Sau hôm gặp mặt mọi người ở hồ Thiền Quang về, mình cứ day dứt mãi không thôi. Bao kỷ niệm cũ tràn về đầy ắp. Nhớ những ngày đầu sơ tán ở Tuy Lai, lúc ấy mình mới 12 tuổi, nhưng đã là lớn nhất trong số con gái, Trần Dũng con cô Bình Định 13 tuổi đứng đầu số con trai. Bọn mình ở nhà ông Huấn, còn số con trai thì ở nhà ông Cả(anh ông Huấn). Nhớ những ngày hè đầu tiên ở nơi sơ tán, tối đến tất cả lại tập trung ở nhà ông Cả, đốt đèn dầu để xem diễn kịch. Bao nhiêu chăn màn đều được căng lên để làm phông, diễn viên thì đứng trên giường còn khán giả ngồi cả dưới đất. Mình vẫn nhớ hình ảnh Dũng Nhân vào vai sĩ quan ngụy, đầu đội mũ nồi đen, thắt lưng to bản có dắt 1 khẩu súng lục bằng gỗ mới đẽo được, vẫn còn nham nhở vì dao hơi cùn. Hồi ấy còn nhỏ mà Nhân đóng đã rất có nghề. Cứ bước ra là đã quát lác, dáng điệu nghênh ngang, thỉnh thoảng lại rút súng gỗ ra bắn chỉ thiên làm các khán giả ở dưới cười nghiêng ngả. Kịch chỉ có vậy thôi mà sao diễn say mê thế, tối nào cũng diễn nhưng đén 10 giờ là các cô bắt đi ngủ rồi.
Nhớ có lần bọn con trai bí mật rủ nhau ra sông tắm, lúc về bị bác Viên gom lại để hỏi xem ai đầu têu. Tất cả im lặng. Bác Viên gọi riêng mấy đứa vào nhà để hỏi, nếu không nói sẽ bị ăn roi. Mình nhớ Khánh "bẹt" cũng bị gọi vào bắt nằm sấp xuống giường để hỏi. Sau thấy đi ra, vừa đi vừa khóc. Khóc vì sợ chứ chưa hẳn vì đau, vì roi chỉ nhỉnh hơn cái đũa có một tí. Mọi người xúm lại hỏi có khai không, nhưng Khánh vẫn lắc đầu( thế mới bất khuất chứ).
Rồi trại trẻ chuyển đến xã Thống Nhất. Mình phải đi trọ học xa, cách trại 4km, thứ 7 chủ nhật mới được về thăm các em.
Hương Chi ơi, chị đọc trên blog thư của bố Chính Yên viết có nhắc đến bác Quỹ, chị lại nhớ bố chị quá. Hồi ấy, các em chị Mai, Hà, Điệp ở cùng nhà với Chi, trẻ con nên hơi tí là tranh giành, là cãi nhau, chủ nhật bố mẹ lên thăm là bắt đầu mách tội nhau. Có lần bố Chính Yên bảo:"Nào ông Quỹ ơi, bây giờ ông đứng lên giường để tôi đẩy ông xuống đất, vì con tôi nó mách các chị đẩy nó xuống đất". Mọi người đều cười ồ vì cách phê bình vừa nhẹ nhàng vừa hài hước thế nhưng vẫn rất hiệu quả.
Lại có lần có ai đó kêu mất bánh qui, không ai nhận là đã ăn. Sau P.Mai (em chị) nghĩ ra một kế: tập hợp mọi người lại để nghe tim từng người một, nếu tim ai đập nhanh chứng tỏ người ấy đã ăn bánh. Cuối cùng chẳng tìm ra ai cả vì tim ai cũng đập rộn ràng.
Giờ nhớ lại thấy thương tuổi thơ chúng mình quá, đói ăn, thiếu mặc, sống xa nhà, xa bố mẹ.
Chi ơi, chuyện mới đó mà bây giờ bố mẹ chị đều đã mất cả rồi, không biết bố Chính Yên của em có khỏe không? Chị cũng đã lên chức bà nội rồi, cháu gái chị cũng tên là Chi, nhưng đệm là Mai, vì mẹ nó tên là Mai.
Nhớ một thời đã qua, kể lại để mọi người cùng nhớ.
Thân ái.