2/9/10

Ô-đe-xa, thành phố bên bờ Biển Đen

Thư từ Ucraina:
Chào anh HD!
Vì công viêc "cơm áo gạo tiền", lâu nay cũng không đóng góp gì được cho Trang Web-blog ttst bnd, nhân có bài viết Tạp chí Đối ngoại của BCHTW Đảng đặt viết, em gửi anh góp vui.
Chúc anh và các bậc trưởng huynh an khang!
H.T.V


TTST BND: HTV vừa có bài đăng ở Tạp chí Đối ngoại, số tháng 8/2010, trang 59. Như các bạn thấy, ảnh chụp trang đầu đăng trên tạp chí trình bày khá đẹp. Dưới đây là toàn bài viết của Hoàng Tuấn Vũ:

Odessa, thành phố bên bờ Biển Đen

Odessa là một trong những thành phố độc đáo và đa sắc màu nhất Liên Xô trước đây. Điều đập ngay vào mắt tôi khi bước chân ra khỏi nhà ga là khung cảnh thành phố rất giống… Hà Nội và Pari. Một lần nữa, ảnh hưởng của văn hóa và kiến trúc Pháp đặt dấu ấn lên không chỉ các nước thuộc địa cũ ở châu Á và châu Phi mà cả một nước đế quốc hùng mạnh vào đầu thế kỉ XX nữa, đó là nước Nga. Dưới thời Liên Xô cũ, mọi người thường nói với nhau: “Đây là thành phố cần phải được nhìn bằng… đôi chân”, ý muốn nói rằng du lịch thành phố cảng này tốt nhất là đi bộ. Cũng như Hà Nội, khu kiến trúc cổ nằm ở trung tâm thành phố, nơi tập trung những danh lam thắng cảnh nổi tiếng nhất của Odessa. Có lẽ, tôi nên bắt đầu cuộc hành trình của mình từ phố Rishelevski, từ tòa nhà màu trắng toát theo phong cách phương Đông trông như một Thánh đường Hồi giáo. Đây là Trung tâm văn hóa Arập, được xây dựng cách đây không lâu dưới sự bảo trợ của một thương nhân giàu có người Arập. Không chỉ riêng tôi mà nhiều người tham quan chắc cũng có cùng suy nghĩ: trong khu phố cổ không tòa nhà nào giống tòa nhà nào, mỗi nhà đều có một điểm gì đấy khác biệt. Đây cũng là một nét độc đáo trong kiến trúc của Odessa. Rảo bước theo con phố Puskin đến đoạn cắt với phố Bunhin, chúng ta bắt gặp Nhà hát giao hưởng quốc gia Odessa (trước đây là tòa nhà của Sở chứng khoán). Đây là một công trình kiến trúc được trang trí bằng những bức tranh bích họa, những bức phù điêu đắp nổi và một số lượng rất lớn những cửa kính bán nguyệt đủ màu sắc… Trên phố Puskin hiện diện bức tượng cao bằng người thật của nhà thơ Nga vĩ đại với chiếc batoong sau lưng. Thấy tôi đưa tay lên vuốt cán của chiếc gậy bằng đồng đã lên nước sáng bóng, một ông già đang tưới cho mấy luống hoa ở cạnh đó bước lại nói: “Chiếc gậy bằng đồng đó khiến tôi mất ăn mất ngủ đấy. Đã hai lần bị kẻ trộm cuỗm mất. Cuối cùng, sợ bị đuổi việc, tôi đã hàn chặt nó vào với tay của nhà thơ. Hồi nhỏ, tôi không thích thơ Puskin và bị điểm kém về môn văn, khi về già suýt bị mất việc vì cái batoong của nhà thơ”.


Đeribasovski là tên của con phố nổi tiếng nhất Odessa, cũng là tên của người đầu tiên đã có công đặt nền móng xây dựng thành phố. Đây là phố chỉ dành cho người đi bộ. Nếu ai đã từng tới Pari thì sẽ có cảm giác con người cũng như sinh hoạt của con phố này chẳng khác gì một con phố ở quận 13: Cũng vẫn cái vẻ thanh bình pha chút uể oải kiểu nghệ sĩ, những dãy hàng quán cà phê chạy sát ra tận lề đường và chìm mình dưới bóng những cây sồi cổ thụ hàng trăm tuổi. Khác với nhiều thành phố khác của Ucraina, quán xá ở đây làm việc gần như thâu đêm. Cũng trên phố này còn có một số tượng đài mang tính chất biểu tượng của thành phố: Tượng đài đôi sư tử, tượng đài 12 chiếc ghế (lấy từ tiểu thuyết trào phúng nổi tiếng cùng tên của Ilf và Petrov), tượng đài của công dân danh dự, diễn viên kiêm ca sĩ Leonhid Utesov.

Vừa đi hết đoạn cuối của phố Đeribasovski, nhìn chiếc đồng hồ trên cửa của một hiệu bán đồ lưu niệm, tôi bỗng nhớ ra cuộc hẹn từ trước với một người Việt Nam nổi tiếng nhất thành phố Odessa - ông Nguyễn Văn Khanh - Bác sĩ Công huân của Ucraina. Tôi vội rảo bước đến ngay bến xe buýt ở bên trái Nhà hát Opera Odessa, một trong hai nhà hát còn lại được xây theo kiểu kiến trúc baroc của Viên. Mặt tiền của nhà hát được trang trí bởi các pho tượng theo huyền thoại Hy Lạp và phía trước là hàng tượng bán thân của những nhà văn Nga nổi tiếng: A.Puskin, M.Glinka, A. Griboedov, N. Gogol. Nơi bác sĩ Khanh làm việc là một tòa nhà cũ kĩ hai tầng, vôi vữa tường lở lói, chắc đã lâu không được sửa chữa. Nhìn thấy tôi, anh bảo vệ không cần nghe câu hỏi, chỉ tay qua ô cửa sổ nhỏ, nói ngay:

- Đến bác sĩ Khanh phải không? Đi thẳng, rẽ tay phải và lên tầng hai!

Chắc hẳn, rất nhiều người Việt Nam tại Odessa khi ốm đau đã đến đây nhờ vị bác sĩ này. Khu bệnh viện giải phẫu lồng ngực đang tiến hành sửa chữa nên bàn ghế, giường tủ… xếp ngổn ngang ngoài hành lang. Đứng trước cánh cửa sơn trắng với tấm biển bằng đồng in chữ nổi: “Trưởng khoa Ngoại, Phó tiến sĩ khoa học, Chuyên gia phẫu thuật cao cấp”, trong lòng tôi không khỏi dâng lên cảm giác tự hào về người đồng hương Việt Nam vì tôi biết rằng để thành đạt được trên mảnh đất còn mang nặng tính dân tộc chủ nghĩa này, để được đồng nghiệp tôn trọng, nể phục, hơn nữa được Tổng thống Ucraina vinh danh là một việc không hề đơn giản chút nào. Đây không phải là kết quả của một hành động anh hùng nhất thời, không phải sự thành công của một doanh nhân gặp vận may phất lên. Trước hết, đây là tài năng, là sự khổ luyện công phu ngay từ khi còn ngồi trên ghế sinh viên y khoa, là những năm tháng âm thầm lao động thực tế tại các bệnh viện, là sự đối mặt hàng ngày với nỗi đau và cái chết của đồng loại…

Sau mấy tiếng gõ cửa rụt rè của tôi, cánh cửa phòng bật mở. Đứng trong khung cửa là một người đàn ông có tầm vóc nhỏ nhưng rắn rỏi, cặp mắt thông minh ẩn sau cặp kính trắng và mái tóc đã bạc nhiều. Chúng tôi bắt tay nhau và tôi đi thẳng luôn vào vấn đề chính mà mình quan tâm:

- Biết bác sĩ rất bận, nên tôi chỉ dám làm phiền 30 phút. Thú thật, tôi không hình dung ra phòng làm việc của một bác sĩ Công huân Ucraina lại khiêm tốn như thế này. Thưa bác sĩ Nguyễn Văn Khanh, việc ông là người Việt Nam đầu tiên được phong danh hiệu cao quí “Bác sĩ Công huân Ucraina” do Tổng thống Ucraina tặng khiến tôi nhớ đến câu chuyện của bác sĩ Hồ Đắc Di thời Pháp thuộc, người Việt không được quyền mổ người Tây, bác sĩ Di là người Việt đầu tiên làm việc này. Ông có thể cho biết những cảm nhận của người bệnh là “ông bà Tây” khi bác sĩ cầm con dao mổ là người Việt đến từ một đất nước còn nghèo nàn và lạc hậu?

- Bệnh viện luôn luôn tạo điều kiện cho người bệnh được quyền chọn bác sĩ phẫu thuật cho mình. Việc họ chọn tôi là do sự mách bảo của những bệnh nhân từng được tôi phẫu thuật. Ở các nước tư bản chủ nghĩa không có sự lựa chọn này. Theo tôi, vấn đề sắc tộc ở đây không có chỗ đứng, người bệnh cần một bác sĩ có tay nghề cao chứ không phân biệt là người Xlavơ, Việt Nam hay châu Phi.

- Đâu là nguồn động lực thúc đẩy ông đạt được danh hiệu cao quí này, một danh hiệu mà đến các bác sĩ người bản xứ còn phải mơ ước? Phải chăng lòng tự trọng dân tộc bị thách thức?

- Hai chữ Việt Nam luôn luôn gắn liền với tôi từ khi bắt đầu bước chân vào giảng đường Đại học Y khoa Odessa. Đối với người dân ở đây, Việt Nam gắn liền với chiến tranh, nghèo nàn và lạc hậu. Con đường duy nhất mà tôi đã tâm niệm và theo đuổi từ khi còn là một cậu học trò nghèo của trường chuyên toán Thanh Hóa là con đường học vấn. “Dao có mài mới sắc, người có học mới khôn”. Nhờ có những thành tích học tập tốt trong những năm đại học nên sau khi ra trường việc tìm chỗ làm cũng thuận lợi hơn. Chính vì là người Việt Nam nên tôi thấu hiểu và tâm niệm rằng, để thành công mình phải nỗ lực, cố gắng gấp đôi người bản xứ.

- Để đạt được danh hiệu cao quí “Bác sĩ Công huân”, chắc chắn ông đã có những đóng góp không nhỏ cho nền y học Ucraina?

- Tôi không có phát minh sáng chế nào cả. Trước tiên đó là sự đánh giá quá trình đóng góp cho sự nghiệp y tế Ucraina trong suốt hơn 25 năm qua, sau đó là đề nghị của tôi áp dụng một cơ chế mới trong Viện Lao giúp tiết kiệm được nhiều tiền cho nhà nước và chính người bệnh, đó là tiến hành mổ các bệnh ngoại lao ngay tại Viện Lao Odessa, mổ nội soi cho các bệnh nhân ngoại lao cũng tại bệnh viện này. Danh hiệu này có giá trị về mặt tinh thần nhiều hơn là vật chất, được thưởng một khoản tiền và được tăng 20% lương. Chế độ hưu trí cũng được quan tâm hơn, đặc biệt nếu muốn mở phòng mạch tư thì không cần xin giấy phép hành nghề của Bộ Y tế.

- Xin ông cho biết đôi nét về bức tranh toàn cảnh của ngành y tế Ucraina theo con mắt của mình?

- Tôi là người sống qua hai thời kì: xã hội chủ nghĩa của Liên Xô cũ và Ucraina độc lập phát triển theo hướng kinh tế thị trường hiện nay. Thực sự là ngành y tế Ucraina đang lâm vào một cuộc khủng hoảng sâu sắc trước sự đổ vỡ của một hệ thống các giá trị trước đây. Xã hội cũng như trong ngành y tế thiếu hẳn những chuẩn mực về đạo đức. Hay nói cụ thể hơn, có đến 80% bác sĩ bây giờ làm việc chỉ vì đồng tiền và từ đây đẻ ra mọi tệ nạn xã hội bê bối trong ngành. Bộ máy hành chính quan liêu vẫn còn rất nặng nề, giấy tờ sổ sách chồng chéo, phiền hà… Song, cái mà tôi cho là tệ hại nhất là sự khủng hoảng lòng tin vào con người, vào chính quyền, vào tương lai của bản thân và đất nước.

- Ông có thể chia sẻ với bạn đọc một kỉ niệm sâu sắc nhất trong cuộc đời hành nghề bác sĩ trên mảnh đất Ucraina, được không?

Bác sĩ Khanh ngả người ra sau ghế và tháo cặp kính trắng ra dụi mắt. Không khí trong phòng chùng hẳn xuống, nghe rõ tiếng con ong đất ri ri ngoài cửa sổ. Tôi hiểu rằng, 25 năm là khoảng thời gian dài biết bao biến cố và sự kiện trong công việc thực hành bề bộn và vất vả của một bác sĩ phẫu thuật. Vài phút im lặng trôi qua, ông đứng dậy và bước lại bên cửa sổ nhìn ra đường…

- Anh đã bao giờ phải đối mặt với một đôi mắt trẻ thơ tuyệt vọng đang gào khóc cầu xin giúp đỡ mà mình lại bất lực chưa? Tôi đã làm hết khả năng của mình nhưng không cứu được người phụ nữ đó. Đến tận bây giờ, tôi vẫn còn trông thấy và nghe thấy đôi mắt cầu xin và tiếng kêu cầu cứu ấy: “Bác sĩ ơi, cứu mẹ cháu với!”. Đôi mắt ấy ám ảnh tôi nhiều năm trời, nó làm tôi suy nghĩ rất lung về sứ mệnh của người bác sĩ và ý nghĩa của cuộc sống. Luôn phải tiếp xúc và chứng kiến bệnh tật và cái chết của con người nên tôi rất yêu quí cuộc sống và nâng niu trân trọng từng khoảnh khắc mong manh của nó…. Nói đến đây, ông đưa tay mở mạnh cánh cửa làm ùa vào căn phòng nhỏ yên tĩnh những âm thanh náo động và cái không khí nóng ẩm kiểu nhiệt đới của một thành phố biển chứa đựng trong mình nhiều di tích và huyền thoại.

Tôi biết bác sĩ Khanh là người rất am hiểu về văn học thi ca Nga, ưa thích âm nhạc cổ điển và là một người chơi piano nghiệp dư có đẳng cấp. Ánh mắt tôi bắt gặp trên giá sách cuốn “ Bông hồng vàng” của K. Paustovski, nhà văn mà tôi yêu thích thời sinh viên. Tôi bước lại và xin phép được xem ấn bản in rất cũ, khoảng những năm 60 của thế kỉ trước. Bác sĩ Khanh đặt cốc trà lên bàn và nói bằng giọng vẫn còn đậm chất Thanh: “Cách đây mấy hôm, Bảo tàng Paustovski ở Odessa có tổ chức lễ tưởng niệm 42 năm ngày mất của nhà văn. Nghề văn và nghề y gần gũi nhau, cùng đối tượng nghiên cứu và phục vụ là con người. Nghề y là thể xác, còn nghề văn là tâm hồn. Nếu anh có thời gian nên ghé qua thăm nơi sống và làm việc của Paustovski trong thời gian 1919 - 1922, cũng gần đây thôi, đầu tiên là đến Cầu thang 192 bậc nổi tiếng Pochiômkin và từ đó đi bộ dọc theo phố Biển Đen, nhà số 8”.


Tôi đứng trên đầu cầu thang và đưa mắt nhìn xuống những bậc thang huyền thoại màu xám đã bị rêu phong bởi thời gian, nắng và gió biển Đen. Xa hơn một chút, toàn bộ khu cảng chính phơi mình lồng lộng dưới ánh mặt trời phương Nam như bộ ngực trần nở nang của chàng lính thủy. Đây là một di tích nổi tiếng thế giới và đã đi vào lịch sử văn hóa của đất nước nhờ những bài ca, trường ca, tiểu thuyết và phim ảnh kể từ khi được khởi công xây dựng từ năm 1825 theo đơn đặt hàng của Công tước Voronsov để làm quà tặng cho vợ là Elizabet. Cầu thang đã chứng kiến bao sự kiện thăng trầm của lịch sử Nga, chính vì thế mà cũng được thay tên đổi họ đến bốn lần. Nó thực sự nổi tiếng thế giới nhờ bộ phim “Chiến hạm Pochiômkin” của đạo diễn Xôviết lừng danh Xergây Endenstanh vào năm 1925. Nhà đạo diễn điện ảnh thiên tài của Liên Xô đã làm cho bộ phim trở thành kiệt tác bất hủ của nhân loại nhờ những cảnh quay diễn ra trên cầu thang này. Chính bộ phim đã khiến người ta quên luôn những tên gọi trước đây của cầu thang này và gọi nói là Cầu thang Pochiômkin.

Phố Chernomorski kề ngay sát mép biển, nhỏ hẹp và yên ả. Hai bên đường trồng những loại cây lá giống như cây phượng tím. Đây là một ngõ phố thì đúng hơn vì chỉ còn lại vẻn vẹn bảy ngôi nhà đã cũ. Bảo tàng Paustovski được thành lập năm 1998 theo sáng kiến của “Hội những độc giả yêu thích Paustovski” tại ngôi nhà mà nhà văn đã sống những năm 1919 - 1922. Chính tại ngôi nhà thấp bé, với những căn phòng nhỏ hẹp này, những tác phẩm hay nhất viết về biển và thành phố Odessa đã ra đời. Tôi cảm động đến trào nước mắt khi ngắm nhìn những đồ vật sử dụng hàng ngày của nhà văn mà mình ngưỡng mộ: cái lò sưởi bằng gang cũ kĩ, chiếc bàn là sắt bé như bàn tay, bộ ấm chén bằng gốm và cứ đi quanh ngắm nghía mãi chiếc máy đánh chữ cổ lỗ sĩ đã han gỉ. Đồ nghề của một Nghệ Nhân Chữ bậc thầy thật giản dị nhưng cũng vô cùng huyền bí. Tranh thủ lúc bà trông coi bảo tàng ra ngoài, tôi khẽ lướt mấy ngón tay của mình lên những phím chữ đã mòn với ý nghĩ mê tín rất trẻ con là “ma lực văn” của ông sẽ truyền vào tay mình.

Bảo tàng này là chi nhánh của Bảo tàng văn học Odessa (hầu hết các nhà văn lớn của Nga đều có thời gian sinh sống và làm việc tại đây), nơi gìn giữ những bản thảo đầu tiên của các tác phẩm viết về biển, về thành phố của Paustovski mà đỉnh cao là truyện vừa “Thời khát vọng”. Chính tại đây, các nhà văn Nga cùng thời đã thành lập câu lạc bộ những người viết văn trẻ “Dưới gốc cây táo” mà người khởi xướng là Paustovski, Isac Bebel và Isac Livsixa. Thật khó diễn tả được cảm xúc khi nâng niu trên tay bản in đầu tiên cuốn Bông hồng vàng” với lời đề tựa trên trang nhất bằng kiểu chữ tiếng Nga cổ: “Chỉ có văn học không thừa nhận cái chết” của nhà văn Nga Santưkov-Sedrin và “Cần phải luôn luôn hướng tới cái đẹp” của đại văn hào Pháp O. Banzak. Ông V. Glusakov - Giám đốc Bảo tàng chỉ cho tôi bông hồng bằng đồng để trên nắp chiếc đàn piano ở góc phòng và nói: “Một nghệ nhân Odessa đã đúc bông hoa hồng kia và gửi tặng nhà văn. Mỗi người dân Odessa đều tìm thấy trong tác phẩm của ông một cái gì đó của mình, gần gũi, ruột thịt”. Những trang sách về biển của Paustovski đã dẫn dắt ông - trước đây vốn là một thủy thủ tới bảo tàng này và ông quyết định dành phần đời còn lại cho sự nghiệp bảo tồn và gìn giữ di sản của một bậc thầy văn chương thế giới…

Nếu một lần đặt chân lên thành phố biển Odessa, có thể bạn sẽ không bị níu giữ bởi vẻ đẹp hiện đại, lộng lẫy hay cổ kính, trầm tư như các thành phố lớn khác trên thế giới mà bạn sẽ bị mê hoặc bởi những dấu chân của các nghệ sĩ, nhà văn nổi tiếng trên thế giới - đã từng lưu lại đây - làm cho Odessa có một bản sắc riêng không thể trộn lẫn được.


(Các ảnh trong bài: chụp lại từ bài đăng trên Tạp chí Đối ngoại)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét