13/2/09

Nói thật ở làng Việt cổ Đường Lâm…

antg.cand.com.vn: Đường Lâm, trong cơn lốc làm du lịch, trong sự săn sóc vô duyên của những dự án thực hiện không phải bởi vì nâng niu những giá trị đích thực của làng Việt cổ đã bị biến dạng quá nhiều. Biến dạng đến tê tái.

Cổng làng Đường Lâm - Ảnh: thethaovanhoa.vn

1- Với tôi, khi mà làng Việt cổ Đường Lâm là cái làng tối cổ kết tinh 4.000 năm lịch sử của châu thổ Bắc Việt Nam, của nền văn minh sông Hồng, là cái làng cổ đầu tiên của đất nước Việt Nam đã được công nhận Di tích lịch sử văn hóa cấp quốc gia; là làng duy nhất của Việt Nam sinh ra hai ông vua, anh hùng dân tộc Phùng Hưng, Ngô Quyền cùng nhiều bậc quốc sĩ rạng danh khác; là phim trường, là thế giới diệu kỳ cho giới họa sĩ, giới quay phim, nhiếp ảnh cả nước. Nó là một cái làng đặc biệt, cách hành xử của người dân và cơ quan chức năng với cái làng Việt cổ này biểu hiện rất nhiều điều. Làng cần được nhìn đủ chân thực, đủ không bàn giấy kinh viện, cái nhìn để Đường Lâm không bị giết chết với tốc độ như hiện nay.

Cho nên, tôi xin nói về Đường Lâm, bằng cái nhìn của một người sinh ra và lớn lên ở Đường Lâm, căn nhà tôi đang sinh sống mỗi cuối tuần, vẫn còn treo hai cái đầu võng vua ban cho cụ nhà tôi vinh quy bái tổ về làng.

2- Năm vừa qua, di tích quốc gia làng cổ Đường Lâm xảy ra hai sự kiện làm đau đầu báo giới, các nhà khoa học và những người yêu văn hóa truyền thống, mà tôi là người trong cuộc (xin phép nói thật thẳng và thật là… thật thà!).

Chuyện thứ nhất, tôi về quê, thấy ông bố già kêu giời kêu đất, mộ của cụ tôi, quan Đốc học tỉnh Sơn Tây, người đã từ quan về dạy học đúng năm thành Sơn Tây thất thủ (1883), ngôi mộ và thân thế của ông từng được các nhà nghiên cứu, giới làm truyền hình, làm phim đề cập rất nhiều. Bố tôi hãi, là vì cái thế gối vào núi Ba Vì (gối sơn), đạp ra dòng sông Hồng, sông Tích (đạp thủy) của ngôi mộ tổ bị phá vỡ. Tôi không nói mê tín, mà tôi nói tín ngưỡng, tâm linh, phong tục cổ cần được tôn trọng. Nguyên do là vì có mấy gã trọc phú từ dưới phố phường Hà Nội kéo về làng cổ Đường Lâm để mua đất xây… sinh phần, xây lăng mộ hoành tráng đến… rợn người. Mấy trăm mét vuông một cái lăng xây bằng đá ong (cho nó ra mẽ làng cổ đá ong), họ chiếm hết, chặn hết đất tứ xung quanh và phá mất long mạch của các ngôi mộ cổ.

Mộ quan tuần phủ (làng kính trọng gọi là Lăng cụ Tuần), mộ cụ quan Án sát, lăng dòng dõi nhà cố Phó Thủ tướng Việt Nam Phan Kế Toại đều đứng trước nguy cơ bị bao vây bởi những cái lăng khổng lồ… chưa có mộ. Mấy chục cái lăng đã được xí phần, xí hết cả quả gò mà người Đường Lâm chuyên dùng để đặt mộ. Long mạch vỡ, con cháu hoang mang khóc lóc, đất gò Áng Độ hết, rồi đây người Đường Lâm về chầu tổ tiên sẽ được táng ở đâu?

Vài gã trọc phú tiếp xúc với tôi, họ bảo: do đọc báo, thấy viết long mạch ở làng cổ Đường Lâm rất tuyệt, nào tả thanh long, hữu bạch hổ, nào… đất phát nghiệp đế vương. Thế là họ ào lên mua. Ruộng trồng màu khốn khó, nay có người trả tới 70 triệu đồng/100m2, thì bà con nhảy cẫng lên, bán tuốt. Bán xong, chính họ lại thành thợ đánh đá ong, xây lăng mộ cho người tứ xứ. Đám con buôn tính toán: mua mộ ở nghĩa trang Vĩnh Hằng những mấy chục triệu một ngôi, mà chi chít toàn mộ địa, mà thế đất như cái đồi trọc vô duyên đến tội - trong khi, mua ở làng cổ tuyệt đẹp, lại có long mạch yểm trợ… rộng như mộ nhà đại quan.

Bố tôi thở dài, 4.000 năm qua, làng tôi vẫn truyền miệng cái câu: “Sống giữa làng, chết Gò Cang, Áng Độ”. Sống thì đừng có ở mặt phố, ở đầu đường xó chợ, mà phải ở giữa làng. Cũng như đi ăn cỗ ngoài đình, người quân tử, đầu bếp nó chặt miếng thịt không vuông rìa sắc cạnh thì không thèm ăn. Khi chết, người làng tôi ai cũng phải ra Gò Cang, cái nơi đắp đất vùi sâu chôn chặt một kiếp người; sau 3 năm cải cát mới thanh sạch lên gò Áng Độ nằm vĩnh viễn.

Bố lo mất long mạch, lo làng mình sẽ biến thành cái nghĩa địa của người tứ tán, lo bố nằm xuống thì Áng Độ đã không còn đất để đặt mộ nữa. Nỗi lo rất thật, người làng cổ là vậy, từ nhỏ, các cụ đã dạy “tử đắc táng vi vinh”. Không cứ phải ầm ĩ, linh đình, trưởng giả; nhưng rõ ràng, người cổ từng nói thế, lo cho cái chết có khi còn quan trọng hơn lo cho cái sống.

Sau cái vụ long mạch bị đứt, nghe đâu, con cháu làng cổ Đường Lâm nổi tiếng địa linh nhân kiệt, năm liền đó, không một cháu nào đỗ đại học. Các cụ họp nhau lại, rủ rỉ: may mà ngăn chặn được bọn “nhân bất học bất tri lý” nó chiếm hết gò Áng Độ, chứ nếu không thì tai ương còn khiếp nữa.

Một trong 3 ngôi nhà cổ nhất làng Đường Lâm - Ảnh: thethaovanhoa.vn

3- Đường Lâm thành tài sản quốc gia và quốc tế. Cây đa, bến nước, sân đình của làng được giới truyền thông và những người ưa xê dịch, về nguồn biết đến quá nhiều. Đến nỗi, mỗi khi dáng đa, dáng cổng làng cổ Đường Lâm vừa xuất hiện, hầu hết chúng ta đều nhanh chóng đọc thành tên: “Đất Hai vua Đường Lâm”. Cho nên, báo chí gọi cây đa và cổng làng Đường Lâm là cặp bài trùng được chụp ảnh quay phim nhiều nhất Việt Nam cũng rất có lý.

Thế mà năm 2008, cây đa đã ầm ĩ công luận bởi sự thật: bị rụng lá và chết héo từng ngày do sự nhẫn tâm của con người! Cây đa đã hơn 500 năm tuổi, người làng trân trọng đến mức gọi là “cụ đa”, danh tính của người trồng đa và cung cách trồng bóng cả cho cổng làng, qua nhiều đời truyền khẩu vẫn được ghi tạc bằng “bia miệng”. Bà con đi làm đồng về, người xa trở về, người chết trước khi được khênh ra khỏi làng về với đất, nhất nhất đều được “trình báo” dưới tán rợp sum suê của đa. Không một đám tang nào của Đường Lâm, nếu đi qua cổng làng, mà không dừng lại dưới tán đa để các cụ chèo đò “đưa linh”.

Đa kỳ vĩ, bí ẩn, bao dung; nhưng đa cũng như tấm biển “Hạ mã” nghiêm cẩn (xuống ngựa) với bất kỳ ai từng trầm lòng đi qua phom cổng làng cổ kính ở Đường Lâm. Từng có vị đại quan thời phong kiến, về làng mà gặp bóng đa không xuống ngựa, các cụ ra, vác ba toong mắng như té nước. Bắt phải hạ mã, xỏ chân vào guốc mộc thì mới được qua tán đa, qua vòm cổng cũ, vào làng.

Vậy mà đùng một cái, “có nguồn” mười mấy tỉ đồng thế là người ta đè nghiến đình làng (cũng là một di tích quốc gia nổi tiếng) ra, dỡ toàn bộ, biến ngôi đình mấy trăm năm tuổi thành bình địa theo đúng nghĩa đen. Tôi về làng mà rùng mình như thế giới đang sụp đổ trong gang tấc, khi có thể nhìn thông thống qua một khoảng không gian mênh mông, mà từ đời cụ tôi, ông tôi, bố tôi và tôi nữa, chưa bao giờ nó “thoáng” thế. Đình làng đã bị dỡ. Đình đã án ngữ như một bức bình phong bảo vệ văn hóa làng ở đó. Qua bao trận mạc, loạn ly, chưa bao giờ đình bị dỡ như vậy cả. Thế mà có tiền là họ dỡ, tòa đình bề thế không có một dấu hiệu xuống cấp nào, họ cũng cứ… phá. Nhiều bô lão nức nở, nó ăn thịt chó trong gian giữa đình làng, rồi leo lên mái đình đạp đổ hàng vạn viên ngói âm dương rào rào xuống. Thay tất, không hỏng cũng thay. Thay thì mới có… tiền phần trăm chứ.

Tôi đã viết một bài khóc buồn: “Thành hoàng cũng khóc!” (đăng Báo Lao Động), về những trò ma tịt và sai lầm trong việc phá ngôi đình nổi tiếng của quốc gia, sau đó, đơn vị thi công đã phải ngậm ngùi và… căm phẫn lát lại toàn bộ đình làng, sửa lại các hạng mục làm ẩu làm sai. Nhưng cái quan trọng hơn là hướng đình bị lệch (so với nguyên bản) thì vô cùng tai họa, không sửa được.

Nếu “Toét mắt là tại hướng đình/ Cả làng toét mắt chứ mình gì tôi” như ca dao nói, cả làng tôi bị toét mắt tất thì sao (thí dụ vui như thế để thấy việc sửa một ngôi đình lừng danh mà đơn vị thi công ấu trĩ, manh động, hách dịch đến mức không thèm họp dân trưng cầu ý kiến và để các bô lão giám sát là cực kỳ phản văn hóa).

Họa sĩ Thành Chương, nghe tin người ta tống hết gỗ đá quý của đình làng ra, tống đồ dở hơi tân kỳ vào, bèn lớn tiếng phản đối để bảo vệ ngôi đình tuyệt kỹ của nghệ thuật kiến trúc Việt Nam, phản đối không được, xót xa quá, anh Chương bèn lên Đường Lâm gặp bô lão và đơn vị thi công để thương lượng xin mua lại ít gỗ đá cổ kính về… thờ.

“Phá” xong đình, họ quay sang phá nốt cả cổng làng. Phá ra xây mới hẳn hoi (trừ hai bức tường cũ là để nguyên). Phá xong cổng, thì cũng là lúc cây đa héo rũ lá và đòi… chết. Cả làng hoảng hồn, bèn mời các bậc túc nho “trên thông thiên văn dưới tường địa lý” ra gốc đa, dâng lễ vật, hương đăng xì xụp, bà con quỳ gối cầu xin thần đa tha tội. Xin thần đừng chết. Đa chết, cổng làng bị dỡ ra làm mới khi chưa hề hỏng hóc, thì còn gì là làng Việt cổ Đường Lâm hả giời? Cúng xong, đa vẫn héo lá.

Cây ruối cổ với bộ thân mãng xà trườn ngay ở cổng làng đã ám ảnh nhiều thế hệ người biết đến Đường Lâm kia cũng đột ngột bị gãy ngang thân giữa ban ngày ban mặt. Người làng càng hãi hùng. Họ bắt đầu bàn luận về cái việc Ban quản lý di tích lập “bốt” canh làng cổ ngay gần gốc đa, rằng cánh du khách, cánh bán vé, bán hàng ngày đêm ở dưới gốc đa chắc lại ăn nói tục tằn, chim chuột nhau thế nào đó làm thần cây đa (thần cây đa, ma cây gạo, cú cáo cây đề) thấy bị xúc phạm nên đành “bạt” (bỏ chạy) đi.

Cái tin thần cây đa làng Việt cổ Đường Lâm bị “bạt” mất đã làm những người có trách nhiệm và tâm huyết với di tích này choáng váng. Chưa bao giờ làng đón nhiều ôtô đến thế. Bài báo viết về tình trạng “Đào giao thông hào để cứu “cụ” đa ở làng cổ Đường Lâm” phát hành ngày 21, thì ngày 22 người ta kéo về, lập tức làm hội thảo cấp quốc gia ở tại làng để bàn phương kế cứu “cụ đa”. Như thế để thấy vai trò mọi mặt của cây đa trong tâm thức và cả trong kế hoạch… làm du lịch của chúng ta nó lớn tới mức nào.

Nhìn vị chuyên gia cứu cây cổ thụ (từng cứu cây đa Tân Trào) xin phép hội đồng bô lão địa phương để đẽo một miếng vỏ đa (bóc sát thân gỗ) rồi ông chậm rãi, nghe ngóng, liếm láp vị đắng của đa, gật gù “vẫn còn nhớt, nhựa, tức là còn cứu được” - nhìn cảnh ấy người làng cổ xúc động rơi nước mắt.

Thời gian sau, bằng những nỗ lực phi thường của cơ quan chức năng, “cụ đa” đã ra lộc trở lại. Bấy giờ nhìn lại, thì “cháy nhà ra mặt chuột”: xưa kia, bà con buộc trâu bò, dựng cây rơm ải mục tràn ngập gốc đa, đa chỉ càng xanh tốt. Nay họ thành lập Ban quản lý di tích do tỉnh, thành quản lý. Họ xây cất nhà cửa khang trang, hình như chỉ để lấy của mỗi du khách vào làng 15.000 đồng tiền vé. Còn Ban quản lý di tích lại nằm ở dưới gốc đa, cứ như chú Cuội cả ấy. Đi mãi, đổ bê tông vào mãi, gốc đa bị lỳ ra, đất và rễ cây không còn thở được nữa. Đã thế, khi đa héo lá, người ta còn đem trai tráng ra đào giao thông hào chằng chịt, xẻ nước vào để… cho gốc đa thoáng, thở - một biện pháp chữa cháy sai lầm.

Khi các nhà khoa học yêu cầu tìm xem dưới gốc đa có cái gì làm cụ đa bị bạt vía, thì ôi thôi, dưới đó toàn gạch ngói, trát vữa (xà bần) mà khi làm đường nhựa, xây dựng các công trình họ đã vô trách nhiệm, tống tất cả những thứ thừa mứa kia xuống gốc đa. Bới lên, dọn sạch, lễ phép với “cụ đa”, hồn cụ lại nhập về. Đa giờ đã lên xanh, như suốt 500 năm qua “cụ” vẫn hằng xanh như thế.

4- Qua mấy câu chuyện không kiêng dè, gần đây nhất, nóng hổi nhất trong cái bát nháo của cung cách bảo tồn làng Việt cổ Đường Lâm suốt mấy chục năm qua, có thể thấy tình yêu với Đường Lâm của chúng ta thật lớn. Bài học từ Đường Lâm thật lớn. Và (tự thanh minh chút) việc cánh báo chí chúng tôi liên tục giám sát và “dằn vặt” cái kiểu “chọc tiết di sản” của cơ quan chức năng cũng chẳng phải là vì hết việc làm hay vì ngứa mồm miệng. Mà chúng tôi muốn loại trừ sự vô lối, việc quá thiển cận trong cách hành xử với giá trị vô giá muôn một của làng Việt cổ đá ong Đường Lâm.

Thỉnh thoảng, ở phố thị, ngó tivi, báo chí, tôi hay thấy các “chuyên gia” nói về cung cách trùng tu, tôn tạo, bảo vệ Đường Lâm, và tôi lại tái mặt. Trời ạ, họ nói chung chung, họ cứ nói giời bể những cái điều mà họ cho là họ đã biết (thường là những điều ai cũng biết), có người chưa về Đường Lâm nghiên cứu bao giờ cũng cứ nói (mà sao nhà báo lại cứ đi hỏi “loạn” như thế?) - trong khi, những gì diễn ra ở Đường Lâm thì bị bỏ bẵng. Đường Lâm đang chết từng ngày, bởi tốc độ sống quá nhanh, tràn về quá nhanh.

Vừa qua, có vụ cướp bịt mặt, giữa ban ngày, đi qua đình làng, qua ủy ban xã, vào gặp một người giàu cướp vàng và tiền, đâm cho bà chủ một nhát rồi biến. Con nghiện từ phố thị coi làng cổ là bến đỗ “bình yên”. Xe đạp của bà con, từ thời có cái xe đạp đến giờ, vốn vẫn vứt chỏng chơ ở bờ ruộng để cấy cày, nay hở ra là bị dắt mất, mất hàng chục chiếc.

Di tích bị tàn phá bằng lối trùng tu ngớ ngẩn. Làng cổ mà nếp nhà xưa biến mất với tốc độ, nếu đi công tác lâu ngày về, người Đường Lâm có thể không nhận ra… làng mình nữa. Bạn bè tôi từ trong và ngoài nước về thăm Đường Lâm, họ ngán ngẩm như vừa bị dính quả lừa kiểu “mả bố thằng nào nói với thằng nào” trong truyện Trạng Quỳnh. Tôi lại nhớ lời nhà sử học Dương Trung Quốc, cứ đà buông lỏng quản lý xây dựng này, rồi phố cổ Hà Nội sẽ là cái gì? - rồi ông tự thở hắt giả nhời: Nó sẽ giống bất cứ cái phố nào trên đất nước này, trên thế giới này. Và, tôi nghĩ, làng tôi rồi cũng sẽ như thế.

Suốt mấy thập niên qua (từ khi không gian làng cổ còn nguyên vẹn đến nay), số công trình nghiên cứu, số giấy tờ hội thảo về Đường Lâm, có lẽ đã đủ để rải kín hai ba lớp trên đất làng tôi. Nhưng tuyệt nhiên không có ai khoanh vùng bảo vệ, không có ai ngăn chặn các hành vi trùng tu tôn tạo ngớ ngẩn, hay giám sát việc “phá di sản để làm mới” - những hành vi xây cất vô trách nhiệm với cha anh và mai hậu.

Người ta cứ bàn luận và người ta cứ phá, một đằng ở trên tivi, trên hội thảo, hội nghị; một đằng cầm dao xây thước thợ, máy xúc máy ủi trên chính đất đai mà cha ông họ để lại. Lỗi này, xin đừng đổ một mình cho ý thức của những người nông dân ở Đường Lâm. Bà con có quyền ở trong những ngôi nhà sang trọng khi họ có tiền, họ có quyền thụ hưởng các giá trị vật chất đang làm quay cuồng cả thế giới xung quanh họ; còn công việc bảo tồn là phải khoanh vùng, tạo hành lang dung hòa giữa hai chiều cũ mới kia để tôn vinh di sản một cách đích thực nhất. Rõ ràng, các nhà bảo tồn đã quá mải rao giảng mà bỏ trống trận địa.

Tường rào, nhà trong làng xây bằng đá ong tạo nên nét riêng - Ảnh: thethaovanhoa.vn

5. Tóm lại là gì, tóm lại là cảm giác của tôi: tôi thấy cái chiêu bài bảo vệ không gian văn hóa lịch sử cổ xưa ở Đường Lâm, dù dự án mấy trăm tỉ, dù nó rất tuyệt, nhưng nó đã được thực thi một cách thật là điêu trá. Sự điêu trá, vô trách nhiệm này không những đẩy Đường Lâm vào tình trạng không giữ được những giá trị vô giá mà lẽ ra có thể giữ được; hơn thế, nó sẽ giết chết ngay cả những giá trị bình thường khác của Đường Lâm, mà ở rất nhiều làng quê vẫn đã có. Ví dụ như sự thanh bình bờ xôi ruộng mật, những lũy tre xanh, bầu không khí trong lành, sự mộc mạc của người nông dân sương nắng ngoài đồng. Đường Lâm, trong cơn lốc làm du lịch, trong sự săn sóc vô duyên của những dự án thực hiện không phải bởi vì nâng niu những giá trị đích thực của làng Việt cổ đã bị biến dạng quá nhiều. Biến dạng đến tê tái.

Bây giờ, tôi nghĩ, vẫn còn chưa quá muộn để các nhà văn hóa, bảo tồn, quy hoạch ra tay nâng niu trân trọng giá trị muôn một của Đường Lâm một cách thiết thực, hiệu quả hơn.

Đỗ Doãn Hoàng

-----------------------------
Góp chuyện:

Ngày 24 tháng giêng năm Mậu Tý. Làng cổ Đường Lâm nghe tiếng đã lâu nay mới có cơ hội thưởng ngoạn cảnh quan.

Xuất phát từ Hà Nội nhằm đúng giờ thìn, cả đoàn hướng đường cao tốc Láng-Hòa Lạc, giữ vững tốc độ 40Km/giờ. Sau khoảng một giờ rưỡi chui qua mây bụi...(bấm để xem tiếp)

3 nhận xét:

  1. Cảm xúc ngày Đường Lâm

    Ngày 24 tháng giêng năm Mậu Tý. Làng cổ Đường Lâm nghe tiếng đã lâu nay mới có cơ hội thưởng ngoạn cảnh quan.

    Xuất phát từ Hà Nội nhằm đúng giờ thìn, cả đoàn hướng đường cao tốc Láng-Hòa Lạc, giữ vững tốc độ 40Km/giờ. Sau khoảng một giờ rưỡi chui qua mây bụi của những con đường đang làm vội để kịp chào mừng 1000 năm Thăng long, chúng tôi đã đến gốc đa cổ thụ cổng làng Đường Lâm.

    Cổng làng chụp trên ảnh, vẽ trên tranh, lướt trên web sao mà đẹp thế. Nhưng có lẽ đó là từ đã rất lâu. Bởi vì ngày nay người ta đã kịp bê tông hóa toàn bộ con đường dẫn vào thôn. Và, oái oăm thay ngay cách Cổng làng độ 10 mét, cắm sừng sững một cái cột đèn cao áp. Thế rồi cả hàng đèn cao áp đó cứ như trêu ngươi, chạy cùng khách tham quan vào sâu đến tận đình làng. Bên kia hồ cá là quán karaoke ngoài trời với những dàn loa mở hết công suất, chào đón du khách thập phương với những giọng ca nghe như tiếng rống của loài ăn cỏ.

    Màn lừa đảo thứ nhất bắt đầu ngay từ cổng làng bởi một cán bộ khi anh ta dọa du khách: “các ông các bà gửi xe ngay tại đây đi thôi giờ này trong đình không thể chen được vả lại người ta không cho xe máy vào đình”. Chúng tôi đành phiền lòng gửi lại xe cho bà chủ quán nước lúc này mặt tươi như hoa khi nhìn thấy cả chục cái xe máy, và chả biết bà ta là người nhà hay sẽ chia hoa hồng cho tay cán bộ kia. Màn lừa thứ hai của cô bé đeo băng đỏ trên tay ngồi sau cái bàn cạnh cổng. Mỗi người chúng tôi bị một vé vào làng tương đương bát phở tái Hà Nội. Chúng tôi không thấy ai mua vé, cũng không có biển bắt buộc, nhưng nghĩ đây là làng du lịch, mình phải đóng góp để người ta có quỹ, hoàn thiện thêm sản phẩm, phục vụ mỗi ngày một tốt hơn, nên mới đầu cũng không ân hận gì.

    Và đây là đình làng Mông Phụ cổ. Thật ngao ngán hết chỗ nói, khi nó không khác bất cứ cái đình làng nào ở đồng bằng bắc bộ này. Thứ nhất nó không cổ vì tất cả còn đang xây dựng ngổn ngang, chưa thờ cúng gì. Thứ hai nó như chùa bà Đanh, chứng tỏ màn lừa này đã bị phát hiện từ lâu mà chúng tôi không biết. Thứ ba không hề có biển báo giới thiệu thuyết minh như tờ rơi đã quảng cáo.

    Chúng tôi đi sâu vào làng và càng đi càng thấy thật buồn cho cái cách làm du lịch của mấy ông mấy bà nông dân. Cả làng này hầu như không còn cây cối gì. Ngõ thông ngõ bằng bê tông, nhà cách nhà bằng tường gạch xây cao. Bất cứ miếu mạo hoặc đền chùa nào có từ trước (hoặc nếu xóm nào thiếu thì phải xây thêm) đều được quét vôi ve xanh đỏ và cắm ở cửa vào một lá cờ hội te tua lật phật. Cạnh đó là quán nước bán đồ thờ với giá cắt cổ.

    Chuyện hỏi thăm người làng mới li kỳ hấp dẫn. Nếu bạn hỏi thăm đường đến đền thì có cái nào họ sẽ chỉ cho hết. Nhưng họ không hề biết đâu là Ngô Quyền đâu là Bố Cái Đại Vương, đâu là thám hoa Giang Văn Minh. Ồi dào vua cả ấy mà... Hỏi thăm nhà cổ của ông Huyến ở đâu không ai biết. Chắc ông này không trả tiền xã nên người ta không cho vào tờ rơi. Sau một hồi loanh quanh, ý đồ chụp ảnh đã bị tắt ngấm, chúng tôi quyết định viếng lăng Ngô Quyền và Bố Cái Đại Vương rồi ra về. Và đáng buồn thay cả hai nơi đó đều vắng lặng.

    Còn bao nhiêu làng cổ của miền bắc này như thế nữa? Và còn bao nhiêu cái đầu đang ấp ủ giấc mơ làm giầu bằng cách phát triển du lịch quê hương để moi tiền túi khách thập phương theo kiểu Đường Lâm? Chắc nhiều lắm

    Trả lờiXóa
  2. Nặc danh15/2/09 18:16

    Đọc "Nói thật.." thấy buồn, cám cảnh dân mình nghèo thấp cổ bé họng, nay đọc "Cảm xúc .." thấy lòng đâu còn cảm xúc nữa, chai lỳ hẳn.

    Xin lỗi bà con cô bác ở đó nhé, và tất cả các bà con cô bác nơi khác cũng lâm vào tình trạng như vây! Cho xin nói thật nhé.! Nói thẳng thắn nhé! Cũng chỉ vì cái thói ham danh, ham tiền mà thôi. Mình có cái gì chỉ hơi bị tô vẽ là "quý', "cổ' , là " khác người" một tí chút thôi thế là đem khoe nhặng xị cả lên, rồi dự án này dự án nọ. Tránh sao miếng ngon mà không lắm ruồi bu. Của quý nhà mình, thì mình phải lo gìn giữ, chứ khi đã đem khoe hàng rồi thì đâu còn là của mình nữa. Nó đã là của thiên hạ rồi!!! Thiên hạ ai có tiền thì có quyền xăm xoi, sờ mó chứ. Còn có ai đó lỡ bỏ tiền, bỏ công mà thấy cái ấy chẳng quý thì ráng mà chịu, có khác chi đâu cái lều Trạng Trình ở giữa hồ ngày xưa đó!

    Nói thật với bà con nhé! Phàm cái gì là của mình thì mình nên có gắng gìn giữ. Nếu ai đụng vào thì nên tranh đấu và bảo vệ. Đây là nhà mình, là làng của mình thì cả nhà, cả làng phải đứng lên bảo vệ. Ngày xưa, nước mất nhà tan, các bậc tiền bối đã từng làm như vậy, để lại con cháu sau này di sản truyền thống quý báu như vậy mà ta lại không biết gìn gữ và bảo vệ hay sao? Sao lại chỉ biết trách móc và than trời là sao?

    Nhà của mình, làng của mình, vậy bà con cô bác hãy đứng lên mà giành lấy, tự làm đẹp , làm giàu cho nhà mình, làng mình. Hãy nhìn xem Hội An, một đô thị cổ 400 năm nay đã biết tự bảo vệ mình và biết làm giàu cho mình từ cái di sản cha ông đã để lại!

    Trả lờiXóa
  3. Đúng là bà con ở nơi có di tích văn hóa (Đường Lâm) phải tự hỏi về ý thức và nhận thức của mình về tài sản này đến đâu.

    Mặt khác, có lẽ chính quyền đã can thiệp vào thô bạo quá. Nếu không thì ai dám phá, sửa cái đình làng và di tích nói chung một cách ngớ ngẩn đến thế:
    "Họa sĩ Thành Chương, nghe tin người ta tống hết gỗ đá quý của đình làng ra, tống đồ dở hơi tân kỳ vào, bèn lớn tiếng phản đối để bảo vệ ngôi đình tuyệt kỹ của nghệ thuật kiến trúc Việt Nam, phản đối không được, xót xa quá, anh Chương bèn lên Đường Lâm gặp bô lão và đơn vị thi công để thương lượng xin mua lại ít gỗ đá cổ kính về… thờ."

    Trong trường hợp có những thế lực thiếu văn hóa tàn phá di tích như vậy thì dân làng, thôn xã phải phản đối kịp thời thì may ra mới giữ được.

    Trả lờiXóa