Kính viếng hương hồn anh Huỳnh Dũng Nhi
Ngày mùng 5 tết Tân Mão, tại nhà HDNhân |
Đến mùng 8 tết, anh nhắn tin cho tôi, cũng là một tin nhắn làm tôi bất ngờ, rất gọn. “Anh đang ở Đà Lạt. Vui lắm”. Tôi ngạc nhiên, anh còn đủ sức vi vu lên xứ lạnh sao ? Mừng quá. Tôi lúc đó có chuyến công tác đi Huế, nên nhắn lại: “Còn em đang ở Huế”. Thế rồi thôi, không ai nhắn tin nữa.
Ngày tôi đang ở Huế, vợ tôi thảng thốt gọi điện: Anh Nhi đang bị cấp cứu. Rồi sau đó là cú điện thoại khác “Anh Nhi đang hấp hối.” Tôi tìm cách mua vé máy bay về, mà sau Tết việc vào SG rất khó khăn căng thẳng không nơi nào còn vé máy bay. Tôi dùng tối đa sự quen biết và đôi chút sự ảnh hưởng của tấm thẻ nhà báo mới kiếm được 1 vé máy bay vào lúc 1 giờ sáng ngày 10-2. Trưa cùng ngày, tôi đi tàu cánh ngầm ra Vũng Tàu rồi chạy ào vào nhà anh tôi.
Anh nằm đó như một ông già 90. Cánh tay gầy khẳng khiu dính đầy dây rợ truyền nước biển. Cây gậy đã gác góc nhà. Vợ anh và mấy đứa con trong nhà mắt đỏ bầm. Mẹ tôi năm nay 80 tuổi cũng đang khóc. Mẹ tôi rất ít khóc ngay những năm tháng khó khăn nhất trong cuộc đời bà. Trên loa đang phát đi mấy bản nhạc anh thích át cả tiếng tụng kinh gõ mõ, đó là những bài anh thích như bài Chiều của Hồ Dzếnh, bài Gửi nắng cho em và bài Happy New Year…Tôi nhìn thấy thẻ Đảng, thẻ Nhà báo của anh dường như đã để sẵn sàng trong tủ kính…
Tôi đến bên anh hỏi : “Có nhận ra em không?” Anh thều thào mấy tiếng mà tôi đoán nhiều hơn là nghe được: “Tại sao không?” Tôi bảo anh đừng nói nữa mệt, anh nằm nghỉ đi. Anh im lặng. Tay quờ quạng, mắt trắng đục cố giương lên tìm kiếm mọi người, có lúc anh dang tay ra như muốn được vợ anh đỡ dậy, rồi anh cố nằm nghiêng để cố giấu đi hơi thở đứt quãng nặng nhọc của mình. Cứ như vậy. Chậm dần, yếu dần, lả dần. Rồi anh thở hắt ra mấy lần, miệng há ra cố hớp lấy mấy ngụm không khí cuối cùng bằng sự cố gắng tuyệt vọng. Nhưng rồi mắt anh đục đi, tay buông xuôi xuống thân mình, chân duổi dần vô tri vô giác…Ngọc Thụy, Hoa Lê nấc lên liên tục lấy máy đo huyết áp và lấy gương để trước miệng anh xem còn chút hơi thở mong manh hy vọng gì của sự sống không? Nhưng không ! Anh bình thản lặng lẽ chìm sâu vào giấc ngủ ngàn năm. Tất cả là hết. Anh Huỳnh Dũng Nhi của tôi đã ra đi.
Xung quanh chìm xuống thảng thốt trong sự tuyệt vọng cuối cùng rồi tất cả như nhận ra đây đã là một sự thật đau buồn nhất ập đến, mọi người òa lên nức nở trong những tiếng gọi thất thanh tên anh. Ba tôi năm nay 85 tuổi chống gậy đến cũng khóc nghẹn ngào và bảo sao con lại đi trước ba. Cha mẹ già khóc con, vợ khóc chồng, con gái khóc cha, cảnh tượng này thật khó lòng nào chịu nổi. Đứa cháu ngoại mà anh rất mực thương yêu mới mấy tuổi thì vẫn tung tăng bên cạnh chỗ anh nằm, nó ôm con búp bê vải và nói: Sao lại khóc, ông ngoại ngủ mà.
Vâng, đó là giấc ngủ ngàn thu, giấc ngủ để đến một giấc mơ một cõi trời khác. Vợ anh đã thầm thì bên anh tôi lúc vuốt mắt cho anh: Anh cứ yên tâm về một phương trời khác, anh đã làm được tất cả cho vợ con, nhà cửa đàng hoàng, hai con gái đều tốt nghiệp đại học về làm đài truyền hình, đều đã lấy chồng, đứa sau cũng sắp có em bé…anh cứ đi ở nhà có em lo liệu hết, cuộc sống bây giờ dễ chịu hơn rồi…
Dễ chịu hơn rồi anh Nhi ạ. Anh cũng cảm thấy thế mà. Nhưng hình như anh linh tính điều gì sâu kín mà trước Tết ráng gượng sức đi thăm bà con họ hàng, anh còn tổ chức kỷ niệm 32 năm ngày cưới là điều mà xưa kia anh coi là hình thức nên tránh. Anh nói đùa với mọi người là anh đang tập lái xe, hỏi ra mới biết là anh tập đi…xe lăn. Anh tận dụng khả năng Internet mới học được từ hai cô con gái để chát, gửi mail, viết nhật ký. Anh làm thơ tặng mọi người mỗi khi tỉnh táo mạnh khỏe. Và bức thư cuối cùng của anh trên mạng là bức thư cho bác sĩ Hà, người đã trực tiếp chữa bệnh cho anh ở Vũng Tàu. Trong thư anh còn nhờ bác sĩ tư vấn chế độ ăn uống sao cho hợp lý. Rõ ràng anh còn tự tin và khao khát sống lắm.
Chiều hôm anh ra đi, tôi ngồi viết điếu văn. Việc viết lách đối với tôi hàng chục năm nay là hết sức bình thường, kể cả viết điếu văn cho bạn bè quá cố. Thế nhưng bây giờ viết cho chính anh ruột mình sao khó quá. Khó vì quá nhiều tình cảm, quá nhiều kỷ niệm, quá nhiều đớn đau…
Lúc ngồi lặng bên anh và lúc đưa tiễn anh đi, tôi đều khóc được rất ít. Có điều gì đó nặng trĩu và cứ nhói trong tim, thật khó đứng vững trước cơn đau này. Tôi tranh thủ những lúc ít người đến bên linh cữu đậy nắp kính nhìn lại gương mặt anh, người được coi là sáng sủa nhất nhà. Anh như đang ngủ, cố gắng ngủ sau một quãng đời thường xuyên khó ngủ…
Anh Nhi hơn tôi 3 tuổi. Hồi nhỏ, tôi ít có điều kiện ở gần anh tôi. Lúc thì do đi sơ tán mỗi đứa một trường. Lúc thì do anh đi học nước ngoài. Lúc anh về nước thì tôi lại đi học ở Hà Nội, lúc anh ở Vũng Tàu thì tôi lại ở Sài Gòn. Cái thời gian được ở chung một mái nhà với anh có lẽ không quá 10 năm. Thế nhưng hai anh em thương nhau lắm. Từ Hungary anh thường viết thư cho tôi. Và khi tôi “thuổng” được mấy câu tiếng Hung trong cuốn “ ngôi sao Thành Eghe” để “tám” với anh thì anh thích thú lắm. Hồi nhỏ tôi học mỹ thuật nên anh thích tôi vẽ đủ thứ cho anh xem. Anh cũng hay làm thơ dù chỉ làm thơ cho riêng mình như tôi. Tôi và anh tôi hầu như chưa có vụ cãi nhau hay đánh nhau nào đáng kể, mà về vụ đánh lộn với bọn trẻ con khác thì tôi nhiều thành tích hơn anh, đôi khi cũng để bảo vệ anh mình.
Anh tôi sống không đủ lâu để trở thành bậc cao niên hiền triết. Anh sống không khôn ngoan để có thể có những quyền cao chức trọng. Anh không đủ điều kiện này kia để làm được nhiều việc lớn cho riêng mình. Anh không vụ lợi, không cơ hội, thậm chí nhìn cuộc đời hơi đơn giản. Anh coi trọng nghĩa tình gia đình và bè bạn. Ở đám tang ai nấy cũng bảo anh là người mà họ chưa thấy nóng giận bao giờ…Khi anh ra đi, tôi mới thấy khoảng trống anh để lại là quá lớn, nỗi đau anh để lại là không gì bù đắp nổi. Mọi lần ra Vũng Tàu tôi đến thăm ba tôi trước rồi đều sang thăm anh, bình luận vu vơ về thời sự, báo chí, bạn bè, gia đình, hoặc cãi cọ với anh chút đỉnh về con chó tên là Gút nhà anh lành hay dữ… Hồi xưa tôi thú nhận là có thỉnh thoảng lén bà chị dâu dúi cho anh ít tiền uống rượu hoặc giấu cho anh một chai rượu ngon, nhưng từ khi anh bệnh nặng tôi không còn dám mời anh uống nữa. Ôi, từ nay tôi ra Vũng Tàu vỉa hè trước nhà anh rộng tênh rồi, công viên trước nhà anh trống vắng quá. Còn ai sẽ ra mắng con Gút lành dữ thất thường để đón chúng tôi vào nhà nữa…
Đám tang quàn có hơn ngày rưỡi theo cách tính toán ngày tháng tốt xấu của thầy chùa Linh Sơn cổ tự. Nhiều người chưa kịp biết tin để đến nghĩa trang Long Hương ( Bà Rịa ) cách Vũng Tàu 30 cây số tiễn biệt anh. Thú thật là tôi không thích và rất sợ việc hỏa táng người quá cố. Người ta bằng xương bằng thịt đầy hình hài tâm trí như thế mà thiêu đốt thành cát bụi, mất đi chỉ để lại chút tro tàn chứa vừa cái bình nhỏ trên bàn thờ có tấm hình anh mặc comple càvạt không vui không buồn. Hỏa táng. Người nhà phải đứng ngoài nhìn theo linh cữu anh bị đẩy vào sau hai cánh cửa có che rèm vải thô màu nâu bạc phếch gió thổi bay bay. Hôm nay ngày 14-2, ngày Valentine. Trên tấm bảng trước cửa, hợp đồng hỏa táng mang tên Huỳnh Dũng Nhi hình như mang số 102. “ 5 tiếng đồng hồ nữa người nhà đến nhận tro”. Chỉ có từng ấy lời người ta lạnh lùng nói là còn liên quan đến anh tôi, một con người từng sống vui vẻ và yêu thương suốt một quãng đời. Hôm nay là ngày Valentine.
Bây giờ anh ở đâu? Anh Nhi của em ?
Đưa anh đi, xe tang đi theo lộ trình qua những nơi anh từng công tác, qua nơi anh đã từng “ăn cơm tập thể ngủ giường cá nhân”, đi qua những con đường anh đã từng đi, qua những cái quán anh từng ngồi thù tạc với bạn bè.
Bây giờ anh đang ở đâu?
Vũng Tàu bây giờ mùa gió chướng. Những con đường từng được công nhận là đường đẹp nhất Việt Nam, một bờ biển đang xanh ngắt mà nhiều năm nay anh không còn được ra ngắm. Một khơi xa có những mỏ dầu mà anh từng vinh dự là một trong những nhà báo đầu tiên đặt chân lên giàn khoan viết bài khi tìm thấy dòng dầu khí đầu tiên…
Bây giờ anh đang ở đâu ?
Con trai tôi mới 6 tuổi không thể nào hiểu nổi sao Bác Hai lại biến mất? Bác Hai mới đến thăm nhà nó, nhà cuối cùng trong số họ hàng bà con mà anh đến và lỳ xì cho nó ? Con tôi chớp chớp mắt hỏi “ Bác Hai đang ở trên trời hả ba ?”
Bác Hai đang ở trên trời con ạ.
Người ta thường tranh luận với nhau về địa táng, hỏa táng, thủy táng…những khi họ nghĩ về cái chết. Nhưng rất ít có Khí táng. Nếu có Khí táng thì chắc chắc đó là một cách lãng mạn hơn cả. Tôi chắc chắn một điều do có thời gian làm báo lâu hơn nên tôi đi máy bay nhiều hơn anh tôi. Mỗi khi tôi đi máy bay trong nước hay ra nước ngoài tôi đều nghĩ việc được nhìn thấy mặt đất từ trên bầu trời là rất thiêng liêng. Bầu trời đem lại cho người ta sự cao thượng, vị tha, phóng khoáng, yêu thương. Và bây giờ mỗi lần đi máy bay tôi sẽ lại thầm nói với con trai tôi: Con ạ, Bác Hai đang ở trên trời sau 60 năm sống trên mặt đất đầy lo toan ngập lụt ùn tắc ô nhiễm song cũng đầy hạnh phúc vui buồn này.
Đưa tiễn anh tôi xong, tôi về lại SG sau một chuỗi ngày dài không đụng đến vi tính. Bật máy lên thấy khá nhiều thư chia buồn, và tin tức Mail,Chát…đủ thứ trên đời của các công dân mạng Facebook. Đang buồn đến héo lòng, tôi chợt nhìn thấy một dòng địa chỉ mời kết bạn trên Facebook có một cái tên rất đỗi quen thuộc: Huỳnh Dũng Nhi.
Hóa ra mấy ngày trước khi mất, anh tôi đã lên mạng tìm tôi…
TP HCM ngày 15-2-2011
Huỳnh Dũng Nhân
Xin chia buồn với thầy cùng gia đình. Nỗi đau sẽ qua và cuộc sống sẽ chỉ còn lại kỷ niệm đẹp về người cũ. Xin thầy đừng đau lòng quá!
Trả lờiXóaTHÁNG NĂM KÝ ỨC VẪN CÒN
Trả lờiXóaVậy là bạn đã đi xa. Căn bệnh hiểm nghèo đã cướp đi người bạn chân tình, hóm hỉnh, vui tính và yêu đời.
Có rất nhiều người sẻ chia nỗi niềm với gia đình, với bạn trong những ngày này. Có rất nhiều bài viết về bạn trong những ngày này.
Mình mải mê đuổi theo những trang viết của bạn hữu mà quên mất một điều: Hoá ra, mình chưa viết được đôi dòng về bạn.
Có nên nhắc lại những kỷ niệm xưa không nhỉ? Đó là những năm tháng đầu tiên về “nương thân” ở thành phố biển:
“Xứ dừa quê nội cũng gần
Ba mươi năm chẵn nương thân Vũng Tàu”.
(Tự bạch: H.D.N)
Không phải cái chức danh Phó Tổng Biên tập báo VT-CĐ hồi đó làm cho chúng mình xích lại gần nhau, mà cái chính hết sức đơn giản là : Bạn là một nhà báo yêu thơ, còn mình là một người vừa yêu thơ vừa yêu báo.
Nhắc đến Huỳnh Dũng Nhi, phần lớn đều nhắc đến mảng ký (công nhận đó là món sở trường của anh). “Ký ức sơ tán” đăng 6 kỳ liên tiếp trên “TRẠI TRẺ SƠ TÁN BÁO NHÂN DÂN” đã được sự quan tâm hưởng ứng, khen ngợi và khích lệ của bạn hữu gần xa.
Thực ra, trang viết của anh còn nhiều nữa, nhất là những bài viết vào giai đoạn cuối đời:
- “Mùa đông da diết nhớ”
- “Hành trình kỷ niệm”
- “Nghĩ mà cười”
- Trang thơ “Đời tôi yêu”
- “Chúc mừng năm mới 2011”.
-v.v...
Sở dĩ tôi dùng chữ “nhà báo yêu thơ” là vì ngoài mảng ký, anh còn có trang thơ, trang vui cười, trang đàm đạo phiếm luận...
Hôm nay ngồi đọc kỹ lại trang thơ của anh, tôi bỗng giật mình. Hình như anh có ý gửi gấm những tâm tình sâu kín nhất trước khi đi xa:
"Đường gập ghềnh tôi tìm những niềm vui
Những hạt vàng trong hằng sa gió bụi
Những mầm xanh trên đồng khô tàn lụi
Làm hành trang bước tiếp đường đời".
(Đời tôi yêu)
Thật hết sức cảm động khi chúng ta biết rằng, những năm tháng cuối đời, anh đã phải cố gắng hết sức để chống chọi với căn bệnh tai ác đang rình rập mạng sống của mình. Anh cố gắng tìm những mầm xanh hiếm hoi còn sót lại trên cánh đồng khô tàn lụi để làm hành trang bước tiếp đường đời.
Có ai đó từng nói rằng “thơ tức là người”. Có lẽ đúng như vậy. Anh sống giản dị, chân thành và luôn tự nhận mình nhỏ nhoi, bé bỏng:
"Giữa biển trời tôi nhỏ nhoi, bé bỏng
Chỉ lăn tăn mà không gợn sóng
Chỉ hiu hiu chẳng lay động tình người".
Mặc dầu biết rằng, đó là một canh bệnh hiểm nghèo, nhưng anh vẫn luôn luôn thể hiện tính lạc quan, yêu đời. Anh không muốn mọi người phải lo lắng (nhất là đối với gia đình và bè bạn):
"Đời mãi xanh, đừng sợ lá vàng rơi
Thân già yếu, giữ trái tim tươi trẻ
Ôn kỷ niệm tìm bao điều mới mẻ
Tiếng thở than vẫn phảng phất nụ cười".
Và anh tự nhắc mình:
"Hãy trồng hoa cho ngày chia biệt
Chút hương thơm để lại cho đời.
Tôi yêu đời, đời cũng yêu tôi".
(Đời tôi yêu).
Có lẽ sợ mọi người lo lắng cho mình quá nhiều nên giai đoạn cuối anh chuyển sang cách viết dí dỏm và mang màu sắc “hài hước” hơn. Không những trong trang “Nghĩ mà cười” mà ngay cả bài thơ tặng vợ “Em đi Bình Châu” cũng mang đầy chất hài hước và dí dỏm.
Đọc bài này, ai cũng biết “nhại vui” dọng văn của bài “Em đi chùa Hương”. Mặc dầu hai người phụ nữ cũng giống nhau “thức dậy chải đầu soi gương”, nhưng một người thì còn trẻ, còn một người thì “Năm mươi mà vẫn chưa già / Gặp ai em vẫn cứ là em thôi ”...
(Em đi Bình Châu).
...
Cứ sau mỗi chuyến đi, bao giờ anh cũng có thêm bài viết mới.Đó là nét độc đáo của anh. Anh say mê viết bài đến mức, gửi thư cho tôi và nói rằng: Hoá ra, anh em mình có nhiều công việc hơn so với hồi chưa về hưu!". Bởi vậy khi anh nhắn tin từ Đà Lạt: “Gửi lời chào từ Đà lạt”, tôi đã mong đợi ngày anh trở về để được chăm sóc mảnh vườn mà hai anh em vun đắp (trang web).
Cuộc sống có những điều bất ngờ nằm ngoài ý muốn của mình, đành phải chấp nhận!
Hy vọng rằng, ở nơi xa xôi ấy anh sẽ không buồn bởi vì “Tháng năm ký ức” mãi mãi vẫn còn!
Nguyễn Duy Quế
Tham khảo thêm các bài viết khác của Huỳnh Dũng Nhi: https://sites.google.com/site/dungnhimenu/home
Cám ơn nhà thơ Duy Quế đã chia sẻ với blog "ttst bnd".
Trả lờiXóaNhà báo Huỳnh Dũng Nhi nay đang phiêu diêu nơi chín suối, chắc rằng anh rất mãn nguyện vì đã đóng góp hết tâm huyết của mình cho bạn bè khắp nơi, cho blog ttst bnd (Trại trẻ Sơ tán Báo Nhân Dân ngày xưa của anh), cho Không gian kết nối với Duy Quế thơ và các bạn. Có lẽ cho đến phút cuối, anh vẫn mong muốn được viết tiếp cho gia đình, bạn bè...