28/5/12

Nghĩa tình trên tạp chí Nghề báo của Huỳnh Dũng Nhân


Bận việc quá, nay chợt nhớ có món quà của anh Huỳnh Dũng Nhân tặng cách đây hơn chục ngày, cuốn NGHỀ BÁO, trong dịp Dũng Nhân ra Hà Nội tham gia Ban giám khảo một cuộc thi báo chí. Đó là cuốn tạp chí của Hội Nhà báo TP. Hồ Chí Minh do chính Huỳnh Dũng Nhân làm Tổng biên tập, xuất bản kỳ thứ 114 - 115, số đặc biệt nhân kỷ niệm 30 tháng 4, mới ra ngày 04/5/2012. Rất cám ơn anh Huỳnh Dũng Nhân và xin giới thiệu cùng các bạn.


Trang 9
Cuốn tạp chí cỡ ngót nghét trăm trang, giấy in khá đẹp, gồm ít tin tức và nhiều bài viết chính thống mang tính nghề nghiệp, nhưng cũng rất thời sự đúng như cái tên "nghề báo" của nó.



Điều đặc biệt là ngay ở trang 9, có bài đưa tin về hoạt động nghĩa tình của con em cán bộ, phóng viên báo Nhân Dân thời kỳ sơ tán chống Mỹ (1964 - 1972), đến thăm và tặng quà nhà báo lão thành 88 tuổi Bùi Á, thể hiện lòng biết ơn của thế hệ con cháu đối với nhà báo Bùi Á nói riêng và cán bộ báo Nhân Dân thời kỳ chiến tranh chống Mỹ nói chung (bài viết của HM).


Cũng hôm ấy, Huỳnh Dũng Nhân có cuộc giao lưu vui vẻ, kết hợp trao đổi công việc từ trưa tới gần hết buổi chiều, với mấy anh em Trại trẻ Sơ tán báo Nhân Dân và Công ty Tri Kỷ.

Nội dung câu chuyện thì nhiều vô kể, nhưng có một việc quan trọng và cảm động phải thông tin với các bạn biết, là anh Bùi Khanh mới gọi điện cho Dũng Nhân, rằng sau buổi gặp gỡ tình nghĩa với chú Bùi Á kể trên, anh và gia đình rất cảm động và anh quyết định lên Đà Lạt ngay, mang hết tài liệu, ảnh chụp, dữ liệu lưu trữ của chú Bùi Á về TP. HCM để bàn giao cho hội Trại trẻ Sơ tán báo Nhân Dân quản lý hộ. Anh có hỏi Dũng Nhân, giờ đã mang hết về Thành phố rồi, ai sẽ thay mặt hội TTST BND nhận để anh chuyển giao?

"Phóng viên ảnh" Đặng Nam có chụp mấy kiểu kỷ niệm buổi gặp bằng cái máy chỉ toàn ghi chữ Nhât (máy ảnh nội địa), mà thực ra ngay cả nửa chữ Nhật cũng chẳng ai ngồi cùng mâm biết, nên kết quả là đến nay vẫn chưa rõ có thành sản phẩm hình ảnh đăng báo được không (nếu có rồi thì đã được đăng lên đây kèm theo bài này). Vậy mời bạn chờ thêm ít ngày nữa, có thể sẽ được xem trên blog ttst bnd. (Nói xấu vui Đặng Nam thế thôi, chứ lỗi chính là do hôm đó mình lười không lấy chiếc máy khác ra để chụp! - hd)

_____

Cập nhật 30/5/2012
Từ: Đặng Hoàng Nam

Anh Dân à,
Cái máy ảnh Nhật (nội địa) ấy cũng cho ra sản phẩm rồi đây. Em dạo này lu bu quá nên hơi chậm gửi "sản phẩm".
Đặng Nam

Do tranh thủ thời gian nên gọi nhau buổi sáng thì hẹn trưa gặp mặt. Có 2 người đến trước, sau đó gọi tiếp các bạn

Nhận được tin, Đặng Nam sắp xếp sau 30' đã có mặt. Biết rằng không báo trước thì các bạn khó mà đến, nên nhóm cũng chỉ kêu thêm vài người nữa. Nhưng Hùng, Việt Phương, Tuấn Phong, Thanh Hà cũng rất tiếc không thể bố trí để tham dự.

Nhà hàng không nổi tiếng nhưng được cái ở vị trí tiện lợi, đẹp, thoáng mát và yên tĩnh, rất tiện trò chuyện.

14/5/12

Tin Vui


Từ: Khánh Châu
Ngày: 12/5/2012, 15:44

Các bạn Trại trẻ Sơ tán báo Nhân Dân thân mến,

Chúng tôi vui mừng thông báo về lễ cưới của con gái chúng tôi, Lê Thanh Ly, với Jan Eumann, sẽ tổ chức vào ngày 18 tháng 5 năm 2012. Sau lễ cưới vợ chồng cháu sẽ sang New York để sinh sống và làm việc.

Xin trân trọng báo tin.

Lê Khánh Châu và Nguyễn Thanh Hoa


*****

TTST BND: Bên dưới đây là một số tin nhắn rất tình cảm mà các bạn gửi về Ban Quản trị blog trong thời gian qua, nay nhà blog mới có dịp tập hợp, đăng lại để mọi người chia sẻ.

Từ: Vuquocloc
Ngày: 07/5/2012
Chủ đề: TTST BND Chuc mung Sinh nhat

Chào Ban quản trị mạng và anh chị em TTSTBND,

Mấy năm nay rồi, cứ gần đến ngày sinh nhật mình là lại háo hức mở thùng thư ra xem. Phải nói là Ban quản trị mạng rất tận tình và chu đáo để giữ được truyền thống tốt đẹp này của hội TTST BND.

Còn nhớ năm kia, một sớm mai thức dậy vào mạng lục thư hay coi tin tức gì đó, bất chợt nhìn thấy tấm thiệp chúc mừng sinh nhật của anh em Trại trẻ gửi mà thấy lòng mình rưng rưng. Có mấy ai, kể cả anh em trong nhà đã gửi được cho ta tấm thiệp mừng nhân ngày sinh? Thì ra, những năm tháng cùng nhau sống gian khổ trong Trại Sơ tán đã làm cho anh chị em mình gắn bó với nhau còn hơn cả ruột thịt.

Thế rồi bâng khuâng mơ, mơ có một ngày rảnh, một dịp may nào đó, hẹn hò, tụ tập nhau lại để có dịp gặp người cũ, tay bắt mặt mừng, cùng nhau ôn chuyện xưa cho thỏa nỗi nhớ... Đối với những người bận rộn và nhất là xa xứ thì không phải lúc nào cũng thực hiện được giấc mơ tưởng như đơn giản đó.

Thì cứ mơ vậy thôi, biết đâu mai này giấc mơ một ngày đoàn tụ ấy lại chẳng trở thành sự thật?

Cám ơn Ban quản trị và nhờ các anh chuyển lời chúc sức khỏe tới toàn thể anh chị em Trại trẻ mình nhé.

Vũ Quốc Lộc
_____

Từ: Như Tuấn
Ngày: 07/5/2012
Chủ đề: TTST BND Chuc mung Sinh nhat

Từ nơi đất khách quê người, em xin cám ơn Trại trẻ Sơ tán Báo Nhân Dân, cùng các anh chị và các bạn!

Vũ Như Tuấn.

_____

Từ: Trịnh Bình Thao
Ngày: 25/4/2012
Chủ đề: TTST BND Chuc mung Sinh nhat

Em cám ơn các anh chị TTST BND. Rất mong một ngày gặp mặt!

Bình Thao


_____

Từ: Kiều Thành
Ngày: 22/3/2012
Chủ đề: TTST BND Chuc mung Sinh nhat

(Kiều Thành có một bài viết dài nhân dịp này, mời các bạn xem tại đây: Cám ơn các anh chị TTST BND)


_____

Từ:
Ngày: 06/3/2012
Chủ đề: TTST BND Chuc mung Sinh nhat

Rất cám ơn anh Dân và TTST BND vì những lời chúc tốt đẹp!

Thân ái,
Vũ Tuấn Hoàng

_____

Từ: Nguyễn Tường Vân
Ngày: 22/2/2012
Chủ đề: TTST BND Chuc mung Sinh nhat

Em rất cảm động vì sự quan tâm của TTST BND. Em xin cám ơn các anh, các chị và chúc các anh, các chị một năm mới sức khỏe và bình an!

Em Tường Vân
_____

Từ: Nguyệt
Ngày: 08/2/2012
Chủ đề: TTST BND Chuc mung Sinh nhat

Cảm ơn các bác Hà Nội đã gửi lời chúc mừng sinh nhật tới tôi.

Chúc các anh chị em chúng ta một năm mới với nhiều điều mới mẻ, nhiều điều vui vẻ, nhiều sức khỏe và thật nhiều tiền.

Nghe hơi thực dụng nhỉ, nhưng với tình hình như hiện nay thì tôi nghĩ rằng đó là gì tôi cần, bạn cần và mọi người cũng cần.

Chào cả nhà nhé!

Ánh Nguyệt.
_____

Từ: Minh Hiền
Ngày: 07/2/2012
Chủ đề: TTST BND Chuc mung Sinh nhat

Cám ơn các bạn vì những lời chúc mừng sinh nhật đầy ý nghĩa này.
Nhân dịp năm mới Nhâm Thìn, xin chúc các bạn một năm mới sức khỏe, hạnh phúc và thành công!
Chúc Công ty Tri Kỷ của chúng ta làm ăn phát đạt như rồng gặp nước!

Hiền

13/5/12

Chuyện chưa được kể về chú "bộ đội" Bùi Á


Gửi từ: Kiều Thành
Lúc: 22:32, ngày 9/5/2012
Chủ đề: Những điều chưa từng nói








Nhà báo Hùng Lý và nhà báo Bùi Á (bên phải)
trong ngày hội kỷ niệm 50 năm báo Nhân Dân
Ảnh do Huỳnh Dũng Nhân gửi đến blog
Nhờ anh Huỳnh Dũng Nhân giúp em đưa thông tin của em tới chú Bùi Á

Thưa chú Bùi Á, cháu là Kiều Thành con bố Kiều Đệ (rất dễ nhớ, vì bố cháu là thương binh tập tễnh hỏng một chân, một tay) và mẹ Thuận cấp dưỡng nhà ăn tập thể Báo Nhân Dân đây ạ.

Thưa chú, từ lâu rồi cháu vẫn ghi nhớ hình ảnh về chú, nó đặc biệt lắm. Khoảng thời gian đã quá xa, khi cháu được ở gần chú và chú cũng quý trẻ con thời đó lắm. Chú ạ, cháu vẫn nhớ năm ấy là chiến tranh, cháu còn chưa đi học, được bố mẹ cho theo lên cơ quan và đi nhà trẻ trên phố Hàng Trống gần đó, trưa bố cháu đón cháu về ăn cơm tại phòng bố cháu. Bấy giờ phòng các chú nhiếp ảnh ở dãy nhà một tầng ngay sau phòng thường trực, chỗ bác Lâm và chú bảo vệ ngồi. Những năm đó bố Kiều Đệ của cháu làm ở phòng Tổ chức của cơ quan, phòng bố cháu có cửa hường nhìn về cây đa cổ thụ, bên phải là phòng tiếp khách cơ quan, phòng ảnh các chú sau phòng khách. Bên trái nhà bảo vệ là sân nằm chênh chếch cửa phòng ảnh của chú. tại sân này chú lái xe ô tô đưa đón bác Hoàng Tùng thường đỗ xe và vào chơi với các chú.

Những lúc bố mẹ cháu đón về đấy, trẻ con ở cơ quan không có ai chơi với cháu (hay là cháu bé quá nên chẳng tìm được bạn), cháu lại ra khu trước cửa phòng chú để sờ mó cái ôtô với vẻ mặt thích thú mãn nguyện. Lúc đó cháu không biết gì về chú, chỉ biết chú hay ở phòng ảnh và hay chơi đùa với cháu.

Trong một lần chú đang thay cuộn phim mới vào máy, chú đã gọi cháu lại bảo "đứng im chú chụp ảnh cho". Tấm ảnh này cháu vẫn giữ (hôm ấy cháu mặc quần có yếm, có dây qua vai) và một tấm hình nữa chú chụp ảnh bố mẹ cháu đứng cùng các anh bộ đội (cùng đơn vị của anh cháu chuẩn bị đi vào miền Nam). Khi đó cháu quý chú vì chú hay chơi cùng cháu; Còn mẹ cháu thì bảo rằng chú ăn cơm nhà bếp cả hai bữa, vì chú xa nhà nên nhớ nhà và chơi với con. Có lẽ thế nên chú thường dành thời gian chơi đùa với cháu. Nhưng cũng chỉ được khoảng 2 tháng gì đó thôi, rồi thì cháu phải đi sơ tán cùng một vài người lớn và cùng các anh chị em khác trên chiếc xe com-măng-ca về xã Thống nhất, ở Hà Tây. Một thời gian sau, bố mẹ cháu có mang cho cháu xem tấm ảnh chú Tặng và nói chú đã đi bộ đội vào Miền Nam...đánh giặc.

Mãi đến năm 1975 thống nhất đất nước, bố cháu mới nói chuyện chú bị bọn Mỹ bắt giam và đã được trở về... Đã có lần truyền hình Việt Nam dưa tin về chú đang sống tại Đà Lạt - tỉnh Lâm Đồng. Ở xa xôi, cháu vẫn nhớ về chú mà không tới thăm chú được. Nay các anh chị Trại trẻ Sơ tán Báo Nhân Dân đến thăm chú và một lần nữa cháu biết thêm thông tin về chú. Nhớ đến chú là cháu luôn nhớ đến tấm ảnh. Đó là tấm hình chú tặng cháu; tấm hình đầu tiên và duy nhất cháu được chụp một mình, một kỷ niệm ăn sâu vào trí nhớ chú ạ.

Cháu kính chúc chú khỏe. Vui khỏe chú nhé!
Cháu Kiều Thành con bố Đệ mẹ Thuận
_____

TTST BND:
* Bức ảnh trên, Kiều Thành ôm cột nhà thờ họ Phùng chụp 3/2010, để nhớ lại cảnh bị phạt mấy lần ở trại trẻ ngày xưa;
* Cám ơn anh Huỳnh Dũng Nhân, ngày 10/5/2012 đã gửi 2 bức ảnh từ an-bom gia đình đến blog, trong đó có Bác Hồ đến thăm báo Nhân Dân do phóng viên Bùi Á chụp, bức còn lại chụp trong ngày hội 50 năm báo Nhân Dân, nhà báo Hùng Lý gặp nhà báo Bùi Á.
* Anh Lê Khánh Châu vừa có thiệp báo hỷ gửi các bạn TTST BND, chúng tôi sẽ đăng trong bài tiếp theo.

5/5/12

Tình thân... ái!

Vũ Quốc Hùng
(Kỷ niệm về chú Bùi Á)

NGÂY THƠ - Ảnh: Bùi Á
Nguồn: lamdong.gov.vn
Chuyện từ thủa cán bộ làm việc ban ngày tại cơ quan, ăn uống và ngủ cũng tại cơ quan. Bố tôi cũng vậy, và tôi được ở chung luôn với bố tôi tại 71 Hàng Trống. Sau ngày làm việc căng thẳng, buổi tối các chú thanh niên và các chú độc thân thường hay xuống phòng thường trực tán chuyện, mấy thằng chúng tôi cũng hay đến đó hóng chuyện.

Khoái nhất là gặp chú Ngô Lê Dân, chú ấy hay nhờ nhổ tóc bạc. Chú khoán nhổ được 20 cái tóc bạc thì chú đưa ra Bờ Hồ chiêu đãi một cốc xi rô đá ngon tuyệt. (Quả thực lúc đó tôi không hiểu tại sao chú ấy không muốn tóc bạc).

Còn ớn nhất là gặp chú Bùi Á. Thường thì chú ấy ít đến vì hay đi công tác và tối thì bận tráng phim rửa ảnh ở phòng tối, như bây giờ gọi là phòng LAB. Trẻ con chúng tôi hay mặc quần đùi, áo may ô (mà cũng không nhớ hồi đó có áo may ô hay không). Mỗi lần chú Bùi Á đến nhìn thấy tôi là chú chắn ngay cửa đi vừa cười vừa tiến lại gần, giơ cánh tay chắc khỏe vỗ vào đùi tôi véo đồng thời kêu to:

- Tình thân?

Tôi đau quá kêu to không kém:

- Ái!

Chú khoái lắm cười vang, còn tôi chỉ chực khóc. Ấy mà đôi khi quá đau tôi kêu chữ “ái” không được tròn tiếng, chỉ kêu được một nửa, tức là kêu “á”, thì chú Bùi Á nói: “À, trêu tao à” và chú lại cho thêm một phát “tình thân” nữa vào bên đùi còn lại. Mấy cái chữ “Tình thân ái” hồi đó sao mà đáng sợ thế.

Thời gian trôi đi có đến 50 năm, tụi con em Báo Nhân Dân mỗi lần gặp lại các cô chú, gặp lại nhau đều mừng mừng tủi tủi, khi đó tôi lại nhớ đến 3 chữ “tình thân ái” và liên tưởng đến chú Bùi Á. Thương chú sau bao sóng gió cuộc đời, đúng là vào sinh ra tử, đến khi những cống hiến của chú được công nhận, những bức ảnh lịch sử của chú về Bác Hồ, về cuộc kháng chiến thống nhất đất nước được tôn vinh thì dường như chú lại không biết. Còn tôi, giờ đây có một ước mong mãnh liệt, là khi gặp lại chú, chú sẽ véo tôi và nói: “Tình thân?”.

VQH

3/5/12

Chúng tôi đến thăm nhà chú Bùi Á


Từ: Việt Phương
Lúc: 20:42, 02/5/2012

Blog ơi, em thắc mắc tại sao HD.Nhân không nói kỹ một chút về hôm gặp chú Bùi Á, chú ấy còn tỉnh táo không? Chú có biết gì về chúng mình không nhỉ? Em chỉ mở được mỗi 1 ảnh thôi, mà hình như là 3 ảnh thì phải...

_____

Từ: Vũ Quốc Hùng
Lúc: 9:12, 03/5/2012

Nhân và Trần Minh ơi,

Nghe nói chú Bùi Á lẫn và không nhớ được mấy, liệu chú ấy có biết đây là con cháu của các nhà báo Báo Nhân Dân đến thăm không?

VQ Hùng

_____

Các bạn thân mến,

Nhiều thành viên khác của chúng ta cũng cùng nỗi phân vân như thế... Sau khi biết câu chuyện kể thêm của Huỳnh Dũng Nhân dưới đây chắc các bạn sẽ hiểu hơn về điều ấy.


Viết Thêm...

Ngày 25-4-2012, chúng tôi đến thăm nhà chú Bùi Á ở tại khu chung cư Hoàng Anh Gia Lai 2, quận 7. Khu vực này có đến 5 chung cư của Hoàng Anh Gia Lai nên tôi là dân Nhà Bè láng giềng với Quận 7 nhưng cũng bị lạc đường, thành ra Trần Minh ở tận quận 3 nhưng lại là người đến trước. Chiều hôm ấy SG mưa tầm tã. Tôi thật bất ngờ khi thấy Trần Minh trong trang phục thể thao, đi xe đạp thể thao đến, trông cứ như một chàng trai đi tập thể dục bằng xe đạp vậy.

Chúng tôi đã hẹn trước nên cuộc gặp không mấy bất ngờ. Điều bất ngờ là chú Bùi Á tuy trông bên ngoài khá khỏe mạnh nhưng lại bị lãng tai và bị tai biến, hầu như không thể nhận ra chúng tôi, dù chúng tôi lần lượt giới thiệu tên mình và cha mẹ mình, cũng như sự tích hoạt động của Trại trẻ Sơ tán Báo Nhân Dân hiện nay.

Chú Bùi Á đang ở nhà vợ chồng người con trai và các cháu nội trong căn hộ khá đẹp trên lầu 12 của khu chung cư. Chú ngồi nhìn chúng tôi không chớp mắt, cái nhìn của một người đang cố gắng dồn hết trí nhớ để nhận ra điều gì đó từ ký ức. Nhưng gần như vô vọng. Một câu nói rất hiếm hoi của chú thốt lên là nói về...cái đầu hói của Trần Minh. Một động tác mang lại chút le lói về sự nhận biết của chú là khi chú chồm người tới cầm xem chiếc máy ảnh kỹ thuật số loại bỏ túi của kẻ lười biếng chụp hình là tôi. Chiếc máy nhẹ tênh này chắc chẳng gợi nhớ chút gì cho chú về một thời chú tung hoành trong và ngoài nước cùng các chuyến đi chụp ảnh Bác Hồ và các nguyên thủ khi chú còn là phóng viên báo Nhân Dân. Chúng tôi gợi đủ thứ chuyện và kỷ niệm như đã gặp chú ở Đà Lạt, Hà Nội và Sài Gòn những lần trước đây thế nào, các nhận xét về các tác phẩm của chú ra sao... nhưng chú chỉ ngồi im nhìn chúng tôi, mắt chăm chú nhưng không thể ghi nhận điều gì. Có lẽ tuổi tác và thời gian, những lần tù tội bị địch tra tấn và những ký ức buồn của một vài nghi án đã làm chú Bùi Á của chúng tôi trầm lặng hơn trước rất nhiều. Vợ chú đã mất cách đây 4 năm. Niềm vui của chú bây giờ có lẽ là những đứa cháu nội tung tăng chơi đùa trong căn hộ cao chót vót có thể phóng tầm mắt bao quát hết cả khu đô thị mới Phú Mỹ Hưng rực rỡ ánh đèn. Anh Bùi Khanh, năm nay đã 66 tuổi, trầm ngâm nói với chúng tôi: Trước đây làm gì có vi tính mà lưu lại các tác phẩm của ba tôi, giờ chúng tôi đang cố gắng tìm lại, cũng chả biết để làm gì, nhưng nếu tìm lại đầy đủ, có lẽ chúng tôi sẽ giao lại cho các bạn con em Trại trẻ Sơ tán Báo Nhân Dân, những người có tấm lòng với thế hệ cha chú để lưu giữ giùm...

Tôi và Trần Minh đã xúc động thay mặt các bạn Trại trẻ Sơ tán Báo Nhân Dân hứa nếu được gia đình tin tưởng giao phó, sẽ đảm nhận và bảo quản kho tàng tác phẩm vô giá của nhà báo Bùi Á. Trong khả năng của mình, các thế hệ con em Báo Nhân Dân sẽ góp phần làm tài sản ấy của nhà báo Bùi Á tỏa sáng mãi mãi trong lịch sử nhiếp ảnh báo chí Việt Nam.

Huỳnh Dũng Nhân

1/5/12

Thăm chú Bùi Á


TTST BND: Nguyên phóng viên ảnh báo Nhân Dân Bùi Á hiện là hội viên Hội Nghệ sĩ Nhiếp ảnh Việt Nam và cũng là hội viên Hội Liên hiệp Văn học Nghệ thuật tỉnh Lâm Đồng. Lớp con cháu của các nhà báo, phóng viên báo Nhân Dân chúng ta từ những năm trước và trong chiến tranh rất quen thuộc hình ảnh của chú Bùi Á, một phóng viên miền Nam tập kết của báo rất xông xáo, yêu thiếu nhi và đặc biệt yêu nghề, có những bức ảnh của lũ trẻ con Tòa soạn báo do chú Bùi Á chụp còn lưu trên mặt báo hay trong những cuốn an-bom gia đình.

Nhà nhiếp ảnh lão thành Bùi Á sinh năm 1924 ở Phong Điền, Huế, thời kháng chiến chống Pháp công tác tại Ty Tuyên truyền Văn nghệ tỉnh Thừa Thiên – Huế, tập kết ra Bắc công tác tại Báo Nhân Dân. Năm 1965, tại đại hội đầu tiên của Hội Nghệ sĩ Nhiếp ảnh Việt Nam, ông được bầu là Ủy viên thường vụ Ban chấp hành. Tháng 3 năm 1968, ông cùng một đoàn phóng viên lên đường vào chiến trường Trị Thiên Huế, khi đó đang bị Mỹ điên cuồng càn quét để trả thù Tổng tiến công nổi dậy Mùa xuân Mậu Thân của ta và ông bị địch bắt vài tháng sau đó. Vốn là một phóng viên nổi tiếng, Mỹ ngụy biết ngay chúng đã bắt được phóng viên Bùi Á của báo Nhân Dân. Điều đặc biệt mà nay mọi người đều biết là sau khi mua chuộc, tra tấn, đe dọa ông chiêu hồi không được, kẻ địch đã cho người đóng giả giọng ông tuyên bố đầu hàng trên đài phát thanh để thực hiện chiêu bài chiến tranh tâm lý, trong khi chúng đầy ông ra nhà tù Phú Quốc. Năm 1973, sau Hiệp định Pa-ri, ông được thoát khỏi nhà tù Phú Quốc trở về, cùng với các chiến sĩ cách mạng bị giam cầm nhưng vẫn bất khuất khi ấy đã là Người Chiến thắng. Từ đó đến nay, vượt qua tất cả những nỗi truân chuyên, mất mát của cuộc đời, Nghệ sĩ nhiếp ảnh Bùi Á lại tiếp tục cầm máy ảnh và sáng tác, để lại nhiều bức ảnh đẹp cho đời.

CHINH PHỤC ĐỈNH LANGBIAN - ẢNH: BÙI Á
Nguồn: Chi hội Nhiếp ảnh Lâm Đồng
Tháng 10 năm 2006, lần đầu tiên Nghệ sĩ Bùi Á giới thiệu 35 tác phẩm ảnh đen trắng trong bộ ảnh Chủ tịch Hồ Chí Minh của ông, tại triển lãm ở Đà Lạt chung cho ảnh báo chí “Hồ Chí Minh vĩ đại” và ảnh nghệ thuật “Đà Lạt xưa và nay”.

Năm 2007, ảnh của Bùi Á cũng được Hội Nghệ sĩ Nhiếp ảnh Việt Nam giới thiệu trong tác phẩm "Ảnh Việt Nam thế kỷ XX".

Xin giới thiệu với các bạn một hoạt động ý nghĩa mới đây của hội Trại trẻ Sơ tán Báo Nhân Dân, qua nội dung thư từ của các thành viên và bài viết sưu tầm.
_____

Từ: Huỳnh Dũng Nhân
Lúc: 16:26, 27/4/2012
Chủ đề: hình ảnh đến thăm chú Bùi Á

Thân gửi anh chị em Trại trẻ Sơ tán Báo Nhân Dân,

Thực hiện chủ trương nghĩa tình của TTST BND và những tấm lòng từ thiện, chiều thứ Tư ngày 25-4 Huỳnh Dũng Nhân và Trần Minh đã thay mặt Trại trẻ đến thăm chú Bùi Á tại gia đình riêng ở Quận 7 và đã trao tận tay chú Bùi Á số tiền 20 triệu đồng để chú dưỡng bệnh và dưỡng già. Chú Bùi Á năm nay 88 tuổi, sống trên Đà Lạt, gần đây bị tai biến, lãng tai và mất trí nhớ nên xuống Sài Gòn sống với vợ chồng người con trai tên là Bùi Khanh, tại chung cư Hoàng Anh Gia Lai 2, quận 7. Chú Bùi Á và gia đình nhờ Huỳnh Dũng Nhân gửi lời cảm ơn tập thể anh chị em trong Trại trẻ báo Nhân Dân.

Huỳnh Dũng Nhân và Trần Minh là hai người nhận nhiệm vụ đi trao quà cho chú Bùi Á cũng hết sức khâm phục tấm gương yêu nghề của nhà báo Bùi Á cũng như rất cảm kích tấm lòng của các bạn (Huỳnh Dũng Nhân sẽ có bài viết tường thuật chi tiết về chuyến đi thăm này).

Chúc các bạn sức khỏe và thành đạt.
HDN

Đến thăm chú Bùi Á chiều tối hôm 25/4/2012
Trong ảnh: Anh Bùi Khanh (bên trái ảnh) đứng cạnh chú Bùi Á, bên phải ảnh là Huỳnh Dũng Nhân và Trần Minh (ảnh do Dũng Nhân cung cấp)
_____

Từ: Hiếu Dân
Lúc: 17:55, 27/4/2012

Các bạn TTST BND thân mến,

TTST BND chúng ta vừa làm được một việc tuyệt vời, đó là cử hai anh Huỳnh Dũng Nhân, Trần Minh đến thăm và tặng quà chú Bùi Á, hy vọng phần nào giúp chú hồi phục sức khỏe và có cuộc sống tiếp theo thanh thản, vui vẻ hơn.

Thực ra hội TTST BND chúng ta chưa hề có nguồn quỹ đóng góp nào để thăm hỏi, tặng quà cho tất cả các cụ lớp thân sinh ra chúng ta, nhưng mới rồi, nhân có anh em Tri Kỷ ủng hộ, nên mọi người đã cử HD.Nhân và T.Minh thay mặt đến thăm chú Bùi Á.

Cho thông tin được nhanh, xin thông báo với các bạn thành viên TTST BND qua email như vậy.

Mong sao hội chúng ta ngày càng làm được nhiều việc thiết thực, có ích như thế.

Chúc các bạn mạnh khỏe.

Hiếu Dân
_____

Từ: Vũ Quốc Lộc
Lúc: 18:53, 27/04/2012

Chào các anh chị em và các bạn,

Vui quá khi thấy Huỳnh Dũng Nhân và Trần Minh rất nhiệt tình. Đây có thể sẽ là lần mở đầu trong chương trình thăm viếng các cụ của hội Trại trẻ Sơ tán Báo Nhân Dân chúng ta. Mong các anh chị em sẽ tập trung tham gia vào hoạt động này nhiều hơn. Mà thực tế là hội Trại trẻ Sơ tán Báo Nhân Dân, tập thể anh chị em mình đã làm được nhiều việc rất đẹp.

Chúc mọi người sức khỏe.
Vuquocloc
_____

Từ: Vũ Quốc Hùng
Lúc: 20:57, 27/04/2012

Hoan hô Huỳnh Dũng Nhân và Trần Minh đã rất nhiệt tình nhanh chóng tìm được chú Bùi Á và trao quà Tri Kỷ anh chị em TTST BND. Rất mong chú Bùi Á mạnh khỏe, sống thật thọ.

_____

Từ: Việt Phương
Lúc: 21:16, 27/04/2012

Rất mừng hội TTST BND mình lại làm được một việc vô cùng ý nghĩa, đọc tin các anh gửi tới em rất thích, cứ xem đi xem lại, chắc mọi người cũng mừng lắm đây.

_____

TTST BND: Sau đây là bài viết sưu tầm về Bùi Á, người chụp ảnh Bác Hồ - của tác giả Trịnh Chu trên báo Công an Nhân dân (có sửa lại so với bài đăng lần đầu ngày 27/12/2010 trên báo Pháp luật TP.HCM dưới tiêu đề "Gặp người chụp ảnh Bác Hồ")

CAND - 13:49:50 15/05/2011

Các bức ảnh về Bác của nhiếp ảnh gia Bùi Á đều có bố cục đẹp, chọn đúng khoảnh khắc để bấm máy. Hình ảnh Bác tươi cười, trang trọng. Có những tấm ảnh Bác như đang tư lự, nghĩ về đồng bào miền Nam... Mặc dù thời đó chỉ là ảnh đen trắng nhưng nhiều bức ảnh về sau đã thành ảnh nghệ thuật.

Những tác phẩm quý giá

Một buổi trưa, tôi cùng nhà văn Chu Bá Nam cuốc bộ đến nhà nhiếp ảnh gia Bùi Á ở ấp Ánh Sáng, TP Đà Lạt, Lâm Đồng. Tiếp chúng tôi là một ông già có gương mặt chữ điền phúc hậu, đặc biệt đôi mắt rất sáng. Năm nay sức khoẻ đã muốn làm khó ông... nói chuyện lúc quên lúc nhớ, nhưng khi biết chúng tôi muốn tìm hiểu đôi điều về những năm tháng ông được vinh dự chụp ảnh Bác Hồ, nhiếp ảnh gia Bùi Á dường như trẻ ra và hào hứng kể về Bác.

Bác Hồ với đại biểu Quốc hội. Ảnh: Bùi Á.

Cuối những năm 1950 và suốt thập niên 1960 của thế kỷ trước, trên Báo Nhân dân, cơ quan ngôn luận của Đảng, độc giả cả nước rất quen thuộc với cái tên Bùi Á. Đặc biệt là những bức ảnh về Bác Hồ, phía dưới ảnh luôn ghi "Ảnh: Bùi Á", vì ông được phân công chụp ảnh Bác. Đây là một vinh hạnh lớn đối với ông, một người con miền Nam tập kết ra Bắc, được Đảng, Bác tin cậy. Ông đã không phụ lòng tin đó. Các bức ảnh về Bác đều có bố cục đẹp, chọn đúng khoảnh khắc để bấm máy. Hình ảnh Bác tươi cười, trang trọng. Có những tấm ảnh Bác như đang tư lự, nghĩ về đồng bào miền Nam... Mặc dù thời đó chỉ là ảnh đen trắng nhưng nhiều bức ảnh về sau đã thành ảnh nghệ thuật.

Nhiếp ảnh gia Bùi Á sinh năm 1922, tại Thừa Thiên - Huế. Sau chặng đường gần 60 năm sáng tác, trong "tay nải" của ông, không chỉ gom góp rất nhiều tác phẩm mang tính đấu tranh, lịch sử, mà còn có cả những tác phẩm nghệ thuật ghi lại những khoảnh khắc rung động trước chân - thiện - mỹ của con người cũng như thiên nhiên.

Những năm 1955 đến 1968 là thời điểm cuộc chiến đấu chống Mỹ - ngụy diễn ra rất ác liệt, sự hy sinh có thể đến bất cứ lúc nào, cũng là khoảng thời gian Bùi Á cảm thấy hạnh phúc và có ý nghĩa nhất đời mình. Ông được gặp gỡ Bác trong đêm Người bắt nhịp bài ca Kết đoàn ở Vườn hoa Bách Thảo (1960); trong dịp Bác tiếp phái đoàn Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam ra thăm miền Bắc, do Giáo sư Nguyễn Văn Hiếu - Tổng Thư ký Ủy ban Trung ương Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam dẫn đầu vào hạ tuần tháng 10/1962. Đặc biệt, ông là một trong số những người may mắn chứng kiến và nghe câu nói bất hủ của Bác: "Miền Nam yêu quý luôn luôn ở trong trái tim tôi".

Chính từ những thời khắc lịch sử thiêng liêng đó, nhiếp ảnh gia Bùi Á đã có được những tác phẩm vô giá về Hồ Chủ tịch. Chắt lọc trong hàng trăm tấm ảnh ông chụp về Bác, trong triển lãm chung ảnh báo chí Hồ Chí Minh vĩ đại và ảnh nghệ thuật Đà Lạt xưa và nay do Hội Văn học - Nghệ thuật Lâm Đồng đứng ra tổ chức vào tháng 10/2006, 35 tác phẩm ảnh đen trắng của ông ghi lại 35 thời khắc trong cuộc đời Hồ Chí Minh vĩ đại đã được giới thiệu với công chúng yêu ảnh nghệ thuật Đà Lạt, Lâm Đồng.

Nhiếp ảnh gia Bùi Á (người bên phải). Nguồn ảnh: vapa.org.vn.

Chở nỗi niềm qua ống kính

Cả đời ông Bùi Á cháy hết mình với đam mê báo chí và đam mê nhiếp ảnh. Dù đi bất cứ đâu, trong bất cứ hoàn cảnh nào, ông cũng luôn luôn mang theo mình chiếc máy ảnh như vật bất ly thân, như một người bạn tâm giao. Bùi Á đã gửi gắm những phút thăng hoa của mình qua các tác phẩm: Ngây thơ, Chinh phục đỉnh Langbian… Ông mượn ngòi bút và ống kính để chở nỗi niềm của mình rong ruổi cùng thiên nhiên, con người. Hầu hết các bức ảnh của ông đều thể hiện vẻ cái đẹp dung dị, dễ đi vào lòng người. Tuy nhiên, ông không dễ dãi trong cảm xúc và sáng tác. Góc ghi hình của ông rất riêng, riêng trong cung bậc, riêng trong xúc cảm. Đặc biệt, những tác phẩm của ông về Bác không chỉ là niềm vinh dự của riêng ông mà còn là niềm vinh dự của cả một vùng Tây Nguyên hùng vĩ, trong đó có Lâm Đồng tưởng kính hình ảnh người Cha già dân tộc Việt Nam.

Năm nay, kỷ niệm 121 năm Ngày sinh của Bác, nhiếp ảnh gia Bùi Á đã vào tuổi 89, lại thêm căn bệnh thấp khớp hành hạ, nhưng ông vẫn đắm mình với cảnh sắc và con người Đà Lạt... Kho ảnh của ông vẫn ngày một đầy lên. Ông thường hào hứng khoe với bạn bè những tác phẩm mới, quên cả tuổi tác. Nói về kỹ thuật nhiếp ảnh, ông khẳng định: máy có thể cũ song tác phẩm phải mới. Con mắt người nghệ sĩ là yếu tố quyết định.

Gần đây, Bùi Á xuống TP Hồ Chí Minh sống với con cháu, song anh em văn nghệ sĩ và người dân Đà Lạt vẫn nhớ mãi một ông già tầm thước, râu tóc bạc phơ với giọng trầm ấm, thích trao đổi về nghề, sẵn sàng giúp đỡ các đồng nghiệp trẻ và nhất là ít nói về mình.
Trịnh Chu
_____

TTST BND ghi chú: Chính xác thì ông Bùi Á sinh ngày 01/3/1924 (theo tin từ ông Bùi Khanh, sau khi tra cứu hồ sơ).