22/4/08

Tuổi thơ và những con chữ

Từ: Ninh Hà
Ngày: 22 tháng 4 năm 2008, 10:07 SA
Tiêu đề: Tuổi thơ và những con chữ

Ban Biên tập blog ơi,

Cho Ninh Hà đóng góp thêm một bài viết nhé.
Thật cám ơn các anh chị em đã làm việc hết mình để tất cả chúng ta có được trang blog rất chất lượng!

Chào thân ái,
Ninh Hà

------------------------------------------------
Từ: vn.hanoi
Ngày: 22 tháng tư 2008, 2:53 CH
Tiêu đề: RE: Tuổi thơ và những con chữ

Cám ơn Ninh Hà vì lời động viên chân thành "blog rất chất lượng" và tâm tình của Hà gửi đến nhân ngày 30/4 năm nay!

Chúng tôi cùng các bạn luôn cố gắng làm cho blog này ngày càng thật sự là chung của chúng ta!

TTST BND
_________________________________

Sau đây chúng tôi xin giới thiệu toàn bộ bài viết kèm theo lá thư nói trên của chị Ninh Hà:

Tháng Tư đối với Ninh Hà là một tháng đặc biệt.

Tháng Tư có ngày 30-4, kỷ niệm cuộc kháng chiến vĩ đại của dân tộc kết thúc thắng lợi.

Cũng vào một ngày cuối tháng Tư, ba của Ninh Hà lần nữa bỏ lại Ninh Hà để đi xa, lần này là mãi mãi.

So với các bạn cùng TTST, Ninh Hà có hoàn cảnh hơi khác. Ba Ninh Hà có lẽ là một trong những cán bộ của Báo Nhân Dân đi B sớm nhất và lâu nhất. Những ngày chủ nhật, khi các bạn vui vẻ cùng cha mẹ ở Hà Nội vào thăm thì Ninh Hà thường ở… đâu đấy (mẹ lúc ấy cũng đang là phóng viên thường trú). Phải chăng, Ninh Hà may mắn được sống trong sự bao bọc của các cô bác, các bạn và được cha mẹ truyền cho tình yêu với các con chữ mà nhờ thế những ngày ấy có bớt dài?...

Với bài viết này – đã được Báo Tuổi Trẻ (biên tập, xén gọn) đăng – Ninh Hà muốn tâm sự cùng các em học sinh nhỏ ngày nay, nghe nói ít “mặn mà” với các môn văn, sử…


Mỗi lần Tháng Tư về, trên đất Việt Nam có bao nhiêu gia đình, bao nhiêu người lại thắp lên những nén hương lòng.

Bài viết mang “chất Trại trẻ sơ tán báo Nhân Dân”, Ninh Hà muốn chia sẻ cùng các bạn những kỷ niệm một thời và gửi tặng hương hồn các chú, các anh, những người đã ngã xuống để có một ngày 30 tháng Tư…

Chúc tất cả các bạn những ngày này có một kỳ nghỉ tốt lành và hạnh phúc cùng với gia đình!

Con chữ

Tôi sinh ra trong một gia đình có truyền thống lấy con chữ làm niềm vui sống và kế mưu sinh. Ông tổ và ông cố tôi vốn là những ông đồ nho - thầy giáo làng có học trò rải quanh một vùng rộng ở quê nhà. Cũng nhờ những nho sinh này tậu đất cất đền báo ơn thầy mà dòng họ tôi có được một ngôi điện thờ tổ tiên còn lại tới bây giờ. Các cô chú và anh em họ tôi sau này hầu hết cũng theo nghề sư phạm hoặc văn chương, tiếp tục lấy con chữ làm niềm vui sống và kế sinh nhai...

Tôi cũng không ngoại lệ, khi tôi chào đời thì cha mẹ đã bắt đầu theo đuổi nghiệp viết lách. Là học trò, cha bắt tôi tập viết như ngày xưa ông bị ông nội tôi bắt tập viết chữ nho. Rèn chữ cũng là rèn người. Còn nhớ, thuở tôi còn nhỏ, một trong những thời khắc hạnh phúc nhất của gia đình có lẽ là lúc cha đã hoàn tất bản maquette của số báo sớm mai. Những khi ấy ông thường đưa cả gia đình nhỏ ghé một quán phở hay một tiệm mì hoành thánh nào đó lúc trời đã khuya. Tôi tưởng như vẫn còn trông thấy làn khói bốc lên từ tô phở nóng ấm trong không khí trời đêm dịu ngọt. Sáng ra, cả nhà ăn sáng, uống cà phê hoặc dùng trà cùng tờ nhật báo, cha chỉ cho tôi cách “đọc” báo, thưởng thức vẻ đẹp của các con chữ...

Sau đó nhiều năm, tôi không còn được đọc báo cùng cha nữa. Ông đã là phóng viên chiến trường. Nhờ những con chữ, tôi viết cho cha những bức thư con trẻ. Có lần tôi nhận được thư cha cùng với bức thư tôi đã gửi cho ông. Trong thư, cha lấy bút gạch dưới một ít chữ, chỗ thì mực xanh chỗ thì mực đỏ. Ông nói: những chữ ba gạch dưới màu xanh là những chữ con viết rất đẹp, còn những chữ ba gạch màu đỏ là những chữ con viết chưa đẹp, con nên sửa... Dường như cha đang viết cho con giữa một bầu trời thanh bình, chiến tranh ở đâu đó rất xa chỗ người ngồi.

Về sau này, khi đủ lớn, tôi biết cha đã phải hi sinh như thế nào khi gửi ngược ra bức thư chứa những dòng chữ mộc mạc của đứa con nhỏ vốn đã đi mất sáu tháng trời để đến được tay người. Với những ai ở chiến trường, thư gia đình là kho báu tinh thần vô giá, không chỉ đối với người nhận mà còn đối với cả đồng đội của họ. Đồng đội của cha tôi “làm quen” với con bạn mình qua những hàng chữ. Khi những dòng chữ viết của tôi trở nên bay bướm hơn, các chú nói với cha: nó đã lớn rồi! Còn mẹ thì cũng trở thành phóng viên thường trú ở địa phương. Cũng như với cha, đôi khi con nhận được “thư” mẹ trên mặt báo, đó chính là những bài viết của mẹ mà con đọc chung cùng bạn đọc gần xa...

Tôi lớn lên cùng đất nước. Tốt nghiệp kỹ sư, thành giảng viên đại học. Chẳng bao lâu tôi lên đường ra nước ngoài du học. Những năm sau chiến tranh, một lá thư từ quê nhà gửi sang hay từ Paris gửi về cũng mất cả tháng trời. Nhưng là phương tiện gần như duy nhất lúc ấy để tôi kể lại những khám phá nơi chân trời mới hay trút bầu tâm sự cho nguôi ngoai nỗi nhớ xa quê...

Ngẫm lại, chữ đã gắn bó với cuộc đời tôi biết chừng nào, khi buồn có chữ để tâm sự giãi bày, khi vui có chữ để sẻ chia, ở xa có chữ để về gần, lúc cao hứng có chữ để cất lên những lời cảm khái...

Trong thế giới của các con chữ, tôi có thể thả dòng suy nghĩ đến bất cứ bến bờ nào, những con chữ có thể giúp tôi bắc cầu tới bất kỳ bờ bến nào. Lúc nào chữ cũng luôn đồng hành cùng tôi.
Tôi thầm mong con trai, con gái tôi nối nghiệp nhà, trở thành người làm báo. Nhưng dẫu không thế thì tôi cũng muốn các con hiểu vai trò và ý nghĩa của chữ viết và viết chữ đối với cuộc sống của tôi, truyền cho các con tình yêu tôi có với chữ.

Và lại một lần nữa, tôi nhờ những dòng chữ gửi nỗi nhớ thương tới cha giờ này đã khuất...

NGUYỄN QUỐC VŨ NINH HÀ (Canada)
______________________________
Ảnh trong bài
:
1. Thày đồ và học trò xưa (từ website của Nguyen Tan Loc);
2 và 3. do tác giả cung cấp.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét