20/4/08

Về với kỷ niệm

Trương Hải Đường

Tiết thanh minh ấm áp, nắng vàng nhẹ, vài cơn gió thoảng qua thật dễ chịu. Khung cảnh dễ làm lòng người man mác, xao xuyến hồi tưởng những kỷ niệm. Xe ô tô đều đều lăn bánh đưa nhóm trẻ cách đây hơn 40 năm của Báo Nhân Dân, rong ruổi trở về với chốn xưa, nơi chan chứa những kỷ niệm thủa ấu thơ đầy gian khó nhưng cũng rất ngọt ngào, thấm đậm tình người.

Cứ qua mỗi một địa danh: Ba La - Bông Đỏ, làng Chuông, ngã tư Vác… chuyện trò trên xe lại râm ran, mọi người cố hình dung lại bóng dáng những người cha, người mẹ của mình, đã từng gò lưng đạp xe qua đây lên thăm con trên trại sơ tán. Dưới lớp mặt đường nhựa kia liệu còn lưu lại những vết xe thương nhớ? Càng đi, lòng càng thấy thương các cụ da diết... Nay, con cháu các cụ ngồi trên xe ô-tô êm ái, mát rượi điều hoà mà còn thấy mệt lử đử. Vậy mà, cũng trên con đường này, ngày xưa gồ ghề ổ trâu, ổ gà, cứ mỗi tháng đôi lần, sáng ra các cụ hối hả đạp xe lên thăm con, chiều tà lại mải miết đạp xe về, để ngày hôm sau tiếp tục công tác, chiến đấu - đáng kính phục thay! Từ tận đáy lòng, những vòng xe kỷ niệm ấy cứ dâng lên, dâng lên, rồi trào khỏi bờ mi, lăn dài trên má.

Đến rồi! Chiếc xe đã dừng hẳn, mọi người lần lượt xuống xe, háo hức đi tìm lại khung cảnh xưa. Nhưng rồi, tuy không nói thành lời, trong ánh mắt mọi người đều thoáng vẻ ngỡ ngàng, ngơ ngác khi nghe anh bạn cũ người địa phương thời sơ tán, hua hua tay chỉ: “Đây là đình làng cũ, xế đó là lán trại của trại trẻ mà các anh chị đã ở…”. Không còn một chút dấu vết xưa cũ như trong tưởng tượng theo ký ức của mọi người. Nhìn ngôi nhà mới khang trang với cái sân khá rộng trên nền đất xưa, nơi đã giữ biết bao kỷ niệm ấu thơ, ai cũng cảm thấy chống chếnh, pha chút thất vọng. Đâu rồi cái lán trại với những chiếc giường phên tre nứa lá, đâu rồi cái giao thông hào chạy ngoằn ngoèo quanh nhà, đâu rồi mái đình làng cong cong xưa cũ in hình trên nền trời xanh, đâu rồi những lối mòn đất đỏ để những bàn chân nhỏ phải tõe ngón ghìm bám xuống mỗi khi trời mưa khi đi học, đâu rồi những hàng rào duối xanh, dâm bụt, xương rồng đầy gai hay những thân sắn mục mà lũ trẻ chúng tôi thường sục sạo hái mộc nhĩ phơi khô gửi về cho mẹ… Kỷ niệm xưa đang dạt dào trong ký ức bỗng trở nên nhạt nhòa trước khung cảnh mới.

Nhưng rồi, sự chống chếnh cũng dần tan khi chúng tôi gặp bà Khánh, bà chủ nhà mà cô Hồ Vân cùng ba con là anh em nhà anh Hồ Nguyên đã từng ở nhờ. Thời gian đã làm thay đổi dáng vẻ bề ngoài của bà, nhưng ánh mắt và nụ cười thì vẫn thế, vẫn tỏa rạng, ấm áp tình người. Anh Nguyên là người xúc động hơn cả, anh nói, anh cười, anh trò chuyện liên tục, lúc ngồi ghế với anh Ánh con bà Khánh - bạn đồng niên khi xưa, lúc lại chạy ra gường ngồi sát bà Khánh muốn mong bà nhận ra mình - cái cậu bé con ngày xưa, chắc đã gây không ít phiền toái cho bà bởi những trò nghịch ngợm của mình. Bà Khánh xúc động chỉ ra ngôi nhà cũ trước mặt: “Kia, kia mới là ngôi nhà mà các anh ở hồi trước, giờ đã bỏ không”. Theo hướng tay bà chỉ, chúng tôi lần lượt theo nhau, nhót chân qua lối mòn nhỏ lô xô cỏ dại để đến với ngôi nhà cũ. Ngôi nhà ba gian nhỏ bỏ hoang, mái ngói vẩy cá thấp tè với 3 hàng cột tròn ẩm mốc, những cánh cửa bạc phếch mầu thời gian và cái sân mọc đầy cỏ dại, vương vãi những khúc gỗ mục. Đứng trước ngôi nhà xưa, lòng người nao nao khôn tả, ký ức dào dạt tràn về. Nơi đây mình đã chơi, đã ngủ, đã leo trèo, đã vật nhau… Mọi người đua nhau chụp ảnh kỷ niệm, mong giữ lại được một chút hình ảnh cuối cùng còn sót lại của một thời xưa cũ, mà không chắc lần sau quay lại có còn.

- Á… á…. Tiếng hét chói tai làm mọi người giật thót. Nhìn ra, cô bé con anh Dân đang nhảy tưng tưng, hai tay quảy quảy rối rít, vẻ mặt khiếp sợ, miệng vẫn la hét inh ỏi. Hoá ra cô nàng sợ con bọ xít đang quẩn quanh chân mình. Những ông bố, bà mẹ cười phá lên, bởi trong khung cảnh nay và kỷ niệm xưa, hiển hiện sự tương phản quá lớn giữa lũ trẻ thành phố bây giờ với lũ trẻ thành phố của gần nửa thế kỷ trước. Ngày xưa, lũ trẻ thành phố chân đất, đầu trần, vật nhau trên đất, túm ống quần làm phao, trốn ngủ trưa đi bắt chuồn chuồn ớt, chuồn chuồn kim, bắt cả cánh cam, bọ xít để chơi, đỉa vắt cắn cũng không sợ, trêu chó là trò thú vị, bị cắn cũng chẳng tiêm, nhặt phân trâu bò làm “kế hoạch nhỏ”… Còn lũ trẻ thành phố ngày nay, chúng gọi lúa là hành, gọi ngan là vịt, gọi dê là bò, chúng sợ từ còn kiến trở đi, thấy bướm là hãi, nhìn dán bay là hét, thấy bãi phân trâu là bịt mũi, ghê tởm, ngồi xuống đất lại sợ bẩn quần… Cuộc sống thành phố quá đầy đủ tiện nghi làm con người trở nên yếu ớt hơn, xa lánh thiên nhiên hơn, không cảm nhận được cái thi vị của trời đất bao la, của cây hoa, muông thú… thật là một thiệt thòi lớn cho lũ trẻ thành phố thời nay.

Có lẽ cảnh vật còn giữ nguyên vẹn nhất dáng vẻ xưa qua bao năm tháng là núi Chày, nơi mà lũ trẻ chúng tôi ngày xưa hàng ngày được các cô trại trẻ dắt tới để trú ẩn, tránh bom đạn. Dáng núi xưa vẫn in đậm trong trí nhớ mọi người, nhưng cửa hang thì không còn, do đã được xây lấp lại vì một lý do nào đó. Núi Chày nhỏ, nằm tách biệt khỏi dãy núi trùng điệp phía sau bởi cái hồ rộng trong xanh - hồ Tuy Lai. Giữa trưa, trời nắng gắt, chúng tôi tránh nắng dưới bụi tre già ven mương, chờ đò để đi vào núi tham quan. Gió trưa nhè nhẹ, lá tre xào xạc, lại làm nhớ đến kỷ niệm xưa, những cậu bé thành phố tóc cháy nắng, chui rúc trong các bụi tre kiếm cành tre nhỏ để sáng chế ra chiếc súng phốc - một thứ đồ chơi thật hấp dẫn với bọn con trai, nhưng thật phiền toái với bọn con gái, bởi thỉnh thoảng lại bị một hạt cơm nguội bắn phụt vào người, đau rát. Tre xanh Tuy Lai bây giờ cũng trở nên hiếm hoi. Trước đây, nhìn từ xa, làng mạc ẩn hiện sau màu xanh tươi mát, những khóm tre cong cong như bàn tay mềm mại ôm lấy xóm làng yên ắng, thơ mộng. Giờ đây, màu xanh làng quê không còn nhiều nữa, đường làng bê tông hoá, nhà nhà san sát, không còn khoảng vườn rộng, hàng rào bằng cây đã được thay thế bằng những bức tường tổ ong dày, chắc chắn, nhà mái bằng đã lác đác thay thế mái cho ngói đỏ… Mọi thứ đều trở nên khô cứng hơn. Xã hội càng phát triển, đời sống càng khá giả, nhưng nếu không đồng bộ với giáo dục nhận thức về giá trị văn hoá, nhân văn, thì chính với cái tính “trưởng giả học làm sang” cố hữu, người nông dân sẽ tự mình huỷ hoại dần dáng vẻ quyến rũ, thiên nhiên hài hoà của làng quê Việt Nam truyền thống.

Con đường vào hang ngày xưa, tôi nhớ phải lội qua một số đoạn mương nhỏ và kỷ niệm để đời với tôi là đỉa. Mỗi lần nhìn thấy phải lội là bọn trẻ lại chần chừ, còn tôi thì dẫm chân bành bạch, nhất quyết không chịu lội qua. Sợ lắm! Tôi đã thấy đỉa bám vào chân một số anh chị đi trước, nó hút máu căng tròn, cạy mãi chẳng rơi. Còn bọn trẻ chăn trâu, mỗi lần cho trâu lội nước lên, chúng lại khoái chí bắt từng con đỉa trâu to mọng máu để dọa lũ trẻ thành phố chạy tán loạn. Nhớ lại mà vẫn thấy khiếp.

Ba con đò nhỏ bồng bềnh đưa chúng tôi vào tận chân núi. Núi ở đây, cây không nhiều, chủ yếu là cây cỏ lúp xúp mọc trên đá. Cả đoàn hào hứng leo trèo, bám, trượt, lôi, kéo nhau để lên tới những cái hang nhỏ sâu và mát như chui vào tủ lạnh. Người thành phố mang giầy tây, vác bụng phệ leo núi thật vất vả, mồ hôi túa ướt như tắm, hơi thở nặng nhọc, nói không ra hơi. Ấy vậy, nhưng mà thấy thật vui, thật sướng!

Leo trèo núi tới gần 2 giờ chiều, chúng tôi mới quay về nhà bác chủ nhà, nơi tôi và anh Khánh đã từng ở trong lần sơ tán năm 1970. Lần sơ tán ấy, chúng tôi đã lớn nên mọi kỷ niệm còn in đậm trong trí nhớ và cảnh vật vẫn còn lưu giữ nhiều nét của ngày xưa. Ngôi nhà 3 gian chúng tôi ở vẫn đó, chỉ được cơi nới cao hơn, sạch sẽ hơn. Khoảng vườn với giàn mướp trước kia được thay bằng một ngôi nhà ngang để làm khu phụ, bếp núc làm cho không gian trở nên chật hẹp hơn ngày xưa. Tôi xúc động ôm chầm lấy bác chủ nhà và các anh chị em con của bác. Bác chủ nhà đã già đi nhiều so với hơn chục năm trước tôi vào thăm, nhưng sức bác vẫn khoẻ, nụ cười vẫn ánh hàng răng đen tuy có mất đi vài chiếc. Những kỷ niệm với từng người được tôi kể lại làm mọi người thật vui, thật xúc động. Bữa cơm trưa đạm bạc so với bàn nhậu thành phố, nhưng thật là thịnh soạn đối với dân quê. Đói mềm nên món nào cũng ngon, cũng thật hấp dẫn. Chuyện trò lại râm ran, tiếng nói, tiếng cười xen nhau thân thiết, những câu chuyện ngày xưa lại giòn như ngô rang.

Cuộc vui nào rồi cũng đến hồi kết, cuộc gặp nào rồi cũng đến lúc chia tay, bịn rịn tạm biệt những người dân đã từng cưu mang, che chở mình trong những năm tháng chiến tranh ác liệt, chúng tôi lên đường về thành phố.

Giữa muôn vàn bận rộn, tất bật trong cuộc sống hôm nay, có một chuyến đi trở về kỷ niệm của một thời gian khó nhưng rất đỗi hào hùng xưa thật sự quý giá, giúp cho ta hiểu rõ hơn ý nghĩa cuộc đời và càng thấy đáng yêu thêm cuộc sống./.

Hà Nội, ngày 20/4/2008

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét