7/10/07

Bác Quỹ - bố chị Hồng, như tôi biết

Bác Quỹ bố chị Hồng, tuy không công tác ở báo Nhân Dân nhưng nhiều người chúng ta lại biết về bác, đặc biệt những hình ảnh không thể quên của cụ trong những năm chúng ta ở Trại trẻ. Nhân đọc thư chị Hồng, được sự đồng ý của vợ, tôi xin gửi đăng một đoạn về bác Quỹ trong Blog của vợ tôi - Lưu Phương Bình.

Họ đúng là những người bạn. Những gì tôi biết về họ là tất cả dấu ấn về những đổi thay thăng trầm của xã hội, những cái nhìn ấu trĩ về con người. Những vui buồn của họ là buồn vui của một thời đại, có cả những cảm xúc hào hùng, có cả nõi niềm riêng tư mà thời ấy không phải ai cũng hiếu. Có một lần, tôi nhận ra là cần phải ghi lại hình ảnh của họ như hình mẫu về những người bạn và tôi cậy cục bắt chồng tôi mượn máy ảnh chuẩn bị cho cuộc gặp gỡ của họ. Còn một lần khác, khi ấy bác Hồ Trúc đã ốm nặng không đi lại được, bác Quỹ từ trong Nam ra, bác Tấn bị gẫy chân đến mấy năm mới sang chơi với bố tôi, nghe bác Quỹ bảo đây là lần gặp cuối cùng, tôi lại đi gọi thợ ảnh. Không ngờ đấy lại là những tẩm ảnh duy nhất họ chụp với nhau… Nhưng cũng là không đủ. Bố tôi bảo, ngày xưa, có ai nghĩ đến phải chụp ảnh cùng nhau đâu.
Trong ký ức của tôi, những hình ảnh của họ đẹp lắm, những câu chuyện về họ mà tôi biết, tôi nghe kể cứ như mới đây.

Chuyện về ông Ngô Văn Quỹ - ông bác sĩ nhân hậu, hào hoa, yêu cách mạng

Ngày ấy, ông Quỹ là một chàng trai hào hoa,thông minh, sinh viên trường thuốc được bạn bè rủ đi theo cách mạng. Nghe đâu, có hai chi em cô Quy, cô Phượng, đẹp nhất Hà thành, mê ông Quỹ như điếu đổ. Nhưng trong đám bạn có ông Hồ Trúc đặt vấn đề với cô Quy, thế là xôi hỏng bỏng không. Cô Quy ấy cứ mê ông Quỹ cơ. Ông Quỹ khéo nói, lại đẹp trai nên tiểu thư theo ông không ít, chẳng biết có phải ông kén không mà không đăt vấn đề vói cô nào.Về sau này, bạn bè trêu, bảo ông sợ thành phần tư sản nên lấy cô vợ là tá điền. Bố tôi bảo không phải thế, mà lên Tuyên Quang, ông Quỹ ốm lay lắt, có một người phụ nữ tốt bụng hết lòng chăm sóc ông, thế là thành vợ. Ông Quỹ nhân hậu lắm, có trách nhiệm lắm, nhưng ông cũng biết là bà vợ không hợp chuyện với đám bạn nên không bao giờ ông mang vợ đến nhà mấy ông bạn nối khố chơi cả và họ đến nhà cũng chẳng bao giờ gặp bà Nghệ, vợ ông. Nhưng ông thì như ông bố đẻ của anh em chúng tôi vậy. Cái năm anh tôi chiến đấu ở Quảng Tri, không có tin tức gì, bố mẹ tôi khóc ròng, ông sang nói chuỵện gì đó mà tôi thấy bố mẹ tôi lại vui vẻ, tin tưởng anh tôi sẽ về. Bác tôi bị huyết ạp cao, ốm mấy năm chẳng nhận ra ai cả, nhưng ông Quỹ sang thì bác tôi lại mấp máy nói được “Quỹ!” rôi chảy nước mắt. Ông Quỹ cũng ôm bác tôi mà khóc. Năm 1991, tôi phát hiện thấy khối u ở ngực, chẳng cần suy nghĩ, tôi bay ngay vào Nam nhờ bác Quỹ khám. (Sau năm 1975, ông vào xây dựng bệnh viện ở thành phố Hồ Chí Minh). Rôi chỉ là bệnh tưởng nhưng tôi cũng được căn dặn đủ điều phải đề phòng. Ông Quỹ có biệt tài làm cho ai bi quan nhất cũng thành lạc quan!
Ông có cái nhìn cuộc sống rất sắc sảo, rất vui. Đại loại là khi ông sang ăn cỗ muộn, bác tôi trách, ông bảo: ”Chị ơi! Mình em 14 mụ đàn bà vất vả lắm chứ có như bọn này đâu!” (ông nói thế là vì nhà ông có 10 con gà đẻ và con ông toàn con gái). Những năm bao cấp khó khăn ông nuôi thêm gà ở trên gác để có trứng cho con, nhưng bao giờ ông cũng nhận phần dọn phân gà.
Tuy là bác sĩ nhưng ông Quỹ có tâm hồn của một nghệ sĩ. Ông quan hệ rộng, hiểu biết nhiều nên cả những khi có ông Như Phong, hay các ông bà ở viện văn học, những câu chuyện về văn học của ông vẫn cứ giòn giã.
Khi bà Nghệ mất, tôi bảo đi gửi điện hoa, bố tôi nghĩ mãi rồi không cho gửi. Bố tôi bảo:
- Bác Quỹ biết rõ là bố không muốn nhắc đến nỗi đau buồn, bạn bè, bố chỉ muốn giữ những hình ảnh đẹp nhất về nhau!
Ông Quỹ cũng biết là bố tôi không thích đến thăm bạn bè ốm. Vậy nên khi ông bị bệnh, ông chẳng nói gì với bố tôi cả. Ông vẫn nhắc nhở bố tôi chỉ còn hai thằng, phải giữ gìn sức khỏe. Rồi ông lại đi trước… Cái Tết cuối cùng ông cũng gọi điện cho bố tôi hẹn sang chơi với bố tôi , thế rồi không sang, mà ông mất cả nhà tôi không ai biết. Khi nghe tin ông Quỹ mất tôi chẳng dám nói với bố tôi. Mà làm sao dạo đó bố tôi lại hay kể về bạn mình nhiều vậy, hết kể với tôi lại kể với các cháu. Nhưng sự thật thì chẳng giấu được. Biết tin, bố tôi lặng lẽ cả tháng trời. Rồi ông bảo tôi:
- Bố cũng chỉ sống vài năm nữa thôi con ạ! Sống thế này chán lắm!
- Sao bố lại chán ạ? Con cháu có chuyện gì đâu hả bố? – tôi hỏi.
- Bạn bè chết hết cả, chả có ai mà nói chuyện.
Điều ấy thì tôi chịu rồi. Tôi nghĩ rằng sắp tới vào Nam, việc đầu tiên là tôi sẽ đến thắp hương cho ông Quỹ. Tôi luôn nghĩ ông là cha tôi.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét