25/11/10

“Bất cứ ở đâu, trong bất cứ việc gì, Tôi đều vượt quá giới hạn có thể ” - Đostoevski

Kỷ niệm ngày sinh nhà văn Nga Fyodor Mikhailovich Dostoevsky, 11/11, Vũ Tuấn Hoàng có dịch bài viết nhan đề như trên của Stefan Zweig, đăng tại trang web của Hội Nhà văn. TTST BND trân trọng giới thiệu cùng các bạn.

Hội nhà văn - vanvn.net:
Cập nhật: 16:12:00 11/11/2010
Stefan Zweig ( Nhà văn Áo)
Fyodor Mikhailovich Dostoevsky
Trong một bức thư gửi bạn, Đostoevski không dấu được vẻ tự hào đã tuyên bố một cách hùng hồn như vậy.
Truyền thống - một bức tường thành bằng đá được Quá khứ dựng lên bao vây xung quanh Hiện tại. Ai đó muốn lọt vào Tương lai thì phải vượt qua được bức tường đó. Tuy vậy, thiên nhiên không dung thứ cho sự nấn ná trong nhận thức. Nó rất cần một trật tự song lại yêu thích những ai phá bỏ trật tự đó để giải phóng sức mạnh của chính bản thân mình. Nó luôn luôn tạo nên những con người đi chinh phục, xuất phát từ những bến bờ gần gũi của tâm hồn để ra khơi vượt trùng dương tới những sứ sở xa lạ của Trái tim cũng như những miền đất chưa in dấu chân người của thế giới tâm linh. Nếu thiếu sự vượt ngưỡng này của những con người quả cảm, thì loài người đã bị cầm tù trong chính bản thân mình và sự tiến hoá của con người cũng chẳng khác gì chạy quanh cái cối xay, nếu thiếu những con người truyền tin vĩ đại này, những người vượt lên trên chính bản thân mình, thì các thế hệ sau sẽ chẳng tìm ra được con đường cho bản thân, nếu thiếu những con người mơ mộng vĩ đại này, thì loài người cũng đâu biết được cái sứ mệnh sâu xa của mình.
Trong những nhà văn vĩ đại vượt qua được những giới hạn trong văn chương, Đostoevski là người chiếm vị trí tiên phong. Trước ông, chưa một ai khám phá được trong tâm hồn con người nhiều những miền đất lạ đến như vậy. Trước ông, chưa bao giờ loài người lại nhận thức được một cách sâu sắc cơ chế cũng như sức mạnh phi thường của thế giới tâm linh. Nếu như không có ông bước qua những giới hạn, thì nhân loài sẽ rất hạn chế trong việc nhận biết các bí mật tiềm ẩn của mình. Đứng trên đỉnh cao của tác phẩm Đostoevski, chúng ta phóng tầm mắt về tương lai xa hơn bao giờ hết.
Giới hạn đầu tiên mà Đostoevski đã bước qua - Đó chính là nước Nga. Ông đã phát hiện ra chính dân tộc mình cho cả thế giới, mở rộng khái niệm Châu Âu và là người đầu tiên tạo nên khả năng nhìn thấu tâm hồn Nga như là một phần giá trị của tâm hồn nhân loại. Trước ông, nước Nga chỉ được xem như là danh giới để phận định Âu Á, là một khoảng trống trên bản đồ, một mảnh còn sót lại của một thời thơ ấu man dã của nhân loại. Lần đầu tiên, ông chỉ ra cho chúng ta thấy sức mạnh rời non lấp biển tiềm ẩn trên mảnh đất hoang vu này, qua tác phẩm của ông chúng ta cảm thấy nước Nga như cái nôi sinh ra một niềm tin mới, một chương mới trong bản anh hùng ca của nhân loài. Ông đã làm mầu mỡ thêm trái tim của con người bởi kiến thức và niềm hy vọng. Ông lay động và nhen nhúm lên trong tâm hồn chúng ta dự báo về những khả năng chưa đựơc biết tới. Ông là người đầu tiên đốt lên điểm sáng lung linh của một dân tộc mới và buộc chúng ta phải khao khát mong muốn làm sao để cái đốm sáng rực rỡ như tuổi thơ của nhân loài, thấm đẫm vẻ tươi mát tâm linh được rót chảy vào phần Châu Âu già cỗi, mệt mỏi. Trong cuộc chiến tranh vừa qua, chúng ta đã cảm thấy tất cả những gì chúng ta biết về nước Nga. Chúng ta biết được là nhờ Đostoevski. Ông đã cho chúng ta khả năng cảm nhận được trong đất nước thù địch này một tấm lòng anh em.
Sâu sắc hơn và có ý nghĩa hơn – Đó là quá trình làm giàu văn hoá thế giới bởi tư tưởng Nga ( điều này, may ra chỉ có Puskin đạt được nếu như ở vào tuổi ba bảy ông không bị tử thương trong một cuộc đấu súng) . Còn sâu sắc và ý nghĩa hơn nữa - Đó là sự mở rộng to lớn quá trình tự nhận thức về tâm hồn chúng ta trong văn học. Đostoevski là một nhà tâm lý nhất trong các nhà tâm lý.Chiều sâu của trái tim con người cuốn hút ông một cách ma quái. Cái vô thức, cái tiềm thức, cái bí ẩn – Đó mới là thế giới đích thật của ông. Từ thời Sekspia, chúng ta không được biết nhiều đến như vậy về bí ẩn của thế giới tình cảm, về những qui luật huyền hoặc và sự đan xen hoà quyện giữa chúng, giống như người anh hùng huyền thoại Ođise, người duy nhất trở về từ địa ngục, ông kể về địa ngục của tâm hồn. Cũng giống như Ođise, ông luôn luôn được một thiên thần và một ác quỉ nào đó đi tháp tùng.
Căn bệnh động kinh đã nâng ông lên đến tột đỉnh của các miền cảm xúc mà những người khoẻ mạnh không biết tới được. Nó đẩy ông vào một trạng thái hoảng sợ đến mức kinh hoàng, một trạng thái đã ở bờ bên kia của sự sống. Căn bệnh quái ác đã tạo cho ông khả năng hít thở một bầu không khí lúc thì băng giá lúc lại nóng như hoả diệm sơn của thế giới vô sinh, ngoài sự sống. Như một con thú đêm đi trong bóng tối, ông lại nhìn thấy rõ hơn người khác giữa ban ngày. Trong một trạng thái “hoả diệm sơn” như vậy, người khác thì đã cháy thành tro, nhưng ông lại nếm trải được nhiệt độ đích thực của các cảm xúc. Ông đã sống qua một tâm hồn khoẻ mạnh và rơi vào một tâm hồn không bình thường – chính tại đây ông đã cảm nhận được cái bí ẩn sâu thẳm nhất của sự sống. Ông đã đối diện với sự mất trí. Như một kẻ mộng du, ông bước chênh vênh trên những đỉnh cao của cảm xúc mà nếu phải người bình thường thì đã ngã nhào xuống bất tỉnh. Đostoevski lặn sâu vào tầng tiềm thức bí ẩn, hơn cả các bác sĩ, luật sư, các chuyên gia về tội phạm, các nhà tâm thần học. Tất cả những gì khoa học phát hiện ra và khẳng định sau này, tất cả những gì mà khoa học trong khi thử nghiệm giống như dùng con dao mổ tách khỏi những kinh nghiệm chết cứng các hiện tượng như : thần giao cách cảm, ảo giác, bệnh điên và sự thoái hoá. Đostoevski đã phản ánh chúng nhờ khả năng huyền bí của nhà tiên tri nhìn thấu tương lai và sự đồng cảm. Khi lần theo các cung bậc khác nhau của thế giới tinh thần, Đostoevski đã đạt tới giới hạn của sự mất trí ( vượt ngưỡng của tinh thần) giới hạn tội ác ( vượt ngưỡng của tình cảm) để bộc lộ ra những khoảng không gian bao la chưa từng in dấu chân người của tâm hồn. Khoa học già nua đã gấp trang cuối cùng của cuốn sách và Đostoevski đặt những viên gạch đầu tiên cho nền tâm lý học mới trong nghệ thuật.
Nền tâm lý học mới là một khoa học của tâm hồn với những phương pháp biện chứng của mình. Nó là một nghệ thuật mà trong nhiều thế kỷ được hiện diện như một thể thống nhất không thay đổi và chỉ phục tùng những qui luật mới mà thôi. Trong bộ môn khoa học này, thường có những đột biến, những kỳ tích của nhận thức được thu lượm nhờ có những phân tích và qui định mới, giống như trong hoá học bằng con đường thực nghiệm dần dần giảm đi số lượng các nguyên tố cơ bản có cảm tưởng không thể phân chia được nữa và cho đến ngay nay vẫn tiếp tục tìm thấy những tổ hợp về chất được xem là đơn giản. Đối với tâm lý học cũng vậy, dưới tác dụng của những phân hoá tăng lên, nó hoà tan cái thống nhất của tình cảm vào các hành động và xung đột vô cùng của các tác nhân kích thích khác nhau. Không tính đến sự sáng suốt thiên tài của một số ít người, thì giữa tâm lý học cũ và mới có một dải phân cách là không còn nghi ngờ gì nữa. Từ Hôme cho đến Secxpia, có thể nói rằng chỉ tồn tại một dạng tâm lý đơn tuyến. Con người vẫn chỉ là một công thức bằng xương bằng thịt: Ođisei – tinh ranh, Akhin – Dũng cảm, Aiak - dễ nổi khùng, Hécto – Thông thái...Mỗi một quyết định, mỗi một hành động của những nhân vật này đều trưng ra giữa thanh thiên bạch nhật, trên bề mặt bằng phẳng của ý trí. Và, Secxpia, một nhà thơ đứng trên lằn ranh giới giữa nghệ thuật cũ và nghệ thuật mới, đã tái hiện các nhân vật của mình sao cho những điểm chủ đạo luôn luôn lấn át những làn sóng nổi lên chống lại của bản chất con người họ. Nhưng cùng với đó, ông là người đầu tiên gửi đến cho thời đại chúng ta một mẫu người mới mang tinh thần của thời Trung cổ. Trong nhân vật Hamlet của mình, lần đầu tiên ông tạo dựng nên được một con người hoài nghi, tộc trưởng có một tâm hồn phân hoá hoàn toàn mới. Ở đây, lần đầu tiên –trên tinh thần của tâm lý học mới – ý chí bị bẻ gẫy bởi những chướng ngại, tấm gương tự quan sát được lắp đặt ngay trong chính tâm hồn, con người được tái hiện đang nhận thức chính bản thân mình và sống một cuộc sống hai mặt - cả bên trong lẫn bên ngoài. Con người tư duy trong hành động và biểu hiện bản thân trong tư duy. Ở đây lần đầu tiên con người sống như chúng ta cảm nhận cuộc sống và cảm như chúng ta cảm bây giờ - sự chân thật. Trong lúc chạng vạng của nhận thức : Hoàng tử Đan Mạch còn bị bao phủ bởi bao thứ màu mè của thế giới hư ảo. Thay vào ước mơ và những dự cảm, nước hoa và các loại rượu thần bí đã tác động lên trí óc đang run rẩy của chàng. Nhưng, chính ở đây đã xảy ra một sự kiện tấm lý quan trọng : Sự phân đôi tình cảm. Một khoảng trời mới của tâm hồn được phát hiện và đặt nền móng cho những nhà nghiên cứu trong tương lai. Các nhân vật lãng mạn của Bairơn, Gớt, Sheli và Vonter, cảm nhận được sự mẫu thuẫn vĩnh cửu giữa dục vọng của bản thân và thế giới lạnh lùng bên ngoài. Bằng các cảnh báo của mình, họ đã góp phần tác dụng lên quá trình phân chia cảm xúc về mặt hoá học. Khoa học chính xác thời đó đã cung cấp thêm một số kiến thức quí giá. Thế rồi Stanđan xuất hiện. Ông biết còn nhiều hơn tất cả các bậc tiền bối, về sự kết tinh của các trạng thái tình cảm, về tính đa diện và phức tạp của cảm xúc và khả năng biến hoá của chúng. Ông tiên cảm được sự giằng co bí ẩn của trái tim đối với mỗi quyết định của mình. Song, sự lười biếng tâm linh nằm trong chính thiên tài của ông, rồi cái uể oải bất cần đời của tính cách đã cản trở ông rọi sáng toàn bộ cái năng động của vô thức.
Chỉ có Đostoevski, một người chuyên phá huỷ sự thống nhất, một nhà nhị nguyên vĩnh cửu, mới đột nhập vào được cái lĩnh vực bí ẩn này. Nếu như ông không tạo dựng được một cách hoàn chỉnh phương pháp phân tích tình cảm thì cũng chưa có ai làm được điều đó. Thế giới tình cảm thống nhất của nhà văn bị băm nát ra giống như ở chính các nhân vật của ông – tâm hồn có một cấu trúc hoàn toàn không như những người khác. Trước ông, có nhà văn nào đó đã tiến hành những phân tích tâm hồn táo bạo nhất, thì cũng trở nên hời hợt nông cạn nếu đặt cạnh bên các tác phẩm của Đostoevski. Điều này có thể so sánh với quá trình phát triển của kỹ thuật điện tử ba chục năm trước đây : lúc đó mới chỉ phôi thai những nguyên tắc khởi thủy đầu tiên, chưa hề có những nội dung chi tiết và cơ bản. Trong môi trường tinh thần của ông không có thứ tình cảm đơn giản, những nguyên tố không thể chia cắt : bất cứ tình cảm nào cũng chỉ là chiếc đồng hồ đo điện, một hình thức nhất thời, chuyển đổi, quá độ. Trong quá trình biến hóa và hòa nhập bất tận, tình cảm chuyển động một cách run rẩy và loạng choạng, song cuộc tranh cãi điên cuồng giữa ý chí và sự thật khiến tâm hồn chao đảo. Khó khăn lắm mới đạt được những nên tảng cuối cùng cho quyết định hay mong ước, nhưng rồi lập tức những nền tảng mới, sâu sắc hơn lại mở ra. Lòng căm thù, tình yêu, những khát vọng ngọt ngào, sự yếu đuối, tính háo danh, kiêu hãnh, háo quyền lực, khiêm nhường và lòng kính trọng sâu sắc – tất cả những dục vọng này hòa quyện đan xen vào nhau…
( Còn tiếp)
( Trích trong tuyển tập :
Nhà Văn viết về Nhà Văn – Vũ Tuấn Hoàng biên soạn và dịch)
“Bất cứ ở đâu, trong bất cứ việc gì, tôi đều vượt quá giới hạn có thể ” - Đostoevski (Phần II)
Cập nhật: 10:06:00 24/11/2010
Trong các tác phẩm của Dostoevski – Tâm hồn là cả một thế giới hốn loạn và thiêng liêng. Nhân vật của ông có những kẻ nát rượu vì nỗi buồn nhớ sự trong sạch, kẻ tội phạm vì khao khát ăn năn hối cải, kẻ hiếp dâm vì tôn thờ cái trinh trắng, kẻ phỉ báng Thượng đế vì nhu cầu tín ngưỡng. Nếu như nhân vật của ông mong muốn điều gì, thì niềm hy vọng thực hiện nó luôn giằng co với khả năng không thực hiện được. Sự ngang bướng của họ, nếu dàn trải ra đến tận cùng, không là gì khác ngoài sự xấu hổ bị dấu kín. Tình yêu của họ - Một biến thái của lòng căm thù và lòng căm thù – lại ẩn chứa trong đó tình yêu. Mặt đối lập này sản sinh ra mặt đối lập khác. Nhân vật của ông ưa khoái lạc vì khao khát đau khổ, tự hành hạ bản thân vì tìm kiếm khoái lạc. Trong cái vòng xoáy điên cuồng, cơn lốc của ý chí cũng xoay vần điên đảo theo. Họ cảm thấy thành đạt trong niềm khát khao cháy bỏng, còn trong thành công lại đã có hương vị của sự ghê tởm, phạm tội ác để hưởng sự ăn năn sám hối, lúc xám hối đã có cảm giác của phạm tội. Thật chẳng khác môn lộn nhào, muôn mặt của cảm xúc. Việc làm của bàn tay họ - cũng chưa hẳn xuất phát từ trái tim họ. Ngôn ngữ của trái tim họ - cũng chưa hẳn là thứ ngôn ngữ phát ra từ cửa miệng. Trong từng tình cảm riêng biệt đã tồn tại sự phân chia, đa dạng và đa nghĩa.
Khó tìm thấy ở Dostoevski sự thống nhất của tình cảm, khắc họa con người trong mạng lưới của khái niệm. Chúng ta vẫn xem nhân vật Fedora Karamazov là kẻ hám sắc dục : khái niệm này dường như làm khô cứng bản chất con người anh ta. Tuy nhiên, Xvidrigailov hay chàng sinh viên vô danh trong tiểu thuyết “ Chàng thanh niên” – cũng là những kẻ hám dục. Thật là một trời một vực giữa hai con người này, giữa các tình cảm của họ. Xvidrigailov hám dục một cách lạnh lùng, một sự trụy lạc vô hồn, anh ta tính toán các chiến thuật tha hóa của mình. Còn hám dục của Karamazov – đó là khát vọng sống, sự trụy lạc được dồn đẩy đến mức ngụp lặn trong rác rưởi, một ham muốn sâu xa được vùng vẫy dưới đáy tận cùng của cuộc sống chỉ vì đấy mới là đích thực cuộc sống, khoan khoái tận hưởng sự đê tiện nhất bởi vì đây mới chính là sự thăng hoa của sức sống. Một người hám sắc dục vì buồn chán, người kia – dư thừa tình cảm, cũng tương tự như vậy : một người đầu óc bị kích thích một cách bệnh hoạn còn người khác lại là ngọn lửa hừng hực đốt cháy thường xuyên. Một mặt - Xvidrigailov là người có độ hám sắc trung bình, một tay trụy lạc, một sinh vật nhỏ bé tầm thường, một thứ côn trùng biết cảm nhận, còn chàng sinh viên vô danh – lại là sự trụy lạc của một tâm hồn nổi loạn.
Chúng ta nhìn thấy : nhiều ranh giới tình cảm được dựng lên giữa những con người cùng được xếp vào chung một khái niệm. Riêng chỉ khái niệm hám sắc dục đã được phân chia ra ra thành những nhánh nhỏ bí ẩn riêng.Mỗi tình cảm, mỗi trạng thái rung động ở Đostoevski luôn luôn đựơc đẩy đến chiều sâu tột cùng, đến cội nguồn của mọi sức mạnh, đến mâu thuẫn cuối cùng giữa “ tôi” và thế giới, giữa sự khẳng định “ cái tôi” và sự tự hy sinh bản thân, giữa lòng kiêu hãnh và sự nhẫn nhục, giữa sự phát tán và sức mạnh của lực ly tâm , giữa sự tự đề cao bản thân và tự hạ thấp bản thân, giữa cá thể và Thượng Đế. Có thể gọi những cặp phạm trù mẫu thuẫn này theo đòi hỏi của từng trường hợp riêng biệt, song đây luôn luôn là những tình cảm mâu thuẫn khởi thủy và cuối cùng giữa thể xác và tinh thần. Trước Đostoevski, chưa bao giờ chúng ta biết được nhiều như vậy về sự phong phú của tình cảm, về sự phức tạp đan xen của chúng trong tâm hồn con người.
Song tuyệt diệu hơn tất cả là Đostoevski đã phân chia nhỏ một thứ tình cảm đặc biệt nhất - đó là Tình Yêu. Đây là công lao vĩ đại nhất của ông. Từ thời kỳ cổ đại, tiểu thuyết hay nói đúng hơn là cả nền văn học đã tập trung cả vào cái tình cảm trung tâm giữa đàn ông và đàn bà như cội nguồn của sự tồn tại. Và, nhà văn đã nghiên cứu thứ tình cảm này đến tận cùng, vút lên cao hơn cùng với nó và cũng lặn xuống sâu hơn cùng với nó để đạt được sự nhận thức cuối cùng trọn vẹn. Đối với các nhà văn nhà thơ khác, Tình yêu là mục đích cuối cùng của cuộc sống, là mục đích của sự phán ánh trong các tác phẩm nghệ thuật. Những đối với Đostoevski, tình yêu không phải là yếu tố đầu tiên mà chỉ là một cấp độ sống. Đối với những người khác, giọng nói của sự hòa giải vang lên, mọi mẫu thuẫn đựơc giải tỏa trong cái khoảnh khắc vĩ đại khi tình cảm tự nhiên và siêu tự nhiên, khi hai giới tính hoàn toàn tan biến đi trong một cảm giác siêu phàm. Mọi xung đột trong cuộc sống ở các nhà văn khác trở nên nghèo nàn đến nực cười nếu đem so sánh với Đostoevski . Tình yêu chạm đến con người như một cây đũa thần từ trên thiên giới, là điều bí ẩn là phép thần thông vĩ đại nhất khó lòng lý giải và cũng không cưỡng lại được của cuộc sống. Khi người ta yêu : anh ta là người hạnh phúc nếu cô gái thuộc về anh và bất hạnh nếu chỉ có tình yêu đơn phương. Tình yêu cả hai phía là đỉnh cao chói lọi, là bầu trời của các nhà thơ trên thế giới. Song, bầu trời của Đostoevski còn cao hơn. Vòng tay ôm chặt đối với ông chưa phải là sự hòa hợp, sự hài hòa chưa hẳn là đồng nhất. Đối với ông tình yêu là một hạnh phúc không thể đạt được, không phải là sự dung hòa mà là khởi đầu của mâu thuẫn, là nỗi đau tái phát của một vết thương vĩnh cửu, là đau khổ dữ dội vì cuộc sống hơn ở những thời điểm bình thường khác. Khi các nhân vật của Đostoevski yêu nhau, họ bị mất đi sự bình yên. Trái lại, hơn bao giờ hết họ bị trấn động bởi các mâu thuẫn về sự tồn tại của mình trong thời điểm khi tình yêu gặp gỡ tình yêu. Họ không cho phép bản thân chìm ngập trong trạng thái mãn nguyện: Họ còn cố gắng nâng cao lên hơn nữa. Những đứa con đích thực của sự bất đồng bộ kiểu Đostoevski không bao giờ dừng lại ở khoảnh khắc này. Họ khinh bỉ sự cân bằng yên ả của những giây phút này (những giây phút mà đối với người khác là tột cùng của hạnh phúc) khi mà đôi uyên ương yêu nhau thắm thiết. Nếu có thể gọi đây là sự hài hòa, là giới hạn, thì các nhân vật của ông lại sống vì cái vô giới hạn. Họ không muốn yêu như những người khác vẫn thường yêu. Họ khao khát yêu và luôn luôn trở thành nạn nhân. Họ cho nhiều hơn nhận. Họ luôn ở trong một cuộc tranh đua cuồng loạn của tình cảm cho đến khi nào trò chơi êm dịu thoạt đầu chưa trở thành tiếng gào thét, sự đau khổ hay một cuộc ẩu đả thực sự.
Các nhân vật của Đostoevski chỉ hạnh phúc trong trạng thái tình cảm bị kích động tột độ, khi bị người đời hắt hủi, khinh rẻ, miệt thị, bởi vì lúc đó họ cho, họ hiến dâng và không hề đòi hỏi điều gì, bởi vì ông là một tay lão luyện của nghệ thuật tương phản, lòng căm thù cũng giống như tình yêu và tình yêu cũng chả khác gì lòng căm thù. Trong những khoảnh khắc ngắn ngủi, khi mà họ giường như yêu nhau với một sức mạnh cân bằng thì đúng lúc sự thống nhât của tình cảm bị nổ tung – các nhân vật của Đostoevski không bao giờ có thể yêu nhau đồng thời vừa bằng tình cảm vừa bằng tâm hồn, họ yêu hoặc bằng tình cảm này hoặc tình cảm kia – không bao giờ có sự hài hòa giữa thể xác và tinh thần.
Chúng ta hãy thử nhìn xem các nhân vật nữ của ông ra sao : tất cả họ đều là kiểu phụ nữ như Kunđri ( nhân vật nữ trong vở ca kịch cổ điển Pasifal của Verner – 1857- ND) tồn tại đồng thời trong hai thế giới của tình cảm. Bằng tâm hồn, họ phụng sự Thánh Glalia, nhưng đồng thời họ cũng trác táng đốt cháy thân thể mình tại các vườn hoa của Titurel.Tình yêu hai mặt là một trong những hiện tượng phức tạp nhất đối với nhiều nhà văn, song lại là rất đỗi bình thường và rất đỗi tự nhiên đối với Đostoevski. Nastasia Philipovna trong tiểu thuyết Thằng Ngốc đã yêu công tước Miskin, một thiên thần ủy mị bằng cái phần tinh thần của mình và yêu Rôgzin, kẻ thù của Miskin bằng những đam mê thể xác. Trên ngưỡng cửa của Nhà thờ, cô ta đã rời bỏ công tước để đâm bổ vào giường với người khác, rồi sau khi rượu chè bê tha say lướt khướt lại quay trở lại với vị cứu tinh của mình. Tình thần của cô từ trên cao kinh hãi nhìn xuống những việc làm của thể xác. Thể xác thiếp đi như bị thôi miên khi tâm hồn cô thăng hoa. Điều này cũng xảy ra với Grusenka, cô đồng thời vừa yêu lại vừa căm thù kẻ quyến rũ đầu tiên mình, yêu cháy bỏng Đmitry của mình, song lại cũng phải lòng Aliosa da diết về tinh thần. Người mẹ trong “ Thời niên thiếu” yêu vì lòng biết ơn đối với người chồng đầu tiên, song đồng thời vì những tình cảm phụ thuộc, nô lệ, vì sự cam chịu thái quá vẫn yêu Versilov.
Các nhà tâm lý học dễ tính khác đã đem nhốt chung vào một từ “ Tình yêu” những biến thái của một khái niệm vô giới hạn, không đong đếm được. Đó cũng chính là hiện tượng thời xưa, các bác sĩ đã gộp nhiều nhóm bệnh lý vào một tên gọi mà ngày nay chúng ta có danh sách hàng trăm tên bệnh, hàng trăm phương pháp chữa bệnh. Tình yêu ở Đostoevski có thể biến thái thành lòng căm thù ( nhân vật Aleksandr) thành sự đồng cảm ( Đunhia) tính bộc trực lỗ mãng (Rôgozin) tính đa cảm ( Fêdo Karamzin) hoặc là một kiểu áp lực đối với bản thân, song đằng sau Tình yêu bao giờ cũng là một tình cảm gì đó rất khác và mang tính chất khởi thủy. Không bao giờ có chuyện tình yêu trong tác phẩm của ông lại không lý giải được, không phân chia được, lại là một cái gì đó kỳ diệu hay một hiện tượng nguyên thủy không bình thường. Ông luôn luôn lý giải, phân chia cái tình cảm cháy bỏng nhất này. Những biến thái tình cảm này thật vô giới hạn! Mỗi trạng thái tình cảm lại lấp lánh như cầu vồng bảy sắc, lúc băng giá vì lạnh lúc lại hừng hực hỏa diệm sơn. Vô cùng tận, đầy bí ẩn như chính cuộc sống đa diện vậy. Xin được lấy chỉ một ví dụ : nhân vật Katerina Ivanovna. Cô gặp gỡ Đmitri tại vũ hội. Anh đã tỏ ý không mặn mà với mong muốn làm quen của cô. Điều này khiến cô bị sỉ nhục. Cô căm thù anh. Anh trả thù lại và rẻ rúng cô. Và thế là cô phải lòng anh, chính xác hơn là cô yêu không phải bản thân anh mà yêu cái “rẻ rúng” của anh. Cô đưa mình ra làm vật hy sinh cho anh và nghĩ rằng yêu anh. Song, cô chỉ yêu cái tinh thần xả thân của chính mình mà thôi. Cô càng tưởng rằng yêu anh bao nhiều thì cũng lại càng căm thù anh bấy nhiêu. Lòng căm thù này đổ sập vào cuộc đời và hủy hoại con người anh. Trong cái khoảnh khắc khi cô làm hỏng cuộc đời anh, sự hy sinh bản thân của cô lộ ra mặt giả dối của nó, khi sự “rẻ rúng” được phục thù – thì lại là lúc cô yêu anh. Lưới tình của Đostoevski thật vô cùng rắc rối. Làm sao có thể so sánh được cái mê cung bí ẩn này với những cuốn sách được kết thúc bởi hai người yêu nhau và tìm thấy nhau giữa bao nguy hiểm của cuộc đời? Ở chỗ nào người đời thường đặt dấu chấm hết thì ở đó bi kịch của Đostoevski mới bắt đầu. Ông không tìm thấy ý nghĩa và khúc khải hoàn của thế giới này trong tình yêu, càng không phải trong sự hài hòa ấm cúng của người đàn ông và người đàn bà. Ở đây, ông tiệm cận lại gần với những truyền thống vĩ đại của cổ xưa, nơi mà ý nghĩa cũng như sự vĩ đại của cuộc đời trần thế không phải ở việc chiếm đoạt người đàn bà mà là trong công cuộc chinh phục thế giới và thần linh. Ông sản sinh ra kiểu người không hướng cái nhìn vào người đàn bà mà hướng mặt mình về phía Thượng Đế. Cái bi kịch của ông cao cả hơn nhiều cái bi kịch giới tính, bi kịch của người Đàn bà và người Đàn ông.
Nếu thấu hiểu Đostoevski trong chiều sâu nhận thức này, trong sự phân chia đầy đủ các cảm xúc thì sẽ sáng tỏ một điều : xuất phát từ ông không có con đường ngược lại, trở về quá khứ. Nếu nghệ thuật muốn chân thực, nó không thể làm cái công việc phục hồi những bức tranh thánh rẻ tiền của tình cảm đã bị vỡ nát, không cần phải làm những cuốn tiẻu thuyết cho một giới nhỏ hẹp của xã hội và tình cảm, không cần phải cố gắng che đậy những mảng còn bí ẩn của tâm hồn. Đostoevski đã trao vào tay chúng ta một thông điệp về con người và làm giàu tri thức của chúng ta còn hơn nhiều phát minh trước đó. Không ai có thể đo đếm được, trong suốt năm chục năm kể từ khi sách của ông ra đời, chúng ta giống các nhân vật của ông đến mức nào, rồi bao nhiêu những tiên tri của ông trở thành hiện thực trong huyết quản chúng ta, bao nhiêu những viễn tri đã được biện giải trong thế giới tâm linh của chúng ta! Những miền đất mới mà ông là người đầu tiên đặt chân tới – có thể, đã là mảnh đất của chúng ta. Những giới hạn mà ông đã vượt qua – là quê hương đích thực của chúng ta.
Những chân lý cuối cùng mà chúng ta ngày nay trải qua, đã được chính Đostoevski đích thân khai mở như một nhà tiên tri. Ông khai thác được những kích thước hoàn toàn mới lạ của chiều sâu bản thể con người : không có một người trần mắt thịt nào sống trước ông lại thấu hiểu được nhiều bí ẩn của tâm hồn như ông. Song cũng thật lạ : ông đã mở toang đến vô cùng hiểu biết của chúng ta về chính chúng ta, dạy chúng ta nhiều điều bổ ích, song đồng thời chúng ta cũng học được ở ông cái tình cảm cao thượng của sự ẩn nhẫn, nhún nhường, học được cách cảm nhận tính huyền hoặc của cuộc sống. Nhờ có ông, chúng ta trở nên giác ngộ hơn, song sự giác ngộ này không nô dịch mà giải phóng tâm hồn chúng ta hơn. Điều này cũng giống như những người đương thời cảm thấy được sự hùng vĩ của ánh chớp cũng không kém gì những thế hệ trước họ cho dù người ta đã biết được bản chất của hiện tượng tự nhiên này và gọi nó là sự tích tụ và phóng điện khí quyển. Cũng như sự hiểu biết về cấu trúc của hệ thần kinh con người không hề làm giảm đi sự ngưỡng mộ sùng kính nhân loài. Chính Đostoevski đã chỉ ra cho chúng ta tất cả các thành tố của tâm hồn. Nhà phân tích, nhà giải phẫu tâm hồn vĩ đại đã khai mở một thế giới tình cảm sâu rộng và khái quát còn hơn tất cả các nhà thơ của thời đại chúng ta. Ông thấu hiểu con người sâu sắc hơn bất kỳ ai sống trước ông, hơn bất cứ ai có lòng thành kính đối với những điều không thể hiểu nổi – đối với thế giới thần linh, đối với Thượng Đế.
( Trích trong tuyển tập :
Nhà Văn viết về Nhà Văn – Vũ Tuấn Hoàng biên soạn và dịch)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét