15/4/08

Mạn đàm về "họ nói"

Ngày xưa:
Đôi ta cùng ở một làng
Cùng đi một ngõ vội vàng chi anh
“Em nghe họ nói mong manh
Hình như họ biết … chúng mình với nhau”

Nhà thơ Nguyễn Bính thật tài tình, tinh tế trong việc lồng nét văn hoá truyền thống của Việt Nam vào những áng thơ tình tuyệt tác của ông. “Họ nói” ở đây là một nét văn hoá cơ bản của làng xã Việt Nam trước đây. Nhờ có “họ nói” mà con người ta giữ được nhân cách, gia đình giữ được nề nếp, xã hội giữ được tôn ti trật tự,… “Họ nói” là họ đã biết đôi ta yêu nhau đấy, chúng mình cần phải cẩn thận, giữ gìn để đừng mang điều tiếng xấu ảnh hưởng đến danh dự của gia đình, đến nhân phẩm của em và của anh.
Một nét văn hoá đáng trân trọng!

Ngày nay:
- “Họ nói” cô ta “lăn từ tay ông này, sang tay ông khác” nên mới được đề bạt lên chức trưởng phòng đấy.
Cái tin “họ nói” như có cánh thần, bay tới mọi hang cùng, ngõ hẻm. Và rồi, cái mái ấm gia đình tràn đầy hạnh phúc của họ ngày nào … giờ đây đã trở thành địa ngục cho cả hai người. Anh chồng đã trở thành kẻ mắc bệnh hoài nghi, dằn vặt, cục cằn, còn người vợ sau vô vàn lần thanh minh chẳng ăn thua cũng đã trở nên lạnh lùng, câm lặng. Chiếc búa tạ “họ nói” đã đập tan nát trái tim hạnh phúc trong suốt như pha lê của họ.

- “Người ta nói” thằng X nó tố cậu với Sếp là cậu làm việc chỉ “trung trung ương ương”, chẳng nắm chi tiết gì nên công việc chẳng chạy.
Thế là “thằng X’ với anh bạn được “người ta” mách đang từ là hai người bạn thân thiết nhanh chóng trở thành hai kẻ xa lạ. Một người thì ngỡ ngàng, băn khoăn không rõ sao bạn xa lánh mình, một người thì chồng chất nỗi hận bạn nhưng chẳng nói ra. Giữa họ là hàng rào kiên cố “người ta nói” không thể đập, không thể phá và cũng khó mà vượt qua.

- “Anh em nói” cậu ta “ngựa non háu đá” lắm, giỏi nhưng thiếu khiêm tốn. Vì vậy, trường hợp này cần để lại tiếp tục rèn luyện, phấn đấu.

Năm tháng cứ lặng lẽ cứ trôi đi. Giờ đây, “con ngựa non” gối đã mỏi, chân đã chồn, không còn nhiệt huyết để cống hiến nữa. Bóng dáng của anh ta đã dần dần hoà với nhiều cái bóng khác, chập chờn, “sáng cắp ô đi, chiều lại cắp ô về” …. thật buồn tẻ!.

- “Mọi người nói” sao em làm việc này thạo thế, giỏi thế mà chẳng được cất nhắc. Họ lại đưa anh A chẳng biết gì về chuyên môn này lên phụ trách. Thật vớ vẩn và bất công em nhỉ?
Những lời thủ thỉ cứ như mật rót vào tai, nghe chan chứa sự cảm thông. Nhưng thật lạ, sau khi ngấm, nó đã tạo nên những cơn sóng ngầm, ban đầu âm ỉ, rồi lớn dần, lớn dần và cuối cùng nội bộ của họ vỡ oà, không ai còn điều hành được ai nữa.

- “Quần chúng nói” anh ta nhiều lúc phát ngôn thiếu quan điểm, cần phải “gác” lại trường hợp này.
Cái ngôn từ “họ nói” bây giờ đã được phát triển lên bậc cao hơn, có tổ chức hơn và vì thế mà nó có sức nặng hơn, có tính thuyết phục hơn. Nhưng “Quần chúng” là Ai? Ai là “Quần chúng”? Tôi có phải ”Quần chúng”? “Quần chúng có phải Anh ”? Mọi người đều hoài nghi ngay cả với chính mình bởi vì bản thân chưa hề nói, thậm chí không hề nghĩ đến cái điều mà “quần chúng nói” kia. Thế mà khiếp thật! Ai mà đã được chụp cái mũ “quần chúng nói” thì đối tượng đó cầm chắc là sẽ “chìm xuồng”, khó mà có thể ngóc đầu dậy được.

Đỉnh cao của sự phát triển ngôn từ “họ nói” chính là “nhân dân cho rằng”. Đến ngôn ngữ bậc siêu cao này, nếu người sử dụng nó trước khi phát ngôn thiếu thông tin điều tra hay trưng cầu dân ý, mà cứ tuỳ tiện mượn ngôn từ để biểu đạt cái ý muốn duy chí của mình thì thật là tai họa. Tai họa cho “Nhân dân” thật sự chứ không phải như cái từ “nhân dân” ông ta đã mượn để ngoa dụ mà mỵ dân.

Thế mới thấy ngôn ngữ Việt Nam thật phong phú, theo thời gian nó đã được phát triển lên những đỉnh cao mới. Nhưng chưa chắc vì thế mà văn hoá phát triển theo, trong những trường hợp đặc biệt, đôi khi những nét văn hoá truyền thống đẹp lại dần mất đi, thay vào đó là sự huỷ hoại nhân cách, xói mòn đạo đức, gây hận oán thù…

Chỉ khi lòng người rộng mở, thân thiện với nhau thì ngôn ngữ mới giúp cho văn hoá thăng hoa!

Trương Hải Đường - Hà Nội, ngày 15 tháng 4 năm 2008

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét