2/2/09

Bức tranh quê hương khắc gỗ

Từ: Ninh-Ha Nguyen-Quoc
Ngày 02 tháng 2 năm 2009, 09:25
Chủ đề: Chuc mung Nam Moi (muon)!

BBT blog ơi,

Cho Ninh Hà gửi lời chúc Tết muộn tới tất cả các bạn bằng bài viết này nhé!

Chúc cho tất cả chúng ta một năm mới thật nhiều điều tốt lành!

Chúc các bạn tham gia blog ngày càng... liên tục!

(Ở xa, rất muốn được biết Hà Nội ăn Tết thế nào. Thỉnh thoảng BBT có thể làm một phóng sự ảnh về Hà Nội được không? Ví dụ: Trận lụt lịch sử vừa qua; những ngày rét lịch sử vừa qua; những chuẩn bị cho 1000 năm Thăng Long - Hà Nội; những làng nghề xưa; một gallery tranh; một con phố; một tiệm bán hàng thủ công...).

Chúc BBT nhiều sức khỏe và luôn giữ ấm ngọn lửa nhiệt tình...
Ninh-Hà

Ảnh: Nguyễn-Quốc

Tùy bút:
Bức tranh quê hương khắc gỗ

Anh mệnh Mộc. Mộc là cây. Cây mọc lên từ đất. “Ai mà chẳng “mọc” lên từ đất!” – anh nói.

Anh xa quê hương mấy chục năm. Ra đi khi mái tóc còn xanh, lúc trở về đã là một vị giáo sư tiến sỹ trung niên, nghiêm nghị, đằm tính. “Những người như tôi ai cũng “mệnh Mộc” cả, có điều gốc rễ ẩn sâu trong lòng đất nhiều khi không nhìn thấy” – anh dùng hình ảnh để bộc bạch tâm sự.

Có thể, nếu tình hình trong nước chưa được thuận lợi như ngày nay, nếu cơ hội làm việc trong nước không lúc nào nhiều như lúc này, thì có lẽ anh vẫn đang còn cặm cụi trong phòng thí nghiệm của một trường đại học nước ngoài, ngày ngày lên mạng trao đổi với đồng nghiệp quốc tế, tìm hiểu những thông tin chuyên ngành mới nhất, viết bài cho các tạp chí khoa học, hướng dẫn sinh viên đến từ nhiều quốc gia làm luận án thạc sỹ, tiến sỹ, chuẩn bị thêm tài liệu cho bài giảng ngày mai… Trong phòng làm việc có một bức tranh phong cảnh, một rừng cây bạt ngàn lộng lẫy lá đỏ.

Trở về nước làm chuyên gia trong lĩnh vực công nghệ cao của thành phố, anh bảo: Tôi may mắn được làm một công việc “đúng việc, đúng người”. Những kiến thức, kinh nghiệm tích lũy được trong những năm tháng làm việc ở nước ngoài giờ đây có thêm những giá trị mới mà có lẽ những người như anh mới thực sự cảm nhận được hết.

Cũng cần một chút thời gian để thích nghi lại. Cuộc sống không lúc nào ngừng trôi. Trở về, anh làm một việc mà người Việt đi xa khi trở về thường làm là cùng người em trai tạo lập khu nhà vườn, làm nơi thờ cúng ông cha. Thờ gia tiên, đó là đạo lý ngàn đời của người Việt. Khu vườn nhỏ thôi, nằm ven bờ kênh, có một nếp nhà, một hồ thả cá mà vào những buổi cuối tuần thư thả anh có thể ngồi buông câu, buông miên man cả dòng suy nghĩ, một rặng trúc ngà trước cổng, một hàng cau xanh dẫn khách vào vườn, đôi ba bụi chuối đứng bồng trái, gốc đu đủ đầu hè, hương lan, hương lài ngan ngát. Trong vườn, xoài, mít, cam, ổi chen chân…

Không biết có phải vì là người mang “mệnh Mộc” mà anh muốn làm một bức tranh khắc gỗ để trang trí cho ngôi nhà vườn hay không. Nói gỗ là thứ vật liệu truyền thống, mộc mạc, gần gũi cũng được. Nói gỗ là thứ nguyên liệu “quý tộc”, “thời thượng” của thời đại “xanh” ngày nay cũng được. Ít thứ vật liệu nghệ thuật nào hội đủ những đặc tính cao sang, bình dị, thân thiện như gỗ.

Tình cờ anh làm quen với một chàng trai trẻ, tốt nghiệp trường Sân khấu Điện ảnh, tâm hồn nghệ sỹ… một lòng đam mê gỗ. Một già, một trẻ. Một là nhà khoa học, một là diễn viên nghệ thuật. Vậy mà hợp nhau mới lạ, phải chăng nhờ “duyên” của gỗ. Anh muốn khắc họa một bức tranh quê. Không phải về một nơi chốn cụ thể nào, một bức tranh quê Việt, vậy thôi.

Một bức tranh có đủ bốn mùa Xuân, Hạ, Thu, Đông. Mùa hạ hái trái trên cây, bắt cá ngoài đồng. Mùa thu thơm hương gạo mới. Mùa đông co ro ăn củ khoai lùi ngọt lịm. Mùa xuân óng ánh mai vàng, đất trời tinh khôi. Một bức tranh có đủ Mai, Lan, Cúc, Trúc. Mai thanh tao, Lan quyền quý, Cúc trung trinh, Trúc quân tử. Trong tranh, Ngư ông bắt cá, Tiều phu gánh củi, Nông phu làm ruộng, Mục đồng thổi sáo lưng trâu. Sĩ, Nông, Công, Thương, kẻ buôn thúng bán bưng, người chạy xe thổ mộ, ông đồ già cho chữ trong gian nhà nhỏ. Đầm ấm cảnh “chồng cày, vợ cấy, con trâu đi bừa” hay “lọng anh đi trước, võng nàng theo sau”. Vịt bơi trên đồng, cá lội giữa ao sen, thấp thoáng mái rạ, xa xa một ngôi chùa nhỏ cuối đường làng... Anh không quên hình ảnh những buổi chiều sương tím buông, đàn trâu lững thững trở về trong tiếng chuông chiều sâu lắng. Đâu phải chỉ là cảnh, mà là tình, chan chứa biết bao tình, bức tranh quê ấy...

Trương Hoàn Mỹ được thừa hưởng từ cha và ông lòng yêu gỗ và nghề khắc gỗ. Những người như cha cậu nay không còn nhiều. Người trẻ tuổi yêu gỗ như cậu lại càng hiếm. Là diễn viên điện ảnh (cậu vừa hoàn tất vai diễn tướng Tô Ký trong bộ phim Vó ngựa trời Nam) nhưng Mỹ có thể ngồi nói chuyện hàng giờ về nghệ thuật khắc gỗ. Cậu giúp anh biến ý tưởng thành hiện thực. Chỗ này khắc hai con tuần lộc, một mẹ, một con, dưới gốc tùng, là tích “Tùng-Lộc” thể hiện sự vững bền, may mắn. Gốc đa cổ thụ, cánh hạc ngang trời, hàm ý vững chãi, dài lâu. Mỹ nói, ngay họa tiết chữ Vạn khắc quanh khung bức tranh bây giờ không phải ai cũng làm được. Hay kích thước bức tranh, dài rộng thế nào, cả thảy bao nhiêu nhân vật… người xưa đều có tính toán cả.

Bức tranh khắc gỗ giản dị, không chỉ ẩn chứa tình cảm, hoài niệm mà còn gửi gắm ước vọng dài lâu. Nó thể hiện triết lý của người Á Đông về “Thiên, Địa, Nhân, Hòa”, với lời cầu mong “Phúc, Lộc, Thọ” mà người Việt thường tặng cho nhau những ngày đầu năm mới. Bàn tay nghệ nhân thật tài hoa. Tấm lòng làm bàn tay nở hoa.

Trong ngôi nhà mới ẩn giữa khu vườn yên tĩnh của anh, bức tranh quê hương khắc gỗ được treo ở vị trí trân trọng nhất...

NINH-HÀ NGUYỄN-QUỐC (Canada)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét