19/9/07

Con khỉ

Tôi sinh ra và lớn lên ở làng quê. Thành ra cái cảm giác lần đầu được đi Hà Nội chơi thật khó quên. Vào những năm đầu 60, rất hiếm những đứa trẻ 5,6 tuổi nhà quê được đi Hà Nội như tôi, mà lại là đi Hà Nội xem duyệt binh mùng hai tháng chín. Tâm trạng vừa thấy thích vừa thấy oai oai. Cái gì ở thành phố ngày đó đối với tôi cũng mới lạ. Cảm giác đó giống y như sau này lần đầu tiên ra nước ngoài vậy.
Lúc về quê có bao nhiêu chuyện để kể cho bọn cùng xóm nghe. Phải cả tháng sau khi đi về tôi vẫn còn chuyện để kể. Trong cái đống ngổn ngang chuyện ngày ấy, đến giờ tôi vẫn nhớ như in một câu chuyện, nói đúng ra là nhớ cái cảm xúc đã làm nên câu chuyện. Thật lạ đó lại không phải chuyện phố phường cờ đỏ lua tua, hay chuyện trang nghiêm hùng dũng của xe pháo thẳng hàng, bộ đội tăm tắp trong lễ duyệt binh. Đó là chuyện về một con vật. Con khỉ dưới gốc đa trong khuôn viên tòa soạn báo Nhân Dân.
Ai trong số mọi người biết và nhớ, hãy chia sẻ với tôi rằng ngày đấy người ta đã nuôi một con khỉ dưới gốc đa. Đến giờ tôi chắc không nhiều người biết điều đó. Khi hai mẹ con tôi đến tòa soạn báo Nhân Dân, người ta cho biết bố tôi đã đi công tác tận giới tuyến Vĩnh Linh. Hai mẹ con được xắp xếp ở tại chiêu đãi sở của tòa báo, ngõ Lý Thường Kiệt. Nhưng lạ lắm, ở thì thế mà ăn thì lại phải về tận tòa soạn báo cơm nhà bếp. Mỗi suất được một bát cơm và nửa cái bánh mỳ. Mẹ tôi bảo ăn cơm thôi, để bánh mỳ về quê làm quà. Với đứa trẻ 5 tuổi, mà lại lại chính hiệu nhà quê như tôi thì để dành xem ra là điều bất khả thi. Tôi cầm nửa cái bánh mỳ đi lẳng lặng ra gốc đa, trèo lên ghế đá từ thời Cô-Nhi và ngoạm lấy ngoạm để. Bất chợt có tiếng kêu khẹc khẹc sau ghế, tôi quay lại thấy ngay một chú khỉ bé tý tẹo đang ngước nhìn lên tôi. Thằng này có vẻ khôn lắm, hai tay giơ ra trước xin ăn. Sau này khi tôi kể lại, bọn bạn không tin, còn nói thế nó là người à. Sau giây lát chần chừ, nhìn đôi mắt tròn mở to như van nài của con khỉ tôi xé cho nó một mẩu bánh. Nhanh như chớp nó đút tỏm, quai hàm bạnh ra và lại chìa tay xin. Thích thú với hành động của thằng khỉ ranh ma này, tôi xé cho nó hết khẩu phần cơm trưa của mình. Lúc hết miếng bánh, tôi thậm chí dám vuốt ve đầu nó mà nó vẫn đứng yên.
Sau bữa đó, tôi và con khỉ dường như đã quen nhau. Ba bốn lần liền sau đó, cứ đến bữa là tôi lại ra gốc đa cho con khỉ ăn. Thậm chí có lần đã tối lắm, gốc đa không có đèn điện, tôi còn dám mang cho con khỉ cái bánh gai. Thế mà từ xa nó đã nhận ra tôi, nhảy lên nhảy xuống tíu tít. Cái dây buộc cứ giật ngoẹo cái cổ lại mỗi khi nó mừng rỡ quá đà.
Đêm mùng hai tháng chín năm đó bắn pháo hoa tưng bừng. Đến tận giờ tôi vẫn chưa tìm hiểu lịch sử của pháo hoa, nhưng xin thề với các bạn trẻ ngày nay là pháo hoa thời đó rơi xuống bằng dù. Địa điểm bắn ở ngay bờ hồ nên vô số dù rơi, vướng xuống cây đa trong khuôn viên tòa soạn báo Nhân Dân. Ông Trần Quỳnh (ông này người khu 4, có ai biết ông này không?) chỉ cho tôi một cái dù và nói: trông đẹp nhỉ. Ngày đó tôi đọc truyện Liên Xô nói về một cậu bé được cha cho đi Leningrad thăm viện bảo tàng Ermitagiơ, khi về kể lại cho bạn bè về thanh kiếm của Piốt đại đế, không đứa nào tin. Tôi quyết định mình phải hơn cậu bé nọ, kể là người nghe phải tin vì có bằng chứng. Buổi trưa tôi không về chiêu đãi sở, xin ở lại chơi với ông Trần Quỳnh.
Tôi trốn ngủ, nhìn trước nhìn sau và bắt đầu đu người từng tý một lên cái rễ đa lòng thòng, hy vọng sẽ gỡ được cái dù vướng ở cành cây. Con khỉ thật tuyệt vời, nó như là muốn chia sẻ sự mạo hiểm, khi cứ chăm chú nhìn không chớp mắt mọi hành động leo trèo của tôi. Thật bất ngờ có một người đi đến gốc đa. Bác này quần là áo trắng sang trọng, tiến lại gần con khỉ trong khi nó vẫn đang chăm chú ngước nhìn tôi. Thế này thì lộ mất rồi, người ta sẽ quát ai cho trèo cây, ngã gãy chân bây giờ, nguy hiểm quá. Mọi ý định về huênh hoang với đám bạn quê thế là đi tong.
Chính trong giây phút hiểm nghèo ấy con khỉ đã cứu tôi bàn thua trông thấy. Nó bất chợt quay ngoắt lại phía người đi, và làm như mừng rỡ nhảy tót lên vai bác kia khiến áo bác đang mặc toàn vệt tay chân khỉ. Bác hất nó xuống, khó chịu vừa bỏ đi, vừa làu bàu: “đồ khỉ”. Tôi lấy dù xong tụt xuống không quên thanh kiu chú khỉ bé nhỏ.
Cũng câu chuyện này, ngày đấy tôi kể cho bạn bè ở quê nghe hay hơn những điều viết ở trên. Đến nỗi, sau hai mươi chín năm tôi gặp một anh bạn cùng xóm ở Sydney (Úc), câu đầu tiên anh ta hỏi tôi là số phận con khỉ ngày đấy ở cơ quan bố cậu sau đó thế nào.
Tôi không biết, nhưng nghe nói hình như sau cái đêm cao xạ bắn rầm trời một thằng không người lái bay qua thủ đô, con khỉ đã giật đứt dây và bỏ đi đâu mất. Có đúng thế không? Nếu không ai biết xin bổ xung.

(Tôi sẽ rất biết ơn, nếu cựu thành viên trại trẻ nào đang làm tại báo Nhân Dân gửi cho xin một bức ảnh gốc đa)

Lưu Phương Bình

TTSTBND: Gốc đa cổ thụ vẫn còn đây, nhưng bị các công trình xung quanh chèn ép, cũng không còn gặp lại được con khỉ nữa!

1 nhận xét:

  1. Nó là con khỉ cái (khỉ đít đỏ). Mình cũng chơi vơí nó suốt nhiêù năm. Rất thương nó vì một lần nghịch ném hòn sỏi vào trán, nó lăn quay ra một l lúc sau mới dậy nổi. Bây giờ vẫn ân hận...
    Còn chú Quỳnh, đúng là người miền Trung, mắt bị hiếng thì phải, rất vui và quý trẻ con.

    Trả lờiXóa