6/4/08

Thôn Giáp Bốn, núi Chầy, bể Tuy Lai: Mua mệt mà sướng!

Bắt đầu đi lúc 8:30 từ Hà Nội, đến thị Hà Đông rẽ trái ở Ba La - Bông Đỏ, sau khi qua làng Chuông làm nón nổi tiếng, đến đúng ngã tư Vác còn cách Vân Đình 10 Km, rẽ phải vào Tỉnh lộ 429 có biển chỉ đường đi Miếu Môn, đi được 8 Km nữa, qua cầu Ba Thá thì xe bỏ hướng đi Miếu Môn, rẽ trái, đi tiếp 7 Km là đến Tuy Lai.

Toàn bộ quãng đường có 50 Km, thế mà 43 năm nay mới có một cuộc đi mong chờ như thế.

Đến là vào thôn Giáp Bốn, ngay đầu làng là nơi Trại trẻ xưa đã ở. May nhờ anh Khánh đã liên lạc trước, đoàn được anh Ánh, cậu bé xưa là con bà Khánh đón ngay đầu làng (tên bà Khánh là gọi theo tên con gái lớn của bà), một chủ nhà có mấy anh trại trẻ ở. Cả xe ùa vào nhà anh Ánh, tay bắt mặt mừng, chuyện trò ríu rít.

Thật cảm động vì anh em TTST BND mình không nhớ được bao nhiêu, nhưng ngược lại, anh Ánh lần lượt kể tên một đống các nhóc TTST ngày xưa. Rất nhiều tên các bạn được nhắc đến, trong đó anh nhớ nhất anh em Phương, Nguyên... và anh Hiêu (tên anh Dân ngày xưa), mấy người hồi ấy ở nhờ nhà anh. Anh chỉ tay xuống gian nhà cũ nay bỏ không trước mặt: ngày xưa các anh ở cái nhà kia.

Một lúc sau, được tin báo, anh Dem đến. Sau dăm câu chào hỏi, anh Dem thắc mắc ngay "thế anh Nhi, anh Nhân đâu". Thì ra ngày xưa anh em Nhi, Nhân ở nhà anh Dem, hơn nữa, Dem - Ánh - Nhân - Châu - Zũng - Ninh Hà... lại học cùng một lớp.

Ngày xưa chỉ có mấy anh lớn tuổi được ở
riêng nhờ trong 3 nhà dân, còn toàn bộ trại trẻ ở nhà tập thể, cái lán dài dựng tạm nay không còn nữa. Xung quanh là nhà xây san sát.

Các câu chuyện nhớ về kỷ niệm xưa phải dừng lại để còn kịp thời gian đi ra bể Tuy Lai.

Con đường đất
nhỏ từ đầu thôn đi ra mấp mô cỏ dại như bờ ruộng nay đã được mở rộng, trải bê tông thẳng tắp. Xa xa bên phải là dãy đồi xưa um tùm sắn, lạc tiên, sim, mâm xôi nay trơ trọi một màu đất.

Dáng núi Chày vẫn như cũ, nhưng đến gần mới thấy cửa hang đã bị bịt kín bằng ngôi nhà do bên Quốc phòng xây và bảo vệ.

Chương trình gói gọn trong ngày nên mọi người buộc phải lựa chọn: chỉ giới hạn đi thăm chùa Hàm Long ở lưng núi và đền Vân Mộng (nếu bạn nào còn nhớ, đền Vân Mộng là nơi trước kia trông như một ấp trại nằm chơ vơ giữa đồng nước, được lũy tre xanh vây quanh, bên trong có vài con nghê và cột đá), cuối cùng lên thuyền đã thuê sẵn, bồng bềnh trên hồ và trèo núi, chui vào thăm hai hang đá ở dãy Tuy Lai bên kia hồ nước.

Còn hai tháng nữa mới là mùa sen, nước hồ đang cạn, cuống sen khô tua tủa, tuy cảnh hồ không mấy đẹp, nhưng bù lại, thật sảng khoái giữa thiên nhiên xanh ngát, mặt nước xa tít tắp và núi non. Dù đã lâu không leo núi nhưng ai nấy đều có vẻ khoái, khi trượt, khi bò, người trước kéo người sau trèo lên hang đá, để tận hưởng cái màn đen âm u rờn rợn, ngoắt ngoéo, đa dạng nhũ đá và khí lạnh ở mỗi ngách hang.

Bữa trưa muộn vào lúc hơn 2 giờ chiều ở nhà anh anh Đức, một bạn học của Việt Khánh. Đói mềm cộng với bia Hà Nội, rượu Tuy Lai làm cho các đĩa xôi, gà luộc, lợn nướng, măng đắng muối vừng và miến gà... ngon đặc biệt.

Tầm hơn 5 giờ chiều, sau khi chụp ảnh kỷ niệm, chưa thấy ai có vẻ quá mệt, dù đã trên dưới 50 năm trần thế, đoàn ra xe về Hà Nội. Lòng thầm nghĩ, mới đi một góc Tuy Lai, hẹn dịp sau còn khám phá Quan Sơn nữa! Nhưng quan trọng hơn hết, Tình người Tuy Lai quá chân thành và sâu đậm, Lòng chúng ta đã lại tìm về được chốn xưa!

Khi mới l
ên xe về vẫn còn râm ran chuyện, một lúc sau thì hầu như tất cả mọi người đều mơ màng ngủ. Thấm mệt.

Cả chuyến đi chỉ chừng 10 giờ,
mệt nhưng mãn nguyện!
_________________
Ảnh 1: Bến đò thôn Quýt;

Ảnh 2: Kỷ niệm ở nhà anh Ánh (Lê V.Trung, Hồ Nguyên, Hiếu Dân, anh Ánh, Hiếu Nam, Việt Khánh, Tùng Sơn - bà cụ anh Ánh lấp sau Trung);

Ảnh 3: chụp kỷ niệm vị trí nhà cũ của anh Ánh (Hải Đường và con gái Thảo Hương, Việt Khánh, Hồ Nguyên, cháu Khánh con anh Dân, Thanh Tuyền, Tùng Sơn);

Ảnh 4: Anh Dem, chủ nhà mà các anh Nhi, Nhân đã ở;

Ảnh 5: Đường đầu thôn thẳng ra núi Chầy và bể Tuy Lai (mới đổ bê tông);

Ảnh 6: Núi Chầy (nhìn chếch từ phía bể Tuy Lai);

Ảnh 7: Cảnh hồ dưới chân núi chùa Hàm Long;

Ảnh cuối: Kỷ niệm với gia đình anh Đức (bạn học của anh Khánh) sau bữa liên hoan. Không hiểu Phương Liên nghịch hay ngượng nên che mặt.
Đây là bức ảnh chụp bất chợt với nhiều vẻ.
Hàng đầu, kể từ bên trái: Thanh Tuyền và cô con gái (áo vàng), Thanh Hà, Hải Đường, Hoài Nam, Phương Liên, con gái anh Dân, Tương Lai, Việt Khánh và bạn là anh Đức (2 người ôm cháu bé);
Hàng sau: Tùng Sơn, bà mẹ anh Đức, vợ Trung Thành, Hiếu Nam, Hồ Nguyên, Phan Việt Trung, cháu bé và người nhà anh Đức, Kiều Trung Thành (cạnh cột), anh Dem (con trai của chủ nhà ngày xưa anh Nhi, Nhân đã ở), Lê Việt Trung.

Mời xem rất nhiều ảnh ở 3 bài của Trang chuyên ảnh (bấm vào đây)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét