Ngày đó tôi chỉ mới gần 6 tuổi, cái tuổi sắp vào lớp 1 bây giờ, thế mà đã phải xa mẹ, xa rời tổ ấm, thay mặt mẹ để chăm sóc đứa em nhỏ hơn mình 1,5 tuổi. Nhớ mãi điểm đầu tiên đến sơ tán của trại trẻ Báo nhân dân là Tuy lai, tôi vẫn nhớ trại trẻ đóng quân ngay nhà đầu làng, trống hoác, những trại viên nhỏ tuổi sẽ ở đó, một số anh chị lớn hơn thì vào ở nhà dân bên trong làng. Điều này làm tôi ghen tị nên nhớ tới giờ vì tôi chỉ thích được ở cùng các anh chị lớn, chắc chắn sẽ có nhiều trò hay thú vị hơn là đám nhỏ tụi tôi. Chỉ mới vừa tới nơi ngày hôm trước, hôm sau tôi cùng các bạn đã phải một phen chạy máy bay kinh hoàng, nhớ lúc đó trại trẻ có Cô Bình Định, mẹ An, cô Thi… Máy bay tới, tiếng rít của nó thật gần, đinh tai nhức óc, mẹ An kêu các chị lớn dẫn các em nhỏ (là tôi gần 6 tuổi, Hoa Lê 4 tuổi rưỡi và các em nhỏ khác mà lúc đó tôi chưa kịp làm quen nên chẳng nhớ tên) chạy ra giao thông hào, cách trại chỉ là một khoảng sân nhỏ, vậy mà chị em chúng tôi phải 2-3 lần nằm xuống tránh máy bay lượn trên đầu, rồi lại ngóc lên chạy tiếp. Nhớ lúc ra sát đến bờ tường cạnh giao thông hào rồi mà mẹ An còn kêu lên: “nằm xuống” vì máy bay đã quay lại, mấy chị em lại hấp tấp nằm ép sát vào bờ tường, chị Ninh Hà đã ôm một em nhỏ vào lòng che cho em, hành động đó của chị làm tôi nhớ mãi và có lẽ chính vì thế trong suốt thời gian đi sơ tán và cả sau này nữa tôi rất thích chị và luôn tìm cách học theo chị. Ơn trời là lúc đó còn quá bé để hoàn toàn tin tưởng vào cái giao thông hào trước mặt, nên chẳng biết sợ, chẳng nghi ngờ gì, chẳng biết rằng chỉ một quả bom thì xong hết, không cần phải chạy đi đâu, chẳng giao thông hào nào cứu được. Nhưng là nói thế thôi, chứ lúc đó bảo chạy là chạy, hô nằm xuống là nằm ngay tắp lự mà chẳng cần hỏi là tại sao nằm, tại sao chạy…có biết vì sao đâu. Ở Tuy lai, ấn tượng của tôi là cái quạt “trần” bằng chiếu mà mẹ An, cô Định giăng lên trên trần nhà, rồi cô Định nằm ở góc nhà nắm sợi dây nối với cái “quạt” chiếu, giật qua giật lại, phe phẩy cho mát cả đám trẻ nằm sắp lớp bên dưới, nhưng đêm về thì các cô cũng không thể thức suốt đêm quạt cho tụi tôi được. Thế là tôi đã trải qua một đêm thức trắng, Hoa Lê còn quá nhỏ, đòi chị quạt cho suốt đêm, hễ tôi buồn ngủ quá, vừa ngủ thiếp đi, tay rũ xuống không quạt nữa là Lê lại khóc lên đòi quạt. Cứ thế suốt đêm, có lẽ đến gần sáng tôi mới ngủ được. Ấn tượng quá nên tôi nhớ tới giờ. Bây giờ nghĩ lại, đêm đầu tiên mình thức trắng lại không phải là thao thức vì tương tư, cũng chẳng phải vì ở độ tuổi bắt đầu biết day dứt, trằn trọc, mà chính lại là đêm đầu tiên xa nhà đến nơi sơ tán, thay mẹ lo cho em khi chỉ mới vừa 5 tuổi rưỡi, cái tuổi mà bây giờ nếu là con mình thì nâng như nâng trứng, mới hiểu lòng cha mẹ mình ngày ấy thắt ruột thắt gan thế nào khi gửi các con nhỏ thế đi sơ tán, mới biết là hồi đó mình khổ thật, khổ quá sức tưởng tượng, thế mà trong gian khổ ấy, tất cả anh chị em mình vẫn rất vui vẻ, văn nghệ văn gừng, học hành giỏi giang, để lại một ký ức tuổi thơ biết bao kỷ niệm mà không phải thời nào cũng có được.
Tuy Lai lúc đó quá nguy hiểm nên thời gian ngắn sau là chuyển đi nơi khác. Bây giờ nhớ lại chỉ vài hình ảnh rất lờ mờ, một con đường mòn, một cái miếu-hay là đình -đầu làng, vài cái cây, ruộng lúa dựng nên hình ảnh một miền quê xơ xác. Một hình ảnh nữa tôi còn nhớ là chiều chủ nhật sau khi thăm trại sơ tán, chú Lê Dân (chú Ngô Lê Dân) và chị Giang con bác Thịnh cùng về, chỉ ra đến cánh đồng lúa là mưa gió mịt mù, lúc đó vì lo lắng dõi theo chú và chị Giang, tôi cứ thắc mắc mãi, sao mới thấy 2 bóng người 2 xe đạp mà bây giờ lại chỉ còn một bóng? (mưa to quá nên đứng sát lại nhau). Có lẽ đó là điểm khởi đầu của tình yêu 2 người chăng? Thật tiếc sau này “anh” chị không còn đi chung nữa…
Tôi cũng không nhớ rõ lắm mình bắt đầu học lớp 1 ở đâu, hình như ở Thống nhất, là nơi có nhà thờ họ Phùng, mà Hải Đường đã tả lại rất rõ, tôi ở dãy đối diện với Hải Đường, nhớ là có Thủy Tiên, chị Thanh Bình, chị Việt Phương, Khánh Như, hình như H.Đường nhớ lộn, vì tôi nhớ chị Như ở cùng dãy tụi tôi, gần Thủy Tiên…. Ngày ấy tập văn nghệ, tôi và M.Hồng múa bài con bướm là con bướm xinh, là con bướm là con bướm hồng, ..bướm ơi là bướm mời bướm hãy về đây chơi…, múa say sưa đến nỗi hết bài rồi, lẽ ra phải dừng lại cho tiết mục khác nhưng tôi và Hồng đã quyết định múa tiếp một lần nữa để “phục vụ”, mấy bạn hát cho chúng tôi múa ngơ ngác nhưng rồi vẫn hát tiếp cho hết bài, sau đó xuống sân khấu mọi người xúm lại trách chúng tôi làm mất thời giờ của mọi người, làm chúng tôi buồn mãi vì mọi người không hiểu lòng “nhiệt tình phục vụ” của mình. Một hình ảnh nữa tôi vẫn nhớ là hình ảnh Hải Đường tự dung túm chặt ống quần phía trên đùi, khóc ré lên, la cái gì đó mà không ai nghe được, mọi người xúm lại hỏi han, dỗ dành Đường nói lý do nhưng chỉ có tiếng khóc dữ dội hơn, mãi sau mẹ An dụ được H.Đường cho mẹ An biết bên trong ống quần mà tay Đường đang nắm chặt là gì, Đường nói trong tiếng nấc “ có con gì ở trong quần cháu, híc..híc”, mẹ An giở ống quần lên rồi bảo Đường thả tay ra, một con chuột phóng ra làm cả vòng con nít hiếu kỳ la hét, dạt ra ngoài hết. Một trận nhớ đời phải không Đường?
Hồi nhỏ hay ra giếng tập văn nghệ, tôi thèm đi xem lắm nhưng em tôi thì đòi đi ngủ sớm nên những cuộc vui đó tôi ít được tham gia, mà ra giếng chơi rồi thì Hoa Lê hay đòi về sớm, tôi lại dũng cảm dẫn em về dù phải đi qua mấy bụi tre kẽo kẹt, sợ ma quá chừng luôn.Có lần dẫn em đi tiêu ở cái hố xí 2 ngăn toàn ruồi nhặng, phía trước mặt là cái mương có bèo hoa dâu và giấy vệ sinh vứt dơ bẩn, chân Hoa Lê bị “cước” sưng phồng to nên bước khó khăn, vừa bước lên bậc nhà vệ sinh thì ngã ngửa ra sau, lăn tòm xuống mương trước mặt, tôi đã hoảng hốt kêu to “có ai không, cứu em cháu với” thì có chú gì nhà bên cạnh trại trẻ đang ngồi bên bờ ruộng chạy qua lôi em lên, một phen tắm rửa kỳ cọ ra trò mà 2 ngày sau mới “khử mùi” hoàn toàn…
Con đường làng dẫn tới trường những ngày mưa thường trơn trợt, xe trâu đi để lại trên đường những lằn ngoằn nghèo, tôi nhớ những ngón chân nhỏ xíu của mình cứ bíu chặt xuống mặt đường vì sợ bị vồ ếch. Bạn cùng học khóa lớp 1 ngày ấy là Thủy Tiên, Minh Hồng, H.Đường, Hiếu Nam, Tương Lai, mỗi lần đi học thường phải rủ nhau đi cùng vì sợ bọn ở làng ra “trấn lột”, sợ cả những con ngỗng cổ dài ngoẵng, kêu kíu kíu đuổi theo làm chạy toán loạn, sau này đi chung Hiếu Nam, bạn ấy đã đứng ra xua đuổi lũ ngỗng cho chúng tôi cùng đi qua, từ đó đến giờ chẳng gặp lại các bạn cùng lứa, ao ước khi nào cùng nhau về thăm lại nơi sơ tán ngày xưa, huyện Chương Mỹ, Quốc Oai, Hà Tây…ngày đó thú vui của trẻ em trại trẻ là chủ nhật nào cũng ra đê ngóng mẹ, hễ có bóng người xuất hiện là đoán già đoán non xem là ai cho đến khi dự đoán trở thành hiện thực, ngày mẹ đạp xe lên thăm, mừng vì được thoát ly khỏi cái đám trẻ còn lại vẫn đang trông ngóng, hãnh diện vì có mẹ thăm, giờ mẹ về, đứng dõi theo khi cái bóng mẹ chỉ còn là cái chấm nhỏ xíu, thương cái bóng mẹ lẻ loi giữa con đường rộng…lúc mong mẹ không thấy, đến tận trưa mà vẫn ngóng trông không chịu về ăn cơm, hy vọng mẹ đến muộn vì lý do nào đó…
Đã hết giờ “thư giãn”, còn nhiều chuyện nữa nhưng xin hẹn khi khác. Chỉ tiếc là lúc đó tôi còn quá nhỏ nên chẳng nhớ nhiều như các anh chị, vài chuyện vẩn vơ chép lại để nhớ. Lần sơ tán thứ 2 thì đã lớn hơn, nhớ nhiều hơn, mà cũng nghịch ngợm hơn, tôi sẽ từ từ nhớ và kể, chỉ mong được chắp thêm vào bức tranh trại trẻ cho thêm màu thêm sắc, thêm sinh động…
Huỳnh Ngọc Thụy