3/2/08

Tuy Lai: Nhanh chân lên kẻo hết!

Hồ Tuy Lai và rừng núi ở đây hoang sơ đến lạ lùng, mặc dù chỉ cách Hà Nội hơn 50 Km. Nhưng gần đây, vẻ đẹp tự nhiên thuần khiết của nó bắt đầu bị khai thác cùng với Khu Du lịch Hồ Quan Sơn.
Các bạn của Trại trẻ ST BND, ai đã từng ở đây năm 1965 chắc đều mong một dịp quay về Tuy Lai tìm lại kỷ niệm xưa, đối chiếu giữa sự thực ngày nay và hồi ức của mình từ hơn 40 năm trước, đồng thời khám phá những điều huyền ảo kỳ diệu đang hấp dẫn du khách Tây - ta tấp nập đổ về.

Trong khi chưa có dịp cùng nhau tìm về chốn cũ, chúng tôi cố công sưu tầm trên internet các thông tin để bạn chia sẻ. Hóa ra đã có những dân chơi kéo nhau về đây câu cá, du lịch và kháo nhau trên mạng từ mười mấy năm trước.
Có vô số bài viết liên quan đến đúng địa danh du lịch này nếu bạn tìm trên Google với từ khóa "Quan Sơn". Để cho bạn thỏa tò mò mà không phải tìm kiếm, chúng tôi đã đăng lại một số bài vào file "Du lich Tuy Lai - Quan Son" (hãy bấm vào nếu muốn tham khảo).

Mời bạn xem một trích đoạn theo nguồn của Thời báo Ngân hàng và thử so sánh với trí nhớ, hiểu biết của bạn:
"Từ những năm 1960, hồ Quan Sơn (Mỹ Đức, Hà Tây) được khoanh vùng, bởi một con đê bao dài 20 km chạy dọc từ xã Thượng Lâm đến xã Hợp Tiến nhằm ngăn chặn nước lũ rừng ngang, tạo bể chứa thủy lợi tưới cho 2.000 ha cây trồng và nuôi trồng thủy sản. Việc khai thác du lịch các quần thể vùng Quan Sơn được quy hoạch với gần 3.000 ha thuộc địa phận bốn xã: Hợp Tiến, Tuy Lai, Hồng Sơn, Thượng Lâm, gồm hồ rộng 850 ha (dài 16 km, rộng 2 km); gần 100 ngọn núi đá vôi, độ che phủ rừng tái sinh hơn 80%. Theo điều tra quy hoạch rừng năm 1992, vùng này có nhiều loài thực vật, thuộc nhiều họ cây quý hiếm, cây làm thuốc, cây đặc sản, cây phong cảnh. Ở đây đã phát hiện được nhiều loại chim, thú, bò sát sống hoang dã trong rừng khá phong phú (tuy còn ít về số lượng cá thể loài). Khu du lịch Quan Sơn cũng đã mang nhiều dấu ấn một vùng văn hóa dân tộc, đậm sắc thái lễ hội truyền thống và nếp sống thuần khiết của làng xóm Việt Nam. Tại khu Quan Sơn có các chùa như Hàm Long, Linh Sơn Tự, Ngọc Linh Tự, Bàn Long Tự, Thung Phật... Cách đó gần 1 km là di tích thành nhà Mạc, còn tường thành cổ, cổng thành, án ngữ như một tam quan bên đường 431, từ cầu Dậm đi chợ Bến. Trong lòng hồ có các di tích lịch sử kháng chiến như an toàn khu của công binh xưởng sản xuất vũ khí tại núi Cối (Tuy Lai), chùa Cao (Hồng Sơn) thời chống Pháp. Và tại đây, hồ Tuy Lai đã có chiến công của dân quân xã bắt sống phi công Mỹ".
Hay thật, trong bài viết mới đây của mình, anh Dân có kể về bể Tuy Lai và núi Chầy, còn tác giả trên lại khẳng định rằng đó là hồ Tuy Lai và núi Cối! Chưa biết ai đúng, chờ một dịp để đối chiếu...
Theo Công ty Cổ phần An dưỡng Đường Việt Nam, chủ đầu tư lập quy hoạch Làng Dưỡng sinh và Khu Du lịch Sinh thái Tuy Lai, thì đây là "một cảnh quan đẹp tự nhiên, một khu đất hoang sơ chưa được con người chú ý chăm chút tôn tạo mà chỉ khai thác cạn kiệt. Trước khi dự án về, người dân nơi đây sinh sống chủ yếu bắng nghề nông, trồng lúa và trồng sắn. Thu hoạch thấp, đời sống bà con còn nhiều khó khăn. Hệ thống hồ nước làm nhiệm vụ tưới tiêu cho đồng ruộng, khai thác hồ bằng cách nuôi thả cá. Hàng năm vét sạch nước hồ để thu hoạch cá, do vậy hệ sinh thái nơi đây bị ảnh hưởng nặng nề. Rừng núi chiếm tới trên 2/3 tổng diện tích toàn khu. Trước đây việc trồng và bảo vệ rừng không được quản lý một cách thấu đáo nên cây cối đã bị khai thác cạn kiệt".
Xem xét một cách khách quan, Tuy Lai trong kỷ niệm xưa của chúng ta đang bị "ăn tươi nuốt sống" bởi 3 thế lực hùng hổ cực mạnh: một là dân địa phương có đời sống còn nhiều khó khăn đang tranh thủ khai thác cạn kiệt, hai là du khách ngày càng đông chỉ biết tận hưởng cảnh quan, của ngon vật lạ mà không có ý thức giữ gìn môi sinh, ba là dự án Làng Dưỡng sinh và Khu Du lịch Sinh thái sẽ làm thay đổi tận gốc Tuy Lai, từ địa vật cho tới cách kiếm sống, sinh hoạt của người dân.

Theo lời kể của anh Khánh (bẹt), cách đây khoảng trên 10 năm, anh Khánh và anh Dân (lúc ấy đều đang độc thân son rỗi) có về Tuy Lai, đi một vòng quanh núi "Chầy" (chưa biết tên nào là đúng giữa Chầy và Cối, đành để trong ngoặc vậy!), dân bản địa thấy lạ vì có mỗi hai anh đứng tần ngần hồi lâu rồi về, nay tiếc rằng lúc ấy không mang máy ảnh và kiếm con đò để đi chơi cho bõ công!

Nếu bạn rất thích về lại Tuy Lai mà chưa có điều kiện, xin mời xem một số ảnh chúng tôi đã sưu tầm được (đẹp đến khó tin!) ở bài "Tuy Lai ngày nay" tại Trang chuyên hình ảnh, hãy bấm vào ảnh để xem với kích thước lớn hơn.

Ảnh trong bài: Hoàng hôn Quan Sơn (onlynick's Flickr Photos)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét