24/4/08

Thêm chuyện về “con chữ”

Trương Hải Đường

Nhân đọc “Tuổi thơ và những con chữ” của chị Ninh Hà, tôi chợt nhớ tới những lá thư ngày ở trại trẻ tôi đã viết và vẽ gửi ba mẹ tôi. Những lá thư đã úa vàng vì thời gian, nhưng tình cảm trong từng lá thư thì vẫn nguyên vẹn như xưa. Tôi đã chụp lại những lá thư cũ để gửi cùng bài viết này.

Cũng hơi giống như chị Ninh Hà, tôi được sinh ra và lớn lên trong một gia đình mưu sinh bằng con chữ: ba Lê Dân của tôi là nhà báo - biên tập viên kỳ cựu của Báo Nhân dân, còn mẹ tôi là giáo viên dạy văn. Tuy tổ tiên tôi không có bề dày truyền thống lấy con chữ làm niềm vui sống và mưu sinh như bên gia đình chị Ninh Hà, nhưng chỉ riêng ba mẹ tôi cũng đã kịp truyền cho tôi một chút tình yêu với con chữ, cho dù con chữ của tôi còn rất nửa mùa, chẳng chút kỹ thuật, chỉ đơn giản nghĩ gì, thấy gì là nó nhảy từ trong đầu ra trang giấy.

Tôi xa ba mẹ để đi sơ tán khi còn quá bé, chưa đi học, nên chịu thiệt thòi quá lớn là không được ba mẹ rèn chữ, luyện câu, từ ngay ngày đầu cầm bút. Kết quả là con chữ của tôi những năm đầu cắp sách đến trường ở nơi sơ tán thật là khủng khiếp. Đọc những lá thư tôi viết hồi bé ở trại sơ tán gửi về cho ba mẹ có thể thấy chữ xấu như thế nào. Con chữ của tôi thật thoải mái đa dạng, lúc nhọn, lúc tròn, lúc nghiêng, lúc ngả, hứng lên thì nhảy cả ra lề đứng. Câu cú thì thật “vô tư”, cả một lá thư là một câu, không cần chấm, quên luôn phẩy, chuyển dòng là viết hoa cho oách. Ý tứ thì cũng rõ ràng, mệnh lệnh ra phết, nào là ba mẹ gửi cho con từ lọ magi, cái bánh, cái kẹo, đến cả cái kim, cuộn chỉ…, bất kỳ một thứ gì mà trong lúc viết thư có thể nhớ ra được. Ấy vậy mà, dù con chữ của tôi vô kỷ luật đến đâu thì ba m tôi vẫn hiểu đến “chân tơ kẽ tóc” và đáp ứng yêu cầu ngay. Thế mới hay lòng cha mẹ hiểu con cái đến mức nào.

Đến khi lớn khôn, nét chữ của tôi hầu như vẫn giữ được dáng vẻ xưa cũ (làm khổ người đọc), nhưng may là đã khá hơn về việc sắp xếp, điều khiển những con chữ đứng cho đúng chỗ hơn và có hồn hơn. Tôi đã sớm tìm được giải pháp hữu hiệu để khắc phục nét chữ xấu bằng cách chuyển sang nghề tin học. Và bây giờ, chẳng ai còn có thể nói chữ của tôi là xấu hay quá xấu nữa, bởi nó đã thật đều chặn chặn như các bạn đang đọc đây.

Rất tệ là con gái tôi lại thừa hưởng trọn vẹn nét chữ “tuyệt hảo” của tôi. Hai mẹ con đã từng “vật lộn” với nhau cả 5 năm tiểu học của con để luyện chữ, rèn chữ, nhưng cũng chẳng ăn thua mấy. Nay cháu lên cấp 2, tôi thở phào nhẹ nhõm là cháu không còn phải bị chấm điểm chữ viết nữa và cháu cũng thoải mái hơn trong việc phóng tác nét chữ của mình. Như chị Ninh Hà, tôi cũng cố gắng truyền lòng yêu con chữ từ ông bà cho cháu, nhưng thực hiện thì quả thật là quá gian nan. Con tôi lại rất sợ các môn xã hội, đặc biệt là môn văn. Vì vậy, đã không hiếm lần về nhà, cháu hớn hở khoe bài văn của mẹ hôm nay cô cho 8 điểm, 7 điểm, nhưng cũng có hôm thật tệ, cháu ỉu xìu chìa bài văn của mẹ chỉ được có 4 điểm, 5 điểm!

Đã gần 1 giờ đêm, quá khuya rồi nên tôi tạm dừng để khi có dịp sẽ lại viết tiếp. Chúc thế hệ con cháu của các bậc phụ huynh báo Nhân Dân trước đây có nhiều người nối nghiệp viết, để “con chữ” đem niềm vui, hạnh phúc tới mọi con tim!

Hà Nội, ngày 23 tháng 4 năm 2008


TTST BND: Mời xem thêm thư (rt thú vị) tại Album Picasa

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét