24/4/08

Thêm chuyện về “con chữ”

Trương Hải Đường

Nhân đọc “Tuổi thơ và những con chữ” của chị Ninh Hà, tôi chợt nhớ tới những lá thư ngày ở trại trẻ tôi đã viết và vẽ gửi ba mẹ tôi. Những lá thư đã úa vàng vì thời gian, nhưng tình cảm trong từng lá thư thì vẫn nguyên vẹn như xưa. Tôi đã chụp lại những lá thư cũ để gửi cùng bài viết này.

Cũng hơi giống như chị Ninh Hà, tôi được sinh ra và lớn lên trong một gia đình mưu sinh bằng con chữ: ba Lê Dân của tôi là nhà báo - biên tập viên kỳ cựu của Báo Nhân dân, còn mẹ tôi là giáo viên dạy văn. Tuy tổ tiên tôi không có bề dày truyền thống lấy con chữ làm niềm vui sống và mưu sinh như bên gia đình chị Ninh Hà, nhưng chỉ riêng ba mẹ tôi cũng đã kịp truyền cho tôi một chút tình yêu với con chữ, cho dù con chữ của tôi còn rất nửa mùa, chẳng chút kỹ thuật, chỉ đơn giản nghĩ gì, thấy gì là nó nhảy từ trong đầu ra trang giấy.

Tôi xa ba mẹ để đi sơ tán khi còn quá bé, chưa đi học, nên chịu thiệt thòi quá lớn là không được ba mẹ rèn chữ, luyện câu, từ ngay ngày đầu cầm bút. Kết quả là con chữ của tôi những năm đầu cắp sách đến trường ở nơi sơ tán thật là khủng khiếp. Đọc những lá thư tôi viết hồi bé ở trại sơ tán gửi về cho ba mẹ có thể thấy chữ xấu như thế nào. Con chữ của tôi thật thoải mái đa dạng, lúc nhọn, lúc tròn, lúc nghiêng, lúc ngả, hứng lên thì nhảy cả ra lề đứng. Câu cú thì thật “vô tư”, cả một lá thư là một câu, không cần chấm, quên luôn phẩy, chuyển dòng là viết hoa cho oách. Ý tứ thì cũng rõ ràng, mệnh lệnh ra phết, nào là ba mẹ gửi cho con từ lọ magi, cái bánh, cái kẹo, đến cả cái kim, cuộn chỉ…, bất kỳ một thứ gì mà trong lúc viết thư có thể nhớ ra được. Ấy vậy mà, dù con chữ của tôi vô kỷ luật đến đâu thì ba m tôi vẫn hiểu đến “chân tơ kẽ tóc” và đáp ứng yêu cầu ngay. Thế mới hay lòng cha mẹ hiểu con cái đến mức nào.

Đến khi lớn khôn, nét chữ của tôi hầu như vẫn giữ được dáng vẻ xưa cũ (làm khổ người đọc), nhưng may là đã khá hơn về việc sắp xếp, điều khiển những con chữ đứng cho đúng chỗ hơn và có hồn hơn. Tôi đã sớm tìm được giải pháp hữu hiệu để khắc phục nét chữ xấu bằng cách chuyển sang nghề tin học. Và bây giờ, chẳng ai còn có thể nói chữ của tôi là xấu hay quá xấu nữa, bởi nó đã thật đều chặn chặn như các bạn đang đọc đây.

Rất tệ là con gái tôi lại thừa hưởng trọn vẹn nét chữ “tuyệt hảo” của tôi. Hai mẹ con đã từng “vật lộn” với nhau cả 5 năm tiểu học của con để luyện chữ, rèn chữ, nhưng cũng chẳng ăn thua mấy. Nay cháu lên cấp 2, tôi thở phào nhẹ nhõm là cháu không còn phải bị chấm điểm chữ viết nữa và cháu cũng thoải mái hơn trong việc phóng tác nét chữ của mình. Như chị Ninh Hà, tôi cũng cố gắng truyền lòng yêu con chữ từ ông bà cho cháu, nhưng thực hiện thì quả thật là quá gian nan. Con tôi lại rất sợ các môn xã hội, đặc biệt là môn văn. Vì vậy, đã không hiếm lần về nhà, cháu hớn hở khoe bài văn của mẹ hôm nay cô cho 8 điểm, 7 điểm, nhưng cũng có hôm thật tệ, cháu ỉu xìu chìa bài văn của mẹ chỉ được có 4 điểm, 5 điểm!

Đã gần 1 giờ đêm, quá khuya rồi nên tôi tạm dừng để khi có dịp sẽ lại viết tiếp. Chúc thế hệ con cháu của các bậc phụ huynh báo Nhân Dân trước đây có nhiều người nối nghiệp viết, để “con chữ” đem niềm vui, hạnh phúc tới mọi con tim!

Hà Nội, ngày 23 tháng 4 năm 2008


TTST BND: Mời xem thêm thư (rt thú vị) tại Album Picasa

22/4/08

Tuổi thơ và những con chữ

Từ: Ninh Hà
Ngày: 22 tháng 4 năm 2008, 10:07 SA
Tiêu đề: Tuổi thơ và những con chữ

Ban Biên tập blog ơi,

Cho Ninh Hà đóng góp thêm một bài viết nhé.
Thật cám ơn các anh chị em đã làm việc hết mình để tất cả chúng ta có được trang blog rất chất lượng!

Chào thân ái,
Ninh Hà

------------------------------------------------
Từ: vn.hanoi
Ngày: 22 tháng tư 2008, 2:53 CH
Tiêu đề: RE: Tuổi thơ và những con chữ

Cám ơn Ninh Hà vì lời động viên chân thành "blog rất chất lượng" và tâm tình của Hà gửi đến nhân ngày 30/4 năm nay!

Chúng tôi cùng các bạn luôn cố gắng làm cho blog này ngày càng thật sự là chung của chúng ta!

TTST BND
_________________________________

Sau đây chúng tôi xin giới thiệu toàn bộ bài viết kèm theo lá thư nói trên của chị Ninh Hà:

Tháng Tư đối với Ninh Hà là một tháng đặc biệt.

Tháng Tư có ngày 30-4, kỷ niệm cuộc kháng chiến vĩ đại của dân tộc kết thúc thắng lợi.

Cũng vào một ngày cuối tháng Tư, ba của Ninh Hà lần nữa bỏ lại Ninh Hà để đi xa, lần này là mãi mãi.

So với các bạn cùng TTST, Ninh Hà có hoàn cảnh hơi khác. Ba Ninh Hà có lẽ là một trong những cán bộ của Báo Nhân Dân đi B sớm nhất và lâu nhất. Những ngày chủ nhật, khi các bạn vui vẻ cùng cha mẹ ở Hà Nội vào thăm thì Ninh Hà thường ở… đâu đấy (mẹ lúc ấy cũng đang là phóng viên thường trú). Phải chăng, Ninh Hà may mắn được sống trong sự bao bọc của các cô bác, các bạn và được cha mẹ truyền cho tình yêu với các con chữ mà nhờ thế những ngày ấy có bớt dài?...

Với bài viết này – đã được Báo Tuổi Trẻ (biên tập, xén gọn) đăng – Ninh Hà muốn tâm sự cùng các em học sinh nhỏ ngày nay, nghe nói ít “mặn mà” với các môn văn, sử…


Mỗi lần Tháng Tư về, trên đất Việt Nam có bao nhiêu gia đình, bao nhiêu người lại thắp lên những nén hương lòng.

Bài viết mang “chất Trại trẻ sơ tán báo Nhân Dân”, Ninh Hà muốn chia sẻ cùng các bạn những kỷ niệm một thời và gửi tặng hương hồn các chú, các anh, những người đã ngã xuống để có một ngày 30 tháng Tư…

Chúc tất cả các bạn những ngày này có một kỳ nghỉ tốt lành và hạnh phúc cùng với gia đình!

Con chữ

Tôi sinh ra trong một gia đình có truyền thống lấy con chữ làm niềm vui sống và kế mưu sinh. Ông tổ và ông cố tôi vốn là những ông đồ nho - thầy giáo làng có học trò rải quanh một vùng rộng ở quê nhà. Cũng nhờ những nho sinh này tậu đất cất đền báo ơn thầy mà dòng họ tôi có được một ngôi điện thờ tổ tiên còn lại tới bây giờ. Các cô chú và anh em họ tôi sau này hầu hết cũng theo nghề sư phạm hoặc văn chương, tiếp tục lấy con chữ làm niềm vui sống và kế sinh nhai...

Tôi cũng không ngoại lệ, khi tôi chào đời thì cha mẹ đã bắt đầu theo đuổi nghiệp viết lách. Là học trò, cha bắt tôi tập viết như ngày xưa ông bị ông nội tôi bắt tập viết chữ nho. Rèn chữ cũng là rèn người. Còn nhớ, thuở tôi còn nhỏ, một trong những thời khắc hạnh phúc nhất của gia đình có lẽ là lúc cha đã hoàn tất bản maquette của số báo sớm mai. Những khi ấy ông thường đưa cả gia đình nhỏ ghé một quán phở hay một tiệm mì hoành thánh nào đó lúc trời đã khuya. Tôi tưởng như vẫn còn trông thấy làn khói bốc lên từ tô phở nóng ấm trong không khí trời đêm dịu ngọt. Sáng ra, cả nhà ăn sáng, uống cà phê hoặc dùng trà cùng tờ nhật báo, cha chỉ cho tôi cách “đọc” báo, thưởng thức vẻ đẹp của các con chữ...

Sau đó nhiều năm, tôi không còn được đọc báo cùng cha nữa. Ông đã là phóng viên chiến trường. Nhờ những con chữ, tôi viết cho cha những bức thư con trẻ. Có lần tôi nhận được thư cha cùng với bức thư tôi đã gửi cho ông. Trong thư, cha lấy bút gạch dưới một ít chữ, chỗ thì mực xanh chỗ thì mực đỏ. Ông nói: những chữ ba gạch dưới màu xanh là những chữ con viết rất đẹp, còn những chữ ba gạch màu đỏ là những chữ con viết chưa đẹp, con nên sửa... Dường như cha đang viết cho con giữa một bầu trời thanh bình, chiến tranh ở đâu đó rất xa chỗ người ngồi.

Về sau này, khi đủ lớn, tôi biết cha đã phải hi sinh như thế nào khi gửi ngược ra bức thư chứa những dòng chữ mộc mạc của đứa con nhỏ vốn đã đi mất sáu tháng trời để đến được tay người. Với những ai ở chiến trường, thư gia đình là kho báu tinh thần vô giá, không chỉ đối với người nhận mà còn đối với cả đồng đội của họ. Đồng đội của cha tôi “làm quen” với con bạn mình qua những hàng chữ. Khi những dòng chữ viết của tôi trở nên bay bướm hơn, các chú nói với cha: nó đã lớn rồi! Còn mẹ thì cũng trở thành phóng viên thường trú ở địa phương. Cũng như với cha, đôi khi con nhận được “thư” mẹ trên mặt báo, đó chính là những bài viết của mẹ mà con đọc chung cùng bạn đọc gần xa...

Tôi lớn lên cùng đất nước. Tốt nghiệp kỹ sư, thành giảng viên đại học. Chẳng bao lâu tôi lên đường ra nước ngoài du học. Những năm sau chiến tranh, một lá thư từ quê nhà gửi sang hay từ Paris gửi về cũng mất cả tháng trời. Nhưng là phương tiện gần như duy nhất lúc ấy để tôi kể lại những khám phá nơi chân trời mới hay trút bầu tâm sự cho nguôi ngoai nỗi nhớ xa quê...

Ngẫm lại, chữ đã gắn bó với cuộc đời tôi biết chừng nào, khi buồn có chữ để tâm sự giãi bày, khi vui có chữ để sẻ chia, ở xa có chữ để về gần, lúc cao hứng có chữ để cất lên những lời cảm khái...

Trong thế giới của các con chữ, tôi có thể thả dòng suy nghĩ đến bất cứ bến bờ nào, những con chữ có thể giúp tôi bắc cầu tới bất kỳ bờ bến nào. Lúc nào chữ cũng luôn đồng hành cùng tôi.
Tôi thầm mong con trai, con gái tôi nối nghiệp nhà, trở thành người làm báo. Nhưng dẫu không thế thì tôi cũng muốn các con hiểu vai trò và ý nghĩa của chữ viết và viết chữ đối với cuộc sống của tôi, truyền cho các con tình yêu tôi có với chữ.

Và lại một lần nữa, tôi nhờ những dòng chữ gửi nỗi nhớ thương tới cha giờ này đã khuất...

NGUYỄN QUỐC VŨ NINH HÀ (Canada)
______________________________
Ảnh trong bài
:
1. Thày đồ và học trò xưa (từ website của Nguyen Tan Loc);
2 và 3. do tác giả cung cấp.

20/4/08

Về với kỷ niệm

Trương Hải Đường

Tiết thanh minh ấm áp, nắng vàng nhẹ, vài cơn gió thoảng qua thật dễ chịu. Khung cảnh dễ làm lòng người man mác, xao xuyến hồi tưởng những kỷ niệm. Xe ô tô đều đều lăn bánh đưa nhóm trẻ cách đây hơn 40 năm của Báo Nhân Dân, rong ruổi trở về với chốn xưa, nơi chan chứa những kỷ niệm thủa ấu thơ đầy gian khó nhưng cũng rất ngọt ngào, thấm đậm tình người.

Cứ qua mỗi một địa danh: Ba La - Bông Đỏ, làng Chuông, ngã tư Vác… chuyện trò trên xe lại râm ran, mọi người cố hình dung lại bóng dáng những người cha, người mẹ của mình, đã từng gò lưng đạp xe qua đây lên thăm con trên trại sơ tán. Dưới lớp mặt đường nhựa kia liệu còn lưu lại những vết xe thương nhớ? Càng đi, lòng càng thấy thương các cụ da diết... Nay, con cháu các cụ ngồi trên xe ô-tô êm ái, mát rượi điều hoà mà còn thấy mệt lử đử. Vậy mà, cũng trên con đường này, ngày xưa gồ ghề ổ trâu, ổ gà, cứ mỗi tháng đôi lần, sáng ra các cụ hối hả đạp xe lên thăm con, chiều tà lại mải miết đạp xe về, để ngày hôm sau tiếp tục công tác, chiến đấu - đáng kính phục thay! Từ tận đáy lòng, những vòng xe kỷ niệm ấy cứ dâng lên, dâng lên, rồi trào khỏi bờ mi, lăn dài trên má.

Đến rồi! Chiếc xe đã dừng hẳn, mọi người lần lượt xuống xe, háo hức đi tìm lại khung cảnh xưa. Nhưng rồi, tuy không nói thành lời, trong ánh mắt mọi người đều thoáng vẻ ngỡ ngàng, ngơ ngác khi nghe anh bạn cũ người địa phương thời sơ tán, hua hua tay chỉ: “Đây là đình làng cũ, xế đó là lán trại của trại trẻ mà các anh chị đã ở…”. Không còn một chút dấu vết xưa cũ như trong tưởng tượng theo ký ức của mọi người. Nhìn ngôi nhà mới khang trang với cái sân khá rộng trên nền đất xưa, nơi đã giữ biết bao kỷ niệm ấu thơ, ai cũng cảm thấy chống chếnh, pha chút thất vọng. Đâu rồi cái lán trại với những chiếc giường phên tre nứa lá, đâu rồi cái giao thông hào chạy ngoằn ngoèo quanh nhà, đâu rồi mái đình làng cong cong xưa cũ in hình trên nền trời xanh, đâu rồi những lối mòn đất đỏ để những bàn chân nhỏ phải tõe ngón ghìm bám xuống mỗi khi trời mưa khi đi học, đâu rồi những hàng rào duối xanh, dâm bụt, xương rồng đầy gai hay những thân sắn mục mà lũ trẻ chúng tôi thường sục sạo hái mộc nhĩ phơi khô gửi về cho mẹ… Kỷ niệm xưa đang dạt dào trong ký ức bỗng trở nên nhạt nhòa trước khung cảnh mới.

Nhưng rồi, sự chống chếnh cũng dần tan khi chúng tôi gặp bà Khánh, bà chủ nhà mà cô Hồ Vân cùng ba con là anh em nhà anh Hồ Nguyên đã từng ở nhờ. Thời gian đã làm thay đổi dáng vẻ bề ngoài của bà, nhưng ánh mắt và nụ cười thì vẫn thế, vẫn tỏa rạng, ấm áp tình người. Anh Nguyên là người xúc động hơn cả, anh nói, anh cười, anh trò chuyện liên tục, lúc ngồi ghế với anh Ánh con bà Khánh - bạn đồng niên khi xưa, lúc lại chạy ra gường ngồi sát bà Khánh muốn mong bà nhận ra mình - cái cậu bé con ngày xưa, chắc đã gây không ít phiền toái cho bà bởi những trò nghịch ngợm của mình. Bà Khánh xúc động chỉ ra ngôi nhà cũ trước mặt: “Kia, kia mới là ngôi nhà mà các anh ở hồi trước, giờ đã bỏ không”. Theo hướng tay bà chỉ, chúng tôi lần lượt theo nhau, nhót chân qua lối mòn nhỏ lô xô cỏ dại để đến với ngôi nhà cũ. Ngôi nhà ba gian nhỏ bỏ hoang, mái ngói vẩy cá thấp tè với 3 hàng cột tròn ẩm mốc, những cánh cửa bạc phếch mầu thời gian và cái sân mọc đầy cỏ dại, vương vãi những khúc gỗ mục. Đứng trước ngôi nhà xưa, lòng người nao nao khôn tả, ký ức dào dạt tràn về. Nơi đây mình đã chơi, đã ngủ, đã leo trèo, đã vật nhau… Mọi người đua nhau chụp ảnh kỷ niệm, mong giữ lại được một chút hình ảnh cuối cùng còn sót lại của một thời xưa cũ, mà không chắc lần sau quay lại có còn.

- Á… á…. Tiếng hét chói tai làm mọi người giật thót. Nhìn ra, cô bé con anh Dân đang nhảy tưng tưng, hai tay quảy quảy rối rít, vẻ mặt khiếp sợ, miệng vẫn la hét inh ỏi. Hoá ra cô nàng sợ con bọ xít đang quẩn quanh chân mình. Những ông bố, bà mẹ cười phá lên, bởi trong khung cảnh nay và kỷ niệm xưa, hiển hiện sự tương phản quá lớn giữa lũ trẻ thành phố bây giờ với lũ trẻ thành phố của gần nửa thế kỷ trước. Ngày xưa, lũ trẻ thành phố chân đất, đầu trần, vật nhau trên đất, túm ống quần làm phao, trốn ngủ trưa đi bắt chuồn chuồn ớt, chuồn chuồn kim, bắt cả cánh cam, bọ xít để chơi, đỉa vắt cắn cũng không sợ, trêu chó là trò thú vị, bị cắn cũng chẳng tiêm, nhặt phân trâu bò làm “kế hoạch nhỏ”… Còn lũ trẻ thành phố ngày nay, chúng gọi lúa là hành, gọi ngan là vịt, gọi dê là bò, chúng sợ từ còn kiến trở đi, thấy bướm là hãi, nhìn dán bay là hét, thấy bãi phân trâu là bịt mũi, ghê tởm, ngồi xuống đất lại sợ bẩn quần… Cuộc sống thành phố quá đầy đủ tiện nghi làm con người trở nên yếu ớt hơn, xa lánh thiên nhiên hơn, không cảm nhận được cái thi vị của trời đất bao la, của cây hoa, muông thú… thật là một thiệt thòi lớn cho lũ trẻ thành phố thời nay.

Có lẽ cảnh vật còn giữ nguyên vẹn nhất dáng vẻ xưa qua bao năm tháng là núi Chày, nơi mà lũ trẻ chúng tôi ngày xưa hàng ngày được các cô trại trẻ dắt tới để trú ẩn, tránh bom đạn. Dáng núi xưa vẫn in đậm trong trí nhớ mọi người, nhưng cửa hang thì không còn, do đã được xây lấp lại vì một lý do nào đó. Núi Chày nhỏ, nằm tách biệt khỏi dãy núi trùng điệp phía sau bởi cái hồ rộng trong xanh - hồ Tuy Lai. Giữa trưa, trời nắng gắt, chúng tôi tránh nắng dưới bụi tre già ven mương, chờ đò để đi vào núi tham quan. Gió trưa nhè nhẹ, lá tre xào xạc, lại làm nhớ đến kỷ niệm xưa, những cậu bé thành phố tóc cháy nắng, chui rúc trong các bụi tre kiếm cành tre nhỏ để sáng chế ra chiếc súng phốc - một thứ đồ chơi thật hấp dẫn với bọn con trai, nhưng thật phiền toái với bọn con gái, bởi thỉnh thoảng lại bị một hạt cơm nguội bắn phụt vào người, đau rát. Tre xanh Tuy Lai bây giờ cũng trở nên hiếm hoi. Trước đây, nhìn từ xa, làng mạc ẩn hiện sau màu xanh tươi mát, những khóm tre cong cong như bàn tay mềm mại ôm lấy xóm làng yên ắng, thơ mộng. Giờ đây, màu xanh làng quê không còn nhiều nữa, đường làng bê tông hoá, nhà nhà san sát, không còn khoảng vườn rộng, hàng rào bằng cây đã được thay thế bằng những bức tường tổ ong dày, chắc chắn, nhà mái bằng đã lác đác thay thế mái cho ngói đỏ… Mọi thứ đều trở nên khô cứng hơn. Xã hội càng phát triển, đời sống càng khá giả, nhưng nếu không đồng bộ với giáo dục nhận thức về giá trị văn hoá, nhân văn, thì chính với cái tính “trưởng giả học làm sang” cố hữu, người nông dân sẽ tự mình huỷ hoại dần dáng vẻ quyến rũ, thiên nhiên hài hoà của làng quê Việt Nam truyền thống.

Con đường vào hang ngày xưa, tôi nhớ phải lội qua một số đoạn mương nhỏ và kỷ niệm để đời với tôi là đỉa. Mỗi lần nhìn thấy phải lội là bọn trẻ lại chần chừ, còn tôi thì dẫm chân bành bạch, nhất quyết không chịu lội qua. Sợ lắm! Tôi đã thấy đỉa bám vào chân một số anh chị đi trước, nó hút máu căng tròn, cạy mãi chẳng rơi. Còn bọn trẻ chăn trâu, mỗi lần cho trâu lội nước lên, chúng lại khoái chí bắt từng con đỉa trâu to mọng máu để dọa lũ trẻ thành phố chạy tán loạn. Nhớ lại mà vẫn thấy khiếp.

Ba con đò nhỏ bồng bềnh đưa chúng tôi vào tận chân núi. Núi ở đây, cây không nhiều, chủ yếu là cây cỏ lúp xúp mọc trên đá. Cả đoàn hào hứng leo trèo, bám, trượt, lôi, kéo nhau để lên tới những cái hang nhỏ sâu và mát như chui vào tủ lạnh. Người thành phố mang giầy tây, vác bụng phệ leo núi thật vất vả, mồ hôi túa ướt như tắm, hơi thở nặng nhọc, nói không ra hơi. Ấy vậy, nhưng mà thấy thật vui, thật sướng!

Leo trèo núi tới gần 2 giờ chiều, chúng tôi mới quay về nhà bác chủ nhà, nơi tôi và anh Khánh đã từng ở trong lần sơ tán năm 1970. Lần sơ tán ấy, chúng tôi đã lớn nên mọi kỷ niệm còn in đậm trong trí nhớ và cảnh vật vẫn còn lưu giữ nhiều nét của ngày xưa. Ngôi nhà 3 gian chúng tôi ở vẫn đó, chỉ được cơi nới cao hơn, sạch sẽ hơn. Khoảng vườn với giàn mướp trước kia được thay bằng một ngôi nhà ngang để làm khu phụ, bếp núc làm cho không gian trở nên chật hẹp hơn ngày xưa. Tôi xúc động ôm chầm lấy bác chủ nhà và các anh chị em con của bác. Bác chủ nhà đã già đi nhiều so với hơn chục năm trước tôi vào thăm, nhưng sức bác vẫn khoẻ, nụ cười vẫn ánh hàng răng đen tuy có mất đi vài chiếc. Những kỷ niệm với từng người được tôi kể lại làm mọi người thật vui, thật xúc động. Bữa cơm trưa đạm bạc so với bàn nhậu thành phố, nhưng thật là thịnh soạn đối với dân quê. Đói mềm nên món nào cũng ngon, cũng thật hấp dẫn. Chuyện trò lại râm ran, tiếng nói, tiếng cười xen nhau thân thiết, những câu chuyện ngày xưa lại giòn như ngô rang.

Cuộc vui nào rồi cũng đến hồi kết, cuộc gặp nào rồi cũng đến lúc chia tay, bịn rịn tạm biệt những người dân đã từng cưu mang, che chở mình trong những năm tháng chiến tranh ác liệt, chúng tôi lên đường về thành phố.

Giữa muôn vàn bận rộn, tất bật trong cuộc sống hôm nay, có một chuyến đi trở về kỷ niệm của một thời gian khó nhưng rất đỗi hào hùng xưa thật sự quý giá, giúp cho ta hiểu rõ hơn ý nghĩa cuộc đời và càng thấy đáng yêu thêm cuộc sống./.

Hà Nội, ngày 20/4/2008

Sau chuyến du lịch

Mời các bạn xem một vài tâm sự sau chuyến đi thú vị về Tuy Lai vừa qua, đồng thời cảm thông với hoàn cảnh chuẩn bị xào xáo bài và ảnh để trình làng của mọi người:


----------------------------------------------
Từ: Thanh Ha
Ngày: 07 tháng tư 2008 4:32 CH
Tiêu đề: Ha gui bai

Em gửi mãi không được. Ỏ nhà thì mất điện, ở cơ quan không vào blog được.

Hình như có nhiều ảnh lắm rồi phải không ạ?
Em có chụp mấy ảnh xấu gửi kèm.
Anh xem có cái ngố nào dùng được không nhé.

----------------------------------------------
Từ: hieu_dan
Ngày: 07 tháng tư 2008 6:49 CH
Tiêu đề: Re: Ha gui bai

Tối hôm qua về mình mới đăng ngay được 2 ảnh lên blog.
Chưa kịp sửa thêm ảnh và viết bài hoàn chỉnh để đăng.

Ảnh mọi người gửi về sẽ sử dụng cho bài viết hoặc đưa lên mạng cho bà con xem, không sợ "nhiều" đâu.
Sẽ lọc lại và sửa cho đẹp hơn.

Tối nay sẽ đăng bài của Hà ngay.
Bài tốt lắm.

----------------------------------------------
Từ: Phuong Lien
Ngày: 08 tháng tư 2008 2:09 CH
Tiêu đề: Thôn Giáp Bốn, núi Chầy, bể Tuy Lai: Mua mệt m...

Cám ơn Ban liên lạc, thật tuyệt được trở lại thăm Tuy Lai sau ngần ấy năm ... không hiểu trong lúc ngượng ngùng tôi đã che mặt bằng cái gì vậy, nhìn kỹ hình như là áng tóc của con gái anh Dân thì phải.

Phan Phương Liên

----------------------------------------------
Từ: hieu_dan
Ngày: 08 tháng tư 2008 2:36 CH
Tiêu đề: Re: Thôn Giáp Bốn, núi Chầy, bể Tuy Lai: Mua mệt m...

Mình cũng nghĩ là tóc của cháu Khánh.
Mà anh Nguyên còn cười nữa chứ!.

Còn rất nhiều ảnh sau khi sửa xong sẽ đăng lên (bận việc quá!)

Dân

----------------------------------------------
Từ: Phuong Lien
Ngày: 08 tháng tư 2008 4:58 CH
Tiêu đề: chuyen di

Chào các anh,
Chuyến đi thật thú vị, bọn em sẽ chờ các anh post thêm ảnh lên, ảnh chụp ở máy của chị Hoài Nam nhiều cái bị rung mờ mờ ảo nên bọn em không gửi nữa.

Phan Phương Liên

----------------------------------------------
Từ: hieu_dan
Ngày: 08 tháng tư 2008 7:00 CH
Tiêu đề: Bai va anh

Ảnh của Hoài Nam bị hỏng à. Tiếc thế!
Nhưng có nhiều ảnh ở đây, chờ mình post lên rồi xem, cái nào thích thì tải về vậy.

Bài đã sửa xong và ảnh thì tối nay sẽ đưa lên thêm.
Hoài Nam lần trước viết rất hay sao lâu nay chưa thấy lộ thêm bài nào thế? và Liên nữa?

Thân mến, Dân

----------------------------------------------
Từ: Luu Phuong Binh
Ngày: 8 tháng tư 2008 9:05 CH
Tiêu đề: Về bài Tuy Lai, người thành phố lại về

Sâu sắc, lắng đọng. Với những người từng sống ở Tuy Lai thì như sự nuối tiếc, như thể cho quê mình.

----------------------------------------------
Từ: Nguyen Ho Nguyen
Ngày: 08 tháng tư 2008 10:51 CH
Tiêu đề: Ve tham lai Tuy Lai - Ha Tay

Thân gửi Ban Liên lạc TTST Báo Nhân Dân và các bạn,

Tôi là Nguyên, con bà Hồ Vân. Tôi rất vui được về lại chốn Tuy Lai xưa.
Ngày xưa ta bé, sống hồn nhiên với thiên nhiên. Nay, tuổi đã lớn, về lại nơi đó lại có cảm nhận về cảnh đẹp và tình người ở đó thật khó tả.

Tôi có chụp khá nhiều ảnh, song bận với công việc, nay mới có thể gửi lại cho Ban Liên lạc cùng các bạn những khoảnh khắc đẹp trong chuyến đi này. (Ảnh nhiều , sẽ gửi trong vài emails)

Thân ái, Nguyễn Hồ Nguyên

----------------------------------------------
Từ: hieu_dan
Ngày: 09 tháng tư 2008 5:22 CH
Tiêu đề: Re: Ve tham lai Tuy Lai - Ha Tay

Đã nhận đủ 6 mails của Nguyên.
Sẽ post lên dần (bận quá).

Nguyên cố gắng viết bài nhé!

Rất cảm ơn!
Dân

----------------------------------------------
Từ: Nguyen Ho Nguyen
Ngày: 09 tháng tư 2008 8:04 CH
Tiêu đề: RE: Ve tham lai Tuy Lai - Ha Tay

Tôi rất tiếc là có rất ít thời gian nên chưa viết được bài nào, mặc dù cảm xúc có nhiều.
Sẽ cố gắng viết lấy một bài vào lúc rỗi rãi sau vậy.

Thân, Nguyên

----------------------------------------------
Từ: hieu_dan
Ngày: 09 tháng tư 2008 9:32 AM
Gửi: Luu Phuong Binh
Tiêu đề: Suc khoe the nao

Đi Tuy Lai vui lắm, tiếc Bình bị ốm.
Mình bận quá thành ra đã sửa xong hết ảnh mà chưa đăng đủ lên được.

----------------------------------------------
Từ: Luu Phuong Binh
Ngày: 10 tháng tư 2008 3:58 CH
Tiêu đề: RE: Suc khoe the nao

Không, em khỏe, không đi TL được chỉ vì vợ em sáng hôm đó (6/4) phải đi bệnh viện.
Mấy hôm nay em cũng bận quá không thu xếp để đăng lên cho Tùng Sơn cái videoclip được.

Tiếc quá em chuẩn bị “súng ống” hoành tráng lắm, hôm ấy thời tiết lại đẹp thế mà trượt mất.

----------------------------------------------
Từ: vn.hanoi
Ngày: 09 tháng tư 2008 9:46 CH
Tiêu đề: luu y khi gui email

Các anh chị thân mến,
Sau một thời gian sinh hoạt TTST BND đem lại nhiều bổ ích, qua phản ánh của một số bạn, để đem lại sự thoải mái và hợp lý chung, chúng tôi xin lưu ý các anh chị về liên lạc thông qua e-mail như sau:

1. Khi gửi cần ghi "chủ đề" (subject) của email để mọi người biết trước khi mở thư (chủ đề thư nên viết không dấu). Nhiều trường hợp thư không có chủ đề đã bị bỏ vào thùng rác.

2. Nếu không quá bận, nên nhấn vào thông báo đã nhận hoặc trả lời (reply) vài chữ, để người gửi mail đến biết.

3. Tránh gửi e-mail kèm theo file lớn đến nhiều người, bởi vì làm người nhận buộc phải chờ đợi lâu khi nhận thư. Tốt nhất là chỉ gửi đến địa chỉ vn.hanoi@gmail.com để đăng lên blog TTST BND, ai cần sẽ tự lên mạng để xem.

4. Với nội dung (thăm hỏi, tán chuyện, bài viết...) muốn gửi đến nhiều người, chỉ cần gửi thẳng đến hòm thư của TTST BND, chúng tôi sẽ chuyển lên blog (không kể thư các bạn muốn gửi trao đổi riêng với nhau).

5. Trường hợp không đọc được chữ Việt có dấu viết trên e-mail xin báo lại ngay.

Cảm ơn ác anh chị!
TTST BND

----------------------------------------------
Từ: kieuthanh
Ngày: 11 tháng tư 2008 11:49 CH
Tiêu đề: Tuy Lai, người thành phố lại về

Bức ảnh Ngõ bình yên của Thanh Hà thật ấn tượng

----------------------------------------------
Từ: hieu_dan
Ngày: 12 tháng tư 2008 10:21 SA
Tiêu đề: Re: Tuy Lai, người thành phố lại về

Bức này đúng là của Thanh Hà chụp đấy.

Thành có thể vào mục "nhận xét" ở bên cạnh cái phong bì thư (ở cuối bài đăng trên blog) để viết nhận xét của mình vào. Cách viết cũng đơn giản, cứ thử đi. Muốn viết gì cũng được.

Thân mến, Dân

----------------------------------------------
Từ: Hai Duong
Ngày: 15 tháng tư 2008 6:39 CH
Tiêu đề: Hai Duong gui bai

Chuyến đi Tuy lai đem lại nhiều cảm xúc, nhưng chưa có thời gian để sắp xếp lại thành bài. Đến khi đọc bài của Thanh Hà trên Blog hay quá, sợ viết thêm nó nhạt nên băn khoăn chưa muốn viết.
Tạm thay thế bằng một mẩu văn khác vậy. Nó chẳng dính gì đến kỷ niệm sơ tán, các anh chị đọc giải trí vậy nhé.

Cám ơn các anh nhiều!

----------------------------------------------
Từ: Hai Duong
Ngày: 20 tháng tư 2008 3:03 CH
Tiêu đề: gui bai Tham lai Tuy Lai

Xin gửi Blog lời kể về chuyến thăm lại Tuy Lai để các anh chị không đi có thể hình dung được chuyến đi của đoàn. Do không có thời gian chỉnh sửa nên nhờ Ban BT sửa giúp để đưa lên Blog.

Máy ảnh của Hải Đường còn nhiều ảnh lắm. Khi nào có thời gian sẽ gửi lên Blog.

Xin cám ơn

15/4/08

Mạn đàm về "họ nói"

Ngày xưa:
Đôi ta cùng ở một làng
Cùng đi một ngõ vội vàng chi anh
“Em nghe họ nói mong manh
Hình như họ biết … chúng mình với nhau”

Nhà thơ Nguyễn Bính thật tài tình, tinh tế trong việc lồng nét văn hoá truyền thống của Việt Nam vào những áng thơ tình tuyệt tác của ông. “Họ nói” ở đây là một nét văn hoá cơ bản của làng xã Việt Nam trước đây. Nhờ có “họ nói” mà con người ta giữ được nhân cách, gia đình giữ được nề nếp, xã hội giữ được tôn ti trật tự,… “Họ nói” là họ đã biết đôi ta yêu nhau đấy, chúng mình cần phải cẩn thận, giữ gìn để đừng mang điều tiếng xấu ảnh hưởng đến danh dự của gia đình, đến nhân phẩm của em và của anh.
Một nét văn hoá đáng trân trọng!

Ngày nay:
- “Họ nói” cô ta “lăn từ tay ông này, sang tay ông khác” nên mới được đề bạt lên chức trưởng phòng đấy.
Cái tin “họ nói” như có cánh thần, bay tới mọi hang cùng, ngõ hẻm. Và rồi, cái mái ấm gia đình tràn đầy hạnh phúc của họ ngày nào … giờ đây đã trở thành địa ngục cho cả hai người. Anh chồng đã trở thành kẻ mắc bệnh hoài nghi, dằn vặt, cục cằn, còn người vợ sau vô vàn lần thanh minh chẳng ăn thua cũng đã trở nên lạnh lùng, câm lặng. Chiếc búa tạ “họ nói” đã đập tan nát trái tim hạnh phúc trong suốt như pha lê của họ.

- “Người ta nói” thằng X nó tố cậu với Sếp là cậu làm việc chỉ “trung trung ương ương”, chẳng nắm chi tiết gì nên công việc chẳng chạy.
Thế là “thằng X’ với anh bạn được “người ta” mách đang từ là hai người bạn thân thiết nhanh chóng trở thành hai kẻ xa lạ. Một người thì ngỡ ngàng, băn khoăn không rõ sao bạn xa lánh mình, một người thì chồng chất nỗi hận bạn nhưng chẳng nói ra. Giữa họ là hàng rào kiên cố “người ta nói” không thể đập, không thể phá và cũng khó mà vượt qua.

- “Anh em nói” cậu ta “ngựa non háu đá” lắm, giỏi nhưng thiếu khiêm tốn. Vì vậy, trường hợp này cần để lại tiếp tục rèn luyện, phấn đấu.

Năm tháng cứ lặng lẽ cứ trôi đi. Giờ đây, “con ngựa non” gối đã mỏi, chân đã chồn, không còn nhiệt huyết để cống hiến nữa. Bóng dáng của anh ta đã dần dần hoà với nhiều cái bóng khác, chập chờn, “sáng cắp ô đi, chiều lại cắp ô về” …. thật buồn tẻ!.

- “Mọi người nói” sao em làm việc này thạo thế, giỏi thế mà chẳng được cất nhắc. Họ lại đưa anh A chẳng biết gì về chuyên môn này lên phụ trách. Thật vớ vẩn và bất công em nhỉ?
Những lời thủ thỉ cứ như mật rót vào tai, nghe chan chứa sự cảm thông. Nhưng thật lạ, sau khi ngấm, nó đã tạo nên những cơn sóng ngầm, ban đầu âm ỉ, rồi lớn dần, lớn dần và cuối cùng nội bộ của họ vỡ oà, không ai còn điều hành được ai nữa.

- “Quần chúng nói” anh ta nhiều lúc phát ngôn thiếu quan điểm, cần phải “gác” lại trường hợp này.
Cái ngôn từ “họ nói” bây giờ đã được phát triển lên bậc cao hơn, có tổ chức hơn và vì thế mà nó có sức nặng hơn, có tính thuyết phục hơn. Nhưng “Quần chúng” là Ai? Ai là “Quần chúng”? Tôi có phải ”Quần chúng”? “Quần chúng có phải Anh ”? Mọi người đều hoài nghi ngay cả với chính mình bởi vì bản thân chưa hề nói, thậm chí không hề nghĩ đến cái điều mà “quần chúng nói” kia. Thế mà khiếp thật! Ai mà đã được chụp cái mũ “quần chúng nói” thì đối tượng đó cầm chắc là sẽ “chìm xuồng”, khó mà có thể ngóc đầu dậy được.

Đỉnh cao của sự phát triển ngôn từ “họ nói” chính là “nhân dân cho rằng”. Đến ngôn ngữ bậc siêu cao này, nếu người sử dụng nó trước khi phát ngôn thiếu thông tin điều tra hay trưng cầu dân ý, mà cứ tuỳ tiện mượn ngôn từ để biểu đạt cái ý muốn duy chí của mình thì thật là tai họa. Tai họa cho “Nhân dân” thật sự chứ không phải như cái từ “nhân dân” ông ta đã mượn để ngoa dụ mà mỵ dân.

Thế mới thấy ngôn ngữ Việt Nam thật phong phú, theo thời gian nó đã được phát triển lên những đỉnh cao mới. Nhưng chưa chắc vì thế mà văn hoá phát triển theo, trong những trường hợp đặc biệt, đôi khi những nét văn hoá truyền thống đẹp lại dần mất đi, thay vào đó là sự huỷ hoại nhân cách, xói mòn đạo đức, gây hận oán thù…

Chỉ khi lòng người rộng mở, thân thiện với nhau thì ngôn ngữ mới giúp cho văn hoá thăng hoa!

Trương Hải Đường - Hà Nội, ngày 15 tháng 4 năm 2008

7/4/08

Tuy Lai, người thành phố lại về

Bài của Thanh Hà

Người thành phố về, thỉnh thoảng về, như tình cũ giăng mắc, như ơn nghĩa nặng dày từ những lúc bần hàn, gian khó... thì vẫn có, tuy hiếm. Nhà anh Đức chẳng hạn, anh Trương Việt Khánh và chị Hải Đường vẫn là người nhà từ dạo sơ tán mấy mươi năm trước.

Không tính những trường hợp nhỏ lẻ ấy, ở đất Tuy Lai này, có một đợt người thành phố về, đúng nghĩa là tràn về, đã từ rất lâu, tính ra là 43 năm, nghĩa là chẳng mấy chốc nữa sẽ nửa thế kỷ. Sau sự kiện Vịnh bắc Bộ, Mỹ ném bom miền Bắc, một đàn trẻ con mấy chục đứa của báo Nhân Dân từ Hà Nội về đây sơ tán. Trại trẻ báo Nhân Dân, tên ngày xưa thế, với người lớn đi cùng để chăm sóc, đủ làm thành một làn sóng khuấy động cuộc sống của làng quê yên tĩnh, với hồ, với núi, với những dòng mương xanh trong. Nếu căn cứ vào "chiến tích" của các cô cậu nhóc thành phố xưa, giờ tóc đã đốm bạc, được thống kê lại một cách sơ lược và thiếu hụt chỉ trong một lần đi thăm, thì thấy những cuộc cưỡi trâu rong ruổi, bơi lội ao hồ đến suýt chết đuối, đánh nhau, đấu vật hay bán sống bán chết chạy trốn mấy con ngỗng sư tử..., đủ thấy dân làng ngày xưa, thời kỳ đầu cuộc chiến tranh chống Mỹ, đã có những năm tháng khá ồn ào, bom đạn trên đầu đã đành, còn thêm những đứa trẻ nghịch ngợm vô cùng dưới đất.

Mà làng thì hiền lắm, bao nhiêu năm rồi làng vẫn hiền như thế, những ngõ nhỏ không bóng người, những bức tường đá ong thấp lè tè, người ở đây chắc chắn sống yên bình, chẳng phải lo lắng nhiều tệ nạn xã hội, chẳng cần mảnh chai hay dây thép gai, xóm làng sạch sẽ, không thấy bóng dáng kim tiêm hay lảo đảo vài cậu nghiện, như dễ thấy bây giờ ở mọi làng xã khác. Một không khí an lành bao trùm lên tất cả đường làng, trong dáng những bà cụ thong dong ngồi ăn trầu ở thềm nhà, những đứa trẻ chơi nghịch cạnh đê. Con đê đất mềm mại xanh mướt cỏ. Đồng lúa cũng mướt xanh. Và quan trọng hơn tất cả, người thì vẫn hồn hậu thân thiết. 43 năm vẫn hồn hậu thân thiết, như thể năm tháng, thời buổi kinh tế thị trường hay những biến động xã hội khác không len vào được ngôi làng bé nhỏ này. Những người già vẫn nhớ những đứa trẻ xưa đã từng ở trong nhà mình. Những đứa trẻ ngày xưa cùng lứa, nay đã nên ông nên bà, cũng chẳng thấy có gì cách xa, với người thành phố.

Nhưng đấy là người thành phố của 43 năm trước, là những đứa trẻ vẫn muốn lưu giữ ký ức và kỷ niệm, của những nghĩa tình, dẫu thời gian và cuộc sống bận rộn có làm phôi pha ít nhiều nhưng không mất hẳn cùng năm tháng.

Người thành phố về sau sự kiện Vịnh Bắc Bộ, tạm gọi thế, mãi mãi vẫn thế, là người của ngày xưa.

Tôi sợ, sau sự kiện sáp nhập cả tỉnh Hà Tây với Hà Nội, người thành phố lại về đây. Người thành phố về lúc đó, là người thành phố của ngày nay, chăm chắm nhìn vào những ruộng lúa đang xanh mướt như nhìn vào những bất động sản sinh lời. Đất canh tác của Hà Tây đang được rao bán với giá như hoang tưởng, ở Tuy Lai này cũng thế, đang là 80 triệu một sào Bắc Bộ - số tiền quá lớn với người nông dân, những người chẳng có gì hơn là đất. Cái vùng đất đẹp như mơ này lại còn là nơi hứa hẹn tiềm năng du lịch, nghĩa là chẳng khó khăn gì để dăm năm nữa, nhà hàng khách sạn đua nhau mọc lên, những resort, những biệt thự lai Tây, những chung cư cao tầng bê tông ngất ngưởng sẽ mọc lên không kìm hãm được...

Tôi chỉ muốn nấn ná lại bên những ngõ nhỏ yên bình, những bức tường đá ong thân thiện, bởi biết chúng - trông chân chất thô ráp thế, lại là thứ quá mỏng mảnh trước tương lai. Một tương lai người thành phố về!

Thanh Hà

Ảnh 1: Màu xanh Tuy Lai;
Ảnh 2: Đường thôn (Lê Việt Trung, Hải Đường và cháu Thảo Hương);
Ảnh 3: Anh Đức, bạn học cũ của Việt Khánh;
Ảnh 4: Những chung cư cao tầng ngất ngưởng sẽ mọc lên nơi đây;
Ảnh 5: Ngõ bình yên.

6/4/08

Thôn Giáp Bốn, núi Chầy, bể Tuy Lai: Mua mệt mà sướng!

Bắt đầu đi lúc 8:30 từ Hà Nội, đến thị Hà Đông rẽ trái ở Ba La - Bông Đỏ, sau khi qua làng Chuông làm nón nổi tiếng, đến đúng ngã tư Vác còn cách Vân Đình 10 Km, rẽ phải vào Tỉnh lộ 429 có biển chỉ đường đi Miếu Môn, đi được 8 Km nữa, qua cầu Ba Thá thì xe bỏ hướng đi Miếu Môn, rẽ trái, đi tiếp 7 Km là đến Tuy Lai.

Toàn bộ quãng đường có 50 Km, thế mà 43 năm nay mới có một cuộc đi mong chờ như thế.

Đến là vào thôn Giáp Bốn, ngay đầu làng là nơi Trại trẻ xưa đã ở. May nhờ anh Khánh đã liên lạc trước, đoàn được anh Ánh, cậu bé xưa là con bà Khánh đón ngay đầu làng (tên bà Khánh là gọi theo tên con gái lớn của bà), một chủ nhà có mấy anh trại trẻ ở. Cả xe ùa vào nhà anh Ánh, tay bắt mặt mừng, chuyện trò ríu rít.

Thật cảm động vì anh em TTST BND mình không nhớ được bao nhiêu, nhưng ngược lại, anh Ánh lần lượt kể tên một đống các nhóc TTST ngày xưa. Rất nhiều tên các bạn được nhắc đến, trong đó anh nhớ nhất anh em Phương, Nguyên... và anh Hiêu (tên anh Dân ngày xưa), mấy người hồi ấy ở nhờ nhà anh. Anh chỉ tay xuống gian nhà cũ nay bỏ không trước mặt: ngày xưa các anh ở cái nhà kia.

Một lúc sau, được tin báo, anh Dem đến. Sau dăm câu chào hỏi, anh Dem thắc mắc ngay "thế anh Nhi, anh Nhân đâu". Thì ra ngày xưa anh em Nhi, Nhân ở nhà anh Dem, hơn nữa, Dem - Ánh - Nhân - Châu - Zũng - Ninh Hà... lại học cùng một lớp.

Ngày xưa chỉ có mấy anh lớn tuổi được ở
riêng nhờ trong 3 nhà dân, còn toàn bộ trại trẻ ở nhà tập thể, cái lán dài dựng tạm nay không còn nữa. Xung quanh là nhà xây san sát.

Các câu chuyện nhớ về kỷ niệm xưa phải dừng lại để còn kịp thời gian đi ra bể Tuy Lai.

Con đường đất
nhỏ từ đầu thôn đi ra mấp mô cỏ dại như bờ ruộng nay đã được mở rộng, trải bê tông thẳng tắp. Xa xa bên phải là dãy đồi xưa um tùm sắn, lạc tiên, sim, mâm xôi nay trơ trọi một màu đất.

Dáng núi Chày vẫn như cũ, nhưng đến gần mới thấy cửa hang đã bị bịt kín bằng ngôi nhà do bên Quốc phòng xây và bảo vệ.

Chương trình gói gọn trong ngày nên mọi người buộc phải lựa chọn: chỉ giới hạn đi thăm chùa Hàm Long ở lưng núi và đền Vân Mộng (nếu bạn nào còn nhớ, đền Vân Mộng là nơi trước kia trông như một ấp trại nằm chơ vơ giữa đồng nước, được lũy tre xanh vây quanh, bên trong có vài con nghê và cột đá), cuối cùng lên thuyền đã thuê sẵn, bồng bềnh trên hồ và trèo núi, chui vào thăm hai hang đá ở dãy Tuy Lai bên kia hồ nước.

Còn hai tháng nữa mới là mùa sen, nước hồ đang cạn, cuống sen khô tua tủa, tuy cảnh hồ không mấy đẹp, nhưng bù lại, thật sảng khoái giữa thiên nhiên xanh ngát, mặt nước xa tít tắp và núi non. Dù đã lâu không leo núi nhưng ai nấy đều có vẻ khoái, khi trượt, khi bò, người trước kéo người sau trèo lên hang đá, để tận hưởng cái màn đen âm u rờn rợn, ngoắt ngoéo, đa dạng nhũ đá và khí lạnh ở mỗi ngách hang.

Bữa trưa muộn vào lúc hơn 2 giờ chiều ở nhà anh anh Đức, một bạn học của Việt Khánh. Đói mềm cộng với bia Hà Nội, rượu Tuy Lai làm cho các đĩa xôi, gà luộc, lợn nướng, măng đắng muối vừng và miến gà... ngon đặc biệt.

Tầm hơn 5 giờ chiều, sau khi chụp ảnh kỷ niệm, chưa thấy ai có vẻ quá mệt, dù đã trên dưới 50 năm trần thế, đoàn ra xe về Hà Nội. Lòng thầm nghĩ, mới đi một góc Tuy Lai, hẹn dịp sau còn khám phá Quan Sơn nữa! Nhưng quan trọng hơn hết, Tình người Tuy Lai quá chân thành và sâu đậm, Lòng chúng ta đã lại tìm về được chốn xưa!

Khi mới l
ên xe về vẫn còn râm ran chuyện, một lúc sau thì hầu như tất cả mọi người đều mơ màng ngủ. Thấm mệt.

Cả chuyến đi chỉ chừng 10 giờ,
mệt nhưng mãn nguyện!
_________________
Ảnh 1: Bến đò thôn Quýt;

Ảnh 2: Kỷ niệm ở nhà anh Ánh (Lê V.Trung, Hồ Nguyên, Hiếu Dân, anh Ánh, Hiếu Nam, Việt Khánh, Tùng Sơn - bà cụ anh Ánh lấp sau Trung);

Ảnh 3: chụp kỷ niệm vị trí nhà cũ của anh Ánh (Hải Đường và con gái Thảo Hương, Việt Khánh, Hồ Nguyên, cháu Khánh con anh Dân, Thanh Tuyền, Tùng Sơn);

Ảnh 4: Anh Dem, chủ nhà mà các anh Nhi, Nhân đã ở;

Ảnh 5: Đường đầu thôn thẳng ra núi Chầy và bể Tuy Lai (mới đổ bê tông);

Ảnh 6: Núi Chầy (nhìn chếch từ phía bể Tuy Lai);

Ảnh 7: Cảnh hồ dưới chân núi chùa Hàm Long;

Ảnh cuối: Kỷ niệm với gia đình anh Đức (bạn học của anh Khánh) sau bữa liên hoan. Không hiểu Phương Liên nghịch hay ngượng nên che mặt.
Đây là bức ảnh chụp bất chợt với nhiều vẻ.
Hàng đầu, kể từ bên trái: Thanh Tuyền và cô con gái (áo vàng), Thanh Hà, Hải Đường, Hoài Nam, Phương Liên, con gái anh Dân, Tương Lai, Việt Khánh và bạn là anh Đức (2 người ôm cháu bé);
Hàng sau: Tùng Sơn, bà mẹ anh Đức, vợ Trung Thành, Hiếu Nam, Hồ Nguyên, Phan Việt Trung, cháu bé và người nhà anh Đức, Kiều Trung Thành (cạnh cột), anh Dem (con trai của chủ nhà ngày xưa anh Nhi, Nhân đã ở), Lê Việt Trung.

Mời xem rất nhiều ảnh ở 3 bài của Trang chuyên ảnh (bấm vào đây)

5/4/08

THÔNG BÁO VỀ THĂM TUY LAI

Hà Nội ngày 24 tháng 3 năm 2008

Thân mến cùng các anh,các chị và các bạn,

Nhân dịp đầu xuân Mậu Tý (2008), Ban liên lạc Trại trẻ sơ tán báo Nhân Dân xin gửi tới các anh, chị cùng gia đình lời thăm hỏi đầu năm với những thành đạt trong sự nghiệp, sức khỏe và hạnh phúc trong cuộc sống.
Ban liên lạc dự định sẽ tổ chức một chuyến về thăm lại thôn Giáp Bốn, xã Tuy Lai, Mỹ Đức, Hà Tây - nơi sơ tán của chúng ta cách nay hơn 40 năm. Chuyến đi này để mọi người nhớ lại những kỷ niệm một thời thơ ấu, mặt khác, nơi đây ngày nay đã trở thành một địa danh du lịch nổi tiếng với những cảnh quan kỳ thú (như đã giới thiệu trong Blog của TTSTBND) nên hy vọng đây cũng là một chuyến đi nghỉ cuối tuần vui vẻ cho mọi người.
Ban liên lạc dự tính xuất phát từ Hà Nội vào lúc 8g00 chủ nhật, ngày 6 tháng 4 năm 2008.
Thành phần tham gia ngoài bản thân, các bạn có thể đi cùng người nhà với số lượng tùy ý. Ban liên lạc đặc biệt lưu ý mọi người về sự hồi đáp phải có sau khi nhận thư này để tiện việc bố trí cho hành trình được chu đáo.
Ban liên lạc xin thông báo về kinh phí dự định như sau: 100.000 VNĐ/người, không kể các cháu
đi cùng dưới 18 tuổi (bao gồm tiền ăn trưa và xe đi lại). Kinh phí này sẽ không liên quan đến quỹ của BLL TSTTBND Hà Nội nên kết thúc chuyến đi sẽ có công khai tài chính để hoàn trả cho các bạn (nếu thừa).
Để hồi đáp thư này các thành viên có thể gửi thư theo địa chỉ Email: vn.hanoi@gmail.com hoặc điện thoại trực tiếp cho anh Trương Việt Khánh, ĐT: ...(như đã gửi cho mỗi thành viên)

Ban liên lạc TTST BND
-------------------------------------------------------------------
Các hồi âm (hồi âm sớm nhất ở trên)

Ha Pham Thanh: hay qua, em dang ky di nhe

Ha Zung: Toi xin dang ky vao chuyen hanh trinh sap toi noi tren
Kinh thu!
Ha Zung (Con trai thu ba cua Bo Ngo Thi)

anhnguyet Nguyen:
Báo cáo các bác Hà Nội
Cánh Miền Nam nghe lời mời về thăm chốn cũ mà lòng thấy bồi hồi wa.
Thế nhưng xa xôi cách trở thế này thì làm sao?
Hay là bay ra và đi chơi cũng chỉ thu 100.000đ. Khuyến mãi lớn à?
Nói vậy thôi nhỉ. Xin chúc mọi người chơi bời zui zẻ nha.
Nguyệt - Con Chị Lê Hoàn Và Anh Sơn - Sài Gòn

Duong, Truong Hai Duong (CNTT-TCT):
Hải Đường đăng ký 02 người (1 người lớn và 1 trẻ 12 tuổi).
Xin đóng góp 100.000 theo thư mời và hỗ trợ thêm 300.000 để Ban Tổ chức lo công việc thêm phần vui vẻ

huynh dungnhan: hoan nghênh sáng kiến tuyệt vời này. Từ lâu tôi đã muốn có một chuyến di về lại Tuy Lai, nhưng quá k hó khăn, nay có dịp thì lại ở xa, chẳng thể nào đi được. Rất mong các bạn thông cảm. Các bạn đi vui và gửi nhiều hình cho xem với nhé chúc chuyếnđi ý nghĩa và thành công
Huỳnh Dũng Nhân

Binh Thao: nhan duoc mail cua BLL em rat cam dong va mong ngay duoc gap lai anh chi. Rat tiec em o tan Sai Gon nen khong the tham du duoc. mong mot dip nao do duoc ra ha noi tham lai cac anh chi. chao cac anh chi.
Em. Binh Thao

Nam Dang: Rat hay, co gang to chuc va nen khuyen khich phu huynh va cac chau cung di.
Rat cam on Ban Lien lac da co de xuat nay
Nam

Hien Tranminh: Tiec qua, mung 6 nay minh lai di cong tac o Sai Gon nen khong the tham du duoc. Chac chan la di tham lai chon cu de nho lai mot thoi "chay ran" ay chac la se vui lam.
Hen dip khac vay
Than,
Hien

Ha Huy Hiep: Đây là một sáng kiến rất hay của Ban liên lạc, bọn mình lâu nay vẫn ao ước được một lần về thăm lại Tuy Lai. Rất tiếc là chưa thể thực hiện được trong dịp này. Các bạn đi về nhớ chụp nhiều hình và kể lại nhiều chuyện về miền đất hằn trong trí nhớ tuổi thơ của những thành viên TTST nhé.
Chúc các bạn một chuyến đi có đầy cảm xúc và thật vui vẻ.
Thân mến
Hà Huy Hiệp

hieu_dan: Tất nhiên còn có Dân, Lưu Bình, Khánh tham gia nữa chứ! Hôm nọ Khánh về ăn cưới bạn ở Tuy Lai, nói có vào thôn Giáp Bốn, tìm biết được 3 nhà ngày xưa có "quân" của Trại trẻ ở, lại có một người trong thôn còn hỏi Khánh ngày xưa trại trẻ có ai tên là Hiêu không!

Việt Khánh: Ngoài ra, Khánh đã nhận được tin báo qua điện thoại các bạn sau đây sẽ cùng tham dự: Ngọc Minh, Minh Hồng, hai chị em Phan Hoài Nam và Phan Phương Liên, Việt Trung, nhà Tương Lai kèm một cháu, ... (còn nữa sẽ báo tiếp).

Ha Pham Thanh: Chu nhat toi tap trung o dau, cac anh co dia diem chua a? hay di tu bao Nhan dan de moi nguoi co cho de xe may cho tien?
Em dang ky 3 nguoi nhe

hieu_dan: Để chờ tổng số người rồi mới thuê xe. Xem trên blog ấy, hiện có ~16-20 người rồi.

Đường: Hoành tráng đấy các anh nhỉ. Thế mình có nên có một quà gì đó cho thôn hay xã không? Hay một số “Mạnh thường quân” đóng góp để mua 1 cái TV tặng không ạ? Hoặc nếu không, mình nắm lại thông tin một số gia đình đã cho anh em mình ở nhờ có hoàn cảnh khó khăn (bị chất độc màu da cam, không nơi nương tựa, quá nghèo,...) để trợ giúp. Nếu góp được khá khá thì mình mời các gia đình đó họp mặt với anh em tại nhà thờ họ để giao lưu và gửi tiền hỗ trợ luôn cho có ý nghĩa. (Em xin lỗi trước vì sợ lại mang tiếng là “vẽ chuyện đóng góp” làm phiền một số anh chị có điều kiện. Hihi)
À mà sao anh Lưu Bình có một bài “hoành tráng” về em thế? Em xấu hổ quá vì chỉ bằng 1/100 những gì anh viết thôi. Mà như Hải Đường em thì có cả ti tỷ anh ạ.
Em rất muốn viết nhiều mẩu chuyện nhỏ để gửi Blog, nhưng một mặt vì bận quá nhưng mặt khác cũng có ý đợi các anh chị lớn tuổi tham gia nhiệt tình hơn (đến nay, vẫn nhiều anh chị “im lặng” quá, mà em biết các anh chị cảm xúc đầy mình đấy)

Hieu_dan: Mình cũng có ý nghĩ khi về TL gần như thế (người dân Tuy Lai còn nghèo lắm - đồng chiêm, nhớ ngày xưa chỉ có đặc sản trứng vịt và củi rừng mà!), nhưng có lẽ để đến đấy mọi người biết tình hình xong về mình kêu gọi thử, nếu được kha khá thì giúp đỡ trường học. Đợt này đi có lẽ chỉ giao ai đấy nhiệm vụ mua quà bình thường thôi?
----------------------------------------

Việt Khánh: Tin cuối: Khởi hành 8h sáng chủ nhật ngày 06/4/2008 (Các bạn có mặt đúng 7h45 tại: Toà soạn báo Nhân Dân – 71 Hàng Trống, gửi xe máy tại đây và lên xe khởi hành lúc 8h).

Gồm 26 bạn (chưa kể người nhà đi cùng) - đây vẫn là số liệu tạm thời: Hiếu Dân, Minh Chính, Hồ Nguyên, Minh Quang, Hiếu Nam, Đặng Nam, Việt Trung, Tương Lai, Việt Khánh, Hải Đường, Tuấn Phong, Hoài Nam, Phương Liên, Huy Dũng, Ngọc Minh, Minh Hồng, Trung Thành, Vị Hoàng, Lưu Bình, Thanh Hà, Hữu Chân, Phương Hồng, Thanh Tuyền, Tùng Sơn, Minh Hoàn, Trần Thị Kha
Nếu cần liên hệ, các bạn gọi cho Việt Khánh hoặc gửi mail đến vn.hanoi@gmail.com

huuchan: Chan rat tiec lai ko tham gia duoc vi phai di cong tac o Duc tu 03/04 - 10/04. Hen gap trong dip khac vay nhe. Chao moi nguoi, chuc tat ca vui, khoe.
Nguyen Huu Chan

Kiều Trung Thành: Ngày mai về thăm lại nơi sơ tán cũ đúng kế hoạch và không có gì thay đổi phải không anh.
Ngày nào vậy mà đã qua hơn 44 năm rồi anh nhỉ, chúng ta đến cơ quan của bố mẹ (Toà soạn Báo Nhân Dân 71 Hàng trống) và rồi được ô tô cơ quan đưa anh chị em chúng mình vào một nơi mà tất cả chúng ta ai cũng gọi là trại Sơ tán ... phải xa Hà nội, xa bố mẹ và ăn ngủ có giờ trong sự quản lý chặt chẽ của chú Viên (cảnh sát đặc biệt). Đã quá lâu, giờ các anh chị có ý tưởng thật hay, tổ chức họp mặt và gần gũi nhau thêm ,... sau một thời gian dài ... hãy cùng về chốn xưa , nhớ lại một thời thơ ấu dưới bom đạn giặc Mỹ.
Ngày mai vợ chồng em cùng đi anh ạ.
Hẹn mai gặp nhau anh nhé.
Em Kiều Thành

TTST BND (22:00 05/4/08): Chuyến đi ngày mai sẽ đi xe 30 chỗ. Xuất phát đúng như dự định.