22/10/07

Cảnh cũ, người xưa...

Lời Ban Biên tập: Bài này đã được đăng từ ngày 06/10/2007. Bây giờ, sau khi có thêm một số thông tin hữu ích, chúng tôi đã sửa chữa đôi chút và xin đăng lại để các bạn cùng chia sẻ.
Chị Trương Hải Đường thuộc lứa sinh năm 1959 của Trại trẻ chúng ta, hiện đang là Cục trưởng Cục công nghệ thông tin của Tổng Cục Thuế.
Trong cuộc sống cũng như trong công việc, tiếp nối được truyền thống nền nếp từ ba má chị - bác Lê Dân, Hải Đường là một người năng động, xốc vác, rất chu đáo và trọn nghĩa vẹn tình (chúng tôi cảm nhận được điều này trong khi xem, nghiền ngẫm các câu chuyện của chị gửi đăng trên blog, từ Đôi mắt đổi màu, Câu chuyện “Ngày xưa”, Dạy con, Những bài học tuổi ấu thơ v.v…).
Xin giới thiệu với các bạn hình thức mới của bài viết này!


Chúng ta cùng cố nhớ lại, cho dù không còn thật chính xác!

Hồi ở trại trẻ, vì khá nhỏ tuổi nên tôi được xếp ở ngay tại nhà thờ họ … (Họ gì đó thì tôi quên rồi). Ở giữa là một khoảnh thềm vuông có 4 cột và mái ngói cổ kính. Mùa hè chim thường về làm tổ trên nóc mái. Có lần, một số anh lớn cố trèo lên bắt chim bị bác Viên phạt sợ phát khóc.
Bác Viên thường ngồi trên chiếc chõng tre nhỏ kê trên bậc thềm trước gian thờ.
Gian nhà phía bên phải kê các dãy gường của tôi, chị Oanh, Yến, Thuý, cậu Hiền “giữ của” và một số người nữa tôi không nhớ.
Giường của chị em chị Oanh liền với giường tôi nên mỗi tối, chúng tôi thường vén thông màn với nhau để ngủ cho vui. Có lần, giữa đêm có một người đàn ông lạ chui vào gường của chúng tôi. Tôi tỉnh giấc sờ thấy cái đầu tròng trọc lởm chởm tóc, sợ gần chết nhưng không cất nổi tiếng, mãi lúc sau chị Oanh mới phát hiện hét ầm lên làm cả trại tỉnh giấc và lão lạ mặt chạy mất tiêu.
Gian phía đối diện là giường mẹ con bác Bốn - Chị Tú, giường của chị em Minh Hiền - Minh Hồng và giường chị Khánh Như (hồi đó chị Như rất hay dầm tè nên phía dưới giường là một khoảnh đất luôn sẫm màu, nồng nồng).
Đối diện với đền thờ là gian bếp được lợp tạm bằng tre nứa, bàn ghế ăn cũng bằng tre. Mỗi chiều, mẹ An thường ủ bột mỳ vào chậu để sáng mai trộn bột làm bánh hấp cơm hoặc rán vàng cho các cháu ăn. Hôm nào bột ủ chưa chua là bột hấp cứng như cục đất.
Sau dãy nhà ăn, tôi nhớ là khu vườn, rồi đến con đường mòn nhỏ của làng. Qua đường là nhà cầu hai ngăn trên mặt ao. Mỗi lần đi vệ sinh là cả lũ 2-3 đứa thường rủ nhau đi cùng cho vui và còn thi xem ai bắn cầu vồng nước xuống ao được xa nhất (mà là con gái đấy nhé!).
Khu vườn là nơi gắn khá nhiều kỷ niệm với anh em tôi, nhất là hình ảnh chú ngan thối của anh Khánh Bẹt. Hồi đó, anh em tôi nuôi một con gà mái đẻ và một chú ngan. Ngày nào hai anh em tôi cũng bắt chị gà ra để thò tay vào bụng sờ xem đã sắp đẻ trứng chưa và rồi quẹt tay chùi vào áo, thất vọng vì trứng còn non quá. Còn chú ngan Thối của anh Khánh thì chắc nhiều người còn nhớ. Hồi đó, hình như anh Khánh sau khi đọc truyện “Quả trứng vuông” đã tự sáng chế ý tưởng lấy dây lạt thắt chặt 2 cánh chú ngan cho rụng đi để dồn thịt cho thân mình ngan béo lên. Chỉ sau vài ngày, cả trại trẻ bốc mùi vì 2 cánh thối rữa của ngan. Mỗi lần chú ngan lạch bạch đến gần là mẹ An tá hoả, không chịu nổi cái mùi của nó và lại ca một bài rày la anh Khánh.

Hồi đó, ba Lê Dân của tôi hình như là Bí thư Đảng ủy nên cụ rất “gương mẫu” hạn chế lên thăm con, mà chỉ thường gửi quà lên. Đến giờ tôi vẫn giữ được khá nhiều bức thư ba tôi gửi cho anh em tôi, trong những bức thư đó có cả những chiếc bánh trực đêm của ba, nhưng ba đã nhịn để dành gửi lên cho chúng tôi.
Đọc lại những bức thư đó tôi đã không cầm nổi nước mắt và càng thấm hiểu tấm lòng của người cha rất mực thương yêu con, đồng thời rất cảm phục thế hệ các cụ đã có những nghị lực sống phi thường, có một tư tưởng sống đáng kính phục. Ở thời đại này, tưởng tượng lại thời của các cụ mới thấy về nghị lực có lẽ đời con cháu còn xa mới bằng các cụ.
Hồi đầu, anh em tôi còn thấy tủi vì ít được ba mẹ lên thăm (mẹ tôi bận học tận trên Vĩnh Phúc), nhất là khi nhìn cảnh mẹ con cô Lục và Lộc “cộc đuôi” âu yếm nhau. Tôi vẫn nhớ như in đôi mắt to, đen ươn ướt của anh Lộc khi ngẹo đầu làm nũng trên vai mẹ và thầm ao ước mình cũng được mẹ bế như vậy.
Nhưng lâu rồi cũng quen, anh em tôi cũng không còn cảm thấy buồn nữa. Mỗi chủ nhật, các anh chị náo nức chạy theo con đường nhỏ hai bên là hàng rào bằng cây duối xanh mướt sau nhà bác Huấn để ra con đường lớn đứng ngóng bố mẹ lên thăm thì anh em tôi cũng háo hức chờ được nhận những món quà ba mẹ gửi như: lọ magi, hộp đường, bánh và món thịt viên băm trộn với mắm (một món miền Trung mà hiện có bán nhiều ở chợ Hàng Bè).Tôi nhớ mỗi buổi tối ở trại thật vui. Lũ trẻ chúng tôi thường kê gối sát tường rồi trồng cây chuối xem ai trồng được lâu hơn. Rồi tập hát, chúng tôi thi nhau ngân xem ai dài hơi hơn theo đoạn cuối của bài hát “Chiếc đàn Ta lư” mà nghệ sỹ Tường Vi thường hát: “đàn em reo ca …a…a…a…a….a….., ới đàn ta lư, rừng núi quê ta….a…a…a…a…, từng bừng reo ca”. Rồi tập múa, các chị lớn hơn tự dậy, tự sáng tác các điệu múa cho chúng tôi. Hồi đó, nhìn Minh Hồng – con bác Hoàng Tùng mặc chiếc váy nilon hoa phớt xanh, phớt hồng múa thật đẹp, trong trí tưởng tượng của tôi, chiếc váy đó chỉ có trong chuyện cổ tích. Vì vậy, bọn con gái cùng lứa chúng tôi thèm có chiếc váy đến “rỏ rãi”, còn tôi thì nhiều đêm nằm mơ thấy được bà tiên ban cho mình chiếc váy giống hệt, tỉnh dậy tiếc quá, cố ngủ để mơ tiếp mà không được. Bây giờ, con gái tôi có hàng chục chiếc váy còn đẹp hơn thế mà nó hoàn toàn dửng dưng. Thế mới biết, thế hệ chúng ta hạnh phúc hơn thế hệ ngày nay. Cuộc sống có khổ mới biết sướng, có gian truân mới biết hạnh phúc. Bây giờ sướng quá mà không biết là mình sướng – đó chính là những bất hạnh của thế hệ con trẻ thành phố ngày nay.
Xin tạm dừng dòng hồi nhớ tại đây vì còn phải đi đón con đi học về. Hẹn lúc rỗi sẽ lại nhớ tiếp.

Rất muốn các anh chị, các bạn cùng vẽ lại bức tranh Ngày Xưa của chúng ta!

Trương Hải Đường

Ghi thêm của Ban Biên tập: Sau khi bài này được đăng, chị Huỳnh Ngọc Thụy đã đính chính lại cho chúng tôi, nhà thờ mà Trại trẻ chúng ta ở nhờ chính là nhà thờ họ Phùng, do bác Phùng Hữu Lê làm thủ đền.
Ảnh 1: Chị Hải Đường đứng giữa các anh Hoàng Nam, Tương Lai và Minh Quang (ngày 23/9/2007).
Ảnh 2: Hải Đường ngày bé, xấu xí và ghẻ đầy người, bắt đầu rèn luyện sự "cứng đầu" từ khi xa ba mẹ.
Ảnh 3: Hải Đường nhận danh hiệu Lãnh đạo CNTT xuất sắc khu vực Đông Dương (2006)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét