19/2/11

ANH HAI TÔI


Hôm nay, thứ 7 (19.02.2011), anh tôi rời xa cõi tạm này đến với cõi vĩnh hằng đã một tuần rồi mà tôi vẫn không thể nào tin được, tâm trí tôi luôn nhói đau nhớ về những ngày tháng cuối cùng, những giây phút cuối cùng của anh tôi.

Tôi nhớ nhiều, nhiều lắm, tất cả ùa về như một cuốn phim, ngày 27 tháng chạp giáp Tết, tôi gọi điện nói anh ngày mai cả nhà tôi sẽ lên chơi với anh, anh mừng lắm, rồi khoe mùng 2 anh sẽ về Long Khánh (quê chị dâu tôi), nghe vậy tôi vui quá vì thấy sức khỏe của anh đã ổn. Hôm sau, trên đường đi, anh gọi điện hỏi tôi 2, 3 lần coi tới đâu rồi, rồi còn nói đùa rằng anh để dành đãi tôi một nồi cơm nguội, nói rồi anh cười lớn, giọng cười của một người khỏe mạnh.

Hai đứa con lớn của tôi ở Singapore về ăn Tết có mấy ngày, về ngày hôm trước là hôm sau lên thăm cậu Hai liền, tranh thủ bày tỏ cảm nhận về những bài viết của anh mà chúng đã đọc trên blog TTST BND, biết được điều này anh vui quá chừng, cười nói ríu rít, tự hào lắm khi Hoài Linh khen cậu Hai viết hay và hóm hỉnh ghê, Hoàng Nam thì khen lâu rồi mà cậu Hai vẫn nhớ được tiếng Hungary, giỏi thật.

Bức hình cuối cùng được chụp với cậu Hai
Hôm thứ 6 tuần trước, nhận được tin anh đang cấp cứu, tôi, chị Thụy và mẹ tôi vội về Vũng Tàu ngay, vô viện thăm anh, anh đã bớt đau, anh kể chuyện đi Đà Lạt, chẳng quên pha trò như thường ngày, tôi cười mà mắt rưng rưng, tôi biết anh đang cố gắng, anh rất đau và mệt nhưng ráng làm như bình thường để trấn an mọi người. Điều mà chúng tôi, những người khỏe mạnh đôi khi còn làm chưa được.

Khi anh 8 tuổi, anh đã là anh của 3 đứa em, tôi là em út nên anh phải giúp mẹ trông giữ tôi từ khi tôi còn phải ẵm bồng, không biết mẹ tôi nói đùa hay thật là dáng đi của anh hơi bị nghiêng là do phải “tha” tôi theo suốt ngày. Là anh cả nên dù mới 8 tuổi, anh đã giúp ba mẹ tôi đủ mọi thứ, tuổi thơ của anh vất vả hơn chúng tôi nhiều lắm, sau này có gia đình rồi cũng thế, mà chẳng bao giờ anh than thở, bây giờ mới đỡ được một chút, anh đã bỏ lại sau lưng tất cả rồi. Anh Nhi ơi!

Đã thật lâu rồi, anh Hai tôi đã chẳng được thưởng thức những món ngon, cũng như thăm thú nơi này nơi kia, một buổi tối đang chat với anh, anh hỏi: “Sơn có nhà không? Rủ Sơn ra nhậu với anh nè”, Sơn là ông xã tôi. Tôi ngạc nhiên hỏi lại: “Sao cơ?”. Anh nói: “cứ mở mail đi”, thì ra anh gửi hình một chai rượu vang và một đĩa thức ăn, trông ngon lắm. Tôi nói: “Nhậu kiểu này hay thật, không sợ bị say”, nhưng trong lòng thương anh quá đỗi. Giao thừa Tết Tây vừa rồi, gia đình tôi và gia đình anh Nhân đi Đà Lạt chơi, gọi điện chúc mừng năm mới, không dám nói đang ở Đà Lạt vì sợ anh buồn, sau đó anh cũng biết, rồi anh cũng có cơ hội “Gửi lời chào từ Đà Lạt” tới mọi người.

Nhớ lại mà thương, thời gian sau này anh thường ngồi bên máy tính, để viết, để chat với mọi người, lúc nào cũng thấy nick anh online, tôi nghĩ anh thật nhiều thời gian, đâu biết quỹ thời gian của anh ngày càng cạn. Tôi cũng online suốt ngày nhưng thường không ngồi bên máy tính, lúc ở nhà thì có khi đang ở dưới bếp, lúc ở cơ quan cũng online nhưng có khi đi ra ngoài, bận nhiều việc nên đôi lúc cũng lười chat, có lần anh nói “Hello mãi chẳng thấy ai trả lời”, tôi thương quá liền chat 2 tiếng đồng hồ và kết quả là cả nhà đi ăn cơm tiệm vì đã muộn giờ nấu cơm. Thời gian sau này, mỗi lần thấy nick anh sáng đèn, tôi yên tâm vì biết anh khỏe, còn hôm nào thấy anh offline, tôi buồn và lo lắm. Vậy mà bây giờ đến lượt tôi “Hello mãi chẳng thấy ai trả lời”. Anh Nhi ơi!

Ngôn từ nào có thể diễn tả được nỗi đau này, tôi chẳng viết được, chỉ biết ghi lại những kỷ niệm, những tâm sự, để ở một nơi nào đó, anh có thể đọc và mỉm cười, vẫn là nụ cười lạc quan yêu đời ngày nào. Người ta nói thời gian là phương thuốc nhiệm màu… nhưng tôi nghĩ thời gian không thể đem anh tôi trở lại, nên vết thương vẫn mãi là vết thương.

Anh tôi, anh của tôi giờ ở nơi nào, ngày anh đi, bạn bè, cơ quan đoàn thể, bà con đến viếng anh đông lắm, dù anh bệnh đã lâu rồi nhưng chẳng ai tin, chẳng ai muốn tin anh ra đi sớm thế. Còn tôi, tôi tin rằng, anh đã đi thật thanh thản, vì những năm tháng anh đã sống đầy nghĩa tình, bao nhiêu ý nghĩa, với những gì anh đã làm được cho mọi người, cho đời. Em yêu anh, Cuộc Đời này yêu anh, anh Nhi ạ.

Hãy an lòng yên nghỉ, anh Hai của em!

Em Út gửi Anh Hai
Huỳnh Hoa Lê

Con tự hào về Ba


Các cô chú TTST BND kính mến,

Con viết gửi ba Nhi, mặc dù đã có nhiều bài viết về ba, khiến cho những tiếc nhớ càng thêm sâu đậm, nhưng con vẫn muốn gửi thêm bài này để nhớ về ba Nhi, nhờ các cô chú đăng giùm con.


Hai con và mẹ rất cảm động về những tình cảm các cô chú dành cho ba Nhi, mong ba có thể thấu hiểu được điều này.

Con gái của ba Nhi,
Thùy Trâm

Ba, mẹ và con (ảnh chụp ngày 30.01.2011)
Ba yêu quý của con!

Con đã không có một người ba bình thường, người ba có thể chở mẹ đi chợ mỗi cuối tuần, người tự tay đi lựa một cành mai vào những ngày giáp Tết, người đưa con đi thành phố thi ĐH và còn nhiều điều khác nữa… nhưng nay con nhận ra rằng, những điều bình thường ấy có biết bao nhiêu người cha đã làm, còn ba của con lại yêu thương mẹ và các con theo một cách hoàn toàn khác. Vì vậy ba là người cha không bình thường tuyệt vời nhất!

Thật may mắn và công bằng khi trời không cho ba thân thể tráng kiện, nhưng bù đắp cho ba một tâm hồn giàu tình cảm và hài hước, để ba có thể nói lên tình yêu thương của ba qua những bài thơ và bài viết, khiến cho bao nhiêu người cảm động; một tinh thần lạc quan và ý chí mạnh mẽ để vượt qua những thiệt thòi, khổ sở của bệnh tật.

Con tự hào về ba Nhi biết bao!

Quanh con, ba của các bạn có thể sửa sang nhà cửa, chăm sóc vườn tược, sửa ống nước hư … nhưng rất ít người làm thơ cho con gái, cho vợ, cho em, cho gia đình. Giữa cuộc sống ngày càng hối hả và quá thực tế, lời thơ của ba là điều gì đó quý giá mà nhiều người khỏe mạnh không làm được.

Tên Dũng Nhi của ba là cái tên hay nhất con từng biết, vì nó như đã miêu tả hết con người và tâm hồn ba. Chữ “Nhi” có chút gì đó yếu ớt, mỏng manh, nhưng Dũng Nhi thì không như thế, ba là người nhỏ bé mà tinh thần mạnh mẽ và lạc quan lắm. Ba là “chim sẻ uống nước biển”, con vẫn còn nhớ. Ba là “Nhi tiêu hột”, tuy bé mà cay, nồng, là một loại gia vị thơm ngon.

Cả nhà trước phút giao thừa năm Tân Mão
Mẹ và chị Dung đã có thêm một số kỷ niệm đẹp với ba ở Long Khánh, Đà Lạt. Riêng con chỉ được có buổi sáng 29 tết, cùng mẹ và anh Lương ra công viên biển Bãi Trước chụp hình với ba, mấy mẹ con cố cười tươi rạng rỡ trong một buổi sáng nắng chói chang. Và đêm giao thừa nữa, anh Lương khai trương cái chân máy chụp nên hình có đủ 4 người, không cần ai bấm giúp. Con cũng thầm nghĩ đây có thể là những phút sum vầy hiếm hoi sau cùng, vì ai biết được Tết năm sau có còn bình yên. Dẫu sao mình cũng đã rất vui, phải không ba?

Con mong ba đã thấy hạnh phúc vì những gì gia đình mình cùng trải qua, mong ba hài lòng về hai cô con gái mà ba luôn gọi là “ả tố nga” hoặc “con gái cưng”, mong ba yên tâm về mẹ và tụi con sau tất cả những gì xảy ra, vì cả nhà sẽ đối diện với mọi thứ, như ba đã từng.

Đôi khi con vẫn không hiểu sao ba có thể mạnh mẽ đến như vậy? Nhưng giờ thì cả nhà mình sẽ sống bình yên dù có một số thay đổi, con biết ba mong thấy tất cả được yên vui, hạnh phúc, vậy ba cứ yên lòng nhé, mọi người sẽ tiếp tục sống tốt, sống tốt giùm phần của ba nữa.

Con mong sau khi viết những dòng này, nỗi buồn sẽ lắng dịu và chỉ đọng lại những kỷ niệm đẹp nhất về ba. Những tiếc thương sẽ được cất đi để ngày tươi mới lại bắt đầu. Hãy vui lên ba nhé!

Vũng Tàu, 18/02/2011
Thùy Trâm – con gái của ba.

Cả gia đình chụp hình với ông Nội ở công viên trước nhà (mùng 1 Tết Tân Mão)

18/2/11

Đầu Xuân, gặp bạn trên… mặt báo

"Năm mới, thắng lợi mới" blog TTST BND nhé!
Ninh-Hà Nguyễn-Quốc

Ghe thuyền cập chợ hoa bến Bình Đông, TP.HCM - Bờ bên kia là đại lộ Đông-Tây (Ảnh Nguyen-Quoc)
Chúng mình sinh ra đã là con nhà báo, nên trong cuộc đời, trong cuộc sống hàng ngày không khỏi có những liên quan tới… làng báo!

Còn nhớ, Ninh Hà có một người bạn gái chơi thân từ thời còn học phổ thông (cô bạn nay là bác sĩ quân y). Sau khi tốt nghiệp đại học, đường đời chia mỗi người mỗi ngả. Đến khi bắt đầu có chút thì giờ để… nhớ về nhau thì hỡi ôi, chẳng ai biết ai ở đâu! Cô bạn quả đã rất “có lý” khi điện thoại… nhờ Tòa soạn báo Sài Gòn Giải Phóng tìm lại dùm!

Ngày 13-2, Ninh Hà được tin anh Huỳnh Dũng Nhi mất khi đọc báo buổi sáng. Sáng nay, 16-2, đọc bài “Viết cho anh tôi” của Huỳnh Dũng Nhân cũng trong khi đọc báo sáng (SGGP). Gặp lại bạn xưa trên mặt báo là thế.

Trước và sau Tết, nhờ các trang báo, Ninh Hà đã được gặp lại rất nhiều bạn cũ. Đầu tiên là bài viết của nhà báo Huỳnh Dũng Nhân về lực lượng phê bình văn hóa, nghệ thuật của cánh phóng viên; bài viết của nhà báo lão thành Phan Quang về gia đình cố nhà văn Nguyễn Văn Bổng, về vợ ông và 4 người con trai ông mà chúng mình quen biết. Trước đó một tý thì có bài viết về một người yêu Hồ Gươm “vô điều kiện” – nhà báo Hà Huy Hồng; thấy hình ảnh phóng viên TTXVN Hà Huy Hiệp tác nghiệp trong một Hội nghị quốc tế cấp cao trên Đài truyền hình trung ương; hay mẹ con Đặng Việt Phương và nhà báo lão thành Đặng Minh Phương trong một chương trình truyền hình. Sau đó thì được đọc một bài thơ về Đại tướng Nguyễn Chí Thanh và vùng Hải Lăng quê ông của anh Lê Khánh Hoài (có đúng là của anh Hoài không? – ngày xưa được đọc nhiều bài viết của anh ký dưới tên họ Trương nhưng hồi này ít thấy); bài viết về nhà sưu tập Đỗ Huy Bắc với những ký họa, phác thảo của các họa sĩ minh họa cho các bài viết đăng trên báo chí. Đọc báo Tết Nhân Dân thì được gặp lại Hoàng Tuấn Phong, Hoàng Tuấn Vũ, Phan Vị Hoàng, Phạm Thanh Hà… Gần đây còn thấy Hà Huy Hồng trên truyền hình trong một chuyên mục với những tờ báo Xuân.

Với Hoàng Tuấn Vũ hay Hà Phạm thì còn được gặp đều đặn trên Thời Nay nữa. Không những thế, Tuấn Vũ còn xuất hiện trên VTV4 với tư cách của một người đại diện cho kiều bào Việt Nam ở Ukraine. (Nhân đây xin hỏi, một lần Ninh Hà thấy giới thiệu anh Vũ Quốc Tuấn, đại diện công ty đa quốc gia Kimberly Clark, có phải đấy là Tuấn em ruột Vũ Quốc Lộc “nhà mình” không? – hồi đó Tuấn còn nhỏ quá nên chị Hà không nhớ rõ mặt!).

Những lúc có thì giờ, lên blog TTST BND thì được gặp anh Hiếu Dân, Hồ Nguyên, Trương Việt Khánh… với những câu viết thật tình cảm, nếu có gì phiền muộn thì đọc các anh chắc chắn sẽ thấy lòng ấm hơn; đặc biệt là được “gặp” lại anh Huỳnh Dũng Nhi sau 40 năm (nhưng anh lại đã vội ra đi). Ninh Hà rất thích đọc những bài viết của hai “cây bút nữ” Trương Hải Đường và Phạm Thanh Hà. Những bài viết của Hải Đường đẫm chất nhân văn, mà không kém phần dí dỏm yêu đời – Ninh Hà chắc ngoài đời Hải Đường cũng là một con người như thế. Bài viết của Thanh Hà thì ào ạt cảm xúc, lớp tường lớp ẩn, lớp tường đầy tính cách, lớp ẩn khiến người ta nghĩ ngợi sâu lắng, xa xôi…

Những cuộc “gặp gỡ trên báo” đem theo bao kỷ niệm xưa ùa về, còn làm cho mình có thêm đôi chút hãnh diện nữa đấy! Cũng có thể có lúc nào đấy vô tình được gặp lại bạn trên báo mà mình không biết (ví dụ bạn viết bài ký tên bằng bút danh chẳng hạn). Các bạn có thể giúp bổ sung thêm được không?

Lớp của Ninh Hà ngày xưa ở TTST BND hầu như ai cũng viết được. Ngoài Huỳnh Dũng Nhân thì còn có Lê Khánh Châu, Hoài Nam, Đỗ Huy Bắc… đều viết văn rất hay.

Chúc tất cả các bạn một năm mới thật nhiều điều tốt lành. Ninh Hà chỉ mong sao cây bút (bây giờ phải đổi thành “bàn phím” mới đúng!) có thể nói dùm mình những điều muốn nói.

Có phải khi “Viết cho anh tôi” thì Dũng Nhân cũng đã được an ủi rất nhiều không?

16/02/2011
NH-NQ

17/2/11

Kỷ niệm về bạn vẫn còn tươi


Thay cho nén hương tiễn bạn đi xa
Phương Hồng

Nhớ Dũng Nhi

Thời gian vừa rồi, thỉnh thoảng vào blog của Trại trẻ đọc những bài bạn viết về những kỷ niệm tuổi ấu thơ khi đi sơ tán cùng Trại trẻ. Vẫn giọng văn và những nhận xét rất hóm hỉnh xưa, đôi chỗ mình phải bật cười thành tiếng một mình. Mình định viết thư thăm hỏi và cùng ôn lại kỷ niệm xưa với bạn, nhưng bận việc nọ việc kia nên chưa viết được. Nghe tin H.Dân báo, mình bàng hoàng, thế là không kịp, bạn đi mất rồi.

Nhớ ngày xưa mình, bạn và Minh Chính (con cô Hà Hoa) cùng học với nhau hồi lớp 8. Chính thì ít nói và không mấy khi cười thành tiếng, còn bạn thì ngược lại, hay nói, hay cười và hay kể chuyện vui. Mặc dù đã hơn 40 năm trôi qua, mình vẫn nhớ rõ mồn một hình ảnh bạn ngồi, một chân ghếch lên mặt bàn, một chân đung đưa bên dưới trong giờ nghỉ giải lao, bạn bắt đầu kể chuyện:

- Sáng sớm nay lúc đang ngủ ngon thì nghe văng vẳng bên tai ai đọc đều đều: tecét là bài tập đọc, bài tập đọc là tecét, cóc mốc là vũ trụ,vũ trụ là cóc mốc, hé mắt ra nhìn thì ra con ông chủ đang gật gù trùm chăn ngồi trước đèn dầu học tiếng Nga (trong tiếng Nga, bài tập đọc là tekct, chắc ngái ngủ nên đọc nhầm chữ c thành chữ e ; Kocmoc là vũ trụ thì đọc thành cóc mốc). Cả bọn cười rũ.

Lần khác bạn kể:

- Tiếng Việt nam đến là hay, bà chủ nhà mình mắng con: "Trời mưa mày cứ chạy ra sân, quần áo lấm sạch cả rồi". Bạn cười, đã lấm thì còn sạch sao được mà lấm sạch cả rồi.

Dũng Nhi ở giữa
(Từ ảnh của Nhân)
Chỗ bọn mình học cách Trại trẻ báo Nhân Dân 4km, bọn mình phải trọ học ở đó đến cuối tuần mới được về Trại thăm các em. Hôm nào rủ được cả ba gồm mình, Nhi và Chính cùng đi thì vui lắm, hôm nào chỉ có mình với Nhi hoặc mình với Chính cùng đi thì buồn hẳn, vì chỉ lo lúc đi qua xóm đạo, bọn trẻ con cứ chạy theo đằng sau rồi đồng thanh hét: chông vợ hài là hai vợ chồng. lúc đấy xấu hổ lắm, cứ như lời chúng nó nói sẽ thành thật vậy, thế là ù té cả hai cùng chạy, chạy cho nhanh ra khỏi làng thì chúng nó sẽ không đuổi theo nữa. Lớp 8 rồi vẫn còn trẻ con vậy đó.

Nhi ơi, những kỷ niệm về bạn vẫn còn tươi rói trong tâm trí mình, thế mà nay bạn đã đi xa, thôi thì lẽ trời đã định, cầu mong cho bạn ngậm cười nơi chín suối. Chân thành chia buồn cùng cả gia đình, mong mọi người hãy vững vàng vượt qua nỗi đau này.

Bạn học cũ

16/2/11

Chuyến đi cuối cùng


Bài của Thùy Dung, con gái ba Nhi
Con vẫn thường nói con không thích những lời xã giao, khách khí, và con đặc biệt không thích mở đầu câu chuyện bằng câu hỏi “dạo này khỏe không”, vì con nghĩ có khỏe thì mới đi gặp gỡ mọi người được, còn yếu thì phải nằm nhà chứ. Nhưng, bây giờ nghĩ lại thấy câu đó không hoàn toàn đúng. Ba có khỏe đâu mà vẫn ráng đi biết bao là nơi (mùng 2, mùng 3 đi Long Khánh, mùng 5 đi SG, mùng 7 đi Đà Lạt).

Tự trong thâm tâm con cũng biết chuyến đi Đà Lạt này là chuyến đi cuối cùng của ba, nhưng con không nghĩ rằng điều mà con, cũng như mẹ và em Trâm lo sợ lại đến nhanh đến vậy, nó xảy ra khi chuyến đi chơi mà cả nhà mình trông đợi còn chưa kết thúc.

Khi cả nhà mình, cùng mẹ con chị Hồng thẳng tiến Đà Lạt, con không biết rằng cả nhà mình đang tiến rất gần đến giây phút chia ly sinh tử.

Khi chiếc xe quẹo vào sân Nhà khách Tỉnh ủy Lâm Đồng, ai cũng thấy thật vui vì không gian ở đây rất đẹp, trăm hoa đua nở, ba vui lắm, thế nên đã “gửi lời chào từ Đà Lạt” đến nhiều người.

Nhà mình đến Đà Lạt đâu khoảng 3h chiều, tụi con nghỉ ngơi một chút rồi ra trước sảnh chụp hình. Trời lạnh nên ba mẹ không ra khỏi phòng, nhưng thấy tụi nhỏ xôn xao ngoài cửa sổ cũng mở cửa sổ nhìn ra, tạo dáng chụp 2 kiểu.

Tấm hình do con rể Phúc Lộc chụp
Buổi chiều tối hôm đó, ba vẫn ở trong phòng, mẹ định ở nhà với ba nhưng ba động viên mẹ đi ăn cùng các con. Cả nhà đi ăn mì. Đang ở quán mì thì ba gửi cho con một tin nhắn “cả nhà cứ ăn cho ngon, vui vẻ, vậy là ba vui. Nhớ chụp hình”. Ba lúc nào cũng động viên mọi người cả.

Buổi sáng hôm sau, ba mẹ vẫn ở trong phòng, chỉ có tụi con đi ăn sáng, uống cà phê và đạp vịt ở Hồ Xuân Hương. Buổi trưa, về đón ba mẹ đi vườn hoa. Lúc lên xe, ba nói đã trưa rồi thì thôi đi ăn trưa trước, để lúc đi vườn hoa khỏi cập rập về vì đói bụng. Thôi thì cả nhà đi ăn, chứ thật ra thì tụi con và mẹ không muốn ba theo cùng đâu, vì ba thấy món gì cũng thèm. Nhớ lúc còn ở nhà, mẹ mua củ hành, trái cà chua mà ba cũng thèm, vậy mà ba không ăn được.

Lúc ngồi ở quán cơm niêu, người phục vụ bưng món nào ra ba cũng xuýt xoa “ngon quá”, con mới gợi ý là thôi thì ba bỏ vào miệng để nếm cái vị rồi mình nhả ra. Vậy là ba cũng nếm được món salad trộn, cá kho tộ và sườn xào chua ngọt. Sau đó mọi người ra xe, nhưng ba cứ nấn ná ngồi trầm ngâm mãi, con lo dắt Phính ra xe trước nên không biết, giờ nghe anh Lộc kể lại mới thấy rõ rằng lúc đó ba đã mệt lắm, nhưng ba cố gắng giấu. Vậy là cả nhà mình đến vườn hoa.


Mình vào vườn hoa cũng đâu có lâu, nhưng vì ba mệt nên thôi không đi nữa. Trên đường đi ra, ba mẹ chụp một vài tấm hình, và đây là tấm hình cuối cùng của ba.


Vừa vào phòng ở Nhà khách là ba phát cơn đau. Mẹ qua phòng con gọi anh Lộc khi con đang ôm Phính vùi trong mền. Con chạy qua, kinh hoàng nhìn ba vật vã vì đau, khóc như em bé, chỉ có điều là không có nước mắt. Anh tài xế cũng chạy ra lấy xe ngay, anh Lộc ẵm ba ra xe, con ở nhà với Phính, cảm thấy ruột gan như lửa đốt nên cứ cầm điện thoại lên, gọi cho Trâm, rồi gọi mẹ, gọi anh Lộc. Mẹ và anh Lộc thì cứ nói “thôi nha, đừng gọi nữa, cứ ở nhà”, làm cho con càng bấn lên. Vậy mà chỉ ít phút sau đó, anh Lộc gọi điện, nói là chuẩn bị đi, anh Long đang về đón.

Ở trong bệnh viện ba cũng đau. Lúc 6h tụi con về lại khách sạn, dù sao cũng phải dẫn mấy đứa nhỏ đi ăn. Đang ăn thì mẹ gọi, mẹ nói ăn xong thì về trả phòng, cả nhà mình về trong đêm, ba và mẹ và anh Lộc sẽ đi xe của bệnh viện Lâm Đồng. Xe đi trong đêm, cả nhà mình đã rời thành phố ngàn hoa xinh đẹp như thế.

Xe bắt đầu đi lúc 9h, con không rõ lắm vì không coi giờ, nhưng biết là 2h thì về đến Vũng Tàu. Ba nhập bệnh viện Lê Lợi. Lúc đó đã bước sang ngày mùng 9. Ba trải qua đêm sau nữa trong đau đớn. Trưa mùng 10 cả nhà quyết định đưa ba về nhà, vì có nằm ở bệnh viện thì cũng chỉ là truyền nước và chích morphin thôi, mà những cái đó mình về nhà rồi nhờ điều dưỡng đến làm vẫn được.

Ba trở về nhà trên xe cấp cứu. Có những điều tưởng như vô cùng bình thường, giản đơn mà không thực hiện được, con chỉ mong ba tự đi ra khỏi nhà vào ngày mùng 7, rồi chiều mùng 9, cả nhà mình trở về, và ba – dù mệt – vẫn tự bước vào nhà. Vậy mà ba đã vào nhà bằng cáng, do hai con rể khiêng.

Và ba nằm đó, nhỏ bé và mong manh như đèn trước gió. Chị Quế đến ngay sau đó, truyền nước cho ba.

Mẹ và các con đút cho ba những muỗng nước, muỗng sữa rất nhỏ, sợ ba lại ọe ra. Kỳ lạ là những giây phút cuối ba không còn bị ọe ra nữa. Nhưng ba bứt rứt không yên, ba nhức mỏi cả người, hơi thở ba nông và gấp.

Con đã từng nhiều lần nghĩ đến một ngày ba rời xa mẹ và các con, nghĩ và sợ vô cùng. Đã từng mơ thấy cả điều đó, không phải chỉ 1 lần thôi đâu, khóc trong mơ đến nghẹt thở, tỉnh dậy mừng thôi là mừng, vì chỉ là một giấc mơ.

Vậy mà đến lúc cuối cùng đó, con đã mong ba được đi nhanh, chấm dứt những cơn đau dai dẳng cứ mỗi lần phát lên là kéo dài mấy tiếng liền, và chấm dứt cơn đau dữ dội khiến cho ba – một người rất kiên cường – phải vật vã cầu xin “mẹ ơi, cho con hôn mê đi”.

Con không nghĩ là mẹ, con và em Trâm lại có thể bình tĩnh đến như vậy. Bởi vì cả nhà mình yêu thương ba nhiều như thế, nên khi ba nhẹ nhàng rời xa, mẹ và hai con không nghĩ gì ngoài chuyện liên tục động viên ba đi thanh thản, đừng lo gì hết và chúc ba ngủ ngon, như bình thường mọi người vẫn chúc ba vào mỗi tối. Mọi người vẫn hay nói, người đã khuất vậy là đã xong, chỉ thương người ở lại phải chịu cảnh chia ly. Cả nhà mình thì không nghĩ vậy, và con biết chính ba cũng khổ sở vì phải chia tay mọi người, phần các con thì tạm ổn, vì các con đã có một người bạn đời để nương tựa, điều ba băn khoăn là mẹ từ nay sẽ bơ vơ, đâu phải chỉ mẹ mới khổ, ba cũng khổ giống như vậy thôi. Cho nên, tự mọi người động viên nhau không được khóc, làm ba lưu luyến không đành.

Vậy là ba không cần phải ngóng chờ cô y tá đến chích morphin nữa, và ba giờ đây đã là một người khỏe mạnh như lời sư cô nói. Con giống ba, không tin vào thần thánh, nhưng giờ này còn gì nữa đâu, con rất muốn tin lời sư cô nói, ba giờ đây đã ăn được những thứ ba muốn ăn, không còn “khát nước kinh khủng” nữa.

Một số người nói nếu không có chuyến đi Đà Lạt, ba sẽ sống được thêm chút nữa. Nhưng cả nhà mình thì biết rằng không có gì sai trái trong chuyến đi đó cả, ba đã sắp xếp tất cả để ra đi.

Thời gian trôi, ai ngăn được dòng đời
Bến cuối là đâu, khi nào, ai biết?
Hãy trồng hoa cho ngày chia biệt
Chút hương thơm để lại cho đời.
(*)

Cho nên chuyến đi Đà Lạt cũng có thể gọi là thành công dù nó là chuyến đi cuối cùng.

-----
(*) Trích thơ "Đời tôi yêu", tác giả Huỳnh Dũng Nhi (chú thích của TTST BND)

15/2/11

VIẾT CHO ANH TÔI


Kính viếng hương hồn anh Huỳnh Dũng Nhi

Ngày mùng 5 tết Tân Mão, tại nhà HDNhân
Ngày mùng 5 tết. anh Nhi đột ngột gọi điện rồi từ Vũng Tàu đến thăm tôi ở Phước Kiểng, Nhà Bè. Anh chống gậy như một ông già. Nằm ghế dựa gần như suốt buổi đến chơi. Nhưng đôi mắt sáng rực trên gương mặt hom hem và giọng nói vẫn còn hào sảng lắm. Anh né chụp hình, chỉ chụp chung rất ít. Anh cũng chả ăn uống nhiều, chỉ nghe mọi người nói chuyện. Khi có mấy người bà con vốn là dân văn nghệ đến chơi, anh hỏi có mang theo đàn không? Khi nói chuyện với họ, anh nhắc từng chi tiết xa xưa khiến ai nấy lè lưỡi vì trí nhớ phi thường của anh. Với con cháu, anh không quên lỳ xì. Với người nhà, anh không thích ai hỏi han quá nhiều về sức khỏe của mình. Anh ngồi ở nhà tôi, gương mặt mệt mỏi, thân thể liêu xiêu, nhưng vui lắm.

Đến mùng 8 tết, anh nhắn tin cho tôi, cũng là một tin nhắn làm tôi bất ngờ, rất gọn. “Anh đang ở Đà Lạt. Vui lắm”. Tôi ngạc nhiên, anh còn đủ sức vi vu lên xứ lạnh sao ? Mừng quá. Tôi lúc đó có chuyến công tác đi Huế, nên nhắn lại: “Còn em đang ở Huế”. Thế rồi thôi, không ai nhắn tin nữa.

Ngày tôi đang ở Huế, vợ tôi thảng thốt gọi điện: Anh Nhi đang bị cấp cứu. Rồi sau đó là cú điện thoại khác “Anh Nhi đang hấp hối.” Tôi tìm cách mua vé máy bay về, mà sau Tết việc vào SG rất khó khăn căng thẳng không nơi nào còn vé máy bay. Tôi dùng tối đa sự quen biết và đôi chút sự ảnh hưởng của tấm thẻ nhà báo mới kiếm được 1 vé máy bay vào lúc 1 giờ sáng ngày 10-2. Trưa cùng ngày, tôi đi tàu cánh ngầm ra Vũng Tàu rồi chạy ào vào nhà anh tôi.

Anh nằm đó như một ông già 90. Cánh tay gầy khẳng khiu dính đầy dây rợ truyền nước biển. Cây gậy đã gác góc nhà. Vợ anh và mấy đứa con trong nhà mắt đỏ bầm. Mẹ tôi năm nay 80 tuổi cũng đang khóc. Mẹ tôi rất ít khóc ngay những năm tháng khó khăn nhất trong cuộc đời bà. Trên loa đang phát đi mấy bản nhạc anh thích át cả tiếng tụng kinh gõ mõ, đó là những bài anh thích như bài Chiều của Hồ Dzếnh, bài Gửi nắng cho em và bài Happy New Year…Tôi nhìn thấy thẻ Đảng, thẻ Nhà báo của anh dường như đã để sẵn sàng trong tủ kính…

Tôi đến bên anh hỏi : “Có nhận ra em không?” Anh thều thào mấy tiếng mà tôi đoán nhiều hơn là nghe được: “Tại sao không?” Tôi bảo anh đừng nói nữa mệt, anh nằm nghỉ đi. Anh im lặng. Tay quờ quạng, mắt trắng đục cố giương lên tìm kiếm mọi người, có lúc anh dang tay ra như muốn được vợ anh đỡ dậy, rồi anh cố nằm nghiêng để cố giấu đi hơi thở đứt quãng nặng nhọc của mình. Cứ như vậy. Chậm dần, yếu dần, lả dần. Rồi anh thở hắt ra mấy lần, miệng há ra cố hớp lấy mấy ngụm không khí cuối cùng bằng sự cố gắng tuyệt vọng. Nhưng rồi mắt anh đục đi, tay buông xuôi xuống thân mình, chân duổi dần vô tri vô giác…Ngọc Thụy, Hoa Lê nấc lên liên tục lấy máy đo huyết áp và lấy gương để trước miệng anh xem còn chút hơi thở mong manh hy vọng gì của sự sống không? Nhưng không ! Anh bình thản lặng lẽ chìm sâu vào giấc ngủ ngàn năm. Tất cả là hết. Anh Huỳnh Dũng Nhi của tôi đã ra đi.

Xung quanh chìm xuống thảng thốt trong sự tuyệt vọng cuối cùng rồi tất cả như nhận ra đây đã là một sự thật đau buồn nhất ập đến, mọi người òa lên nức nở trong những tiếng gọi thất thanh tên anh. Ba tôi năm nay 85 tuổi chống gậy đến cũng khóc nghẹn ngào và bảo sao con lại đi trước ba. Cha mẹ già khóc con, vợ khóc chồng, con gái khóc cha, cảnh tượng này thật khó lòng nào chịu nổi. Đứa cháu ngoại mà anh rất mực thương yêu mới mấy tuổi thì vẫn tung tăng bên cạnh chỗ anh nằm, nó ôm con búp bê vải và nói: Sao lại khóc, ông ngoại ngủ mà.

Vâng, đó là giấc ngủ ngàn thu, giấc ngủ để đến một giấc mơ một cõi trời khác. Vợ anh đã thầm thì bên anh tôi lúc vuốt mắt cho anh: Anh cứ yên tâm về một phương trời khác, anh đã làm được tất cả cho vợ con, nhà cửa đàng hoàng, hai con gái đều tốt nghiệp đại học về làm đài truyền hình, đều đã lấy chồng, đứa sau cũng sắp có em bé…anh cứ đi ở nhà có em lo liệu hết, cuộc sống bây giờ dễ chịu hơn rồi…

Dễ chịu hơn rồi anh Nhi ạ. Anh cũng cảm thấy thế mà. Nhưng hình như anh linh tính điều gì sâu kín mà trước Tết ráng gượng sức đi thăm bà con họ hàng, anh còn tổ chức kỷ niệm 32 năm ngày cưới là điều mà xưa kia anh coi là hình thức nên tránh. Anh nói đùa với mọi người là anh đang tập lái xe, hỏi ra mới biết là anh tập đi…xe lăn. Anh tận dụng khả năng Internet mới học được từ hai cô con gái để chát, gửi mail, viết nhật ký. Anh làm thơ tặng mọi người mỗi khi tỉnh táo mạnh khỏe. Và bức thư cuối cùng của anh trên mạng là bức thư cho bác sĩ Hà, người đã trực tiếp chữa bệnh cho anh ở Vũng Tàu. Trong thư anh còn nhờ bác sĩ tư vấn chế độ ăn uống sao cho hợp lý. Rõ ràng anh còn tự tin và khao khát sống lắm.

Chiều hôm anh ra đi, tôi ngồi viết điếu văn. Việc viết lách đối với tôi hàng chục năm nay là hết sức bình thường, kể cả viết điếu văn cho bạn bè quá cố. Thế nhưng bây giờ viết cho chính anh ruột mình sao khó quá. Khó vì quá nhiều tình cảm, quá nhiều kỷ niệm, quá nhiều đớn đau…

Lúc ngồi lặng bên anh và lúc đưa tiễn anh đi, tôi đều khóc được rất ít. Có điều gì đó nặng trĩu và cứ nhói trong tim, thật khó đứng vững trước cơn đau này. Tôi tranh thủ những lúc ít người đến bên linh cữu đậy nắp kính nhìn lại gương mặt anh, người được coi là sáng sủa nhất nhà. Anh như đang ngủ, cố gắng ngủ sau một quãng đời thường xuyên khó ngủ…

Anh Nhi hơn tôi 3 tuổi. Hồi nhỏ, tôi ít có điều kiện ở gần anh tôi. Lúc thì do đi sơ tán mỗi đứa một trường. Lúc thì do anh đi học nước ngoài. Lúc anh về nước thì tôi lại đi học ở Hà Nội, lúc anh ở Vũng Tàu thì tôi lại ở Sài Gòn. Cái thời gian được ở chung một mái nhà với anh có lẽ không quá 10 năm. Thế nhưng hai anh em thương nhau lắm. Từ Hungary anh thường viết thư cho tôi. Và khi tôi “thuổng” được mấy câu tiếng Hung trong cuốn “ ngôi sao Thành Eghe” để “tám” với anh thì anh thích thú lắm. Hồi nhỏ tôi học mỹ thuật nên anh thích tôi vẽ đủ thứ cho anh xem. Anh cũng hay làm thơ dù chỉ làm thơ cho riêng mình như tôi. Tôi và anh tôi hầu như chưa có vụ cãi nhau hay đánh nhau nào đáng kể, mà về vụ đánh lộn với bọn trẻ con khác thì tôi nhiều thành tích hơn anh, đôi khi cũng để bảo vệ anh mình.

Anh tôi sống không đủ lâu để trở thành bậc cao niên hiền triết. Anh sống không khôn ngoan để có thể có những quyền cao chức trọng. Anh không đủ điều kiện này kia để làm được nhiều việc lớn cho riêng mình. Anh không vụ lợi, không cơ hội, thậm chí nhìn cuộc đời hơi đơn giản. Anh coi trọng nghĩa tình gia đình và bè bạn. Ở đám tang ai nấy cũng bảo anh là người mà họ chưa thấy nóng giận bao giờ…Khi anh ra đi, tôi mới thấy khoảng trống anh để lại là quá lớn, nỗi đau anh để lại là không gì bù đắp nổi. Mọi lần ra Vũng Tàu tôi đến thăm ba tôi trước rồi đều sang thăm anh, bình luận vu vơ về thời sự, báo chí, bạn bè, gia đình, hoặc cãi cọ với anh chút đỉnh về con chó tên là Gút nhà anh lành hay dữ… Hồi xưa tôi thú nhận là có thỉnh thoảng lén bà chị dâu dúi cho anh ít tiền uống rượu hoặc giấu cho anh một chai rượu ngon, nhưng từ khi anh bệnh nặng tôi không còn dám mời anh uống nữa. Ôi, từ nay tôi ra Vũng Tàu vỉa hè trước nhà anh rộng tênh rồi, công viên trước nhà anh trống vắng quá. Còn ai sẽ ra mắng con Gút lành dữ thất thường để đón chúng tôi vào nhà nữa…

Đám tang quàn có hơn ngày rưỡi theo cách tính toán ngày tháng tốt xấu của thầy chùa Linh Sơn cổ tự. Nhiều người chưa kịp biết tin để đến nghĩa trang Long Hương ( Bà Rịa ) cách Vũng Tàu 30 cây số tiễn biệt anh. Thú thật là tôi không thích và rất sợ việc hỏa táng người quá cố. Người ta bằng xương bằng thịt đầy hình hài tâm trí như thế mà thiêu đốt thành cát bụi, mất đi chỉ để lại chút tro tàn chứa vừa cái bình nhỏ trên bàn thờ có tấm hình anh mặc comple càvạt không vui không buồn. Hỏa táng. Người nhà phải đứng ngoài nhìn theo linh cữu anh bị đẩy vào sau hai cánh cửa có che rèm vải thô màu nâu bạc phếch gió thổi bay bay. Hôm nay ngày 14-2, ngày Valentine. Trên tấm bảng trước cửa, hợp đồng hỏa táng mang tên Huỳnh Dũng Nhi hình như mang số 102. “ 5 tiếng đồng hồ nữa người nhà đến nhận tro”. Chỉ có từng ấy lời người ta lạnh lùng nói là còn liên quan đến anh tôi, một con người từng sống vui vẻ và yêu thương suốt một quãng đời. Hôm nay là ngày Valentine.

Bây giờ anh ở đâu? Anh Nhi của em ?

Đưa anh đi, xe tang đi theo lộ trình qua những nơi anh từng công tác, qua nơi anh đã từng “ăn cơm tập thể ngủ giường cá nhân”, đi qua những con đường anh đã từng đi, qua những cái quán anh từng ngồi thù tạc với bạn bè.

Bây giờ anh đang ở đâu?

Vũng Tàu bây giờ mùa gió chướng. Những con đường từng được công nhận là đường đẹp nhất Việt Nam, một bờ biển đang xanh ngắt mà nhiều năm nay anh không còn được ra ngắm. Một khơi xa có những mỏ dầu mà anh từng vinh dự là một trong những nhà báo đầu tiên đặt chân lên giàn khoan viết bài khi tìm thấy dòng dầu khí đầu tiên…

Bây giờ anh đang ở đâu ?

Con trai tôi mới 6 tuổi không thể nào hiểu nổi sao Bác Hai lại biến mất? Bác Hai mới đến thăm nhà nó, nhà cuối cùng trong số họ hàng bà con mà anh đến và lỳ xì cho nó ? Con tôi chớp chớp mắt hỏi “ Bác Hai đang ở trên trời hả ba ?”

Bác Hai đang ở trên trời con ạ.

Người ta thường tranh luận với nhau về địa táng, hỏa táng, thủy táng…những khi họ nghĩ về cái chết. Nhưng rất ít có Khí táng. Nếu có Khí táng thì chắc chắc đó là một cách lãng mạn hơn cả. Tôi chắc chắn một điều do có thời gian làm báo lâu hơn nên tôi đi máy bay nhiều hơn anh tôi. Mỗi khi tôi đi máy bay trong nước hay ra nước ngoài tôi đều nghĩ việc được nhìn thấy mặt đất từ trên bầu trời là rất thiêng liêng. Bầu trời đem lại cho người ta sự cao thượng, vị tha, phóng khoáng, yêu thương. Và bây giờ mỗi lần đi máy bay tôi sẽ lại thầm nói với con trai tôi: Con ạ, Bác Hai đang ở trên trời sau 60 năm sống trên mặt đất đầy lo toan ngập lụt ùn tắc ô nhiễm song cũng đầy hạnh phúc vui buồn này.

Đưa tiễn anh tôi xong, tôi về lại SG sau một chuỗi ngày dài không đụng đến vi tính. Bật máy lên thấy khá nhiều thư chia buồn, và tin tức Mail,Chát…đủ thứ trên đời của các công dân mạng Facebook. Đang buồn đến héo lòng, tôi chợt nhìn thấy một dòng địa chỉ mời kết bạn trên Facebook có một cái tên rất đỗi quen thuộc: Huỳnh Dũng Nhi.

Hóa ra mấy ngày trước khi mất, anh tôi đã lên mạng tìm tôi…

TP HCM ngày 15-2-2011
Huỳnh Dũng Nhân

Lời cảm ơn

Từ: Huỳnh Dũng Nhân
Lúc: 1:45 CH, 15/02/2011

Thay mặt đại gia đình, cảm ơn các anh chị, các bạn đã có lời chia buồn với gia đình anh Nhi và gia đình chúng tôi.

Xin gửi bài điếu văn do tôi viết, kèm theo bài viết riêng cho anh Nhi sau khi anh mất để chúng ta cùng tưởng nhớ đến anh (bài "Viết cho Anh tôi" kèm theo tấm hình anh Nhi chụp ngày 5 tết tại nhà HDNhân)

Thân mến

*****

ĐIẾU VĂN

Kính thưa các vị đại diện cho các cơ quan đảng, chính quyền ban ngành địa phương, kính thưa bà con họ hàng và thân bằng quyến thuộc, kính thưa gia đình ông Huỳnh Dũng Nhi.

Hôm nay, chúng ta đau buồn có mặt tại đây để chia tay lần cuối cùng với ông Huỳnh Dũng Nhi, đưa ông về nơi an nghỉ sau một thời gian vật lộn với bệnh tật hiểm nghèo. Mặc dù đã được sự quan tâm giúp đỡ, động viên, chia sẻ của các cơ quan, của bạn bè đồng nghiệp, của các y bác sĩ, và nhất là của người vợ hiền một đời vì chồng cùng các con trong gia đình… ông đã từ trần vào lúc 15 giờ 5 phút ngày 12.2.2011 tức nhằm ngày 10.1 năm Tân Mão tại nhà riêng, thọ 60 tuổi.

Ông Huỳnh Dũng Nhi sinh ngày 7.8.1952 tại Bạc Liêu nơi có cha là ông Huỳnh Văn Nhâm (tức Huỳnh Hùng Lý) và mẹ là Bà Lý Thị Hoa (tức Lê Thị Lý) đang cùng công tác tại Xứ đoàn Nam Bộ và báo Nhân Dân Cách Mạng miền Nam.

Quê quán gốc tại xã Hưng Lễ, huyện Giồng Trôm, tỉnh Bến Tre, nhưng ông đã cùng cha mẹ tập kết ra Bắc, lớn lên ở Hà Nội, học tập gian khổ trong những ngày tháng phải đi sơ tán về các vùng nông thôn miền Bắc. Tốt nghiệp lớp 10, cậu học trò thư sinh tuấn tú ấy được chọn đi học ngành ngôn ngữ ở Hungari. Khi về nước ông công tác một thời gian ngắn tại Sở VHTT TP.HCM rồi sau đó chuyển ra Vũng Tàu, bắt đầu một cuộc đời làm báo và làm cán bộ của cơ quan Đảng ở thành phố biển xinh đẹp mà ông coi như quê hương thứ hai của mình. Ông từng công tác tại Vũng Tàu với các cương vị khác nhau như: phóng viên, Phó TBT báo Đặc khu Vũng Tàu Côn Đảo, Phó GĐ Đài PTTH Đặc khu Vũng Tàu Côn Đảo. Sau một thời gian đi học chính trị cao cấp tại Trường Đảng Nguyễn Ái Quốc Hà Hội, ông trở về làm Phó Chánh Văn phòng Tỉnh ủy Tỉnh Bà Rịa Vũng Tàu. Có thể nói là một thời gian ông hoạt động cống hiến say mê sáng tạo với tất cả tâm huyết thông qua những bài viết của mình. Cả cuộc đời làm báo hay làm cán bộ Văn phòng Tỉnh ủy, công việc của ông đều liên quan đến cây bút. Một công việc chỉ có thể hoàn thành tốt với lương tâm trách nhiệm và cuộc đời trong sáng không cơ hội, không vụ lợi của mình.

Sinh thời, ông là một người hiền lành, quảng giao, vui tính, nhiều bè bạn xa gần thương mến. Ông yêu thương gia đình chung đến trang trọng , ông yêu thương gia đình riêng đến cháy lòng. Những tháng năm bao cấp khó khăn dần trôi qua, nhà cửa khang trang hơn, con cái lớn khôn hơn, công việc chung riêng đỡ bộn bề vất vả hơn, những tưởng con đường bằng phẳng yên vui đang chờ đón trước mặt, thì ông bắt đầu phát hiện ra mình bị bệnh hiểm nghèo. Tuổi tác cao hơn, bệnh tật nặng hơn, sức khỏe ngày một suy yếu hơn… vậy mà ông vẫn lạc quan, kiên trì chống đỡ, tìm cách chiến thắng cái chết , cố gắng trấn an mọi người rằng mình sẽ vượt qua, sẽ trở về với công việc. Những năm cuối đời, ông mượn điện thoại để kết nối với bạn bè gần xa. Qua cách nhắn tin và trả lời điện thoại, khó ai nhận ra đó là giọng nói của một người đang bị bạo bệnh. Được các cô con gái giúp đỡ, ông làm quen với internet. Ông cũng rất nhanh chóng thành thạo và biết chat, biết gửi mail. Ông viết hàng chục trang hồi ký về kỷ niệm những năm tháng đi sơ tán cùng bạn bè đồng lứa con em của các cán bộ Báo Nhân Dân những năm 1960 – 1970. Các bạn ông đã khâm phục thốt lên kinh ngạc vì trí nhớ phi thường của ông, vì giọng văn trong trẻo và hóm hỉnh của ông, một người đang đối đầu với cái chết.

Vào dịp Tết Tân Mão này, như có một điều gì thầm kín, sâu xa thôi thúc, như có một sức lực vô hình nào đó tiếp sức cho ông, ông bỗng trở nên tỉnh táo hơn, vui vẻ hơn, trò chuyện và mong muốn gặp mọi người da diết hơn. Ông vừa tổ chức kỷ niệm 32 năm ngày cưới. Ông sang nhà cha thắp nhang cho ông bà nội. Chỉ trong vòng hai tuần lễ, ông đòi được đi thăm bà con bên vợ ở Long Khánh, rồi đi thăm các em đang sống ở TP.HCM. Trở về ông lại tha thiết đòi được lên Thành phố Ngàn Hoa Đà Lạt, như một lần nữa muốn được tìm lại cảm giác xứ lạnh như một thời sống ở miền Bắc, du học ở trời Tây. Và từ ngày đó ở Đà Lạt, ông trở nên mãn nguyện vì đã được đi, được thăm, được gặp rất nhiều người trong gia đình và bạn bè đồng nghiệp. Ông từ Đà Lạt trở về trên xe cấp cứu. Những giây phút cuối cùng của ông đã đến… Rất yêu đời. Rất yêu gia đình. Rất thương vợ con. Ông đã cố giành giật cuộc sống. Nhưng cuối cùng, ông nhắm mắt xuôi tay lúc 15 giờ 5 phút ngày 12.2.2011.

Hôm nay, trước linh cữu ông, trước toàn thể gia đình bằng hữu và bà con họ hàng nội ngoại, thay mặt gia đình, tôi xin được nói những lời cuối vĩnh biệt ông.

Anh Nhi ơi, anh đã sống xứng đáng với 60 năm cuộc đời. Anh đã sống xứng đáng với một gia đình có truyền thống cách mạng của quê hương Đồng Khởi có ông bà nội là liệt sĩ. Anh đã sống xứng đáng với cây bút của một Nhà báo trong một gia đình có 9 người làm báo. Và hơn trên hết, anh đã sống xứng đáng là một người ông, người chồng, người cha của một gia đình nhỏ bé. “Khi chưa cháy lên thì ngọn lửa ở đâu? Và khi mất đi thì lửa ở chỗ nào?” Vĩnh biệt Anh. Xin vĩnh biệt. Cầu mong anh được siêu thoát.

14/2/11

Bài thơ viết tặng cuộc đời

Huỳnh Dũng Nhi
(ảnh: Phạm Kim, chụp năm 1978)
Lời dẫn (vn.hanoi): Cảm nhận bài thơ thể hiện rất đặc trưng cho tính cách và triết lý sống của tác giả, anh Huỳnh Dũng Nhi, hiền hậu và dịu dàng. Anh biết sự nhỏ nhoi của số phận, cũng như bao cuộc đời khác bị tạo hóa vùi dập, anh từng đặt câu hỏi "tôi yêu đời, đời có yêu tôi?", nhưng rồi như sợ làm ông trời mếch lòng, anh đã tự trả lời ngay ở cuối bài thơ: Tôi yêu đời, đời cũng yêu tôi! Một sự hóa giải tuyệt vời, để những ngày còn lại được sống thanh thản, và lại tiếp tục được yêu cuộc đời. Còn nhiều phát hiện khác trong bài thơ về tâm hồn đẹp của anh, như trong câu "Bến cuối là đâu, khi nào, ai biết? Hãy trồng hoa cho ngày chia biệt, Chút hương thơm để lại cho đời"... Xin trân trọng giới thiệu với các bạn một bài thơ rất hay của anh:

Đời tôi yêu

Tôi đang ở đâu giữa cuộc đời này
Lúc bổng, lúc trầm, lúc thăng, lúc giáng
Khi thác đổ, khi dòng suối cạn
Lá đã úa vàng hay vẫn còn tươi?

Tôi yêu cuộc đời, đời có yêu tôi?
Giữa biển trời tôi nhỏ nhoi, bé bỏng
Chỉ lăn tăn mà không gợn sóng
Chỉ hiu hiu chẳng lay động tình người.

Đường gập ghềnh tôi tìm những niềm vui
Những hạt vàng trong hằng sa gió bụi
Những mầm xanh trên đồng khô tàn lụi
Làm hành trang bước tiếp đường đời.

Đời mãi xanh, đừng sợ lá vàng rơi
Thân già yếu, giữ trái tim tươi trẻ
Ôn kỷ niệm tìm bao điều mới mẻ
Tiếng thở than vẫn phảng phất nụ cười.

Thời gian trôi, ai ngăn được dòng đời
Bến cuối là đâu, khi nào, ai biết?
Hãy trồng hoa cho ngày chia biệt
Chút hương thơm để lại cho đời.

Tôi yêu đời, đời cũng yêu tôi.

Vũng Tàu, sáng 22-9-2010
Huỳnh Dũng Nhi

12/2/11

Tin buồn


Chúng tôi vô cùng thương tiếc báo tin: Ông Huỳnh Dũng Nhi, nhà báo (bút danh Huỳnh Dũng), nguyên Phó Tổng Biên tập Báo Vũng Tàu - Côn Đảo (nay là Báo Bà Rịa - Vũng Tàu), nguyên Phó Giám đốc Đài Phát thanh Truyền hình Vũng Tàu - Côn Đảo (nay là Đài PT-TH Bà Rịa - Vũng Tàu), nguyên Phó Chánh Văn phòng Tỉnh Ủy Bà Rịa - Vũng Tàu, sinh ngày 07 tháng 8 năm 1952, sau thời gian bệnh nặng, mặc dù được gia đình và bệnh viện tận tình chăm sóc cứu chữa, nhưng không qua khỏi, đã từ trần lúc 15 giờ 05' hôm nay, 12/02/2011 (ngày 10 tháng Giêng Tân Mão), tại Vũng Tàu, hưởng thọ 60 tuổi. Lễ nhập quan tiến hành lúc 18 giờ ngày 12/02/2011. Thời gian viếng từ 18 giờ ngày 12/02/2011 đến 08 giờ ngày 14 tháng 02 năm 2011. Lễ động quan bắt đầu từ 08 giờ ngày 14 tháng 02 năm 2011.

Xin chia buồn sâu sắc với gia đình.
Trại trẻ Sơ tán Báo Nhân Dân

(Đoàn thay mặt hội TTST BND do anh Trần Minh dẫn đầu từ TP.HCM đi Vũng Tàu viếng và chia buồn cùng gia đình, sẽ khởi hành sáng Chủ nhật, 13/02/2011. Các thành viên TTST BND có thể liên lạc với đoàn để nắm được chi tiết)

10/2/11

Vị nhân sĩ Thế hệ Vàng đã đến Bến Trăm năm


Viếng GS Vũ Đình Hòe ở cả hai miền Nam - Bắc
Giáo sư Vũ Đình Hòe ở tuổi 93

Từ 8h hôm nay, ngày 10-2, diễn ra lễ viếng GS Vũ Đình Hòe tại Nhà tang lễ TP.HCM, 25 Lê Quý Đôn, Q3, TP.HCM.

Đồng thời, vì họ hàng, thân thích, bạn hữu của cụ Vũ Đình Hòe và gia đình chủ yếu sống ở Hà Nội, không phải ai cũng có điều kiện vào TP.HCM phúng viếng đưa tiễn Cụ, nên từ 08-2, gia đình đã cho lập tại nhà riêng trưởng nam Vũ Thế Khôi ở số 23 ngõ 154 phố Đội Cấn - Hà Nội, một Ban thờ cụ Vũ Đình Hòe để những người có lòng thành có thể đến thắp nén nhang tưởng nhớ.

(Lễ truy điệu sẽ diễn ra lúc 11h ngày 11-2, an táng tại Nghĩa trang TP.HCM)


SGGP Online - Tin buồn:
Thứ tư, 09/02/2011, 02:45 (GMT+7)

Viện Khoa học Xã hội Việt Nam; Bộ Giáo dục và Đào tạo; Bộ Tư pháp; Hội Luật gia Việt Nam; Thành ủy - HĐND - UBND - UBMTTQ TPHCM; Quận ủy - UBND - UBMTTQ quận Thủ Đức; Đảng ủy - UBND - UBMTTQ phường Linh Trung quận Thủ Đức và gia đình vô cùng thương tiếc báo tin:
Đồng chí VŨ ĐÌNH HÒE (Vũ Khiêm)
Cán bộ Tiền khởi nghĩa. Nguyên Đại biểu Quốc hội khóa I, Bộ trưởng Bộ GD-ĐT, Bộ trưởng Bộ Tư pháp, Phó Chủ tịch Hội Luật gia Việt Nam, Chuyên viên cao cấp Viện Nhà nước và Pháp luật thuộc Viện Khoa học Xã hội Việt Nam, đã nghỉ hưu. Huân chương Độc lập hạng nhất; Huân chương Kháng chiến hạng nhì. Đã từ trần lúc 9 giờ 20 ngày 29-1-2011.

Đồng chí Vũ Đình Hòe sinh ngày 1-6-1913 tại làng Lương Ngọc, xã Thúc Kháng, huyện Bình Giang, tỉnh Hải Dương. Thường trú tại số 13A khu phố 3, phường Linh Trung, quận Thủ Đức. Đồng chí tốt nghiệp cử nhân Luật khoa Trường Đại học Đông Dương. Dạy học tại các Trường tư thục Thăng Long, Gia Long (Hà Nội) và nghiên cứu giáo dục học, Phó Chủ tịch Hội Truyền bá quốc ngữ; đồng Chủ tịch Hội Ánh sáng chuyên dựng nhà tranh tre hợp vệ sinh cho dân nghèo thành thị. Chủ nhiệm báo Thanh nghị, tập san văn chương và nghị luận của giới trí thức dân chủ tiến bộ. Ủy viên Trung ương Đảng Dân chủ được cử lên chiến khu Việt Bắc tham gia Quốc dân Đại hội Tân Trào. Bộ trưởng Quốc gia giáo dục, Bộ trưởng Tư pháp Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa.

Linh cữu đồng chí được quàn tại Nhà tang lễ TP, số 25 Lê Quý Đôn, quận 3. Lễ viếng bắt đầu lúc 8 giờ ngày 10-2-2011. Lễ truy điệu lúc 11 giờ ngày 11-2-2011 (có vòng hoa luân lưu). An táng tại Nghĩa trang TP (Thủ Đức).

(wikipedia) Tiểu sử cụ Vũ Đình Hòe:

Ông sinh ngày 1 tháng 6 năm 1912, nguyên quán làng Lương Ngọc, xã Thúc Kháng, huyện Bình Giang, tỉnh Hải Dương, là hậu duệ đời thứ tư của Tiến sĩ Vũ Tông Phan (1800-1841).

Tốt nghiệp khoa Luật khóa 2 của Viện Đại học Đông Dương, ông chọn nghề dạy học ở các trường tư thục nổi tiếng Thăng Long và Gia Long, nơi mà ông từng được mời đứng lớp khi còn là sinh viên để lấy tiền trang trải học phí.

Ông tham gia nhóm trí thức cấp tiến Thanh Nghị, làm Chủ nhiệm tạp chí văn chương, chính trị và kinh tế Thanh Nghị, xuất bản từ ngày 15 tháng 5 năm 1941 đến tháng 8 năm 1945.

Ông cùng Phan Thanh, Hoàng Minh Giám tham gia phân bộ Đảng Xã hội Pháp của Jaurès, cùng nhà văn Nhất Linh và kiến trúc sư Nguyễn Cao Luyện lập Hội Ánh sáng chuyên dựng nhà tranh tre hợp vệ sinh cho dân nghèo.

Ông là một trong các thành viên sáng lập của Đảng Dân chủ Việt Nam (30 tháng 6 năm 1944) và giữ chức Ủy viên Trung ương Đảng. Sau này Đảng Dân chủ tham gia vào Mặt trận Việt Minh.

Ngày 16 tháng 5 năm 1945, Hội Tân Việt Nam được thành lập và Vũ Đình Hòe làm Tổng thư ký. Ông cũng làm Phó Hội trưởng Hội Truyền bá Quốc ngữ (thành lập năm 1938) mà Hội trưởng là Nguyễn Văn Tố.

Ông nhận nhiệm vụ vào Bắc Bộ phủ (nhờ có Nguyễn Văn Huyên giới thiệu) thuyết phục Khâm sai Phan Kế Toại từ chức, sau đó đi Huế thuyết phục hai người đồng sáng lập Thanh Nghị là Phan Anh và Vũ Văn Hiền rút ngay ra khỏi chính phủ Trần Trọng Kim.

Ông có quan hệ thân thiện với các lãnh tụ cộng sản như Trường Chinh, Phạm Văn Đồng. Tháng 8 năm 1945 ông được cử đi dự Quốc dân Đại hội Tân Trào do Việt Minh tổ chức ở Tuyên Quang để chuẩn bị khởi nghĩa giành chính quyền.

Ông là đại biểu Quốc hội khóa đầu tiên, đại diện cho Đảng Dân chủ.

Ông làm Bộ trưởng Bộ Quốc gia giáo dục từ tháng 8 năm 1945 đến tháng 3 năm 1946 rồi thay luật gia Vũ Trọng Khánh làm Bộ trưởng Bộ Tư pháp trong suốt 15 năm sau đó. Trên cương vị Bộ trưởng Quốc gia giáo dục, ông đã tiếp ký Sắc lệnh số 45 ngày 10 tháng 10 năm 1945 của Chủ tịch Hồ Chí Minh về việc thành lập Ban Đại học Văn khoa - tiền thân trực tiếp của Trường Đại học Sư phạm Hà Nội. Tiếp đó, ông đã ký 2 Nghị định về việc tổ chức giảng dạy và nhân sự của Ban Đại học Văn khoa, đó là Nghị định ngày 03/11/1945 quy định các môn học được giảng dạy tại Ban Đại học Văn khoa và Nghị định ngày 07/11/1945 cử ông Đặng Thai Mai, Tổng Thanh tra Trung học vụ kiêm chức Giám đốc Ban Đại học Văn khoa và cử các giáo sư phụ trách các bộ môn. Như vậy, với vai trò là Bộ trưởng Bộ Quốc gia Giáo dục trong Chính phủ đầu tiên của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, đã có cống hiến to lớn xây dựng nền giáo dục đại học Việt Nam hiện đại, trong đó có ngành Sư phạm và Trường Đại học Sư phạm Hà Nội. Bản thân ông cũng trở thành một trong những vị giáo sư đầu tiên của nền đại học Việt Nam mới, cùng Võ Nguyên Giáp giảng môn Kinh tế cho các lớp xã hội - chính trị đặc biệt.

Năm 1957, ông là một trong số 29 thành viên Ban sửa đổi Hiến pháp do Hồ Chí Minh làm Trưởng ban. Ban này đã dự thảo ra Hiến pháp năm 1960.

Năm 1960, Bộ Tư pháp giải thể, ông chuyển về Viện Luật học thuộc Uỷ ban Khoa học Xã hội Việt Nam, làm chuyên viên nghiên cứu luật pháp và về hưu năm 1975.

Năm 1996, Vũ Đình Hòe được Nhà nước tặng thưởng Huân chương Độc lập hạng Nhất.

9h20 phút ngày 29/1/2011, cụ Vũ Đình Hòe từ trần tại Bệnh viện Chợ Rẫy (TP.HCM), hưởng thọ 100 tuổi.
Chủ tịch Hồ Chí Minh (người thứ 2 từ trái sang) và Giáo sư Vũ Đình Hòe (người đầu tiên bên trái) tại lễ khai giảng trường Đại học Quốc gia Việt Nam ngày 15 tháng 11 năm 1945
(Thông tin trên từ Wikipedia tại thời điểm trước ngày 10/02/2011. Vài thông tin, như các chi tiết và những sự kiện liên quan, có thể thay đổi mau chóng khi có thêm nhiều sự việc, thông tin được công bố)

Bài trả lời tạp chí Thế Giới Mới:

Nhà báo hỏi tôi những điều ước nguyện đầu Xuân về giáo dục.

Với tôi, một người đã gần đất xa trời, nói “ước nguyện” e rằng xa vời quá. Tôi chỉ xin có 3 mong muốn nhỏ nhoi.

Một mong trẻ em không bị bạo hành, được thương yêu và lại được hưởng điều 15 của Hiến pháp 1946 như từng được hưởng trong những năm Dân chủ Cộng hoà đầy khó khăn gian khổ, đó là: “nền sơ học cưỡng bách và không học phí”. Và chí ít ra, ngày Chủ nhật ông bà được nhìn thấy lũ cháu chắt nghỉ ngơi, vui chơi để phát triển hài hoà tự nhiên về thể lực, trí tuệ và tâm hồn đặng trở thành những chủ nhân ông mạnh mẽ, năng động và thông minh mà nhân hậu của đất nước mai sau.

Hai mong người già được con cháu và toàn thể xã hội kính trọng và chăm sóc để được yên vui và thanh thản hưởng tuổi trời.

Ba mong nền giáo dục của ta thực sự là “giáo dục vị nhân sinh”, nghĩa là phục vụ các nhu cầu thiết thực của mỗi con người về vật chất cũng như tinh thần, đồng thời đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững một nước Việt Nam dân chủ, văn minh và phồn vinh.

Có gì thì đã viết hết trong Hồi ký rồi. Chỉ xin phép được nói thêm vài lời: đừng quên nhiệm vụ “diệt giặc dốt” vẫn còn rất quan trọng. Và cố gắng in lại những bài “Áo vải bàn suông” (tức “Thanh nghị”).

Nhân năm nguyên đán Tân Mão sắp đến, tôi có lời chúc các bạn sức khỏe dồi dào và một năm mới an lành.

Vũ Đình Hòe
(Từ bài trả lời phỏng vấn tạp chí TGM)

- “Với tôi, một người đã gần đất xa trời, nói “ước nguyện” e rằng xa vời quá. Tôi chỉ xin có 3 mong muốn nhỏ nhoi” – GS Vũ Đình Hòe, Bộ trưởng Giáo dục đầu tiên của Việt Nam từ năm 1945 tâm tình.

Sau khi số báo Tết 2011 của tạp chí Thế Giới Mới đăng tải “3 mong muốn nhỏ nhoi” ra được mấy hôm, GS Vũ Đình Hòe đã từ trần vào ngày 29/1.

GS Vũ Đình Hòe và phu nhân trong lễ kỷ niệm 100 năm ngày sinh. Ảnh: Minh Quyên

Điều đầu tiên, nhà giáo, nhà luật học lừng danh Vũ Đình Hòe mong trẻ em không bị bạo hành, được thương yêu và lại được hưởng điều 15 của Hiến pháp 1946 như từng được hưởng trong những năm Dân chủ Cộng hoà. Đó là “nền sơ học cưỡng bách và không học phí”.

“Và chí ít, ngày Chủ nhật, ông bà được nhìn thấy lũ cháu chắt nghỉ ngơi, vui chơi để phát triển hài hoà tự nhiên về thể lực, trí tuệ và tâm hồn đặng trở thành những chủ nhân ông mạnh mẽ, năng động và thông minh mà nhân hậu của đất nước mai sau”.

Người ông tuổi đã tròn trăm, trải qua nhiều thăng trầm của cuộc đời mà vẫn ung dung, tự tại, mong ước giản dị rằng, người già được con cháu và toàn thể xã hội kính trọng, chăm sóc để được yên vui và thanh thản hưởng tuổi trời.

Từng là sinh viên luật xuất sắc, tham gia nhiều hoạt động xã hội, đấu tranh cho dân chủ, liên tiếp giữ vai bộ trưởng của các ngành giáo dục rồi pháp luật từ những năm đầu thế kỷ 20 cho đến năm 1960, nhà trí thức Vũ Đình Hoè có ảnh hưởng lớn với việc nâng cao dân trí, đặt nền móng cho hệ thống luật pháp Việt Nam...

Năm 1975, GS Vũ Đình Hòe về hưu, không một huân, huy chương. Tâm tư thì nhiều, nhưng không kêu ca, thắc mắc hay phiền lụy các cơ quan của Đảng và Chính phủ.

Từ năm 1991, sau nhiều lần lưỡng lự, GS. Vũ Đình Hoè bắt đầu chấp bút hồi ký hơn 1.500 trang: "Hồi ký Thanh Nghị, Pháp quyền nhân nghĩa Hồ Chí Minh”, "Pháp quyền nhân nghĩa Hồ Chí Minh". Hồi ký chứa đựng tâm huyết của cả một đời kẻ sĩ, bất chấp những khúc quanh bão táp trong cuộc đời, phụng sự lý tưởng rực cháy trong lòng từ thuở tráng niên.

Đó cũng là mong ước lớn nhất của vị Bộ trưởng Giáo dục đầu tiên: Mong nền giáo dục thực sự là “giáo dục vị nhân sinh”, nghĩa là phục vụ các nhu cầu thiết thực của mỗi con người về vật chất cũng như tinh thần, đồng thời đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững một nước Việt Nam dân chủ, văn minh và phồn vinh.

Không giải thích thêm bởi “có gì thì đã viết hết trong hồi ký”, trong phần viết ngắn gọn cuối đời, GS nhắn nhủ đừng quên nhiệm vụ “diệt giặc dốt” vẫn còn rất quan trọng.

Một sự trùng hợp tình cờ, theo kế hoạch năm 2011, Bộ GD-ĐT sẽ trình Chính phủ và phê duyệt các đề án liên quan đến nhiệm vụ “diệt giặc dốt” và nối tiếp phong trào tự học - được khởi xướng từ những trí thức Tây học những năm đầu thế kỷ 20, mà chàng trai Vũ Đình Hòe ngày đó là một hạt nhân tích cực. Các đề án “xây dựng xã hội học tập giai đoạn 2011-2020” và “xóa mù chữ giai đoạn 2011-2020” dự kiến phê duyệt trong năm nay.

Năm 1975, GS Vũ Đình Hòe về hưu, không một huân, huy chương. Tâm tư thì nhiều, nhưng không kêu ca, thắc mắc hay phiền lụy các cơ quan của Đảng và Chính phủ, kể cả những lần ốm thập tử nhất sinh. Chỉ từ sau khi Đảng có chính sách đổi mới, danh tính Vũ Đình Hoè mới xuất hiện trở lại. Lúc ấy đã ngoài 70, ông vẫn đem hết tâm huyết và trí tuệ phục vụ công cuộc đổi mới. Năm 1996, ông được Nhà nước tặng Huân chương Độc lập hạng Nhất.
(Theo kỷ yếu 100 năm ĐHQG Hà Nội)
Vân Phong

Thứ Sáu, 14.1.2011 | 15:40 (GMT + 7)

(Lao Động Online) - Nhớ lại ngày xưa cái thành ngữ “trăm tuổi” hay “hai năm mươi” ngụ ý nói về giới hạn cuộc sống con người, nghĩa là nhắc đến cái chết… Bây giờ thì sống trăm tuổi có lẻ dần thành chuyện không lạ.

Nhưng với người đã lập được danh trên trường chính trị, có mặt và trải nghiệm qua những biến cố trọng đại của lịch sử thì phải nói thọ đến trăm tuổi mới thực sự là “cổ lai hy” (xưa nay hiếm).

Chủ tịch Hồ Chí Minh cùng Bộ trưởng Tư pháp Vũ Đình Hoè dự lễ tuyên thệ của các thẩm phán đầu tiên của nền tư pháp độc lập.
Chủ tịch Hồ Chí Minh cùng Bộ trưởng Tư pháp Vũ Đình Hoè dự lễ tuyên thệ của các thẩm phán đầu tiên của nền tư pháp độc lập.

Năm ngoái ta vừa chúc mừng hai vị chính khách cao niên là các cụ Võ Nguyên Giáp và Trần Văn Giàu, đều sinh năm 1911. Chưa bước sang năm nay, cụ Giàu đã lên đường... Và năm 2011 này ta lại có dịp nhắc đến một nhân vật của thời kỳ lịch sử gắn với cuộc Cách mạng Tháng Tám năm 1945 đến nay cũng bước vào tuổi 100. Đó là cụ Vũ Đình Hoè, Bộ trưởng Bộ Giáo dục đầu tiên trong Chính phủ Lâm thời đầu tiên của Chủ tịch Hồ Chí Minh, rồi bước vào năm 1946 chuyển sang làm Bộ trưởng Bộ Tư pháp trong Chính phủ Liên hiệp Kháng chiến cho đến năm 1960 thì chuyển dần sang các hoạt động xã hội và nghề nghiệp của một nhà luật học thâm niên.

Khác hai cụ Võ Nguyên Giáp và Trần Văn Giàu cao hơn một tuổi, cụ Vũ Đình Hoè (sinh năm 1912) không phải là đảng viên Đảng Cộng sản, nhưng lại là đảng viên “Dân chủ Đảng”, một “đảng bạn” có nhiều trí thức tham gia, ra đời trong cao trào giải phóng dân tộc có mối liên hệ và chịu ảnh huởng tích cực của Đảng Cộng sản Đông Dương.

Chính với vai trò đại diện cho Đảng Dân chủ, một lực lượng rất tích cực hoạt động cùng Việt Minh trong cuộc đấu tranh giành chính quyền ở Hà Nội, cụ Hoè được triệu tập lên Chiến khu Tân Trào để tham dự Quốc dân Đại hội. Và có thể là do biết đến những gì mà nhà luật học trẻ tuổi này đã tập hợp một đội ngũ hùng hậu các “sĩ phu hiện đại” của Bắc Hà tham gia bàn thảo việc nước trên tờ báo “Thanh Nghị” mà cụ Hồ Chí Minh đã mời Vũ Đình Hoè chấp chính ghế Bộ trưởng Quốc gia Giáo dục trong Nội các đầu tiên của mình.

Trong hồi ức, Vũ Đình Hoè luôn nhắc đến “ông Ké Cao Bằng” mà cụ thoáng gặp ở Quốc dân Đại hội Tân Trào và vô cùng thán phục khi thấy cung cách cụ Chủ tịch giải quyết những đề nghị đầu tiên của Bộ trưởng Giáo dục chóng vánh và dứt khoát (sớm khai giảng đại học, chấp thuận giá trị bằng cấp của chế độ cũ và chủ động nhắc đến việc xoá nạn mù chữ mà cụ Hoè cùng các đồng sự trong Hội Truyền bá Quốc ngữ đã làm từ trước cách mạng).

Nhưng công việc giáo dục đang hanh thông thì cụ Chủ tịch lại vời vị luật gia trẻ tuổi về với nghề nghiệp của mình khi bổ làm Bộ truởng Bộ Tư pháp mà cụ Hồ gọi là “tổ kiến lửa” trong Chính phủ Liên hiệp Kháng chiến cho đến năm 1960, khi bản Hiến pháp mới ra đời và lần đầu tiên được ban hành và Bộ Tư pháp cũng không còn nữa.

Có thể nói đây là thời kỳ tâm đắc nhất mà luật gia Vũ Đình Hoè được chứng kiến và trực tiếp tham dự trong quá trình xây dựng nền móng pháp lý của chế độ Dân chủ - Cộng hoà. Cụ gọi giai đoạn từ 1945 đến 1948 là “tuần trăng mật” giữa những người cộng sản và những trí thức khao khát dân chủ với người nhạc trưởng là vị lãnh tụ của cách mạng, người am hiểu sâu sắc nền chính trị cả Đông lẫn Tây khi lựa chọn thể chế cho Nhà nước Việt Nam độc lập.

Nhóm “Thanh Nghị” (tên gọi một tờ báo) của Vũ Đình Hoè với nhiều luật gia danh tiếng như Phan Anh, Vũ Văn Hiền, Vũ Trọng Khánh... từng có những cuộc trao đổi, tranh luận trên tờ “Thanh Nghị” về các thể chế chính trị mà nước Việt Nam phải lựa chọn khi cảm nhận được thời cơ độc lập đang đến gần. Tuy nhiên, tất cả những mô hình và bước đi mà Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đưa ra, vào cái khoảnh khắc quyết định của lịch sử, cùng với độ lùi thời gian cho thấy, là một tư tưởng tiên tiến và một tinh thần dân chủ rất hiện đại.

Tư tưởng hiến chính hình thành rất sớm ở nhà cách mạng xuất thân ở một xứ thuộc địa lạc hậu nhưng có cơ hội và chủ động tạo ra cơ hội để được đi, quan sát và học hỏi từ thực tiễn của nhiều quốc gia có chế độ chính trị khác nhau. Ngay cả khi khởi đầu các hoạt động chính trị, Nguyễn Ái Quốc đã đưa ra tư tưởng nhất quán “Trăm điều phải có thần linh pháp quyền” khi minh hoạ cho “Bản yêu sách 8 điểm” gửi Hoà hội Versaille. Và tinh thần phải xây dựng Hiến pháp cũng đã được Hồ Chí Minh nêu ra khi soạn thảo Cương lĩnh Việt Minh (1941) cũng như tại Quốc dân Đại hội Tân Trào (1945).

Vũ Đình Hoè may mắn giữ vai trò Bộ tưởng Tư pháp vào đúng thời điểm trọng đại ấy. Ông lãnh cương vị này vào đúng ngày đầu năm 1946, trong một Chính phủ Liên hiệp Lâm thời với sự tham dự của nhiều đảng phái có khuynh hướng chính trị khác nhau, thậm chí đối lập nhau, nhưng có một quan điểm chung là chống cuộc xâm lăng trở lại của thực dân Pháp, cho nên còn gọi là Chính phủ Liên hiệp Kháng chiến.

Chính nhờ được sự thoả hiệp để đại đoàn kết này mà cuộc Tổng tuyển cử được tổ chức. Một cuộc Tổng tuyển cử mà thể lệ của nó bảo đảm tinh thần dân chủ tối đa, ngay cả nhiều quốc gia tiên tiến đương thời cũng chưa thực hiện. Thí dụ chế độ phổ thông đầu phiếu trên cơ sở bình đẳng nam nữ, dân tộc, tôn giáo, thân phận xã hội... Và tiếp đó là một bản hiến pháp được soạn thảo bởi một tập thể các nhà trí thức và chuyên môn am hiểu với một tinh thần dân chủ và ý thức trách nhiệm đối với vận mệnh dân tộc.

Tinh thần tiên tiến của Bản Hiến pháp năm 1946 không chỉ là đóng góp của các nhà chuyên môn mà nó được chỉ đạo bằng một tư tưởng chính trị rất nhất quán. Những nhà luật học của chế độ cũ, kể cả vị Thượng thư Bộ Hình của Nam triều là cụ Bùi Bằng Đoàn cũng được mời tham gia. Nó đã tạo được nền tảng, nhưng trên cái nền tảng lý luận ấy để xây dựng được một nền pháp trị phù hợp với một xã hội vốn đậm đặc chất tiểu nông lại du nhập thêm những tư tưởng chính trị quá mới mẻ của nền “dân chủ nhân dân” là cả một thách thức vô cùng to lớn.

Lại thêm, cuộc chiến tranh khốc liệt và triền miên khiến cho một xã hội điều hành theo pháp luật khó có thể xác lập để thay thế một xã hội thời chiến điều hành theo chính sách và quyền lãnh đạo thống soái của chính trị. Ai cùng biết bản Hiến pháp 1946 là tiên tiến và sáng giá, nhưng không nhiều người biết rằng nó mới được thông qua tại kỳ họp thứ hai của Quốc hội khoá I, nhưng chưa kịp công bố thì chiến tranh đã bùng nổ… Do vậy cho đến khi bản Hiến pháp được Quốc hội thông qua ngày 31-12-1959 và được Chủ tịch Hồ Chí Minh ký sắc lệnh ban hành ngày 1-1-1960, thì nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà mới thực sự được điều hành bằng một Hiến pháp có 2 mục tiêu cơ bản là “Đấu tranh thống nhất đất nước và Xây dựng Chủ nghĩa Xã hội”. Lại thêm một thử thách mới vì cuộc chiến tranh giải phóng và mục tiêu xây dựng một mô hình nhà nước còn quá mới mẻ khiến cho cái mục tiêu xây dựng một nhà nước pháp chế và một xã hội “sống và làm việc theo pháp luật” vẫn trở nên một thách đố không dễ khả thi.

Nhiều năm sau khi đã rời khỏi công việc nhà nước và sau khi đoàn thể mà cụ gắn bó, Đảng Dân chủ đã không còn, Vũ Đình Hoè tập trung vào việc nhìn nhận lại chặng đường từng trải của mình gắn với lịch sử của dân tộc... Sách cụ viết không hoàn toàn chỉ là hồi ức của một cá nhân, mà giống như Võ Nguyên Giáp, qua những trải nghiệm của “người trong cuộc” để viết đến những vấn đề gắn với lịch sử cuộc cách mạng giải phóng và công cuộc xây dựng nhà nước Việt Nam độc lập. Với cụ Vũ Đình Hoè, đó là lịch sử một thế hệ trí thức đi theo cách mạng với tất cả vẻ đẹp hào hùng xả thân vì nghĩa lớn cùng những bi kịch của một quá trình “tự lột xác” để phù hợp với một cuộc đấu tranh giai cấp được áp đặt như một động lực cách mạng; là lịch sử xây dựng thiết chế nhà nước, đặc biệt và về các hoạt động tư pháp.

Với cương vị một Bộ trưởng Tư pháp “ngoài đảng”, cụ Vũ Đình Hoè viết về những nảy sinh trong quan điểm xây dựng pháp luật sau khi “tuần trăng mật” đã chuyển sang mối quan hệ giữa lãnh đạo và bị lãnh đạo. Cuộc tranh luận nảy lửa trên báo “Sự Thật” của Đảng Cộng sản và báo “Độc Lập” của Dân chủ Đảng xoay quanh chủ đề “Tư pháp và Nhà nước” mà hạt nhân là có hay không có nguyên lý “Tư pháp độc lập” giữa nhà báo cộng sản Quang Đạm và nhiều luật gia vốn được đào tạo trong chế độ cũ nhưng đã nhiệt tình đi theo Đảng Cộng sản làm cuộc cách mạng giải phóng và kháng chiến kiến quốc đã nêu lên nhiều vấn đề nóng bỏng đương thời mà đọc lại đến nay vẫn có giá trị thời sự.

Vấn đề cốt lõi suy cho cùng vẫn xoay quanh cái nguyên lý bất hủ của cách mạng tư sản về “Tam quyền phân lập” với quan điểm về nhân tố chính trị lãnh đạo Nhà nước phải giữ vai trò quyết định cho mối quan hệ giữa sự phân quyền và tập quyền. Thực tiễn nảy sinh xung đột giữa bộ máy hành pháp và tư pháp đã được bàn luận vào thời điểm bộ máy chính quyền bắt đầu nảy sinh hiện tượng lộng quyền. Trong hồi ức, tác giả có kể đến môt vụ án của một chủ tịch huyện đã thụ án tử hình vì tội lộng quyền khi đã xử lý một cách vô đạo với một gia đình giàu có từ vùng địch chạy vào vùng tự do. Người chồng bị giết để cướp của, người vợ bị làm nhục… Chủ tịch Hồ Chí Minh trực tiếp ra yêu cầu toà án xử nghiêm.

Án thực hiện xong nhưng vẫn tác động vào cuộc tranh luận cho rằng tư pháp muốn gây sức ép với hành pháp. Thậm chí mãi về sau này, còn có người nhắc lại vụ án đó để “kiện” ngành tư pháp do một vị Bộ trưởng ngoài Đảng đứng đầu. Trong sách cụ Hoè cho biết rằng chính Bác rất quan tâm chỉ đạo việc thực hiện nghiêm luật và người ngồi ghế chánh án là một nhà cách mạng cộng sản nổi tiếng đương thời là ông Bùi Lâm, một nhà lãnh đạo Viện Công tố rất kiên quyết và khiêm nhường.

Cũng chính vì thế cuộc tranh luận về “Tư pháp với Nhà nước” đã tạm được xếp lại một cách có ý tứ và Bác Hồ vẫn là người nỗ lực để cho bước chuyển đổi quan trọng của xã hội Việt Nam dưới tác động của những chuyển biến chính trị tránh những xung đột và thích nghi dần cho dù biết rằng sự xung đột như vậy là khó tránh và chẳng dễ đạt được.

Sự xung đột đã đến mức có xu hướng chụp mũ chính trị khiến Bộ trưởng Vũ Đình Hoè đã viết đơn xin từ chức... Nhưng cho đến một ngày, trên Chiến khu, Cụ Hồ mời đến nơi đang là Phủ Chủ tịch nằm bên bờ Thác Dẫng, cụ Chủ tịch nước ôm lấy ông Bộ trưởng lòng dạ đang rối bời bời mà rằng: “Biết hết ngọn ngành rồi, không phải kể lể gì đâu. Tôi hiểu tâm trạng chú. Không nên bồn chồn. Mọi việc rồi sẽ ổn. Cứ nghĩ đến Đại nghĩa, nghĩ về mình một chút không sao. Đồng thời cũng nghĩ đến người, nghĩ nhiều đến người càng tốt và “lời nói không mất tiền mua”... ”. Cụ Hồ gửi lời thăm hỏi những thành viên trong gia đình, rồi rỉ tai: “Muốn biết thêm kinh nghiệm giải toả bế tắc thì tìm gặp Bộ trưởng Nguyễn Văn Huyên”. Vị Bộ trưởng Giáo dục khi đó vẫn là người ngoài Đảng (và sau này, có lần đã chuẩn bị kết nạp thì Bác và Bộ Chính trị lại đề nghị “đừng vào” có lợi cho Đảng và cách mạng hơn) cũng rơi vào tình cảnh tương tự...

Cuối sách, cụ Vũ Đình Hoè kể rằng, vài chục năm sau, nhà báo Quang Đạm gặp cụ và nhận rằng nhớ lại hồi nổ ra tranh luận, đến nay có nhiều điều phải nghĩ lại. Cụ Hoè cảm kích khi nhắc đến chi tiết này và càng thấu hiểu cái điều Cụ Hồ đã dạy là “cứ nghĩ đến Đại nghĩa” mọi việc rồi sẽ ổn.

Bước vào tuổi 100, cụ Hòe đang dưỡng già ở miền Nam ấm áp, mới đây các đồng nghiệp nghề giáo học đã tổ chức đại thọ cho nhà giáo của Trường Thăng Long nổi tiếng năm xưa, nơi mà Võ Nguyên Giáp cũng từng đứng trên bục giảng. Đó là những người cuối cùng của một “Thế hệ Vàng” mà cũng như người dẫn đạo cho thế hệ ấy là cụ Hồ Chí Minh, có lẽ trong lịch sử dân tộc phải bao nhiêu lâu mới xuất hiện một lần. Vì ngọn cờ “Đại nghĩa” đâu phải tự nhiên mà có.
1-2011
Duơng Trung Quốc

Tuần Việt Nam:
Cụ Vũ Đình Hòe và thế hệ "trí thức vàng"


Trong một buổi gặp riêng mấy người chủ chốt của nhóm Thanh Nghị, anh Hiền gợi ý chúng tôi xem có nên lập một đảng của trí thức để khi cần thiết và có lợi cho mình thì đảng ấy sẽ phối hợp với Việt Minh cho đủ danh nghĩa và có trọng lượng.

LTS: GS Vũ Đình Hoè cùng nhóm bạn trí thức cấp tiến Thanh Nghị gồm Vũ Văn Hiền, Phan Anh, Lê Huy Vân, Hoàng Thúc Tấn là những nhà hoạt động xã hội, nhà trí thức lớn, có uy tín và là chứng nhân có trách nhiệm và đáng tin cậy trong một thời kỳ sóng gió và vinh quang của lịch sử nước nhà. Báo Thanh Nghị (xuất bản từ năm 1941 đến đầu tháng 8/1945) do cụ là chủ nhiệm của tờ báo từ số đầu đến số cuối được nhìn nhận có giá trị phong phú về nhiều mặt lịch sử, văn hóa và xã hội.

Để giúp độc giả hiểu thêm về lớp trí thức - thế hệ vàng đã đi vào lịch sử của dân tộc, Tuần Việt Nam xin trích đăng Hồi ký Thanh Nghị.


Muốn góp phần là "cường liệt sinh tồn lực của giống nòi", người trí thức hàng ngày, cụ thể, phải làm gì? Có thể làm gì?

Trước hết, phải nuôi chí lớn cho bản thân và cho giới mình. Phải đấu tranh chống sự hoài nghi, chán nản, uể oải hoặc mị mộng viển vông, trong đầu óc mình đã. Rồi tích cực góp sức giải tỏa sự bế tắc tinh thần, thái độ tiêu cực của một số người thiếu nghị lực, bồi dưỡng đức tin và sự tự tin, nâng cao ý thức trách nhiệm.

Nay nói đến hoạt động hàng ngày của nhóm chúng tôi, công việc làm báo. Tự xác định mục đích trước mắt (và có lẽ còn phải kéo dài lâu nữa), như thế, để tránh sự "lông bông", không thiết thực. Trong khi đó vẫn gắng nuôi chí lớn, cho cả giới mình.

Hoàn cảnh chúng tôi là những người trí thức ra trường Đại học khoảng mười năm rồi, một số đã đứng tuổi, có nghề nghiệp ổn định. Tuy không có sự bàn bạc tập thể gì, nhưng mọi người đều nghĩ là, trước mắt mình chỉ có khả năng đóng góp vào cuộc đầu tranh dân tộc bằng hoạt động nghề nghiệp của mình trên vốn liếng sự học chuyên môn của mình và mình sẽ cố gắng hết sức phát huy cho cao tác dụng thiết thực đối với sự tiến bộ chung của xã hội Việt Nam, và tiềm lực cho dân tộc.

Nhiệm vụ của mình, và của những người cùng hoàn cảnh như mình, tất nhiên có cái khác với thanh niên nói chung, với thanh niên trí thức trẻ hơn, đặc biệt có khác với các thanh niên, sinh viên, nói riêng.

Nhóm Thanh Nghị chúng tôi luôn luôn duy trì và từng lúc tăng cường mối liên hệ với Tổng hội sinh viên, nhất là với nhóm sinh viên yêu nước Dương Đức Hiền.

Có những hoạt động của sinh viên chúng tôi nhiệt liệt ủng hộ, nhưng không trực tiếp tham gia được, các trại hè chẳng hạn. Hoặc đối với các buổi nói chuyện lịch sử xem với các bài hát mới sáng tác của nhóm sinh viên-nhạc sĩ Huỳnh Mai Lưu, quê ở Nam Bộ, báo Thanh Nghị, cũng chỉ viết được mấy thông tin, chẳng hạn: "Sáng chủ nhật 21 Mars 1943, Tổng hội sinh viên trường Đại học đã tổ chức một buổi họp văn chương và âm nhạc tại đại giảng đường rất cho ta chú ý. Có thể tiếng súng xung quanh đã giác ngộ thanh niên đất này, gọi họ trở lại con đường phải theo... Mấy bản đàn mới mẻ xen giữa hai bài nói chuyện của Đặng Ngọc Tốt tán dương khúc "Bình Ngô đại cáo" và bài "Ngoảnh lại giang san" của bạn Vũ Đình Liên nhắc lại lịch sử Nam tiến của dân tộc ta, đã gây nên trong số đông thính giả bầu không khí tràn lan một mối tình thiết tha về đất nước.

Kín đáo hơn, bộ phận chủ trì báo và nhóm Thanh Nghị thường có sự gặp gỡ, cả mấy người hoặc từng người, với anh Dương Đức Hiền hai lần ở ấp Sơn Cẩm của anh Nghiêm Xuân Yêm, đôi khi với anh Nguyễn Dương Hồng, anh Vũ Công Thuyết trong nhóm sinh viên yêu nước....

Nhờ những buổi gặp gỡ ấy mà chúng tôi được biết tin ông Hoàng Cường Để cử một sinh viên từ Nhật về nước cùng với thư mời Dương Đức Hiền và nhóm sinh viên yêu nước thuộc Tổng hội sinh viên Đông Dương gia nhập Đảng: "Việt Nam phục quốc hội" của ông ta. Anh Hiền hẹn một thời gian suy nghĩ, nhưng sau đó đã từ chối, trong khi đó thì đồng chí Kiến, cán bộ của Thành ủy Việt Minh cũng bắt liên lạc với anh Hiền và Tổng hội sinh viên.

Trong một buổi gặp riêng mấy người chủ chốt của nhóm Thanh Nghị, anh Hiền gợi ý chúng tôi xem có nên lập một đảng của trí thức để, theo anh, khi cần thiết và có lợi cho mình thì đảng ấy sẽ phối hợp với Việt Minh cho đủ danh nghĩa và có trọng lượng. Chúng tôi qua buổi gặp trên tỏ ra chưa sốt sắng lắm, vì có ý chờ thêm thông tin. Trong nhóm chúng tôi, xem ra anh Dục rất chú ý lời phát biểu của anh Hiền. Dễ hiểu, anh Dục có nhiều bạn học cùng khóa với nhóm sinh viên yêu nước và thường gặp họ, tâm tình.

Chúng tôi qua buổi gặp trên, biết thêm được tin ở Sở mật thám đang theo dõi riết nhóm sinh viên yêu nước, mà chúng gọi là "nhóm Jacquin" số nòng cốt sống popote ở đấy, bây giờ thuộc phố Ngô Thời Nhiệm, quen thói theo lời chúng "làm mít tinh trên sân khấu". Bởi vậy, nhóm Thanh Nghị bảo nhau nên thận trọng, tránh sự nghi kỵ của "tụi" mật thám, trong lúc còn cần phải tránh.

Một lần nữa, chúng tôi xác định với nhau, trong lúc chưa dứt khoát dấn thân vào hành động trực tiếp chiến đấu, thì hoạt động chủ yếu vẫn là làm báo, để hết tâm trí vào công việc thiết thực đó, với ý thức đầy đủ "hướng vào cuộc đấu tranh dân tộc", mà viết báo, trong thế công khai hợp pháp.

Có điều là:

Để đáp ứng yêu cầu mới của tình hình đã trở nên khẩn trương thì cường độ hoạt động làm báo phải mạnh hơn. Ban Biên tập phải đông hơn nữa, chất lượng bài vở phải cao hơn và tập trung vào yêu cầu mới. Các vấn đề nghiên cứu gắn nhiều hơn nữa với tình hình, nội dung nghiên cứu gắn với thực tế cuộc sống hơn nữa, có cân nhắc về lợi ích trước mắt và lợi ích lâu dài của toàn xã hội.

Tất cả biên tập viên, đều có gắng cao trong bài viết của mình, cảm thông tinh thần lời kêu gọi của Xã luận số báo xuân 1943 và nhiều số báo tiếp theo. Tất cả chú trọng góp sức vào việc chấn chỉnh tình hình khá "lộn xộn" trong tư tưởng và tâm lý của các lớp thanh niên trí thức đang sống trong những hoàn cảnh xã hội vô cùng phức tạp. Tất cả đều được thôi thúc bởi nhiệt tình yêu nước của dân ta, mà số đông đói rét và làm ăn chật vật vô cùng, nhất là dân quê.

  • Theo Hồi ký Thanh Nghị