20/2/09

Gia đình nhà báo

Ảnh: Nhà báo Huỳnh Hùng Lý và con trai, nhà báo Huỳnh Dũng Nhân (ảnh do anh Nhân cung cấp).

TTST BND sưu tầm được thông tin về chú Hùng Lý, năm nay 82 tuổi, từ "Kỷ lục tỉnh Bà Rịa Vũng Tàu", xin giới thiệu với các bạn:

Kỷ lục tỉnh Bà Rịa Vũng Tàu:

Gia đình có truyền thống làm báo nhất

Gia đình nhà báo Huỳnh Hùng Lý với 3 thế hệ cùng hoạt động trong lĩnh vực báo chí. Ông ngoại của ông vốn là một cụ đồ, có văn hay chữ tốt. Thừa hưởng cái “gien” quí đó từ ông ngoại nên những người con trong gia đình của nhà báo Huỳnh Hùng Lý đều có khiếu viết báo, đặc biệt là đam mê với nghề báo.

Nhà báo Huỳnh Hùng Lý (cha), đã làm báo từ khi còn rất trẻ, với nhiều bút danh khác nhau: Việt Hùng, An Bảo Minh, Huỳnh Lê, Thụy Nhân, Huỳnh Vạn Lý,… Những năm 1952-1955, là phóng viên rồi Thư ký Toà soạn báo Nhân Dân miền Nam. Năm 1969-1975, là Thư ký rồi Tổng biên tập báo Đối ngoại của Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam chiến đấu, bằng tiếng Anh và tiếng Pháp. Năm 1980-1985, là Trưởng ban chính trị rồi đại diện báo Nhân Dân tại các tỉnh phía Nam; Giám đốc Sở VHTT Đặc khu Vũng Tàu – Côn Đảo… Cuối năm 1985, ông nghỉ hưu nhưng vẫn tiếp tục viết bài gửi cho các báo với những bài viết dày dặn, sắc sảo.

Các con của ông là nhà báo Huỳnh Dũng Nhi, công tác tại báo và Đài Phát thanh Truyền hình tỉnh Bà Rịa Vũng Tàu, hiện đã nghỉ hưu. Nhà báo Huỳnh Dũng Nhân đang là Tổng biên tập Tạp chí Nghề báo của Hội nhà báo thành phố Hồ Chí Minh. Các con dâu của nhà báo Huỳnh Hùng Lý cũng đều làm báo: nhà báo Huỳnh Thị Diệu, vợ của nhà báo Huỳnh Dũng Nhi (Báo BRVT); cháu ngoại Huỳnh Thị Thùy Dung và cháu rể Tấn Lộc cùng làm ở đài PTTH, tỉnh BRVT.

Nhà báo cao tuổi nhất

Nhà báo Huỳnh Hùng Lý sinh năm 1927, bắt đầu tham gia cách mạng năm 1945 và được kết nạp Đảng ngày 25-9-1947. Con đường bước vào nghề báo của ông bắt đầu từ những hoạt động thông tin trong công tác Đoàn Thanh niên Cứu Quốc. Ông bắt đầu viết báo từ năm 1948, ban đầu cho tờ Tập san Thanh niên tỉnh Bến Tre.

Cuộc đời làm báo của ông gắn liền với những hoạt động cách mạng, chiến đấu chống giặc Pháp và Mỹ ở mặt trận miền Nam. Ông viết cho nhiều tờ báo với những bút danh khác nhau,… nhưng trong đó để lại dấu ấn nhất là tờ Nhân Dân. Những năm 1952-1955, là phóng viên rồi Thư ký Toà soạn báo Nhân Dân miền Nam. Năm 1969-1975, là Thư ký rồi Tổng biên tập báo Đối ngoại của Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam chiến đấu, bằng tiếng Anh và tiếng Pháp. Năm 1980-1985, là Trưởng ban chính trị rồi đại diện báo Nhân Dân tại các tỉnh phía Nam; Giám đốc Sở VHTT Đặc khu Vũng Tàu – Côn Đảo, Phó ban tuyên giáo tỉnh Bà rịa Vũng Tàu…

Ông là nhà báo cách mạng hoạt động sôi nổi trên mặt trận báo chí chống giặc ngoại xâm. Hoạt động cùng thời với các nhà báo lão thành khác như nhà báo Hoàng Tùng (Tổng biên tập Báo Nhân dân), nhà báo Trần Bạch Đằng (đã mất)… Cuối năm 1985, ông nghỉ hưu nhưng vẫn tiếp tục viết bài gửi cho các báo với những bài viết dày dặn, sắc sảo. Tuyển tập “Ngòi bút rượt đuổi thời gian”, là nơi tập hợp những bài báo mang tính thời sự nóng hổi của suốt một cuộc đời làm báo của ông. Đến nay, ở tuổi 81 nhà báo Huỳnh Hùng Lý vẫn đôi khi “đặt bút” viết và gửi bài cho các báo ở địa phương cũng như Trung ương, vì với ông “Còn viết được còn có niềm vui”.
(Kỷ lục tỉnh Bà Rịa Vũng Tàu)
-------------------------------------------

TTST BND: Xin giới thiệu tác phẩm đầu tay của nhà báo Huỳnh Hùng Lý, cách đây từ 56 năm, được coi là một trong những cuốn tiểu thuyết đầu tiên của cách mạng miền Nam (theo học giả Trần Bạch Đằng).

(Lao Động số 333) Đọc lại tác phẩm "Chiến đấu viên họ Trần":

Ngọc càng mài càng sáng

Tác phẩm đầu tay - tập hồi ký "Chiến đấu viên họ Trần" của nhà báo cách mạng Việt Hùng (tức Huỳnh Hùng Lý) được xuất bản đầu tiên năm 1953 tại miền Nam, do Trần Bạch Đằng viết lời tựa, đến nay đã được nửa thế kỷ. Cuốn sách đã gây được những ảnh hưởng và tình cảm sâu sắc trong lòng người đọc thời bấy giờ.

"Chiến đấu viên họ Trần" ghi lại cuộc đời anh dũng của nhà cách mạng Trần Xuân Độ, mà theo lời tác giả "cuộc đời đó thật là một thiên tiểu thuyết ly kỳ, hùng tráng, là một bài thơ hết sức đẹp đẽ, là một bức tranh màu sắc tuyệt vời". Sinh năm 1894, tại huyện Lục Bình, tỉnh Hà Nam, ông Trần Xuân Độ tham gia cách mạng năm 1926. Năm 1929, ông bị địch bắt sau cuộc khởi nghĩa thất bại của Quốc dân đảng do Nguyễn Thái Học lãnh đạo, ông bị tra tấn khốc liệt, bị tù đày từ Hỏa Lò, qua Sơn La đến Côn Đảo... song ông vẫn một mực giữ khí tiết, không khai báo cả tên họ của mình (tên Trần Xuân Độ là do địch bí quá phải đặt cho ông để làm hồ sơ). Năm 1936, ông đến với Đảng Cộng sản. Sau khi ra tù, ông là Bí thư Tỉnh uỷ Bà Rịa, Chính uỷ Bộ Tư lệnh Quân khu 7 chiến đấu bên cạnh Trung tướng Nguyễn Bình, rồi làm cán bộ lãnh đạo Tổng Công đoàn, Đại sứ đặc mệnh toàn quyền tại Cộng hòa Dân chủ nhân dân Triều Tiên. Ông đã được nhận "Huy hiệu 60 năm tuổi Đảng"; Huân chương Độc Lập hạng Nhất; Huân chương Kháng chiến chống Mỹ hạng Nhì, Huy chương Vì sự nghiệp ngoại giao.

Với niềm kính trọng và yêu mến sâu sắc người cộng sản kiên cường và mong muốn phổ biến rộng rãi tấm gương sáng ngời này đến thế hệ trẻ ngày nay, nhà báo Huỳnh Hùng Lý đã tái bản tập hồi ký "Chiến đấu viên họ Trần". Trong tập tái bản, tác giả đã cất công gặp nhiều nhân chứng tìm hiểu và thêm vào nhiều bài viết về khoảng thời gian ông Trần Xuân Độ sinh sống và công tác tại tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu (từ năm 1945 -1948). Tiếp đến, nhà báo Huỳnh Dũng Nhân, công tác tại Báo Lao Động (con trai tác giả) cũng đóng góp công sức với cha mình để có một bài viết về cuộc sống người cộng sản kiên cường này, khi ông chuẩn bị đón nhận "Huy hiệu 60 tuổi Đảng". Ngoài ra, tập sách còn tập hợp nhiều bài viết của các tác giả khác về ông Trần Xuân Độ cho tới ngày ông mất, thọ 104 tuổi (năm 1998).

Một cuốn sách đã lưu lạc qua nửa thế kỷ, nay đọc lại, người đọc thấy tấm gương người chiến sĩ cộng sản Trần Xuân Độ vẫn kiên cường và sáng ngời như ngọc.
(Minh Quân - Lao Động số 333)
-------------------------------------------

(TTST BND) Tác phẩm chính của nhà báo Hùng Lý:

- Chiến đấu viên họ Trần - 1953 và 2004
- Đường dài hữu nghị - 1976
- Tuổi trẻ xứ Dừa 9 năm chống Pháp - 1987
- Ngòi bút rượt đuổi thời gian - 2001
- Côn Đảo - Biển trời thiêng liêng, Tài nguyên đa dạng - 2005
- Nét đẹp Bến Tre - 2007

Ông Huỳnh Hùng Lý (áo trắng) và con trai - nhà báo Huỳnh Dũng Nhân
Ông Huỳnh Hùng Lý (áo
trắng) và con trai -
nhà báo Huỳnh Dũng Nhân
- trao học bổng cho học
sinh tiểu học xã Hưng Lễ
(ảnh: vietbao.vn)

1 nhận xét:

  1. Tin mới: tại Đại hội nhà báo TPHCM lần thứ VI, kết thúc ngày 26-2-2009 tại hội trường TP.HCM - 111 Bà Huyện Thanh Quan, nhà báo HDNhân đã được bầu làm Phó Chủ tịch Hội Nhà báo TP.HCM.
    bấm xem: Bế mạc Đại hội nhà báo TPHCM lần thứ VI

    Trả lờiXóa