16/2/11

Chuyến đi cuối cùng


Bài của Thùy Dung, con gái ba Nhi
Con vẫn thường nói con không thích những lời xã giao, khách khí, và con đặc biệt không thích mở đầu câu chuyện bằng câu hỏi “dạo này khỏe không”, vì con nghĩ có khỏe thì mới đi gặp gỡ mọi người được, còn yếu thì phải nằm nhà chứ. Nhưng, bây giờ nghĩ lại thấy câu đó không hoàn toàn đúng. Ba có khỏe đâu mà vẫn ráng đi biết bao là nơi (mùng 2, mùng 3 đi Long Khánh, mùng 5 đi SG, mùng 7 đi Đà Lạt).

Tự trong thâm tâm con cũng biết chuyến đi Đà Lạt này là chuyến đi cuối cùng của ba, nhưng con không nghĩ rằng điều mà con, cũng như mẹ và em Trâm lo sợ lại đến nhanh đến vậy, nó xảy ra khi chuyến đi chơi mà cả nhà mình trông đợi còn chưa kết thúc.

Khi cả nhà mình, cùng mẹ con chị Hồng thẳng tiến Đà Lạt, con không biết rằng cả nhà mình đang tiến rất gần đến giây phút chia ly sinh tử.

Khi chiếc xe quẹo vào sân Nhà khách Tỉnh ủy Lâm Đồng, ai cũng thấy thật vui vì không gian ở đây rất đẹp, trăm hoa đua nở, ba vui lắm, thế nên đã “gửi lời chào từ Đà Lạt” đến nhiều người.

Nhà mình đến Đà Lạt đâu khoảng 3h chiều, tụi con nghỉ ngơi một chút rồi ra trước sảnh chụp hình. Trời lạnh nên ba mẹ không ra khỏi phòng, nhưng thấy tụi nhỏ xôn xao ngoài cửa sổ cũng mở cửa sổ nhìn ra, tạo dáng chụp 2 kiểu.

Tấm hình do con rể Phúc Lộc chụp
Buổi chiều tối hôm đó, ba vẫn ở trong phòng, mẹ định ở nhà với ba nhưng ba động viên mẹ đi ăn cùng các con. Cả nhà đi ăn mì. Đang ở quán mì thì ba gửi cho con một tin nhắn “cả nhà cứ ăn cho ngon, vui vẻ, vậy là ba vui. Nhớ chụp hình”. Ba lúc nào cũng động viên mọi người cả.

Buổi sáng hôm sau, ba mẹ vẫn ở trong phòng, chỉ có tụi con đi ăn sáng, uống cà phê và đạp vịt ở Hồ Xuân Hương. Buổi trưa, về đón ba mẹ đi vườn hoa. Lúc lên xe, ba nói đã trưa rồi thì thôi đi ăn trưa trước, để lúc đi vườn hoa khỏi cập rập về vì đói bụng. Thôi thì cả nhà đi ăn, chứ thật ra thì tụi con và mẹ không muốn ba theo cùng đâu, vì ba thấy món gì cũng thèm. Nhớ lúc còn ở nhà, mẹ mua củ hành, trái cà chua mà ba cũng thèm, vậy mà ba không ăn được.

Lúc ngồi ở quán cơm niêu, người phục vụ bưng món nào ra ba cũng xuýt xoa “ngon quá”, con mới gợi ý là thôi thì ba bỏ vào miệng để nếm cái vị rồi mình nhả ra. Vậy là ba cũng nếm được món salad trộn, cá kho tộ và sườn xào chua ngọt. Sau đó mọi người ra xe, nhưng ba cứ nấn ná ngồi trầm ngâm mãi, con lo dắt Phính ra xe trước nên không biết, giờ nghe anh Lộc kể lại mới thấy rõ rằng lúc đó ba đã mệt lắm, nhưng ba cố gắng giấu. Vậy là cả nhà mình đến vườn hoa.


Mình vào vườn hoa cũng đâu có lâu, nhưng vì ba mệt nên thôi không đi nữa. Trên đường đi ra, ba mẹ chụp một vài tấm hình, và đây là tấm hình cuối cùng của ba.


Vừa vào phòng ở Nhà khách là ba phát cơn đau. Mẹ qua phòng con gọi anh Lộc khi con đang ôm Phính vùi trong mền. Con chạy qua, kinh hoàng nhìn ba vật vã vì đau, khóc như em bé, chỉ có điều là không có nước mắt. Anh tài xế cũng chạy ra lấy xe ngay, anh Lộc ẵm ba ra xe, con ở nhà với Phính, cảm thấy ruột gan như lửa đốt nên cứ cầm điện thoại lên, gọi cho Trâm, rồi gọi mẹ, gọi anh Lộc. Mẹ và anh Lộc thì cứ nói “thôi nha, đừng gọi nữa, cứ ở nhà”, làm cho con càng bấn lên. Vậy mà chỉ ít phút sau đó, anh Lộc gọi điện, nói là chuẩn bị đi, anh Long đang về đón.

Ở trong bệnh viện ba cũng đau. Lúc 6h tụi con về lại khách sạn, dù sao cũng phải dẫn mấy đứa nhỏ đi ăn. Đang ăn thì mẹ gọi, mẹ nói ăn xong thì về trả phòng, cả nhà mình về trong đêm, ba và mẹ và anh Lộc sẽ đi xe của bệnh viện Lâm Đồng. Xe đi trong đêm, cả nhà mình đã rời thành phố ngàn hoa xinh đẹp như thế.

Xe bắt đầu đi lúc 9h, con không rõ lắm vì không coi giờ, nhưng biết là 2h thì về đến Vũng Tàu. Ba nhập bệnh viện Lê Lợi. Lúc đó đã bước sang ngày mùng 9. Ba trải qua đêm sau nữa trong đau đớn. Trưa mùng 10 cả nhà quyết định đưa ba về nhà, vì có nằm ở bệnh viện thì cũng chỉ là truyền nước và chích morphin thôi, mà những cái đó mình về nhà rồi nhờ điều dưỡng đến làm vẫn được.

Ba trở về nhà trên xe cấp cứu. Có những điều tưởng như vô cùng bình thường, giản đơn mà không thực hiện được, con chỉ mong ba tự đi ra khỏi nhà vào ngày mùng 7, rồi chiều mùng 9, cả nhà mình trở về, và ba – dù mệt – vẫn tự bước vào nhà. Vậy mà ba đã vào nhà bằng cáng, do hai con rể khiêng.

Và ba nằm đó, nhỏ bé và mong manh như đèn trước gió. Chị Quế đến ngay sau đó, truyền nước cho ba.

Mẹ và các con đút cho ba những muỗng nước, muỗng sữa rất nhỏ, sợ ba lại ọe ra. Kỳ lạ là những giây phút cuối ba không còn bị ọe ra nữa. Nhưng ba bứt rứt không yên, ba nhức mỏi cả người, hơi thở ba nông và gấp.

Con đã từng nhiều lần nghĩ đến một ngày ba rời xa mẹ và các con, nghĩ và sợ vô cùng. Đã từng mơ thấy cả điều đó, không phải chỉ 1 lần thôi đâu, khóc trong mơ đến nghẹt thở, tỉnh dậy mừng thôi là mừng, vì chỉ là một giấc mơ.

Vậy mà đến lúc cuối cùng đó, con đã mong ba được đi nhanh, chấm dứt những cơn đau dai dẳng cứ mỗi lần phát lên là kéo dài mấy tiếng liền, và chấm dứt cơn đau dữ dội khiến cho ba – một người rất kiên cường – phải vật vã cầu xin “mẹ ơi, cho con hôn mê đi”.

Con không nghĩ là mẹ, con và em Trâm lại có thể bình tĩnh đến như vậy. Bởi vì cả nhà mình yêu thương ba nhiều như thế, nên khi ba nhẹ nhàng rời xa, mẹ và hai con không nghĩ gì ngoài chuyện liên tục động viên ba đi thanh thản, đừng lo gì hết và chúc ba ngủ ngon, như bình thường mọi người vẫn chúc ba vào mỗi tối. Mọi người vẫn hay nói, người đã khuất vậy là đã xong, chỉ thương người ở lại phải chịu cảnh chia ly. Cả nhà mình thì không nghĩ vậy, và con biết chính ba cũng khổ sở vì phải chia tay mọi người, phần các con thì tạm ổn, vì các con đã có một người bạn đời để nương tựa, điều ba băn khoăn là mẹ từ nay sẽ bơ vơ, đâu phải chỉ mẹ mới khổ, ba cũng khổ giống như vậy thôi. Cho nên, tự mọi người động viên nhau không được khóc, làm ba lưu luyến không đành.

Vậy là ba không cần phải ngóng chờ cô y tá đến chích morphin nữa, và ba giờ đây đã là một người khỏe mạnh như lời sư cô nói. Con giống ba, không tin vào thần thánh, nhưng giờ này còn gì nữa đâu, con rất muốn tin lời sư cô nói, ba giờ đây đã ăn được những thứ ba muốn ăn, không còn “khát nước kinh khủng” nữa.

Một số người nói nếu không có chuyến đi Đà Lạt, ba sẽ sống được thêm chút nữa. Nhưng cả nhà mình thì biết rằng không có gì sai trái trong chuyến đi đó cả, ba đã sắp xếp tất cả để ra đi.

Thời gian trôi, ai ngăn được dòng đời
Bến cuối là đâu, khi nào, ai biết?
Hãy trồng hoa cho ngày chia biệt
Chút hương thơm để lại cho đời.
(*)

Cho nên chuyến đi Đà Lạt cũng có thể gọi là thành công dù nó là chuyến đi cuối cùng.

-----
(*) Trích thơ "Đời tôi yêu", tác giả Huỳnh Dũng Nhi (chú thích của TTST BND)

2 nhận xét:

  1. Bài của cháu Thùy Dung cảm động quá.

    Xin chia buồn cùng gia đình anh Nhi.

    Thu Hà

    Trả lờiXóa
  2. Mới ngày nào chị Hạnh Phúc có nói rằng vừa chuyện trò qua điện thoại với anh Nhi đang ở Đà Lạt. Không ngờ đó là cuộc gọi cuối cùng của chị với anh Nhi. Ba chị em Hạnh, Hoàn, Bé có rất nhiều kỉ niệm với Anh, với gia đình chú Hùng Lý. Trong đợt Mỹ ném bom B52 vào Hanoi năm 1972, chú Hùng Lý là người đã gọi chi Hạnh, lúc ấy đi làm đêm về đang ngủ trong nhà, xuống hầm tránh bom kịp thời, sau đó khu tập thể ngõ Lý Thường Kiệt bị bom đánh sập toàn bộ. Rất, rất nhiều kỉ niệm tình nghĩa hàng xóm mà em không kể hết ra được của gia đình chú Hùng Lý với ba chị em Hạnh, Hoàn, Bé. Nay anh Nhi đã ra đi vào cõi vĩnh hằng, xin gửi tới gia đình cô chú Hùng Lý và gia đình Anh lời chia buồn sâu sắc nhất của ba chị em Hạnh,Hoàn,Bé.

    Phương (Bé)

    Trả lờiXóa