(Thanh Hà sau một thời gian rất lâu ngừng gửi bài cho TSTBND, với thiện ý muốn nhường sân cho các bạn khác cùng tham gia. Hôm nay chị lại trở lại với hai tản văn rất hay nhân ngày 8/3. Trân trọng giới thiệu cùng bạn đọc)
Sau 8-3, quả thật mùa xuân đã cạn ngày. Chúng em đến cơ quan với tâm trạng chẳng còn gì mà mong đợi. Những lời chúc mừng đã hết, hoa trong bình đã tàn. Mùa này chỉ rác là đẹp! Đấy là cách nói chán nản nhất nhưng chẳng có gì sai. Chúng em là những người đi đổ rác hàng ngày, trong mỗi thùng xe rác, hoa tàn và giấy gói hoa long lánh trang kim nhầu nát ngập tràn. May mà thời nay chỉ còn rất ít người nghĩ đến chuyện ví đàn bà với hoa, nếu không ắt là chúng em sẽ khóc nức nở khi nhìn vào thùng rác.
Nói chuyện ví von, ngày 8-3 là ngày mà các câu ví von, các dạng thơ và vè về phụ nữ được đưa ra tràn lan, chắc chắn là để làm cân bằng tâm trạng tặng hoa bắt buộc của anh em. Từ cái thuở “hôm nay 8-3, chị em phấn khởi đi ra đi vào, hai tay hai củ su hào, chị em phấn khởi đi vào đi ra…”, loại hình thơ ca này đến nay đã phát triển ầm ầm. Trình độ ca thán của anh em cũng tăng lên tỷ lệ thuận với hoa và quà tặng. Thỉnh thoảng trong những cơn cười rũ vì nhũng bài thơ quá hóm hỉnh, có khi chợt lặng người vì một ý nghĩ độc địa rằng thực lòng những trò vè 8-3 chẳng qua chỉ là hình thức.
Chúng em có cần hình thức không? Có lẽ không cần, nhưng nghĩ cho cùng, vẫn là may nếu có người vì hình thức mà chúc mừng mình nhân ngày dành cho phụ nữ. Bởi có những phụ nữ chẳng bao giờ được gì, kể cả hình thức. Chiều 8-3, những người đàn bà bán hàng rong ế hàng lầm lũi về nhà, hoa là thứ dễ ế nhất, rồi quà bánh, vì ngày ấy nhiều đám liên hoan… Có những người chẳng hề biết trên đời mình có thể đòi một chút gì đó cho bản thân. Và không may là những phụ nữ như thế rất nhiều.
Một nhà nghiên cứu xã hội gần đây có nói sẽ công bố nghiên cứu về việc lượng hoá công việc của người phụ nữ trong gia đình, để người ta biết được rằng làm việc nhà thật ra rất tốn năng lượng. Em cũng đã đọc đâu đó một nghiên cứu kiểu ấy, rằng nhà bếp chính là một nơi nguy hiểm mà hàng ngày phụ nữ phải thường xuyên có mặt. Tuy nhiên, khi em nói ra điều này, một anh cùng phòng đã nổi cáu, các cô nói phụ nữ nào ấy chứ, ở nhà tôi tôi là người nấu bếp, vợ tôi chỉ giỏi đi mua đồ ăn nhanh, không nuốt được - anh ấy bảo vậy. Thì cũng nhiều kiểu đàn bà, em đồng ý. Một số người may mắn lấy được chồng biết nấu ăn, biết sử dụng máy giặt và biết đón con ở trường. Một số khác được phép bận rộn việc cơ quan mà không phải làm nội trợ hoặc một số khác trong gia đình có người giúp việc. Nhưng những chị em thế chỉ chiếm tỷ lệ ít ỏi trong số chúng em thôi. Phần lớn vẫn lao động quần quật từ sáng đến tối để hoàn thành cả việc công lẫn việc tư.
Và vẫn mong mỗi năm có một đôi ngày được tặng hoa, được nghe những lời ngọt ngào, dù là hình thức…
Phạm Thanh Hà
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét