Như trong một gia đình, các bạn thành viên TTST BND chắc sẽ cảm thấy phần nào tự hào pha lẫn những chia sẻ vui mừng khi thấy ai đó trong chúng ta được mọi người biết đến tài năng thông qua các phương tiện thông tin đại chúng. Điều này xuất phát từ một lẽ rất giản dị. Chúng ta biết, để nhận được sự đánh giá như vậy, bạn của chúng ta đã phải trải qua những năm tháng lao động và phấn đấu không ngừng. Mà lao động và phấn đấu hết lòng chính là những phẩm chất tốt đẹp nhất chúng ta đã tiếp nhận được từ thế hệ trước, cha mẹ mình, từ những năm tháng thơ ấu gian khó của mình.
Chị Hải Đường là một người đã gắn bó với sự nghiệp công nghệ thông tin của ngành thuế từ hàng chục năm nay, hiện đang giữ cương vị Cục trưởng Cục Công nghệ Thông tin thuộc Tổng cục Thuế. Trông cái cách giải quyết công việc hàng ngày bây giờ của chị khó ai có thể tưởng tượng được cô bé mắc tật mút tay ngày nào cách đây …40 năm lại có thể năng động và tháo vát đến như vậy. Năm 2006, chị vinh dự được tôn vinh là một trong bảy lãnh đạo công nghệ thông tin xuất sắc nhất khu vực Đông Dương và nhận giải thưởng của PC World. Không giống với nhiều ngành nghề khác của Việt Nam, ở Bộ Tài chính, việc tin học hóa các hoạt động nghiệp vụ tài chính có liên quan đến sự sống còn của ngành quản lý tài chính nói chung và ngành thuế nói riêng. Mặc dù là đơn vị có chuyên môn thuộc về một lĩnh vực mang tính dịch vụ, song Cục Công nghệ Thông tin có vai trò cực kỳ quan trọng đối với các hoạt động của Tổng cục Thuế. Tin học chính là công cụ đắc lực giúp cho Nhà nước thu được ngân sách quốc gia. Nói đến Hải Đường, người trong cơ quan nghĩ ngay đó là một công chức luôn sâu sát công việc, nắm chắc các vấn đề chuyên môn nghiệp vụ, quan tâm đến đời sống anh chị em làm CNTT. Đối với cấp trên thì đó là một cán bộ luôn nhạy bén kịp thời trước yêu cầu của các đơn vị chuyên môn liên quan, chủ động đề xuất những giải pháp mang tính tự động hóa cao, vừa giảm thiểu những tiêu cực luôn là mối bức xúc của các doanh nghiệp đối với cơ quan thuế, vừa giảm công sức của cán bộ công nhân viên trong ngành. Còn riêng đối với những người làm công nghệ thông tin, trong cũng như ngoài ngành tài chính, nói đến Hải Đường là nói đến một trong số không nhiều người có khả năng cập nhật và tổng hợp thông tin ở tầm vĩ mô.
Các nhà khoa học của Viện Công nghệ Thông tin còn nhớ mãi câu chuyện với chị cách đây gần hai chục năm, khi máy tính vẫn còn là phương tiện chưa gần gũi ở Việt Nam, ngay cả đối với các nhà khoa học chứ không riêng gì với ngành thuế. Hồi đó, khi nhận xét một phần mềm quản lý tài chính do Viện Tin học phát triển, chị đã thẳng thắn kết luận nó không có giá trị sử dụng. Thực tế ngày ấy, trước các quan chức cấp cao của Bộ và các nhà khoa học máy tính hàng đầu Việt Nam thì chỉ có những người táo tợn lắm mới dám phát biểu như vậy. Lý lẽ của chị thật giản dị: chương trình này đem áp dụng ở bộ nào cũng được, ngành nào cũng được thì chứng tỏ nó đã không được viết dựa trên những đặc tính riêng của ngành Tài chính, và như vậy, rõ ràng tính ứng dụng chuyên ngành không cao. Vấn đề chị nêu ra ngày đó đến hôm nay không còn là điều tranh cãi nữa. Nó đã được những hãng phát triển phần mềm lớn trên thế giới như Microsoft, IBM, HP…đúc kết thành lý luận và người ta đã gọi đó là một trong những triết lý công nghệ quan trọng. Nhớ lại khi đó, thế giới công nghệ chia làm hai phe. Một phe thường được gọi là “vị công nghệ” luôn cho rằng xử lý thông tin là ngành hoàn toàn mới với nhân loại, nên nghiệp vụ của nó phải mang tính dẫn dắt, nghĩa là sản phẩm do các nhà phát triển viết ra luôn được xem như mẫu mực về quy trình nghiệp vụ, người dùng phải thay đổi lại toàn bộ tư duy. Suy nghĩ này bất chấp những điều kiện mang tính riêng biệt trong xã hội và kết luận đó khiến cả thế giới lo lắng về một sự tàn phá của “ngành công nghiệp chất xám”. Nhưng phe còn lại thì cho rằng công nghệ thông tin chỉ là công cụ của “tư duy hoàn hảo” và quy trình nghiệp vụ luôn là một khái niệm thay đổi không ngừng theo sự lớn mạnh của công nghệ, vì vậy tư duy đó luôn được xem như hoàn hảo. Các chương trình phần mềm nhất thiết phải phản ánh được quy trình nghiệp vụ vốn có. Và lẽ đương nhiên, khi một quy trình nghiệp vụ còn lạc hậu, nó phải được thay đổi để phù hợp với công nghệ. Cùng với sự lớn mạnh của công nghệ thông tin trong nước, kết hợp với học hỏi tích lũy kinh nghiệm, chị Hải Đường kiên trì đi theo quan niệm đó và thành công đã đến với chị khi những ứng dụng cho ngành thuế hôm nay được người dùng, là các cơ quan nghiệp vụ chuyên môn từ trung ương đến địa phương, là những doanh nghiệp, doanh nhân… đánh giá cao về tính hữu dụng. Với đối tác là các doanh nghiệp công nghệ thông tin được tham gia vào phát triển sản phẩm cho ngành thuế, bên cạnh sự giúp đỡ, tạo điều kiện để họ thực hiện được hợp đồng, chị Hải Đường luôn giữ đúng nguyên tắc bắt buộc họ phải thấu hiểu nghiệp vụ ngành thuế như hiểu chính công việc lập trình của họ. Có người trong số họ khi xong hợp đồng với Tổng cục Thuế đã nói vui: mình giờ có thể đi thuyết trình về bất cứ loại thuế nào của nước Việt Nam. Không những thấu hiểu chuyên môn để theo dõi kiểm tra chất lượng sản phẩm, chị Hải Đường còn trực tiếp tham gia xây dựng quy trình triển khai, giúp đối tác hoàn thành hợp đồng đúng thời hạn. Đối với chị, thực hiện dự án đúng tiến độ là tiêu chí để lựa chọn đối tác, bởi đó chính là thước đo phản ánh trình độ chuyên nghiệp của các doanh nghiệp.
Ngoài công việc chuyên môn, Hải Đường còn rất nhân văn và có duyên với nghệ thuật. Trong chúng ta, ai đã đọc tản văn của chị trên trang blog này của TTST BND đều công nhận khả năng quan sát tinh tế, cách viết dí dỏm mà sâu sắc. Chị tâm sự với bạn bè là trước kia cũng định đi theo nghề viết... Dự định ấp ủ trong chị là cố gắng ghi chép để khi rảnh rỗi sẽ sửa, viết lại, nhằm chia sẻ cùng người đọc những suy nghĩ trăn trở ngày của hôm nay.
Mặc dù có thể gọi Hải Đường là người nổi tiếng ngoài xã hội, nhưng với TTST BND, chị vẫn là một thành viên tích cực. Chị luôn nhiệt tình tham dự những buổi gặp mặt do bạn bè, Ban Liên lạc tổ chức. Vừa là một trong những cây bút tích cực của blog TTST BND, Hải Đường còn là người góp những ý kiến hay để blog hoàn thiện hơn.
Mong sao chúng ta ngày càng có thêm nhiều Hải Đường nữa.
Lưu Phương Bình
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét