ngôi nhà cũ. Khách sạn thì ngày càng ăn nên làm ra.

Xin chữ

Kể từ ngày các thầy đồ hiện đại quyết tâm xã hội hoá môn thư pháp học, nhằm nhắc nhở dân ta đừng quên một thú vui tao nhã là đầu năm xin chữ, vào ba ngày Tết, phố Giám bỗng hoá ra phố Hàng Chữ, các bức tường quanh Văn Miếu bỗng dưng thành nơi phơi đầy giấy đỏ, vỉa hè thành nơi bày đầy nghiên bút và dân đi chơi quanh đó đều là những người tha thiết vốn văn hoá truyền thống của cha ông.
Trong số những người ấy, trẻ cũng đông mà già cũng đông, có một đôi trung niên luôn đi sát bên nhau. Người đàn bà má phấn môi son, áo giả lông thú mặc ra ngoài áo dài, người đàn ông tóc đã hoa râm, áo da đen đánh xi cẩn thận, miệng ngậm tẩu lệch một bên ra dáng tay chơi một thuở. Nhìn qua cứ nghĩ đến một vẻ đẹp sắp mai một của người Hà Nội cũ. Nghĩ đến thôi, chứ nhìn kỹ thì không. Họ thiếu đi cái độ lắng cần thiết. Lẽ ra họ cũng chẳng có gì nổi bật nếu người đàn bà đừng nhí nhảnh quá. Tuổi như thế rồi mà nhí nhảnh dễ bị lộ, ngay cả giữa đám đông. Kéo tay người đàn ông thoăn thoắt từ chố này sang chỗ khác, khen chữ người này đẹp, chữ người kia thường, bà ta nói nhận xét của mình một cách khá ồn ào. đi khá nhiều, khen chê khá nhiều rồi, vẫn một câu hỏi lặp đi lặp lại, rằng không biết xin chữ nào cho hợp, Phúc, Lộc, Thọ, An, Khang…, người ta xin nhiều quá, mình chẳng biết nên chọn chữ nào. Năm ngoái xin chữ Đức rồi, hay năm nay em xin chữ Tâm, chữ Tâm hoặc chữ Nhẫn được không - bà ta hỏi người đàn ông. Ông ta từ nãy lẳng lặng đi theo, không nói gì- Tâm treo ở nhà, Nhẫn treo ở cơ quan, hoặc là ngược lại, lấy cả một chữ hay hai chữ cứ hỏi to giọng, rồi cứ băn khoăn đi lại, một mình người đàn bà làm thành một cái chợ trên cả một khúc đường cũng đang lúc rất giống chợ.
Điều bất ngờ với tôi, người đã chú ý đến họ từ nãy, là câu trả lời của người đàn ông. Giới hạn của sự kiên nhẫn có vẻ như đã tới cùng. Bỏ cái tẩu trong miệng ra, ông ta bảo, giọng khá trầm, và không hiểu sao lại mang vẻ độc địa đến thế: “Em thích thì cứ lấy cả hai chữ đi, treo cùng một chỗ, chữ Nhẫn treo trước, chữ Tâm treo sau…”,“Sao lại thế ?” Người bà hỏi lại, dường như nhận ra ngay thái độ của người đàn ông, và choáng: “ Ah nói thế nghĩa là gì? Nhẫn rồi đến Tâm, anh bảo em Nhẫn Tâm à?”
Và rồi nổ bùng, như một cơn điên dại kìm nén rất lâu , bà ta nói như gào lên, như quanh mình không có ai, giọng đấy nước mắt: “Anh bảo em nhẫn tâm ? Ai nuôi con anh mà anh bảo em nhẫn tâm? Đến mẹ đẻ ra nó còn bỏ nó, anh trách em được sao? Nó nghiện thì phải vào trại, anh muốn để nó ở ngày Tết, anh có nghĩ đế em bao năm rồi không được ăn một cái Tết yên lành không…? Anh có nghĩ không?”
Bi kịch bất ngờ phát lộ ngoài đường quá lớn, tránh đi cho họ khỏi ngượng là cách hay nhất tôi có thể làm lúc ấy.
Một vòng quanh phố Giám, tôi lại trông thấy họ, vẫn bên nhau, với một chữ trên tay người đàn ông, một chữ thôi, và đó là chữ Nhẫn. Chữ Nhẫn nổi bật trên nền giấy hồng điều, màu mực thắm chưa khô, ướt như loáng nước mắt của cả hai người .

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét