27/11/09

Cần họp mặt

vn.hanoi: Danh sách TTST BND hiện là 130 ng`. Trong đó có 83 ng` ở Hà Nội, 24 ng` ở TP.HCM, 18 ng` ở nơi khác và chưa tìm ra địa chỉ của 5 ng` còn lại.

Vừa qua, nhân dịp sắp bước sang năm 2010, nhiều thành viên có đề nghị TTST BND tổ chức họp mặt. Ngoài ra, một số ý kiến nhắc lại việc cần tích cực tham gia ghi chép những kỷ niệm thời sơ tán, nhằm trước mắt đóng góp bài viết vào blog ttst bnd, sau đó là để thu thập tư liệu chung cho Trại trẻ Sơ tán Báo Nhân Dân.

Để các bạn tiện theo dõi, chúng tôi tập hợp lại dưới đây. Xin mời mọi người tiếp tục đóng góp ý kiến, qua điện thoại về Ban Liên lạc hoặc e-mail về Ban BT Blog.


----------------------------------------
Từ: Nguyễn Hồ Nguyên
(ý kiến cuối bài đăng "Bánh tôm Hồ Tây")

Sắp đến Tết Tây, và cả Tết ta rồi, tôi đề nghị Ban Liên lạc TTST Báo ND tổ chức họp mặt tất niên với toàn thể anh chị em TTST Báo ND ở Hà Nội là hay nhất, hoặc chia làm hai nhóm họp mặt ở Hà Nội và ở HCMC để các anh chị em TTST BND có dịp gặp gỡ, trao đổi tâm tình và thông báo hoạt động của Ban Liên lạc, nhất là hoạt động của trang blog TTST BND, cầu nối gặp gỡ trao đổi thông tin.

Biết là Ban Liên lạc sẽ vất vả nhiều, nhưng hãy cố gắng lên. 

----------------------------------------
Từ: Hoàng Tuấn Vũ
(nhân xem bài đăng "Cối xay gió quay về hướng nào?")

Anh Dân thân mến, những bức ảnh của thời đạn bom làm em rất xúc động và nảy ra ý tưởng muốn viết một cuốn sách về chiến tranh Việt Nam thông qua đám trẻ sơ tán của Báo ND. (Giọt nước nhưng vẫn phản chiếu được cả đại dương). Đấy mới là ý tưởng thôi, còn có viết được hay không lại còn phải nhờ các cụ phù hộ độ trì. Bởi vậy,  em muốn nhờ sự giúp đỡ của anh thông báo cho tất cả các thành viên của Blog viết các khúc hồi ký còn nhớ lại được về trại trẻ gửi về làm thành một cái gọi là thư viện. Trên cái chất liệu sống đó, em sẽ hư cấu thành một cuốn sách về Chiến tranh Việt Nam. Cách đây mấy tháng, bên này trên Vô tuyến họ có quay lại những phóng sự về chiến tranh Việt Nam trong góc nhìn của các Cường quốc thế giới. Xem mới thấy đất nước Việt Nam của mình không may mắn bị rơi vào vị trí làm thớt cho các siêu cường nó băm nó chặt. Những đưa trẻ như anh em mình thời đó là nạn nhân đáng thương hơn cả.

Anh có thêm ý kiến gì cho em biết với nhé!
Hoàng Tuấn Vũ
(Thằng thứ hai nhà em xem ảnh và nói là bố xấu trai hơn nó, thằng này nói được tiếng Việt)

---------------------------------------------
Từ: Hiếu Dân

Ý Vũ đưa ra rất hay. Quan trọng hơn nữa là cần mọi người chịu khó ghi chép lại. Còn việc tập hợp thì dễ hơn. Sau đó tùy khả năng, như Vũ mà dùng làm tư liệu viết được thì tốt quá.

Mừng vì có nhiều người nghĩ giống nhau, như Nam, Phong, Lưu Bình v.v...
Ý tưởng này đã từng có ở đây, trên blog:
"Best selling book", sách bán chạy nhất

Nhưng chưa mấy ai "chịu khó".

---------------------------------------------
Từ: Hoàng Tuấn Vũ
(ý kiến cuối bài đăng "Cối xay gió quay về hướng nào?")

Theo em các anh nên cho mọi người một cái hạn để nộp bài, ai không nộp sẽ bị "phạt". Chứ không thì ngày nối ngày, ai cũng công trên việc dưới, khó mà bắt đầu được.
H.T.V

---------------------------------------------
Từ: Hiếu Dân
(ý kiến cuối bài đăng "Cối xay gió quay về hướng nào?")

Quyết liệt như Vũ đề xuất thì mới được việc.

Nhưng mà số người thường xuyên theo dõi tình hình trên blog của hội TTST BND cũng không nhiều (có lẽ chỉ vài người).

Vì thế cho nên phải có buổi họp mặt chung rồi kêu gọi ai viết được thì viết để đóng góp vào, trước mắt là cho blog, sau đó là cho tập sách nếu có thể :-((

---------------------------------------------
Từ: Nguyễn Hồ Nguyên
(Trích ý kiến cuối bài đăng "Cối xay gió quay về hướng nào?")

Thật thú vị khi thấy được một Vũ Tuấn Hoàng qua hai búc ảnh chụp cách xa nhau hàng chục năm trời. Ngày xưa ấy làm sao mà biết được cậu bé đó sẽ là người viết văn, trẻ trung và đẹp trai, được đi đó đây và viết sách… Nhiều bạn trong Trại trẻ Sơ tán của Báo ND chúng ta, mỗi con người một số phận rất khác nhau, như chính đất nước ta cũng từng bước lớn lên, phát triển và tự hoàn thiện mình vậy. Tôi rất tán thành ý tưởng viết truyện về trại trẻ sơ tán, đề nghị Ban Liên lạc khẩn trương vận động mọi người tham gia kể chuyện, viết bài, gửi ảnh để làm tư liệu, liên lạc với các bạn ở xa hưởng ứng kể chuyện về bản thân mình trong trại sơ tán và sau này. Một điều nên làm là tổ chức những buổi gặp gỡ các bác, các cô, các chú trong Tòa soạn ngày ấy, những người phụ trách trại trẻ ngày ấy, và cả các bậc phụ huynh của chúng ta nữa. Biết là rất khó, nhưng không phải là không làm được.
...

---------------------------------------------
Từ: Hiếu Dân
(ý kiến cuối bài đăng "Cối xay gió quay về hướng nào?")

Mong sao mọi người dành được thời giờ để mỗi người viết một hoặc vài câu chuyện sâu sắc về thời ở Trại trẻ Sơ tán (như lời kêu gọi ở "Thông báo về phiếu thu thập tư liệu" từ ngày 05/10/2007 trên blog.

Việc tổ chức những buổi gặp gỡ các bác, các cô, các chú trong Tòa soạn đã tham gia phụ trách Trại trẻ ngày ấy, và gặp mặt cả với các bậc sinh thành của chúng ta nữa, thì gần đây được các thành viên TTST BND nhắc tới rất nhiều trong các buổi họp mặt mà mình được tham dự. Kinh phí đóng góp không phải là vấn đề khó, cái chính là tổ chức được các buổi gặp này càng đông đủ càng tốt.

Bị vứt vào cõi đời

TTST BND: Truyện của Vũ Tuấn Hoàng đã được đăng trên hoinhavanvietnam.vn từ 04/4/2009 (có thể bấm vào đường dẫn trên để xem toàn bộ trên trang gốc), gồm 43 phần. Câu chuyện là "về cuộc sống của người Việt tại Liên Xô cũ". Chúng tôi sẽ đăng lại lần lượt trong 3 kỳ.

1

Biển động. Đêm về khuya đen kịt và chứa đựng nhiều điều bất ngờ. Gió giật từng cơn khiến hàng dừa dọc bờ biển đầu tóc rũ rượi. Những sợi dây cao thế trên không thỉnh thoảng lại chập điện tóe ra những tia lửa xanh lét. Tiếp đó là những ánh chớp loằng nhoằng làm rạn nứt bầu trời thành phố Nha Trang. Chớp biển như dựng lên từ phía những hòn đảo tối sẫm xa xa phía ngoài khơi và kèm theo là tiếng sấm rền vang như thể ông trời trong cơn thịnh nộ đã lăn những tảng đá khổng lồ từ trên đỉnh những ngọn núi ngoài đảo Hòn Tre, Hòn Né... xuống các phố, các ngõ hẻm vốn êm đềm hiền hòa này. Ngoài đường, các cửa hàng cửa hiệu đã đóng kín bưng, chỉ lác đác vài hàng cà phê vẫn sáng ánh đèn màu nhấp nháy hắt ra ngoài hè đường ướt nước mưa bóng loáng. Thỉnh thoảng lại có chiếc ô tô chạy thục mạng trên đường, quét đèn pha soi rõ những hạt mưa rơi xiên xiên. Một anh xích lô vẫn gò lưng đạp, mặc cho mưa gió điên đảo. Dưới mái hiên của một ngôi nhà đã đóng cửa tắt đèn, một gia đình hành khất nằm nép sát vào nhau dưới một tấm vải ni-lông căng phồng vì bị gió thổi. Từ đó vẳng ra tiếng trẻ con khóc và tiếng của người mẹ cố nựng con, thỉnh thoảng lại bị át đi bởi tiếng sấm hoặc tiếng xe ô tô chạy ngang qua...
Có rất nhiều đồ vật bị chìm sâu hàng thế kỷ dưới đáy đại dương, nhưng chỉ sau một cơn giông tố đã bị sóng xô dạt lên bờ. Và cơn giông tố đó đã đổ bộ lên bờ biển Nha Trang...

2

Lan Hương đứng bên cửa sổ căn phòng ngủ trên tầng hai của tòa biệt thự và nhìn ra ngoài đường qua lớp kính nhoà nước mưa. Khuôn mặt chị có nét gì đó u buồn, nhưng phải nói tạo hóa đã khá hào phóng khi ban tặng cho người đàn bà này những đường nét hài hòa, mặc dù đã ngoài bốn mươi, có hai mặt con rồi, trông vẫn rất trẻ trung và gợi cảm. Có thể cuộc sống sung túc, nhàn hạ khiến con người ta trẻ lâu chăng? Đấy cũng là ý kiến chung của bạn bè và nhân viên trong Tổng công ty mà chồng chị làm giám đốc. Còn anh Trọng, trước mặt bạn bè, không chút che giấu vẻ hãnh diện có một người vợ xinh đẹp, tốt tính. Cả thành phố Nha Trang này đều biết đến gia đình họ cũng là một lẽ hiển nhiên. Trai tài gái sắc, con cái học hành giỏi giang. Gia đình họ đúng là hình mẫu lý tưởng cho đám thanh niên mới lớn noi theo. Nhưng để có được một cơ ngơi như bây giờ chính là nhờ công sức của hai chục năm lăn lộn, lao tâm khổ tứ từ hai bàn tay trắng. Cả hai đều không phải là dân gốc ở đây. Anh Trọng học đại học ở Liên Xô cũ, tại Saint Petersburg. Họ quen nhau ở bên đó, cưới nhau bên đó và về Nha Trang lập nghiệp.
Đúng lúc Lan Hương nhìn thấy chiếc xe Toyota của chồng phanh lại trước cổng thì cánh cửa sổ thông ra ban- công của phòng khách bị gió lớn thổi bật tung ra. Gió biển, nước mưa thốc vào nhà, hất đổ bình hoa còn lại từ hôm sinh nhật chị để trên chiếc bàn lớn ngay giữa phòng. Chiếc bình hoa bằng gốm lăn mấy vòng trên bàn rồi rơi xuống nền đá hoa vỡ tan. Lan Hương mở cửa chạy vào, loay hoay mãi một lúc sau cô mới đóng được cánh cửa sổ bị tung ra. Người cô ướt sũng nước mưa, mái tóc bết cả lại. Cô bần thần đứng nhìn quang cảnh đổ vỡ trong phòng. Những bông hoa hồng Đà Lạt nhàu nát nằm trong vũng nước trên sàn nhà. Từ bức tường đối diện cửa sổ, khung ảnh cưới của hai vợ chồng chụp tại Cung điện mùa hè ở Saint Petersburg trong tuần trăng mật bị rơi xuống nền nhà vỡ tan tành.
Trọng bước vào. Khuôn mặt đang hớn hở, nhưng vừa nhìn thấy vợ và khung cảnh trong phòng thì bỗng trở nên hốt hoảng lo lắng. Anh chạy đến:
- Có chuyện gì đấy em? - anh quẳng chiếc cặp da đen lên bàn. - Người em ướt hết cả rồi kìa, thay ngay ra không cảm bây giờ.
- Có gì đâu mà anh cứ cuống lên như thế. Cái chốt cửa sổ bị hỏng, gió thổi bật tung ra. Bão lớn quá.
- Nó còn kéo thêm mấy hôm nữa cơ đấy.
Trọng chạy vội sang phòng bên và quay lại ngay lập tức với chiếc áo khoác bằng lụa sa tanh màu tím trên tay.
Anh mở cửa buồng tắm và nhìn vợ đang đứng dưới vòi hoa sen. Ở ngay nơi cổ, phía dưới dái tai một chút, Lan Hương có một cái bớt nhỏ màu hồng hồng có hình dáng như một cái lá nho. Đối với Trọng, thật khó hình dung ra vợ mà thiếu miếng bớt nho nhỏ đó. Sống với nhau đã gần hai chục năm, nhưng mỗi lần đứng ngắm nhìn vợ khỏa thân, bên cạnh những ý nghĩ vui vẻ tươi sáng, trong veo như bầu trời mùa thu, bỗng bất chợt từ đâu kéo tới những ý nghĩ u ám như những đám mây đen nặng trĩu xuất hiện ở đường chân trời. Trong đầu anh lại hiện lên những hình ảnh không thể nào quên của buổi đầu làm quen hết sức tình cờ ấy...
Chỉ còn một tiếng nữa là đến giờ khởi hành của đoàn tàu Matxcova - Saint Petersburg. Chàng sinh viên năm thứ năm là Trọng lúc đó ngồi thu mình trong chiếc áo pan-tô mùa đông to sụ trên chiếc ghế của phòng chờ đông người. Anh nóng lòng chờ đợi tiếng loa thông báo số đường ray của đoàn tàu này. Mắt anh lơ đãng ngắm nhìn những người đang ngủ gà ngủ gật trên các dãy ghế. Cách đó không xa là cả một gia đình người Digan, hai vợ chồng và một đàn con lít nhít trải chăn đệm ra sàn ga ngủ ngon lành. Đúng lúc đó, một nhân viên cảnh sát to cao đi ngang qua trước mặt anh và sau anh ta là một cô gái thoạt nhìn thì biết ngay là người Việt Nam, bởi vóc dáng nhỏ bé và gương mặt Á Đông đặc trưng, mặc dù ở Matxcova có rất nhiều người châu Á. Trông dáng vẻ của cô gái có gì đó rất đáng thương, hình như cô đang vừa đi vừa phân bua điều gì đấy với viên cảnh sát khổng lồ. Vì ngồi khá xa, lại bị bao âm thanh ồn ào của nhà ga át mất nên Trọng không nghe thấy cô nói gì. Nhưng có một sức mạnh vô thức nào đó đã thúc đẩy anh đứng dậy (Sau này, nhiều lần anh vẫn tự ngẫm: nếu lúc đó anh cứ ngồi im hoặc mải đọc cuốn sách mang theo mà không nhìn thấy cô, thì cuộc đời anh ắt hẳn đã ngoặt theo một hướng khác) và đi theo hai người. Viên cảnh sát nhìn thấy Trọng, bèn dừng lại và hỏi giật giọng:
- Lại còn ông tướng này nữa, có giấy tờ tùy thân không?
Trong lúc đôi mắt xanh của viên cảnh sát sục sạo săm soi các con dấu ở cuốn hộ chiếu của Trọng thì Trọng và cô gái đã kịp trao đổi với nhau dăm ba câu.
- Em từ thành phố Lugansk lên Matxcova, trên tàu bị kẻ cắp lấy mất chiếc túi trong có cuốn hộ chiếu, em cũng chẳng biết giải thích ra làm sao.
Vừa nhìn vào gương mặt của cô gái, trái tim trong lồng ngực Trọng đập rộn lên một niềm vui khó tả. Anh cảm thấy tự tin và mạnh dạn hẳn lên khi bước lại gần viên cảnh sát và vỗ vào lưng anh ta:
- Tôi muốn nói chuyện riêng với ông được không? - ánh mắt của Trọng nhìn thẳng vào đôi mắt láu lỉnh của anh ta đầy vẻ ngụ ý. Và thế là hai người bước nhanh về phía phòng trực ban ở cuối gian chờ. Cô gái đứng lại một mình, nhưng cũng chẳng phải chờ lâu, chỉ dăm phút sau, Trọng lại xuất hiện và bước đến phía cô với nụ cười nở rộng trên môi.
Trọng đã hủy chuyến tàu về Saint Petersburg ngày hôm đó, thế là họ đã quen nhau và nhanh chóng trở nên thân thiết trong suốt năm cuối cùng làm luận án. Lan Hương cũng bỏ thành phố L. và chuyển về ở Petersburg với Trọng. Đám cưới của họ diễn ra vào đúng những đêm trắng của thành phố bên bờ sông Neva. Đôi vợ chồng trẻ hưởng tuần trăng mật bằng chuyến du ngoạn tất cả các danh lam thắng cảnh của thành phố được mệnh danh là Vonizo phương bắc. Khi đứng trước kiệt tác “Tình mẫu tử” của danh họa Leonard de Vanci trong viện bảo tàng Ermitaz, Trọng bỗng thấy người vợ trẻ của mình bật khóc. Anh gặng hỏi vì sao nhưng Lan Hương chỉ im lặng, và đó cũng là hôm cuối cùng họ ở nước Nga.
Câu trả lời cho những giọt nước mắt bí ẩn lặng lẽ rơi trên má người vợ vào một ngày băng bắt đầu tan trên sông Neva năm đó, Trọng chỉ biết được sau hai chục năm chung sống, mà cũng do một sự tình cờ ngẫu nhiên của số phận.

Mới đấy mà cũng đã gần hai chục năm rồi. Hai đứa con của họ đã khôn lớn cả. Đứa con trai lớn đang học đại học năm thứ hai, cô con gái năm sau tốt nghiệp phổ thông. Cuộc sống của gia đình họ khá giả, giàu sang và ai cũng nghĩ rằng họ là một cặp vợ chồng hạnh phúc. Cả hai người nhìn về tương lai không thấy phải lo lắng gì, có chăng chỉ là chứng đau khớp của anh Trọng mỗi khi thời tiết thay đổi, và thỉnh thoảng Lan Hương hay bị bệnh mất ngủ làm cho xanh xao đi đôi chút.
- Sao hôm nay anh về muộn thế? - Lan Hương vặn nhỏ tia nước đang phun lên mặt và hỏi, giọng nói pha chút hờn dỗi.
- Tuần tới có đoàn khách của tỉnh K. sang thăm, đây có thể là một cơ hội để cứu Tổng công ty đang ở lúc khốn khó. Lãnh đạo tỉnh họp và yêu cầu những người biết tiếng Nga phải ở trong ban tiếp đón.
- Ở Ucraina sang à? - Lan Hương hỏi và tắt hẳn vòi hoa sen.
- Thành phố công nghiệp ấy rất gần Lugansk là nơi trước đây em ở đó. Em còn nhớ không?
- Em nhớ - cô nói nhỏ nhẹ và gương mặt vụt trở nên ưu tư. - Anh lấy cho em cái khăn bông! Mà thôi, anh vào ăn đi chứ, cơm nước để phần nguội cả rồi còn gì.
- Các con ngủ chưa? - anh Trọng hỏi và bước ra ngoài.
- Anh xem bây giờ mấy giờ, gần nửa đêm rồi còn gì.

3

Lan Hương ngồi xuống chiếc ghế đối diện chồng ở trong bếp ăn. Mâm cơm vẫn còn nguyên. Trọng chỉ gắp mấy cọng rau cải và húp một bát canh cá.
- Anh không đói sao? Chạy cả ngày đến tận đêm hôm mới về mà cũng chẳng ăn uống cho tử tế.
Trọng ngả người ra và với tay lấy chiếc cặp da để trên chiếc ghế gần đó.
- Em xem qua chương trình của đoàn đi, họ có nhiều kế hoạch đáng lưu ý lắm. Thế nào anh cũng tìm được lối thoát cho mình tại Ucraina cho mà xem, có khi phải sang bên đó một chuyến cũng nên. Gần hai chục năm rồi còn gì nữa, trở lại mảnh đất thời thanh niên của chúng ta cũng đầy thú vị đấy chứ?
Lan Hương không trả lời thẳng vào câu hỏi của chồng. Cô cầm tờ chương trình đánh máy kín mít hai trang đưa lên đọc. Không khí trong bếp trở nên im lặng. Bên ngoài cửa sổ gió vẫn lồng lộn, nhưng mưa cũng đã ngớt đi nhiều. Thỉnh thoảng ánh chớp lại nhoáng lên khiến Lan Hương giật mình.
Trọng trầm ngâm nhấp nháp cốc rượu thuốc màu hổ phách, đôi mắt anh nheo nheo có vẻ rất đắc ý. Bất ngờ, anh tợp một hơi hết sạch cả cốc rượu và đứng bật dậy.
- Đây là một cơ hội không thể bỏ qua! Phải khai thông một thị trường mới bằng bất kỳ giá nào - Trọng đi đi lại lại trong căn phòng bếp to rộng đầy đủ tiện nghi hiện đại. Mặc dù phải làm việc từ sáng, nhưng đến bây giờ trông người đàn ông ngoài bốn chục tuổi này vẫn còn tràn đầy sinh lực. Vẻ mặt cương nghị với những đường nét thô to nhưng hài hòa khiến từ người anh toát lên một sức mạnh ý chí lôi cuốn được người nghe.
- Có lẽ, em chỉ có mặt trong buổi liên hoan ca nhạc tổ chức tại phòng hòa nhạc của khách sạn Hòn Ngọc Việt mà thôi - Lan Hương khẽ nói, không ngẩng đầu lên.
- Sao lại thế? Còn buổi tổ chức chiêu đãi của Chủ tịch tỉnh, rồi còn khai mạc triển lãm? - anh Trọng ngồi xuống chiếc ghế bên cạnh vợ. - Tủ quần áo đầy ắp của em bây giờ mới là dịp để mang ra sử dụng, chứ không thì cũng chỉ để cho mối mọt dùng hộ thôi.
- Nhưng anh cũng nên hiểu là hai con đang chuẩn bị thi cuối năm. Chúng cũng cần đến sự giúp đỡ của em chứ? Thôi, anh cứ đi đón tiếp theo chương trình đi, em ở nhà xem qua truyền hình cũng được.
Trọng vòng tay ôm quàng lấy Lan Hương:
- Thôi, bỏ tất cả lại, chúng ta đi ngủ thôi! - nói đến đây, anh bế thốc vợ lên tay. Lan Hương vùng vằng trên tay chồng khiến tờ chương trình rơi xuống, đảo qua đảo lại trong không trung rồi đáp xuống dưới gầm bàn ăn.
- Bỏ em ra đi, để em nhặt tờ chương trình lên đã.
- Cứ để đấy, nó ở trong cặp hay dưới gầm bàn, bây giờ đối với anh cũng đâu có quan trọng.
Anh Trọng bế vợ đi ngang qua dãy hành lang có nhiều cửa sổ về phía phòng ngủ.
- Hôm nay em cảm thấy người không được khỏe, nhức đầu lắm.
Trong bóng tối, hai người nằm quay lưng vào nhau.
Có lẽ, cung cách nằm ngủ của các cặp vợ chồng là cách thể hiện chính xác nhất quan hệ của họ.
Thỉnh thoảng ánh chớp lại lóe lên cùng một lúc trên tất cả các cửa sổ sáng như ban ngày. Ngoài kia, tiếng sóng biển ầm ì dội vào các kè đá bên bờ vẫn dữ dội khiến đêm tối trở nên hoang dã và mông lung hơn.

4

Mọi người bị bất ngờ vì lời phát biểu của ông thị trưởng thành phố K. Nhóm phóng viên báo chí và truyền hình đổ xô lên sát sân khấu vì họ đánh hơi thấy có điều gì đó bất thường đầy thú vị sắp sửa diễn ra. Rất có thể, giá trị của mấy ngày liền đi làm việc cùng đoàn từ sáng sớm đến tối mịt cũng không bằng một chi tiết nhỏ đầy sức lôi cuốn này. Một phóng viên ảnh của báo Lao động đã không khách khí gì, nhảy hẳn lên sân khấu với máy ảnh lăm lăm trong tay trực sẵn.
- Tôi nghĩ đây là món quà vô giá nhất mà chúng tôi mang sang đây để tặng các bạn nhân dịp chuyến đi đầy kỷ niệm khó quên này - nói đến đây, ông Viktor Kovalenko dừng lại, như muốn cố tình kéo dài cái giây phút mà có lẽ ông cho là gây ấn tượng nhất trong buổi hôm nay. Gian phòng hòa nhạc chật kín im phăng phắc. Mọi con mắt đều cố gắng tập trung lên sân khấu chờ đợi. Cuối cùng, ông giơ hai tay về phía cánh gà và từ phía đó, một thiếu nữ cao mảnh khảnh, mái tóc đen dài ngang vai, nhanh nhẹn bước ra, trên tay là cây vĩ cầm. Cô bước lại đứng bên cạnh ông thị trưởng và cúi đầu chào khán giả. Nhiều người quay sang nhìn nhau vẻ phân vân như muốn hỏi: cô gái kia là người Ucraina hay là người Việt Nam nhỉ?
Dường như hiểu được nỗi băn khoăn trong ánh mắt của khán giả ngồi dưới, ông thị trưởng thong thả nói tiếp:
- Cho phép tôi được giới thiệu, trước mặt các bạn đây là nữ nghệ sĩ vĩ cầm tầm cỡ quốc tế Tachiana Nguyễn.
Những tràng vỗ tay rộ lên.
- Nhưng nếu chỉ nhắc đến những giải thưởng quốc tế cao quý mà nữ nghệ sĩ đạt được trong khi cô mới hai mươi tuổi thôi thì sẽ là một khiếm khuyết lớn và cô cũng sẽ không có mặt trong đoàn của chúng tôi hôm nay. Nhưng nếu cô đã phải hoãn chuyến đi biểu diễn ở một số nước Tây Âu để có mặt trong ngày hôm nay, bên bờ đại dương xanh tuyệt vời này, dưới vòm cuốn của phòng hòa nhạc tuyệt vời này, thì chắc các bạn cũng hiểu phải có một nguyên nhân nào đó. Một lần nữa, cho phép tôi được nhắc lại: đây là món quà vô giá nhất mà chúng tôi mang sang tặng nhân dân tỉnh Khánh Hòa nói riêng và đất nước Việt Nam nói chung - ông dừng lại một chút rồi chậm rãi nói rõ từng câu - Trong huyết quản của nữ nghệ sĩ vĩ cầm Tachiana có dòng máu Việt Nam của các bạn! Đông và Tây đã hội tụ trong con người vô cùng duyên dáng và tài hoa này!
Cả hội trường lặng đi một giây rồi đột nhiên vỡ tung trong một tràng vỗ tay làm rung cả cửa kính. Mọi người không ai bảo ai đều đứng dậy để bày tỏ sự mến mộ và cảm tình đặc biệt. Nữ nghệ sĩ cũng vô cùng xúc động, cô quì xuống và đặt tay lên chỗ trái tim mình như muốn đáp lại những tràng vỗ tay kéo dài tưởng như không dứt ấy. Mãi một lúc lâu sau, trong phòng mới lấy lại được không khí im lặng.
- Còn bây giờ, tôi xin nhường lời lại cho Cây Vĩ Cầm Nhiệt Đới! Xin lỗi, biệt danh này của cô không phải do tôi đặt, mà đây là danh hiệu do các nhà báo Ucraina tặng sau khi cô đoạt giải quốc tế trở về - nói xong, ông đi nhanh xuống chỗ ngồi của mình ở hàng ghế đầu tiên.
Còn lại một mình trên sân khấu, nữ nghệ sĩ Tachiana im lặng một lúc lâu, rồi cất giọng nói bằng một thứ tiếng Việt mà tất cả mọi người trong phòng đều phải trầm trồ:
- Trước hết, cho phép tôi được bày tỏ lòng biết ơn đối với đất nước Việt Nam, đất nước đã đem lại cho tôi một hình hài như bây giờ đây. Ở đâu cũng vậy, tôi đều cảm thấy tự hào với diện mạo của mình...
Tay phóng viên báo Tuổi trẻ đã nêu ra một câu hỏi cho nữ nghệ sĩ ngay lúc đó:
- Thưa cô, cô có thể cho biết, má cô hay ba cô là người Việt?
- Mẹ tôi.
- Ba má cô có cùng đi trong chuyến về thăm tổ quốc này không?
Nữ nghệ sĩ hơi cúi đầu im lặng.
- Mẹ tôi mất khi tôi còn bé.
Cả phòng hòa nhạc như nặng trĩu xuống sau câu trả lời của cô.
- Tôi sống với một người mẹ nuôi Ucraina.
Tay phóng viên còn định hỏi tiếp câu gì nữa nhưng một ông trong ban tổ chức đứng sau cánh gà đã giơ tay lên ngăn lại vì thời gian không cho phép. Để đáp lại sự đón tiếp nồng nhiệt của mọi người, nữ nghệ sĩ đã thể hiện một tiểu phẩm ngẫu hứng do chính mình sáng tác với tựa đề: Trở về đất Mẹ. Khi những âm thanh cuối cùng từ chiếc hộp đàn xinh xắn tan biến vào tiếngsóng biển đang rì rào bên ngoài cửa sổ phòng hòa nhạc thì cả hội trường một lần nữa lại chợt im phăng phắc đến mấy giây như bị thôi miên, trước khi vỡ tung ra trong tiếng pháo tay làm cho những chú chim hải âu đang chao cánh trên sóng nước ngoài cửa sổ cũng phải giật mình. Trong số những người được bố trí đem hoa lên tặng các vị khách quý có Lan Hương. Chị ôm trong tay bó hoa lay-ơn tuyệt đẹp và bước tới tặng, rồi ôm hôn nữ nghệ sĩ Tachiana thật thắm thiết. Khán giả phía dưới cũng bắt đầu tản ra về, không để ý đến sự việc xảy ra tiếp theo. Sau khi ôm hôn và nói dăm ba câu chúc mừng với nữ nghệ sĩ, Lan Hương bỗng ngã lăn ra trên sân khấu bất tỉnh nhân sự. Mọi người dìu chị vào phòng sau cánh gà và gọi cấp cứu.
Buổi hòa nhạc kết thúc rất thành công. Nhưng, nó lại là điểm khởi đầu một bi kịch gia đình mà đoạn kết cũng còn ở đâu đó rất xa...

5

Tôi là người trực tiếp giúp cô y tá khiêng chiếc cáng ra xe. Vì tưởng tôi là người nhà của bệnh nhân nên chị y tá ra lệnh cho tôi ngồi bên cạnh chiếc giường trong xe và giữ chiếc ống truyền ôxy. Chiếc xe chuyển bánh và nổi còi chạy ngược lại dòng xe cộ tấp nập trên đường phố Nha Trang đang lúc tan tầm.
Xe mới chạy được mấy phút thì bệnh nhân ú ớ kêu lên mấy tiếng trong cơn mê sảng:
- Trời ơi, con... con tôi!
Một lát sau, đôi mắt chị hé mở, ngỡ ngàng nhìn ra xung quanh như thể chưa hình dung nổi mình đang ở đâu.
- Chị cứ nằm nghỉ đi, chúng tôi đang đưa chị tới bệnh viện.
- Anh là bác sĩ à? - chị hỏi yếu ớt.
- Không, tôi là thành viên trong đoàn khách - tôi trả lời và đưa cho chị chai nước suối. - Chị nên uống một ngụm cho đỡ khát, thời tiết ở đây nóng quá.
- Anh biết cô Tachiana chứ? - chị lại hỏi khẽ sau khi uống một ngụm nước nhỏ.
- Tất nhiên. Cô ấy nổi tiếng khắp Ucraina mà. Hơn nữa, ở bên đó, cô ấy là niềm tự hào của người Việt Nam chúng tôi. Cô ấy có tên Việt Nam là Thảo.
Bệnh nhân im lặng một lúc lâu như đang bận suy nghĩ điều gì đó rất lung. Đôi mắt đẹp ngân ngấn nước mắt của chị nhìn thẫn thờ ra phía ngoài cửa sổ, nhưng tôi dám chắc là chị không nhìn thấy gì.
- Ngày mai đoàn lên đường phải không? - chị lại khẽ hỏi tôi.
- Dạ phải.
Rồi, thật bất ngờ, chị chụp lấy bàn tay tôi và nói bằng một giọng đầy nước mắt:
- Tôi van anh giữ kín việc này cho tôi - vừa nói chị vừa đưa mắt nhìn về phía trước, nơi cô y tá đang ngồi bên cạnh lái xe.
Tôi sửng sốt nhìn người đàn bà mà tôi mới gặp lần đầu tiên này.
- Cô ấy là con tôi - chị òa khóc, hai tay ôm lấy mặt.
Tôi thực sự kinh ngạc, hoặc là tôi nghe nhầm hoặc là người phụ nữ này đã hóa điên rồi.
Nhưng ngay lúc đó, xe cấp cứu dừng lại. Cánh cửa đằng sau bật mở. Đứng bên cạnh cô y tá là Trọng (sau này chúng tôi làm quen với nhau). Anh đang xem ca nhạc dở dang thì có điện thoại cơ quan gọi nên phải đến Tổng công ty ngay lập tức để giải quyết công việc. Lúc anh quay lại thì mọi việc đã xong xuôi. Người ta nói vợ anh bị cảm ngất đi nên phải gọi xe cấp cứu. Thế là anh phóng ngay xe tới đây, vừa đúng lúc.
- Em thấy người thế nào?
- Đỡ nhiều rồi. Đầu óc hơi váng vất thôi.
Tôi và anh Trọng lững thững đi theo sau chiếc cáng trong hành lang bệnh viện. Vừa đi chúng tôi vừa trao đổi mấy câu làm quen. Anh thân mật vỗ vai tôi.
- Vợ chồng tôi đều là dân bên đó, chúng tôi ở Saint Petersburg. Chà, mới đấy mà đã hơn hai chục năm. Tóc bạc hết cả rồi. Anh bạn trẻ đã vợ con gì chưa? Chưa hả?
Bệnh nhân được đưa vào phòng riêng. Chúng tôi nán lại một lúc ở hành lang, rồi tôi cũng xin phép ra về.
- Chú em cầm tiền đi tắc-xi này - anh rút nắm tiền trong túi ra đưa cho tôi. Các doanh nhân lớn chẳng mấy ai dùng ví bao giờ.
Tôi cảm ơn và nói rằng tôi rất muốn được đi bách bộ về khách sạn, vì từ giờ đến bữa cơm chiều, tôi cũng chẳng có việc gì gấp cả.
Tôi lững thững đi bộ trên vỉa hè, hít thở bầu không khí của thành phố biển mà lần đầu tiên được đặt chân tới - một thành phố mà tôi đã từng yêu mến qua những bài hát trữ tình của nhạc sĩ Trịnh Công Sơn. Tôi không khỏi bồi hồi xúc động khi thấy mình đang đặt từng bước chân trên những viên gạch ngay sát bờ biển. Một cảm giác cô đơn bỗng xâm chiếm tâm hồn. Xung quanh, bao đôi trai gái đang ngồi tán chuyện, đang bơi lội, đùa giỡn... Thiên nhiên ở đây thật đúng là để dành cho tình yêu. Đối với những người độc thân như tôi, khung cảnh xung quanh lại càng đào sâu hơn những cảm xúc đang giày vò tâm can. Tôi ngồi xuống một chiếc ghế đá và trong đầu lại hiện lên hình ảnh người phụ nữ nằm trong xe cấp cứu. Khuôn mặt của chị và cô Tachiana cùng một lúc hiện lên trước mắt tôi. Một cái gì đấy còn chưa xác định được giữa họ có những nét hao hao, có thể là đôi mắt, vầng trán hay nét môi... Nhưng chắc chắn người đàn bà đó không thể nhận sằng. Nhưng hai vợ chồng họ... Bằng linh cảm, tôi lờ mờ đoán ra, ở đây ẩn chứa một bi kịch gia đình. Một đồ vật cổ nằm sâu dưới đáy đại dương bị sóng xô dạt lên bờ cát...

6

Tôi vừa ăn cơm chiều xong, đang định ngồi xem tờ báo Thời mới để trên bàn thì chuông điện thoại đổ hồi. Tôi nhận ngay ra đầu dây bên kia là giọng của người phụ nữ ban chiều. Chị muốn được gặp tôi, còn ở đâu thì do tôi tự chọn. Tôi lưỡng lự một lúc rồi nói: “Có lẽ tiện nhất là tại quán bar ngay dưới tầng một của khách sạn nơi tôi đang ở”.
Tôi nghĩ chắc hai vợ chồng chị sẽ cùng đến, nhưng từ chỗ ngồi sau một chiếc bàn con ở trong góc phòng, tôi thấy chị bước xuống tắc-xi có một mình, tay cầm một chiếc túi nhỏ màu xanh lá cây. Tôi vội vàng đứng dậy và bước ra thềm khách sạn để đón chị. Điều đầu tiên tôi nhận thấy là khuôn mặt chị trông xanh xao và đầy vẻ lo âu. Chị nói rằng chồng chị có lời mời tôi đến nhà riêng để làm quen bởi vì rất có thể anh ấy sẽ sang K. công tác trong thời gian tới. Anh rất muốn được nói chuyện hỏi thăm tình hình với một người đã ở Ucraina lâu năm rồi. Hai chúng tôi ngồi xuống chiếc bàn tôi đã đặt trước. Chị Lan Hương gật đầu chào một người quen nào đó ở chiếc bàn đối diện. Tôi rót nước chanh mời chị và tự châm cho mình một điếu thuốc.
- Anh có thích thành phố biển Nha Trang không?
- Hiện nay ở bên đó tuyết đang phủ trắng xóa, còn ở đây là mặt trời nhiệt đới và biển xanh. Thật chẳng khác gì một giấc mơ. Tôi đang ở trong tâm trạng bị sốc vì cảnh đẹp ở đây - tôi nói, đọc được trên khuôn mặt người ngồi đối diện những suy tư không nói ra. - Chắc chị muốn gặp lại cô Tachiana? Tôi có thể gọi điện lên phòng cô ấy ngay bây giờ. Cô ấy cũng vừa đi ăn cơm về xong.
- Có thể anh nghĩ tôi không bình thường, vơ quàng vơ xiên một người nổi tiếng ở mãi tận nửa bên kia trái đất. Nhưng đây là chuyện riêng của đời tôi. Nếu như không có chuyến viếng thăm này thì cho đến lúc nhắm mắt xuôi tay cũng không ai hay biết gì cả... Anh thử đặt vào địa vị của tôi mà xem, còn mặt mũi nào nhận lại đứa con mà mình đã từ bỏ nó khi... còn chưa mọc răng... - nói đến đây, chị bật khóc thút thít. Chị ngồi xoay lưng lại để che những giọt nước mắt cứ trào ra trên má. - Hoàn cảnh lúc đó thật éo le, tôi chỉ mới mười bảy tuổi đầu... Hơn hai mươi năm đã trôi qua, tôi tưởng rằng mình có thể quên được, nhưng mọi thứ cứ sờ sờ hiện ra trước mắt như mới hôm qua vậy. Lúc ôm hôn cô ấy, linh tính đã mách bảo tôi rằng mình đã gặp cô gái này ở đâu rồi. Tôi chết sững người vì nhận ra cái bớt nhỏ trên cổ cô ấy - vừa nói Lan Hương vừa kéo trễ cái cổ áo xuống đủ để tôi nhìn thấy một cái bớt màu hồng hồng trên cổ chị.
- Cô Tachiana cũng có một cái bớt như vậy sao? - tôi hỏi lại và kinh ngạc vì những điều vừa được nghe. - Chị cứ ngồi đây, để tôi gọi cô ấy xuống.
- Tôi van anh - Lan Hương níu cánh tay tôi lại. - Anh cứ ngồi xuống đi, tôi không còn mặt mũi nào để nói chuyện với con tôi đâu. Biết nói gì bây giờ, thương cảm cho những năm tháng nó phải sống một thân một mình hay sao, nhỏ những giọt nước mắt suông cho tuổi thơ không cha không mẹ hay sao? Thực sự là bây giờ tôi sợ gặp mặt nó. Sợ phải nhìn lại cái tội ác mà mình đã trốn tránh cách đây hơn hai mươi năm. Rồi còn gia đình tôi hiện nay, chồng và hai con đã khôn lớn trưởng thành. Họ sẽ nói gì, nghĩ gì về người vợ cũng như người mẹ với tội ác mà tôi đã gây ra. Tôi thật khó sống tiếp quãng đời còn lại khi chồng tôi biết được chuyện này. Anh ấy sẽ không tha thứ cho tôi - nói đến đây, chị ngừng lại một lát. Tôi đặt cốc nước chanh vào tay chị và chị đưa lên miệng uống vô thức như một cái máy.
- Chỉ có điều duy nhất an ủi tôi là nó đã khôn lớn thành người.
- Thành một nữ nghệ sĩ nổi tiếng, xinh đẹp - tôi nói thêm và nhận ra một nụ cười nhợt nhạt nở trên đôi môi của người phụ nữ đã có tuổi nhưng vẫn còn rất duyên dáng đang ngồi trước mặt mình.
Hai chúng tôi im lặng một lúc lâu. Người bạn quen ngồi ở bàn đối diện đã ra khỏi quán từ lúc nào mà tôi cũng không hay. Một cô chiêu đãi viên bước lại và hỏi tôi xem có cần lấy thêm đồ uống gì không. Tôi hỏi Lan Hương nhưng hình như chị không nghe thấy câu hỏi của tôi. Chị ngồi đây, nhưng chắc hẳn suy tư của chị đang trở về với quá khứ hơn hai chục năm trước. Con người ta thật khó dứt bỏ được quá khứ, nhất là những quá khứ đau thương bất hạnh.
- Thôi, xin phép anh, tôi về. Ngày mai tôi sẽ ra sân bay tiễn đoàn về nước. Nhà tôi rất muốn được gặp anh để hỏi han tình hình.
- Tôi có điện thoại của chị rồi, nếu có thời gian, tôi sẽ gọi.
- Mong anh giữ kín câu chuyện ngày hôm nay - chị nói nhỏ khi chúng tôi đã đứng trên bậc thềm của khách sạn.
Trước lúc bước lên chiếc xe tắc-xi đang chầm chậm tiến lại, chị ngoảnh lại nói với tôi, nước mắt rưng rưng:
- Đối với Tachiana, tôi đã chết rồi có lẽ là tốt hơn.
Tôi đứng ngẩn người ra một lúc vì câu nói bất ngờ của chị. Tôi như người đang rảo bước bỗng đứng sững lại vì phía trước chợt mở ra một vực thẳm sâu hun hút không thấy đáy của tâm hồn con người.

7

Tôi đang còn đứng chờ xe ra sân bay ở trước cổng khách sạn thì chợt nghe có tiếng người gọi tên mình. Ngoảnh đầu lại, tôi nhận ra anh Trọng đang ngồi sau tay lái của chiếc Toyota đỗ cách đó không xa. Trên ghế phía sau là Lan Hương. Trọng mở cửa xe và xăm xăm chạy lại phía tôi.
- Lên xe đi, anh chở chú ra sân bay luôn thể! - chẳng đợi tôi trả lời, anh xách luôn chiếc vali con của tôi và đi lại phía xe của mình.
Vừa ngồi vào xe, anh đã hỏi tôi luôn:
- Sao hôm qua không tới nhà anh chơi?
Tôi nhìn vào chiếc gương chiếu hậu và bắt gặp đôi mắt của vợ anh. Chắc anh đang mải tập trung lách chiếc xe trong dòng xe cộ trên đường Trần Phú nên không nhận ra được ánh mắt của chúng tôi. Một sự thỏa thuận ngầm hôm qua vô hình chung đã khiến tôi trở thành kẻ đồng lõa bất đắc dĩ.
- Em có việc bận đột xuất - tôi nói dối.
- Từ giờ đến giờ bay cũng còn đủ thời gian cho một chuyến tham quan bờ biển - anh nói và ngoặt xe vào con đường chạy song song với bờ biển. Gió biển thốc vào xe, xua tan đi cái nóng ngột ngạt.
- Đẹp quá! - tôi bất giác thốt lên. - Ngay cả các bãi biển ở Crưm và Xôchi cũng không sánh được.
- Ấy thế nhưng ý thức về biển của nhiều người mình vẫn còn rất thấp - khuôn mặt nhìn nghiêng của anh trông thật cương nghị. - Chúng ta có bờ biển dài, sự tiếp cận với biển của người dân Việt đã có từ lâu đời, nhưng là một nước đặc trưng canh tác nông nghiệp trong đất liền nên biển cả nhiều khi chỉ là quan niệm về ranh giới, chứ chưa trở thành một vũ đài để phát triển vùng vẫy.
Anh dừng lại một lát rồi nói lớn như đang diễn thuyết trước đám đông:
- Biển cả phải trở thành sự lựa chọn số một cho phát triển kinh tế.
Niềm say mê biển cả của anh dường như cũng lây sang tôi. Từ con người anh toát lên tình yêu nghề nghiệp vô bờ bến. Anh cho xe dừng lại sát bờ biển và chúng tôi cùng nhau bước xuống. Riêng Lan Hương vẫn ngồi lại trong xe. Chị than phiền là hơi nhức đầu, chóng mặt.
- Chúng ta tụt hậu khá nhiều so với thế giới về khai thác biển. Các nước phương Tây, ngay từ thời cổ đại đã có nhiều cuốn tiểu thuyết, nhiều luận văn khảo cứu về biển - làn gió mặn thổi tung mái tóc anh, để lộ ra một vầng trán cao, rộng, ngang bướng - Dù xét về mặt quân sự hay kinh tế, cuộc cạnh tranh trên biển hiện nay thực tế đã trở thành cuộc cạnh tranh khoa học kỹ thuật biển. Nếu khoa học kỹ thuật biển không phát triển thì dù có lãnh hải rộng bao la cũng chỉ biết đứng nhìn và than vãn mà thôi!
- Và trầm trồ khen đẹp nữa! - tôi chêm vào một câu.
Trọng cúi xuống nhặt một con ốc bị sóng biển đánh dạt lên bờ, rồi vừa nói tiếp vừa tung tung nó trong lòng bàn tay:
- Nước Mỹ từ chiến tranh thế giới thứ nhất đến chiến tranh thế giới thứ hai là nước hầu như không có thuộc địa. Nhưng trải qua hơn một trăm năm đầu tư và phát triển, nhất là phát triển khoa học kỹ thuật biển về quân sự, phát triển hải quân hùng mạnh nên Mỹ đã bành trướng ra toàn cầu. Tổng thống Kennedy năm 1961 đã thành lập một số cơ quan cấp bộ, trực thuộc chính phủ về khai thác biển, đồng thời dành kinh phí để tổ chức một ban gồm hơn một ngàn nhà khoa học chuyên nghiên cứu và phát triển biển. Đầu năm 70, nguồn lợi biển mà Mỹ thu về là 30,6 tỷ, tới thập kỷ 80 nguồn lợi này đã lên tới 340 tỷ USD... Chà, mình mà có được... - anh định thốt ra một câu gì đó nhưng không hiểu sao lại thôi.
- Ngắm biển vừa vừa thôi không lại trễ giờ bay đấy - Lan Hương gọi với ra từ trong xe.
Trọng nhìn đồng hồ đeo tay rồi hai chúng tôi rảo bước quay trở lại xe.

8

Mọi cuộc tiễn đưa ngoại giao đều giống nhau. Vẫn là những cái bắt tay xiết chặt, những lời nói hứa hẹn, những nụ cười xã giao. Song, điều tôi được mục kích lại nằm ngoài ống kính của các nhà báo đứng vây quanh các vị khách túm tụm gần thang máy báy. Lan Hương và Trọng, sau khi bắt tay chào tiễn biệt các doanh nghiệp nước bạn, dừng lại trước mặt nữ nghệ sĩ Tachiana. Ánh mắt tôi không rời khuôn mặt của ba người. Có lẽ, tôi là người duy nhất ở đây đang tận mắt chứng kiến một cuộc chia tay kỳ lạ và tôi luôn tự nhủ: trái tim của con người ta chỉ có một nhưng bên trong lại có nhiều vách ngăn đầy trắc ẩn như một mê cung. Sự bình thản trên gương mặt của Lan Hương đứng trước đứa con của mình khiến tôi tự nhiên có ác cảm với chị. Một mối ác cảm hết sức bản năng khi phải chứng kiến sự thờ ơ đến tàn nhẫn của con người. Không hiểu sao, tôi vẫn hy vọng rằng đến phút cuối cùng tình mẫu tử trong con người chị sẽ thắng thế, chị sẽ òa khóc, ôm chầm lấy đứa con của mình và thổ lộ tất cả với người chồng đang đứng bên cạnh. Song, thật đáng tiếc, điều đó đã không xảy ra! Khách quan mà nói, hai người phụ nữ đó không có gì giống nhau cả. Khi họ đứng cạnh nhau thì điều đó càng nổi bật lên. Mặc dù tóc, mắt của Tachiana đen nhưng các nét Âu vẫn nổi trội trên khuôn mặt cô. Nhưng chỉ nhìn thoáng qua, giữa hai người lại có cái gì đó giống nhau rất khó giải thích, rất khó nhận ra đối với người ngoài.
Lan Hương rút trong túi xách tay ra một chiếc hộp nhỏ và nói:
- Tôi có một món quà nhỏ muốn tặng cô làm kỷ niệm về đất nước Việt Nam.
- Thật đáng tiếc là lúc cô biểu diễn, tôi lại không có mặt - anh Trọng nói xen vào. - Hy vọng sẽ còn có dịp được nghe tiếng đàn của cô.
Ánh mắt của Trọng và Tachiana gặp nhau. Hình như cả hai đều giật mình trong khoảnh khắc. Sau này, tôi mới hiểu được số phận của con người ta phụ thuộc rất nhiều vào những yếu tố ngẫu nhiên, có khi chỉ là một cái nhìn giữa hai con người lần đầu tiên gặp nhau, mới chỉ trao đổi với nhau được vài ba câu, lại còn bị át đi bởi tiếng động cơ ầm ầm của chiếc máy bay Boing 747 đang chuẩn bị cất cánh, dưới cái nóng hầm hập của đường băng vào buổi giữa trưa.
Trên máy bay, tôi cứ suy nghĩ mãi về số phận của cô gái ngồi cách tôi hai hàng ghế. Thỉnh thoảng, tôi thấy cô mở chiếc hộp sơn mài ra ngắm nghía cái trâm nạm đá quý bên trong. Liệu linh tính có mách bảo cô rằng người vừa tặng cô món quà này chính là mẹ đẻ mình không? Giác quan thứ sáu trong con người cô tại sao lại câm lặng? Còn Lan Hương, một người phụ nữ xinh đẹp, trông hiền dịu đoan trang, tại sao lại có thể hành động phi nhân tính đến như vậy? Hoàn cảnh nào đã xô đẩy chị đến bước đường này? Mọi câu hỏi xô lấn chen đẩy nhau trong đầu, để rồi cuối cùng, giả thuyết cũng chỉ là giả thuyết. Tại sao tôi không thể đứng dậy, bước hai bước đến bên cạnh Tachiana và nói nhỏ vào tai cô rằng: “Tachiana, mẹ cô vẫn sống, mẹ cô vừa tặng cô món quà này đấy. Cô không tin tôi sao? Cô đừng nhìn tôi bằng con mắt kỳ lạ như vậy. Trên cổ của bà ấy cũng có một vết chàm như trên cổ của cô.”
Song, chính câu nói trên thềm khách sạn hôm trước của Lan Hương đã ngăn tôi lại: “Đối với Tachiana, tôi đã chết rồi có lẽ là tốt hơn”. Một giọng nói khác trong con người tôi cất lên: “Một người mẹ đã hành động như vậy thì không đủ tư cách để nhận đứa con đó”. Lẽ nào, sự chào đời của nữ nghệ sĩ vĩ cầm nổi tiếng lại đầy bi kịch đến như vậy? Hay, định mệnh đã an bài cho những tài năng lớn bao giờ cũng đi kèm với một số phận khác người như là một quy luật trong tự nhiên: quả ngọt thường bị sâu, cây cao hay bị sét đánh?
Sự lựa chọn của Lan Hương, theo tôi, là khôn ngoan nhất đối với chị trong hoàn cảnh này. Gia đình sẽ ra sao khi điều bí mật của người mẹ bị bóc trần? Vấn đề quan trọng hơn cả là lòng tin của người chồng bị sụp đổ. Đây sẽ là một cú sốc lớn đối với anh và nếu người vợ không khôn khéo thì giữa hai người sẽ là một hố sâu ngăn cách cho đến khi nhắm mắt xuôi tay.
Nhưng vòng quay của con tạo không bao giờ dừng, nó vẫn làm cái việc mà nó phải làm...

9

Sau khi trở lại K., tôi làm phóng viên cho tờ báo Modern life. Tôi đi xem nhiều buổi hòa nhạc của Tachiana tại nhà hát Opera gần quảng trường mang tên nhà thơ lớn Shevchenko. Tôi được chứng kiến những người đàn ông hâm mộ sắc đẹp và tài năng của cô ôm những bó hoa hồng khổng lồ đứng chờ ở lối ra phía sau của nhà hát sau buổi biểu diễn trong cái lạnh băng giá ngoài trời. Họ vây lấy cô để tặng hoa, xin chữ ký và đưa ra những tấm danh thiếp xức nước hoa thơm phức. Lòng tôi cảm thấy đôi chút ghen tỵ khi cô ngồi vào những chiếc xe hơi đắt tiền của những bậc mạnh thường quân nghệ thuật trong giới thương gia, quý tộc của thành phố. Cô thường xuyên xuất hiện trên truyền hình, trên báo chí. Cô hay ra nước ngoài biểu diễn và tham gia nhiều chương trình quảng cáo, nhất là cho thương hiệu nổi tiếng MIVINA của Tập đoàn sản xuất đồ ăn nhanh Technocom. Tôi lo lắng và cũng tò mò khi đọc thấy trên báo những mẩu tin nói về những mối tình của cô với nghệ sĩ này hay nhân vật quan chức nọ. Không hiểu sao tôi chỉ muốn tin rằng đó chỉ là sản phẩm của những tờ báo lá cải muốn câu khách hay tìm cách bịa ra những thông tin giật gân về đời tư của các siêu sao. Bằng linh cảm, tôi thấy Tachiana rất cô đơn. Những thành công vang dội đó lại càng làm cô đơn độc hơn. Số phận đã an bài cho cô là con người của hai nền văn hóa. Điều này vừa là ưu thế, là phép cộng cho cô nhưng lại là sự cản trở để người Ucraina chưa xem cô như là người dân tộc mình, và người Việt cũng cảm thấy chưa cùng dòng máu một trăm phần trăm. Cô luôn đứng giữa hai dòng nước, lúc chảy cùng chiều lúc lại chảy ngược chiều nhau. Cô đứng giữa hai sự lựa chọn và cảm thấy bất lực khi quyết định dứt khoát đứng hẳn về một phía nào đó.
Nhưng có một điều rất may cho cô, chính Nghệ Thuật, chính cây Vĩ Cầm đã dung hòa, hay nói chính xác hơn là cộng hưởng được hai nền văn hóa trong con người cô. Trong cuộc thi vĩ cầm toàn Ucraina, cô đã chinh phục được toàn bộ ban giám khảo bởi cái duyên thầm đầy bí ẩn của phương Đông trong phong cách biểu diễn. Cứ mỗi lần nghĩ đến cô, đến chặng đường từ một cô bé không cha không mẹ vươn lên trở thành một nghệ sĩ tầm cỡ quốc tế, tôi như được tiếp thêm sức mạnh tinh thần trong công việc viết văn đơn độc và tẻ nhạt của mình, mặc dù nhiều truyện ngắn tôi gửi về cho một số tạp chí trong nước bị từ chối đăng. Tôi cảm thấy rõ ràng sự lạnh nhạt của các tạp chí đó đối với những người viết đang sống ở nước ngoài. Những nhà biên tập đó, lăm lăm trong tay cái khuôn đã được tiêu chuẩn hóa, sẵn sàng vứt ngay vào sọt đựng giấy những sản phẩm không phù hợp với kích cỡ của họ. Đáng tiếc là họ lại làm với tinh thần trách nhiệm cao và xem đây như là một sự đóng góp vào việc giữ gìn bản sắc dân tộc không bị những yếu tố ngoại lai xâm nhập.
Một hôm, do tình cờ tôi gặp Tachiana ở thư viện mang tên Puskin của thành phố, ngay đối diện quảng trường Tự do. Cô đi một mình. Ngay tại chỗ gửi áo khoác, một đám sinh viên cả nam lẫn nữ xúm lại quanh cô để xin chữ ký lưu niệm. Cô ăn mặc giản dị, thậm chí có gì đó khiến tôi cảm thấy hơi nghiêm khắc trong màu sắc của chiếc áo vét xám với chiếc huy hiệu nhỏ hình cây vĩ cầm bằng vàng cài ở ve áo. Từ xa, tôi nhận ra ngay chiếc trâm cài đầu của mẹ cô tặng. Tôi bước ra phía ngoài cửa và đứng chờ trên vỉa hè. Một lát sau, cô đẩy cửa bước ra. Lúc cô khép cửa lại, không may vạt áo lại bị mắc vào cái mấu sắt trên cánh cửa. Cô loay hoay một lúc, và đây cũng là dịp để tôi bước tới giúp cô thay cho những lời chào xã giao.
- Nữ nghệ sĩ cũng nên để ý nhìn xuống đất để tránh những sự cố như thế này - tôi nói đùa. - Bay bổng quá thì chưa biết đâu nhưng rách áo là một thực tế sờ sờ ra đây.
- Anh cũng đến thư viện à? - Tachiana vừa cười vừa lấy tay vuốt vuốt lại vạt áo.
- Không, tôi vừa từ thư viện ra - tôi nói dối. - Tôi lấy ít tư liệu cho một bài báo.
- Anh có hay về Việt Nam không?
- Từ lần đi với em về Nha Trang đến giờ chưa về lần nào nữa.
- Mới đấy mà đã hơn một năm rồi, nhanh thật.
- Thảo có bận gì bây giờ không? - tôi chủ động gọi tên tiếng Việt của cô để tạo một không khí đồng hương thân mật.
- Anh Vũ có chương trình gì hay sao?
- Cũng chẳng có gì long trọng, anh muốn mời Thảo qua bên kia đường, vào quán Kim Tự Tháp ngồi uống cà phê, nói chuyện chơi thôi, chuyện đời, chuyện văn học nghệ thuật...
Thấy cô đôi chút lưỡng lự, tôi bồi thêm:
- Hay em đã quen với các bữa tiệc chiêu đãi, sơn hào hải vị rồi...
- Giọng lưỡi nhà báo các anh chỉ thích châm chọc người khác, nào thì đi - vừa nói cô vừa khoác ngay lấy tay tôi hết sức tự nhiên và kéo tôi sang đường. Một anh lái xe tắc-xi thò cả cổ ra nhìn hai chúng tôi với bộ mặt đầy vẻ ngạc nhiên khi nhận ra nữ nghệ sĩ vĩ cầm trứ danh đang khoác tay một anh chàng phương Đông bé nhỏ nghênh ngang qua đường.
Chủ quán là một người đàn bà Do Thái, tuy còn trẻ nhưng đã phát phì, với bộ tóc đen uốn sấy một cách kệch cỡm. Bàn tay nhỏ nhắn, quý phái của chị ta đeo đầy các loại nhẫn đắt tiền. Tôi cũng thường hay lui tới quán này vì nội thất ở đây khá độc đáo. Toàn bộ quán nằm chìm sâu dưới mặt đất, nền nhà là một bể cá lớn tạo cảm giác nhột nhột, rón rén khi bước chân lên trên những đàn cá đang bơi lội tung tăng. Tất cả các ghế ngồi được tạo dáng hình của vũ nữ da đen khỏa thân, khi bạn ngồi là lọt thỏm vào lòng cô ta với phần dựa tay là hai cánh tay của vũ nữ ôm vòng hai bên. Cái dở của chiếc ghế này là không ngả lưng được vì bộ ngực của vũ nữ, tất nhiên là không phẳng lì như ta mong muốn, thỉnh thoảng lại chọc thẳng hai nhát cùng một lúc đau điếng vào lưng nếu bạn đãng trí muốn ngả người ra cho đỡ mỏi.
Khi hai chúng tôi bước vào, điều đầu tiên là lại bắt gặp những ánh mắt ngạc nhiên đến trơ trẽn của khách hàng khi nhận ra khuôn mặt khả ái của Tachiana. Một vài người có cái nhìn về phía tôi không được thiện cảm lắm, có thể nói là đầy lòng ghen tỵ. Tachiana cũng cảm nhận thấy điều đó nên cô nói nhỏ vào tai tôi:
- Ta tìm chỗ nào khuất đi anh.
- Thân quen với người nổi tiếng cũng không phải đơn giản - tôi vừa nói vừa ngồi xuống sau chiếc bàn con mà phía trên trần là cảnh địa đàng, với đầu của chú rắn thò hẳn ra ngoài ngậm quả táo lủng lẳng ngay trên bàn. Quả táo chính là chiếc đèn con và công tắc là cái cuống. Tôi với tay bật công tắc. Một khoảng sáng xanh ngăn cách giữa hai chúng tôi. Ngay lúc đó, không biết đã có ai thông báo mà đích thân chủ quán xuất hiện. Khuôn mặt phấn son lòe loẹt rạng rỡ cùng một nụ cười như không bao giờ tắt.
- Nhà hàng chúng tôi vô cùng hân hạnh được phục vụ cô, cô cần dùng gì ạ?
Tôi cầm quyển thực đơn và hỏi Tachiana bằng tiếng Nga:
- Em muốn ăn gì?
- Tùy anh, em thực sự không đói, nước giải khát thôi anh ạ và bánh ngọt.
Bà chủ quán nghiêng người chào và đi về phía quầy. Tiếng nhạc ồn ào trong quán đột ngột im bặt và mấy giây sau, đột nhiên tiếng vĩ cầm vút lên. Đó chính là tiếng đàn của Tachiana trong cuộc thi âm nhạc toàn Ucraina.
- Em có thích về Việt Nam biểu diễn hay dạy đàn một thời gian không?
Tôi hỏi và nhìn thẳng vào đôi mắt cô. Chính lúc này, tôi lại thấy cô giống mẹ cô hơn bao giờ hết. Kể cũng lạ, tại Việt Nam, những nét Âu như nổi bật hơn, còn tại đây, những nét Á Đông trên gương mặt cô thì không thể giấu đi đâu được. Nó làm cô nổi bật lên giữa mọi người xung quanh. Vì cô mặc chiếc áo hở cổ nên vết chàm màu hồng nho nhỏ lộ ra ngoài, nổi bật trên làn da trắng mịn màng của cô. Tôi để ý thấy một đôi trai gái đã chuyển chỗ ngồi gần về phía chúng tôi hơn, chắc là muốn được chiêm ngưỡng siêu sao.
- Em thực sự bị cảnh đẹp của thành phố Nha Trang hút hồn. Em không ngờ thiên nhiên ở đó lại thơ mộng đến thế. Người dân hiền lành, ánh mắt của họ không ranh mãnh như người châu Âu. Sau chuyến đi năm ngoái, thực sự là em mong ước có dịp quay trở lại Việt Nam, nhất là thành phố biển Nha Trang. Em mất hứng với Tây Âu rồi... - cô im lặng một chút rồi nói tiếp. - Nhưng cũng phải thực hiện cho xong hợp đồng với các ông bầu đã. Anh không biết chứ, trong giới biểu diễn ở đây cũng khốc liệt lắm đấy, chẳng khác gì trên thương trường đâu. Một thân một mình là bị nghiền nát ngay, kể cả có tài...
- Em có bao giờ nghĩ rằng... - tôi định nói thẳng sự thật với cô nhưng đến giây cuối cùng lại ngậm miệng lại. Không phải sự thật bao giờ cũng là tốt. Nhất là trong trường hợp này, nếu biết được sự ruồng bỏ của mẹ mình chắc hẳn thái độ của cô với đất nước Việt Nam sẽ thay đổi, và cô sẽ tự hỏi: Một người mẹ đã từ bỏ con mình như vậy có xứng đáng làm mẹ hay không? Và thực chất, tình cảm giữa hai người hoàn toàn không có. Cô có gào xin sự có mặt của mình trên đời này đâu? Cô chưa bao giờ nhận được sự âu yếm vuốt ve của người mẹ, chưa bao giờ được gọi tiếng “mẹ” dù chỉ một lần. Suốt hai chục năm trời, cô đã sống như vậy, không cần có cha mẹ, cô vẫn trưởng thành và trở thành nghệ sĩ nổi tiếng. Bây giờ đột nhiên có một người nói rằng: Cô là con gái tôi. Điều này sẽ đồng thời với một câu hỏi bật ra: Tại sao bà lại bỏ rơi tôi?
- Anh nói sao cơ? - cô cúi sát về phía tôi để hỏi lại. Mùi nước hoa nhè nhẹ từ người cô tỏa ra khiến tôi xúc động xốn xang.
- Em có bao giờ nghĩ rằng... đối với những người làm nghệ thuật, gia đình là một trở ngại cho hoạt động sáng tạo không? Suốt ngày bị những lo toan đời thường kéo chân, trí tưởng tượng làm sao cất cánh được. Rồi thời gian, sức lực của con người đâu phải là vô tận, như em đấy thôi, chưa có gia đình mà anh rủ đi uống cà phê cũng còn phải đắn đo suy nghĩ, bởi vì em có thể sử dụng thời gian này cho việc luyện đàn chẳng hạn, hay sáng tác một tác phẩm nào đó, anh nghe nói em cũng sáng tác phải không?
- Thỉnh thoảng, lúc rỗi rãi thôi - Thảo nói và thả một viên đường vào cốc trà đen.
- Chắc đúng hơn là lúc cô đơn - tôi sửa lại và nhìn thẳng vào đôi mắt đen của cô.
- Có lẽ anh nói đúng. Em sinh ra đã là một con người cô đơn rồi. Chính sự cô đơn đã đẩy em đến với âm nhạc.
- Ý em muốn nói, không phải năng khiếu bẩm sinh đã khiến em trở thành một cây vĩ cầm trứ danh?
- Làm gì có khái niệm đó với một đứa trẻ không cha không mẹ, được ăn no mặc ấm đã là một hạnh phúc rồi.
- Em có thể kể cho anh nghe tuổi thơ của em được không, em đến với âm nhạc như thế nào và tại sao lại chọn cây đàn violon?
- Anh mời em uống cà phê hay định phỏng vấn đấy?
Cô làm mặt nghiêm lại trông thật đáng yêu.
Tôi nắm lấy bàn tay thon dài có những đường gân xanh nổi trên da của Thảo, bóp nhè nhẹ thay cho một lời xin lỗi.
- Được ngồi uống cà phê với em là anh đã thấy hạnh phúc rồi. Em cứ nhìn sang chiếc bàn có mấy người đàn ông ngồi bên kia mà xem, ánh mắt họ cứ như muốn ăn tươi nuốt sống anh đấy. Chỉ vì anh đang được nắm tay em. Hàng ngàn người đàn ông của xứ sở này cũng ao ước được như anh bây giờ.
- Anh chỉ được cái giỏi tán thôi - cô cấu mạnh một cái thật đau vào tay tôi.
- Em tưởng anh đau, nhưng anh lại cảm thấy sung sướng.
- Anh Vũ này, tiện đây em muốn nói với anh một chuyện nghiêm túc.
- Từ nãy đến giờ anh vẫn nghiêm túc đó thôi.
- Nghe em nói này, em dự định làm luận án phó tiến sĩ về âm nhạc, cụ thể hơn là về nhạc dân tộc của Việt Nam. Trong chuyến về Nha Trang năm ngoái em được nghe nhiều nhạc cụ dân tộc, nhất là cây đàn nhị. Nhưng khổ nỗi, sách vở tư liệu phần lớn là tiếng Việt, mà anh biết đấy, tiếng Việt em không giỏi, chỉ nói được thôi.
- Anh sẽ giúp em dịch ra tiếng Nga - tôi nói bật ra không cần suy nghĩ.
- Anh giúp vô tư đấy chứ? - Thảo nheo nheo mắt và nhìn tôi qua chiếc cốc thuỷ tinh trên tay đầy vẻ tinh nghịch.
- Tất nhiên là không thể vô tư rồi.
- Thế anh cần em trả công thế nào?
- Kể cho anh nghe về tuổi thơ của em.
Thảo vỗ tay đánh đét một cái hết sức tự nhiên, khiến mọi người xung quanh ngoảnh cả lại nhìn.
- Em đồng ý. Hợp đồng đã được ký rồi nhé!

10

“Chắc không cần phải nhiều lời lắm khi diễn tả tâm trạng một đứa trẻ lên bảy, chợt hiểu ra rằng: trên đời này mình không có một ai thân thích cả. Những buổi chiều thứ bảy mới nặng nề làm sao. Em đứng bên cửa sổ, chỉ dám he hé cái rèm cửa bụi bặm màu hồng nhạt ra để nhìn xuống cổng trường. Những đứa bạn cùng lớp đang ríu rít lao vào vòng tay của bố mẹ chúng đến đón trên những chiếc xe ô tô choáng lộn. Marina Trần, đứa bạn thân nhất với em, trước khi đóng cửa xe lại còn thò đầu ra vẫy tay về phía cửa sổ nơi em đang đứng. Em vội thụt người lại, giấu mặt vào sau tấm màn cửa mà cái mùi khen khét vì bụi vì nắng của nó đến bây giờ vẫn không quên được. Những giọt nước mắt tủi thân cứ trào ra. Em quay trở lại phòng ngủ rộng mênh mông với những chiếc giường con xếp thành ba hàng thẳng tắp. Trên mỗi chiếc giường có đặt một chiếc gối xếp dựng lên như cánh buồm con. Cả một khoảng thời gian rất dài em luôn có mặc cảm với buổi chiều thứ bảy. Đêm mới kinh khủng làm sao. Em hầu như không ngủ, trùm chăn kín cả đầu vì sợ ma, sợ những hình thù quái dị trên tường, trên trần nhà do bóng của mấy cành cây mơ dưới sân hắt lên. Em tưởng tượng ra lúc thì là đầu của con chó sói, lúc thì là mặt của tên kẻ cướp trong cuốn phim vừa xem lúc chiều. Kinh khủng hơn nữa là những hôm gió to, chiếc đèn dưới sân bị chao đảo khiến những bóng cây trên tường như nhảy múa rùng rợn hơn. Em cứ nằm như vậy, mồ hôi lạnh túa ra khắp người, mãi đến sáng mới thiếp đi vì quá mệt mỏi, căng thẳng. Đến một hôm, đúng lúc em đang đứng nhìn xuống cổng trường thì chợt cảm thấy bàn tay ai đó đặt lên vai mình. Em quay đầu nhìn lại và đập ngay vào mắt là chiếc tạp dề cáu bẩn có thêu những bông hướng dương màu vàng nhem nhuốc. Em ngước mắt nhìn lên và nhận ra đó là bà Vera, người lao công quét dọn các phòng ở của khu nhà trẻ. Người bà to béo nhưng khuôn mặt lại rất thanh thoát, nhẹ nhõm. Mỗi khi trong trường có ngày lễ hay ngày hội gì, bà thường đóng giả đàn ông và hát bằng một giọng ồm ồm rất vang. Bà đánh được cả piano và đàn phong cầm. Khổ người to béo như thế nhưng bà nhảy rất giỏi, nhất là các điệu vũ dân gian Ucraina. Bà bị chứng viêm khớp nặng và ra mồ hôi tay. Cả trường biết bệnh này của bà, mà hình như bà còn lấy thế làm hãnh diện vì đó là bằng chứng thời con gái bà đã từng đi xây dựng công trình thanh niên thế kỷ BAM ở Xibiri.
- Thôi hôm nay đến nhà bà chơi đi - bà Vera vuốt tóc em và nói giọng an ủi. - Bà cũng có một mình thôi, ông ấy mới mất tháng trước.
Nhà bà Vera nằm cạnh khu chợ trung tâm, thời Nga hoàng nơi đây bán ngựa giống nên tên chợ vẫn còn giữ lại đến bây giờ là “chợ Ngựa”. Bảy chục năm dưới thời chính quyền Xô Viết, người ta đã định đổi tên bao lần nhưng vẫn không được. Lòng dân không thuận. Ngôi nhà một tầng của bà nằm lọt thỏm trong một con phố nhỏ, đường vào gập ghềnh lồi lõm, rác rưởi vứt lung tung. Bà Vera vừa tra chìa khóa vào ổ thì trong sân đã vang lên tiếng chó sủa nhặng xị, tiếng móng vuốt cào sàn sạt trên cửa, tiếng thở phì phò của một sinh vật đang muốn biểu lộ niềm sung sướng bị dồn nén của mình. Hai người vào đến trong sân rồi mà chú chó lông xù vẫn còn nhảy chồm lên người bà Vera, đuôi ngoáy tít khiến bà phải quát lên:
- Thôi đủ rồi, Bim, mày đã chào khách chưa?
Con chó như hiểu được tiếng chủ và ngước mắt lên nhìn em. Hai con mắt người và hai con mắt chó gặp nhau. Một tình cảm rất khó tả xâm chiếm toàn bộ người em khi nhìn sâu vào đôi mắt đen, to và ướt của nó. Bà Vera cho biết nó là một con chó hoang, trong một đêm bão tuyết đã chạy vào nhà bà để trú rét. Hai ông bà xếp cho nó một chỗ ngủ cạnh lò sưởi, cho ăn và từ đó nó sống với ông bà như một thành viên trong gia đình. Bà kể rằng hôm chôn cất ông Xergay, bỗng nhiên cu cậu mất tích hai hôm liền. Bà phải xin nghỉ làm để đi tìm, hóa ra cu cậu ra tận nghĩa trang nơi chôn cất chủ cách nhà hơn hai chục cây số và cứ nằm dài bên cạnh nấm mộ còn mới, mõm chúi xuống đất. Nước mắt chảy thành hai vệt trắng trên má nó. Ông bà có một đứa con trai làm việc ở Matxcova, nhưng chỉ đánh điện về và nói là rất bận không về được, hỏi mẹ chi phí cho việc chôn cất hết bao nhiêu, anh ta sẽ gửi tiền về. Bà Vera buồn bã nói: “Chó nó còn tình cảm hơn người”. Không hiểu sao, em cảm thấy chạnh lòng và nói với bà Vera: “Con Bim nó cũng giống cháu, không cha không mẹ, đúng không bà”? Một hôm, có một cô bé xấu xí, bị điểm kém hơn em nên tức tối gọi em là “đồ con hoang, không cha không mẹ”. Đây là lần đầu tiên em hiểu thế nào là sự ghen tỵ của con người và em đã không chịu nổi gào lên, lao vào giật tóc và đè cô bé đó ngã xuống hành lang ngay trước cửa phòng bà hiệu trưởng. Hai đứa vật lộn một lúc như hai con mèo con, tóc tai xõa xượi. Đúng lúc đó cánh cửa phòng hiệu trưởng bật mở. Bà hiệu trưởng không cần biết ai phải ai trái, bắt phạt em phải xin lỗi bạn kia và đứng vào góc lớp suốt cả buổi. Vì quá mệt mỏi, vì những nỗi oan ức đè nén trong tâm hồn trẻ thơ, em thiếp đi, dựa lưng vào chiếc tủ đựng đồ chơi và sách giáo khoa. Khi tỉnh lại, điều đầu tiên em nhìn thấy là khuôn mặt bà Vera. Em ôm chặt lấy bà và tủi thân khóc nấc lên. Học sinh ở trường đã về hết và người ta quên hẳn đứa bé bị phạt ở trong góc lớp học. Em thút thít kể lại câu chuyện bị phạt cho bà nghe. Bà Vera lau nước mắt cho em bằng vạt áo của mình và nói nhỏ: “Cháu có hiểu không, bố mẹ của bạn ấy rất giàu, bà hiệu trưởng vẫn thường xuyên nhận quà biếu của họ”.
Xã hội người lớn đầy cạm bẫy và bất công đã hé mở ra những ngóc nghách đen tối và hôi hám của nó trước mắt một con bé mồ côi dễ bị tổn thương.
Từ đó, chiều thứ bảy nào bà Vera cũng đón em về nhà ở cho đến sáng thứ hai mới tới trường. Ngôi nhà cũ kỹ và nhỏ bé của bà trở thành tổ ấm đầu tiên của em, và cũng là nơi em học những nốt nhạc đầu tiên trên chiếc đàn piano cổ lỗ sĩ của Đức để trong góc phòng khách, dưới bức tranh “Mùa thu vàng” của danh họa Levitan. Còn vì lý do gì em lại chọn cây đàn vĩ cầm thì đó lại liên quan tới một câu chuyện khá dài mà bà Vera đã kể cho em nghe trong một đêm đông lạnh giá, bên cạnh chiếc lò sưởi gang cháy đỏ nổ tí tách, tỏa ra mùi thơm thơm của những xúc gỗ anh đào.
Chuyện về mối tình cảm động giữa hai ông bà và kèm theo những bức ảnh đã cũ kỹ, ố vàng cất trong chiếc hộp gỗ để minh họa. Em thực sự bị chấn động. Nếu như con người ta đúng là có số phận thì việc làm quen rồi thân thiết với bà Vera, được bà dạy nhạc, được nghe bà kể câu chuyện về mối tình vô cùng cảm động của bà, tất cả những điều đó đã định hình trong em những cảm xúc thẩm mỹ đầu tiên trong thế giới huyền ảo của âm thanh. Chính trong tâm hồn cô đơn của một con bé mồ côi, những mầm non đó đã đâm chồi nảy lộc. Đến bây giờ em mới càng thấm thía và hiểu sâu sắc sự công bằng của tạo hóa, nếu con người ta bị mù thì các giác quan khác rất phát triển để bù đắp lại khiếm khuyết đó. Âm nhạc đã làm thay chức năng của người cha và người mẹ trong tâm hồn em suốt thời thơ ấu...

(Còn tiếp kỳ sau)

19/11/09

Cối xay gió quay về hướng nào?

TTST BND: Kỳ trước, ở phần đầu bài "Paris xanh muôn thủa", chúng tôi đã giới thiệu đôi nét về cây bút Vũ Tuấn Hoàng, một thành viên của TTST BND. Xin đăng lại một bức ảnh chụp từ 1967 đã từng được đưa trên blog trước đây (trong bài Ảnh mới từ Đặng Hoàng Nam và bài Kỷ niệm của Lê Thanh Nga), để chúng ta dễ nhận ra Vũ hơn so với bức ảnh mới được chụp năm 2008, mà hnv.vn đăng cùng bài (ảnh dưới).

Trân trọng thành tựu của bạn bè cũ, chúng tôi mời các bạn tiếp tục chuyến du lịch châu Âu hấp dẫn, ở một nơi đất bằng thấp hơn mực nước biển, nơi người ta được sống giữa những kiệt tác hội họa, với sự dẫn dắt của một người viết rất hóm hỉnh. Có vài ba lỗi chính tả cũng khá ngộ được giữ nguyên như trong bài gốc đã đăng trên web của Hội Nhà Văn VN, không biết do đánh máy vội hay do ít dùng hàng Việt. :-)
-
Đất nước Hà Lan - Cối xay gió quay về hướng nào?
(hoinhavanvietnam.vn 11/3/2009 9:34:47 AM )


Vũ Tuấn Hoàng

I

   Có một số rất hiếm nghệ sĩ mà tên tuổi bao trùm lên cả đất nước nơi họ đã sinh ra. Hơn nữa, họ còn bành trướng ra khắp năm châu, phá bỏ mọi đường biên giới, mọi thể chế chính trị mọi qui ước thời gian, chỉ bằng những vũ khí rất hoà bình là màu sắc, âm thanh và ngôn từ.   Mục đích của họ không phải là đất đai, không phải là tài nguyên mà là tâm hồn con người. Một trong những nhà chinh phục thế giới đó là danh hoạ Vincent Van Gogh của đất nước Hà Lan, một đất nước mà chỉ cần nhìn loang loáng qua cửa sổ của con tàu đang băng mình xuyên qua các cánh đồng cỏ bát ngát điểm xuyến bởi những chú bò sữa nhởn nhơ gặm cỏ, những cánh rừng xanh mướt lung linh dưới ánh nắng mặt trời chớm thu, trái tim bạn chợt thổn thức, đập gấp gáp trong lồng ngực và tự nhủ thầm rằng, sống trong một khung cảnh thiên nhiên tuyệt vời như thế kia không trở thành nghệ sĩ mới là một điều hổ thẹn! Tôi chợt nhớ tới lời quảng cáo của hãng hàng không Hà Lan KLM Royal Dutch Airline tại sân bay Amstedam   “ Most people only get visit great works of art…The Dutch get to live in one ” Tạm dịch là : Con người ta hầu như chỉ thích được tham quan chiễm ngưỡng những tác phẩm vĩ đại của nghệ thuật...Người Hà Lan sống giữa những kiệt tác đó ”.
    Đứng giữa phòng tranh rộng mênh mông của toà nhà Bảo tàng Van Gogh , nơi luôn luôn nườm nượp khách thập phương đủ các màu da đủ các thành phần xã hội đến chiêm ngưỡng với tấm lòng thành kính như tới một thánh đường, tôi trộm nghĩ nếu Hà Lan chỉ là một ốc đảo khô cằn, nghèo đói nhưng sản sinh ra được Van Gogh thì cũng đã đủ tư cách là một cường quốc về nghệ thuật và văn hoá. Ở cái tầm như ông thì nhân loại sắn sàng bỏ qua cho tất cả, tha thứ tất cả những thói hư tật xấu, những cái lập dị khác người của ông…hay nói một cách nôm na là bỏ qua những vết bùn bẩn bám trên một viên ngọc trai quí hiếm. Khi tôi tận mắt được nhìn thấy những bức tranh nguyên bản, thậm chí sờ vào lớp sơn dầu sần sùi ( tất nhiên là sờ… trộm thôi) của những kiệt tác đáng giá hàng  сhục triệu đôla như        “ Phòng ngủ tại Aple.1889” hay “Hoa hướng dương”, “ Van Gogh cắt tai”…những bức tranh về hoa anh đào Nhật Bản…thì bỗng một ý nghĩ chợt vụt đến trong đầu tôi,   rằng cái ma lực của các kiệt tác không phải từ bức tranh toát ra mà là một cái gì đấy đã được chuẩn bị từ trước, gim giữ trong đầu người xem tranh từ lâu lắm rồi, trước khi họ bước chân qua ngưỡng cửa của bảo tàng. Nếu cũng những bức tranh này nhưng đựơc ký dưới một cái tên khác, trong một khung cảnh khác, chắc chắn không có được cái ma lực như vậy. Ý nghĩ bất chợt ấy của tôi được lý giải bởi qua trình tìm hiểu chính tiểu sử bản thân con người Van Gogh và một huyền thoại được chủ ý tạo dựng nên xung quanh tên tuổi này tại nhà bảo tàng. Từ trước tới nay, người ta vẫn xem ông là một thiên tài cô đơn, thần kinh không bình thường, một kẻ khổ hạnh không nghĩ gì tới vinh quang và tiền bạc. Con người mà công chúng biết tới và con người thật, mới khác nhau làm sao! Hình tượng mà mọi người đã quen này chỉ là một huyền thoại nhằm một mục đích duy nhất là đánh bóng tên tuổi Van Gogh, đồng nghĩa với việc làm cho tranh của ông bán chạy mà thôi. Chỉ có một sự thật duy nhất mà huyền thoại và con người thật gặp nhau đó là Van Gogh bắt tay vào hoạt động hội hoạ khi đã đứng tuổi. Tại bảo tàng Van Gogh, lần đầu tiên tôi được biết tới cái tên Meier Grefe - một nhà nghiên cứu nghệ thuật và buôn bán tranh của Đức. Bức tranh cũ kỹ ố vàng chụp ông đứng bên cạnh các hoạ phẩm của Van Gogh cho thấy đó là một người đàn ông có đôi mắt thông minh, pha chút ranh mãnh. Ông là người đầu tiên hiểu ngay ra được cái tầm và tiềm năng thương mại to lớn của tranh Van Gogh. Năm 1893, Meier Grefe mua bức tranh “ Đôi uyên ương” đầu tiên của Van Gogh cho bảo tàng tranh của mình tại Đức và nghĩ cách quảng cáo cho món hàng này. Vốn có tài viết lách, ông quyết định tái tạo lại tiểu sử của Van Gogh sao cho thật hấp dẫn đối với các nhà sưu tầm tranh và khách hàng nói chung.Vì chưa gặp được con người bằng xương bằng thịt Van Gogh, nên ông không bị những ấn tượng cá nhân chi phối. Vả lại, Van Gogh sinh ra và lớn lên tại Hà Lan, sau đó tu nghiệp và thành danh tại Pháp. Còn ở Đức, nơi mà Meier Grefe đang ấp ủ ý định tạo dựng huyền thoại về danh họa, thì chẳng ai biết đến Van Gogh. Ông có thể mặc sức phóng bút vẽ lên chân dung hoạ sĩ, có thể nói là trên một tờ giấy trắng tinh. Song, ông không phải ngay lập tức đã tìm thấy ngay hình tượng “thiên tài cô độc và bị bệnh thần kinh” như mọi người chúng ta vẫn biết bây giờ. Thoạt tiên, Van Gogh của Meier là một con người “ khoẻ mạnh cường tráng, từ nhân dân mà ra”. Còn sáng tác của ông là  “sự hài hoà giữa nghệ thuật và cuộc sống” . Song, hình tượng này bị lụi tàn ngay sau đó mấy năm. Không nản chí, nhà nghiên cứu nghệ thuật người Đức tiếp tục cho ra mắt một Van Gogh khác - một họa sĩ có tính cách nổi loạn chống lại các giáo điều trong nghệ thuật Hàn lâm. Hình tượng này chỉ sống được trong một nhóm người không đông và lại gây sợ hãi cho đại chúng. Chỉ sau khi thay đổi hướng đi đến lần thứ ba, hình tượng Van Gogh mới thành công và sống cho đến tận bây giờ. Cái mấu chốt quan trọng nhất trong tiểu sử của Van Gogh liên quan tới cái tai bị cắt và tâm lý sáng tạo không bình thường có gì đấy bệnh hoạn, đã nâng cái con người nhỏ bé, gương mặt hiền lành pha chút nữ tính lên tầm cao của một thiên tài. Lịch sử xung quanh cái tai mang đầy màu sắc huyền thoại này hoá ra chỉ là một sự kiện rất nhỏ : theo như kết luận của pháp y thì ông bị tổn thương chỉ một mẩu dái tai chứ không phải toàn bộ cái tai “ đến sát gốc” như mọi người được biết. Còn ai là thủ phạm? thì sau này người ta đã chứng minh là trong một cuộc cãi vã với danh hoạ Gôganh, một tay lão luyện trong các cuộc ẩu đả từ thời còn làm thuỷ thủ, đã vung tay cào vào tai ông bạn đồng nghiệp. Sau này để biện hộ cho hành động của mình Gôganh đã phịa ra cái giai thoại là Van Gogh trong một cơn điên đã đuổi theo ông với chiếc dao cạo trong tay và sau đó là tự cắt tai mình.
      Con người thật của Van Gogh hoàn toàn không giống chút gì với con người mà chúng ta được biết. Ông tốt nhiệp một trường tư nổi tiếng, nói thông thạo ba ngoại ngữ, đọc rất nhiều. Đứng đằng sau ông là cả một gia đình lớn, sống dư giả bằng các nguồn lợi buôn bán nghệ thuật, đồ cổ, luôn luôn sắn sang giúp đỡ ông bất cứ lúc nào. Bản thân Van Gogh là một con người luôn tỉnh táo và thực tế. Ông nhiều năm đã lăn lộn trong môi trường buôn bán tranh và tạo dựng được một doanh nghiệp khá đồ sộ. Ở vào tuổi 27, khi đằng sau lưng đã có bề dày vững chắc về lịch sử và lý thuyết nghệ thuật, Van Gogh bắt tay vào học nghề vẽ tại các trường hội hoạ danh tiếng nhất của Hà Lan, Bỉ và Pháp. Tranh của ông được vẽ trên các loại vải toan và thuốc màu tốt nhất thời bấy giờ do người em trai cũng cấp nên chất lượng vẫn còn rất tốt cho đến ngày hôm nay.  
   Huyền thoại về một Van Gogh lúc sống không được người đời công nhận, tranh không bán được…hoàn toàn do óc tưởng tượng của Meier Grefe tạo nên. Trên thực tế, Van Gogh cũng như một con người bình thường khác, mong muốn đựơc công nhận lúc đang sống và một trong những biểu hiện của sự thừa nhận đó là tiền bán tranh. Bình sinh vốn là một tay buôn bán đồ cổ và tranh có hạng, ông biết cách làm thế nào để đạt được điều này. Trong bảo tàng có trưng bày rất nhiều các bức thư trao đổi giữa Van Gogh và em trai Teo - một thương gia buôn bán nghệ thuật tầm cỡ. Nội dung chính của các bức thư đó hoàn toàn không phải là cái gì cao siêu viển vông, huyền bí mà làm cách nào để bán được nhiều tranh hơn nữa, loại tranh nào tìm đựơc con đường ngắn nhất tới trái tim khách hàng. “ Không có gì giúp chúng ta bán được tranh chạy nhất bằng sự công nhận những bức tranh đó là loại tranh tốt nhất, đẹp nhất để trang trí cho các ngôi nhà của tầng lớp trung lưu” . Đó là kết luận của hai anh em nhà Van Gogh. Từ đây, những bức tranh có màu sắc ảm đạm ( được bài trí hai gian rộng đầu tiên của bảo tàng) hay còn gọi là giai đoạn “hội hoạ nông dân” của Van Gogh kết thúc, một phong cách vẽ mới ra đời với những bức tranh màu sắc rực rỡ, mặt trời chói lọi, ánh sang tràn ngập, vũ hội …Đầu óc thương mại tinh tế của hai anh em đã điểm trúng huyệt : Công chúng không sớm thì muộn sẽ đánh giá cao thể loại tranh này. Năm 1890, tại một cuộc triển lãm tranh tại Bỉ, Van Gogh đã bán được bức tranh “ cánh đồng nho đỏ” với giá 400 frank, bước đột phá vào thế giới của các danh họa có giá đương thời. Ông viết cho em trai của mình “ Con cừu đầu tiên đã đi qua được cầu ” . Theo những tài liệu còn lưu giữ lại được, ông đã bán 14 bức tranh, còn trên thực tế số lượng tranh bán còn nhiều hơn nhưng không có chứng từ lưu giữ. Ông không hề bao giờ là một hoạ sĩ ẩn dật mà luôn luôn đi giữa, sóng bước cùng với các hoạ sĩ tân tiến nhất của thời đại mình. Ông là hoạ sĩ thường xuyên có tranh triển lãm tại các phòng tranh sáng giá nhất Paris.
   Dưới ngòi bút của Meier Grefe, các tác phẩm và con người Van Gogh đã trở nên thần bí mang màu sắc của một tôn giáo mới. Tháng 4 năm 1932 tại Berlin đã diễn ra một phiên toà đặc biệt để xét xử vụ làm giả tranh Van Gogh. Tại đây, một chuyên gia về tranh của ông đã lớn tiếng biện minh cho kẻ làm giả bằng một câu nổi tiếng : “ Làm sao các ngài biết được, liệu sau khi chết linh hồn của Van Gogh có nhập vào ai đó để tiếp tục sáng tạo cho đến bây giờ hay không? ”
     Tác giả của huyền thoại chết đi, song huyền thoại vẫn sống. Chính trên mảnh đất đã được tái tạo này, nhà văn Mỹ Irvinh Stoyn năm 1934 đã viết lên bộ tiểu thuyết tuyệt vời “ Khát vọng sống”, sau chuyển thể thành phim đoạt giải Oscar và gim chặt vào trong trí óc của hàng triệu triệu người về một hình tượng thiên tài mất trí, khoác lên mình mọi nỗi đau khổ, bất hạnh của trần thế. Còn tại Nhật Bản thì con người Hà Lan vĩ đại này lại mang vóc dáng của một đạo sĩ hơi pha chút hơi hướng Samurai. Năm 1987 Tập đoàn Iasuda đã mua tại một cuộc đấu giá tranh tại Luân Đôn bức “ Hoa hướng dương” với giá 40 triệu USD. Ba năm sau, nhà tỷ phú Saito Rioto đã trả bức tranh “ Chân dung bác sĩ Gashe” với giá 82 triệu USD tại nhà đấu giá Niu Ook. Mười năm liền, đây là bức tranh đắt giá nhất thế giới. Trong bản di chúc, nhà tỷ phú căn dặn sẽ hoả thiêu cùng bức tranh có một không hai này…
     Thế giới hiện nay vẫn đang chao đảo vì những vụ tai tiếng xung quanh tên tuổi của Van Gogh. Các nhà mỹ thuật học, bác học, bác sĩ …đang tiến hành nghiên cứu cuộc đời và con người thật của ông. Chính bảo tàng tranh của Van Gogh được thành lập năm 1972 tại Amstedam này đã đóng một vai trò quan trọng trong việc kiểm định tất cả các tranh của Van Gogh trên toàn thế giới. Toàn bộ tranh tại đây là do cháu ruột của hoạ sĩ đã hiến tặng đất nước Hà Lan.
   Dù sự thật về cuộc đời của danh hoạ dần dần được đưa ra ánh sáng, song huyền thoại về Van Gogh vẫn sống và có sức hấp dẫn hơn gấp bội phần sự thật trần trụi.
Đây không phải là một hiện tượng hiếm trong lịch sử, thậm chí còn khá phổ biến đối với nhiều vĩ nhân ( kể cả một số chỉ ở tầm “yếu nhân” ) đã không ngần ngại hư cấu tiểu sử của mình theo những mục đích khác nhau vì họ thừa biết rằng, chỉ có huyền thoại mới tồn tại lâu bền trên cõi đời mênh mông này.                                                       

                                                                    II

       Người Nga có một câu thành ngữ khá nổi tiếng : “ Không cần một trăm rúp mà cần một trăm người bạn”, chuyến đi của tôi vào sứ sở của Hoa tuy-lip và pho mát đã kiểm chứng chân lý trên là hoàn toàn chính xác. Với hầu bao khiêm tốn, nhưng có được những người bạn tốt, mến khách và cởi mở, tôi đã thâm nhập được vào đời sống của người Hà Lan khá tường tận chỉ trong một thời gian ngắn ngủi. Những cảm xúc trực quan đầu tiên, dù chỉ thoáng qua rất nhanh, nhưng bao giờ cũng chính xác, giống như yêu từ cái nhìn đầu tiên vậy. Đất nước Hà Lan cũng giành ngay được tình yêu trong tôi từ cái vẫy tay chào và ánh mắt thân thiện của hai vợ chồng hàng xóm người Hà Lan đang lúi húi làm vườn bên cạnh ngôi nhà xinh xắn của mình vào buổi sáng sớm đầu tiên khi tôi mở cửa sổ căn phòng trên tầng hai tại nhà của người bạn thủa sinh viên. Điều khiến tôi ngạc nhiên nhất là các ngôi nhà riêng tại đất nước này hoàn toàn không có tường rào bao quanh bảo vệ như tại Nga . Những thảm cỏ xanh mịn màng được cắt tỉa công phu, những bồn hoa rực rỡ đủ các loại chạy thẳng từ đường quốc lộ vào sát mép tường nhà. Cửa sổ tầng một chỉ có lớp kính, không hề có chấn song sắt “ chống trộm”, ngoài cổng không thấy những tấm biển đề : “ Cẩn thận, Có chó dữ ! như nhà ở tại Liên Xô cũ ”. Người Việt vốn dĩ thấp bé nên nhà cửa nhỏ hẹp thì đã đành, người Hà Lan cao lớn nhưng nhà ở lại nhỏ bé, đường phố cũng nhỏ hẹp, công viên, cửa hàng…đều xinh xắn, gọn gàng và ngăn nắp. Hà Lan là nước đứng thứ 3 về mật độ bình quân dân số, đứng sau Bănglades và Hàn Quốc. Từ xa sưa rồi, người dân Hà Lan đã lĩnh hội được nghệ thuật sử dụng từng centimet không gian sinh tồn. Bản năng và tài năng này được phát triển bởi một thực tế : gần một nửa lãnh thổ Hà Lan là do lấn biển tạo nên, và quá trình khó nhọc này vẫn còn tiếp tục đến tận ngày hôm nay. Đất nước Hà Lan nhỏ, đi ôtô chỉ 3 tiếng đồng hồ từ đầu này sang đầu kia, nhưng người Hà Lan có tầm nhìn rộng bao quát cả thế giới và là những thương gia có năng khiếu bẩm sinh. Điều này được chứng minh bởi thị trường chứng khoán đầu tiên trên thế giới được thành lập từ năm 1406 tại thành phố Bruige của Hà Lan, cạnh nhà của ông Van Der Bursa. Trên cổng ngôi nhà này có biểu tượng của ba cái ví tiền mà theo tiếng latin cổ có nghĩa là Bursa, từ đây có xuất phát nguồn gốc của từ Thị trường chứng khoán, nơi mọi người đổi tiền lấy cổ phần của các doanh nghiệp khác. Đến năm 1608, một thị trường chứng khoán có tổ chức qui mô lớn được ra đời tại Amstedam, sớm hơn 100 năm so với thị trường chứng khoán đầu tiên xuất hiện tại Xanh-Peterbuag ( Nga) vào năm 1703 do Pie Đại đế du nhập từ Hà lan về cùng với các nghề như đóng tàu thuỷ, công nghệ về vũ khí và cả thói quen hút thuốc lá nữa.
    Tôi tá túc tại ngôi nhà hai tầng khang trang của anh Littooij Siep, một nhà xã hội học, một kỹ sư nông nghiệp đã gắn bó với Việt Nam hơn 20 năm qua nhiều công trình của các tổ chức khoa học Hà Lan, các tổ chức của Liên Hiệp quốc và phi chính phủ để giúp nông thôn Việt Nam. Mười năm gần đây  anh chuyển sang giúp đỡ các trường đại học Việt Nam nâng cao chất lượng đội ngũ quản lý, giảng dậy, chương trình giảng dậy ( capacity building). Tất nhiên công trình mà anh trân trọng và quí giá hơn cả là hai đứa con khôi ngô, thông minh mang hai giòng máu Hà Lan và Việt Nam . Đã lâu lắm tôi mới lại được nói chuyện với một người nước ngoài không chỉ thông thạo tiếng Việt mà còn phong tục tập quán của người nông dân Việt nam sâu sắc đến như vậy. Điều làm tôi cảm phục là anh nghiên cứu tiếng Việt không qua một trường lớp chính qui nào mà chỉ tự học, vừa làm vừa học. Trình độ tiếng Việt của anh ở mức chính phủ Hà Lan đã mời tham gia kiểm tra dịch thuật trong cuộc gặp gỡ cấp cao giữa hai thủ tướng năm 2001.   Anh đưa tôi đi tham quan nhiều danh lam thắng cảnh của đất nước, song có lẽ chuyến đi về nông thôn thăm trang trại của một nông dân Hà Lan điển hình để lại nhiều ấn tượng và suy tư hơn cả.
    Chính phủ Hà Lan đã đa dạng hóa các hình thức giúp đỡ cho người nông dân của mình có thêm thu nhập như : khuyến khích du lịch tham quan các trang trại của nông dân, cho phép nông dân hoạt động ngoài nông nghiệp, mở các tuyến đường xe đạp đi qua các trang trại vì du lịch bằng xe đạp đến nông thôn vào các ngày nghỉ là một hoạt động rất đặc thù của người Hà Lan. Trang trại của người nông dân nằm ngay sát đường quốc lộ,thoạt mới trông tôi cứ tưởng đây là một quán hàng bên đường , trên thực tế đó cũng là một quầy bán các loại hàng nông sản khác nhau như : phomat, bánh mì, sữa, mật ong, giò…Chủ cửa hàng là một phụ nữ cao lớn, da đỏ hồng hào và có giọng nói chầm chầm như đàn ông. Anh Siep cho tôi biết là giá mua trực tiếp tại nhà của người nông dân đắt hơn so với giá tại siêu thị, bởi vậy mua đồ thực phẩm tại đây chỉ những người có yêu cầu cao về chất lượng thực phẩm, họ sắn sàng bỏ ra nhiều tiền để được mua các sản phẩm chính gốc của người nông dân, các sản phẩm sạch, chế biến thủ công không phải các sản phẩm chế biến công nghiệp. Các sản phẩm mua trực tiếp sẽ tươi hơn, ngon hơn và có tính đặc thù của từng vùng, từng trang trại. Ngoài ra, đây là cách để hỗ trợ nông nghiệp phát triển, giúp người nông dân không phải bán hàng qua trung gian thường bị mua với giá rất rẻ như tại Nga và Ucraina chẳng hạn. Chị chủ cửa hàng, sau khi nghe câu hỏi của tôi qua lời phiên dịch của anh Siep, đã vui vẻ trả lời : “ Nếu chúng tôi muốn nâng cao thu nhập thì phải đầu tư, mở rộng diện tích sản xuất hoặc đa dạng hóa các mặt hàng kinh doanh trong cửa hàng này. Nhưng không phải nông dân nào cũng có vốn hoặc chấp nhận vay vốn để đầu tư kiểu này. Hậu quả là hàng năm số lượng nông dân ở Hà Lan giảm đi khoảng từ 3-5%”.

 Chị lấy dao cắt cho chúng tôi thưởng thức những lát phomat chính gốc Hà Lan thơm ngậy và có hương vị hoàn toàn khác phomat của Nga. Tôi đã được nếm nhiều loại phomat của nhiều nước khác nhau, xong thực sự hương vị của Phomat nông dân Hà Lan rất đặc biệt. Chị chủ không hề có ý định dấu nghề và khi được hỏi về bí quyết của loại phomat số một thế giới này, chị cười và hạ giọng nói : “ Chẳng có bí mật gì ghê gớm cả, khí hậu, đất đai, chất lượng cỏ đã ảnh hưởng và quyết định đến chất lượng sữa bò. Phomat làm tại nhà máy thường phải có chất bảo quản còn ở đây chúng tôi làm khi sữa còn nóng ấm. Trong quá trình tiến hành hâm nóng và cô đặc sữa, chúng tôi bỏ thêm vào vài giọt chất dịch vị lấy từ trong dạ dày của con bê …”
 Chính cửa hàng này là một ví dụ cụ thể về việc đa dạng hóa thu nhập. Chủ cửa hàng đã lấy thêm mật ong, bia, giò, các mặt hàng thủ công mỹ nghệ đặc trưng vùng Deventer…của các hộ nông dân khác để bán còn các hộ kia lại lấy sữa, phomat của gia đình này bán thêm. Ngay đằng sau cửa hàng là khu vắt sữa bò và khu chăn nuôi hàng trăm con bò sữa do người chồng của bà chủ đảm nhiệm và được chia thành nhiều ngăn chuồng sạch sẽ, thoáng mát. Xa hơn nữa là một khoảng không gian rộng lớn chỉ có hai màu xanh: xanh ngăn ngắt của cánh đồng cỏ chạy hút tầm mắt và xanh mênh mang của bầu trời mùa thu không có một gợn mây…
 Khi bước lên xe chuẩn bị rời trang trại, tôi trông thấy một chiếc tủ gỗ lớn đựng đầy các sản phẩm của gia đình nông dân này ở ngay đầu hồi khu nhà sát đường cái lớn. Hiểu ánh mắt tò mò của tôi, anh Siep cho biết khi hết giờ làm việc, gia đình về nhà cả nếu khách hàng đi ngang qua muốn mua gì đó thì tự lấy đồ và bỏ tiền vào trong tủ một cách tự giác. Tôi đã sống ở Nga vào những thời mà chủ nghĩa xã hội đang còn thịnh vượng nhất, nhưng cũng chưa thấy điều tương tự về tinh thần tự giác cao như vậy của người dân. Không phải vô cớ mà người Nhật đã chọn Hà Lan trong số rất nhiều nước tư bản lớn hồi đầu thế kỷ 19 là nước để học tập và bắt chước về nhiều phương diện, khi Minh Trị Thiên Hoàng bắt đầu chính sách mở cửa học tập Phương Tây để phục hưng đất nước mình.              

                                                             III

             Khi nói về một gia đình thành đạt, ngoài cơ ngơi gia thất của nả, người ta còn chú ý nhiều hơn đến nề nếp giáo dục học hành của con cái trong gia đình đó. Những điều mắt thấy tai nghe trên đất nước Hà Lan khiến tôi không thể không tò mò muốn biết xem, nền giáo dục của đất nước này có điều gì nổi trổi so với các nước khác, đặc biệt là giáo dục đào tạo ở bậc đại học ?
      Hà Lan là một đất nước công nghiệp phát triển với hệ thống giáo dục không vay mượn của bất cứ nước nào. Hệ thống giáo dục này nảy sinh và phát triển ngay trong lòng đất nước, liên hệ máu thịt với các truyền thống, phong tục của Hà Lan. Với dân số 16 triệu người thì có khoảng 450 ngàn có trình độ đại học ở các hình thức khác nhau ( 27% dân số ở độ tuổi từ 15 đến 64) . Ở Hà Lan người ta chia bậc đại học   thành 3 loại tồn tại song song với nhau:

1. Universities ( Đại học tổng hợp) toàn đất nước có 14 trường, bao gồm cả trường đại học Tổng hợp mở ( Open University). Những trường này cung cấp cho sinh viên hệ thống kiến thức để họ trở thành các nhà nghiên cứu, bác học. Tuy nhiên, đại bộ phận sinh viên tốt nghiệp lại tìm việc làm ở các môi trường khác.

2. Universities of Applied Sciences ( Đại học Khoa Hoc Ung Dung) Tất cả các chương trình học của trường kiểu này đều hướng vào giáo dục nghành nghề cụ thể. Tại Hà Lan có 50 trường kiểu này.

3. International Education ( Đào tạo quốc tế) : Trên lãnh thổ Hà Lan có 15 trường loại này. Tại đây thường tiếp nhận các sinh viên đã tốt nghiệp đại học thuộc nhiều lĩnh vực khoa học khác nhau. Các bài giảng được tiến hành chỉ bằng tiếng Anh và làm sao để thoả mãn các yêu cầu của sinh viên nước ngoài. Đã thành một nguyên tắc, để được nhận vào một trong những trường này, người dự tuyển phải có bằng đại học và vài năm công tác thực tế.

Cả ba loại hình đại học kể trên của Hà Lan đều có thể được giảng dạy bằng tiếng Anh. Chất lượng giáo dục đại học tốt ở Hà Lan đã nổi tiếng từ rất lâu trên toàn thế giới. Bằng tốt nghiệp của các trường đại học tại Hà Lan được thừa nhận tại tất cả các nước trên thế giới. Để đạt được điều này, trong các trường đại học vận hành một hệ thống riêng để kiểm soát chất lượng đào tạo sinh viên. Bởi vậy, khi đã chọn được trường cho mình, thí sinh không phải băn khoăn lo lắng đến chất lượng giảng dạy mà chỉ cần suy nghĩ làm sao để việc học trở nên thú vị và hấp dẫn. Mỗi trường đại học trên đất nước Hà Lan có một phong cách riêng và một không khí làm việc và giảng dạy riêng.
    Để có được những ấn tượng cụ thể sinh động, Tôi được vợ chồng anh Siep mời đến tham quan trường đại học Tổng hợp khoa học ứng dụng Saxion tại thành phố Deventer cách Amstedam hơn 1 tiếng tàu . Vì được đào tạo tại Việt Nam và ở Liên xô cũ nên tôi hoàn toàn có đủ cơ sở để so sánh và rút ra những kết luận sau khi đi tham quan và tiếp xúc nói chuyện với các sinh viên, giáo viên của trường Saxion. Điều đầu tiên đập vào mắt khi đến dự các tiết học là : Trong thời gian suốt cả tiết học, người sinh viên là trung tâm chứ không phải là giáo viên như ở Việt Nam hay ở Liên Xô cũ. Thầy giáo ở đây chỉ đóng vai trò là người hướng dẫn chứ không phải là người đọc tràng giang đại hải, còn sinh viên muốn ghi gì thì ghi như tại các giảng đường của Nga.
    Ông giáo sư Johan Wempe nói : “ Thầy giáo không phải cái gì cũng biết và không phải lĩnh vực nào cũng giỏi hơn trò. Chúng tôi không làm hộ sinh viên mà cùng nhau trao đổi thảo luận. Có như vậy, sinh viên mới chủ động không bị động. Sinh viên phải đọc trước tư liệu ở nhà để hôm sau đến trao đổi thảo luận với thầy và các bạn. Một vấn đề được đưa ra có nhiều cách trả lời, miễn làm sao để người sinh viên biết cách lập luận, biết cách tìm ra lý lẽ để bảo vệ quan điểm của mình.” . Đây không phải là nhận xét của riêng tôi mà những ai đã từng học tập và làm việc ở Châu Âu đều có chung ý kiến này : khả năng phát biểu trước đám đông của người Việt rất hạn chế. Sinh viên Châu Âu ăn nói đĩnh đạc, tự tin hơn rất nhiều.
    Qua việc tìm hiểu cơ cấu của một tiết học tại Saxion, tôi mới thấy được rõ câu nói : “không thầy đó mày làm nên” . Người thầy giáo tổ chức một giờ học dưới dạng “ Project” tức là theo chuyên đề và buộc sinh viên phải làm việc theo nhóm để kích thích tinh thần làm việc tập thể, nâng cao khả năng quản lý, điều hành nhóm. Điều này rất có lợi và thiết thực cho sinh viên ra trường, rơi vào một môi trường mà mỗi người mỗi ý mỗi cách làm việc khác nhau. Làm thế nào để mình kết hợp được điểm mạnh của mỗi người và tìm ra phương pháp giải quyết vấn đề tốt nhất. Chính những đặc điểm và phong cách học tập rất đặc thù Hà Lan này đã khiến cho sinh viên cảm thấy tự tin khi giải quyết các công việc vì tự tin vào khả năng của mình là chìa khoá dẫn đến thành công của sinh viên khi ra trường. Trình độ lý thuyết chỉ là một phần nhỏ, nhưng chính các kỹ năng để áp dụng lý thuyết vào thực tế tuỳ theo thời điểm, điều kiện và môi trường sẽ dẫn đến thành công.   Chính vì thế là sinh viên đại học khoa học ứng dụng phải học 4 năm trong đó có 1 năm thực tập tại các nhà máy, công ty để áp dụng lý thuyết vào thực tế. Đây là điều kiện bắt buộc để được làm luận văn tốt nghiệp. Các trường đại học ở Hà Lan có mối quan hệ mật thiết với các công ty và đào tạo sinh viên theo nhu cầu của thị trường. Ở đây không có chỉ tiêu đào tạo mỗi nghành do chính phủ đưa ra. Nhà trường tự quyết định số lượng sinh viên đào tạo giựa vào chất lượng đầu vào của sinh viên năm đó và giựa vào nhu cầu của xã hội, của các doanh nghiệp.
   Đó là điểm ưu việt nổi trội nhất của nền giáo dục đại học tại Hà Lan, một trong những nền giáo dục hàng đầu thế giới.

IV

       “Phố đèn đỏ” (red light districts) là điểm thu hút khách du lịch nhiều nhất tại Hà Lan, chẳng kém gì Pháp có tháp Ép-phen và Trung quốc có Vạn Lý Trường Thành. Thân thể của người phụ nữ là tác phẩm nghệ thuật tuyệt vời nhất của tạo hoá. Mà đã là tác phẩm nghệ thuật thì phải có công chúng thưởng thức và đương nhiên phải mất tiền như nghe hoà nhạc hay xem bảo tàng tranh vậy. Xuất phát từ quan điểm như vậy, Hà Lan là nước duy   nhất cho phép khai thác công khai và hợp pháp nghề mại dâm. Phố đèn đỏ có ở hầu hết các thành phố lớn của Hà Lan nhưng tại Amstedam là sầm uất và đông đúc nhất.
   Tôi không phải là thánh và cũng không phải là sư nên việc đến thăm khu phố đèn đỏ, chen vai thích cánh với hàng ngàn khách du lịch từ khắp năm châu đổ về đây, cũng là lẽ thường tình. Khu phố này nằm dọc các con kênh nổi tiếng của Amstedam, rất thơ mộng và hữu tình.
   Những chiếc lá vàng đầu tiên của mùa thu buông mình rơi xuống mặt nước    xao động vì tàu thuyền đi lại ngược xuôi.
   Những cô gái điếm ăn mặc mát mẻ đứng trong các khung cửa kính nhìn ra nở nụ cười mời gọi.
   Trên những đường phố chính của khu đèn đỏ là nhưng cô gái trẻ đẹp đến từ các nước Đông Âu, châu Phi… Các cô đều thông thạo tiếng Anh. Còn những phố nghách nhỏ hẹp, các cô trông già , xấu hơn vì ở đây giá thuê thấp hơn và cũng ít khách hơn. Tôi còn nhìn thấy một bà già ở độ tuổi hưu trí, mắt đeo kính, tay đan len ngồi sau cửa kính, tất nhiên là cũng chờ khách, chờ các cụ hưu trí đến gõ cửa. Cái quan trọng là không để mình cô đơn khi về già, vẫn giúp ích gì đó cho đời !
   Không phải ai đến Hà Lan cũng có cơ may được vào trong lòng chiếc cối xay gió, một biểu tượng của đất nước, để tham quan xem nó vận hành ra sao. Tại Hà Lan có một phong tục vào một ngày trong năm người ta mở cửa các khu nhà cổ có tuổi hàng vài trăm năm cho khách thăm quan. Cối xay gió cũng thuộc loại nhà cổ. Bên trong là một cửa hàng bán các loại nông thổ sản. Người Hà Lan vẫn thích xay bột bằng cối xay gió. Mỗi cối xay gió là một doanh nghiệp tư nhân mang tính chất gia đình, truyền từ đời này sang đời khác.
    Còn, cối xay gió quay về hướng nào? Tất nhiên, dù là cối Hà Lan hay cối Tây Ban Nha của Đông kisôt thì cũng quay về hướng có gió thôi.

Deventer- Amstedam- Kiev
V.T.H

Áy náy chưa có được ảnh rét đầu mùa


Từ: Phương Liên
Lúc: 22:57 Ngày 18 tháng 11 năm 2009
Chủ đề: TTST BND chuc mung sinh nhat

Ban Liên Lạc TTST BND thân mến,

Tôi rất vui khi nhân được lời chúc mừng SN từ TTST, xin cám ơn nhiều về sự quan tâm của các bạn!

P.Liên

-------------------------------
Từ: Arshen Hoang Tuan
Lúc: 16:09 Ngày 17 tháng 11 năm 2009

Chào anh Hiếu Dân, em rất vui là được tham gia vào Blog của Hội Trại trẻ Sơ tán Báo Nhân Dân!

Hồi đầu năm nay em có ra một cuốn sách đã được trang Web của Hội nhà văn giới thiệu toàn bộ. Nếu có thời gian anh vào đọc cho biết về cuộc sống của người Việt tại Liên Xô cũ, theo địa chỉ http://vanvn.net/News.asp?cat=33&scat=&id=1206

Có thông tin gì mới từ hội TTST cho em biết nhé!
Chúc anh và gia đình may mắn, thành đạt!

Hoàng Tuấn Vũ

-------------------------------
Từ: hieu_dan
Lúc: 16:31 Ngày 17 tháng 11 năm 2009

Vũ thân mến,
Cám ơn vì đã trả lời ngay!

Mình đã tìm trên mạng thấy sách "Bị vứt vào cõi đời" mới xuất bản tháng 02/2009.
Dưới đây là mấy câu giới thiệu về quyển sách này của www.davibooks.vn:

"Tachiana - một cô gái trẻ đẹp, đầy tài năng mang trong mình hai dòng máu Việt Nam - Nga và được mệnh danh là Cây Vĩ Cầm Nhiệt Đới - luôn hiện ra trước mắt người đời như một hình tượng đầy quyến rũ và đáng được ngưỡng mộ.

Thế nhưng, đằng sau những âm thanh thánh thót, cái vẻ ngoài yêu kiều, sang trọng và những mối quan hệ với thượng lưu Ucrraina, Tachiana luôn phải sống trong nỗi cô đơn tột cùng vì không biết cha mẹ mình là ai, thậm chí cuộc đời còn xô cô vào những hoàn cảnh trớ trêu và cả vòng tù tội…

Làm sao để thoát khỏi những xoáy nước tưởng chừng vô hại nhưng hút ẩn bên trong là những hiểm nguy và cạm bẫy?

Làm sao Cây Vĩ Cầm Nhiệt Đới có thể tìm lại được ý nghĩa cuộc đời mình?
..."

Sắp tới mình sẽ đăng lại toàn bộ truyện "Bị vứt vào cõi đời" trên blog nhé.
Vũ nhớ giới thiệu cho mọi người nếu có gì mới.

Thân ái,
Hiếu Dân

-------------------------------
Từ: Ánh Nguyệt
14:06 Ngày 17 tháng 11 năm 2009

Ban Biên tập ui!

Hà nội lại lạnh lắm rồi hử? Mấy hôm nay em nghe "dự báo" mà thấy xôn xang cả "cái con người", thế mới biết Hà Nội là tất cả nhỉ !?

Các anh đi lang thang chụp vài kiểu ảnh đầu mùa đông rồi đẩy lên cho người ở phương xa thưởng thức zới.

Nhớ làm liền nghen!

BB

-------------------------------
Từ: vn.hanoi
Lúc: 14:12 Ngày 17 tháng 11 năm 2009

Chào Nguyệt!
Năm nay có vẻ rét sớm quá!

Đúng là cảnh đầu mùa đông đẹp và cái rét sớm làm gợi nhiều kỷ niệm lắm. Tiếc là chưa có cái ảnh nào. Rất xin lỗi mọi người! Bọn mình khi rảnh sẽ cố gắng chụp vậy!

Bà con tạm 'thưởng thức' ảnh của VnExpress trong bài "Hà Nội đầu đông" vậy nhé!

Chúc mọi người vui vẻ!

13/11/09

Paris xanh muôn thủa

TTST BND: Tuần này hộp thư vn.hanoi nhận được email từ chị Hương Chi và anh Tuấn Phong.

Nhân nhận được lời chúc mừng sinh nhật từ hội TTST BND, chị Hương Chi "Cảm ơn nhiều nhé. Các bạn làm cho mình cảm động quá. Rất già mà vẫn được chú ý chúc mừng!
".

Còn qua email của anh Tuấn Phong, chúng ta được biết một số bài viết với bút danh Vũ Tuấn Hoàng mới đăng gần đây trên website của Hội Nhà văn Việt Nam. Tác giả chính là một thành viên của TTST BND (các bạn cứ đọc ngược lại bút danh trên sẽ biết tác giả là ai ngay!), anh thuộc lứa gần ít tuổi nhất ở TTST BND, sinh 1963, tốt nghiệp trường Đại học Tổng hợp Hà Nội, Khoa Tiếng Nước Ngoài K25N (1980-1985), nay đang định cư tại Ukraina và là một cây bút kiêm dịch giả già dặn.

Xin giới thiệu bài viết, mời các bạn cùng chia sẻ:

Paris xanh muôn thủa (hay là Làm khách tại lâu đài của kẻ đã giết Mặt Trời thi ca Nga)
[26.09.2009 5:45:35 PM]
Xem hình
Toà tháp Lâu đài của Đantes

Vũ Tuấn Hoàng


Đặt chân tới Paris, có lẽ, là một sự kiện khó quên nhất trong đời những ai có được may mắn này. Sự ngưỡng mộ đối với thành phố huyền thoại chắc chắn được làm nên bởi sức mạnh lan toả vô hình của Nghệ Thuật từ hàng trăm năm nay, với bao tên tuổi của các nhà triết học, nhà thơ, nhà văn, các nghệ sĩ, kiến trúc sư…nổi tiếng và không nổi tiếng của Pháp và thế giới.


Có một điều đặc biệt lạ, khi bước chân trên các con phố của Paris, tôi không hề   thấy ngỡ ngàng như ở Matxcova hay Berlin hoặc Amsterdam…Một cảm giác cứ vương vấn như ta quay trở về  các khu phố cổ Hà Nội vậy. Cũng những con phố nhỏ hẹp đông đúc người qua lại, cũng những cửa hàng  buôn bán ngay trên vỉa hè. Một điều đập ngay vào mắt là rất đông người nước ngoài gốc Phi và gốc Châu Á. Có lẽ, điều thành công nhất  mà nước Pháp làm được trong mấy trăm năm đô hộ các nước thuộc địa  là tạo nên những hình mẫu mô phỏng tương tự Paris tại  hầu khắp các châu lục  và một tình yêu gần như sùng kính đối với văn hoá Pháp tại các nước này.

Cần phải nói rằng, khó có ở đâu mà chúng ta, nhất là thanh niên, tìm thấy được sự hài hoà giữa các tình cảm xáo trộn bên trong tâm hồn với môi trường xung quanh như ở Paris. Thành phố mở ra trước mỗi người những điều bí mật của riêng mình, nhưng đồng thời cũng không cho ai biết và cũng không thể biết đến tận cùng được mọi ngóc nghách của cuộc sống Paris dưới ánh mặt trời và Paris trong bóng đêm, ngay cả những người sinh ra và chết đi tại đây. Paris không sạch như nhiều thủ đô Châu Âu khác ( Mỗi ngày, người ta thu dọn được 13 tấn phân chó trên khắp các con đường, công viên của thủ đô), chúng ta có thể nhìn thấy ở khắp nơi cái vẻ cẩu thả đáng yêu và rất trí tuệ qua cách ăn mặc, cách  bài trí trong các cửa hàng cửa  hiệu, cái sự nhởn nhơ vô ưu của người dân Paris trong các quán Café bên đường, qua cái dáng ngồi gần như nằm ườn ra trên ghế hoặc cách gác đôi giầy da không được đánh si bong loáng lên ghế của những cô những cậu thanh niên ngồi đọc báo đọc  sách hay tán gẫu trong công viên hoặc nằm ngả ngốn trên các thảm cỏ xanh mướt…Tóm lại, Paris là một  xưởng nghệ thuật khổng lồ  của một nghệ sĩ thiên tài  nơi mà  mọi kích thước, mọi màu sắc, mọi âm thanh đều được chấp nhận, đều tìm được bạn thưởng thức, cái này không chèn ép không che lấp cái kia mà xếp cạnh bên nhau, nơi mà người ta tự  cảm thấy mình giàu có vì truyền thống văn hoá và thấm đẫm hơi thở của đông tây kim cổ…Đứng bên bờ sông Xen, lấy mũi giày hất mấy hòn sỏi rơi tõm xuống mặt  nước gợn song lao xao, thì bất cứ người Nga, người Thổ, người Hy Lạp hay Trung quốc, Việt Nam…cũng chẳng cảm thấy quá ngỡ ngàng xa lạ gì vì hình như từ khi còn bé thơ, hình bóng của Tháp Ép-Phen bên bờ sông Xen  đã chiếm giữ đâu đó, một góc nào đó trong tâm hồn. Tôi bước đến bên cạnh hai ông bà già tóc bạc trắng đang ngồi tung những mẩu bánh mì cho đàn chim bồ câu dưới vòm cuốn khổng lồ của chân tháp và hỏi :
- Cụ là người Paris, phải không ạ?
- Chúng tôi sinh ra ở đây và cũng sẽ chết ở đây - Cụ bà nói, không dấu vẻ tự hào
- Cụ có thể cho cháu biết, tại sao Tháp này lại trở thành biểu tượng của nước Pháp? Ở Paris còn rất nhiều di tích lâu đời hơn và giá trị hơn chứ
Ông cụ nghe thấy thế bèn phá ra cười rất sảng khoái.
- Tại sao á? Cụ tự hỏi rồi cầm lấy chiếc batoong để bên cạnh và vẽ lên trên mặt đất một chữ rõ đậm -  Amour có nghĩa là tình yêu. Tháp Ép-phen có hình dáng của chữ cái đầu tiên A. Nước Pháp tôn thờ Tình yêu, với người Pháp nó là tôn giáo – Nói đến đây ông quay sang ôm quàng lấy bà vợ già và hôn lên má một cái rõ to. Một cảm giác ngượng ngiụ thoáng qua trên gương mặt của bà già và hình như đôi má bà cũng trở nên hồng lên dưới làn da nhăn nheo điểm đồi mồi.
- Anh có nhìn thấy tấm lưới màu xanh chăng kín vòm cuốn của chân tháp không? - Bà già chỉ tay lên phía trên đầu – Cũng vì tình yêu mà nhiều người tìm đến đây để tự kết liễu cuộc đời của mình bằng một cú nhảy ngoạn mục. Chính quyền đã phải chăng lưới để đỡ lấy những con thiêu thân của chữ cái A đấy.

Cũng như tại nhiều thành phố Châu Âu khác, chúng ta có thể được chiêm ngưỡng nụ hôn ở khắp mọi nơi công cộng, thanh niên hôn, trung niên hôn, ông già bà cả cũng vẫn  hôn. Họ hôn ngay trên vỉa hè giữa dòng người suôi ngược, họ hôn trong lúc xếp hang chờ mua tờ báo hay một suất bánh mỳ kẹp thịt kiểu Thổ Nhĩ Kỳ  buổi sáng, họ hôn trong xe ôtô khi chờ đèn xanh đèn đỏ, họ hôn trong xe buýt, trong tàu điện ngầm, đi xe đạp… Đàn ông hôn đàn ông, đàn bà hôn đàn bà.  Những đôi đồng tính cũng công khai biểu lộ tình cảm của mình không chút e dè ngượng ngập…Paris không là Paris nếu vắng bóng những nụ hôn này.
Paris có lẽ là một thủ đô mà ẩm thực của cả thế giới hội tụ về đây đông đúc nhất và rực rỡ nhất. Mùi vị đặc trưng của bếp núc  Châu Âu, Ả Rập, Trung quốc, Thổ nhĩ Kỳ, Ấn Độ, Việt Nam, Campuchia…túa ra trên các đường phố của quận 13. Theo sự hướng dẫn của dịch giả văn học Pháp Lê Thị Hiệu, chúng tôi đến thưởng thức món ăn Pháp tại nhà hàng La Couple, một nhà hàng có tiếng ở Paris, được khai trương từ năm 1911. Theo như chỉ dẫn của chủ nhà hàng thì những năm trước cuộc cách mạng tháng 10 Nga, nhà hàng này là nơi lui tới thường xuyên của các lãnh tụ vô sản như Lênin, Troski…còn các danh nhân văn hoá có Pikaso, nhà thơ Nga Gumilev, Jăng Pon Xart, Joz Ximenon…Trên tường của nhà hàng treo đầy ảnh của các vị này như một chiêu quảng cáo, còn thực sự họ có đến đây hay không thì chỉ có… cơ quan phòng nhì Pháp mới biết mà thôi. Thực đơn chính của nhà hàng là các món hải sản. Khách có thể tự do đi lại quan sát không chỉ nội thất độc đáo mà cả công việc bếp núc của các đầu bếp với những chiếc mũ trắng cao lênh khênh trên đầu. Chờ đợi người phục vụ bâng món ăn ra cũng phải mất 30-40 phút, với cái dạ dày lép kẹp cồn cào vì đói sau một ngày tham quan nhiệt tình thì đến … giấy ăn cũng là một món ngon chứ chưa nói gì đến hải sản!  
Người Pháp nói chung ăn uống cũng đơn giản như cách ăn mặc của họ vậy. Đơn giản nhưng có thẩm mỹ. Mốt thời trang Paris và phụ nữ Paris là hai khái niệm, theo tôi, không tỷ lệ thuận với nhau. Tại Kiev và Matxcova, trên đường phố gặp nhiều phụ nữ xinh, sắc sảo và giàu nữ tính hơn ở Paris. Nhưng có một điều tôi nhận thấy là sự bình đẳng giới ở đây so với Đông Âu mạnh hơn nhiều. Người phụ nữ tự làm lấy tự kéo lấy những chiếc vali nặng trên sân ga và một mực từ chối những lời xin giúp đỡ của cánh mày râu. Cử chỉ đỡ tay người đàn bà lên các phương tiên công cộng,  trong suốt thời gian ở Paris tôi chưa được mục sở thị, ở Liên Xô cũ đó là việc rất đỗi bình thường.
Paris cũng thức dậy sớm chẳng kém gì Hà nội. Từ cửa số căn buồng khách sạn  7 tầng tại khu gần chợ trung tâm, tôi ngắm nhìn màn đêm thu xanh phớt cứ nhạt dần nhạt dần trên các tháp chuông, trên các mái nhà cổ. Tiếng động cơ xe cộ tuy chưa rõ hẳn song cũng đã như tiếng sóng ì ầm vỗ ở bờ xa. Từ phía chợ, đưa lại một hương vị rất đặc trưng của các khu chợ hoa quả, thực phẩm. Một mảnh trăng lưỡi liềm nhạt thếch vẫn treo lơ lửng trên vòm trời, tưởng chừng chỉ cần một cơn gió nhẹ cũng đủ làm nó rơi xuống toà nhà cổ bốn góc Pale-Roal nơi vào các thế kỷ 18-19 các nhà thơ, các nhà chính khách Pháp trú ngụ. Đối diện của toà nhà này là ngôi nhà mà hai văn hào Banzak và Vikto Huygo thường xuyên lui tới. Từ đây, theo hàng trăm bậc thang nhỏ hẹp lên đến tầng sát mái là nơi ở của nữ thi sĩ Marselina Đepo-Vanmor. Cách đó không xa, lấp loáng một tượng đài bằng đá cẩm thạch mà từ đó Kamin Demulen, một nhà báo, nhà hoạt động xã hội  nổi tiếng của Cách mạng Pháp, đứng ra kêu gọi nhân dân tấn công chiếm ngục Basti. Từng viên đá trong khu vực này đều là nhân chứng của lịch sử nước Pháp. Tại một khu nhà nằm sát thư viện quốc gia, ngay cạnh bảo tàng Luvr, vào những năm giữa hai cuộc đại chiến thế giới, văn hào người Áo Stefan Sweig đã thuê một căn hộ và cho ra đời kiệt tác Bức thư của người đàn bà không quen biết. 
Chủ khách sạn nơi tôi trọ là một ông già Việt Nam 80 tuổi đã sống ở Pháp 60 năm, song tiếng Việt nói vẫn  rất sõi, thậm chí chất giọng Nam bộ  còn đậm đặc. Ông khoe các con ông đều hoạt động trong lĩnh vực nghệ thuật và điện ảnh. Ông  xách giúp tôi chiếc túi đựng máy ảnh, máy quay phim ra tận chỗ đỗ của chiếc xa  Tắcxi để ra ga đi Stasbourg thuộc tỉnh Elzas. Bắt tay tôi bằng bàn tay vẫn còn rất ấm áp, ông nói : “ Để có một tâm trạng trẻ trung vui tươi ở Paris thì không nhất thiết cứ phải đến vào đúng mùa xuân. Paris xanh muôn thủa mà !”
II

Nằm ở vị trí Trung tâm Tây Âu, Elzas chiếm một vị trí địa lý quan trọng. Nếu giải thích từ “Strasburg”- thủ phủ của tỉnh, thì có nghĩa là : “Nơi gặp gỡ của các con đường”.  Elzas trở thành một đầu mối thương mại và là một trong những trung tâm kinh tế của Pháp và Tây Âu. Tỉnh này đứng vị trí đầu bảng trong tất cả các tỉnh của Pháp về khối lượng hàng hoá xuất khẩu.Tại đây, có tới hơn 30 ngàn doanh nghiệp vừa và nhỏ, hơn 800 công ty nước ngoài mở văn phòng đại diện. Một năm hai lần, vào mùa xuân và mùa thu các Hội chợ công nông thương diễn ra tưng bừng, nhộn nhịp. Trong suốt nhiều thế kỷ, thủ phủ Strasburg thay đổi nhiều lần tổ quốc của mình và chính thức thuộc Pháp từ năm 1918. Thành phố giữ được vẻ cổ kính kiểu kiến trúc nhà thờ Gôtic của thế kỷ 11, nhà thờ đạo tin lành Saint Pierre le Jeune, viện bảo tàng mỹ thuật với nhiều đồ vật quí hiếm từ thế kỷ 15.

Con đường Rượu Vang nổi tiếng chạy vắt qua các thung lũng, núi đồi  đẹp như tranh với chiều dài 170 km, nổi tiếng bởi nhiều loại  rượu vang trắng như “ Sivanher”, “ Muskat”… Nằm không xa con đưòng Rượu Vang là thành phố Suls, nơi toạ lạc lâu đài của dòng họ Đantes. Mục đích của chuyến đi liên quan tới cuốn sách đang viết dở về thi hào Nga Puskin được ấp ủ trong tôi suốt gần 20 năm sống và học tập, làm việc tại Liên xô cũ. Những tư liệu mà tôi may mắn có đựơc trong tay làm đảo lộn toàn bộ những gì mà chúng ta đã được biết về Thi hào nhất là đời tư của ông. Chuyến đi đến Suls lần này của tôi chỉ  là để tận mắt nhìn thấy nghe thấy một đoạn đời còn ẩn khuất dưới lớp bụi lịch sử của kẻ đã được Định mệnh tình cờ cộp cho cái dấu bất tử vào trán chỉ bằng một cái nháy cò trong một cuộc đấu súng có vẻ như chỉ vì tình.

Người đầu tiên trong dòng họ Đantes định cư tại Sulz vào năm 1720 tên là Zan-Ari Antes, là một nhà công nghiệp chuyên sản xuất các loại vũ khí lạnh. Tài sản của ông ta được nhân dần lên đủ để mua được danh hiệu quí tộc với chữ “De” đệm phía trước và  tấm gia tộc  hiệu có ba thanh gươm bắt chéo. Toà lâu đài của dòng họ  gồm 3 tầng , có ngôi tháp ở cuối toà nhà. Trên bức tường có  tấm biển, chắc  mới vì nước sơn còn bóng, ghi dòng chữ : “ Khách sạn – nhà hàng Sato Đantes”. Thực ra, toà lâu đài này trông giống một trang trại rộng thì đúng hơn, chỉ có toà tháp là di tích còn sót lại của toà lâu đài cổ được xây từ năm 1605. Người chủ hiện nay của toà lâu đài này là ông Philip Smerber, vừa mua lại nó trong một cuộc bán đấu giá, kể với tôi ngay trước sân của toà nhà : “ Đây là một di tích bốn thế kỷ. Tôi đã tốn không ít tiền của để tu bổ lại toàn bộ cả trong và ngoài toà nhà, với hy vọng các khách du lịch từ Nga có thể hình dung được khung cảnh của các nhân vật đã đi vào lịch sử. Bên trong hiện vẫn đang tiến hành sửa chữa một số phòng để làm gian trưng bày các tác phẩm hội hoạ của các hoạ sĩ Nga đang sinh sống tại miền đông nước Pháp. Đây cũng là một truyền thống của gia đình Đantes lúc sinh thời, thích tiếp đãi các nghệ sĩ, nhà thơ nhà văn”.

Qua lời kể của ông chủ thì toà lâu đài là điểm đến yêu thích của  thanh niên.Đây là một di tích mang màu sắc lãng mạn về tinh yêu của một thanh niên Pháp và một cô gái quí tộc Nga. Không phải vô lý mà rất nhiều đám cưới đã diễn ra tại đây. Nhiều đôi vợ chồng mới cưới từ khắp nơi đã hưởng tuần trăng mật trong toà lâu đài này. Tại đây có các phòng mang tên “ Aleksandr Puskin” , “ Natalia”, “ Ekaterina ” …khung cảnh xung quanh được bảo tồn nguyên dạng, thậm chí một số cây dẻ, cây sồi có tuổi hang mấy trăm năm. Đứng trên ban công của căn phòng “Ekaterina” , ông Philip chỉ tay ra ngoài vườn, nói : “ Từ đây, Ekaterina Gontrarova ( chị của vợ Puskin) vẫn hàng ngày ra đứng ngắm những tán lá cây dẻ, cây sồi, khung cảnh này rất giống thiên nhiên Nga, quê hương xa sôi của cô”.

Sau khi xảy ra vụ đấu súng kinh hoàng, Đantes bị trục xuất khỏi Nga và quay trở về Suls cùng với người vợ trẻ Ekaterina Gôntrarova.  Ở đây, cô được người dân trong vùng biết đến  với biệt danh “ Người đàn bà có khuôn mặt buồn”. Ekaterina sống trong toà lâu đài này khoảng 6 năm và mất năm 1843, sau khi sinh đứa con thứ tư, vào tuổi 31.

Đối với Đantes, việc bị buộc rời khỏi Nga lại là bước đi đầy hứa hẹn tương lai. Đuổi theo Đantes để trả thù có em trai của Puskin và con trai của nhà sử học Karamzin. Song, Đantes không những sống mà còn thành đạt trên  con đường danh vọng, trên chính trường. Sau cái chết của vợ mình, Đantes chuyển sang hoạt động chính trị, vừa là một doanh nhân vừa là nhà chính trị. Ông ta được bầu làm thị trưởng thành phố Suls. Năm 1850 Đantes trở thành Chủ tịch hội đồng tối cao của tỉnh Elzas. Năm 1852 ông ta được Bônapac III cử sang Nga đàm phán không chính thức với Nikolai II và hoàn thành tốt trọng trách này. Vào năm 40 tuổi Đantes được bầu vào nghị viện Pháp.

Theo như lời kể của người hướng dẫn bảo tàng thì Đantes rất hài lòng với số phận của mình và cho rằng nếu như không có cuộc đấu súng với Puskin thì ông ta chỉ dám mơ ước đến chức Trung đoàn trưởng tại một tỉnh nào đó xa sôi của nước Nga mà thôi. Trong các cuộc nói chuyện và trả lời phỏng vấn báo chí, Đantes cũng thổ lộ niềm day dứt vì cái chết của nhà thơ Nga vĩ đại, song bao giờ ông cũng nói thêm là : “ tuy nhiên, Puskin cũng có thể giết chết tôi trong cuộc đấu súng này”. Đantes chết năm 1895 ở vào tuổi 83, chính tại lâu đài này, giữa đàn con cháu chắt và trong sự trọng vọng của chính quyền và nhân dân thành phố Suls .

Trước lúc rời khỏi Suls, tôi có may mắn được tiếp chuyện với ông Viznherom, nhà hoạt động sân khấu Pháp, đạo diễn và thủ vai chính trong vở kịch “ Puskin và lời tiên đoán về một người tóc trắng.” (Puskin được bà bói tiên đoán sẽ chết vì một người tóc bạch kim. Đantes tóc bạch kim ). Vở kịch này được xây dựng theo kiểu hồi ức của Đantes về nước Nga, về các cuộc gặp gỡ với Puskin . Rạp hát thường đựơc dựng ngay trên bãi cỏ trước sân của toà lâu đài. Một số trang phục được đặt làm ở Xanh-Peterbuarg.Ông Viznherom cho biết : “ Sau khi nghiên cứu về con người Puskin để viết kịch về ông và những người đương thời, tôi đi đến kết luận : Puskin không chỉ là một nhà thơ thiên tài mà còn là một nhân vật gai góc, gây khó chịu cho nhiều các quan chức cao cấp  của thời đại mình. Ông viết rất nhiều các tiểu luận, văn châm biếm chỉ trích cay độc hoặc chế diễu khinh bỉ  các đối thủ, thậm chí tất cả những ai ông không ưa, trong đó có cả Nga hoàng. Điều này, ở thời đại nào, cũng không dễ bị bỏ qua. Từ đó nảy sinh những âm mưu chống lại nhà thơ…”. 

Ông Viznherom khẳng định rằng các vở kịch của ông giúp cho người Pháp và người Nga hiểu nhau hơn, xoá đi mối hận thù do cuộc đấu súng để lại. Điều quan trọng là cần phải hiểu vụ đấu súng này không chỉ là tấn bi kịch của nền văn hoá Nga mà còn của cả nhân loài.
 

Trong lúc chờ mọi người ra xe, tôi bước đến bên cạnh cây sồi già hơn 300 tuổi và ngắt một cành làm lưu niệm. Tôi sẽ để nó trên bàn viết của mình như để tạo nguồn cảm hứng vì chính tại đây, giữa khung cảnh của toà lâu đài cổ, mạch suy nghĩ về cuốn sách viết về Puskin mở ra một hướng mới mà tôi linh cảm thấy nó gần với Sự Thật hơn cả.


Paris - Elzas.  Đầu thu

V.T.H 

Kỳ sau: Đất nước Hà Lan - Cối xay gió quay về hướng nào?