23/9/07

CÂU CHUYỆN "NGÀY XƯA"

"Ngày xửa ngày xưa, có một nàng công chúa xinh đẹp nhất trần gian....", "Ngày xửa ngày xưa, có một chàng hoàng tử khôi ngô tuấn tú,...", "Ngày xửa ngày xưa, có một cô bé quàng khăn đỏ...", "Ngày xửa ngày xưa, có một ông lão bắt được con cá vàng,....".

Ngày xửa ngày xưa,.... Những câu chuyện cổ tích luôn mở ra trước mắt trẻ thơ một thế giới lung linh, huyền ảo và pha chút kỳ bí. Ngày tôi còn bé, ba mạ tôi (tôi gọi mẹ bằng "mạ" vì ba mẹ tôi là người Quảng Bình) thật khó mà có thể kéo tôi ra khỏi cái thế giới "Ngày xửa ngày xưa" ấy để bảo tôi đi ăn cơm hay bảo tôi ngồi vào bàn học bài. Cái thế giới huyền ảo ấy có một sức hút kỳ lạ, đưa tôi vào những xứ sở tuyệt vời với những con người nhân hậu, cái ác bao giờ cũng bị khuất phục trước cái thiện. Cái thế giới ấy luôn theo suốt cuộc đời tôi cho đến tận bây giờ, nhất là những lúc khó khăn, buồn chán, nó lại trở về ru tôi, khuyên nhủ tôi rằng những gian truân mà tôi đang gặp cũng chỉ như lúc "cô bé quàng khăn đỏ gặp Sói già", hãy cố gắng lên, hay kiên trì hơn rồi sẽ có ngày gặp được "bác thợ săn tốt bụng" giúp mình vượt qua những khó khăn, phiền muộn.

"Ngày xưa....", rồi lại "Ngày xưa...", những câu chuyện “Ngày xưa” của thời gian khổ, nhưng đầy oanh liệt của ba mạ tôi luôn tuôn trào thủa tôi còn thiếu thời. Ba mạ tôi thường kể cho các con mình nghe những câu chuyện ngày xưa của mình để răn dạy, giáo dục con cái mỗi khi chúng tôi chê cơm, mỗi khi chúng tôi lười học hay mắc lỗi, va vấp. "Ngày xưa, ba mạ làm toàn phải ăn sạu (ngô), ăn sắn trừ cơm", "Ngày xưa làm gì có thịt, có cá mà ăn, chỉ toàn ăn muối vừng với rau dưa", "Ngày xưa, ba mạ đi kháng chiến trèo đèo lội suối trong rừng sâu, vắt bám đầy người hút máu no nê", "Ngày xưa, có lần bị giặc càn sát vùng cứ, may mà mạ đi vệ sinh trốn kịp vào bụi rậm, nhưng đã phải đau xót chứng kiến giặc bắn chết 3 đồng đội thân thương của mình". Ôi!, những câu chuyện “Ngày xưa” gian khổ nhưng đầy oanh liệt của ba mạ tôi không biết tự lúc nào đã ngấm vào từng mạch máu trong con người tôi, đã tạo nên tích cách của tôi, đã đúc kết thành cách nghĩ, thành cách sống cuả tôi trước đây, bây giờ và mãi mãi về sau.

Thời gian thấm thoát trôi nhanh. Hơn nửa cuộc đời đã qua đi, bây giờ tôi lại bắt đầu ngồi kể chuyện "Ngày xưa" với con gái nhỏ của tôi. "Ngày xưa, mẹ sống rất gian khổ, bé tí đã phải xa mẹ để đi sơ tán", "Ngày xưa, toàn phải ăn bột mì viên, khoai tây luộc thay cơm nhưng mẹ vẫn béo, vẫn tươi", "Ngày xưa, học bằng đèn dầu, đi học đội mũ rơm, nhưng vẫn rộn rã tiếng cười", "Ngày xưa, ao ước được bố mẹ lên thăm mỗi tháng, rồi oà khóc khi ba mẹ không lên, còn các bạn thì được sà vào lòng bố mẹ", "Ngày xưa, hạnh phúc tuyệt vời khi nhận được khi nhận được chai magi, lọ ruốc vừng ba mẹ gửi lên”, “ Ngày xưa, bọn trẻ sống rất khổ, nhưng rất thân thiết và cưu mang nhau",.... Những câu chuyện "Ngày xưa", những hồi ức thật đẹp cứ tự nhiên đến trong lúc nói chuyện, trong lúc tâm sự, khuyên nhủ con trẻ. Không hiểu sao, những câu chuyện "Ngày xưa" về thời gian khổ ấy, có lẽ qua giọng kể xúc động và đôi mắt xa thẳm nhớ về kỷ niệm xưa của tôi nên đối với con gái tôi, những câu chuyện đó đã trở nên thật kỳ diệu và luôn hàm chứa ít nhiều một ý nghĩa giáo dục nào đó.

Mỗi một câu chuyện “Ngày xưa” thật giống như giọt nước biển của ngày hôm trước, nhưng ngày hôm sau đã kết tinh thành những hạt muối li ti lấp lánh, lung linh dưới ánh nắng mặt trời và mang đầy vị đậm đà của cuộc sống.

Ước gì được gặp lại "Ngày xưa"!. /.

Hà Nội, ngày 22 tháng 9 năm 2007-Trương Hải Đường

Ảnh trong bài: Góc hồ Thiền Quang - chụp 23/9/07

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét