10/2/11

Vị nhân sĩ Thế hệ Vàng đã đến Bến Trăm năm


Viếng GS Vũ Đình Hòe ở cả hai miền Nam - Bắc
Giáo sư Vũ Đình Hòe ở tuổi 93

Từ 8h hôm nay, ngày 10-2, diễn ra lễ viếng GS Vũ Đình Hòe tại Nhà tang lễ TP.HCM, 25 Lê Quý Đôn, Q3, TP.HCM.

Đồng thời, vì họ hàng, thân thích, bạn hữu của cụ Vũ Đình Hòe và gia đình chủ yếu sống ở Hà Nội, không phải ai cũng có điều kiện vào TP.HCM phúng viếng đưa tiễn Cụ, nên từ 08-2, gia đình đã cho lập tại nhà riêng trưởng nam Vũ Thế Khôi ở số 23 ngõ 154 phố Đội Cấn - Hà Nội, một Ban thờ cụ Vũ Đình Hòe để những người có lòng thành có thể đến thắp nén nhang tưởng nhớ.

(Lễ truy điệu sẽ diễn ra lúc 11h ngày 11-2, an táng tại Nghĩa trang TP.HCM)


SGGP Online - Tin buồn:
Thứ tư, 09/02/2011, 02:45 (GMT+7)

Viện Khoa học Xã hội Việt Nam; Bộ Giáo dục và Đào tạo; Bộ Tư pháp; Hội Luật gia Việt Nam; Thành ủy - HĐND - UBND - UBMTTQ TPHCM; Quận ủy - UBND - UBMTTQ quận Thủ Đức; Đảng ủy - UBND - UBMTTQ phường Linh Trung quận Thủ Đức và gia đình vô cùng thương tiếc báo tin:
Đồng chí VŨ ĐÌNH HÒE (Vũ Khiêm)
Cán bộ Tiền khởi nghĩa. Nguyên Đại biểu Quốc hội khóa I, Bộ trưởng Bộ GD-ĐT, Bộ trưởng Bộ Tư pháp, Phó Chủ tịch Hội Luật gia Việt Nam, Chuyên viên cao cấp Viện Nhà nước và Pháp luật thuộc Viện Khoa học Xã hội Việt Nam, đã nghỉ hưu. Huân chương Độc lập hạng nhất; Huân chương Kháng chiến hạng nhì. Đã từ trần lúc 9 giờ 20 ngày 29-1-2011.

Đồng chí Vũ Đình Hòe sinh ngày 1-6-1913 tại làng Lương Ngọc, xã Thúc Kháng, huyện Bình Giang, tỉnh Hải Dương. Thường trú tại số 13A khu phố 3, phường Linh Trung, quận Thủ Đức. Đồng chí tốt nghiệp cử nhân Luật khoa Trường Đại học Đông Dương. Dạy học tại các Trường tư thục Thăng Long, Gia Long (Hà Nội) và nghiên cứu giáo dục học, Phó Chủ tịch Hội Truyền bá quốc ngữ; đồng Chủ tịch Hội Ánh sáng chuyên dựng nhà tranh tre hợp vệ sinh cho dân nghèo thành thị. Chủ nhiệm báo Thanh nghị, tập san văn chương và nghị luận của giới trí thức dân chủ tiến bộ. Ủy viên Trung ương Đảng Dân chủ được cử lên chiến khu Việt Bắc tham gia Quốc dân Đại hội Tân Trào. Bộ trưởng Quốc gia giáo dục, Bộ trưởng Tư pháp Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa.

Linh cữu đồng chí được quàn tại Nhà tang lễ TP, số 25 Lê Quý Đôn, quận 3. Lễ viếng bắt đầu lúc 8 giờ ngày 10-2-2011. Lễ truy điệu lúc 11 giờ ngày 11-2-2011 (có vòng hoa luân lưu). An táng tại Nghĩa trang TP (Thủ Đức).

(wikipedia) Tiểu sử cụ Vũ Đình Hòe:

Ông sinh ngày 1 tháng 6 năm 1912, nguyên quán làng Lương Ngọc, xã Thúc Kháng, huyện Bình Giang, tỉnh Hải Dương, là hậu duệ đời thứ tư của Tiến sĩ Vũ Tông Phan (1800-1841).

Tốt nghiệp khoa Luật khóa 2 của Viện Đại học Đông Dương, ông chọn nghề dạy học ở các trường tư thục nổi tiếng Thăng Long và Gia Long, nơi mà ông từng được mời đứng lớp khi còn là sinh viên để lấy tiền trang trải học phí.

Ông tham gia nhóm trí thức cấp tiến Thanh Nghị, làm Chủ nhiệm tạp chí văn chương, chính trị và kinh tế Thanh Nghị, xuất bản từ ngày 15 tháng 5 năm 1941 đến tháng 8 năm 1945.

Ông cùng Phan Thanh, Hoàng Minh Giám tham gia phân bộ Đảng Xã hội Pháp của Jaurès, cùng nhà văn Nhất Linh và kiến trúc sư Nguyễn Cao Luyện lập Hội Ánh sáng chuyên dựng nhà tranh tre hợp vệ sinh cho dân nghèo.

Ông là một trong các thành viên sáng lập của Đảng Dân chủ Việt Nam (30 tháng 6 năm 1944) và giữ chức Ủy viên Trung ương Đảng. Sau này Đảng Dân chủ tham gia vào Mặt trận Việt Minh.

Ngày 16 tháng 5 năm 1945, Hội Tân Việt Nam được thành lập và Vũ Đình Hòe làm Tổng thư ký. Ông cũng làm Phó Hội trưởng Hội Truyền bá Quốc ngữ (thành lập năm 1938) mà Hội trưởng là Nguyễn Văn Tố.

Ông nhận nhiệm vụ vào Bắc Bộ phủ (nhờ có Nguyễn Văn Huyên giới thiệu) thuyết phục Khâm sai Phan Kế Toại từ chức, sau đó đi Huế thuyết phục hai người đồng sáng lập Thanh Nghị là Phan Anh và Vũ Văn Hiền rút ngay ra khỏi chính phủ Trần Trọng Kim.

Ông có quan hệ thân thiện với các lãnh tụ cộng sản như Trường Chinh, Phạm Văn Đồng. Tháng 8 năm 1945 ông được cử đi dự Quốc dân Đại hội Tân Trào do Việt Minh tổ chức ở Tuyên Quang để chuẩn bị khởi nghĩa giành chính quyền.

Ông là đại biểu Quốc hội khóa đầu tiên, đại diện cho Đảng Dân chủ.

Ông làm Bộ trưởng Bộ Quốc gia giáo dục từ tháng 8 năm 1945 đến tháng 3 năm 1946 rồi thay luật gia Vũ Trọng Khánh làm Bộ trưởng Bộ Tư pháp trong suốt 15 năm sau đó. Trên cương vị Bộ trưởng Quốc gia giáo dục, ông đã tiếp ký Sắc lệnh số 45 ngày 10 tháng 10 năm 1945 của Chủ tịch Hồ Chí Minh về việc thành lập Ban Đại học Văn khoa - tiền thân trực tiếp của Trường Đại học Sư phạm Hà Nội. Tiếp đó, ông đã ký 2 Nghị định về việc tổ chức giảng dạy và nhân sự của Ban Đại học Văn khoa, đó là Nghị định ngày 03/11/1945 quy định các môn học được giảng dạy tại Ban Đại học Văn khoa và Nghị định ngày 07/11/1945 cử ông Đặng Thai Mai, Tổng Thanh tra Trung học vụ kiêm chức Giám đốc Ban Đại học Văn khoa và cử các giáo sư phụ trách các bộ môn. Như vậy, với vai trò là Bộ trưởng Bộ Quốc gia Giáo dục trong Chính phủ đầu tiên của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, đã có cống hiến to lớn xây dựng nền giáo dục đại học Việt Nam hiện đại, trong đó có ngành Sư phạm và Trường Đại học Sư phạm Hà Nội. Bản thân ông cũng trở thành một trong những vị giáo sư đầu tiên của nền đại học Việt Nam mới, cùng Võ Nguyên Giáp giảng môn Kinh tế cho các lớp xã hội - chính trị đặc biệt.

Năm 1957, ông là một trong số 29 thành viên Ban sửa đổi Hiến pháp do Hồ Chí Minh làm Trưởng ban. Ban này đã dự thảo ra Hiến pháp năm 1960.

Năm 1960, Bộ Tư pháp giải thể, ông chuyển về Viện Luật học thuộc Uỷ ban Khoa học Xã hội Việt Nam, làm chuyên viên nghiên cứu luật pháp và về hưu năm 1975.

Năm 1996, Vũ Đình Hòe được Nhà nước tặng thưởng Huân chương Độc lập hạng Nhất.

9h20 phút ngày 29/1/2011, cụ Vũ Đình Hòe từ trần tại Bệnh viện Chợ Rẫy (TP.HCM), hưởng thọ 100 tuổi.
Chủ tịch Hồ Chí Minh (người thứ 2 từ trái sang) và Giáo sư Vũ Đình Hòe (người đầu tiên bên trái) tại lễ khai giảng trường Đại học Quốc gia Việt Nam ngày 15 tháng 11 năm 1945
(Thông tin trên từ Wikipedia tại thời điểm trước ngày 10/02/2011. Vài thông tin, như các chi tiết và những sự kiện liên quan, có thể thay đổi mau chóng khi có thêm nhiều sự việc, thông tin được công bố)

Bài trả lời tạp chí Thế Giới Mới:

Nhà báo hỏi tôi những điều ước nguyện đầu Xuân về giáo dục.

Với tôi, một người đã gần đất xa trời, nói “ước nguyện” e rằng xa vời quá. Tôi chỉ xin có 3 mong muốn nhỏ nhoi.

Một mong trẻ em không bị bạo hành, được thương yêu và lại được hưởng điều 15 của Hiến pháp 1946 như từng được hưởng trong những năm Dân chủ Cộng hoà đầy khó khăn gian khổ, đó là: “nền sơ học cưỡng bách và không học phí”. Và chí ít ra, ngày Chủ nhật ông bà được nhìn thấy lũ cháu chắt nghỉ ngơi, vui chơi để phát triển hài hoà tự nhiên về thể lực, trí tuệ và tâm hồn đặng trở thành những chủ nhân ông mạnh mẽ, năng động và thông minh mà nhân hậu của đất nước mai sau.

Hai mong người già được con cháu và toàn thể xã hội kính trọng và chăm sóc để được yên vui và thanh thản hưởng tuổi trời.

Ba mong nền giáo dục của ta thực sự là “giáo dục vị nhân sinh”, nghĩa là phục vụ các nhu cầu thiết thực của mỗi con người về vật chất cũng như tinh thần, đồng thời đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững một nước Việt Nam dân chủ, văn minh và phồn vinh.

Có gì thì đã viết hết trong Hồi ký rồi. Chỉ xin phép được nói thêm vài lời: đừng quên nhiệm vụ “diệt giặc dốt” vẫn còn rất quan trọng. Và cố gắng in lại những bài “Áo vải bàn suông” (tức “Thanh nghị”).

Nhân năm nguyên đán Tân Mão sắp đến, tôi có lời chúc các bạn sức khỏe dồi dào và một năm mới an lành.

Vũ Đình Hòe
(Từ bài trả lời phỏng vấn tạp chí TGM)

- “Với tôi, một người đã gần đất xa trời, nói “ước nguyện” e rằng xa vời quá. Tôi chỉ xin có 3 mong muốn nhỏ nhoi” – GS Vũ Đình Hòe, Bộ trưởng Giáo dục đầu tiên của Việt Nam từ năm 1945 tâm tình.

Sau khi số báo Tết 2011 của tạp chí Thế Giới Mới đăng tải “3 mong muốn nhỏ nhoi” ra được mấy hôm, GS Vũ Đình Hòe đã từ trần vào ngày 29/1.

GS Vũ Đình Hòe và phu nhân trong lễ kỷ niệm 100 năm ngày sinh. Ảnh: Minh Quyên

Điều đầu tiên, nhà giáo, nhà luật học lừng danh Vũ Đình Hòe mong trẻ em không bị bạo hành, được thương yêu và lại được hưởng điều 15 của Hiến pháp 1946 như từng được hưởng trong những năm Dân chủ Cộng hoà. Đó là “nền sơ học cưỡng bách và không học phí”.

“Và chí ít, ngày Chủ nhật, ông bà được nhìn thấy lũ cháu chắt nghỉ ngơi, vui chơi để phát triển hài hoà tự nhiên về thể lực, trí tuệ và tâm hồn đặng trở thành những chủ nhân ông mạnh mẽ, năng động và thông minh mà nhân hậu của đất nước mai sau”.

Người ông tuổi đã tròn trăm, trải qua nhiều thăng trầm của cuộc đời mà vẫn ung dung, tự tại, mong ước giản dị rằng, người già được con cháu và toàn thể xã hội kính trọng, chăm sóc để được yên vui và thanh thản hưởng tuổi trời.

Từng là sinh viên luật xuất sắc, tham gia nhiều hoạt động xã hội, đấu tranh cho dân chủ, liên tiếp giữ vai bộ trưởng của các ngành giáo dục rồi pháp luật từ những năm đầu thế kỷ 20 cho đến năm 1960, nhà trí thức Vũ Đình Hoè có ảnh hưởng lớn với việc nâng cao dân trí, đặt nền móng cho hệ thống luật pháp Việt Nam...

Năm 1975, GS Vũ Đình Hòe về hưu, không một huân, huy chương. Tâm tư thì nhiều, nhưng không kêu ca, thắc mắc hay phiền lụy các cơ quan của Đảng và Chính phủ.

Từ năm 1991, sau nhiều lần lưỡng lự, GS. Vũ Đình Hoè bắt đầu chấp bút hồi ký hơn 1.500 trang: "Hồi ký Thanh Nghị, Pháp quyền nhân nghĩa Hồ Chí Minh”, "Pháp quyền nhân nghĩa Hồ Chí Minh". Hồi ký chứa đựng tâm huyết của cả một đời kẻ sĩ, bất chấp những khúc quanh bão táp trong cuộc đời, phụng sự lý tưởng rực cháy trong lòng từ thuở tráng niên.

Đó cũng là mong ước lớn nhất của vị Bộ trưởng Giáo dục đầu tiên: Mong nền giáo dục thực sự là “giáo dục vị nhân sinh”, nghĩa là phục vụ các nhu cầu thiết thực của mỗi con người về vật chất cũng như tinh thần, đồng thời đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững một nước Việt Nam dân chủ, văn minh và phồn vinh.

Không giải thích thêm bởi “có gì thì đã viết hết trong hồi ký”, trong phần viết ngắn gọn cuối đời, GS nhắn nhủ đừng quên nhiệm vụ “diệt giặc dốt” vẫn còn rất quan trọng.

Một sự trùng hợp tình cờ, theo kế hoạch năm 2011, Bộ GD-ĐT sẽ trình Chính phủ và phê duyệt các đề án liên quan đến nhiệm vụ “diệt giặc dốt” và nối tiếp phong trào tự học - được khởi xướng từ những trí thức Tây học những năm đầu thế kỷ 20, mà chàng trai Vũ Đình Hòe ngày đó là một hạt nhân tích cực. Các đề án “xây dựng xã hội học tập giai đoạn 2011-2020” và “xóa mù chữ giai đoạn 2011-2020” dự kiến phê duyệt trong năm nay.

Năm 1975, GS Vũ Đình Hòe về hưu, không một huân, huy chương. Tâm tư thì nhiều, nhưng không kêu ca, thắc mắc hay phiền lụy các cơ quan của Đảng và Chính phủ, kể cả những lần ốm thập tử nhất sinh. Chỉ từ sau khi Đảng có chính sách đổi mới, danh tính Vũ Đình Hoè mới xuất hiện trở lại. Lúc ấy đã ngoài 70, ông vẫn đem hết tâm huyết và trí tuệ phục vụ công cuộc đổi mới. Năm 1996, ông được Nhà nước tặng Huân chương Độc lập hạng Nhất.
(Theo kỷ yếu 100 năm ĐHQG Hà Nội)
Vân Phong

Thứ Sáu, 14.1.2011 | 15:40 (GMT + 7)

(Lao Động Online) - Nhớ lại ngày xưa cái thành ngữ “trăm tuổi” hay “hai năm mươi” ngụ ý nói về giới hạn cuộc sống con người, nghĩa là nhắc đến cái chết… Bây giờ thì sống trăm tuổi có lẻ dần thành chuyện không lạ.

Nhưng với người đã lập được danh trên trường chính trị, có mặt và trải nghiệm qua những biến cố trọng đại của lịch sử thì phải nói thọ đến trăm tuổi mới thực sự là “cổ lai hy” (xưa nay hiếm).

Chủ tịch Hồ Chí Minh cùng Bộ trưởng Tư pháp Vũ Đình Hoè dự lễ tuyên thệ của các thẩm phán đầu tiên của nền tư pháp độc lập.
Chủ tịch Hồ Chí Minh cùng Bộ trưởng Tư pháp Vũ Đình Hoè dự lễ tuyên thệ của các thẩm phán đầu tiên của nền tư pháp độc lập.

Năm ngoái ta vừa chúc mừng hai vị chính khách cao niên là các cụ Võ Nguyên Giáp và Trần Văn Giàu, đều sinh năm 1911. Chưa bước sang năm nay, cụ Giàu đã lên đường... Và năm 2011 này ta lại có dịp nhắc đến một nhân vật của thời kỳ lịch sử gắn với cuộc Cách mạng Tháng Tám năm 1945 đến nay cũng bước vào tuổi 100. Đó là cụ Vũ Đình Hoè, Bộ trưởng Bộ Giáo dục đầu tiên trong Chính phủ Lâm thời đầu tiên của Chủ tịch Hồ Chí Minh, rồi bước vào năm 1946 chuyển sang làm Bộ trưởng Bộ Tư pháp trong Chính phủ Liên hiệp Kháng chiến cho đến năm 1960 thì chuyển dần sang các hoạt động xã hội và nghề nghiệp của một nhà luật học thâm niên.

Khác hai cụ Võ Nguyên Giáp và Trần Văn Giàu cao hơn một tuổi, cụ Vũ Đình Hoè (sinh năm 1912) không phải là đảng viên Đảng Cộng sản, nhưng lại là đảng viên “Dân chủ Đảng”, một “đảng bạn” có nhiều trí thức tham gia, ra đời trong cao trào giải phóng dân tộc có mối liên hệ và chịu ảnh huởng tích cực của Đảng Cộng sản Đông Dương.

Chính với vai trò đại diện cho Đảng Dân chủ, một lực lượng rất tích cực hoạt động cùng Việt Minh trong cuộc đấu tranh giành chính quyền ở Hà Nội, cụ Hoè được triệu tập lên Chiến khu Tân Trào để tham dự Quốc dân Đại hội. Và có thể là do biết đến những gì mà nhà luật học trẻ tuổi này đã tập hợp một đội ngũ hùng hậu các “sĩ phu hiện đại” của Bắc Hà tham gia bàn thảo việc nước trên tờ báo “Thanh Nghị” mà cụ Hồ Chí Minh đã mời Vũ Đình Hoè chấp chính ghế Bộ trưởng Quốc gia Giáo dục trong Nội các đầu tiên của mình.

Trong hồi ức, Vũ Đình Hoè luôn nhắc đến “ông Ké Cao Bằng” mà cụ thoáng gặp ở Quốc dân Đại hội Tân Trào và vô cùng thán phục khi thấy cung cách cụ Chủ tịch giải quyết những đề nghị đầu tiên của Bộ trưởng Giáo dục chóng vánh và dứt khoát (sớm khai giảng đại học, chấp thuận giá trị bằng cấp của chế độ cũ và chủ động nhắc đến việc xoá nạn mù chữ mà cụ Hoè cùng các đồng sự trong Hội Truyền bá Quốc ngữ đã làm từ trước cách mạng).

Nhưng công việc giáo dục đang hanh thông thì cụ Chủ tịch lại vời vị luật gia trẻ tuổi về với nghề nghiệp của mình khi bổ làm Bộ truởng Bộ Tư pháp mà cụ Hồ gọi là “tổ kiến lửa” trong Chính phủ Liên hiệp Kháng chiến cho đến năm 1960, khi bản Hiến pháp mới ra đời và lần đầu tiên được ban hành và Bộ Tư pháp cũng không còn nữa.

Có thể nói đây là thời kỳ tâm đắc nhất mà luật gia Vũ Đình Hoè được chứng kiến và trực tiếp tham dự trong quá trình xây dựng nền móng pháp lý của chế độ Dân chủ - Cộng hoà. Cụ gọi giai đoạn từ 1945 đến 1948 là “tuần trăng mật” giữa những người cộng sản và những trí thức khao khát dân chủ với người nhạc trưởng là vị lãnh tụ của cách mạng, người am hiểu sâu sắc nền chính trị cả Đông lẫn Tây khi lựa chọn thể chế cho Nhà nước Việt Nam độc lập.

Nhóm “Thanh Nghị” (tên gọi một tờ báo) của Vũ Đình Hoè với nhiều luật gia danh tiếng như Phan Anh, Vũ Văn Hiền, Vũ Trọng Khánh... từng có những cuộc trao đổi, tranh luận trên tờ “Thanh Nghị” về các thể chế chính trị mà nước Việt Nam phải lựa chọn khi cảm nhận được thời cơ độc lập đang đến gần. Tuy nhiên, tất cả những mô hình và bước đi mà Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đưa ra, vào cái khoảnh khắc quyết định của lịch sử, cùng với độ lùi thời gian cho thấy, là một tư tưởng tiên tiến và một tinh thần dân chủ rất hiện đại.

Tư tưởng hiến chính hình thành rất sớm ở nhà cách mạng xuất thân ở một xứ thuộc địa lạc hậu nhưng có cơ hội và chủ động tạo ra cơ hội để được đi, quan sát và học hỏi từ thực tiễn của nhiều quốc gia có chế độ chính trị khác nhau. Ngay cả khi khởi đầu các hoạt động chính trị, Nguyễn Ái Quốc đã đưa ra tư tưởng nhất quán “Trăm điều phải có thần linh pháp quyền” khi minh hoạ cho “Bản yêu sách 8 điểm” gửi Hoà hội Versaille. Và tinh thần phải xây dựng Hiến pháp cũng đã được Hồ Chí Minh nêu ra khi soạn thảo Cương lĩnh Việt Minh (1941) cũng như tại Quốc dân Đại hội Tân Trào (1945).

Vũ Đình Hoè may mắn giữ vai trò Bộ tưởng Tư pháp vào đúng thời điểm trọng đại ấy. Ông lãnh cương vị này vào đúng ngày đầu năm 1946, trong một Chính phủ Liên hiệp Lâm thời với sự tham dự của nhiều đảng phái có khuynh hướng chính trị khác nhau, thậm chí đối lập nhau, nhưng có một quan điểm chung là chống cuộc xâm lăng trở lại của thực dân Pháp, cho nên còn gọi là Chính phủ Liên hiệp Kháng chiến.

Chính nhờ được sự thoả hiệp để đại đoàn kết này mà cuộc Tổng tuyển cử được tổ chức. Một cuộc Tổng tuyển cử mà thể lệ của nó bảo đảm tinh thần dân chủ tối đa, ngay cả nhiều quốc gia tiên tiến đương thời cũng chưa thực hiện. Thí dụ chế độ phổ thông đầu phiếu trên cơ sở bình đẳng nam nữ, dân tộc, tôn giáo, thân phận xã hội... Và tiếp đó là một bản hiến pháp được soạn thảo bởi một tập thể các nhà trí thức và chuyên môn am hiểu với một tinh thần dân chủ và ý thức trách nhiệm đối với vận mệnh dân tộc.

Tinh thần tiên tiến của Bản Hiến pháp năm 1946 không chỉ là đóng góp của các nhà chuyên môn mà nó được chỉ đạo bằng một tư tưởng chính trị rất nhất quán. Những nhà luật học của chế độ cũ, kể cả vị Thượng thư Bộ Hình của Nam triều là cụ Bùi Bằng Đoàn cũng được mời tham gia. Nó đã tạo được nền tảng, nhưng trên cái nền tảng lý luận ấy để xây dựng được một nền pháp trị phù hợp với một xã hội vốn đậm đặc chất tiểu nông lại du nhập thêm những tư tưởng chính trị quá mới mẻ của nền “dân chủ nhân dân” là cả một thách thức vô cùng to lớn.

Lại thêm, cuộc chiến tranh khốc liệt và triền miên khiến cho một xã hội điều hành theo pháp luật khó có thể xác lập để thay thế một xã hội thời chiến điều hành theo chính sách và quyền lãnh đạo thống soái của chính trị. Ai cùng biết bản Hiến pháp 1946 là tiên tiến và sáng giá, nhưng không nhiều người biết rằng nó mới được thông qua tại kỳ họp thứ hai của Quốc hội khoá I, nhưng chưa kịp công bố thì chiến tranh đã bùng nổ… Do vậy cho đến khi bản Hiến pháp được Quốc hội thông qua ngày 31-12-1959 và được Chủ tịch Hồ Chí Minh ký sắc lệnh ban hành ngày 1-1-1960, thì nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà mới thực sự được điều hành bằng một Hiến pháp có 2 mục tiêu cơ bản là “Đấu tranh thống nhất đất nước và Xây dựng Chủ nghĩa Xã hội”. Lại thêm một thử thách mới vì cuộc chiến tranh giải phóng và mục tiêu xây dựng một mô hình nhà nước còn quá mới mẻ khiến cho cái mục tiêu xây dựng một nhà nước pháp chế và một xã hội “sống và làm việc theo pháp luật” vẫn trở nên một thách đố không dễ khả thi.

Nhiều năm sau khi đã rời khỏi công việc nhà nước và sau khi đoàn thể mà cụ gắn bó, Đảng Dân chủ đã không còn, Vũ Đình Hoè tập trung vào việc nhìn nhận lại chặng đường từng trải của mình gắn với lịch sử của dân tộc... Sách cụ viết không hoàn toàn chỉ là hồi ức của một cá nhân, mà giống như Võ Nguyên Giáp, qua những trải nghiệm của “người trong cuộc” để viết đến những vấn đề gắn với lịch sử cuộc cách mạng giải phóng và công cuộc xây dựng nhà nước Việt Nam độc lập. Với cụ Vũ Đình Hoè, đó là lịch sử một thế hệ trí thức đi theo cách mạng với tất cả vẻ đẹp hào hùng xả thân vì nghĩa lớn cùng những bi kịch của một quá trình “tự lột xác” để phù hợp với một cuộc đấu tranh giai cấp được áp đặt như một động lực cách mạng; là lịch sử xây dựng thiết chế nhà nước, đặc biệt và về các hoạt động tư pháp.

Với cương vị một Bộ trưởng Tư pháp “ngoài đảng”, cụ Vũ Đình Hoè viết về những nảy sinh trong quan điểm xây dựng pháp luật sau khi “tuần trăng mật” đã chuyển sang mối quan hệ giữa lãnh đạo và bị lãnh đạo. Cuộc tranh luận nảy lửa trên báo “Sự Thật” của Đảng Cộng sản và báo “Độc Lập” của Dân chủ Đảng xoay quanh chủ đề “Tư pháp và Nhà nước” mà hạt nhân là có hay không có nguyên lý “Tư pháp độc lập” giữa nhà báo cộng sản Quang Đạm và nhiều luật gia vốn được đào tạo trong chế độ cũ nhưng đã nhiệt tình đi theo Đảng Cộng sản làm cuộc cách mạng giải phóng và kháng chiến kiến quốc đã nêu lên nhiều vấn đề nóng bỏng đương thời mà đọc lại đến nay vẫn có giá trị thời sự.

Vấn đề cốt lõi suy cho cùng vẫn xoay quanh cái nguyên lý bất hủ của cách mạng tư sản về “Tam quyền phân lập” với quan điểm về nhân tố chính trị lãnh đạo Nhà nước phải giữ vai trò quyết định cho mối quan hệ giữa sự phân quyền và tập quyền. Thực tiễn nảy sinh xung đột giữa bộ máy hành pháp và tư pháp đã được bàn luận vào thời điểm bộ máy chính quyền bắt đầu nảy sinh hiện tượng lộng quyền. Trong hồi ức, tác giả có kể đến môt vụ án của một chủ tịch huyện đã thụ án tử hình vì tội lộng quyền khi đã xử lý một cách vô đạo với một gia đình giàu có từ vùng địch chạy vào vùng tự do. Người chồng bị giết để cướp của, người vợ bị làm nhục… Chủ tịch Hồ Chí Minh trực tiếp ra yêu cầu toà án xử nghiêm.

Án thực hiện xong nhưng vẫn tác động vào cuộc tranh luận cho rằng tư pháp muốn gây sức ép với hành pháp. Thậm chí mãi về sau này, còn có người nhắc lại vụ án đó để “kiện” ngành tư pháp do một vị Bộ trưởng ngoài Đảng đứng đầu. Trong sách cụ Hoè cho biết rằng chính Bác rất quan tâm chỉ đạo việc thực hiện nghiêm luật và người ngồi ghế chánh án là một nhà cách mạng cộng sản nổi tiếng đương thời là ông Bùi Lâm, một nhà lãnh đạo Viện Công tố rất kiên quyết và khiêm nhường.

Cũng chính vì thế cuộc tranh luận về “Tư pháp với Nhà nước” đã tạm được xếp lại một cách có ý tứ và Bác Hồ vẫn là người nỗ lực để cho bước chuyển đổi quan trọng của xã hội Việt Nam dưới tác động của những chuyển biến chính trị tránh những xung đột và thích nghi dần cho dù biết rằng sự xung đột như vậy là khó tránh và chẳng dễ đạt được.

Sự xung đột đã đến mức có xu hướng chụp mũ chính trị khiến Bộ trưởng Vũ Đình Hoè đã viết đơn xin từ chức... Nhưng cho đến một ngày, trên Chiến khu, Cụ Hồ mời đến nơi đang là Phủ Chủ tịch nằm bên bờ Thác Dẫng, cụ Chủ tịch nước ôm lấy ông Bộ trưởng lòng dạ đang rối bời bời mà rằng: “Biết hết ngọn ngành rồi, không phải kể lể gì đâu. Tôi hiểu tâm trạng chú. Không nên bồn chồn. Mọi việc rồi sẽ ổn. Cứ nghĩ đến Đại nghĩa, nghĩ về mình một chút không sao. Đồng thời cũng nghĩ đến người, nghĩ nhiều đến người càng tốt và “lời nói không mất tiền mua”... ”. Cụ Hồ gửi lời thăm hỏi những thành viên trong gia đình, rồi rỉ tai: “Muốn biết thêm kinh nghiệm giải toả bế tắc thì tìm gặp Bộ trưởng Nguyễn Văn Huyên”. Vị Bộ trưởng Giáo dục khi đó vẫn là người ngoài Đảng (và sau này, có lần đã chuẩn bị kết nạp thì Bác và Bộ Chính trị lại đề nghị “đừng vào” có lợi cho Đảng và cách mạng hơn) cũng rơi vào tình cảnh tương tự...

Cuối sách, cụ Vũ Đình Hoè kể rằng, vài chục năm sau, nhà báo Quang Đạm gặp cụ và nhận rằng nhớ lại hồi nổ ra tranh luận, đến nay có nhiều điều phải nghĩ lại. Cụ Hoè cảm kích khi nhắc đến chi tiết này và càng thấu hiểu cái điều Cụ Hồ đã dạy là “cứ nghĩ đến Đại nghĩa” mọi việc rồi sẽ ổn.

Bước vào tuổi 100, cụ Hòe đang dưỡng già ở miền Nam ấm áp, mới đây các đồng nghiệp nghề giáo học đã tổ chức đại thọ cho nhà giáo của Trường Thăng Long nổi tiếng năm xưa, nơi mà Võ Nguyên Giáp cũng từng đứng trên bục giảng. Đó là những người cuối cùng của một “Thế hệ Vàng” mà cũng như người dẫn đạo cho thế hệ ấy là cụ Hồ Chí Minh, có lẽ trong lịch sử dân tộc phải bao nhiêu lâu mới xuất hiện một lần. Vì ngọn cờ “Đại nghĩa” đâu phải tự nhiên mà có.
1-2011
Duơng Trung Quốc

Tuần Việt Nam:
Cụ Vũ Đình Hòe và thế hệ "trí thức vàng"


Trong một buổi gặp riêng mấy người chủ chốt của nhóm Thanh Nghị, anh Hiền gợi ý chúng tôi xem có nên lập một đảng của trí thức để khi cần thiết và có lợi cho mình thì đảng ấy sẽ phối hợp với Việt Minh cho đủ danh nghĩa và có trọng lượng.

LTS: GS Vũ Đình Hoè cùng nhóm bạn trí thức cấp tiến Thanh Nghị gồm Vũ Văn Hiền, Phan Anh, Lê Huy Vân, Hoàng Thúc Tấn là những nhà hoạt động xã hội, nhà trí thức lớn, có uy tín và là chứng nhân có trách nhiệm và đáng tin cậy trong một thời kỳ sóng gió và vinh quang của lịch sử nước nhà. Báo Thanh Nghị (xuất bản từ năm 1941 đến đầu tháng 8/1945) do cụ là chủ nhiệm của tờ báo từ số đầu đến số cuối được nhìn nhận có giá trị phong phú về nhiều mặt lịch sử, văn hóa và xã hội.

Để giúp độc giả hiểu thêm về lớp trí thức - thế hệ vàng đã đi vào lịch sử của dân tộc, Tuần Việt Nam xin trích đăng Hồi ký Thanh Nghị.


Muốn góp phần là "cường liệt sinh tồn lực của giống nòi", người trí thức hàng ngày, cụ thể, phải làm gì? Có thể làm gì?

Trước hết, phải nuôi chí lớn cho bản thân và cho giới mình. Phải đấu tranh chống sự hoài nghi, chán nản, uể oải hoặc mị mộng viển vông, trong đầu óc mình đã. Rồi tích cực góp sức giải tỏa sự bế tắc tinh thần, thái độ tiêu cực của một số người thiếu nghị lực, bồi dưỡng đức tin và sự tự tin, nâng cao ý thức trách nhiệm.

Nay nói đến hoạt động hàng ngày của nhóm chúng tôi, công việc làm báo. Tự xác định mục đích trước mắt (và có lẽ còn phải kéo dài lâu nữa), như thế, để tránh sự "lông bông", không thiết thực. Trong khi đó vẫn gắng nuôi chí lớn, cho cả giới mình.

Hoàn cảnh chúng tôi là những người trí thức ra trường Đại học khoảng mười năm rồi, một số đã đứng tuổi, có nghề nghiệp ổn định. Tuy không có sự bàn bạc tập thể gì, nhưng mọi người đều nghĩ là, trước mắt mình chỉ có khả năng đóng góp vào cuộc đầu tranh dân tộc bằng hoạt động nghề nghiệp của mình trên vốn liếng sự học chuyên môn của mình và mình sẽ cố gắng hết sức phát huy cho cao tác dụng thiết thực đối với sự tiến bộ chung của xã hội Việt Nam, và tiềm lực cho dân tộc.

Nhiệm vụ của mình, và của những người cùng hoàn cảnh như mình, tất nhiên có cái khác với thanh niên nói chung, với thanh niên trí thức trẻ hơn, đặc biệt có khác với các thanh niên, sinh viên, nói riêng.

Nhóm Thanh Nghị chúng tôi luôn luôn duy trì và từng lúc tăng cường mối liên hệ với Tổng hội sinh viên, nhất là với nhóm sinh viên yêu nước Dương Đức Hiền.

Có những hoạt động của sinh viên chúng tôi nhiệt liệt ủng hộ, nhưng không trực tiếp tham gia được, các trại hè chẳng hạn. Hoặc đối với các buổi nói chuyện lịch sử xem với các bài hát mới sáng tác của nhóm sinh viên-nhạc sĩ Huỳnh Mai Lưu, quê ở Nam Bộ, báo Thanh Nghị, cũng chỉ viết được mấy thông tin, chẳng hạn: "Sáng chủ nhật 21 Mars 1943, Tổng hội sinh viên trường Đại học đã tổ chức một buổi họp văn chương và âm nhạc tại đại giảng đường rất cho ta chú ý. Có thể tiếng súng xung quanh đã giác ngộ thanh niên đất này, gọi họ trở lại con đường phải theo... Mấy bản đàn mới mẻ xen giữa hai bài nói chuyện của Đặng Ngọc Tốt tán dương khúc "Bình Ngô đại cáo" và bài "Ngoảnh lại giang san" của bạn Vũ Đình Liên nhắc lại lịch sử Nam tiến của dân tộc ta, đã gây nên trong số đông thính giả bầu không khí tràn lan một mối tình thiết tha về đất nước.

Kín đáo hơn, bộ phận chủ trì báo và nhóm Thanh Nghị thường có sự gặp gỡ, cả mấy người hoặc từng người, với anh Dương Đức Hiền hai lần ở ấp Sơn Cẩm của anh Nghiêm Xuân Yêm, đôi khi với anh Nguyễn Dương Hồng, anh Vũ Công Thuyết trong nhóm sinh viên yêu nước....

Nhờ những buổi gặp gỡ ấy mà chúng tôi được biết tin ông Hoàng Cường Để cử một sinh viên từ Nhật về nước cùng với thư mời Dương Đức Hiền và nhóm sinh viên yêu nước thuộc Tổng hội sinh viên Đông Dương gia nhập Đảng: "Việt Nam phục quốc hội" của ông ta. Anh Hiền hẹn một thời gian suy nghĩ, nhưng sau đó đã từ chối, trong khi đó thì đồng chí Kiến, cán bộ của Thành ủy Việt Minh cũng bắt liên lạc với anh Hiền và Tổng hội sinh viên.

Trong một buổi gặp riêng mấy người chủ chốt của nhóm Thanh Nghị, anh Hiền gợi ý chúng tôi xem có nên lập một đảng của trí thức để, theo anh, khi cần thiết và có lợi cho mình thì đảng ấy sẽ phối hợp với Việt Minh cho đủ danh nghĩa và có trọng lượng. Chúng tôi qua buổi gặp trên tỏ ra chưa sốt sắng lắm, vì có ý chờ thêm thông tin. Trong nhóm chúng tôi, xem ra anh Dục rất chú ý lời phát biểu của anh Hiền. Dễ hiểu, anh Dục có nhiều bạn học cùng khóa với nhóm sinh viên yêu nước và thường gặp họ, tâm tình.

Chúng tôi qua buổi gặp trên, biết thêm được tin ở Sở mật thám đang theo dõi riết nhóm sinh viên yêu nước, mà chúng gọi là "nhóm Jacquin" số nòng cốt sống popote ở đấy, bây giờ thuộc phố Ngô Thời Nhiệm, quen thói theo lời chúng "làm mít tinh trên sân khấu". Bởi vậy, nhóm Thanh Nghị bảo nhau nên thận trọng, tránh sự nghi kỵ của "tụi" mật thám, trong lúc còn cần phải tránh.

Một lần nữa, chúng tôi xác định với nhau, trong lúc chưa dứt khoát dấn thân vào hành động trực tiếp chiến đấu, thì hoạt động chủ yếu vẫn là làm báo, để hết tâm trí vào công việc thiết thực đó, với ý thức đầy đủ "hướng vào cuộc đấu tranh dân tộc", mà viết báo, trong thế công khai hợp pháp.

Có điều là:

Để đáp ứng yêu cầu mới của tình hình đã trở nên khẩn trương thì cường độ hoạt động làm báo phải mạnh hơn. Ban Biên tập phải đông hơn nữa, chất lượng bài vở phải cao hơn và tập trung vào yêu cầu mới. Các vấn đề nghiên cứu gắn nhiều hơn nữa với tình hình, nội dung nghiên cứu gắn với thực tế cuộc sống hơn nữa, có cân nhắc về lợi ích trước mắt và lợi ích lâu dài của toàn xã hội.

Tất cả biên tập viên, đều có gắng cao trong bài viết của mình, cảm thông tinh thần lời kêu gọi của Xã luận số báo xuân 1943 và nhiều số báo tiếp theo. Tất cả chú trọng góp sức vào việc chấn chỉnh tình hình khá "lộn xộn" trong tư tưởng và tâm lý của các lớp thanh niên trí thức đang sống trong những hoàn cảnh xã hội vô cùng phức tạp. Tất cả đều được thôi thúc bởi nhiệt tình yêu nước của dân ta, mà số đông đói rét và làm ăn chật vật vô cùng, nhất là dân quê.

  • Theo Hồi ký Thanh Nghị

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét